Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Tăng Thử-Ghét Chuột(*)

Lũ chuột đáng ghét.
Ty Du

Nhân TBT Nguyễn Phú Trọng nói về đánh chuột coi chừng bể lọ, nhiều người đã bình luận. Nay tôi xin giới thiệu hầu quý độc giả bài thơ Tăng Thử, nghĩa là Ghét Chuột, của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vốn dĩ chuột là loài gặm nhấm đã bị nhận dạng thành lũ tham nhũng, đục khoét rất âm độc, bất nhân, tàn hại hoa màu thóc gạo của dân, bám vào nền xã nền tắc, tức là chốn triều đình để tàn hại, từ hơn hai ngàn năm nay. Cứ xem Kinh Thi, bài Thạc thử thì đủ biết.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ của mình cũng đã nhắc lại cái hình ảnh, cái biểu tượng của tham nhũng, đục khoét, và kết luận trong hai câu: “Thạc thử hồ bất nhân…Tàn hại hà thái khốc!”. Nghĩa là cái con chuột lớn kia sao mày quá bất nhân, cái tàn hại của mi sao mà quá thảm khốc.

Nguyên văn bài Tăng Thử:
Duy thiên sinh chưng dân,
Bão noãn các sở dục.
Ô hoàng cổ thánh nhân,
Giáo dĩ nghệ ngũ cốc.
Phụ mẫu ngưỡng tự sự,
Thê tử phủ sở dục.
Thạc thử hồ bất nhân,
Thảo thiết tư âm độc.
Nguyên dã hữu cảo miêu,
Lẫm dĩu vô dư tức.
Lão bần nông phu thán,
Cơ tích điền dã khốc,
Ninh khiết Ngụy mã yên,
Ninh đạo Lỗ ngưu giốc.
Dân mệnh vi chí trọng,
Tàn hại thái hà khốc.
Thành xã ỷ vi gian,
Thần nhân oán mãn phúc.
Ký thất thiên hạ tâm,
Tất thụ thiên hạ lục.
Triều thị tứ nhĩ thi,
Ô diên khiết nhĩ nhục.
Dịch nghĩa:
Trời sinh ra dân chúng
No ấm là điều ai nấy đều mong muốn.
Lớn lao thay vị thánh nhân đời xưa,
Dạy dân trồng cấy năm loại lúa.
Ngẩng lên thì phụng dưỡng cha mẹ,
Cúi xuống thì nuôi nấng vợ con.
Con chuột lớn kia sao mày bất nhân
Vụng trộm thêm nhiều mưu độc hại.
Đồng nội có mạ khô,
Kho đụn không thóc thừa.
Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn,
Đói và gầy, trên ruộng đồng kêu khóc.
Thà nhá cái yên ngựa của nước Ngụy1,
Thà ăn trộm cái sừng trâu của nước Lỗ2.
Sinh mệnh của dân chúng rất là trọng,
Tàn hại sao mà quá thảm khốc.
Chốn thành xã dựa vào3, mà làm điều gian,
Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng.
Mi đã làm mất lòng thuên hạ,
Tất sẽ bị thiên hạ giết chết.
Phơi xác mi ở chốn chợ búa,
Quạ và diều rỉa thịt mi.

Bài thơ tố cáo lũ “chuột lớn” bất nhân. Ngày nay lũ chuột lớn là kẻ nào, nhân dân đã nhìn rõ mặt. Nhưng, chúng đang dựa vào “thành xã” ( có thể là cái thành trì xã hội chủ nghĩa chăng), mà làm điều gian. ai ai cũng nhận thấy.
Tuy nhiên năm câu kết luận của cụ mới là ghê sợ, nó là một dự báo không tránh khỏi, là một chung cuộc ắt phai xảy ra. NẾU.
Chữ Nếu là chữ bỏ ngõ cho hai tình huống sẽ xảy ra. Nếu từ bỏ lốt chuột. Nhân dân sẽ tha thứ. Nếu vẫn giữ lốt chuột, cái “Tất sẽ…”nhất định đến.
Nhiều cán bộ cao cấp của VN hiện nay chắc chưa bao giờ được học hay được đọc bài thơ này. Mà các cái trường Nguyễn Ái Quộc dạy làm quan thời nay, cả các cái ban tuyên giáo các cấp chắc cũng chưa bao giờ đọc và nghiền ngẫm những tư tưởng chính trị của cha ông xưa để lại, bởi họ chỉ biết cứ một điều là Mác-Lê, hai điều là mác lê mà thôi./.
--------
*Thơ Văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tinh Tuyển Văn học VN. Văn Học Tkxiv-xvii, Tr866.
1. Xưa quân nước Ngụy bị bao vây, tuyệt lương phải lấy yêu ngựa đem ninh để ăn.
2. Dân nước Lỗ bị nạn đói phải đem tù và bằng sừng trâu hầm lấy nước chia nhau cầm hơi.

3.Ý nói những uy thế không ai dám xâm phạm, nên chuột-lũ lộng quyền dựa vào. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét