Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

100 năm nữa Trung Quốc cũng không có tư tưởng gì mới?

Kết quả hình ảnh cho đạo đức kinh
TMT: Trên trang Thôn Minh Triết đã có đăng tải một số bài viết như: “Bao giờ có được vô vi”, “Hiến pháp vô vi”, “Nước lớn nước nhỏ”, “Núi cao biển sâu”,... của tác giả Ngô Sỹ Thuyết. Có thể nói rằng rất ít người hiểu được đầy đủ tư tưởng Vô vi trong cuốn Đạo Đức kinh của Lão tử, bởi vậy những giá trị thực sự của Vô vi vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi để giải quyết những nan đề của cuộc sống.
Lão tử từng nói:
“Lời ta dễ biết, dễ làm,
Nhưng mà thiên hạ chẳng am chẳng tường.
Lời ta nói, có chủ trương,
Việc ta vốn có lối đường chốt then.
Nhưng mà tục tử ngu hèn,
Hiểu ta chẳng nổi chuyện xem thường tình.
Hiểu ta mấy bậc tinh anh,
Ít người hiểu được nên danh càng lừng.
Xưa nay những bậc thánh nhân,
Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ.” (Chương 70, Tri nan, Đạo Đức Kinh)
Chúng tôi tin rằng, nếu một tư tưởng đã xuất hiện và thật sự có giá trị trong công cuộc tiến hóa của chúng sinh, nhân loại thì cho dù có thể gian nan, thăng trầm, tư tưởng đó cuối cùng sẽ được hiểu và được áp dụng vào cuộc sống vào thời điểm phù hợp nhất. “Phi cổ bất thành kim”, chúng ta hiện nay được kế thừa biết bao tri thức, kinh nghiệm và thành quả của nhân loại, cả những bài học thành công và những thất bại cay đắng.
Có một chút Minh Triết, lại được sống trong thời đại của máy tính và Internet chúng ta có thể đem những tri thức và hệ thống khái niệm của ngành công nghệ thông tin để tìm hiểu về Đạo Đức kinh và Vô vi. Qua đó chúng ta sẽ sáng tỏ nhiều điều và hiểu được tư tưởng cao siêu của Lão Tử, nhất là có thể đem những hiểu biết đó để phá tung những giới hạn, những ràng buộc đang kìm hãm tư tưởng của mỗi người, bất kể chúng ta là ai, ở đâu.
Với mong muốn đó, TMT giới thiệu bài nghiên cứu của Li Ming (Trung Quốc) trên trang mạng Nghiên cứu quốc tế tại địa chỉ: http://nghiencuuquocte.org/2016/07/05/100-nam-nua-trung-quoc-cung-khong-co-tu-tuong-gi-moi/#sthash.mQYOelm4.4FMFbyqG.dpuf
100 năm nữa Trung Quốc cũng không có tư tưởng gì mới?
Tác giả: Li Ming (Trung Quốc)| Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời người dịch: Người Trung Quốc (TQ) thường tự hào có nền văn minh vào loại sớm nhất thế giới và may mắn tồn tại cho tới nay chứ không bị phá hủy tàn lụi như các nền văn minh Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã, v.v… Nhưng đúng là suốt hơn 5.000 năm qua họ chưa cống hiến cho nhân loại một tư tưởng đáng kể nào. Bài dưới đây bàn về căn nguyên của tình trạng ấy, nhưng tác giả Li Ming một mặt đổ diệt mọi tội lỗi lên đầu Khổng Tử và học thuyết Nho giáo của ông, mặt khác lại đề cao quá mức Lão Tử – người chưa hề đưa ra triết lý nào ảnh hưởng tới nhân loại. Tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng TQ từng viết: Hegel nói: “TQ không có triết học”. Tôi nhận định TQ không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà chiến lược.

Trên mạng có lưu truyền một phán đoán của bà Thatcher cố Thủ tướng Anh như sau:
Các bạn căn bản chẳng cần lo ngại về Trung Quốc, bởi lẽ trong tương lai vài chục năm thậm chí một trăm năm nữa, Trung Quốc không thể nào đem lại cho thế giới bất kỳ tư tưởng mới nào.
Cho tới hôm nay, đồng bào chúng ta còn chưa thấy giá trị và ý nghĩa quan trọng nhất của tín điều chân lý “người người bình đẳng” đối với “nguồn động lực văn minh” căn bản nhất của một dân tộc, xã hội, quốc gia; đồng bào ta còn biện hộ cho sự giết người của Khổng Tử,[1] biện hộ cho sự thuyết giáo giả dối về “Lễ Nhạc” của  Khổng Tử, biện hộ cho “Thuyết Thiên mệnh, Thuyết Huyết thống, Thuyết Tôn pháp, Thuyết Nhân trị, Thuyết  Cực quyền, Thuyết  Chuyên chế” mà Khổng Tử triệt để bảo vệ; tóm lại là biện hộ cho “Quan bản vị” của chế độ phong kiến. Cho tới nay người ta còn nói Khổng Tử từng là người có những chủ trương đúng đắn trong lịch sử Trung Quốc, nói ông ta là “hạt giống” ưu tú của nền văn hóa truyền thống hơn 2.000 năm qua, thậm chí còn mù quáng đi tìm trong truyền thống văn hóa Nho giáo của Khổng Tử những nguồn tài nguyên văn hóa hiện đại như “hiến chính”, “dân chủ”, “tự do”, “nhân văn”…
Ai có thể nghĩ rằng những người Trung Quốc ấy là một cộng đồng có “tư tưởng” được nhỉ? Đề nghị các văn nhân Trung Quốc cho tôi biết: trong nền văn hóa truyền thống của con người và dân tộc từng chôn vùi niềm tin chân lý “người người bình đẳng” liệu có thể có “nguồn tài nguyên” văn hóa hiện đại như “hiến chính”, “dân chủ”, “tự do”, nhân văn” được chăng? Đầu óc quý vị sinh ra và lớn lên như thế nào vậy? Những người sở hữu loại đầu óc ấy liệu có thể có tư tưởng đích thực của con người ư?
Tôi rất kinh ngạc khi thấy tại sao các nữ chính khách phương Tây lại đều trực tiếp phê bình Trung Quốc và tất cả họ đều bất lịch sự nói ra những lời vô cùng khó nghe.
Gần đây trên mạng có đưa tin về bài diễn văn tại Đại học Harvard của bà Hillary, vợ cựu Tổng thống Mỹ Clinton, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Trong bài nói này bà Hillary đã phê bình người Trung Quốc theo kiểu như vậy. Lời bà ấy nói gay gắt không kém bà Thatcher chút nào, hơn nữa lại còn cụ thể hơn: “Sau đây hai chục năm Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất trên toàn cầu.”
Căn cứ của bà Hillary là:
1- Xét về số người xin ra nước ngoài định cư thì 90% gia đình quan chức và 80% nhà giàu Trung Quốc đều đã xin di cư hoặc có ý định di cư. Vì sao tầng lớp thống trị và tầng lớp quyền thế của một quốc gia lại mất lòng tin vào đất nước mình như vậy? Đây thật là điều khó hiểu!
2- Người Trung Quốc không hiểu mình nên gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ gì đối với nhà nước và xã hội với tư cách một cá thể của xã hội, lại càng không hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ nên đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Về cơ bản, nền giáo dục và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều căm ghét hoặc ma quỷ hóa các dân tộc khác và nước khác,[2] làm cho nhân dân Trung Quốc mất lý trí và mất sự phán đoán công bằng.
3- Trung Quốc là một trong số ít những quốc gia đáng sợ trên thế giới không có tín ngưỡng. Thứ duy nhất toàn dân từ trên xuống dưới sùng bái là quyền lực và tiền bạc, ích kỷ tự tư tự lợi. Một quốc gia lớn mà không có tình thương yêu con người, đánh mất sự đồng tình thì sao có thể giành được sự tôn trọng và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế?
4- Cái gọi là chính trị của Chính phủ Trung Quốc chẳng có gì ngoài sự lừa dối nhân dân, đi ngược lại tính người. Đại chúng nhân dân Trung Quốc ngày xưa là nô lệ của quyền lực, ngày nay diễn biến thành nô lệ của đồng tiền. Một quốc gia như thế sao có thể được tôn trọng và tín nhiệm?
5- Phần lớn người Trung Quốc từ trước tới nay chưa được học về ý nghĩa của một cuộc sống có thể diện và được tôn trọng. Dân chúng Trung Quốc cho rằng tất cả những gì cuộc đời cần giành được là quyền lực và tiền bạc, và họ coi như thế là thành công. Toàn dân tham nhũng, suy đồi, mơ hồ – một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nhân loại!
6- [Người Trung Quốc] mặc sức phá hoại môi trường, gần như điên cuồng chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên. Lối sống vô độ, phí phạm ấy cần tới mấy Trái Đất để thỏa mãn nhu cầu? Như thế sao mà không làm cho các nước khác lo ngại?!
Tiếp đó bà Hillary phê bình: Chính phủ Trung Quốc không thể cứ tập trung sự chú ý của mình vào nước khác và chuyển dịch sự quan tâm của dân chúng Trung Quốc sang các nước khác, tạo ra kẻ địch của mình, chuyển sức ép mình đang gánh chịu sang cho thế giới bên ngoài gánh chịu. Họ nên đi theo trào lưu thời đại và xu thế của văn minh nhân loại, chủ động thay đổi quan điểm, quan tâm tới đời sống của nhân dân, coi trọng dân chủ, không thể từ chối và áp chế nhân dân một cách vô trách nhiệm. Nếu không thì Trung Quốc chỉ có thể ngày càng mất ổn định, sẽ xuất hiện những biến động xã hội lớn và tai họa nhân đạo. 20 năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới. Điều đó có lẽ sẽ là tai họa của toàn nhân loại, cũng vậy, sẽ là tai họa của nước Mỹ.
Phê bình càng cụ thể càng gây ra phản cảm. Vì thế sự phê bình của Hillary thường bị người Trung Quốc dùng mọi cách đối phó lại, còn lời phê bình của bà Thatcher thì người Trung Quốc chẳng thấy phản cảm gì hết, họ đều cho rằng đấy chẳng qua là “lời lẽ điên rồ của một bà lão” mà thôi.
Tôi thì lại cho rằng toàn bộ lời lẽ của hai bà ấy đều nói trúng điểm yếu của người Trung Quốc. “Điểm yếu” gì vậy? “Điểm yếu” về bản chất toàn bộ nền văn hóa, chính trị, kinh tế trong lịch sử truyền thống Trung Quốc. Lời phê bình của họ hoàn toàn nhất trí với sự phê bình của chúng ta về các “tội ác” của “truyền thống văn hóa”, “truyền thống chính trị”, “truyền thống kinh tế” của Khổng Tử và Nho giáo của ông. Người Trung Quốc chúng ta ngày nay thực ra vẫn sống trong toàn bộ “truyền thống” lịch sử (văn hóa, chính trị, kinh tế) của Khổng Tử và Nho giáo của ông. Chẳng cần nói quá nhiều, ít nhất có ba điều như sau: về văn hóa là nói dối, về chính trị là cấm [dân] nói, về kinh tế là bóc lột và lừa bịp. Xin hỏi đó chẳng phải là những sự thật vô cùng rõ ràng đấy sao?
Sau khi văn hóa phương Tây vào Trung Quốc – kể cả việc hình thái ý thức “chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa cộng sản” Marxist sau khi du nhập vào Trung Quốc, quả thực đã mang lại ảnh hưởng sâu sắc của niềm tin chân lý “người người bình đẳng” xưa nay chưa từng có trong truyền thống Trung Quốc. Có một điều rất hiển nhiên: trong ý thức của người Trung Quốc suốt hơn 2000 năm qua tuyệt đối không tồn tại sự phân chia giai cấp về cái gọi là giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, giai cấp hữu sản và giai cấp vô sản. Trong lòng người Trung Quốc chỉ tồn tại mối quan hệ quân thần, quan dân vĩnh viễn đúng, không thể thay đổi. Còn một điều hiển nhiên nữa: đúng là tại Trung Quốc ngày nay mối quan hệ quan-dân đã được cải thiện rất lớn, không còn tình trạng như thời xưa vua quan mặc sức làm mọi điều ác với dân. Ít nhất thì ngày xưa không thể có những lời nói ngoài miệng “phục vụ nhân dân” như ngày nay, tuy rằng có lúc cũng xảy ra những sự kiện xấu tương tự, thí dụ kiểu xác định tội danh dựa vào lời nói, hoặc “án văn tự” [nguyên văn Văn tự ngục].
Cho dù thế nào, Trung Quốc hiện đại và cận đại so với bọn vua quan, đế quốc ngày xưa đúng là khác rất nhiều và nên nói là đã tiến bộ nhiều. Nhưng xét về căn nguyên của sự tiến bộ ấy, tôi vẫn cho rằng đó là do ý thức “người người bình đẳng” trong đầu óc người dân Trung Quốc đã thực sự tăng lên nhiều. Không ai có thể phủ định điều này, thế nhưng dù vậy bản chất của lịch sử Trung Quốc, cũng tức là bản chất ý thức hệ của Khổng Tử và Nho giáo của ông, thì vẫn chưa bị nhổ tận gốc, thậm chí nó vẫn còn gây tác dụng cực xấu rất rõ ràng ngăn trở lịch sử Trung Quốc tiến lên.
Đây chính là nguyên nhân sâu sắc vì sao tôi phải kiên quyết phê phán “truyền thống văn hóa, chính trị, kinh tế” của Khổng Tử và Nho giáo. Ngày nay đa số mọi người chỉ hời hợt nhìn thấy ảnh hưởng của “chủ nghĩa Marx-Lenin” thời kỳ gần đây mà hoàn toàn không nhìn thấy ảnh hưởng lịch sử có tính bản chất hơn ở tầng sâu của Khổng Tử và Nho giáo. Chính ảnh hưởng lịch sử ngoan cố ở tầng sâu ấy đã gây ra tình trạng người Trung Quốc căn bản không có “tư tưởng” – bà Thatcher đã nói đúng điểm đó, rồi bà Hillary khi đào bới tình hình lịch sử nhân tính Trung Quốc cũng nói tới điểm đó.
Cho dù như vậy, tôi vẫn cứ phải phản bác họ. Bà Thatcher có thể nói trước kia người Trung Quốc không có tư tưởng, cũng có thể nói cho tới nay người Trung Quốc vẫn chưa có tư tưởng, nhưng khi bà nói thậm chí sau đây 100 năm nữa người Trung Quốc vẫn không có tư tưởng, thì thực ra bà ta thật sự không biết gì.
Chẳng riêng bà Thatcher không biết mà trên thực tế toàn bộ giới tư tưởng, giới trí thức phương Tây cũng không biết gì. Đáng buồn là giới học thuật Trung Quốc ngày nay cũng thế, họ hoàn toàn chẳng biết gì, họ căn bản đã tê liệt (sơ cứng) cảm giác. Chính vì vậy mà phần đông họ vẫn như cũ, đang yêu cầu tiếp tục kiên trì “tôn Khổng”,[3] yêu cầu tiếp tục phục hồi giáo dục truyền thống Khổng-Nho. Thật là những thây ma còn sống.
Cái vô tri mà tôi nói là sự vô tri của toàn thế giới đối với tư tưởng “Đạo đức kinh” của Lão Tử, tức sự vô tri của giới tư tưởng, giới trí thức phương Tây đối với tư tưởng “Đạo đức kinh”, cũng là sự vô tri của giới trí thức trong nước Trung Quốc. Tất thảy họ đều không nhìn thấy cái vĩ đại của tư tưởng “Đạo đức kinh”, lẽ tự nhiên lại càng không nhìn thấy sẽ có một ngày nào đó, bắt đầu từ thế kỷ 21, người Trung Quốc sẽ phát hiện thấy sự vĩ đại của tư tưởng Lão Tử và tích cực chủ động tham gia học tập rộng rãi, truyền bá, nghiên cứu sâu và phát huy sâu sắc tư tưởng Lão Tử. Nếu đã thực hiện điều đó mà có ai còn bảo rằng người Trung Quốc không có tư tưởng thì kẻ ấy thật sự là kẻ mù.
Đây gần như là một cuộc đua, tức cuộc đua giữa dự đoán của bà Thatcher với dự đoán của tôi. Lẽ tự nhiên cũng gồm cả cuộc đua càng căng thẳng hơn để xem dự đoán của bà Hillary rốt cuộc có thể thực hiện được hay không, cuối cùng ai sẽ thắng? Tuy rằng tôi có quyết tâm mạnh mẽ, thậm chí có niềm tin, nhưng nói cho đến cùng đây không chỉ là việc của một cá nhân tôi mà là việc của toàn bộ dân tộc Trung Hoa! Các đồng bào của tôi liệu có thể nhận thức được sự vĩ đại của Lão Tử hay không đây? Điều quan trọng hơn là liệu đồng bào tôi có thể trước tiên nhìn thấy căn nguyên lịch sử của việc mình chưa có “tư tưởng” hay không? Ít nhất những người thuộc vào cái “ý thức hệ” cho tới ngày nay vẫn còn mù quáng kiên quyết yêu cầu trở lại với Khổng Tử và Nho giáo – những người đó căn bản không có bất kỳ “tư tưởng” nào đáng nói. Họ chẳng thể nhìn thấy [căn nguyên lịch sử của việc mình chưa có “tư tưởng”].
Nếu tất cả đều như vậy thì quả thật bà Thatcher đã nói trúng một cách hoàn toàn, triệt để, sâu sắc về tương lai của người Trung Quốc. Đồng thời dự đoán của bà Hillary cũng rất có thể trở thành hiện thực tàn khốc của Trung Quốc 20 năm sau.
Sở dĩ tôi cho rằng người Trung Quốc nên cảm ơn bà Thatcher và bà Hillary, đó là do hai bà đã đem lại cho người Trung Quốc sự kích thích của lời phán đoán tràn đầy lực va đập tinh thần mạnh mẽ. Liệu người Trung Quốc có thể dũng cảm đứng dậy và qua đó dùng tư tưởng vững vàng của dân tộc mình để trả lời hai bà không? Song le cái tư tưởng ấy phải thật sự là tư tưởng chính tông của người Trung Quốc mà tuyệt đối không phải là tư tưởng do người phương Tây bán sang rồi được người Trung Quốc thay hình đổi dạng bên ngoài.[4] Người Trung Quốc hoàn toàn có thể mạnh bạo hơn mà căn bản chẳng cần cảm thấy mình thấp kém phương Tây một cái đầu.
Nhưng cái người Trung Quốc thực sự có tư tưởng, thực sự có tư tưởng mới đối với toàn thể nhân loại ấy, phải là người Trung Quốc đã có được sự nhận thức hoàn toàn mới về Lão Tử vĩ đại và đi theo Lão Tử, chứ không phải là [đi theo] kẻ thuần túy lưu manh văn hóa, chính trị như Khổng Tử, và bọn lưu manh mới của Trung Quốc đang bám theo kẻ lưu manh cũ Khổng Tử. Thực ra xét trên ý nghĩa “văn minh” nghiêm chỉnh về tư tưởng thì tất cả bọn Tân Nho gia, Tân tân Nho gia thời cận đại và hiện đại đều là bọn “lưu manh mới”, tự giác hoặc không tự giác.
Tác giả LiMing, âm Hán-Việt là Lê Minh, triết gia Trung Quốc, sinh 1944, chủ yếu nghiên cứu logic học, lý thuyết điều khiển, và văn hóa nhân loại học. Viết nhiều, trong đó loạt bài trên mạng Phượng Hoàng phê phán mạnh Khổng Tử được dư luận quan tâm nhiều.
Nguồn: 中国人应该感谢撒切尔夫人 中国人再过一百年,也不会有新思想?      
————————–
[1] Trong bản gốc tác giả dùng từ Khổng Khâu, tức tên thật của Khổng Tử. Chúng tôi dùng từ Khổng Tử cho dễ hiểu. Lỗ Tấn từng lên án chế độ lễ giáo phong kiến tôn ti trật tự kiểu “mối quan hệ Quân-Thần (Vua-Tôi)” 君臣关系 do Khổng Tử đề xướng là chế độ ăn thịt người. Khổng Tử đặt lòng trung thành tuyệt đối với “minh chủ” lên vị trí cao nhất trong “Tam cương”, vì minh chủ mà người ta phải hy sinh tất cả. Tư  tưởng “trung quân” đã ăn sâu vào tiềm thức người TQ, trở thành đặc tính dân tộc, xưa là trung với vua, nay là trung với lãnh tụ hoặc đảng lãnh đạo, trở thành mảnh đất nuôi dưỡng chế độ chuyên chế độc tài. Tam quốc chí có kể chuyện thợ săn Lưu An tôn sùng Lưu Bị (chỉ vì Bị là hoàng thân nhà Hán) đến mức đã giết vợ mình lấy thịt làm món ăn lạ đãi Bị. Khi biết sự thật, Bị không mắng An mà còn khóc vì lòng trung thành của An và ban thưởng cho An. Bị cảm kích nói “Anh em như chân tay, đàn bà như quần áo”. Trong Đại Nhảy Vọt 1958-1960, chính quyền địa phương thấy nông dân chết đói như rạ cũng không cứu dân (dù kho lương thực đầy ắp), không dám báo cáo lên trên vì sợ như vậy là vạch ra sai lầm của Mao. Trong Cách mạng Văn hóa, chỉ vì tỏ lòng trung thành với Đảng, với lãnh tụ mà người TQ đã có những thể hiện mất hết nhân tính, như con đấu cha, vợ đấu chồng, thanh thiếu niên Hồng Vệ Binh tra tấn dã man các bậc cao tuổi, và tổ chức bắn giết, làm chết hàng triệu người (ND).
[2] Dân mạng TQ hiện nay hỗn xược gọi người Việt Nam là “Việt hầu”, tức khỉ Việt. Ý nói VN chỉ giỏi bắt chước mà không có tinh thần độc lập (ND).
[3] Tôn Khổng, có thể hiểu là tôn thờ Khổng Tử (ND).
[4] Ý nói tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Marx-Lenin đã TQ hóa (ND).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét