Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Những nguyên nhân Văn hóa - Xã hội của thói dối trá

TMT: Ngôn ngữ trước hết phải xác tín, phải lấy sự xác tín làm nền tảng giao tiếp trong nhân dân. “Xác tín là của quý của Nước” (Tín dã quốc chi bảo, Nguyễn Trãi).
Lịch sử văn hóa của nhân loại cũng như của Việt Nam cũng là lịch sử đấu tranh giữa Xác tín và Dối trá. Xã hội loài người cũng như của một Dân tộc, để không bị tan rã chắc chắn phải tựa vào sự xác tín. Loài người homo-erectus (người đứng thẳng) đến người khéo léo ( homo habilis) cho đến người thông minh (homo-sapien) chắc chắn phải dựa vào sự xác tín của ngôn ngữ  của mọi giao tiếp cộng đồng trên cơ sở xác tín. Như Ngôn ngữ mà không xác tín thì ông nói gà, bà nói vịt làm sao giao tiếp. Con cháu của Viêm hoàng Bách Việt xưa cũng biết tổng kết thành “ngôn tất tiên tín”,  nghĩa là ngôn ngữ trước hết phải xác tín” hoặc “dữ quốc dân giao dĩ tín”, lấy sự xác tín để giao tiếp trong nhân dân. Nguyễn Trãi khẳng định: “Xác tín là của quý của Nước” (Tín dã quốc chi bảo).
Nhưng con người cũng dần biết mặt trái của xác tín là “lừa dối”. Ví dụ như Nguyễn Khoa Điềm nói “Đánh lừa cái lưỡi là trái ớt cay”. Người tiền sử biết lừa con cá bằng miếng mồi và cái lưỡi câu, lừa lợn rừng, chồn cáo bằng hầm chông và cạm bẫy... Dần dần họ biết lừa kẻ địch. Nên Tôn Tử bên Tàu tổng kết “binh tất yếm trá” (dùng binh phải biết lừa địch). Sự lừa lọc quả thật là sản phẩm của văn hóa người. Vì thế mọi hệ thống tôn giáo từ mấy ngàn năm nay đều răn dạy về sự thật thà, xác tin, chống gian đối.  Đức Phật dạy trong kinh Nikaya: ”Xác tín là của báu tối thượng”. Kinh Thánh - Cựu ước Thi thiên chương 51 có câu: ”Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch. Và làm cho mới lại trong tôi một lòng ngay thẳng thánh thiện”.
            Loài người dần dần biết dùng luật tục, rồi dùng đạo đức, dùng pháp luật, dùng văn hóa để đề cao sự xác tín, thật thà, ngăn ngừa, trừng trị hành vi và kẻ gian dối. Nhiều bộ tộc có luật chặt tay, đuổi khỏi bộ tộc những kẻ gian dối, trộm cắp... Ngay ở nước ta hiện nay ở nhiều cộng đồng đặc biệt là trong tôn giáo và tộc ít người, nhờ biết giữ luật tục lời răn của tôn giáo, biết giữ gìn đạo đức.. .mà tệ gian dối ít hẳn.
          Như thế, tệ dối trá với con người và xã hội là như hình với bóng. Đời nào, xã hội nào, cộng đồng nào tạo ra được cho bản thân mình sự trong trẻo, sáng sủa trong ý nghĩ, hành vi sẽ có được hình thù trong như pha lê và sẽ thu nhỏ được cái bóng đen tối của mình. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy thành viên nào, đặc biệt là những thành viên có vai trò gọi là cầm cương nảy mực của cộng đồng, của xã hội, từ đám chức sắc, kẻ có học, trong làng xã, đến triều đình, cung như chức sắc tôn giáo mà phá vỡ, vượt rào bất cứ  một phạm vi nào đó (luật tục, đạo đức, luật pháp văn hóa, đều sẽ là đầu têu, đầu mối cho sự đánh mất xác tín, gia tăng dối trá trong xã hội thời kỳ xã hội Việt suy đồi vào cuối thời Lê từng xuất hiện “vua lợn, vua quỷ “ (Hai vua dâm dục và ác độc bị nhân dân chỉ mặt đặt tên).
          Những hệ thống chính thống của xã hội như triều đình chính phủ, giáo hội tôn giáo xưa nay đều có trách nhiệm chính trong sự duy trì sự thật thà xác tín của xã hội, cũng như làm cho nó có lý do có điều kiện để băng hoại trở thành dối trá phổ biến. Vậy nên,  Nguyễn Trãi nói phải giữ gìn sự xác tin như của quý báu của Đất nước.
Người mà hệ thống chính thống hiện nay của Việt Nam coi là vị tổ sư của mình, khắng định tư tưởng của vị ấy là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động là cụ Các Mác nói ngay từ những luận văn đầu đời của mình một cách sắc sảo về vấn đề dối trá và xác tín như sau: ”Tệ lớn nhất - tệ giả dối, gắn với báo chí bị kiểm duyệt, tệ xấu căn bản này của nó là nguồn gốc của tất cả những thiếu sót khác của nó, trong đó cả  mầm mống của mỹ đức cũng không có, tệ đó là nguồn gốc đáng ghét nhất - thậm chí xét theo quan điểm mỹ học cung thế - tệ xấu xa... Điều đó dẫn đến cái gì? Chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó. Còn nhân dân hoặc sẽ rơi vào tình trạng mê tín chinh trị, hoặc hoàn toàn quay lưng lại với cuộc sống quốc gia biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư... Làm cho nhân dân quen coi cái phạm pháp là tự do, coi  tự do là phi pháp, coi cái hợp pháp là cái không tự do...”( C.Mác TT, tập I NXBST tr 105).
          Như vậy khi hệ thống chính thống của đất nước, của xã hội duy trì sự thiếu xác tín, nghĩ một đằng nói một nẽo, làm một đăng khác, luật lệ thiếu xác tín, hệ thống công chức mất đi vai trò cầm trịch xã hội, lý thuyết giáo điều,không dám đễ cho xã hội biện luận gạt bỏ những ngộ nhận vừa phi lý vừa không được thực tế kiểm chứng...thì tệ giả dối luôn luôn có cơ hội để nảy nở không cách gì kiềm chế. Ví dụ cay đắng là giới trí thức buộc phải gian dối để làm khoa học, hệ thống công chức phải gian dối để thanh toán chi phí hội nghị, công tác phí.... Giáo dục tự lừa dối mình và lừa dối xã hội vì bệnh ... thành tích.
          Tôi dẫn thêm một triết gia hiện đại là Nietzche, người rất cực đoan và quyết liệt lên án sự giả dối của từ giáo hội cho đến hệ thống triết học phương Tây. Ông quả quyết-“Tất cả những kẻ lừa đảo ngoại hạng có sức mạnh nhờ vào một điều đáng kể. Trong khi thực chất lừa gạt người khác, kẻ lừa đảo luôn có niềm tin vào bản thân mình. Chính điều này lúc ấy giúp họ phát ngôn một cách tuyệt vời và đầy thuyết phục đối với mọi người chung quanh”. ( dẫn theo F. Nietzche, Triết nhân và thi nhân cua Trần Thanh Hà, NXB Lao động tr46).
          Như vậy, để có thể ngăn ngừa, chống lại sự băng hoại của con người, của xã hội,  những giới chính thống của xã hội - giới cầm quyền, giới tôn giáo, giới tinh hoa phải dọn mình tử tế, đàng hoàng, lập lại sự xác tín cả về triết lý nhận thức, cả đường lối chủ trương, cả trong hành vi ứng xử, không được cứ mãi “nói zậy mà không phải zậy”. Nếu trong tôn giáo những chức sắc vẫn vừa đua danh đua lợi vẫn vừa rao giảng đạo lý làm sao “tự giác giác tha?”Học thuyết chính trị thiếu xác tín, Các Mác và Hồ Chí Minh nói một đằng, mình làm một nẻo (nhiều chứng cứ lắm), người cầm quyền tham lam, gian dối, sống không đức hạnh làm sao duy trì được cần kiệm liêm chính chí công vô tư ?. Cho nên Các Mác bảo “Chỉ có sám hối thật tâm mới mong có cơ cứu rỗi” Còn xin lỗi rồi hành xử theo lối đánh bùn sang ao, cứt trâu để lâu hóa bùn thì thật khó cho là xác tín.
           Những kẻ gian dối trong chức sắc tôn giáo sẽ bị đày hỏa ngục, điều này là xác tín.
           Những kẻ gian dối trong xã hội thì có pháp luật trừng trị, có luật tục, đạo đức và văn hóa điều tiết.
           Còn những kẻ gian dối trong hệ thông cầm quyền thì nói như Hồ Chí Minh là phải “đuổi”, dẫu rằng có kẻ có chức sắc đã nói rằng “đuổi hết thì lấy ai làm việc”. Cứ đuổi cho nghiêm thì số còn lại sẽ làm việc bằng hai mà trong dân chúng thì bao giờ cũng có anh hùng hào kiệt, và đây cũng là điều xác tín./.
 Nguyễn Khắc Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét