Lũ ở miền Trung |
TMT: “Lũ” là tiểu thuyết tiếp nối Dòng Đời (Nguyễn Trung - NXB
Văn Nghệ). Dòng Đời mô tả một nhóm gia tộc ở cả hai miền Nam-Bắc, thăng trầm,
bi hùng theo thời cuộc suốt lịch sử thế kỷ 20 của Việt Nam. Nối theo là Lũ ,những
hậu duệ của nhóm gia tộc ấy đã sống cùng biến cố thời cuộc của đầu thế kỷ 21. Tác
giả Nguyễn Trung từng là nhà ngoại giao, trợ lý của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, rồi
là thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, một nhà lý
luận thời thượng. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài bình luận về Lũ đặc biệt
về chương kết, chương 26 của Nguyên Hiệp.
Nếu Dòng Đời là số phận nổi trôi theo thời cuộc của mấy gia đình, kẻ “bên ni”, người “bê tê”, như trong một bài hát kháng chiến của Phạm Duy, họ tự nguyện
gia nhập Dòng Đời vừa có ý thức, vừa vô thức, thì “Lũ” là nhóm gia tộc ấy và hậu
duệ, những người tiếp tục sinh ra, theo dòng đời và cùng với Dòng Đời, được và
bị xô đẩy vào một không thời gian mới của đầu thế kỹ 21.
Trong quy luật của tự nhiên, Lũ là một dòng nước dâng trào, cuộn xoáy, nó
làm đảo diên mọi vật trong dòng nó đi qua, quăng quật mọi vật cản, làm bật những
gốc rễ của cả những cổ thụ bị đào bới, xói mòn vì tham
lam, vô minh, hay vì những tham vọng gian hùng và ngu xuẫn. Nó tạo ra một
vùng xoáy, cuốn phăng những rác rều, thối mục, và nó cũng đưa lên bề mặt một thứ
bọt bèo trôi dạt chứa đủ hình thù quái dị, đủ mọi thứ bẩn thỉu, mà
chúng sẽ chỉ tan đi khi cơn lũ lắng xuống. Lũ cũng cuộn xoáy, làm điên đảo,
biến dạng một vùng sinh thái để làm lộ ra một cảnh quan mới, những mô đá nhô
cao, cứng cỏi, ngạo nghễ, những bãi phù sa màu mỡ mới.
Cái cơn LŨ của “Dòng đời” này rồi
cũng mô phỏng tư nhiên, mà nó sẽ cũng có đủ thứ những trạng thái như kể trên. Những
cơn lũ của tự nhiên thì có đủ nguyên nhân và yếu tố của “thiên-địa-nhân”. Còn
cơn lũ của xã hội thì ngược lại, bao giờ yếu tố và nguyên nhân của con người
cũng ở hàng đầu, rồi sau đó mới có nguyên nhân và yếu tố của thiên hay địa (
thiên, là cơ trời, là quy luật khách quan, địa, chính là cái không gian địa lý,
chính trị, xã hội của một đất nước). Vì thế lũ xã hội sẽ không bao giờ giống
nhau, mà có thể bắt chước làm hoa hồng, hay hoa nhài, làm nhung hay làm thép…
Tôi chợt nghĩ tới những cơn hồng thủy và đại hồng thủy. Mấy vạn năm trước,
đại hồng thủy đã xuất hiện nơi mảnh đất này. Khi nước rút người “Việt” đã rời
khỏi hang động, họ đi tìm những vùng đất màu mỡ phù sa, họ lợi dụng được kết quả
trời ban thưởng để định cư ở đó và dần sáng tạo nên nền văn hóa nông nghiệp, lúa
nước…
Trong vòng xoáy của cơn lũ xã hội, bao giờ nó cũng làm nổi lên bề mặt
nhũng vấn đề của xã hội và một lớp người. Cái lớp phù sa màu mỡ nào sẽ còn lại
để rồi sẽ mọc lên đó cái “culture”mới, cái văn hóa mới ? Cái cơn lũ mới này, theo
Nguyễn Trung, nó đang đến. Và tôi đọc được trong “cơn lũ” này, Nguyễn Trung
gieo một niềm hy vọng, rác rều sẽ bị cuốn trôi vùi dập để làm một thứ phân bón
mới, một lớp phù sa mới, tựa như một tầng văn hóa mới, trên đó sẽ mượt mà những
sắc biếc của cuộc đời.
Nguyễn Trung bảo tôi, anh đọc và cho tôi nhận xét, đặc biệt là đối với
chương 26, chương kết của tiểu thuyết.
Tôi nghĩ “Lũ” chưa lên đến đỉnh điểm. Nhưng nó cũng đưa lên trên bề mặt của
“Dòng Đời” những vấn đề của Đất Nước. Nó cũng đã đưa lên bề mặt của xã hội, những
gương mặt, hay nói cho đúng hơn là điển hình của một lớp người mới.
Mở đầu chương kết này tác giả nêu ra những sự kiện thời sự, nổi bật lên
là những cuộc biểu tình không rầm rộ, nhưng chúng phản ảnh một nhận thức xã hội
mới, một thái độ mới, trong đó đặc biệt là của giới trẻ cấp tiến. Cái độ dâng
trào của “LŨ” chính là hai sự kiện. Một là cuộc kỷ niệm 5 năm ngày thành lập
ngôi trường Đại học…Một ngôi trường khá đặc biệt, mà nó làm tôi liên tưởng tới
ngôi trường kỳ diệu mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời từ trăm năm trước ở Hà
nội. Ở đó, cũng như hôm nay của một không thời gian khác đã trăm năm sau, nhưng
cái tinh thàn, cái khát vọng phục hưng Dân tộc vẫn rất trầm hùng sâu sắc, thiết
tha, của cả Thầy lẫn Trò. Đó là một nhà trường, tuy không nói ra nhưng tôi liên
tưởng tới một giá trị minh triết trên đôi câu đối treo trong Văn Miếu Quốc Tử
Giám Hà Nội: ”Dục anh tài nhi sử năng…Dưỡng Minh triết dĩ kế trị”. Nghĩa là nuôi dạy anh tài để sử dụng năng lực
của họ… Nuôi dưỡng minh triết để nối tiếp cuộc trị bình. Trong cuộc kỷ niệm 5
năm thành lập, họ tự hào khẳng định: ”những chí hướng của những con người dám sống
như Vi Thanh, như hiệp sĩ tin học Hùng, anh hùng”, như Aung Suu Kyi, như Nelson
Mandela…đang thôi thúc chúng ta quyết phấn đấu nên người”. Chính vì thế mà
chính quyền đương nhiệm “ghét” họ, cho công an triệt phá cuộc kỷ niệm, tạo ra một
xoáy nước dâng trào.
Sự kiện thứ hai là một cuộc “Tiểu Diên Hồng” mà mọi người chờ đợi. Trong
cuộc “Tiểu Diên Hồng” này mà tinh thần và nội dung của nó là bàn việc nước. Ngày
xưa là vua hỏi ý kiến thần dân. Còn ngày nay nó là ý nguyện của xã hội. Dấu hiệu
của sự trưởng thành mới của xã hội Việt chăng. Trong hình thức này “LŨ” đang
đưa lên trên bề mặt ba lớp người đang thay đổi và buộc phải thay đổi, đồng thời
là những nan đề xã hội mà những lớp người “tiêu biểu phải ý thức và đối mặt. Lớp
chính khách được gọi là đại diện lãnh đạo. Lớp người này buộc phải chấp nhận sự
thay đổi, nhưng vẫn giữ nhân cách cũ, thói quen cũ. Thật kỳ lạ, là mô hình nhân
cách ấy đã bị một nhà Đông Kinh Nghĩa Thục cảm nhận và dự báo khi nó chỉ mới là
một vài dấu hiệu mới nhú mầm, chưa thật thành hình như bây giờ. Cụ Nguyễn Hữu Cầu,
vị Thục phó phụ trách Ban Tu Thư, ngay sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã
nói với môn sinh (đang giữ những trọng trách trong chính quyền mới): ”Ngày nay
chúng ta đang quá Tây, quá Tàu, chúng ta đang là lũ giáo điều ba rọi, chúng ta
là lũ xã hội chủ nghĩa cậy quyền”. (Bài “Một gương mặt đại sĩ phu” đăng trong tờ
Le Peuple, tờ báo viết bằng tiếng Pháp của đảng Cộng sản Đông dương, số tháng
9-1946). Cái “intuition” của Cụ Cầu, chính là điều năm, sáu trăm năm trước Nguyễn
Trãi đã nói: ”Kẻ Trí việc mới hình đã nhận biết”. Lớp người thứ hai là những
nhà kinh doanh-trí thức. Trong Lũ là dược sĩ doanh nhân Hảo (1). Họ
là nhà doanh nghiệp làm kinh tế có học vấn cao, có hoài bảo mới, có tầm nhìn mới.
(Chúng tôi đã xếp họ với một danh tính mới: Doanh nhân cấp tiến). Lớp thứ ba là
nhũng Trí thức hiền tài. Họ phân biệt với đám trí thức mũ ni che tai, trí thức
gia nô, xôi thịt, những tiến sĩ giấy. Cái quần chúng đông đảo, đội ngũ hậu bị của
họ chính là lớp sinh viên, những tuổi trẻ ưu tú đang trưởng thành. Nguyễn Trung
đưa họ ra trong một cuộc đối thoại giả tưởng, nhưng lại rất hiện thực, thật ra
nó đang có thực trong ”Dòng Đời” dưới những hình thức phong phú tế vi mà cũng rất
“quyết liệt”.
Còn nhà cách mạng lão thành, cũng đang có mặt, tôi nghĩ vai trò của họ là
một dạng chất xúc tác giúp cho “phản ứng” hoàn thành.
Từ rất nhiều năm nay, chúng tôi, những người “sái phu”, điếu đóm cho Minh
Triết vẫn âm thầm khấn nguyện cho một xuất hiện “Ba Ngôi Mới” của Dân tộc, làm
chân kiềng, làm cột trụ cho tòa nhà Nước Việt của chúng ta. Tôi thấy bóng dáng
họ đang hiện lên, ngày càng rõ nét. Đó là những Trí Thức hiền tài, là những
Doanh Nhân tiên tiến (tôi không muốn gọi là thành đạt, bởi nhiều kẻ thành đạt
nhờ “ăn cướp và ăn cắp). Và ba là những Chính Khách nhân văn.
Nguyễn Trung, trong LŨ báo hiệu sự xuất hiện ấy.
Nhũng nan đề lớn lao mà họ đang trăn trở là gì vậy. Đó là mối quan tâm về
một sự thật phũ phàng: Việt Nam đang đối diện với một Trung Hoa láng giềng to lớn,
đang trỗi dậy đầy tham vọng bá quyền đại Hán. Về quan hệ Việt Trung, LŨ nhận định:
“Một bên là nước Việt Nam nhỏ yếu hơn, bị
đối tác của minh uy hiếp và can thiệp ngày càng sâu về nhiều mặt, có một số
khía cạnh lệ thuộc như một nước chư hầu kiểu mới: vùng biển đảo của quốc gia
đang bị lấn chiếm, uy hiếp”. Và “một bên là nước Trung quốc to lớn, đông dân
nhất thế giới , đang tranh giành địa vị siêu cường đầy sắc thái đại Hán. Tình
hình càng trở nên éo le khắc nghiệt ở chỗ do những điều kiện địa lý tự nhiên, Việt
Nam ngẫu nhiên trở thành chướng ngại vật đầu tiên, Trung quốc cần khuất phục
trên đường của nó vươn ra đại dương để trở thành siêu cường”. Họ tố cáo: “Hành xử tiếp tục của Trung quóc
trên Biển Đông cứ như là vãi thêm thuốc súng vào không khí trên đất nước ta, bất
chấp những lời tụng niệm liên tục của những người có chức có quyền về 16 chữ và
4 tốt”. Họ khẳng định Trung quốc đang “xâm
lăng hàng hóa, vơ vét tài nguyên, lũng đoạn kinh tế, thao túng chính trị ”.
Đó là những sự thật về mối quan hệ Việt –Trung đã đi vào tiểu thuyết.
Nan đề thứ hai là tình hình nền kinh tế nước ta hiện nay. Trong Lũ, thông
qua cuộc đối thoại giữa vị đại diện chính quyền và hai nhà là doanh nhân và trí
thức, Bà Hảo và giáo sư Hoàng quốc Túy, người đọc sẽ tìm thấy rất nhiều nhận định,
phán đoán, cung cấp cho người dân thấy một thực trạng không được phép đánh lừa
và che dấu, dẫu với bất kỳ động cơ nào. Dường như “LŨ” đã đưa ra một định nghĩa
về trí thức. Đó là tai mắt, là đầu óc của nhân dân và xã hội, để có cái nhìn
xuyên thấu thấy ra những vấn đề bị che đậy, để nghĩ suy, tìm lời giải cho những
hành động xã hội cần thiết. Tôi muốn nhấn mạnh đến một nhận định tổng quát này:
”Quả bom nổ chậm lớn nhất hiện nay trong
nền kinh tế nước ta là hiệu ứng tổng hợp. (là) sự tích tụ những ách tắc nhiều mặt
phát sinh từ cơ cấu kinh tế hình thành trong 30 năm qua, không còn phù hợp. Cộng
hưởng với sự lũng đoạn mang tính chất mafia của các nhóm lợi ích. Với những đổ
vỡ do bất cập và ngày càng tha hóa của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy quản
lý nhà nước, với hệ thống ngày càng gia tăng của chế độ đảng trị”.
Nan đề thứ ba là sự nhìn nhận về cuộc chiến chống Mỹ. Từ đó đi tới cái
nhìn về sự hòa hợp, hòa giải và hóa giải nhũng phân ly dân tộc. Lũ đưa ra một
nhận định, cuộc chiến vừa qua là một tổng hợp của nhiều cuộc chiến. Có chiến
tranh ủy nhiệm, có chiến tranh ý thức hệ, làm nên cho cuộc chiến tranh nóng cục
bộ trong lòng cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe “dân chủ” và “cộng sản”, đồng
thời diễn ra trong thực tế là một cuộc nội chiến sầu thảm. Nói về sự khắc nghiệt
của nội chiến, tác phẩm nhận định: ”Sự khắc
nghiệt này đầy ắp những xung đột đến tận cùng giữa ngu dốt và trí tuệ, giữa thiện
và ác, giữa sống và chết, chia cắt dân tộc ta sâu thẳm trong tâm khảm cho đến
hôm nay. ”…Ngày 30 tháng 4 đã lùi xa 4 thập kỷ, song hôm nay chúng ta vẫn
chưa làm sao biết được…, có bao nhiêu phần trăm hi sinh xương máu và tổn thất của
dân ta giành cho sự nghiệp lấy lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc, bao nhiêu
là phục vụ cho lợi ích các bên ngoại bang, bao nhiêu phần trăm phải mất vào taytrái
chém tay phải?.
Nan đề thứ tư lại là cái then chốt. Trong thực tế Đảng Cọng sản VN cũng
đã phải nhận định “xây dựng Đảng là then chốt”. Nhưng chưa đủ tri thức và dũng khí
để định rõ nội dung cái chốt và giải pháp nào để tháo cáí then chốt đã khóa chặt
và kìm hảm sự phát triển, tiến bộ của Dân Nước. Trong cuộc tranh luận, họ đã
nêu ra một quan niệm đã xuất hiện ngoài đời : Theo Trung quốc thì mất nước, theo
Mỹ thì mất đảng, mất chế độ. Theo ai bây giờ. Và họ đã trả lời: ”Ta phải là chính ta và phải có năng lực và
phẩm chất tập hợp được hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp của nước ta nói
riêng, và cho lẽ phải nói chung”.
Họ tha thiết: “Xin hãy đem tất cả
trí tuệ và nghị lực xây dựng hòa hợp dân tộc
Bắt đầu từ xóa bỏ độc quyền yêu nước,
từ thực thi dân chủ, từ bảo đảm công khai và minh bạch trong toàn bộ đời sống
kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”.
Từ sự phân tích tình hình cái hay cái dở hiện nay, họ kêu gọi: “Nhất thiết phải tiến tới một thể chế chính
trị đa nguyên, đa đảng của trí tuệ, dân chủ, và phát triển như một số nước phát
triển đã xây dựng được…” “Nhiệm kỳ tới phải trình Quốc Hội thông qua luật về Đảng
phái chính trị”.
Họ tha thiết bày tỏ: “Thế giới dã
sang trang, tình hình đất nước đã sang trang, khát vọng của nhân dân đới với đất
nước là sức mạnh, thời và thế đang đứng về phía đất nước. Vì vậy Đại Hội Đảng sắp
tới này phải là Đại Hội của sự thật, hòa hợp dân tộc và cải cách. ”
Tôi nghĩ chẳng có lời lẽ và mong ước, đòi hỏi nào cấp bách và tha thiết hơn
như vậy. Chính là tâm tình, là yêu cầu của người dân, của xã hội đã đi vào tiểu
thuyết. Lũ đang như lời vọng lại, khi ta đang đứng trước Sông Núi mênh mang hét
lên những tiếng nói “làm lạnh cả thái hư”. ( tôi nhớ tới hình tượng con người
trèo lên đỉnh cô phong hét lên một tiếng “hàn thái hư”, trong bài thơ Cảm Hoài
của Thiền Sư Dương Không Lộ TK 12, mà Kiều Thu Hoạch dịch là “Có khi xông thẳng lên đầu núi. Một tiếng kêu
vang lạnh cả trời”).
Điều, có người có thể không ưng ý lắm, đó là phong cách chính luận đậm đà
trong tiểu thuyết của Nguyễn Trung. Tôi chấp nhận, vui vẻ đón đợi nó, như khi đón
đợi một Nguyễn Trung không là ai khác, chỉ là người đó, một cá thể độc đáo duy
nhất, để cùng đi uống rượu nơi một đảo sen bát ngát là hương và gió.
Có thể bạn sẽ đọc LŨ trong một tâm thế khác, và sẽ có những cảm nhận khác.
Nhưng đó cũng sẽ là điều thú vị, và cũng là sự cống hiến của Nguyễn Trung./.
Viết ở Ô Đồng Lầm ngày rất nóng.
(1) "Đây là một hiện tượng tâm lý thú vị. Thật ra
tên của nữ doang nhân trong tiểu thuyết là Yến. Nhưng khi viết về nhân vật
Yến,tác giả (NH) đồng thời nghĩ đến một nhân vật có thật ngoài đời cũng có nghĩ
suy, hành xử như Yến, nên đã viết tên Yến thành Hảo.Vì chi tiết tâm lý thú vị này dẫu biết là bé cái nhầm. Nhưng vẫn
xin để nguyên để trình với bạn đọc. NH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét