Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

PHÙNG HƯNG THIÊNG HÓA TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ THẦN TÍCH




                                   TRƯƠNG SỸ HÙNG


 


Đường Lâm được mệnh danh “đất cổ hai vua”, nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam từ trước thế kỷ X là vì có hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng ( 761 – 802; 馮興)và Ngô Quyền ( 897 – 944 ; 吳權). Hai người sống cách nhau 102 năm, nhưng cả hai linh hồn đều đã trở thành bất tử bởi công lao to lớn với cộng đồng người Việt từ khi non sông mới đang độ trưởng thành một liên minh rộng lớn.Truyền thuyết dân gian thêu dệtvà thần tích Đại Việt đều có ghi nhận.

    Thân sinh của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đường năm 722, do Mai Hắc Đế(?–722;梅黑帝) lãnh đạo. Chuyện Mai Hắc Đế lúc 10 tuổi, còn mang tục danh Mai Thúc Loan chứng kiến mẹ đi lấy củi trong rừng bị hổ vồ, rồi lại bị mồ côi cả cha mẹ sau đó không lâu, chắc cũng ám ảnh ông và cả gia đình qua những chuyện sinh hoạt thường nhật. Thủ lĩnh Mai Hắc Đế của ông rất khỏe mạnh, từng là đô vật, giỏi võ, thể hiện là người có chí lớn. Thuở hàn vi, ông đã lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu cầu đánh đuổi ngoại xâm. Tụ nghĩacùng các tướng quân ưu tú như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành...(1)Phùng Hạp Khanh đã góp phần đánh giặc cứu nước. Hưu chiến trở về quê hương Đường Lâm, ông chăm chỉlàm ăn, trở thành người giàu có nhất vùng.

Ngược dòng gia phả tính từ Phùng Hưng, tìm về cội nguồn còn thấy một vị cao tổ 7 đời trước là Phùng Tói Cái, làm quan lang Đường Lâm - người đã được vua Đường Cao Tổ đãi yến tiệc trong cung. Như vậy, dòng họ Phùng ở Đường Lâm đã nối nghiệp làm quan lang từ thời tiền Việt – Mường, nghĩa là cho đến đờithứ bảy, Phùng Hưng vẫn còn là thành viên của một cộng đồng tộc người Việt Mường trước thế kỷ X- khi chưa có sự chia tách(3), đã từng hiện hữu tại trung du Bắc Bộ Việt Nam ngày nay.

Phùng Hưng tên tự là Công Phấn, con trưởng của Phùng Hạp Khanhvà mẫu sinh họ Sử. Phả và tích đều nói đến kỷ niệm sinh ba - sau thời gian mang thai dư ngày, thừa tháng, dân gian gọi là “chửa trâu”; trong một lần bà sinh được bangười con trai.Phùng Hưng cất tiếng khóc chào đời trước làm anh cả. Em thứ hai là Phùng Hải, tên tự Tư Hào. Em út là Phùng Dĩnh, tự là Danh Đạt. Về giấc mộng thiên sứ xin đầu thai làm conhọ Phùng trong truyền thuyết dân gian kể rằng; khi bà vợ đi lễ cầu tự trở về bỗng nhiên thấy trong người khác lạ, bèn kể cho chồng biết sự thể. Đáng lưu ý là đêm ấy cả hai vợ chồng Phùng Hạp Khanh đều nằm mơ thấy một tiên ông tự nhiên xuất hiện và tự xưng là thiên sứ vâng lệnh thượng đế xuống ban phúc lộc cho người có nhân đức. Tiên ông đưa cho một chùm ba quả đàothơmmùi mới chín, dặn lời là đưa cho người vợ ăn, thì sẽ sinh con có tài. Vừa nói hết câu, vị tiên ông xoa đầu người chồng ba cái rồi biến mất.Phùng Hạp Khanh tỉnh giấc,mừng lắm, ngước nhìn ra cửa sổ phía tây, ông còn nhớ rõ ràng từng chi tiết trong giấc mộng, và cứ nghĩ ngợi miên man không biết thế nào. Vợ chồng đều tin rằng đó là điềm lành.Từ đấy, phu nhân “mang thai 14 tháng. Vào một ngày đẹp trời - 25 tháng 11 năm 760 - bà sinh được ba bé trai, tướng mạo khác thường”.

Tương truyền, ngay từ khi mới lớn lên, dù tầm hiểu biết lúccòn thơ dại, nhưng Phùng Hưng cũng luôn biết nhường nhịn, giúp đỡ những người xung quanh. Tuổi trưởng thành, ông không bao giờ thể hiện thái độ tự ti, xem thường người nghèo khó, mặc dù bản thân gia đình quan langgiàu có, nổi danh. Tri thức và thể lực giúp Phùng Hưng ngày càng đồng cảm,yêu thương dân bằng hành động cụ thể và hành vi xử thế với cộng đồng lớn nhỏ. Đường Lâm cổ thời vốn là vùng đất gò đồi với những rừng cây rậm rạp, người thưa vắng. Bởi vậy chim muông, cầm thú còn đa dạng, nhiều vô kể, lắm khi chúng hung hãn, đe dọa, giết hại cả sinh mạng con người.

Dư luận gần xa đồn thổi, thêu dệt khá nhiều chi tiết ly kỳ về truyền thuyết giết hổ bảo vệ dân làng của chàng trai trẻ Phùng Hưng.Truyện kể rằng, khi ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt; nối nghiệp cha đảm nhiệm chức hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ, mang lại bình yên cho làng xóm. Chuyện kể rằng, tại Đường Lâm quê ông thời ấy rừng núi rậm rạp với nhiều cây cổ thụ. Mấy tầng tán cành lá cùng hàng trăm loại cây leo chằng chịt nên rất nhiều thú dữ hoành hành. Ai ai cũng hoang mang, lo sợ, nhiều ngườikhông dám vào rừng làm nương, kiếm củi nữa. Có người đánh liều đi rừng đã bị bỏ mạng hoặc nhìn thấy hổ hoảng loạn bỏ chạy tháo thân. Nỗi ám ảnh đe dọa cuộc sống của người dân lành cứ thế đồn đại vang xa. Phùng Hưng suy xét, bình tĩnh, quyết tìm ra mưu kế đối diện với sự thật thảm khốc. Khi Phùng Hưng vừa độ trai tráng, thì có một con hổ dữ từ rừng sâu thỉnh thoảng lại xông thẳng vào khu vực sinh sống của dân làng bắt gia súcvà giết người ăn thịt mà không ai dám chống cự. Phùng Hưng liền đặt kế tìm cách tịêu diệt hổ cứu dân lành.

 Làm một người giả bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, Phùng Hưng đặt nhân hình giữa quãng đường rừng gần làng, nơi hổ thường xuất hiện. Quả nhiên, nhập nhoạng tối hôm ấy, hổ quen thói xông vào lùng sục thì bắt gặp người nộm, nólaovào cắn xé. Cọc gỗ độn rơm, lạt tre, quần áo… cũ bị rách tả tơi thành nhiều mảnh, vung vãi. Hai, ba lần lặp lại như thế, hổ nản ý, lần sau khi vào làng hổ không vồ bắt hình nhân bằng xương tre bện rơm nữa. Trải qua mấy đêm cởi trần, thân đóng khố, trát bùn kín người, phủ thêm một ít sợi rơm ngụy trang, ăn gió nằm sương cho mất hơi người; chờ cơ hội một buổi trời chập choạng tối, Phùng Hưng đứng vào đúng chỗ đặt bù nhìn rơm trước đây. Quen thói, hổ tự nhiên vào làng như mọi lần không một chút do dự, định cọ nhẹ vào hình nộm bên đường để đuổi muỗi.Bất ngờ Phùng Hưnglựa thế, nhảy phắt lên lưng hổ, ghì chặt chân vào cổ, tay thọc mạnh, nắm chặt tai con mãnh thú. Người quyết chí đánh chết hổ. Lúc sau hổ đuối sức, Phùng Hưng lôi hung khí giắt sẵn trong người, đập vỡ sọ. Hổ lăn ra chết.Mối taihọa, lo sợ thường trực của dân làng được giải tỏa.Tố chất của một vị thủ lĩnh tài trí, mưu lược và biết thương dân, đúng với tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc ta, mà sau này Nguyễn Trãi có nhắc đến trong Bình Ngô đại cáo"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Phùng Hưng đặc biệt nổi danh với tài diệt mãnh thú. Lần khác, Phùng Hưng còn đánh bại cùng một lúc hai con trâu rừng khiến người người đem lòng nể phục. Kể từ đó, nhân dân không còn lo sợ bị hổ dữ tấn công khi vào rừng núi nữa. Họ cũng vô cùng biết ơn người tù trưởng anh hùng của vùng đất Đường Lâm.Lại nói, Phùng Hưng vốn đã nuôi chí đánh giặc từ lâu, nay nhờ việc diệt hổ dữ mà được nhân dân hết lòng cảm phục. Nhân cơ hội ngàn năm có một đó, ông đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đường đang đo hộ Nam Việt. Và ông đã nhận được nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thần tích làng Thịnh Hào chép truyện: “có con yêu quái tên gọi là Hắc Hán thường tác oai tác quái, hãm hại dân lành. Một hôm Phùng Hạp Khanh trên đường về nhà, lúc đó trời đã tối, con yêu hiện ra chặn đường bị ông rút kiếm chém, từ đó nó biến mất, không xuất hiện nữa. Vì trừ yêu quái, có công với dân nên Ngọc Hoàng thượng đế cho ba vị thần xuống đầu thai làm con của Phùng Hạp Khanh.Đoạn sau thần tích viết:“Một hôm, đang giờ ngọ vào giấc ngủ trưa, Hạp Khanh mơ thấy ba người. Một người đội mũ đầu hổ, mặc áo chầu thêu rồng, tự xưng là Đại La thiên sứ. Một người chít khăn phốc đầu, mặc áo màu xanh nhạt, tự xưng là Giao Hải đại quan tôn thần. Một người đội khăn đỏ, mặc áo gấm xanh sẫm, tự xưng là Thiên La võ tướng. Cả ba đều diện mạo đường hoàng, thân cao mười thước, có sức đuổi gió, chém chớp, tiến đến trước nhà cùng Hạp Khanh tương kiến, muốn chuyện trò. Trong khi hàn thuyên, những người này tự bảo rằng:

- Lúc trước, ông đã trừ Hắc Hán, có thể cứu giải nguy nan cho chúng sinh. Thượng đế khen ngợi lắm, cho rằng ông có công lớn trừ ác. Vì vậy, ngài sai chúng tôi tới đây trao cho ông chức tước mãi mãi, để ông được thành tựu. Ông hãy nhận lấy tước trời, không được từ chối”.

     Sau chuyện giết hổ, trừ họa cho dân, kỳ tích đầu tiên của một vị con trai quan lang lại càng nổi danh trong tâm trí cộng đồng với sựkiện Phùng Hưng khởi sự chống lại cuộc xâm lược của nhà Đường, giành độc lập cho dân Việt,đã được khẩu ngữ dân gian thiênghóa trong đời sống tâm linh hơnnghìn năm qua.

Nam Việt thời thuộc Đường còn gọi là An Nam đô hộ phủ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt, bắt mọi người phải đóng sưu cao thuế nặng, khiến ai ai cũng tỏ ra căm giận.Năm 767, Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định giúp kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại cuộc xâm lược của quân Chà Và từ phía Nam, về sau giữ chức An Namđô hộ xứ. Nhưng rồi “ngựa quen đường cũ” khi Cao Chính Bình có vị trí quan cai trị, y lại ra sức bóc lột tham tàn sức lực lao động của tầng lớp dân đen bằng mọi thủ đoạn.

Sinh trưởng trong một gia đình đời đời làm hào trưởng đất Đường Lâm. chứng kiến cảnh quan lại nhà Đường, đứng đầu là đô hộ phủ Cao Chính Bình tàn ngược, áp bức vơ vét của cài cùa nhân dân không cùng, Phùng Hưng quyết định dựng cờ nghĩa chiêu hiền đãi sĩ, phát động cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.     Trong niên hiệu Đại Lịch (766-779), chưa rõ đích xác vào năm nào, nắm vững tình thế căm phẫn quân xâm lược nhà Đường của người dân, lợi dụng khí thế một toán quân lính ở Tống Bình nổi loạn, Phùng Hưng tập hợp được cả một đội quân đồng lòng hiệp sức chống lại chính quyền đô hộ.

Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo được sự hưởng ứng rộng rãi của tất cả các tộc người hiện là chủ nhân của các miền đất Giao châu. Lấy đất quê hương là Đường Lâm làmcăn cứ,xây dựng cơ sở vật chất, trấn áp bộ máy ngụy quyền của nhà Đường, khiến cho thanh thế quân đội của tướng giỏi Phùng Hưng ngày càng lan rộng. Năm tháng qua đi, những trận đánh nhỏ lẻ giành thắng lợi tuyệt đối, khiến những quan chức động, sách, bản, làng, quận, huyện… nhìn thấy mà nản chí dẹp trừ, đã từng bước nhượng bộ, thậm chí có người bị hào khí chống ngoại xâm cuốn hút đã tình nguyện đóng góp lương thực, tiền bạc xin theo nghĩa quân. Dường như một địa thế tác chiến đã được định sẵn, cả miền đất rộng lớn, dân cư đông đúc quanh thành Phong Châu, đã và đang dần dần trở thành căn cứ đánh giặc.Tướng quân Phùng Hưng tự xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng. Ba anh em cầm đầu ba cánh quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu, tiếp tục chiêu binh lập trại huấn luyện quân sĩ. Lập tức Cao Chính Bình sai quân đi đánh dẹp, đàn áp nhưng chưa hề có lần nào đánh thắng được đội quân của ba anh em họ Phùng. Cuộc kháng chiến chống, đánh quan quân nhà Đường của quân dân Nam Việt ở thế giằng co,diễn ra hơn 20 năm.

Được sự hưởng ứng nhiệt tình, trợ giúp đúng lúc của một tướng lĩnh người cùng làng là Đỗ Anh Hàn, lực lượng quân đội của anh em Phùng Hưng ngày càng lớn mạnh không ngừng. Lúc đầu Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đè bẹp quân địch, chính ông đã tạo ra một thời gian cầm cự để thu nạp quân sĩ, dự trữ lương thực, mua sắm thêm vũ khí, chuẩn bị chu đáo cho cuộc tổng tấn công quyết thắng. Với tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử”, vào tháng 4 năm Tân Mùi (791) dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Phùng Hưng, quân dân Nam Việt đã vây đánh và chiếm được thành Tống Bình. Mở đầu chiến dịch, Phùng Hưng chia lực lượng quân đội của mình thành 5 đạo, mỗi đạo là một mũi tiến công; phân công các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần chỉ huy 4 đạo. Đại tướng Phùng Hưng trực tiếp chỉ huy một mũi tiến đánh, vây hãmthành. Ba người cháu gái họ Phùng cũng được chủ tướng bố trí thành ba đội xung kích, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng, đánh đuổi quân xâm lược.Cuộc chiến diễn ra quyết liệt, quân Đường thua đau, tàn quân nhao nhác. Thần tích làng Thịnh Hào xưa cho biết: “Chính Bình sợ bị cướp quyền nên đã đầu độc Ứng Kế. Bọn Túc Nguyên Khánh, Hồ Hoài Nghĩa là quân tả, hữu của Ứng Kế chạy trốn khỏi thành, theo Phùng Hưng (…) Chính Bình cấp báo vua Đường xin viện binh. Lý Phục được cử sang làm tiết độ sứ Nam Việt”. Và cuộc chiến kéo dài ròng rã 20 nămcũng không thay đổi được tình thế. Phùng Hưng được quân sĩ hết lòng ủng hộ, “lúc ấy là năm Tân Mùi (791); Hưng bèn họp các tướng lại bàn bạc xem nên đánh hay nên cố thủ. Trong đám bộ hạ có viên tướng A Bà tiến lên nói:

 - Xưa dùng binh thường có ngụy đạo, đánh địch từ chỗ bất ngờ, biết trước được thắng bại. Nay, bọn Đường trong thì mất lòng trời, ngoài thì bừa bãi, pháp lệnh hà khắc, tham tàn. Trên mất lòng người, dưới trái ý dân; vậy mà sao chủ tướng tự sinh niềm nghi ngại, cố thủ một cách vô ích ở chốn thâm sơn cùng cốc, khiến cho bọn ác nắm được càng bọ ngựa ở đường lớn mà quân điều phạt lại trù trừ không tiến? Thần tuy bất tài, nhưng cũng xin đưa một lữ quân tiến thẳng vào Long thành, bêu đầu Chính Bình dâng lên vương chủ… Tướng Đỗ Anh Luận – người cùng làng Đường Lâm, TSH chú thêm – nói:

     - Xin vương chủ thu nhận lời nói của A Lang, điều sáu mặt quân, tiến thẳng vào thành, vây phủ, quây chúng lại mà trừng phạt, bị khóa đầu đuôi, bọn Chính Bình không thể cứu trợ nhau, sẽ tự tan ra những mảnh như ngói vỡ.(4)Ba anh em Đỗ Anh Luận, Đỗ Anh Nho, Đỗ Anh Cán hưởng ứng cuộc khởi nghĩa ngay từ đầu, giờ đây vẫn là nhân tố tích cực, cổ vũ tinh thần anh em binh sĩ.”Anh Cán học rộng, mưu cao, nổi danh tiếng một thời, Phùng Hưng coi trọng như thầy, bạn quý. Hàng loạt tướng văn, tướng võ như: Triệu An, Lăng Bình, Đỗ Nhưng, Triệu Cừ, Hà Toại, Lục Hàm, Lưu Kiều, Thành Yến…đồng thanh:

   - Lời nói của Đỗ điền sứ rất đúng! Xin vương chủ tin theo! Chúng thần sẽ cố gắng hết mình, cương chủ không cần lo lắng gì. Vương khen ngợi bá quan, cho em trai Phùng Hải giữ chức cự lão tướng quân chỉ huy 1000 tướng sĩ; cùng các tướng Triệu An, Lăng Bình, Đỗ Nhưng, Triệu Cừ, tiến đánh thành Long Đỗ phía bắc, ngăn chặn quân cứu viện nhà Đường. Phía nam thành Đại La do em trai vương là cự lực tướng quân Phùng Dĩnh chỉ huy; với các tướngHà Toại, Lục Hàm, Lưu KiềuHà Toại, Thành Yến chia bốn mũi tiến công. Xanh lực quân Bồ Phá Lặc cùng các tướng Thúc Kiển Lỗ, Định Khước Ban, Lý Lâu Tiếp chỉ huy 1000 binh sĩ, chia làm hai vệ quân thảo điển, tiến đánh Tô Cừ ở phía đông đánh chặn đường thoát của giặc. Đỗ Anh Cán làmđại thủ lĩnh, Đỗ Anh Nho làm phòng bị sứ; cùng các tướng Loan Hào, Tổng Mục làm tuần thú các châu Đường Lâm, Trường Phong.”(5)Chẳng may Đỗ Anh Cán “bị Cừu Tư giết, lấy đầu nộp cho nhà Đường, Đỗ Anh Nho quyết đoán cùng vương chủ đánh gấp, tiến gấp. Phùng Hưng thống lĩnh một vạn quân; cùng 28 vị tướng như Chử Viêm, Bốc Chiêm, Điền Phương thẳng tiến vào thành đánh Cao Chính Bình.”Trước sau, với hơn 4 vạn tướng sĩ của nhà Đường đã kéo sang giày xéo, địnhnuốt chửng Nam Việt, dưới ngọn cờ phi nghĩa của Cao Chính Bình, nhưng chúng cũng chỉ chuốc lấy sự thất bại đau đớn ê chề. Ở trận quyết chiến năm 791- như thần tích thuật lại - “Sĩ tốt của Đường chết không đếm xuể, thây chết đầy đồng, máu chảy thành sông. Nước hai dòng Nhĩ Hà và Lô giang biến thành màu đỏ”.(6)Thừa thắng, Phùng Hưngchia nhỏ toàn quân đoàn Nam Việt thành 8 mũi, đồng lòng hiệp sức giải phóng kinh thành, giết hết gia quyến thân thuộc của giặc. Ngược lại với bè lũ ngoại xâm, thế suy, lực yếu, Cao Chính Bình buộc phải cho rút quân vào cố thủ trong thành. Cố thủ trong thành rồi cũng không giữ được, nỗi lo sợ trước hùng khí quân đội Phùng Hưng, khiến cho y ăn ngủ không yên, cuống cuồng hoảng loạn, lâm bệnh, ốm chết.

      Phùng Hưng lên ngôi vua trị vì đất nước Nam Việt.Dù đã chiếm lĩnh thành trì, lập ngôi, xưng vương chính danh, trông coi chính sự đất nước, nhưng việc lo cho dân yên ổn làm ăn lắm khi cũng trùng điệp trắc trở. Vua Phùng Hưng đang được lòng dân mến mộ, tướng sĩ tin yêu thì chẳng may người lâm bệnh qua đời ngày13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 802DL) thọ 41 tuổi. Quốc sửĐại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục đều ghi nhận ông mất năm 791 sau khi đánh đuổi được giặc Đường.Gần đây, giới sử học  xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791.

Sau khi mất, Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại vương. Chép về sự kiện ra đi về cõi vĩnh hằng của tiên đế Phùng Hưng hình như các tác giả không muốn ghi thật chi tiết; và “vương khởi binh năm Đinh Mùi niên hiệu Đại Lịch thứ hai (767) đến năm Trinh Nguyên thứ 7- Đường Đức Tông, được cả thảy 25 năm thì hết. Miếu thờ ở phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long.(7)”

    Về danh hiệu Bố Cái đại vương, vì các sử thần triều Lê hiểu nghĩa “Bố Cái” là “Cha Mẹ” nênĐại Việt sử ký toàn thư cũng viết: “Mậu Thân (768) Đường Đại Lịch năm thứ 3 đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ.” Và “Phùng Hưng nổi binh vây phủ, Chính Bình vì lo mà chết. Phùng Hưng vốn con nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật được trâu, đáng được hổ…Con là AnTôn xưng (cha) là Bố Cái đại vương. Tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái cho nên lấy làm hiệu”(8)Lời chua (phụ chú) trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Bố Cái, sử cũ chua tục cổ nước ta gọi cha là bố , gọi mẹ là cái, nên đặt Bố Cái làm tôn hiệu.”(9)cũng tương tự như sử cũ. Trong Tổng luận sách Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Lê Tung gọi Phùng Hưng là Phùng Bố Cái: “Phùng Bố Cái là bậc anh hùng ở Đường Lâm, ghét chính sách ngược đãi hà khắc của Chính Bình, anh em thừa thời nổi dậy cứu dân , dẹp loạn ban đức lập công có thể gọi là vị vua nhân hậu. Chỉ tiếc con ông là An không biết nối giữ cơ nghiệp được lập nên do Phá Lặc, rồi đầu hàng Triệu Xương; dù có Đỗ Anh Hàn là bề tôi lo việc nước cũng không cứu nổi…”(9)Ở đây, nghĩa của từ “BỐ” là vua, tương đương tiếng Mường là Bua (như BuaTản = vua cả núi Tản Viên)(10)“Cái” tương đương như Mẹ thiêng (Cái Ứa = Chim cái trong tục tôn thờ vật tổ theo thần thoại Chim Ây Cái Ứa)(11)nhưng đã biến nghĩa là to lớnthủy tổ của người Việt Mường.Câu thành ngữ Việt “Con dại cái mang” đã đồng nhất trách nhiệm của cha mẹ vào một từ CÁI. Bố Cái có thể là liên từ chỉ một ông vua vĩ đại là Phùng Hưng. Vậy, BỐ CÁI có nghĩa chỉ Phùng Hưng là bậc cha mẹ của muôn dân trăm họ. Tục ngữ người Việt có câu “Thương dân dân lập đền thờ”cùng với quan niệm thờ cúng tổ tiên, mà cha mẹ là Phật sống trong nhàlà thế.

Các bản sách Đại Nam quốc sử diễn ca đềuở thế kỹ XIX có đoạn viết về Phùng Hưng:

Xiết bao phú trọng, chính hà,
Sinh dân sầu khổ ai là xót chăng?
Đường Lâm mới có Phùng Hưng,
Đã tài kiêu dũng, lại lưng phú hào.
Cõi Tây nổi việc cung đao,
Đô quân tôn hiệu, Tản Thao hiệp tình.
Đem quân thẳng đến vây thành,
Đại La thế bức, Chính Bình hồn tiêu.
Nhân phủ trị mở ngôi triều,
Phong châu một giải nhiếp điều mấy niên.
Đế hương phút trở xe biền,
Đại vương Bố Cái tiếng truyền muôn thu.
Phùng An con nối thơ ngu,
Nghe quan nhu viễn bầy mưu hàng Đường..(12)



     Tương truyền vua Phùng Hưng mất đi nhưng linh hồn người vẫn thiêng lắm. “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ, bốn mùa cúng tế”. Theo thần tích thì sau khi Phùng Hưng mất, dân lập “miếu thờ ở phường Thịnh Quang” và “phường Quảng Bá cũng cùng thờ cúng.”Chốn ấy nay thuộc phường Thịnh Hào, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Sử liệu và truyền thuyết dân gian cho đến nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về sự linh thiêng của Bố Cái đại vương. Việt điện u linh khẳng định: “Sau khi mất, Bố Cái đại vương rất hiển linh.Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa.

Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ vương ở phía Tây của phủ.

     Đền thờ vương rất linh thiêng. Mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó như bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt.” (12)Đoạn trên được tác giả thần tích dẫn lại sau hơn 120 năm. Ngô Quyền trên đường đi đánh giặc Nam Hán đã được Phùng Hưng về báo mộng. “ Đến khi Ngô tiên chúa sáng nghiệp khai quốc; quân Nam Hán sang xâm lược, tiên chúa rất lo lắng, đêm mơ thấy vương mặc áo giáp sáng, đốc lĩnh trăm vạn hùng binh, tướng soái ngàn người, đều cầm đao, thương, qua, kích, cờ , biển, voi, ngựa đông vô kể. Khi gặp tiên chúa vương tự xưng họ tên  và nói:

     - Bọn thảo khấu ngu xuẩn ấy đâu đáng nhắc tới! Ta sẽ giúp hiền khanh một tay.

Tiên chúa lấy làm lạ tỉnh giấc. Đến khi dẹp xong giặc, tiên chúa xuống chiếu cho xây dựng đền thờ đường bệ nghiêm trang, trồng hoa cỏ, treo cờ lớn, cử nhạc, nổi trống cúng lễ thái lao. Các triều sau làmtheo thành lệ.” .Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) thời Trần, vua sắc phong sắc thần Phùng Hưng là Phù Hựu đại vương.Năm Trùng Hưng thứ tư gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20, vua Trần Anh Tông gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa. Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay vẫn được gìn giữ, tôn tạo ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, nội thành Hà Nội. Đền thờ Phùng Hưng được dựng lên ở nhiều nơi trong gần 1.300 qua trên nhiều địa điểm khác nhau như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá, miếu Tây Hồ, đình Triều Khúc ở Thanh Trì. Lăng Đại Áng, Phương Trung, Hoạch An hay phủ Thanh Oai…vẫn hiện hữu.

      Lẽ thường, khi không còn giữ được độc lập tự chủ thì vua quan, dân chúng đều trở thành nô lệ phụ thuộc. Sau 9 năm tự chủ vương triều nhà Phùngquân nhà Đường lại táichiếm đặt nền cai trị Nam Việt. Dấu tíchtông tộc họ Phùng ở Đường Lâm bị bọn quan quân nhà Đường truy tìm, giết hại. Quan lang, dân Việt theo nhau vào các miền các vùng rừng núi, trung du, men theo các triền sông lớn nhỏ,tỏa vềcác vùng hạ lưu ẩn tính danh lập nghiệp, chờ thời đóng góp công sứcvào sự nghiệp đánh giặc cứu nước.Ngày nay, các chi dòng của họ Phùng vẫn còn rất nhiều di duệ cư trú làm ăn tại các địa phương. Những chi gần nhất với đời thứ 8 của Phùng Hưng định cư lâu đời ở các miền đất, nay thuộc Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Các chi, dòng họPhùng Quang ở Vĩnh Phúc,Phùng Xuân ở bên bờ sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ, Phùng Văn ở Ba Vì, Phùng Huy ở Thanh Hóa… vẫn ghi đậm những ký ức về bậc tổ vua Phùng Hưng với niềm tự hào chính đáng.

Thần tích ghi lại là lăng mộ Phùng Hưng được đặt ở phía tây thành Tống Bình, ngày nay ở đầu phố Giảng Võ vẫn được giữ gìn chu đáo,. Tại quê hương và nhiều nơi khác đã xây dựng đền thờ Phùng Hưng, để tỏ lòng nhớ thương và cúng lễ cầu mong vong linh người phù hộ cho dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Sau khi mất Bố Cái đại vương Phùng Hưng rất linh thiêng. Những câu chuyện lạ kỳ được lưu truyền trong dân gian và thư tịch cổ, như trong sách Việt điện u linh viết rằng:“Sau khi mất, Bố Cái đại vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa. Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ vương ở phía tây của phủ đô hộ.

Đền thờ vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như  bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt. Khi Ngô tiên chủdựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta, tiên sinh ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô tiên chủ nằm mơ, thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến trước mắt, nói rõ họ tên của mình và bảo rằng:

- Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức nhà vua, xin nhà vua hãy gấp tiến binh, đừng lo nghĩ gì cả. Đến khi Ngô tiên chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã ầm ầm, và quả nhiên trận ấy được đại thắng.

Ngô tiên chủlấy làm lạ, liền sai sửa sang ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và lịch sự hơn xưa. Xong, Ngô tiên chủđem các thứ lễ vật cùng cờ quạt chiêng trống đến để tế lễ. Sau, các triều quen dần thành lệ. Thời Trần, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), nhà vua (Nhân Tông) sắc phong là Phù Hựu Đại vương. Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua (Anh Tông) gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa.

Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng kéo dài hơn 20 năm (766-791). Những ngày chuẩn bị kết liễu cuộc đời cướp nước của Cao Chính Bình; quân dân Nam Việt đã chiến đấu anh dũng liên tục suốt bảy ngày đêm, kết quả là đã đánh bại bốn vạn quân giặc. Ngay lập tức, Phùng Hưng chỉ huy quân lính chiếm luôn thành Tống Bình làm kinh đô. Tại đây, ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại vương.Trong bản thần tích làng Thịnh Hào cũng có đoạn ghi chép tương tự: “Sau khi vương chết, rất linh ứng, dân chúng cho là thần, lập tức dựng đền ở phía tây đô phủ để thờ cúng. Phàm có những việc trộm cắp bất minh, đến đền minh thệ, lập tức sẽ thấy lành dữ. Vì vậy, ở đây hương hỏa không ngớt. Đến khi Ngô tiên chúa sáng nghiệp khai quốc, quân Nam Hán sang xâm lược; tiên chúa rất lo lắng, đêm mơ thấy vương mặc áo giáp sáng, đốc lĩnh trăm vạn hùng binh, tướng soái ngàn người, đều cầm đao thương qua kích, cờ biển ngựa voi đông vô kể. Khi gặp tiên chúa, tự xưng họ tên rồi nói rằng:

- Bọn thảo khấu ngu xuẩn ấy đâu đáng nhắc tới. Ta sẽ giúp hiền khanh một tay.Tiên chúa lấy làm lạ, tỉnh giấc. Đến khi dẹp xong giặc, tiên chúa xuống chiếu cho xây dựng đền thờ đường bệ, nghiêm trang, trồng hoa cỏ, treo cờ lớn, cử nhạc, nổi trống, cúng lễ thái lao. Các triều sau đều theo lễ này”.

Tựu trung, cơ sự làm nên, hay suy thoái là do trí tuệ và nghị lực của từng con người cụ thể tạo ra. Thế kỹ XIV, sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên khi chép việc Phùng An để mất nước khá trung thực: “Hai năm sau đó, vua Đường Đức Tông sai Triệu Xương sang đô hộ nước ta. Triệu Xương tới nới, trước hết, cho sứ giả mang lễ vật đến dụ dỗ Phùng An. Phùng An xin hàng phục. Từ đó, họ Phùng tản mác mỗi người một nơi.”(13)Mặc dầu vậy, ca dao xứ Đoài xưa vẫn truyền đời câu:

Gương Phùng Hưng ở Đường Lâm,

Vẫn còn ghi những tháng năm huy hoàng.

Thế mới biết vận nước hưng vong, vua anh minh dũng lược, mưu trí thì dân ấm no hạnh phúc luôn biết tôn vinh mãi mãi. Chính sử, thần tích và truyền thuyết luôn bám sát, thêu dệt làm cho nét đẹp tính cách ngày càng đẹp hơn và nét khiếm khuyết vẫn cần ghi chép lại để làm gương soi cho hậu thế.

CHÚ THÍCH



(1) Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, Nxb Khoa học xã hội, H, 2009

(2) Trương Sỹ Hùng, Sử thi thần thoại Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1992

(3) Trương Sỹ Hùng, Thần thoại Đông Nam Á, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1993

(4, 5) Thịnh Hào phường thần tích (盛豪坊神跡)– ký hiệu 02260 - Thư viện Hán Nôm.

(6) Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Hồng Bàng, Gia Lai,2002.

(7) Tên các đia danh do tú tài Lê Doãn Địch chép lại thần tích năm 1839 và đều có chú thích: Thịnh Quang đã đổi là Thịnh Hào, Quảng Đức đổi thành Vĩnh Thuận, Phụng Thiên đổi thành Hoài Đức, Thăng Long đổi thành Hà Nội ở thời nhà Nguyễn.

(8) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, H, 1972.

(9) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H,1998

(10) Trương Sỹ Hùng-Bùi Thiện, Vốn cổ văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, H, 1995.

(11)  Trương Sỹ Hùng, Sử thi thần thoại Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1992

(12) Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca, Sông Nhị xuất bản, H, 1949.

(13) Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb Văn hóa, H, 1960.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét