Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN!

TMT:  Vấn đề ngôn ngữ Việt Nam từ lâu luôn được biết bao người có trách nhiệm quan tâm, giữ gìn, bảo vệ. TMT xin giới thiệu suy nghĩ của Nguyễn Hải Hoành, một cộng tác viên của Trung tâm Minh Triết.

TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN!
FB Hải Hoành Nguyễn
 Ngôn ngữ có vai trò quyết định sự hình thành và tồn tại của dân tộc. Mỗi dân tộc đều có một tiếng nói riêng, tức tiếng mẹ đẻ, tuy rằng có thể vì chưa phát minh ra chữ viết mà họ phải mượn dùng chữ của một dân tộc khác có nền văn minh phát triển sớm hơn.
Dân tộc nào để mất tiếng mẹ đẻ của mình thì sẽ mất dân tộc, mất tổ quốc. Bởi thế, giữ gìn tiếng mẹ đẻ là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng đối với sự sống còn của dân tộc, quốc gia. Chân lý ấy được học giả lỗi lạc Phạm Quỳnh tổng kết trong câu nói bất hủ: Tiếng ta còn, nước ta còn!

Hiếm thấy thứ tiếng nào có sức sống mạnh mẽ và bền dai như tiếng Việt. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, cho dù dân ta buộc phải học và dùng ngôn ngữ của kẻ xâm lược, nhưng tiếng Việt vẫn tồn tại nguyên vẹn mà không bị tiêu diệt như tiếng nói của không ít dân tộc khác từng bị người Hán chinh phục. Nhờ thế đất nước ta mới tồn tại cho tới ngày nay, đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nên nhớ rằng văn hóa Hán có sức đồng hóa đáng sợ. Người Mãn từng chiếm và thống trị lãnh thổ của người Hán gần 270 năm, nhưng chỉ sau khoảng 100 năm đầu, ngôn ngữ Mãn đã biến mất, toàn bộ dân tộc Mãn bị Hán hóa, chỉ nói tiếng Hán, viết chữ Hán.
Tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ hoàn hảo chưa từng thấy từ khi dân tộc ta tiếp nhận món quà tặng vô giá của văn minh phương Tây – chữ Quốc ngữ. Vì để hoàn thành sứ mạng truyền giáo Chúa Jesus trao cho, các giáo sĩ đạo Ki Tô người Âu đã dày công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và dốc sức truyền thụ thứ chữ ấy cho dân ta, bất chấp mọi gian khó hiểm nguy. Giới tinh hoa người Việt, điển hình là các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục, đã đi đầu tiếp thu thứ chữ viết lý tưởng này và dùng nó để viết, in ấn và phát hành các tài liệu tuyên truyền tư tưởng yêu nước và đổi mới xã hội, dấy lên trong cả nước một cao trào cách mạng giải phóng dân tộc chưa từng thấy.
Ngày nay chúng ta chỉ học và dùng chữ Quốc ngữ, các thứ chữ khác tổ tiên ta từng dùng như chữ Nho, chữ Nôm đã trở thành tử ngữ. Tiếng Việt với những ưu điểm độc đáo (chẳng hạn có lượng âm tiết nhiều gấp hơn chục lần tiếng Hán) nay lại được thể hiện trên văn bản bằng thứ chữ lý tưởng là chữ Quốc ngữ, đã trở thành một ngôn ngữ có sức sống mạnh hơn xưa rất nhiều, thực hiện được nguyên tắc "Nói thế nào, viết thế ấy, nói gì cũng ghi âm được bằng chữ viết" mà rất ít ngôn ngữ có thể đạt được.
Giữ gìn sự tôn nghiêm của tiếng mẹ đẻ cũng là giữ gìn sự tôn nghiêm của dân tộc, nhất là khi dân tộc ấy có một ngôn ngữ tuyệt vời như tiếng Việt. Muốn vậy, phải bằng mọi cách mãi mãi giữ được địa vị độc tôn của tiếng Việt trong lòng người Việt Nam.
Nhà nước ta phải mãi mãi chỉ thừa nhận một ngôn ngữ chính thức duy nhất là tiếng Việt. Chúng ta phải kiên quyết không để bất cứ thứ tiếng nước ngoài nào len lỏi vào trở thành một trong những ngôn ngữ chính thức của nước ta. Nên biết rằng, chấp nhận có nhiều ngôn ngữ chính thức (chế độ đa ngữ) nghĩa là chấp nhận các ngôn ngữ ấy ngang hàng nhau ở mức độ nào đó, đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò của tiếng mẹ đẻ. Bất cứ quốc gia nào có cơ cấu dân tộc và ngôn ngữ tương đối thuần nhất (như Đức, Pháp, Nhật, Việt Nam ...) đều chỉ thừa nhận có một ngôn ngữ chính thức duy nhất (chế độ đơn ngữ). Trường hợp bất đắc dĩ mới dùng chế độ đa ngữ. Ví dụ Singapore có ba sắc tộc lớn và sắc tộc nào cũng chỉ nói tiếng mẹ đẻ, nếu không lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức thì các sắc tộc ấy không thể giao tiếp với nhau, vì thế nước này có 4 ngôn ngữ chính thức.
Chúng ta cần đặc biệt cảnh giác với ý đồ dùng tiếng Trung Quốc làm ngôn ngữ chính thức bên cạnh hai ngôn ngữ chính thức khác là tiếng Việt và tiếng Anh (để hình thành chế độ tam ngữ). Các nước thuộc Liên Xô cũ đều 100% dùng tiếng Nga nhưng sau khi độc lập, do cảnh giác với tư tưởng Đại Nga, hầu hết các nước đó đều chỉ coi tiếng Nga là ngôn ngữ của vùng, như Ukraine và Gruzia coi tiếng Nga là ngôn ngữ của hai vùng giáp Nga (là Crym về sau bị sáp nhập vào Nga, và Abkhazia, Nam Ossetia về sau tách khỏi Gruzia), hoặc không dành cho tiếng Nga bất cứ quy chế nào. Chúng ta lại càng cần cảnh giác với tư tưởng Đại Hán của ban lãnh đạo Bắc Kinh. Coi tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ chính thức, tiến tới dân ta biết thứ tiếng đang được bộ máy truyền thông khổng lồ của Bắc Kinh dùng để chửi bới, xuyên tạc tình hình nước ta ư? Chừng nào ban lãnh đạo Trung Quốc còn có tư tưởng Đại Hán thì xin lỗi nhé, câu trả lời là KHÔNG BAO GIỜ! Tiếng Trung Quốc mãi mãi chỉ nên là một ngoại ngữ mà thôi, đừng hòng mơ tưởng được hưởng quy chế ngôn ngữ chính thức của Việt Nam!
Tiếng Việt là gia tài phi vật thể vô giá tổ tiên ta để lại. Chúng ta phải hết sức yêu quý, trân trọng giữ gìn và tiếp tục làm phong phú gia sản ấy. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng không thể thoái thác của mỗi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo hoặc hệ tư tưởng.
 Nguyễn Hải Hoành
Viết nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày Cộng sản Trung Quốc xâm lược biên giới nước ta và nhân đọc lại bài « Cần chấm dứt tình trạng đơn ngữ ở Việt Nam »*
*http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Can-som-cham-dut-tinh-trang-don-ngu-o-Viet-Nam-9999

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét