Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Bàn về biểu tượng “Cóc” trong dân gian

Tranh dân gian Thầy đồ Cóc
TMT: “Văn hoá là những gì còn đọng lại”, và những gì còn lại đó chắc chắn phải có nguyên do, đẹp đẽ, có giá trị và nhất là phải có ích cho sự tiến hoá của con người, loài người chúng ta. Việc tìm kiếm, phát hiện những thông điệp bí ẩn và những giá trị bên trong các di sản mà tổ tiên để lại là điều hết sức có ý nghĩa và thú vị.
Không ít người luôn ao ước có được sự thông minh và cái nhìn Minh Triết để có thể giải mã, đọc được những thông điệp bí ẩn của tổ tiên trên những công trình kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc, hội hoạ, văn thơ,…. Những hình vẽ trên bãi đá cổ Sa Pa hay những hoa văn khắc hoạ trên Trống Đồng nói lên điều gì, những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống hay tranh thờ của đồng bào dân tộc  chắc hẳn cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Cũng có khi đơn giản đó chỉ là những nét vẽ phóng khoáng, đầy lãng mạn của người xưa để thách thức trí tưởng tượng của người đời và hậu thế.  

Tác giả bài viết đã phân tích, đánh giá khá kỹ về bức tranh “Thầy đồ Cóc”, chúng tôi chỉ bổ sung thêm một số cảm nhận của mình bên cạnh những phát kiến đó của tác giả.

Về giáo dục, một bức tranh cổ nhưng lại phản ánh một triết lý giáo dục hiện đại, bức tranh mang dáng dấp của một nền giáo dục mà chúng ta đang được thấy ở những nước có nền giáo dục hiện đại (Mỹ, Úc, Phần Lan,…). Thầy giáo không cần giáo trình, không cần sách giáo khoa, trong lớp thì đủ loại thành phần, trình độ khác nhau, có nhóm đang trả bài, có nhóm đang tra cứu “sách vở, thư viện” và “thảo luận”, có cả bọn trẻ con đang vui chơi, bò lổm ngổm dưới “chân thầy”. Có trò lại được/ bị phụ huynh “cưỡng bức” tới lớp - phải học bởi “phi học bất thành nhân”. Rồi có em phải “vừa học, vừa làm”, phải lao động, phải thực hành chứ không phải chỉ học cái chữ. Màu sắc, kích cỡ, hình thù của 12 nhân vật (cóc, nhái, ếch,…) thật sinh động và phong phú, đúng là “muôn mặt đời thường” vậy. Thầy Cóc phải rất uyên bác lại uy nghiêm, tận tâm nên đã thấy được cái chung, cái sự hài hoà để vận hành tốt được cái lớp học nhiều thành phần này, có lẽ Thầy thấy được cái lẽ căn cốt của đất trời đó là “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”.

Chúng ta không thấy được cảnh các em học sinh “ngoan ngoãn” chăm chú nghe giảng, khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng một cách quá ư gò bó, thụ động để rồi mất đi cái tự do, sức sáng tạo, dám thể hiện tự do ý chí của mình. Thật là thú vị cho cái lớp học lý tưởng của người xưa, và những ai đang lo lắng, trăn trở cho nền giáo dục nước nhà xin đừng quên những lời nhắn gửi của tổ tiên Việt tộc về cái sự học.

Về biểu tượng Cóc trong dân gian, chúng ta ngày nay có lẽ kém lãng mạn hơn tổ tiên ta ngày xưa rất nhiều, thật vậy, chúng ta thường chỉ nhìn thấy bọn “cóc, nhái” là loài vật xấu xí, thô kệch, tanh tưởi, thấp kém. Nhưng các cụ ngày xưa lại có cái nhìn khác: Bên trong một hình hài meo mốc, bé nhỏ kia lại ẩn chứa một sức mạnh (tinh thần) phi thường: gan cóc tía, kẻ từng vác đơn đi kiện “Trời”, kiện cả “Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực đại thiên tôn”, mà không kiện một mình, cho riêng mình đâu nhé mà biết tổ chức, tập hợp, lôi kéo “khiếu kiện đông người”, đấu tranh cho lợi ích của số đông - giành quyền được sống khi thấy rằng thói quan liêu, tắc trách, bất công của “Thiên Đình” làm cho bà con sắp “chết khát”, đến 3 năm không có một giọt mưa!.

Truyện dân gian Trê kiện Cóc cũng rất thú vị, vợ chồng Cóc do có chính nghĩa và kiên nhẫn cuối cùng thắng kiện nhà Trê và làm công lý được thực thi bất chấp thói nhũng nhiễu, chạy chọt kiểu “nén bạc đâm toạc tờ giấy” của toà án, công quyền. Rồi chuyện cổ tích rất có hậu về Hoàng tử Cóc cũng chuyển tải cho hậu thế một thông điệp mang ý nghĩa giáo dục rằng xin đừng đánh giá thấp con người ta bằng sự hời hợt của vẻ bề ngoài. Phải tâm niệm rằng: “Xưa nay những bậc thánh nhân/ Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ” (“Thị dĩ thánh nhân, bị hạt hoài ngọc”, Đạo Đức Kinh, Lão Tử)./.
Xem bài viết tại Blog Viên Như: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét