Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

HÀNH TRÌNH TÌM MINH TRIẾT

Marcel-Proust (1)
Ngô Sỹ Thuyết
TMT: “Chúa không ngẫu nhiên và dễ dàng tạo nên những điều kỳ diệu. Chúng đến trong những dịp lớn, đó là những tâm điểm lớn của lịch sử – không phải là lịch sử chính trị hay xã hội mà là lịch sử tâm linh mà con người chưa biết hết. Nếu bạn không sống gần với một trong những thời điểm lớn này, làm thế nào bạn có thể kỳ vọng nhìn thấy điều kỳ diệu?” (Clive Staples Lewis)
Một loạt bài hết sức ấn tượng trên PVHg’s Home về nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895) giúp cho chúng ta thêm phần kính trọng và ngưỡng mộ nhà khoa học thiên tài và vĩ đại này. Tác giả những bài viết về Pasteur đã nhận xét rất chí lý rằng: “Tại sao có những người ngoan cố? Đơn giản vì họ không tin và không muốn tin vào sự sáng tạo của Chúa. Họ có thể rất giỏi về chuyên môn sinh học, hóa học, vật lý học,… nhưng họ vô minh, họ kém về triết học, và đặc biệt, họ không có cái trực giác kỳ diệu như Louis Pasteur”.

Vâng, bằng trực giác của mình, Louis Pasteur đã phát hiện tác nhân gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo là những con vi trùng, vi khuẩn, virus nhỏ bé, thậm chí nhỏ đến mức không thể nhìn thấy được bằng kính hiểm vi thời đó, ông cũng là người phát hiện “tính bất đối xứng là đặc trưng của sự sống”.
Cha đẻ của “Lý thuyết vi trùng”, Louis Pasteur còn gợi cho tôi câu hỏi: “Tại sao những thiên tài khoa học lại thường đam mê tìm hiểu thế giới vi mô ?”; Đức Phật, Đức Chúa Jesus, Lão Tử, Khổng Tử và bao vị thánh hiền lại giành cả đời mình cho những thứ chỉ có thể “cảm” được bằng trực giác mà không nhìn thấy được đó là Đạo ?.
Thật vậy, nhà bác học Isaac Newton quan sát suy ngẫm về sự tương tác vô hình giữa các vật thể, giữa các hành tinh, rồi một hôm ông thấy quả táo rơi và định luật Vạn vật hấp dẫn đã ra đời. Còn thiên tài Albert Einstein nổi tiếng với Thuyết tương đối (rộng và hẹp) và nhiều công trình khoa học khác trong đó có Thuyết lượng tử ánh sáng, ông cũng đắm mình trong thế giới của những trường, những hạt. Sau này, các nhà vật lý, nhất là vật lý lượng tử tiếp tục nghiên cứu đến những cái vô cùng bé là những nguyên tử, hạ nguyên tử, rồi hạt quark, để rồi trong khi chưa tìm được higgs – hạt của Chúa thì mới đây người ta đã tìm ra được pentaquark!. Trí tuệ của loài người quả là không có giới hạn. Có lẽ trên con đường tìm Đạo, tìm hiểu thiên nhiên, người ta buộc phải tìm hiểu thế giới vi mô, nơi tận cùng của vật chất chăng.
Và tôi đã tìm được phần nào câu trả lời khi đọc Đạo Đức kinh của Lão Tử. Nơi Chương 52 (Quy nguyên) viết:
Vũ trụ có khởi điểm. Khởi điểm ấy là Mẹ vạn vật. Đã biết được mẹ, thời biết con; trở về giữ mẹ, thân đến chết vẫn không nguy. Ngậm miệng, đóng tai, suốt đời không lận đận. Mở miệng lo công việc, suốt đời không cứu được. Thấy được tế vi mới là Minh, giữ được mềm yếu mới là Cường. Dùng ánh sáng của Đạo, để quay về sự quang minh của Đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu, trường tồn”.
(Thượng hạ hữu thủy, dĩ vi thiên hạ mẫu. Ký đắc kỳ mẫu, dĩ tri kỳ tử. Ký tri kỳ tử phục thủ kỳ mẫu. Một thân bất đãi. Tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần. Khai kỳ đoài, tế kỳ sự, chung thân bất cứu. Kiến tiểu viết minh, thủ nhu viết cường. Dụng kỳ quang, phục qui kỳ minh, vô di thân ương, thị vi tập thường).
Tôi muốn chúng ta hãy ghi nhớ câu “Kiến tiểu viết minh”của Lão Tử, thấy được, nắm được cái nhỏ bé, cái tế vi mới là Minh, mới có thể hiểu và đi tới tận cùng, cốt lõi của vạn vật!. (Quang minh là thấu vi phân/ Cường cương là biết giữ phần mềm non. Lời thơ: Bs Nhân tử Nguyễn Văn Thọ).
Nói cách khác, muốn tìm chân lý, người ta phải trở về gốc, về cội nguồn – Mẹ của vạn vật. Phải đi sâu vào bên trong, nắm lấy cái hồn và chế ngự cái phức tạp. Càng vào sâu, càng gần đến tới hạn tế vi của thế giới vi mô, nơi con người không thể quan sát được nữa – kể cả bằng những phương tiện điện tử tối tân nhất, khi đó phải nhờ trực giác và phán đoán bằng chân tâm. (Người Minh Triết dùng lý trí để suy nghĩ hiểu biết nhưng khi phán đoán thì dùng cái chân tâm, vì cái chân tâm luôn luôn thuận tùng Thiên lý. Do đó, người Minh Triết không bao giờ dang xa nẻo Đạo).
Nhờ có trực giác kỳ diệu mà Louis Pasteur cũng như nhiều vĩ nhân, thiên tài khác đã đi đến được tận cùng của vấn đề, đến cội nguồn bản chất để trả lời một cách rõ ràng, sáng tỏ cho những câu hỏi của mình và của nhân loại. Sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu thế giới “vi mô” của các vĩ nhân, thiên tài là minh chứng thú vị cho nhận định rằng “Thánh trước, thánh sau đều cùng một đường lối, chung một mục đích” (Tiên thánh hậu thánh, kỳ quỹ nhất dã). Thế giới loài người có được những thành tựu như hôm nay chính là nhờ những trụ cột đó.
Trở về thực tại, vậy chúng ta sẽ làm gì, làm như thế nào để có thể “thấu vi phân” nhằm góp phần giải quyết những nan đề của đất nước, của dân tộc ?. Ví dụ, làm cách nào để đẩy lùi và tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng đang hết sức bức bối trong đời sống xã hội nước ta chẳng hạn. Trong cuộc thi Sáng kiến phòng chống tham nhũng năm 2011 (do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức, chương trình VACI-2011) chúng tôi tham dự bằng Đề án: “Điều chế Văcxin phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” và rất may, ý tưởng của chúng tôi đã được trao giải, cho kinh phí thực hiện (dĩ nhiên chưa thể thành công ngay được, có lẽ bởi chữ Thời!). Chúng tôi đã “lập luận” rằng:

“Có thể hình dung tham nhũng giống như một loại virus gây bệnh – “virus tham nhũng”?. Thật vậy, bất kỳ ai cũng có thể tham nhũng nếu có điều kiện thuận lợi (!) và nếu không sợ bị phát hiện (?). Ngoại trừ ở đó, khi đó người ta “không dám, không muốn và không thể tham nhũng” (3-không).
…..
nên chăng, chúng ta nghĩ tới một giải pháp là nghiên cứu, điều chế và sử dụng loại “văcxin phòng chống tham nhũng” cho mọi người để mỗi người đều có thể miễn nhiễm với “virus tham nhũng” dù phải sống/ làm việc ở trong môi trường đầy rẫy thứ virus đó như hiện nay.
Dĩ nhiên, thứ văcxin này không phải để uống/ tiêm cho từng người mà đó chỉ là một cách nói hình tượng khi chúng ta sử dụng triệt để một giải pháp, một công cụ, một phần mềm tin học đặc biệt để sớm có một môi trường sống/ làm việc cho những người tham gia vào hệ thống dịch vụ công theo nguyên tắc 3-không”.
Cuộc chiến chống tham nhũng từ trước đến nay cho chúng ta biết được rằng “minh bạch và trách nhiệm giải trình” là điều kiện tiên quyết để tiêu diệt nạn tham nhũng. Vì vậy, hệ miễn dịch được “văcxin phòng chống tham nhũng” tạo ra phải là hệ thống minh bạch đi đôi với trách nhiệm giải trình trên cơ sở thông tin số liệu chính xác, đầy đủ và cập nhật, phản ánh đúng bản chất mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, chính trị, an ninh quốc phòng,… Thông tin số liệu (chính xác, đầy đủ, cập nhật) là GỐC của mọi vấn đề, muốn giải quyết triệt để những thách thức, những “lỗi hệ thống” phát sinh trong các hoạt động kinh tế, xã hội chúng ta phải giải quyết “mâu thuẫn/ lỗi” phát sinh từ gốc. Chúng ta cần có những công cụ đặc biệt để ghi lại, mã hoá, số hoá và tổ chức, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng những mẩu tin, những con số, những sự kiện, những diễn biến, những hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Tóm lại, chúng ta cần phải tiến hành lượng hoá, tin học hoá, “số hoá, ảo hoá” mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội một cách có hệ thống, hiện đại, khoa học, nhất quán để tạo ra và khai thác, sử dụng những kho thông tin, những cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là hướng đi tất yếu khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của nền kinh tế tri thức, của trí tuệ và sức sáng tạo.
Cảm hứng lãng mạn của chúng tôi xuất phát từ việc nghiên cứu Triết học và Minh triết, hãy lặng im quan sát thế giới xung quanh và tự nhìn sâu vào tâm thức, mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của Tạo hoá, của Thiên nhiên ngay chính bản thân mình. Thật vậy, cơ thể mỗi người có từ 60 – 100 nghìn tỷ tế bào các loại!. Mỗi tế bào là một hệ thống phức tạp của quá trình trao đổi chất, có input và output (đầu vào/ đầu ra), có đủ “sinh – thành – hoại – diệt”, có các chức năng và vòng đời khác nhau nhưng chúng đều được “quản lý” một cách thống nhất, tinh vi, tài tình và hoàn toàn tự động bằng một “cái gì đó” vô cùng vi diệu mà từ xưa đến nay người ta chỉ biết gọi chung chung là “Tạo hoá”, là “Cơ địa”. Tôi cho rằng có “một chương trình phần mềm (software) nào đó” trong cơ thể mỗi người đã thực hiện một cách hoàn hảo nhiệm vụ quản trị online hàng chục nghìn tỷ tế bào và chỉ có phần mềm (software) của Thiên nhiên (Ông Trời/ Thượng Đế) mới có thể tinh vi, hoàn hảo đến như vậy. Nên chăng, chúng ta cũng sẽ từng bước “học tập, làm theo” cách thức của thiên nhiên, của Tạo hoá trong việc quản lý xã hội, dĩ nhiên, bằng “phần mềm tin học”.
Chúng tôi tưởng tượng rằng, để quản lý cỡ 80.000 tỷ tế bào, mỗi tế bào sẽ được mã hoá và gắn với một số ID (đánh số, định danh, giống như số chứng minh thư nhân dân) duy nhất và thông qua ID này, thông tin số liệu về mọi mặt hoạt động của mỗi tế bào sẽ được giám sát, trao đổi (truyền tin) và lưu trữ đâu đó trong cơ thể chúng ta bằng một “chương trình phần mềm” hoạt động theo một cơ chế hết sức tinh vi. Với số đối tượng phải quản lý online lên tới hàng chục nghìn tỷ (trong hàng chục năm) thì những hệ thống thông tin mà con người đang vận hành quả là không thấm vào đâu (dân số nước ta khoảng 90 triệu, cả thế giới mới đến 7 tỷ người!). Đi sâu hơn nữa vào tận nhân của mỗi tế bào sống, chúng tôi hết sức kinh ngạc thấy rằng chiếc thang xoắn ADN phải chăng chính là đoạn mã lệnh (CODE) quan trọng chứa đựng không chỉ các thông tin di truyền mà còn là những chương trình (software) cấu thành chương trình tổng thể của mỗi người. Giải phẫu cơ thể người chúng ta thấy có các cơ quan chức năng: tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, tiêu hoá, vận động,… nhưng xuyên suốt các hệ chức năng đó là hệ thần kinh đóng vai trò đảm bảo thông tin trao đổi giữa các bộ phận với nhau thông qua thần kinh trung ương, thậm chí mọi thông tin về tình trạng của mỗi tế bào cũng phải được lưu trữ, xử lý và cập nhật online.
Một tế bào nhỏ bé như vậy mà hệ giám sát của cơ thể ta đều không hề xem nhẹ, bỏ qua vì vậy chúng ta cũng sẽ phải học hỏi thiên nhiên để sao cho bất kỳ một con số, một mẩu tin, một hình ảnh nào,… cũng đều được mã hoá, được đánh số để chúng được lưu trữ, quản lý trên một hệ thống máy chủ nào đó dưới dạng một CÂY thông tin dữ liệu”.
“Chúng tôi sẽ thật sự sung sướng, hạnh phúc khi được trở thành người được lựa chọn để mang đến cộng đồng Bức thông điệp: “Chúng ta đã có giải pháp, đã tìm ra loại văcxin để phòng chống tham nhũng và có cả một phác đồ điều trị căn bệnh tham nhũng không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam”. Và sẽ thật là tuyệt vời nếu cuộc thi năm nay, VACI tìm được thứ VACCINE phòng chống tham nhũng quý giá mà đất nước ta, nhân dân ta mong đợi”.
“Điều chế thành công một loại văcxin trong y học đã là một thành tựu, bởi đó là những việc hết sức khó khăn, tốn kém nhưng đầy ý nghĩa khi xuất hiện một loại virus hoặc một chủng khuẩn biến thể mới. Điều chế thứ “văcxin phòng chống tham nhũng” chắc chắn không hề đơn giản, dễ dàng ngay cả việc chấp nhận khái niệm có phần “siêu tưởng, kỳ lạ” này. Tuy nhiên, chúng tôi luôn hiểu được rằng, sự sáng tạo chắc chắn không phải chỉ là những phép cộng thuần tuý và không có gì ngăn cản được sự sáng tạo của con người trên con đường tiến tới tương lai tươi đẹp. Chúng ta đã, đang và sẽ có được những bước tiến rất dài và ngày càng đi nhanh đến đích bằng những công cụ, phương tiện hiện đại và những nhận thức mới do sự phát triển của ngành công nghệ thông tin đem lại”.
“Tôi xin được nhắc lại lời của Clive Staples Lewis – nhà văn Ireland (1898-1963): “Chúa không ngẫu nhiên và dễ dàng tạo nên những điều kỳ diệu. Chúng đến trong những dịp lớn, đó là những tâm điểm lớn của lịch sử – không phải là lịch sử chính trị hay xã hội mà là lịch sử tâm linh mà con người chưa biết hết. Nếu bạn không sống gần với một trong những thời điểm lớn này, làm thế nào bạn có thể kỳ vọng nhìn thấy điều kỳ diệu?”.
Và để kết thúc bài viết, tôi dẫn lời của nhà văn T.S Eliot: “Minh Triết đâu rồi, chỉ còn lại tri thức; tri thức đâu rồi, chỉ còn lại thông tin; thông tin đâu rồi, chỉ còn lại con số”. Tuy nhiên, là dân IT tôi lại rất coi trọng con số (data) và từ lời khuyên của Lão Tử “Đạo thường chuyển ngược dòng đời/ Đạo thường khoác lấy vẻ ngoài mềm non” (Phản giả đạo chi động. Nhược giả đạo chi dụng) tôi đề xuất một hành trình ngược lại để tìm Minh Triết:
2
Điều này có nghĩa là, trước hết chúng ta hãy làm thật tốt bài toán quản trị dữ liệu quốc gia, phải số hoá, tin học hoá một cách triệt để và khoa học. Luôn nhớ rằng thông tin, dữ liệu là GỐC của mọi vấn đề. Những con số thống kê, báo cáo phải chính xác, kịp thời và đầy đủ trên mọi lĩnh vực, mọi mặt của cuộc sống. Có dữ liệu chính xác, có đầu vào (input) đầy đủ, chúng ta mới có thể phân tích, xử lý dữ liệu một cách chuẩn xác và khoa học, qua đó mới có thể quản lý và sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực quốc gia vì sự phồn vinh của đất nước và vì hạnh phúc của người dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét