Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko |
Kính thưa Nhật Hoàng
và Hoàng Hậu!.
Hôm qua, khi nhìn thấy Nhật Hoàng và Hoàng
Hậu bước ra cửa máy bay, dừng lại rồi nghiêng mình chào đất nước Việt Nam và những
người ra đón, tôi thực sự có một xúc động đầy thiện cảm. Đó là sự tinh tế của
văn hóa phương Đông chăng. Tôi, một người già sống ở Ô Đồng Lầm kinh thành
Thăng long xưa xin gởi lá thư này đến Ngài.
Tôi còn nhớ hồi bé tôi đã từng được những
vị trưởng thượng truyền cảm cái lòng khâm phục Nhật Bản sau cuộc chiến tranh Nga
- Nhật, một hạm đội của Nga đã bị đánh tan ở eo biển Đối Mã. Điều thú vị là qua
đó Việt Nam biết đến vị trí và giá trị của cảng Cam Ranh. Rồi chúng tôi say sưa
đọc về công cuộc Minh trị Duy tân với những hành động đầy tinh thần yêu nước
lãng mạn như có người tự rạch bụng mình dấu tài liệu mật đem về nước. Có một
hình ảnh mà tôi còn nhớ mãi. Đó là vào cuối thế kỷ XIX, khi Nhật Bản đã đóng được
chiếc chiến hạm đầu tiên, nhưng không có giây buộc neo. Các công chúa và các bậc
mệnh phụ đã quyết định cắt búi tóc của mình và vận động quyên góp để bện thành
một sợi giây neo bền chắc. Người ta bảo một sợi tóc có thể chịu một lực tới 5kg,
thì sợi giây neo bằng tóc ấy bền chắc biết nhường nào. Nhưng không phải là vấn
đề kỹ thuật, mà đấy là tinh thần yêu nước của người phụ nữ Nhật năm xưa thật lãng
mạn. Có thể những chi tiết ấy cũng có ít nhiều trong nhân cách của một người
già như tôi hôm nay chăng. Bây giờ tôi chỉ mong sao cho những chiếc dây neo bền
chắc ấy, sẽ cắm vững vào những bến bờ của tình đoàn kết, hữu nghị, để cho chúng
ta giữ yên cả hai Biển Đông đang đầy sóng gió bất trắc gian xảo.
Kính thưa Đức vua và Hoàng Hậu, cuộc
thăm của Ngài và Hoàng Hậu đúng vào tháng Ba năm 2017 này, với tôi, thật đầy ý
nghĩa biểu tượng. Vào tháng Ba của 110 năm trước ở Hà nội (1907) đã khai trương
Đông Kinh Nghĩa Thục, một ngôi trường, một phong trào văn hóa cứu nước có ý
nghĩa như cuộc Quốc gia khởi nghiệp đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Cảm hứng và
hình ảnh của Nó chính là mối tương liên của những nhân sĩ trí thức Nhật Bản với
những trí thức yêu nước của Việt Nam, đặc biệt là hình mẫu của Khánh Ứng Nghĩa
Thục. Trớ trêu của lịch sử là ngôi trường với tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục đó
chỉ hoạt động được chưa đầy một năm thì bị thực dân Pháp đóng cửa, bắt những
lãnh đạo của trường đày đi Côn đảo. Ngày nay, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ còn
trong ký ức với những bài học vô giá. Còn Khánh Ứng thật may mắn, đã tồn tại và
phát triển để hôm nay vẫn là một trung tâm tinh hoa của Nhật Bản. Chúng tôi
mong mỏi thúc đẩy những quan hệ văn hóa mà tiền nhân của hai nước đã đặt những
hòn đá tảng nền móng đầu tiên. Khi Nhật Bản cung cấp cho chúng tôi những bài học
sáng giá về sự phát triển một dân tộc Á Đông trong thời đại mới, chúng tôi càng
đánh giá cao phương châm của Đông Kinh Nghĩa Thục: ”Á Âu chung lại một lò. Đúc nên nhân cách mới cho là người”. Điều mà
người Nhật làm được và có những thành công trong thế kỷ qua, thì hôm nay chúng
tôi đang ra sức phấn đấu.
Tôi nhớ có một triết gia Tây phương
nói ”Chỉ trên cơ sở phát triển tận thiện các Dân tộc, mới có quan hệ quốc tế tốt
đẹp”. Điều ấy thật đúng. Khi nước Nhật ở đầu thế kỹ trước, buộc phải hy sinh mối
quan hệ giữa những nhân sĩ Nhật và Việt. Cũng như Việt Nam không thể duy trì và
phát triển Đông Kinh Nghĩa Thục được là do vướng vào những quan hệ quốc tế phức
tạp và tiêu cực. Mong sao quá trình phát triển tận thiện của hai Dân tộc sẽ khiến
cho kẻ muốn chọc gậy bánh xe dẫu gian xảo, hiểm độc cũng sẽ không làm gì được,
Vào năm 2014, tôi có may mắn được tiếp
xúc với hai vị giáo thụ từ Keio sang trình bày về chiến lược đối phó với sự bá
quyền bành trướng có an nguy cho Nhật Bản. Trong ý thức tương đồng, tôi có tặng
hai vị ấy câu đối. Nay xin chép lại kính dâng Nhật Hoàng:
“Quý
Tỵ tân niên gia gia đô hướng Mỹ,
Trường xà
nhất trận xứ xứ tổng bình Hoa”.
Hoa và Mỹ
là hai khái niệm nói về cái tinh hoa đẹp đẽ, mà cũng là tên hai thực thể của
nhân loại. Ngày mai Nhật hoàng cùng Hoàng Hậu sẽ đi thăm Huế, vốn là quê hương
của tôi. Xin kính chúc Nhật hoàng và Hoàng Hậu có được những giờ phút thanh thản
nơi những nhà vườn, những cung điện xinh xắn, những lăng tẩm trầm mặc bên giòng
sông Hương thơ mộng.
Xin dâng lên Nhật Hoàng và Hoàng Hậu lời
chúc vạn an.
Kính,
Nguyễn Khắc Mai, Người già ở Ô Đồng Lầm
Thăng Long xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét