Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Ước mong của Montesquieu sẽ thành, nếu ....


Kết quả hình ảnh cho Montesquieu
Ước mong của Montesquieu
Ngô Sỹ Thuyết
Nam tước de La Brède et de Montesquieu (Charles-Louis de Secondat, Nam tước vùng La Brède và xứ Montesquieu (1689-1755) là một nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị Pháp sống trong thời đại Khai sáng, ông thường được biết đến dưới tên Montesquieu. Ông nổi tiếng với lý thuyết Tam quyền phân lập. Sinh thời ông có mong ước “Tôi sẽ là người sung sướng nhất trên đời nếu có cách gì đó làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh.

Cuộc sống cứ tiếp nối, và ở đâu cũng vậy, một ngày không thể thiếu VUA, thiếu người đứng đầu chính quyền, cho dù ông vua đó là kẻ ốm đau, bệnh hoạn hay một Minh Chúa lẫy lừng. Ngay tại nước Mỹ hùng mạnh, các kịch bản về Tổng thống bị chết, bị ám sát hoặc mất tích đều được xây dựng một cách nghiêm túc và hết sức tỉ mỉ, lường hết mọi khả năng có thể xảy ra. Điều này nói lên rằng, một chính thể, một bộ máy quản lý dù có rệu rã, mục ruỗng đến mấy cũng không thể vắng bóng một ngày, người dân vẫn cần đến họ. Chúng ta vẫn phải đi lại, ăn uống, học tập, vui chơi, biên cương hải đảo của Tổ quốc vẫn phải có người canh giữ, bảo vệ.
Nói điều này để thấy rằng, vì bất cứ lý do gì, chúng ta cũng đừng cầu mong Trời Phật, hay một phép màu nào đó để “tiêu diệt”, “giải tán”, “lật đổ” hoàn toàn “người cầm quyền và bộ máy thừa hành” cho dù hệ thống đó kém cỏi, nhũng nhiễu!. Hãy cùng cầu nguyện với Montesquieu “Lạy Trời, xin Người hãy ban cho đất nước chúng con và cả thế gian này cách gì đó để làm cho những người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh”.
Trong bộ máy thừa hành hiện nay, làm cho một người “thêm hứng thú khi họ tuân lệnh” đã khó, vậy mà muốn cho cả triệu người hứng thú thì khó biết dường nào.   
Đời nhà Đường, Cao Biền được phái sang nước ta với chức Tiết Độ sứ Giao Châu, y đã dùng tà thuật luyện âm binh, suýt nữa thành công nếu không vấp phải khí thiêng sông núi và anh linh nước Việt. Nếu những chiến binh (hạt đậu) không bị ép “đẻ non” vì chưa đủ ngày đủ tháng thì không biết đất nước gặp phải những đại hoạ gì (theo tích xưa “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”).
Tích này thật giả không rõ nhưng vẫn tồn tại trong nhân gian, phải chăng đây là một sự gợi ý, mách bảo của cổ nhân trong thuật trị quốc: Muốn cả triệu người thừa hành làm việc tốt không thể để họ tự giác được đâu, phải có cách, phải có “thuật”, phải có “âm binh”, “người ảo” giấu mặt để giám sát, đôn đốc, quản lý và giúp đỡ họ. Đội “quân ảo” này phải được lập trình nhằm mục đích làm cho người thừa hành các cấp “vừa tự nhiên, thân thiện, vừa hứng thú và vừa sợ khi họ tuân lệnh”. Đó phải là thứ công cụ mềm như khí, cứng như thép lại mạnh mẽ như thuỷ như hoả để cả triệu người thừa hành phải tuân thủ. Trước hết, “âm binh” được tạo trong phòng thí nghiệm, tiếp đến thực hiện thí điểm thành công ở đâu đó, sau rồi lan ra khắp nước theo kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Nói vậy cho vui chứ thực ra, cái gọi là “âm binh”, thứ “người ảo” đó chẳng qua là những phần mềm tin học khá thông dụng và quen thuộc với chúng ta trong những năm gần đây. Giới “thừa hành” nhìn chung đã từng sử dụng máy tính và các phần mềm trong công việc hàng ngày. Chỉ có điều, nếu có thứ phần mềm nào đó như kiểu “âm binh”, định lượng được cả thành tích lẫn khuyết điểm của “kẻ thừa hành” để họ buộc phải làm đúng với luật định, với quyền hạn và trách nhiệm của họ trong thang bậc, vị trí xã hội. Để họ “không muốn, không dám, không thể” tham lam nhũng nhiễu thì tất nhiên ước nguyện của Montesquieu và dân ta sẽ trở thành hiện thực.

Ngoài ra, “âm binh” cũng không thể bỏ sót 2 đối tượng quan trọng nữa là người cầm quyền và dân chúng, nhưng trước hết, bước một hãy nhắm vào đối tượng kẻ thừa hành trước đã. Thành công rồi chúng ta sẽ có đà đi tiếp. Một lần nữa chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Montesquieu “Lạy Trời, xin Người hãy ban cho đất nước chúng con và cả thế gian này một bảo bối để làm cho những người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét