Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Cùng nơi Ngôn Cú – Châm Ngôn của trí thức

Nguyễn Khắc Mai
Tượng Trần Nhân Tông

          Ai nêu ra châm ngôn này?. Xin thưa đó là Trần Nhân Tông (1258-1308). Trước hết, để cảm thụ được câu châm ngôn này xin nói đôi điều về tác giả lời nói ấy. Đó là vị vua thứ ba đời Trần. Ngài lớn lên trong thế nước Đại Việt hưng thịnh, vốn không thích làm vua, đã từ chối ngôi báu cho đến khi vua cha “ép”, mới đành nhận. Ngài trở thành vị minh quân, nhà vua sáng suốt tài đức. Ngài đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi vào năm 1285 và 1288. Là vị Phật Hoàng khai mở dòng Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, là một thi gia, tác giả của những bài thơ, phú đẹp về hình ảnh và ngôn từ, giàu chất triết mỹ thiền học. Lại là người sớm nhất làm phú bằng chữ Nôm.

          Cùng nơi ngôn cú là một mệnh đề tư tưởng rất sâu sắc, trích từ bài Phú cư trần lạc đạo, hội thứ 8. Nó xứng đáng là một phương châm của Văn hóa Việt, nó phải là châm ngôn của giới trí thức nước nhà. Châm ngôn nghĩa là lời nói câu viết có ý nghĩa phổ quát, sâu sắc được khắc ghi, viết lại treo trước mặt để nhớ, để noi theo. Nó là một yêu cầu của hoạt động tư duy, của học hỏi và sáng tạo triết lý, khoa học. Nó là yêu cầu của văn hóa.
          Ngôn cú, hiểu theo nghĩa đơn là lời nói, là câu chữ. Nghĩa kép là mọi hoạt động văn hóa, tinh thần, khoa học, công việc của giới trí thức. Yêu cầu đặt ra là mọi việc của trí thức, nghiên cứu, học hỏi, trước thuật, phải cố gắng đi cho đến tận cùng. Công việc “ngôn cú” chỉ có thể dừng lại ở nơi tận cùng, cao nhất, sâu nhất, tốt đẹp nhất.
          Tại sao đầu đời Trần lại có được một tư tưởng cao đẹp như vậy?. Nó trở thành một giá trị minh triết, sự khôn sáng trong công việc nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo. Chúng ta nhớ lại đầu đời Trần, cái phong khí Đông A1 của tinh thần tự chủ, tự cường rất cao. Tinh thần tin vào con người. Phật (điều tốt đẹp nhất ...) là ở ngay trong từng người (Chỉn Bụt là ta). Rất phóng khoáng, không hề giáo điều. “Bụt là Bụt. Anh là anh. Anh không cần làm Bụt. Bụt chẳng cần làm anh” (Cuộc trò chuyện của Tuệ Tung Thượng sĩ với Linh CẢm thái hậu).
          Cái nhu cầu vươn lên về văn hóa để khẳng định tư cách văn hiến riêng của mình trong đối sánh với thiên triều, với khu vực, khiến cho sự thôi thúc bừng nở những giá trị tư tưởng minh triết nơi những con người của “nhóm xã hội định hướng” thời ấy rất mạnh mẽ.
          Ta cũng nhớ lại, cả ngàn năm trước đó nữa, nho gia, trong sách Đại học cũng mở đầu bằng câu: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Nghĩa là cái đạo của đại học ( nền học lớn lao, tư tưởng lớn, nhiệm vụ công việc lớn và có thể cả “người lớn” – bậc hiền đức, ta có thể hiểu thêm là người lớn tuổi, trí lớn) là ở chỗ làm sáng được đức sáng. Đức sáng có thể hiểu là đạo lý phát triển của một con người, một quốc gia dân tộc. Là ở chỗ (có thể) làm mới được con người và xã hội. Cụ Hồ còn dẫn là “tại thân dân” để nhấn mạnh tinh thần yêu quý nhân dân (Xem bài nói vói lớp chỉnh huấn trí thức 1956). Là ở chố “chí thiện”, nghĩa là cực kỳ tốt đẹp, cực kỳ giỏi giang. Như thế điểm dừng của nền Đại học của nước ta là ở chố chí thiện (rất tốt đẹp, rất “thiện”), cũng tức là phải “cùng nơi ngôn cú”. Đáng tiếc là nền đại học của ta hiện nay của ta còn quá cũ kỹ, lạc hậu. (!)
          Đáng phải suy nghĩ là văn hóa Việt Nam sau thời thịnh Trần dần dần đã giẫm vào lối học thiên về khoa cử, sao chép, sùng mộ Khổng nho, Tống nho. Những trường hợp muốn “cãi” lại “chư nho” bên Tàu như Trần Minh Tông, Nghệ Tông, Hồ Quý Ly là rất hiếm. Trong nền học cũ, một thời gian dài đến năm bảy trăm năm các triều đại đều coi văn hiến Trung Hoa là đỉnh cao duy nhất, là duy nhất đúng và tốt, đã đánh mất tinh thần Đông A về văn hóa là phải “cùng nơi ngôn cú”. Rồi mất nước vào tay thực dân Pháp. Trong tình trạng ấy chúng ta khó “cùng nơi ngôn cú”.
          Nhưng điều phải trăn trở nhiều hơn là bước vào thời kỳ Dân tộc kiến tạo nền Độc lập mới ở thời hiện đại, tinh thần “cùng nơi ngôn cú” chưa hẳn đã là châm ngôn, là phương thức là lối sống Trí thức. Giáo điều, sao chép, minh họa, dừng lại nửa vời và tiếp tục vọng ngoại với thái độ không “duy nho” thì “duy Mã”2. May mà ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật cái vòng kim cô ý thức hệ máy móc, giáo điều vọng ngoại, ít bị ảnh hưởng nên đã có một số Hoàng Tụy, Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu đã vươn tới “cùng nơi ngôn cú” trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
          Để cho trí thức coi “cùng nơi ngôn cú” là châm ngôn, là phương thức là lối sống của mình, vươn lên đạt tới những đỉnh cao của trí tuệ, của khoa học đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn, hãy làm theo mách bảo của Hồ Chí Minh: Trí thức phải tự do tư tưởng. Mọi việc phải thảo luận tới cùng để tìm ra chân lý. Hồ Chí Minh còn nói rõ: “Tự do tư tưởng hóa ra là quyền tự do phục tùng chân lý”. Tuy nhiên cái phản đề: Tự do tư tưởng còn là quyền tự do không phục tùng ngụy lý, dù ngụy lý đã được ban phát từ quyền uy nào mới thật sự là sâu sắc.
          “Cùng nơi ngôn cú” sẽ làm nên nguyên khí của quốc gia. Vấn đề là châm ngôn ấy được người trí thức và người cầm quyền hiểu và dùng như thế nào. Nếu coi đó là một giá trị minh triết thì nên ngẫm nghĩ như Lloyd Bruce: “Nếu những người lãnh đạo không hiểu và không ứng dụng được minh triết, họ sẽ phải trả giá đắt cho sự vô tâm của mình”.
          Trước thềm năm mới, tôi gởi những ý tình này như một lời chúc mùa xuân tới các bậc Trí thức nước nhà và Liên hiệp Hội của Trí thức. /.
----------
1 Đông  A, theo chiết tự  (chẻ chữ) thì chữ Trần   gồm chứ Đông và bộ , một phần của chữ  A ; Phụ và A đều có nghĩa là cái gò to lớn, có thể là chỗ dựa vứng chắc, thịnh vượng. Nhà Trần, lấy nghĩa chiết tự đó,  tự gọi là Đông A, tức là “gò Đông”.

2 Mã: Mã Khắc Tư – Karl Marx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét