Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Minh Triết Thiêng Liêng

Ngô Sỹ Thuyết
TMT: Bàn về Minh Triết tôi luôn nghĩ đến sự thiêng liêng, cao cả, bao trùm, phủ kín, thấm đẫm khắp vũ trụ bao la vô cùng vô tận. Tôi nghĩ đến không gian thông tin toàn thể của một Trí Vũ trụ, ở đó, mọi sự vật, hiện tượng đã được lập trình và một chương trình, một phần mềm (software) - sản phẩm vô cùng tinh tế của Trí Vũ trụ sáng tạo ra đang RUNNING để chi phối, kiểm soát mọi hoạt động trong vũ trụ này.
Trong mọi vật, từ hạt cát, viên đá đến cái cây, ngọn cỏ, con thú và mỗi chúng ta đều có những phần mềm đang hoạt động, các phần mềm được dịch ra “ngôn ngữ” máy, những byte những bit để tạo nên một cái chung, giống nhau duy nhất mà người xưa gọi là “Vạn vật đồng nhất thể”, chính những phần mềm này tạo ra sự muôn hình muôn vẻ của mọi sự vật hiện tượng. Và một điều chúng ta nên nhớ rằng, mọi thứ đã được lập trình sẵn!. Tin vào Trí Vũ trụ hoặc Đấng Sáng Tạo, Chúa Trời, Thượng Đế,… chính là chúng ta đến với Minh Triết Thiêng liêng.
Nghiên cứu về Thông thiên học và luận bàn về Minh Triết, tôi thấy không có bài nào xác đáng, đầy đủ hơn là bài của tác giả Annie Beasant với nhan đề “Thế nào là Thông thiên học hay Minh Triết Thiêng liêng”. Dưới đây là trích dẫn một phần bài viết:

Minh Triết Thiêng Liêng, Annie Beasant
Kết quả hình ảnh cho Annie Besant
Annie Beasant
“Dưới hình thức hiện nay của nó, Thông Thiên Học ra đời từ năm 1875 nhưng nó đã có từ khi nhân loại biết suy tư. Trên thế giới, nó được gọi dưới nhiều tên khác nhau, nhưng tựu trung nó chỉ có một ý nghĩa.
Khoa học càng bành trướng thì nó càng chìm sâu trong duy vật vì các nhà khoa học cho rằng trí óc con người bất lực, không thể tìm hiểu sự tuyệt đối. Một học thuyết được lan truyền sâu rộng cho rằng con người chỉ có thể biết ở ngoại cảnh những gì mà giác quan cung cấp hay do lý trí suy luận từ những điều quan sát được. Họ quả quyết không có một phương tiện hiểu biết nào khác. Nói cách khác, theo họ, con người không sao hiểu biết được sự sống vĩnh cửu và thâm diệu, nguồn gốc và mục đích của nó và các vấn đề liên hệ đến Thượng Đế, sự trường cửu và linh hồn.
Tâm trạng ấy cũng được phổ biến ở Á Đông nhất là những xứ chịu ảnh hưởng Tây phương và còn toan lan tràn khắp thế giới. Vì vậy, các Đấng Cao Cả xét đã đến lúc phải chấn hưng Chân lý xưa dưới một hình thức mới mẻ hợp với trào lưu tiến hóa.
Trong quá khứ sở dĩ các tôn giáo lần lượt ra đời là để đáp ứng lại các nhu cầu của mỗi thế hệ. Vào thời đại chúng ta, mỗi người cần biết rằng các tôn giáo đều phổ biến các chân lý giống nhau, rằng chúng là những nhánh nhóc của một đại thọ duy nhất, và vì thế mà căn bản chung của các tôn giáo phải được giải thích một cách sâu rộng.
Sự khảo sát quá khứ với những phế tích, sự sưu tầm của các nhà khảo cổ, sự nghiên cứu cổ văn thuộc các nền văn minh xưa, các kết quả của những cuộc khai quật và sự phiên dịch các cổ tự, tất cả đều chứng minh một cách chắc chắn rằng giáo lý căn bản của các tôn giáo đều giống nhau, rằng ở các xứ cùng một mức tiến, các nền luân lý cũng in hệt, rằng đời sống của các vị Giáo chủ có nhiều điểm tương đồng, cho đến các việc cúng tế, lễ nghi, tế tự đều hàm súc một tinh hoa duy nhất.
Nhiều người đồng ý về điểm nầy nhưng lại căn cứ trên đặc điểm đó để đả kích các tôn giáo; họ cho rằng chúng là sản phẩm của sự dốt nát và sẽ bị tiêu diệt khi nào nhân loại hiểu biết nhiều hơn.
Thái độ của các giới Tây phương là như thế vào lúc Thông Thiên Học (Théosophia) ra đời.
Thông Thiên Học chính là Minh Triết Thiêng liêng. Lúc ban đầu vì nó hoạt động ở Mỹ và ở Anh nên nó dùng một danh từ Hi Lạp để tự gọi. Danh từ đó là Théosophia mà các phái tân học thuyết Platon đã dùng một thời gian sau đấng Ki Tô để gọi sự Minh Triết Thiêng liêng. Sau đó danh từ ấy được phổ biến ở các giới triết học huyền môn nên hàm súc nhiều ý nghĩa đối với các học giả Tây phương.
Nếu chúng ta lùi sâu hơn trong dĩ vãng, chúng ta gặp một danh từ đồng nghĩa ở Ấn Độ, đó là chữ Phạn Brahma Vidya. Brahma là Trời và Vidya là Minh Triết. Thế là Brahma Vidya có nghĩa là Minh Triết Thiêng Liêng. Phạn ngữ còn có chữ Paravidya là Minh Triết Tối Thượng.
Một Đại sư một hôm được một đệ tử hỏi thế nào là sự hiểu biết. Ngài đáp rằng có hai sự hiểu biết, một thứ thấp và một thứ cao. Tất cả những điều hiểu biết thông thường như khoa học, mỹ thuật, văn chương, kinh sách cho đến thánh thư Vệ đà, tất cả những môn đó đều thuộc thứ hiểu biết thấp. Chỉ có sự hiểu biết Đấng Duy Nhất sáng tạo vạn vật mới là sự hiểu biết cao. Đó là ý nghĩa của Thông Thiên Học, sự hiểu biết Trời, sự hiểu biết Thượng Đế, nguồn cội của sự sống trường tồn.
Như vậy, trái với sự quả quyết của các nhà khoa học, tôn giáo không phải là sản phẩm của sự dốt nát mà là kết quả của sự hiểu biết thiêng liêng. Tôn giáo chẳng qua là những con đường hướng dẫn con người đến Thượng Đế. Chúng là nguyện vọng của linh hồn hướng về thiêng liêng, của con người tìm hiểu Thượng Đế.
Các bạn thử giở một quyển sách sử ký, các bạn thử tìm hiểu một văn minh hay thử thám hiểm Tây phương hay Đông phương cho đến tận góc biển chân trời, đâu đâu quí vị cũng để ý thấy sự khao khát Thượng Đế của nhân loại. Đó là một tiếng kêu gọi tha thiết được một thi sĩ diễn tả bằng những lời cảm động: “Con nai tơ không sao quên dòng suối trong, con cũng thế, con không sao không nghĩ đến Ngài, hỡi Thượng Đế mến yêu!”. Giordano Bruno cũng nói lên một ý niệm tương tự khi ông sánh sự khao khát Thượng Đế với sức mạnh của dòng nước ngày đêm tuôn chảy để trở về mức độ bình thường.
Nếu bạn muốn biết, biết một cách rõ ràng chớ không phải ước mong, tưởng niệm mà thôi, biết với một niềm tin không lay chuyển, thì bạn hãy tìm Đấng Thánh Linh không phải ở ngoài bạn mà ở trong bạn. Bạn đừng gặp nhà khoa học, họ không chỉ bảo gì được ngoài những luật thiên nhiên bất biến; bạn đừng hỏi nhà thần học, họ chỉ lý luận suông mà thôi; bạn cũng không thể nào nhờ các nghệ sĩ tuy họ diễn tả rất khéo vẻ đẹp của Thượng Đế; bạn cũng không nên thảo luận với các triết gia, họ chỉ đưa ra những luận cứ trừu tượng. Bạn hãy hướng vào trong chớ đừng quay ra ngoài, bạn hãy tiến sâu vào lòng bạn và tìm ở buồng tim của bạn sự mầu nhiệm rất đáng cho bạn khám phá, và chỉ ở đó và ở đó mà thôi, bạn mới có thể tìm ra Thượng Đế. Và khi bạn tìm được Ngài, bạn sẽ thấy rằng tất cả trong vũ trụ đều ca tụng sự vinh quang của Ngài và bạn sẽ thấy Ngài ở khắp nơi.
Đó là Chân lý căn bản, chân lý của các chân lý. Đó là Minh Triết Thiêng Liêng mà chúng ta gọi là Thông Thiên Học.
*  *  *  *
Thông Thiên Học còn trình bày hai lý thuyết quan trọng khác.
Thuyết thứ nhất là sự hiện diện của Thượng Đế ở khắp nơi và trong vạn vật. Đó là một chân lý xưa nhưng bị quên lãng ở Tây phương vì thế mà khi chân lý ấy được giảng dạy ở giảng đường Cơ Đốc, nó có vẻ mới lạ. Chân lý ấy được ghi trong nhiều kinh sách xưa. Bạn hãy dở quyển Bhagavad Gita:
“Không có chi di động và bất động mà nó có thể hiện tồn nếu không có Ta”. Hoặc:
“Đã dựng lên vũ trụ với một phần của Ta, Ta tồn tại nơi đây”.
Nếu chúng ta quay về tư tưởng hiện đại, chúng ta cũng thấy ý niệm ấy. Ví dụ văn hào Tennyson không ngớt kêu gọi bản chất thiêng liêng ở lòng ông tiến lên hòa hợp với Đấng Thiêng Liêng tối thượng. Ông quả quyết:
Ngài gần với tôi hơn hơi thở,
Hơn cả chân tôi và hơn cả tay tôi.
Như vậy, Thượng Đế vô sở bất tại, không một hình hài nào, một sắc tướng nào mà không có Ngài bên trong.
*  *  *
Lý thuyết căn bản thứ nhì là hậu quả của lý thuyết thứ nhất và không thể tách rời ra. Đó là sự liên đới giữa vạn vật. Nếu có một sự sống, một tâm thức duy nhất, nếu Thượng Đế hiện diện trong mọi sắc thái thì vạn vật, nghĩa là các sắc tướng đều liên hệ mật thiết với nhau. Khi ta biết Thượng Đế vô sở bất tại thì ta không sao bác bỏ tình tương thân tương ái, tình huynh đệ đại đồng. Nếu Thượng Đế có mặt ở khắp cùng thì một điều ác do một người làm sẽ ảnh hưởng tới toàn thể. Nơi nào có sự sống, có sắc tướng là có Thượng Đế. Trong sự kết hợp mật thiết đó, không có chi có thể tách riêng rẽ, và do đó sự đoàn kết phải là căn bản của đạo đức. Bạn không thể làm hại một người nào mà không làm hại cho chính bạn, cũng như bạn không khi nào uống một chén thuốc độc mà thứ thuốc đó không chạy vào máu, vào tế bào, vào trọn thân thể bạn.
Đó là hai lý thuyết căn bản của Tôn giáo và Đạo đức mà Thông Thiên Học hiện đại cố gắng biểu dương.
Tôi có nói các tôn giáo là những phương pháp nhằm giúp con người kiếm tìm Thượng Đế. Tại sao phải có nhiều Tôn giáo như thế? Là vì sở thích của mỗi người mỗi khác. Tánh tình con người khác nhau thì lẽ tất nhiên là nhu cầu không thể giống nhau. Chúng ta ở vào những nấc khác nhau của chiếc thang tiến hóa. Trong chúng ta có những người anh cả và cũng có người em út. Chân lý đâu đâu cũng là một mà cách thức phát biểu thì hằng trăm. Những ai đã hiểu hai lý thuyết nói trên đều chấp nhận quan điểm nầy và ước mong các tôn giáo dù xưa hay nay đều được phổ biến rộng rãi, vì mỗi tôn giáo là một phương pháp đào luyện con người và người toàn thiện phải thực hiện được các điều chí thiện dạy ở tôn giáo ấy. Chúng ta không nên tiếc rẻ sự khác biệt, trái lại chúng ta mừng mà thấy rằng chân lý phong phú đến đỗi nó có thể trình bày dưới nhiều khía cạnh khác nhau và khía cạnh nào cũng cao đẹp. Mỗi tôn giáo mang lại cho nhân loại một thông điệp và thông điệp nào cũng quí.
Về phương diện nầy, Thông Thiên Học là một sứ giả hòa bình. Tại sao chúng ta lại gây gổ nhau? Thượng Đế là trung tâm và từ vòng tròn bên ngoài bất cứ ở chỗ nào, chúng ta cũng có thể tiến đến Ngài theo một chiều hướng riêng; các tôn giáo cũng thế, chúng tuy khác nhau nhưng đều dẫn đến Ngài.  
Một giáo chủ dạy: “Nhân loại đến với Ta bằng nhiều con đường và dù họ theo con đường nào, khi họ đến thì Ta cũng đón tiếp nồng hậu vì các con đường đó là của Ta”.
Một tôn giáo cũng nói: “Các con đường dẫn đến Thượng Đế nhiều như hơi thở của trẻ con”.
Vì con người khác nhau nên một món ăn bổ dưỡng cho người nầy lại không giúp được người kia; như vậy, ai chọn thức ăn nào tùy ý, dưới danh từ nào cũng được. Bình đựng nước, hình dáng khác nhau nhưng nước bên trong không khác thì ai dùng bình nào cũng được. Người thì ưa bình Hi Lạp xinh xắn, người lại thích bình Ai Cập đơn sơ, kẻ khác nữa thì dùng bình vàng của vua chúa hay uống nước trong bụm tay; việc đó không quan trọng, quan trọng là việc đỡ khát. Vậy sự cãi vã về bình lớn, bình nhỏ, bình đẹp, bình xấu nào có ích gì vì bình nào cũng chứa nước được.
Vị trí của Thông Thiên Học trong phạm vi tôn giáo là thế. Nó quả quyết rằng các tôn giáo đều tốt và đều dạy những điều cao siêu nên học, rằng những sự khác biệt giữa các tôn giáo phải được sử dụng để mở rộng kiến thức nhân loại thay vì để kích bác lẫn nhau…”.

(*) Chú thích: Trong Từ điển Cao Đài có một định nghĩa về Minh Triết như sau:
-          Minh Triết là luận giải một cách thấu suốt những lý lẽ tận cùng liên quan đến sự vật hay con người. Người Minh Triết là người thông suốt lý đạo và thời thế, lại biết dụng trí dụng tâm mà phân biệt điều phải điều quấy, luôn luôn giúp đời tiến hóa theo đạo lý tự nhiên.
-         Người Minh Triết dùng lý trí để suy nghĩ hiểu biết nhưng khi phán đoán thì dùng cái chân tâm, vì cái chân tâm luôn luôn thuận tùng Thiên lý. Do đó, người Minh Triết không bao giờ dang xa nẻo Đạo)./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét