Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

TỪ NỀN KINH TẾ TRI THỨC TỚI NỀN KINH TẾ MINH TRIẾT

Kết quả hình ảnh cho wisdom triangle 
TMT: Chúng ta đã và đang bước vào kỷ nguyên số với nền kinh tế tri thức. Con người kết nối trao đổi thông tin với nhau ngày càng dễ dàng hơn. Thậm chí gần đây IoT (Internet of Things) hoặc IoE (Internet of Everything) đã xuất hiện với tần số dày đặc và sẽ trở nên một khái niệm thông thường: IoT - Internet của vạn vật, không chỉ con người mà hầu hết các vật dụng, phương tiện sẽ trở nên “thông minh” hơn để sẵn sàng kết nối với nhau qua mạng Internet. Phải chăng, tiếp sau kỷ nguyên số là sẽ kỷ nguyên Minh Triết, và tương ứng tiếp sau nền kinh tế tri thức là nền kinh tế Minh Triết?.
Thôn Minh Triết xin trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu dưới đây của tác giả Ngô Toàn, Thạc sĩ Tâm lý học, nghiên cứu và tư vấn độc lập về tâm lý trị liệu.
   --------------
TỪ NỀN KINH TẾ TRI THỨC TỚI NỀN KINH TẾ MINH TRIẾT: VÀI HÀM Ý HỌC HỎI CHO SỰ PHÁT TRIỂN TÂM TRÍ VIỆT

- Ngô Toàn *

Bài viết không đề cập từ góc độ thuần túy kinh tế học mà chủ yếu thao tác khái niệm vì ưu tiên quan tâm khai thác các khía cạnh văn hóa- xã hội của sự chuyển đổi. Bất chấp các tiến bộ ngoạn mục của khoa học- công nghệ và mức lan rộng của kinh tế thị trường toàn cầu, loài người vẫn chưa thôi đói khát sự chắc chắn; não bộ chúng ta lảng tránh sự bất định (uncertainty) như một cơn đau. Khi nhìn thấy điều não bộ dường như mong muốn nhằm đạt các mục tiêu thiết yếu, nhiều khía cạnh của thế giới bắt đầu trở nên ý nghĩa hơn với mỗi một cá nhân. Nắm bắt những gì xảy đến khi nhân loại đi từ nền kinh tế tri thức (knowledge economy) tới nền kinh tế minh triết (wisdom economy) do vậy, khơi gợi vài hàm ý học hỏi cho sự phát triển tâm trí Việt; góp phần hình thành và phát triển các cấp độ tự do ở tầm hệ thống (tự do quốc gia, tự do dân sự, và tự do cá nhân) mà đến lượt nó, vun bồi hoặc giáo dục từng thành viên bản chất của tự do như một lối sống hoàn toàn khác biệt.

Trước khi khảo sát các tiền đề cũng như tìm hiểu đặc điểm thay đổi trên tiến trình cùng những biến chuyển mang tính hệ thống của hai nền kinh tế định bàn ở phạm vi phổ quát, thiển nghĩ, không thể không nhắc tới cuộc đời độc sáng của một vị tiền bối cách mạng trong lịch sử tư tưởng và văn hóa dân tộc Việt Nam vừa tròn 90 năm.
Thực tế, qua trải nghiệm cá nhân, hàm ý tâm lý của Phan Châu Trinh (1872-1926) có thể nói là khi cá nhân bị đặt trước hoàn cảnh có vấn đề nghiêm trọng và đầy ý nghĩa, người trong cuộc buộc phải đối đầu, dù đã cố gắng giải quyết và thất bại. Nhiệt tình học hỏi do vậy, dâng cao với yêu cầu căn bản của nó là sự khát khao bất an chứa tính lưỡng nan đặng học hỏi hay thay đổi triệt để, xuất phát từ một khó khăn cảm thấy trong sự va chạm với đời. Nhân tiện, cần nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam, các nền tảng khả thể của tự do như một ý niệm được đặt để trên nền tảng đất nước thuần nông, xuyên hàng thế kỷ, chính quyền theo chế độ cha truyền con nối trải vương quyền xuống tận làng xã; sự thống trị ấy dựa trên niềm tin Khổng giáo và cảm nhận độc lập mãnh liệt của người dân Lạc Hồng, đặc biệt nỗi niềm khao khát thoát khỏi ách kiềm kẹp từ láng giềng phương Bắc là Trung Hoa. Vào thời điểm thực dân Pháp bắt đầu đô hộ đất nước từ những năm 1850, Việt Nam là “xã hội hết sức quan liêu ở Đông Nam Á” (Taylor, 2002, p.183).

Ở đây, vì thế, cần nói ngay, “học hỏi thật sự” được hiểu dưới cái nhìn tích cực, dấn thân và mang tính nhân văn của những gì giáo dục dần nên trở thành; cụ thể, là việc học tập khiến cá nhân thay đổi trong hành vi, trong chuỗi hành động cho tương lai, trong thái độ, và trong nhân cách; đó là thứ kiến thức xâm nhập, len lỏi vào mỗi một lĩnh vực của đời sống cá nhân, khác xa hẳn xu hướng chất chồng kiến thức. (Kirschenbaum & Henderson, 1989, pp. 299-334; Rogers & Russell, 2002, pp. 293- 298).

“Cơ hội trong sự hỗn độn”

Tờ báo tiếng Anh hàng ngày Việt Nam News (số ra ngày 28.8.2015) của Thông Tấn Xã Việt Nam dùng cụm từ “thiếu não trạng (mindset) đúng đắn” khi đưa tin về Hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế. Trang điện tử của Tạp chí Cộng Sản nhận định (21/01/2016), “kinh tế toàn cầu năm 2015 nhìn chung phát triển chậm và không ổn định, dù đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Có thể thấy, sau hơn 7 năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (năm 2008), kinh tế thế giới vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước đó. Dự báo năm 2016, tốc độ tăng trưởng có cải thiện hơn so với năm 2015, song kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.”
Mới thoạt nhìn, tình hình kinh tế rối ren có vẻ đa phần gợi lên nhiều khía cạnh tiêu cực; đời sống giục giã thay đổi, trạng thái bất trắc lớn thêm, và thật khó khăn để quản lý những chuyển biến phức tạp. Dù không ít doanh nghiệp làm ăn tấn tới với lợi nhuận tích lũy tăng dần, song việc làm lại ngày càng ít cho người lao động, các công nhân hiện đang đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt và dễ gặp nguy cơ sàng lọc do các sản phẩm và dịch vụ ngày càng nhanh hơn, thông minh hơn, đẹp hơn và quyến rũ hơn.
Tờ Courrier Mail của Úc đưa tin (30/01/2016), cứ 5 trẻ thì có một cháu bước vào năm học này không đủ khả năng học tập phù hợp; tức việc đọc, viết, tính toán của các em chưa chuẩn bị đúng đắn cho các nghề nghiệp tương lai.
Trong khi đó, ở các ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt lĩnh vực công nghệ cao, các công nhân tài năng ngày càng khó tìm kiếm đảm bảo thuần thục kỹ năng toán, khoa học, quản lý dự án phức tạp và lãnh đạo. Một số thành phố, tiểu bang và đất nước thiếu hụt nhân lực trầm trọng, nhiều lỗ hổng bất cập với các dịch vụ công. Những công việc được gọi là an toàn trước đây như giáo viên, cảnh sát, lính cứu hỏa giờ đang giảm biên chế để tiết kiệm ngân sách. Tuy vậy, nhiều công việc mới sẽ rất cần để các công ty, chính phủ và các doanh nghiệp xã hội có thể phát triển và chuyển tải hàng loạt sản phẩm lẫn dịch vụ thông minh góp phần kiến tạo thế giới tốt lành hơn, cho phép mọi người sống cuộc đời tươi sáng, làm những việc cho bản thân như các chuyên gia tiến hành đồng thời thêm phần năng sản và hiệu quả. (The Wisdom Economy, 2013).
Những hỗn độn đang diễn ra là triệu chứng cho sự chuyển dịch sang một giai đoạn mới của sự phát triển nhân loại, thời đại Minh Triết (Wisdom Age) và đi kèm nó là nền kinh tế minh triết (wisdom economy) mang đặc trưng “ứng dụng khôn ngoan tri thức”; là bước cao hơn trong thang dữ liệu (data): hoạt động (activity), dữ liệu, thông tin (information), tri thức (knowledge) và minh triết; một mô hình từ khoa học máy tính giải thích cách dữ liệu được chuyển hóa và ứng dụng (Findlay & Straus, 2013). Thay đổi ở thị trường lao động xác quyết mô hình mới; nảy sinh phân loại mới về “công việc minh triết” thể hiện sự sáng tạo trong công việc, phản ánh một sự chú mục mới mẻ vào đạo đức hành nghề (ethics), tính tương liên (interdependency), năng lực bền vững (sustainability), và tạo tác ý nghĩa (meaning making), góp phần thiết kế và xây dựng các cộng đồng chung sống trên hành tinh lành mạnh và an toàn hơn.

“Từ nền kinh tế tri thức tới nền kinh tế minh triết”

Một cách ngắn gọn, sự chuyển đổi từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế minh triết là sự chuyển đổi từ phương thức “đồng sáng tạo tri thức” (co-creation of knowledge) sang phương thức “áp dụng tri thức một cách minh triết” (the wise application of knowledge). Đây là phần thuộc giai đoạn quá độ lên một mức độ cao hơn của tổ chức theo một tiến trình mà Schumpeter gọi là “sự phá hủy sáng tạo”. Mỗi giai đoạn mới tồn tại ngắn hơn 1/5 so với cái trước đó và không cần đi hết một thế hệ, lý giải tại sao CEO quan tâm tới tính phức hợp và sự thay đổi.
Nền kinh tế tri thức (knowledge- based/ knowledge-driven economy) được đặt trong quan hệ với yêu cầu đổi mới (innovation) nhằm xử lý với một số bất định và nguy cơ kinh tế; việc quản lý tri thức là cội nguồn của nền kinh tế này. 
Một hai thập niên trở lại đây, các khái niệm dường như tác động và xác lập toàn bộ các chính sách khoa học và công nghệ phương Tây là công nghệ cao (high technology), đổi mới hệ thống quốc gia (national system of innovation), kinh tế thông tin (information economy), kinh tế tri thức, và nền kinh tế mới (the new economy). Với các chính sách phát triển này, OECD, hành xử như như một “think tank” với các nước thành viên trở thành nhân tố thúc đẩy quan trọng việc dùng các khái niệm vừa nêu, đưa chúng trở thành   chuyện câu chữ.  (Godin, 2006).
Theo tác giả Smith (2002), các ngành công nghiệp có độ tri thức đậm đặc là cốt lõi cho sự thịnh vượng, và chúng ta đang bước vào một dạng thức hoàn toàn mới của “xã hội tri thức”. Khái niệm “kinh tế tri thức” hay còn được gọi là “kinh tế học hỏi” (learning economy) thể hiện mức độ đầu tư kiến thức trên bình diện kinh tế rộng, chứ không chỉ hạn chế với các lĩnh vực công nghệ cao hay thuần nghiên cứu và phát triển (R & D).
Nền kinh tế đổi mới luôn luôn nhắm vào việc học hỏi; các chính sách công đối với khoa học, công nghệ, và đổi mới luôn luôn đặt mục tiêu tạo tác và khuếch trương kiến thức. Lần nữa, khái niệm này thể hiện niềm tin rằng kiến thức là định lượng và đôi khi định tính ngày càng quan trọng vì được xem là một sản phẩm, và chúng ta đang nhìn thấy sự xuất hiện nhiều dạng hoạt động mới mẻ dựa trên việc thương mại sản phẩm kiến thức. Quan điểm cho các kiến thức đã được mã hóa (codified knowledge), đối lập với các kỹ năng ngầm định, hợp nhất với con người, trong một số phương thức đang ngày càng quan trọng như một thành phần nền tảng kiến thức tương tích về mặt kinh tế. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hàm ý kiến thức giữ vai trò mới trong các tiến trình kinh tế. Đáng quan tâm tới các chỉ báo trực tiếp về mức độ tri thức trong sản phẩm cũng như cách thức các “cơ sở phân phối tri thức” (distributed knowledge bases) có thể tác động tới ý niệm của chúng ta về nền kinh tế này. Hiểu biết của chúng ta về nguy cơ xã hội, sự đổi mới và hệ hình kinh tế- kỹ thuật (techno- economic paradigm) được sử dụng để xem xét nguy cơ kinh tế, và mở rộng hơn tới các nguy cơ của các chính sách thuộc nền kinh tế tri thức và các hệ thống đổi mới liên quan. Nguy cơ kinh tế đặc thù thu hút sự chú ý tới tính bất ổn hiển hiên của nền kinh tế tri thức, và những thách thức tính chắc chắn của các nguyên lý nền kinh tế này đã gợi ra một viễn tượng thay thế, chí ít vì vén lộ tính bất trắc và tương lai khó đoán định đầy may rủi thuộc xã hội, chính trị và văn hóa bị lờ đi trước mối lợi thương mại.
Thay vì cạnh tranh, nền kinh tế minh triết đề cao tinh thần hợp tác; song nó đòi hỏi cả thái độ lẫn năng lực. Nền kinh tế minh triết chấp nhận ở mức độ sâu xa rằng sự thiệt hại và bất lợi của bạn là vấn đề của tôi (Dobson, 2010). Nền kinh tế tri thức thì đổi mới; nền kinh tế minh triết thì phản tư (reflective); phản tư không thay thế cho sự đổi mới song nó đặt để thắc mắc về mục tiêu và cứu cánh của sự đổi mới, nó dừng lại nhằm xem xét các hậu quả, và đôi khi đặt để một giá trị cao hơn vào lúc khởi sự hơn là kết thúc hành động. Một nền kinh tế minh triết không làm ngơ tri thức; nó nhận thấy giá trị gắn kết với khung tham chiếu về mặt đạo đức và xã hội mà trong đó tri thức được sử dụng. Minh triết nhận ra rằng các giá trị và việc lượng định giá trị là hiển nhiên trong cách chúng ta sống và nhất thiết cần cởi mở về chúng.
Để hiểu thêm về sự chuyển đổi sang nền kinh tế minh triết, cần nắm vững cốt lõi của cách tiếp cận Hệ thống Thao tác Thích ứng Phức hợp (Complex Adaptive Operating System, CAOS): một mô hình về sự chuyển biến xã hội- công nghệ (Findlay, 2009; Findlay & Straus, 2011); nó đưa ra lời giải thích theo chiều dọc những biến chuyển thuộc thang đo vĩ mô từng xảy ra trên 50.000 năm qua, song nó đặc biệt nhấn mạnh về 200 năm trở lại đây. Mô hình này cũng cung cấp một chỉ báo khái quát về các xu hướng tương lai.
Các làn sóng dĩ vãng mang một số tên quen thuộc: Thời đại Công nghiệp (1700- 1950), thời đại Thông tin (1950- 2000), thời đại Tri thức (2000- 2010), và gần đây là thời đại Minh triết (2010- 2012); giai đoạn sau 2012 được xem theo chiều hướng sáng tạo và khoan hòa (deliberate) trong tư duy và hành động... Ở điểm tới hạn của mỗi làn sóng, các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ của thời đại mới sẽ thay đổi. Các công cụ của thời đại mới tự động và/ hoặc giảm thiểu tính chủ đạo của thời đại trước đó và/ hoặc làm năng sản cái mà chúng thay thế theo một tiến trình mà kinh tế gia Úc Joseph Schumpet gọi là “sự phá hủy sáng tạo” (Schumpeter, 2003). Các biểu tượng gắn với mỗi thời đại lần lượt là xe cơ giới (machine), máy tính (computer), mạng lưới làm việc (network), hệ thống sinh thái (ecology), và bức ảnh toàn ký (hologram).
Những làn sóng thành tựu của các công nghệ mới đòi hỏi hội tụ tổ hợp mới của các vai trò lao động, kỹ năng đòi hỏi, các nguyên tắc tương tác, và văn hóa. Mô hình cũng tiên đoán những thay đổi khả dĩ xảy đến trong tương lai, nhất là thuộc các công nghệ mới; các kỹ năng đòi hỏi nhằm thiết kế, xây dựng và thao tác các hệ thống phức tạp; những chuyển đổi, biến dịch trong các mối quan tâm và nhu cầu ngõ hầu có thể đáp ứng mong đợi của các nhà cung cấp, đầu tư.
Khi thao tác khái niệm với dữ liệu, thông tin, tri thức, hiểu biết (understanding) và minh triết cũng như hệ thống (system) và Lý thuyết Phức Hợp (Complexity Theory), người nghiên cứu nhận thấy các tổ chức bây giờ đang khởi sự suy nghĩ về chính họ như là các “hệ thống thích ứng phức hợp” hiện hết sức uyển chuyển với các hệ thống mạng lưới tương tác, chuyển biến và liên kết nhau qua thời gian theo dạng sinh thái tương liên.
Các động cơ thúc đẩy làm tăng thêm tính phức hợp thêm đương đại bao gồm:
- Toàn cầu hóa trong kinh doanh và quan hệ, như kết quả của internet, mạng xã hội và du lịch giá thấp, ước muốn trải nghiệm sự đa dạng văn hóa ở khắp nơi trên thế giới.
- Bùng nổ thông tin tinh tuyển về tài chính, cá nhân và các thương vụ xã hội.
- Dân chủ hóa (democratization) tiến trình tạo tác tri thức vì ngày càng có nhiều các “công dân” (citizen) là nhà nghiên cứu, học giả, khách hàng, các “nhà sản xuất sử dụng” (produsers), các nhà đầu tư “tích trữ trong dân” (crowd resourced) tham gia.
- Tiến hóa trong các hệ thống tổ chức và dây chuyền cung cấp trở thành các mạng lưới phức hợp (complex webs).
- Tính phân kỳ (divergence) và đa dạng (diversity) các mối quan tâm của những nhà hoạt động chính trị, tôn giáo, chuyên môn, thể thao và văn hóa cũng như cách họ can thiệp hoặc giao lưu với các hệ thống khác.
- Ngày càng xuất hiện biểu hiện phụ thuộc lẫn nhau của các hệ thống công nghệ, kinh tế và thông tin phức hợp như logistics, giao thông, năng lượng, truyền thông và phân phối.
- Hình thành thế hệ ham muốn thỏa mãn tức thời, đòi có ngay và luôn (must have it now).
Dù các hệ thống thích ứng phức hợp có thể lộ diện có vẻ hỗn độn, thực tế thì chúng có khả năng tự điều chỉnh và thể hiện rõ ràng. Trật tự mới nảy sinh khi chúng phát triển.

Một vài hàm ý học hỏi cho sự phát triển tâm trí Việt

Thực nghiệm các nhà tâm lý học ở Thụy Điển (Gibbs. et als, 1982) tiến hành gần 40 năm qua cho thấy, sinh viên đại học thường chỉ dùng một trong ba cách (thậm chí họ chẳng hề hay biết) học tập vốn quyết định rất lớn đến những gì họ nhận được ở trường: học bề mặt (surface), chiến lược (strategic) và đào sâu (deep learning). Các sinh viên theo lối học đào sâu (deep learning) muốn biết ý nghĩa đằng sau văn bản và suy nghĩ về các ứng dụng, hàm ẩn của nó, truy cứu các xác quyết, phân biệt giữa bằng chứng hỗ trợ với các kết luận, và lượng giá những gì họ đọc; các sinh viên này cũng cố gắng nhận ra điểm khác biệt của ý tưởng, lập luận và sự kiện, rồi cách nó liên quan với điều họ đã được học. Nói gọn, các kẻ học đào sâu này tiếp cận vấn đề với tất cả niềm nhiệt tình háo hức của trẻ lên năm trong việc săn tìm đồ trân quý nhờ sở hữu thêm vào các kỹ năng phân tích, tổng hợp, lượng giá và lý thuyết hóa.
Sau đây là bốn mô hình chủ đạo liên quan với tâm trí của người học đang thống trị trong thời đại chúng ta (Leach, 1999, pp. 10- 17); mỗi cái nhấn mạnh mục tiêu giáo dục khác nhau. Các mô hình này không chỉ là các ý niệm về tâm trí (mind) quyết định cách chúng ta giảng dạy và “giáo dục” mà còn là các ý niệm về những mối quan hệ giữa các tâm trí và văn hóa (cultures). Suy nghĩ lại về tâm lý học giáo dục (educational psychology) đòi hỏi chúng ta cần xem xét mỗi một ý niệm thay thế về sự phát triển con người cũng như tái lượng giá các ứng dụng của chúng  trong dạy và học. Cụ thể, (1) nhìn trẻ em như những người học bắt chước (imitative learners): biết được cách- làm- thế- nào; (2) nhìn trẻ em như đang học tập từ việc bộc lộ việc giảng dạy, mô phạm: đạt được các mệnh đề kiến thức; (3) nhìn trẻ em như kẻ suy tư (thinkers): phát triển sự trao đổi qua lại lẫn nhau; và (4) trẻ em thì thông thạo, hiểu biết (knowledgeable): quản lý kiến thức “khách quan” (objective), tức cả văn hóa lẫn luật pháp không nên vội vã tái cấu trúc (reconstructual) vì tái cấu trúc  thường hay bị ngăn trở. Khoa học cũng không ngoại lệ: nó rất kháng cự với sự tán loạn thái quá thành các “cuộc cách mạng khoa học”, hết sức phóng đãng ném quăng đi các hệ hình (paradigms) xưa cũ.

Ngoài ra, mục đích ở đời xét như một hệ thống tạo ra và duy trì sự lành mạnh và an lạc thân- tâm thì lý thuyết triển khai mang tính tích hợp và kiểm nghiệm được (McKnight, 2009) sẽ bao gồm 10 con đường do các điểm này giao nhau cụ thể: (1) sự dấn thân về mặt ý thức; (2) các mục tiêu; (3) độ nhất quán về ứng xử, hành vi: (4) các điều kiện môi trường; (5) ghi nhận về sự căng thẳng stress; (6) lòng mộ đạo; (7) sức khỏe thể chất; (8) sức khỏe tâm trí; (9) sự khác biệt cá nhân/ các điều kiện ranh giới.

Trên cơ sở lý thuyết sư phạm, hiểu biết tâm lý giáo dục cũng như thực tiễn chuyển biến từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế minh triết, gợi lên vài hàm ý học hỏi thiết thực cho tâm trí Việt:

- Khuyến cáo là thay cho việc học tập bề mặt (surface) chỉ cần đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường, hoặc học tập mang tính chiến lược (strategic) cốt đạt điểm cao, bằng đẹp, được thiên hạ ca tụng, khen ngợi thì nên nghiêm cẩn lựa chọn kiểu học tập đào sâu (deep learning) theo xu hướng tìm kiếm các ý nghĩa gắn bó mật thiết với các chiều kích khác nhau trong đời và với diễn tiến của thế giới.

- Chú trọng đến lòng từ bi (compassion) là đối trị với thái độ vô cảm (indifference), vốn bao chứa trong nó khả năng nhận diện niềm đau nỗi khổ (suffering) ở cả nội tâm lẫn ngoại giới và có nhu cầu làm giảm đau khổ đó; vì thế, tất yếu nảy sinh sự thấu cảm (empathy), tử tế (kindness) và vị tha (altruism).
- Lòng từ bi kết đôi với thái độ sống minh triết (wisdom) đảm bảo cho tiến trình học tập suốt đời trở thành công cụ sáng tạo (creativity) đắc lực hỗ trợ cho việc tôn trọng sự đa dạng và khác biệt đặng chung sống với nhau trong hòa bình (peace), an lạc (well-being) và tỉnh giác (mindfulness).
- Đánh thức tinh thần dấn thân công dân và gánh vác trách nhiệm tương liên văn minh và nhân bản đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, đất nước và toàn cầu trên cơ sở phấn đấu đạt tới các cấp độ tự do toàn diện (tự do quốc gia, tự do cá nhân, tự do dân sự).

--------------------------------------------------------
* Thạc sĩ Tâm lý học, nghiên cứu và tư vấn độc lập về tâm lý trị liệu
Tài liệu tham khảo:
@ Sách
Davies, William. (2015), The Happiness Industry: How the Government and Big Bussiness Sold Us Well-Being, Verso, UK
Gorod, Alex., White, Brian E., Ireland, Vernon., Gandhi, Jimmy S., & Sauser, Brian. (eds.) (2015), Case Studies in System of Systems, Enterprise Systems, and Complex Systems Engine, Taylor & Francis Group, NY
Kirschenbaum, H. & Henderson, V.L. (1989), The Carl Rogers Reader, Houghton Miffin Company, NY
Leach, Jenny, & Moon, Bob. (eds). (1999), Learner & Pedagogy, The Open University, UK
Rogers, C.R & Russell, D.E. (2002), Carl Rogers: The Quiet Revolution (An Oral History), Penmarin Books, California 

Taylor, R. H. (ed.) (2002), The idea of freedom in Asia and Africa, Standford Uni. Press, California
@ Báo, tạp chí
Gibbs, et als. (1982), A review of the research of Ference Marton and the Goteborg Group: A phennomenological research perspective on learning
Hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, 28/8/2015
Tổng quan về kinh tế thế giới năm 2015 và dự báo năm 2016, 21/01/2016 http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2016/37233/Tong-quan-ve-kinh-te-the-gioi-nam-2015-va-du-bao.aspx
From a knowledge economy to a wisdom economy, 3/03/2010,
McKnight, Patrick E., & Kashdan, T. B. (2009), Purpose in life as a system that creates and sustains health and well-being: An integrative, testable theory,
Smith, 2002, What is the “Knowledge Economy”? Knowledge Intensity and Distributed Knowledge Bases
The Wisdom Economy: Opportunity in Chaos, 05/2013
VN”s world integration lacks the right mindset, 28/8/2015



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét