Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

HỒ HOÀN KIẾM DỊCH HỌC – CHỮ VUÔNG VÀ TRUYỀN THUYẾT

Kết quả hình ảnh cho hồ hoàn kiếm
TMT: Hưởng ứng lời mời viết bài cho Hội thảo khoa học TÌM LẠI CỘI NGUỒN KINH DỊCH do Trung tâm Minh triết và Trung tâm nghiên cứu Lý học phương Đông phối hợp tổ chức, nhà nghiên cứu Viên Như – người luôn khẳng định “Người Việt là chủ nhân của Dịch học và Chữ vuông” đã gửi tới Ban biên tập bài viết “Hồ Hoàn Kiếm – Dịch học – Chữ vuông và Truyền thuyết”, xin cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiệu cùng quý vị.
Để tiện theo dõi, chúng tôi chia bài viết công phu này ra làm 3 phần:

HỒ HOÀN KIẾM DỊCH HỌC – CHỮ VUÔNG VÀ TRUYỀN THUYẾT
Viên Như
Phần này tôi viết thêm, nhân vào ngày 13.05.2017 ra Hà Nội nói chuyện về nguồn gốc Dịch học và chữ Vuông do hội Minh Triết của cụ Nguyễn Khắc Mai mời, buổi chiều ngày hôm sau dạo phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, nhân thầy Nguyên Tâm và Thánh Thành hỏi về chuyện Lê Lợi trả lại kiếm cho thần Kim Quy, chợt thấy rằng đến thế kỉ 15, trong thầm lặng, một số trí thức Việt vẫn còn ý thức về tác quyền Dịch học, cũng với phương thức như các truyền thuyết khác, người Việt vẫn ngầm cho thấy Dịch ấy vốn là của người Việt thông qua câu chuyện trả gươm của Lê Thái Tổ. Xin ghi lại đây thông điệp mà người xưa đã gởi gắm trong câu chuyện.
I. VĂN BẢN
1. Trước hết, chúng ta hãy đọc câu chuyện trong Lam Sơn Thực Lục[1]
Khi ấy Nhà vua cùng người ở trại Mục sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ vực Ma viện, đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả, chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối. Một hôm Thận cúng giỗ (ngày chết của cha mẹ), nhà vua tới chơi nhà. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi:
- Mảnh sắt nào đây?
Thận nói:
- Đêm trước tôi quăng chài bắt được.
Nhà vua nhân xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ "Thuận Thiên", cùng chữ "Lợi". Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài-dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng:
- Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau!
Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh. Tới hôm sau, hoàng hậu ra trông vườn cải, bỗng thấy bốn vết chân của người lớn, rất rộng, rất to. Hoàng hậu cả kinh, vào gọi nhà vua ra vườn, được quả ấn báu, lại có chữ Thuận Thiên (sau lấy chữ này làm niên hiệu) cùng chữ Lợi. Nhà vua thầm biết ấy là của trời cho, lòng lấy làm mừng, giấu giếm không nói ra.
Nội dung câu chuyện trong sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi chỉ có thế thôi, phần còn lại có thể do các trí thức đương thời sáng tác thêm để đưa nội dung dịch học vào, ta biết trong thời gian này các truyền thuyết cũng được sưu tập thành một tác phẩm, đó là Lĩnh Nam Trích Quái, có lẽ từ dòng suy nghĩ này mà người ta đã kéo dài câu chuyện nói trên thành một truyền thuyết, xem như truyện cổ tích. Về sau câu chuyện này được Nguyễn Đổng Chi sưu tập; đồng thời nó còn được đưa vào sách giáo khoa, phần Ngữ văn lớp 6. Người xưa không những biến câu chuyện ấy thành truyền thuyết gắn với tên hồ, mà các thế hệ tiếp sau còn xây dựng những công trình gắn liền với câu chuyện trả gươm trong tinh thần dịch học, như: Tháp Quy Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên.
2. Sự tích hồ Hoàn Kiếm[2]
Hồi ấy ở Thanh-hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ. Thận thả lưới ở một bến vắng như thường. Tự nhiên trong một lần kéo lưới, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay bắt cá. Thận mới biết đó là một thanh sắt. Chàng vứt luôn xuống nước rồi lại thả câu ở một chỗ khác.
Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay. Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba vẫn là thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận ghé mồi lửa lại nhìn xem. Bỗng chàng reo lên một mình:
- Ha ha! Một lưỡi gươm!
Thận về sau gia nhập quân đoàn khởi nghĩa Lam-sơn. Chàng đã mấy lần vào sinh ra tử ở nơi trận mạc để diệt lũ cướp nước. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, thanh sắt hôm đó chợt sáng quắc lên ở một xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi đến gần cầm lấy xem và nhận ra chữ "Thuận Thiên" khắc sâu vào lưỡi. Song tất cả mọi người đều không biết đó là báu vật.
Một hôm bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy ánh sáng trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lơi rút lấy chuôi gươm giắt vào lưng.
Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn, trong đó có Lê Thận. Khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau. Lê Lợi bèn kể lại câu chuyện. Mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với chủ tướng:
- Đây là thần có ý phó thác cho "minh công" làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo "minh công" và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc!
Từ đó khí thế của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoàng trên mọi trận địa và làm cho quân Minh bạt vía. Chẳng mấy chốc tiếng tăm của quân Lam-sơn lan khắp nơi. Họ không phải trốn tránh trong rừng nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương thực của giặc mới cướp được tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.
Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy Lê Lợi - bấy giờ đã là một vị thiên tử - cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả-vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi làn nước xanh. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng trên và nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang cử động. Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói:
- Bệ hạ hoàn gươm cho Long quân!
Nghe nói thế nhà vua bỗng hiểu ra bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy ngang lưỡi. Cho đến khi gươm và rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dười mặt nước hồ xanh.
Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì vua liền báo ngay cho họ biết:
- Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, Người sai rùa lấy lại.
Và từ đó, hồ bắt đầu được mang tên là hồ Hoàn-kiếm./.






[1] Lam Sơn Thực Lục, bản điện tử, trang 7,8. Nguồn: https://quangduc.com
[2] Kho tàng truyện cổ tích – Nguyễn Đổng Chi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét