Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

HỒN NƯỚC

Phạm Khắc Trung


Kết quả hình ảnh cho hồn nước
Hồn Nước Thiêng Liêng. Ảnh Internet
TMT: Tác giả Phạm Khắc Trung luôn băn khoăn suy nghĩ, cố tìm một mẫu số chung hòng san lấp những khác biệt, cùng chung ước vọng thống nhất dân tộc. Ông từng phát biểu rằng, yếu tố tôn giáo và ý thức hệ là những yếu tố mang mầm chia rẽ sâu đậm nhất nên cần phải chú trọng đến yếu tố văn hóa dân tộc. Đó là lý do ông muốn giải mã câu truyện Hồng Bàng và những truyện dân tộc trong Lĩnh Nam Trích Quái, trong đó có truyện Triệu Đà, Trọng Thủy- Mỵ Châu..., mà ông tin tưởng "sử ở trong truyện". Thôn Minh Triết trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

Cứ theo cụ Phạm Quỳnh thì “cái nguyên tố dựng ra một nước không phải chỉ ở thổ địa nhân dân mà thôi, cốt là ở cái ý nguyện chung của người ta muốn cùng nhau xum vầy sinh hoạt, cùng nhau cộng thích đồng hưu, nhìn về trước thời cùng nhau chung một cuộc lịch sử đề tạo gian nan, ngó về sau thời cùng nhau chung một lòng hy vọng vẻ vang rực rỡ; nói tóm lại là ở một cái mối vô hình nó ràng buộc người ta lại, làm thành một cái đoàn thể thiên nhiên mà bền chặt, trăm nghìn vạn mớ người cùng như một người, lâm thời có thể răm rắp đứng lên mà đối với sự ngoại hoạn. Cái mối vô hình ấy, tức là cái tinh thần lập quốc, tức gọi là quốc hồn. Cái tinh thần ấy phấn trấn thời nước mạnh; cái tinh thần ấy ủy mĩ thời nước suy. Có đất có người mà cái hồn chung ấy không có thời chưa thể thành một nước được. Đất đã vào tay chủ khác, dân làm nô lệ cho người, mà cái hồn chung ấy vẫn còn, thời dẫu phân lìa tan tác, bảy nổi ba chìm, sớm trưa rồi cũng có ngày khôi phục. Nhìn lên mặt đất, xét cuộc sử xanh, biết bao nhiêu nước xác thì còn mà hồn đã mất, lại biết bao nhiêu nước hồn vẫn sống mà xác không còn. Những nước thuộc vào hạng trên thì có cũng như không, mà những nước thuộc vào hạng dưới thì không mà vẫn có” (Bàn về cái tinh thần lập quốc, Phạm Quỳnh, Tuyển Tập và Di Cảo, An Tiêm, Paris, 1992)

Như nước Việt Nam ta, phải kể là một quốc gia hoàn toàn. Không những từ chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục từ Nam chí Bắc cùng là một, không gì gián cách nhau, mà cái tinh thần lập quốc từ xưa đến nay đã tỏ ra vô cùng mạnh mẽ và tỉnh tao đến dường nào! Hãy cứ mở trang lịch sử của ta ra sẽ thấy, đất nước ta cũng đã nhiều phen lâm nạn, nước mất nhà tan, dân làm nô lệ, nhưng nhờ những cái tâm Việt đã quyện thành một mối, những cái hồn Việt đã kết tụ cứng rắn và đồng nhất như khối kim cương, chính vì cái “ý nguyện chung của người ta muốn cùng nhau xum vầy sinh hoạt, cùng nhau cộng thích đồng hưu”, khiến cái hồn nước, tức “cái mối vô hình nó ràng buộc người ta lại, làm thành một cái đoàn thể thiên nhiên mà bền chặt, trăm nghìn vạn mớ người cùng như một người, lâm thời có thể răm rắp đứng lên mà đối với sự ngoại hoạn”, bởi vậy mà nhân dân ta không hề biết cúi đầu khuất phục, vẫn đồng lòng mà chống cự với quân ngoại địch, để cuối cùng vẫn đánh đuổi được kẻ cường lân, thu giang sơn nước nhà về một mối. Nhờ ở đâu mà tinh thần lập quốc của ta mạnh mẽ và tỉnh tao dường ấy? Phải chăng là nhờ ở sự thống nhất của cả dân tộc: thống nhất trong việc thờ chung một Tổ Hùng Vương, thống nhất trong việc cùng tôn vinh những vị Thần dân tộc như Thần Phù Ðổng, như Thần Núi Tản Viên....     
                  
Ngày nay, nước ta đang trong thời cùng bỉ nên cục diện biến loạn, dân tình điêu linh khổ sở, đạo đức suy đồi, lòng người ngao ngán, người đời chỉ say đắm trong đường công lợi, không thiết tha gì tới nhân tới nghĩa... Mới nhìn qua thì không khỏi bi quan cho lắm, dường như cái tinh thần lập quốc của ta có suy nhược đi nhiều, cái chí nguyện chung của nhân dân có phần sút kém, không được vững bền như xưa? Quả thật là như vậy, nhưng nếu xét cho tận tường thì cái bệnh suy nhược của quốc gia ta ngày nay là do cái ngoại cảm đã để lâu năm nên thấm vào lục phủ ngũ tạng, gây thành chứng nội thương. Cho nên việc trị liệu quan trọng ở chỗ là phải tiêu trừ cho được cái ngoại cảm bên ngoài, và chủ yếu là phải điều dưỡng cho được cái nội thương bên trong. Cái chí nguyện chung của nhân dân ta là YÊU CHUỘNG TỰ DO, ngoại cảm là những bạo lực đã áp đặt lên để trấn áp tự do của con người, chính những bạo lực đó đã làm suy thoái sự thống nhất của cả dân tộc, tạo thành chứng nội thương.

Ðiều dưỡng nội thương có nghĩa là khôi phục lại cái lòng tín ngưỡng ở Tổ Tiên, phục hồi lại sự thống nhất của cả dân tộc, thống nhất trong việc thờ chung một Tổ Hùng Vương, thống nhất trong việc cùng tôn vinh những vị Thần dân tộc như Thần Phù Ðổng, như Thần Núi Tản Viên.... Trị liệu ngoại cảm là khơi lại cái tâm kiên trì, cái chí bất khuất, và lòng tự tin ở sức mình trong quần chúng, để cùng nhau biến cái ý nguyện chung là yêu chuộng tự do đó thành hiện thực. Một khi hồn nước đã được phục hồi, thì vẫn với giang sơn ấy, vẫn với đất nước ấy, vẫn với con người ấy, liệu sẽ còn có vấn đề nào mà không được giải quyết một cách tốt đẹp nữa chăng?.

Ðã trộm nghĩ như thế, nay tình cờ bắt gặp một bài thuốc trị liệu ngoại cảm linh diệu trị giá một đời người do ông Trần Quán Niệm sưu tập, được đăng trên Lướt Sóng số 32, xin mạn phép được trích bài “Chiêu Hồn Nước” của Liệt Sĩ Phạm Tất Ðắc ra đây để giới thiệu với bạn hữu xa gần. Ðược biết “Tráng sĩ Phạm Tất Ðắc mới 18 tuổi, học sinh trường Bưởi, vì căm giận người Pháp cai trị khắc nghiệt mà dân ta thì trình độ chưa cao, quan lại thì hèn yếu khiếp nhược, cam tâm làm nô lệ, nên đã viết ra một bài văn rất cảm động, mà mỗi giòng, mỗi chữ là một lời khẳng khái, tràn đầy tâm huyết, đó là bài “Chiêu Hồn Nước”. Bài này được nhà in Thanh Niên in trên báo. Chỉ vài ngày sau, tráng sĩ Phạm Tất Ðắc và viên quản lý nhà in bị mật thám bắt. Khi bị chất vấn, ông khẳng khái đáp rằng “tự đầu óc tôi nghĩ ra, tự tay tôi viết xuống, không ai xúi dục tôi cả”. Ông bị tù đến nåm 21 tuổi mới được thả. Ông mất năm 26 tuổi vì thời gian bị tù đã bị thực dân Pháp tra tấn dã man” (Trần Quán Niệm, Lướt Sóng số 32).


CHIÊU HỒN NƯỚC

Bao nhiêu triệu trẻ già trai gái
Bốn nghìn năm con cháu Hồng Bàng
Cũng nhà cửa, cũng giang san
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời

Nghĩ lắm lúc đương cười lại khóc
Muốn ra tay, ngang dọc, dọc ngang
Vạch trời thét một tiếng vang
Cho thân tan với giang san nước nhà

Đồng bào hỡi con nhà Hồng Việt
Có thân mà chẳng biết liệu đời
Tháng ngày lần lữa đợi thời
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương

Nay sóng gió bốn phương dữ dội
Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?
Đồng bào chút giọt máu đào
Thương ơi, tội nghiệp, đời nào xót đây

Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn
Mà xót thương đến chốn Nhị Nùng
Xưa kia cũng lắm anh hùng,
Dọc ngang trời đất, vẫy vùng bể khơi

Xưa kia cũng lắm người hào kiệt
Trong một tay nắm hết sơn hà
Nghìn thu gương cũ không nhòa      
Mở mày, mở mặt con nhà Lạc Long

Non sông vẫn non sông gấm vóc
Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi
Người xem cũng dáng con người
Cũng tai cũng mắt ở đời khác chi

Cảnh như thế, tình thời như thế
Sống làm chi, sống để làm chi?
Đời người đến thế còn gì?
Nước non đến thế còn gì nước non

Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ
Trông non sông lã chã giòng châu
Một mình cảnh vắng đêm thâu
Muốn đem máu đỏ, nhuộm màu giang san

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt
Tiếng quốc kêu dậy mặt anh hùng
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng
Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông

Hồn hỡi hồn, con Rồng cháu Lạc
Bấy nhiêu lâu đói khát lầm than
Bấy lâu thịt nát xương tan
Bấy lâu tím ruột, thâm gan vì hồn

Hồn hỡi hồn, kìa non nước cũ
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày chau
Bấy lâu ngậm tủi, nuốt sầu
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi hồn

Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc
Ngắm năm châu khôn khóc nên lời
Đêm khuya cảnh vắng êm trời
Khôn thiêng chăng hỡi, hồn ơi hồn về

Hồn trở về chớ ham rượu thịt
Chớ tham nhà cao tít mấy từng
Kìa con chim ở trên rừng
Kiếm mồi đâu có lạc chừng, quên cây

Hồn trở về đừng say gái đẹp
Mà nặng tình kẻ khép phòng the
Đường đường một đấng trượng phu
Lẽ đâu hồn chẳng đền bù non sông

Hồn trở về chớ mong giàu có
Mà ước ao ngựa nọ xe kia
Nghênh ngang mũ áo, râu ria
Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười

Hồn có về cõi đời chớ chán
Mà vội đem lòng nản việc trần
Bát cơm, tấm áo, manh quần
Hồn ăn, hồn mặc, nợ nần thế gian

Hồn trở về bấm gan mà chịu
Cảnh biệt ly tình, hiếu đôi đường
Trượng phu chí ở bốn phương
Lẽ đâu hồn chịu vấn vương xó nhà

Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa
Mà thoi đưa lần lữa tháng ngày
Xưa nay những kẻ tình say
Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ

Hồn trở về chớ chờ sức yếu
Mà hồn không định liệu dọc ngang
Hoặc hồn bảo chẳng biết đàng
Hoặc hồn không muốn vội vàng làm ngay

Hoặc hồn sợ tai bay vạ gió
Mà hồn đành phải bỏ non sông
Hoặc hồn quen thói phục tùng
Mà hồn cam chịu cùng giòng ngựa trâu

Hoặc hồn thường cháo rau no đói
Mà hồn riêng mong mỏi cơ hàn
Hoặc hồn đã trải lầm than
Mà hồn bỏ mất cái gan tung hoành

Hoặc hồn ở thị thành phố xá
Hoặc hồn trong túp lá lều tranh
Hoặc hồn ở chốn rừng xanh
Hoặc hồn lẩn quẩn ở trong sơn hà

Hoặc hồn ở nước nhà chật hẹp
Hoặc hồn đi ẩn nấp nước ngoài
Đêm khuya cảnh vắng im trời
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về

Hồn trở về đừng mê mẩn nữa
Tính nết xưa phải sửa từ đây
Hồn về hồn cố cho nhờ
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam

Đêm tịch mịch canh trường man mác
Ve kêu sầu dế hát thâu canh
Còn chi sung sướng vẻ vang
Bằng đem da ngựa chiến tràng bọc thây

Hồn trở về làm ngay ý muốn
Chớ rụt rè sớm muộn nào nên
Lẽ thường thành bại đôi bên
Chớ đo đắn quá mà quên việc mình

Hồn trở về hy sinh quyền lợi
Mà tận tâm đối với nước non
Cho dù thịt nát xương mòn
Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa

Hồn trở về hồn mơ hồn mộng
Nên hồn thành ra giống ngựa trâu
Hồn về hồn kíp đòi mau
Tự do hành động mặc dầu dọc ngang

Hồn trở về bền gan dốc trí
Chớ có thèm cái vị cao lương
Tháng ngày dưa muối rau tương
Còn hơn rượu thịt mà nương nhờ người

Hồn trở về xoay trời đất lại
Hồn trở về tát hải, đạp sơn
Chớ nề gió kép mưa đơn
Mà đem gan chọi với cơn phong trần

Hồn hỡi hồn xa gần nghe thấy
Thì vùng lên kết dậy mà về
Hoặc hồn ở chốn thôn quê
Hoặc là hồn ở phủ kia, lầu này

Nước non cũ bấy nay khao khát
Ngày ấy qua, ngày khác lại qua
Mấy phen lệ nhỏ máu sa
Mấy phen xót xót sa sa lòng vàng

Mong hồn tỉnh hồn càng không tỉnh
Mong hồn về hồn định không về
Non sông hồn bỏ lời thề
Cho non sông chịu trăm bề lầm than

Hồn hỡi hồn, giang san là thế
Giống Lạc Hồng tôi kể hồn hay
Kể từ hồn lạc đến nay
Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.

Cũng có kẻ lên ngàn đổ máu
Cũng có người nương náu phương xa
Có người bỏ cửa bỏ nhà
Có người lo nghĩ tuyết pha mái đầu

Cũng có kẻ làm trâu làm ngựa
Cũng có người đầy tớ con đòi
Cũng thằng bán giống buôn nòi
Khôn thiêng chăng hỡi, hồn coi cho tường

Có mồm nói không đường mà nói
Có chân tay người trói chân tay
Mập mờ không biết dở hay
Ù ù cạc cạc công này việc kia

Hồn hỡi hồn, đêm khuya cảnh vắng
Hồn nghe hồn có đắng cay không?
Tôi đây cũng giọt máu hồng
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên

Trông thấy cảnh mà điên mà dại
Trông thấy tình mà dại mà điên
Mà sao không thể ngồi yên
Sa câu gan ruột tôi biên mời hồn

Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ
Hồn nghe xong nên khá mà về
Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê
Chớ đừng đo đắn trăm bề nông sâu

Hồn trở về non sông nước cũ
Mà mau mau giết lũ tham tàn
Mau mau giết lũ hại dân
Túi tham dồn chứa bạc vàng của dân

Hồn trở về cho dân tỉnh lại
Không ngu ngu dại dại như xưa
Không còn khổ nhọc sớm trưa
Không còn nắng nắng, mưa mưa dãi dầu

Hồn trở về mau mau hồn hỡi
Hồn trở về tôi đợi tôi mong
Hồn về tô điểm non sông
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt
Dân không còn nước mất sao còn
Hỡi hồn nước nước non non
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp hồn

Tôi đây cũng không khôn cho lắm
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều
Tôi nay chỉ một lòng yêu
Nên mong nên mỏi nên chiêu hồn về

Hồn hỡi hồn, hồn về hồn hỡi
Hồn hỡi hồn, hồn hỡi hồn ơi
Đêm khuya cảnh vắng êm trời
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về.

                                                                - (Liệt Sĩ Phạm Tất Đắc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét