“Luận bàn về
Minh triết và Minh triết Việt” là một cuốn sách được Nguyễn Khắc Mai đánh giá
là “những lời nói linh thiêng của một nhà văn hóa sắp mất”. Qua ba bài tiểu
luận bàn về Minh triết, Hoàng Ngọc Hiến đã góp phần làm sáng rõ định nghĩa Minh
triết, đưa ra những luận giải sâu sắc của ông về sự cần thiết đưa ra những suy
nghĩ, trăn trở tìm kiếm những tư tưởng làm sáng tỏ “viễn cảnh của một xã hội
văn minh tốt đẹp hơn”.
Trong cuốn
sách này, ông cũng thử nêu ra giá trị Minh triết của viễn cảnh đó là: “Dân giàu
nước mạnh – đó là văn minh”, “Dân vui nước mạnh đó là văn hóa”. “Không có Minh
triết “dân vui nước mạnh” thì dân có thể “giàu” nước có thể “mạnh” nhưng khó mà
nói là có hạnh phúc”. Trích sách “Định nghĩa Minh triết là gì là một việc rất
khó. Một câu nói hóm của một học giả: “Tìm cách định nghĩa Minh triết, đó là
bằng chứng của sự thiếu Minh triết”. Đại học Tổng hợp Chicago vừa đưa ra Dự án
đề tài Định nghĩa Minh triết với kinh phí trợ cấp 2.000.000$, học giả bất cứ
nước nào đều có thể tham gia.
Hoàng Ngọc
Hiến (1930-2011) là tiến sĩ văn học, chuyên ngành Lý luận phê bình tại Đại học
Tổng hợp Moska, Liên Xô (cũ). Ông đã từng giảng dạy tại Đại học Sư phạm Vinh,
Đại học Văn hóa Hà Nội và nhiều năm làm hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du,
tiền thân của Khoa STLLPBVH của Đại học Văn hóa Hà Nội. Từ năm 1983, ông đã
nhiệt thành cỗ vũ cho sự đổi mới sáng tác văn học ở Việt Nam. Ông là Chủ tịch
Hội đồng khoa học Trung tâm Minh triết, và là đồng chủ bút tạp chí Vietnam
Review phát hành tại Mĩ trong 2 năm 1996 và 1997.
“Tôi bằng
lòng với việc đưa ra một số ví dụ. - Thời bom Mỹ, láng giềng với hộ của tôi, có
một cháu bé hơn mười tuổi, học lớp 3, một lần đi sơ tán về, cháu nói với tôi:
“Bác ạ, mình cứ nói người nhà quê ra Hà Nội thì đần, cháu thấy người Hà Nội về
nhà quê cũng đần, hôm đầu, cháu chịu, không biết làm thế nào để rửa chân, mãi
mấy hôm sau cháu mới biết cách”. Câu nói của cháu làm tôi sửng sốt... Đây là
một nhận xét Minh triết. Có những công trình học thuật dày cộp mà không có nổi
một nhận xét độc đáo, sâu sắc như của cậu bé. Thường thì càng cao tuổi người ta
càng hiền minh. Nhưng không nhất thiết vậy. Đối với sự phát huy Minh triết, học
vấn không phải là thừa. Nhưng chỉ có trình độ tiểu học vẫn có thể có những suy
nghĩ hiền minh”.
Từ ví dụ này
có thể thấy một sự khác biệt giữa triết học và Minh triết: một học sinh lớp 3,
một dòng triết học cũng không hiểu nổi, vẫn có thể nói một câu Minh triết độc
đáo và sâu sắc. - Tôi có đọc một công trình lý luận rất hay về vấn đề tư hữu.
Nhưng vấn đề chỉ sáng bừng lên khi tôi đọc đến câu của Balzac được tác giả
trích dẫn: “Người mà không có gì là kẻ không ra gì”. Câu của Balzac là Minh
triết. Mác đã viết những trang cứ liệu uyên bác, lập luận đanh thép để đi đến
một kết luận quyết liệt: bãi bỏ tư hữu. Giá như Mác có thêm được Minh triết của
Balzac thì chắc chắn ông đã suy nghĩ khác và học thuyết của ông không phải là
chủ nghĩa Mác như chúng ta biết. - Theo nghĩa thông thường, “anh hùng” là “hào
kiệt xuất chúng”; Trần Hưng Đạo cho rằng “Hiểu được mình là anh, Thắng được
mình là hùng”(1), với nghĩa này, “anh hùng” trở thành một phẩm giá hướng nội,
một giá trị Minh triết, chính giá trị này làm nên “bản lĩnh” con người, mà
không có “bản lĩnh” thì người có tài năng xuất chúng có còn là anh hùng nữa
không? - Tôi có hỏi Nguyên Ngọc về Minh triết các dân tộc Tây Nguyên, anh dẫn
một câu “xanh rờn” từ một bản trường ca: “Đàn ông là sấm, đàn bà mới là sét”. -
Người Mông có câu: “Con ai không biết, vợ ta đẻ ra là con ta”. Câu này làm vỡ
tung những ước lệ đạo đức và phong tục nhưng xét đến cùng thì Minh triết của nó
chứa đựng một tinh thần nhân văn rất cao”.
(Trích Luận
bàn về những vấn đề Minh triết, Luận bàn về Minh triết và Minh triết Việt,
Hoàng Ngọc Hiến).
Theo TiaSang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét