PGS TRẦN THỊ BĂNG THANH
TMT: Minh
Triết trị quốc an dân của tiền nhân luôn là một chủ đề thiết thực cho sự phát
triển của Việt Nam, vì vậy TMT trân trọng giới thiệu một nghiên cứu của PGS Trần
Thị Băng Thanh về tư tưởng và triết lý trị quốc của ông cha ta đặc biệt là vấn
đề nông dân và sở hữu ruộng đất, đó thật sự là những bài học quý giá mà tiền
nhân để lại cho chúng ta.
PHẦN I: NHỮNG TƯ TƯỞNG ĐẠO TRỊ QUỐC
Trong xã hội phong kiến, quan niệm về
một đất nước, một triều đại thịnh trị,
có nhiều thang bực và được hình dung bằng nhiều biểu hiện. “Quân minh thần
lương” (nghĩa là vua sáng suốt, bề tôi hiền tài; mà bề tôi hiền tài thì có
nghĩa là quan văn quan võ đều tài giỏi và quan trọng là phải có cái tâm “ưu quốc
ái dân”, lo cho nước, yêu chúng dân – tầng lớp dân đen, thấp nhất trong các
giai tầng xã hội), đó là một biểu hiện.
“Quốc phú binh cường” – nước giàu binh
mạnh – là một biểu hiện. “Quốc phú dân cường” – nước giàu dân mạnh – là một biểu
hiện. Nhưng lý tưởng cao nhất về một thời đại thịnh trị là “Quốc thái dân an”.
Nước có giàu nhưng dân không an, luôn lo âu thấp thỏm, nghi kỵ, phòng giữ thì vẫn
chưa có thái bình. Cho nên biểu tượng về một thời thái bình, một đất nước thịnh
trị lý tưởng là “Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”, “Bách tính âu ca lạc thịnh
thời” (Trăm họ ca hát yên vui về thời thịnh trị). Trong lịch sử chín thế kỷ
phong kiến nước ta cũng có những “thịnh thời”. Đó là thời đoạn sau cuộc chiến
thắng Nguyên Mông, đất nước được khôi phục, mặc dù bị tàn phá nặng nề. Với Trần
Nhân Tông là một miền quê yên bình, thiên nhiên trong lành ấm áp:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán
vô bán hữu tịch dương biên.
Mục
đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch
lộ song song phi hạ điền.
(Thiên Trường vãn vọng)
Bản dịch:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Trời
chiều dường có lại dường không.
Mục
đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò
trắng từng đôi liệng xuống đồng.(1)
Trong con mắt một thư ký của đoàn sứ
giả nhà Nguyên, là kinh đô Thăng Long vào một
đêm xuân, năm 1289, vua Trần Nhân Tông cùng sứ giả Lý Tư Diễn ngồi đánh cờ say
sưa trong không gian thơm ngát hương bưởi hương quất (thổ sản riêng của Việt
Nam), như hai ông tiên đánh cờ trong quả quất của truyện thần tiên(2). Đại
Việt sử ký toàn thư, bộ sử gốc chính thống của Việt Nam cũng có một đoạn về
thời nhà Mạc, dưới triều Mạc Đăng Doanh, khoảng vài năm, ban đêm nhà không đóng
cửa, người đi đường không cần mang theo vũ khí, thấy của rơi không nhặt, trâu
bò chăn thả không phải trông coi, chỉ mỗi tháng kiểm soát một lần, có khi sinh
thêm bê nghé mà không biết(3). Trong
dân gian thì có câu ca: Đời vua Thái Tổ
lên ngôi / Cơm gạo đầy nồi trẻ chẳng buồn ăn (có lẽ nói về Lê Thái Tổ
chăng?). Cũng còn một câu ca nữa: Đời vua Thái Tổ Thái Tông/ Con quấn con dắt con
bồng con mang (Nói về Lý Thái Tổ, Lý thái Tông chăng?) Quả là an bình đến lý tưởng!
Nhưng trên cơ sở tư tưởng triết lý nào để dắt dẫn đất nước,
xã hội đạt đến lý tưởng đó? Có thể rút ra từ trong thơ văn xưa
một số những lời đúc kết, khả dĩ xem là
những đề xuất mang tầm chiến lược của kế sách dựng nước và giữ nước.
1. Tinh thần “vô vi”. Những ngày đầu của triều đại Lê Đại Hành, khi đất nước vừa trải
qua cuộc khủng hoảng cuối triều Đinh và cuộc chiến chống quân Tống xâm lăng, Đỗ
Pháp Thuận(4) đã đề xuất một kế sách có tầm chiến
lược:
Quốc tộ như đằng lạc,
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:
Phúc
nước như dây quấn,
Trời
Nam
lựa chọn [xây dựng](5) đất nước thái bình.
Trên
điện các, nhà vua “vô vi” – không làm gì,
Thì
khắp nơi sẽ tắt chuyện đao binh.
Bài thơ mang dáng dấp như một lời sấm,
sâu xa và cũng đa nghĩa. Chỉ nguyên câu đầu đã có thể có nhiều cách lý giải. Quốc
tộ - phúc nước – hiểu cụ thể là ngôi vua, vận nước, là sự tồn tại của đất nước,
như đám dây leo quấn quýt nhằng nhịt. Điều đó có thể là bền chặt, cũng có thể
là khó khăn, bối rối, người đứng đầu nhà nước phải có cách tháo gỡ, giữ gìn để
đem lại sự suôn sẻ, thư thái, vững bền cho đất nước. Có thể ý thơ nghiêng về
cách hiểu thứ hai, bởi vì đất nước lúc đó quả cũng chưa qua hẳn thời kỳ bối rối.
Nhà Đinh mới dẹp yên được sự phân rẽ của Mười hai sứ quân, lập triều đại, bắt đầu
xây dựng một đất nước độc lập tự chủ, có quy mô, thể chế, pháp độ ... nhưng chỉ
được 13 năm lại rơi vào nội loạn. Quyền lực đến tay Lê Hoàn, nhưng ông vừa mới
được giao nhiếp chính đã phải giải quyết ngay cuộc chống đối khá quyết liệt, đến
đổ máu, của Đinh Điền, Nguyễn Bặc; khi chính thức lên ngôi thì cuộc chiến chống
ngoại xâm từ nước láng giềng mạnh lại là một nhiệm vụ rất to lớn mà ông phải
gánh vác. Sau đó việc củng cố chính quyền mới, phát triển đất nước và xử lý nguy
cơ tiềm ẩn từ những thế lực không đồng thuận trong nội bộ, có thể ngay cả chính
trong hoàng tộc nhà vua, cũng không đơn giản, chưa thể nhanh chóng khắc phục
hoàn toàn. Đinh Tiên Hoàng trước ông, trong luật pháp đã có những hình phạt bạo
lực. Nhà vua đặt chiếc vạc lớn ở sân, nuôi cọp trong cũi và hạ lệnh rằng: “Có
ai phạm pháp sẽ bị nấu, hoặc cho cọp xé thây”(6).
Nhưng chưa đầy chục năm, các con vua Đinh đã giết lẫn nhau và cuối cùng nhà vua
và người con lớn Đinh Liễn đều bị Chi nội nhân Đỗ Thích giết chết. Phải chăng đấy
là một kinh nghiệm không thành công của Đinh Tiên Hoàng? Hơn thế, những công
trình kiến trúc xa hoa như xây dựng cung điện cột dát vàng nạm bạc làm nơi coi
chầu, cung điện lợp ngói bạc cho vua nghỉ ngơi, tổ chức hội lễ mừng ngày sinh của
vua tốn kém ..., có thể đã trở thành gánh nặng cho dân về thuế má lao dịch. Pháp
Thuận trong tình thế ấy muốn giúp vua Lê Đại Hành xây dựng một nhà nước nhân
ái, ít phiền hà, lấy sự hòa ái, tôn trọng con người, chăm lo đời sống muôn dân
làm tư tưởng cốt lõi của chính sự, để muôn dân được an cư lạc nghiệp. Đã nắm được
quyền bính rồi, đã đuổi được giặc ngoài rồi, không nên tham công theo đuổi chiến
tranh, “cùng binh độc vũ”, cốt khoe sức mạnh mà phải coi việc lo cho dân ấm no,
đất nước thái bình mới là đạt đến sự thịnh trị lý tưởng. Do vậy tư tưởng chiến
lược của Pháp Thuận là “vô vi”. “Vô vi” nghĩa đen là không làm gì, nhưng trong
hàm nghĩa triết học của nó có nghĩa là không làm điều gì trái với quy luật, với
bản chất tự nhiên của thiên nhiên và xã hội, không gò ép, bắt buộc thế giới hiện
hữu theo ý muốn chủ quan – “nhân vi” - của mình. Như vậy không làm gì nhưng lại
phải cố gắng rất nhiều, “vô ngã” thật nhiều. Nhà Tiền Lê có một thời đã thực hiện
được điều đó. Đất nước phát triển trong ba mươi năm. Nhưng rồi nội bộ hoàng tộc
lại chia rẽ, nhà Tiền Lê suy yếu, Ngọa Triều có những hành vi bạo ngược (như Sử
ghi chép) và nhà Tiền Lê suy vong. Nhà Lý nối tiếp thay thế, đạo Phật thịnh
hành, các vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đều có tinh thần nhân từ
bác ái, khiến Lê Văn Hưu nhận xét là vì say “lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật mà
quên cái nghĩa lớn của người làm vua”(7).
Nhưng những việc nhà Lý đã làm được – chăm lo đời sống cho dân, giữ gìn đất nước
... - là những việc theo ý trời, thuận lòng người. Ỷ Lan – Nguyên phi của Lý
Thánh Tông - bỏ tiền chuộc những con gái nhà nghèo phải gán nợ về cho đi lấy chồng,
ra lệnh cấm giết trâu cày,.. được dân tôn là Phật bà Quan Âm. Vua Lý Thánh Tông
từng sai phát chăn chiếu cho tù nhân và từng có câu nói nổi tiếng: “Ta yêu con
ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp,
trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật
khoan giảm”(8); ... Đó là giai đoạn
thịnh trị của nhà Lý.
2. Tư tưởng “thân dân”, “khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”(9) của nhà Trần. Tư tưởng ấy được thể hiện
trong chính sự, văn hóa và đặc biệt trong ứng xử giữa các thành viên của cộng đồng,
điều đó được biểu hiện ở chỗ dù trong gian nguy hoạn nạn hay trong cảnh thái
bình cũng đạt được tinh thần vua tôi, anh em trên dưới đồng lòng. Đó là tư tưởng
chiến lược quan trọng nhất để dựng nước và giữ nước của nhà Trần. Sau này, những
tư tưởng đó đã được Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài cả đời tận tụy vì vương triều
và đất nước, một nhân vật chủ chốt đưa hai cuộc chiến chống giặc dữ của dân tộc
đến toàn thắng, trước lúc lâm chung, tổng kết truyền lại cho vị vua đương triều
Trần Anh Tông. Nhà Trần đã không dùng những hình phạt khốc liệt, trong mọi ứng
xử đều trọng sự hòa ái. Những câu chuyện Trần Thái Tông không bắt tội Cự Đà,
trái lời Trần Thủ Độ hòa giải với Trần Liễu(10),
Trần Thánh Tông cho đốt hồ sơ những người trót lầm đường hàng giặc(11), Trần Nhân Tông răn bảo thị vệ không
được cư xử bạo ngược với nô tì(12); chủ
tớ thân ái, đoàn kết với các bộ tộc anh em, nuôi dưỡng được những đạo quân tình
như cha con, ... là những ứng xử hồn nhiên, chân thành của người thời Trần. Có
lẽ chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam tạo được sự đồng thuận cao từ
trong hoàng tộc, triều đình đến dân chúng như giai đoạn thịnh Trần. Nhà Hậu Lê
trong cuộc chiến giành lại đất nước từ tay nhà Minh đã huy động được “tứ phương
manh lệ”, đã vượt qua được những ngày khó khăn nhất “khi Linh Sơn lương hết mấy
tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội”(13),
đã có Lê Lai “liều mình cứu chúa”, có cảnh quân tướng “hòa nước sông chén rượu
ngọt ngào”, nhưng cũng chưa có được cái khí thế hào sảng, một lòng vì xã tắc, được
biểu hiện thành những sự kiện và danh ngôn bất hủ lưu lại trong sử sách như thời
nhà Trần. Ví như ý chí quyết “đánh” của các bô lão ở Hội nghị Diên Hồng, sự nhất
tâm của Hội nghị tướng lĩnh Bình Than(14),
tấm lòng “Phá cường địch báo hoàng ân” của chàng thiếu niên 16 tuổi Trần Quốc
Toản, thái độ cứng cỏi, biện luận sắc sảo của người bề tôi bình thường, chỉ vào
hàng “ngựa kéo xe muối” Trần Khắc Chung, ý chí “sát Thát” được thích trên cánh
tay quân lính, khí phách “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”
của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng (15)
và ý chí “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” (Vì nghĩa quên thân, thể hiện ở
việc báo đền ơn nước)(16) thích
trên ngực những chàng trai dân quê chân đất các xóm thôn. Đó là những giai thoại
đẹp một thuở thịnh thời.
Trong chính trường, chắc chắn thời nào cũng có
những cuộc tranh đoạt, những âm mưu, những cuộc thanh trừng ... nhưng nếu như
giai đoạn nào chọn được những biện pháp hóa giải ít khốc liệt, ít tàn bạo thì sẽ
bớt tổn thất đổ vỡ. Ở thời Lý có sự “làm phản của ba vương” nhưng trừ vị hoàng
tử bị chết tại trận, hai hoàng tử còn lại đến cửa khuyết xin chịu tội đã được Lý
Thái Tông ban chiếu tha tội và cho giữ
nguyên chức tước(17); thời Trần có cuộc
“đem quân ra sông Cái làm loạn” của Trần Liễu, nhưng Trần Cảnh đã tha bổng anh;
cuộc bất hòa được giải quyết bằng nước mắt của tình huynh đệ. Cách xử lý ấy đã
giữ lại cho đất nước một vị tướng tài tầm cỡ thế giới là Trần Quốc Tuấn, để rồi
chính ông đã tự nguyện đặt sự tồn vong của vương triều, của đất nước lên trên những
khúc mắc cá nhân, trở thành một trụ cột của cuộc chiến, đưa dân tộc thoát khỏi
họa xâm lược Nguyên – Mông. Trần Dụ Tông sau này đã đánh giá rất xác đáng hành
vi cao đẹp đó của vị vua khai cơ triều đại mình:
Đường Việt khai cơ, lưỡng Thái Tông,
Đường xưng Trinh Quán, ngã
Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử, An Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.
Dịch:
Đường, Việt, khai cơ, hai Thái Tông,
Đường xưng Trinh Quán, ta Nguyên
Phong.
Kiến Thành bị chết, An Sinh sống,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.(18)
Còn Trần Hưng Đạo đã “hiển thánh”,
mãi mãi là một vị Thánh cứu dân độ thế của người Việt, được thờ phụng ở bất cứ
nơi nào, tồn tại ngay cả bên Kinh Đảo, một vùng đất người Việt Nam đến khai phá
từ thế kỷ XV, nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Mọi kế sách điều hành đất nước của
nhà Trần chính là thể hiện sự theo đuổi tư tưởng hòa ái “vô vi” trong việc trị
nước.
3. “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn; đem chí nhân thay cường bạo”, khiến
cho “chốn thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu”. Lý tưởng điều
hành xã hội bằng nhân nghĩa đã được tuyên bố trong bản tuyên ngôn độc lập Bình Ngô đại cáo. Tiếc là Lê Lợi sau võ
công đại định, đưa dân tộc thoát khỏi bàn tay tàn bạo - “tội ác diệt chủng”
- của quân xâm lược Minh, lại chưa thực
hiện được ý tưởng đó. Vì quyền lực, nhà vua phạm sai lầm sát hại công thần - những
người đã cùng nhà vua nằm gai nếm mật hoàn thành sứ mạng cứu nước, làm nảy sinh
sự rạn nứt và tổn thất trong vương triều. Nguyễn Trãi, một trí thức lớn đã trải
nhiều dâu bể, nhiều hy sinh mất mát, cống hiến hết mình cho dân tộc, cho đất nước,
mong muốn dắt dẫn tiếp vị vua trẻ Lý Thái Tông cứu vãn tình thế, đưa đất nước đến
buổi thịnh thời, đã nhắc lại lý tưởng đó khi được Lê Thái Tông giao soạn nhạc
nghi thức cho triều đình. Nguyễn Trãi viết:
“Kể ra đời loạn dùng võ, thời bình
chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng,
không có văn thì không thể hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của
nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học
thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn thôn cùng
xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”(19).
Nhưng rồi Thái Tông vẫn theo xu hướng
của những người thích khoa trương, chỉ chú trọng đến quy mô to lớn, quy chế
hình thức, gạt bỏ hát chèo và những điệu hát dân dã khỏi những buổi yết lễ Thái
miếu, tế lễ của triều đình... Triều đình ngày càng xa dân, Nguyễn Trãi đành xin
rút ra khỏi công việc soạn nhạc, ý tưởng của ông không được dùng và cuối cùng ông
không thể thoát khỏi thảm họa “tru di tam tộc”. Dù vậy thì sự hy sinh của ông,
khí tiết, tư tưởng lớn của ông đã góp phần vào thành công của Lê Thánh Tông, để
vị vua anh minh này đưa triều Lê đạt đến cực thịnh ở thế kỷ XV, cũng là thời kỳ
cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam.
4. Thái độ minh triết của người cầm quyền trong việc điều hành đất nước
theo quan niệm: “Đem đạo thánh hiền mà quở trách thói đời sao bằng đem đạo đời
thường mà cảm hóa lòng người”. Câu văn trên đây được Ngô Thì Sĩ nêu ra khi bàn
về cách nuôi dưỡng đức liêm cho giới quan chức. Theo ông, “triều đình có gia ơn
cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân được”. Nếu chính sách
lương bổng khiếm khuyết đến nỗi để cho năm được mùa mà kẻ làm quan con kêu đói,
năm trời ấm mà kẻ làm quan vợ bị rét, khiến họ phải tìm cách xoay sở mưu sinh thì
khó có thể đem những tiêu chí về sự liêm khiết, chính trực của đạo Thánh hiền
mà quở trách thói thường nhiều ham muốn của họ được. Ngô Thì Sĩ cho rằng “Nếu
không định bổng lộc thì tệ nạn sinh ra không thể nói hết được”. Từ việc cụ thể
đó, ông dẫn đến một ý tưởng phổ quát: “Bớt quan thì dân yên. Việc trị nước thì
nuôi dân là trước hết. Bớt quan lại, định bổng lộc, đó chính là việc đầu tiên để
nuôi dân”(20) Lúc này nhà Lê đã diệt
xong nhà Mạc, dựng lại vững ngôi vị, đã trở thành một triều đại có thời gian cầm
quyền lâu nhất, nhưng lòng người cũng phân tán nhiều nhất. Cái thời vua tôi đồng
lòng, trên dưới hòa mục không còn có thể lập lại được nữa, xã hội thay đổi, nhiều
tín điều không còn nguyên giá trị, quan niệm về thị (cái đúng) và phi (cái
sai) cũng không phải chỉ có một cách lý giải. Đơn cử như khái niệm quan trọng
nhất của Nho gia là trung quân cũng
không phải chỉ có một cách hiểu. Kẻ sĩ có nên chấp nhận việc bên cạnh ngai vua còn
có sập chúa, một ngôi vị mà về danh nghĩa cũng là bề tôi của vua nhưng thực tế lại
nắm quyền hành cao nhất, kể cả việc có chấp nhận một vị nào đó trong hoàng tộc
làm vua hay không ? Một phủ liêu mà các quan chức chỉ làm việc theo lệnh chúa, chỉ
trung thành với chúa, có nên coi là sự “tiếm quyền”, các bề tôi bất trung hay
không? Những người nông dân nổi dậy chống triều đình có phải đều là giặc, có
tâm địa làm phản, hay vì những lý do nào khác? Nếu xuất phát từ tấm lòng “ưu quốc
ái dân” thì có nhất thiết phải tham gia vào các cuộc tranh giành trong nội bộ
cung vua hay phủ chúa để phân xử “chính tà” hay không? ... Chính vì vậy, những
tín điều đã từ lâu được coi là “đạo thánh hiền” có nhất nhất là đúng nữa không?
Đó chính là lý do để Ngô Thì Sĩ chủ trương không thể đem “đạo thánh hiền quở trách thói đời” mà phải lấy đạo đời thường (có nghĩa là những đạo lý phổ quát, không cao xa,
không nhất thiết có một cơ sở học thuyết nào nhưng lại đủ sự lương thiện, tính
nhân văn để đem lại lợi ích, sự yên bình cho cuộc sống con người) để cảm hóa
lòng người. Nói như vậy có nghĩa là những người trí thức nho sĩ có tầm nhìn “đi
trước thời đại” đương thời đã nhận ra những điều bất cập của nhiều tín điều Nho
giáo. Xã hội phát triển, mọi lý thuyết đều đã “quá đát”, phải bổ sung, thay đổi.
Thực tế có lẽ ai cũng thấy Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, các ông chúa Trịnh Tùng, Trịnh
Cương ... mới thực sự là những người có khả năng điều hành đất nước, ứng phó kịp
với những thời sự nóng bỏng. Cho nên, chính thời điểm này Ngô Thì Nhậm đã nêu bổ
sung thêm một số điều kiện cho tư tưởng chiến lược “vô vi”. Cha con Ngô Thì Sĩ
vẫn sùng mộ một xã hội thanh bình, người dân được sống an lành, chính quyền
không phải can thiệp nhiều vào cuộc sống của họ, có nghĩa là các quan án, quan
đốc “ít việc”. Ông quan niệm đời Hùng Vương nước ta là một thời như thế: “Nước ta thời Lạc Hùng, vua thì mang cái đức hóa yên lặng vô
vi, mà dạy bảo dân vẽ mình, uống nước bằng mũi, dân không có sự phiền nhiễu về
việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ. Vua và dân tương thân nhau trong một
thế cuộc đến vài nghìn năm, có thể gọi là đời chí đức, nước cực lạc.”(21) Nhưng để có
ông vua có thể “rủ áo khoanh tay” như thế phải có 3 điều kiện: chính, pháp,
giáo (giáo dục, chính sự và pháp luật), hơn nữa phải có những người thừa hành tốt
trên các lĩnh vực ấy. Ngô Thì Nhậm đã nhấn mạnh tác dụng của giáo dục và bổ
sung điều kiện cho biện pháp “vô vi” bằng nền hành chính có pháp luật công bằng.
Ông chỉ trích cái cách “lợi dụng” thô thiển những lý thuyết Nho gia – “đạo
thánh hiền” - mà ông coi là chỉ “nhai lại” những “cặn bã” của các thần tượng
trong lịch sử. Trong bài dâng lên chúa Trịnh Sâm nói về “giáo”, “pháp” và
“chính”, ông
viết:
“Thần được nghe Đổng Tử(22) có nói: “Đạo trị nước không có gì khác, chỉ cốt
để ý mà thôi”. “Để ý” không có nghĩa là phải thức khuya dậy
sớm, suốt ngày bận bịu mà cũng có nghĩa là mở đóng, lay chuyển, biến đổi chế độ. “Để
ý” chỉ là “nắm lấy điều mấu chốt”, cho nên có thể lấy muôn thân làm
một thân, lấy muôn lòng làm một lòng, không vận động mà tự nhiên hóa, không
trưng bày mà tự nhiên sang, không làm gì mà tự nhiên thành. Trong đời Nhị đế,
Tam vương(23) có người buông thõng
áo xiêm mà thiên hạ trị, có người thõng áo chắp tay mà thiên hạ trị, có lẽ nào
các bậc ấy lại không “để ý”? Chỉ vì các bậc ấy đã nắm được cái mấu chốt, cho
nên cứ nhàn rỗi mà vẫn thành công. Vậy thì những điều mấu chốt các bậc ấy nắm
được là gì? Là “giáo”, là “pháp”, là “chính”. Ba điều ấy hỗ trợ
nhau mà thực hiện, không thể thiên về một mặt mà thành công được: “pháp” để
giúp đỡ cho “giáo”, “giáo” để thực hành cho “chính”. Nền nếp thịnh trị của các
đế vương thời trước, đã được ghi lại trong sách”, như Cửu công ở thiên Mô(24), Cửu trù ở thiên Phạm(25), ý nghĩa thật là đủ. Đến đời
sau, những người có quốc gia, không triều nào là không có “giáo”, không đời nào
là không có “pháp”, không thời nào là không có “chính”. Song vì thiên lệch, mà không chấn
hưng lên được, cho nên dù có “giáo” cũng không đứng vững, dù có “pháp” cũng
không thực hành, dù có “chính” cũng không thi thố được. Bấy giờ mới nảy ra một
viên “Tể tướng nhà quê”, khác nào như đầu sáng suốt mà vai vế chẳng lành, tâm vận
dụng mà chân tay bị liệt(26), mình chẳng ra gì lại hay đổ lỗi cho
nhà vua. Viên đó tự cho mình là giỏi như Cao, Quỳ, ngang với Đán, Thích(27), vin vào lời cổ nhân để trang sức
cho cái hẹp hòi, nông cạn của mình, cứ muốn cho nhà vua ăn bằng bát đàn, uống bằng
chén đất, mặc áo vải mộc, đi đôi giày da, bảo rằng như thế mới được. Nhưng đó
chẳng qua là những cái cặn bã của Đường Nghiêu và Hán Văn(28) mà thôi. Lại muốn cho nhà vua mặc áo
từ lúc còn đêm, ngồi chầu khi chưa gà gáy, thảo luận kinh điển, mãi đến nửa đêm
mới đi nằm, bảo rằng như thế mới được. Nhưng đó chẳng qua chỉ là cái cặn bã của
Chu Tuyên Vương và Đường Thái Tông(29)
mà thôi”. (Bài
Tựa tập Cần bộc chi ngôn)(30).
Từ những đề xuất như thế, có thể thấy các
trí thức nho sĩ phong kiến đã rất biết chọn lọc học hỏi và chủ động tiếp thu những
lý thuyết ngoại nhập để vận dụng vào thực tiễn đất nước. Và chỉ những khi nào
triều đình tỉnh táo lắng nghe và cũng với một tinh thần chủ động, thực tiễn thì
sẽ có thành công.
Có
một văn bản nói về mười kế sách đời Trần mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
thì đó là “Minh triết trị nước an dân” được Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) đưa ra
trong truyện Ngôi đền thiêng ở Hải Khẩu
trong tập Truyền kỳ tân phả của bà. Đây
là một bài góp ý với vua, đề xuất những kế sách mang tầm chiến lược. Dưới danh
nghĩa một cung phi được yêu quý, bà Bích Châu đã dâng lên vua Trần Duệ Tông mười
kế sách, trong đó đề cập đến những vấn đề rất cơ bản, từ quan niệm dùng người,
chính sách quân sự, tài đức của tầng lớp quan chức, bài trừ tham nhũng đến giáo
dục, văn hóa ... và đặc biệt là khích lệ “tự do” ngôn luận. Văn bản chưa tìm thấy
trong các sách gốc còn lại từ đời Trần, nhưng rõ ràng đó là sự tổng kết từ những
tư tưởng và chính sách các vua Trần đã thực hiện hầu như trong suốt triều đại của
mình. Điều đáng suy nghĩ là trước Đoàn Thị Điểm chưa thấy ai nói đến những điều
ấy một cách tổng quát và tập trung như vậy, có phải là đúng thời điểm mà thực
tiễn đất nước đã đặt ra những vấn đề tương tự, những yêu cầu tương tự về tất cả
mọi mặt thì Đoàn Thị Điểm đã phát hiện đồng thời đúc kết một cách tài tình những
vấn đề rất cơ bản cần thiết cho việc xây dựng, giữ gìn đất nước và công bố?
Đoàn Thị Điểm không có vị trí gì trong các cơ quan công quyền, không có điều kiện
tạo ảnh hưởng đến các nhân vật cấp cao trong triều như các công chúa nhà Trần, cũng
không có dịp nào để có thể đề đạt đến tai nhà vua như các bậc Cung trung giáo tập
Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Hạ Huệ, hay Bà Huyện Thanh Quan những ý tưởng có tầm quan
trọng và nghiêm túc đó. Bà chỉ là một cô giáo dạy tư, do đó chỉ có thể từ những
tài liệu sưu tầm, suy nghĩ từ các kinh nghiệm lịch sử, đúc kết, công bố các đề
xuất của mình dưới dạng những câu chuyện, may chi qua con đường giải trí vô tư chúng
có thể được truyền đến và thức tỉnh những người đang nắm vận mệnh đất nước? Và
đấy cũng là cơ may để những tư tưởng, trí tuệ vô cùng sáng suốt của ông cha ta
trên lĩnh vực trị nước an dân được tổng kết, lưu giữ làm bài học cho muôn đời(31).
5.
Tất cả những
kế sách trị nước an dân nói trên đều được xuất phát từ tinh thần yêu đất nước và nhằm đến mục đích giữ gìn đất nước, gia sản của
tiền nhân để lại. Ý thức được trách nhiệm giữ gìn đất nước cho muôn
đời con cháu là mục tiêu của mọi triều đại và của mọi chính sách. Trần Hưng Đạo,
Trần Quang Khải và cả hoàng tộc nhà Trần đã làm được việc đó để có một tấm
gương là Trần Hưng Đạo; Nguyễn Trãi cũng đã vì đất nước mà gạt nước mắt quay về
mưu việc cứu nước khi người cha của ông bị “Quân Minh bắt đem về Bắc Kinh”, và
cũng vì đất nước, ông đã không tìm đến các tông thất nhà Trần – họ ngoại của
ông - mà đi tìm Lê Lợi. Nguyễn Đại Phạp dám kiêu hãnh nói với Trần Ích Tắc ngay
trong sảnh quán của nhà Nguyên: “Việc đời thay đổi, Đại Phạp vốn là chân biên
chép cho nhà Chiêu Đạo vương, nay là sứ giả, cũng như Bình chương (chức của Trần
Ích Tắc khi còn ở triều Trần) xưa kia là con vua, nay lại là kẻ hàng giặc”(32). Rành rọt nhất là lời của vua Lê Thánh
Tông nói với Lê Cảnh Huy “Một thước núi, một tấc sông của ta, không nên vứt bỏ.
Ngươi nên cố cãi chớ cho họ (người Minh) lấn dần, nếu họ không nghe, còn có thể
sai quan sang sứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc
đất của Thái Tổ mà đút lót cho giặc, thì tội phải tru di!”(33).
Có thể lập luận rằng vua chúa triều
đại nào, nước nào, chẳng muốn chiếm giữ, sở hữu đất đai, tuy vậy quan niệm Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, xuất thổ
chi tân mạc phi vương thần (Khắp dưới gầm trời không nơi nào không phải đất
nhà vua, khắp mặt đất không ai không là bề tôi nhà vua. Kinh Thư, Trung Quốc), tinh thần, ý tứ sâu xa của câu chữ có khác với
lời dặn dò của Lê Thánh Tông và quan niệm của nhiều chính khách Việt Nam các
triều đại...
Trên đây là một số điểm, chắc chắn
chưa phải là một sự tổng kết, rút ra từ những trang “mực nho giấy bản”, nhiều
khi đã nhòe mờ, tàn khuyết, nhưng có vẻ như vẫn rất thời sự, cập nhật.
Trần Thị Băng Thanh, Ô Đồng Lầm, 20 -
3 - 2011
---------------------------------------------
Chú thích:
(1) Thơ văn Lý – Trần, Nxb.
Khoa học xã hội, 1989, Tập II, Quyển thượng, tr. 464.
(2) An Nam chí lược (ANCL), Bản dịch của Nxb. Thuận Hóa – Trung tâm
văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2000, tr.300, 301 và 513, 514. Nguyên văn 2 bài
thơ sách chép như sau:
觀
棋 . 地 席 跏 趺 午 坐 涼 .棋 邊 袖 手 看 人 忙 . 檳
榔 若 合 又 春 綠
.送
到 誰 家 橘 柚 香 . Phiên âm:Quan
kỳ. Địa tịch già phu ngọ tọa lương / Kỳ biên tụ thủ khán nhân mang. Tân lang
nhược hợp (chữ “nhược”và chữ “hợp” đều có bộ “nhục” 肉 bên trái) hựu xuân lục / Tống đáo thùy gia quất dữu hương. Bài dịch: Tréo
bàn ngồi mát lúc ban trưa / Cao thấp xem chơi một cuộc cờ. Vôi trắng, trầu
xanh, cau lại dẻo/ Nhà ai hoa bưởi nức thơm đưa. Bài thơ có một chú thích: An Nam
dữu hoa thậm hương như mạt lị, Lĩnh Bắc sở vô. Nghĩa là: Hương hoa quýt rất
thơm như hoa nhài, từ Ngũ Lĩnh về phía Bắc không có. Bài thứ hai là: 儒 學 提 舉 徐 明 善 佐 雨 山 使 交 ,春 夜 觀 棋 子 ,贈 世 子 . 綠 蒼 庭 院 月 涓 涓 .人 在 壺 中 小 有天.身 共 一 枰 紅 燭 底 .心 遊 萬 仞 碧 宵 邊 .誰 能 喝 醒 迷 魂 著 .賴 有 傍 觀 袖 手 仙 .戰 勝 將 驕 兵 所 忌 .從 新 局 面 恐 妨 眠 . Phiên âm: Nho học Đề cử Từ Minh Thiện tá Vũ Sơn sứ
Giao, xuân dạ, quan kỳ tử, tặng thế tử. Lục thương đình viện nguyệt quyên quyên / Nhân tại
hồ trung tiểu hữu thiên. Thân cộng nhất bình hồng chúc để / Tâm du vạn nhận
bích tiêu biên. Thùy năng át tỉnh mê hồn chước / Lại hữu bàng quan tụ thủ tiên.
Chiến thắng tướng kiêu binh sở kị / Tòng tân cục diện khủng phương miên. Bản dịch là: Nho học Đề Cử Từ Minh Thiện, trợ lý của
Vũ Sơn trong đoàn đi sứ Giao Châu, trong đêm xuân xem đánh cờ, làm tặng thế tử.
Xanh um đình viện sạch làu làu / Người dưới
trời con chiếm một bầu. Nến đỏ một bàn ngồi xúm xít / Mây xanh muôn trượng nghĩ
đâu đâu. Ai ngăn lỡ nước người trong cuộc / Nhờ có khoanh tay khách ngoại chầu
/ Thắng trận khoe khoang binh tối kỵ / Muốn bày cuộc khác ngại canh thâu.
Thế tử tức vua Trần Nhân Tông. Vũ Sơn là tên tự của Lý tư Diễn. Sau ba lần thua, Hốt Tất Liệt qua đời, Nguyên
Thành Tổ lên ngôi, quyết định bỏ kế hoạch đánh Việt Nam lần thứ tư, năm 1289 Lý Tư Diễn
sang Việt nam tuyên bố tờ chiếu đó. Xem trong ý tứ bài thơ thì không chỉ là nói
về chuyện đánh cờ. Bấy giờ Trần Nhân Tông là người thắng cuộc, không rõ trong
ván cờ này ông có thắng không?
(3) Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), hiện
có 2 bản dịch. Một bản do cụ Cao Huy Giu dịch, Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội
(KHXH), tái bản năm 1973 (trong bài viết này xin gọi tắt là Bản 1973); một bản,
được coi là dịch từ bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) do Giáo sư Viện sĩ
Nguyễn Khánh Toàn viết lời giới thiệu, Gs. Phan Huy Lê khảo cứu về tác giả, văn
bản, tác phẩm, Gs. Hà Văn Tấn hiệu đính và các dịch giả Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn
Lâu ...(xin gọi tắt là Bản Chính Hòa).
(4)
Pháp Thuận (915 - 990) họ Đỗ, sống vào đời Lê Đại Hành, là một nhà sư thuộc thế
hệ thứ 10 dòng Thiền Nam Phương do một Thiền sư người Tây Trúc tên là Tì – ni
–đa - lưu – chi (? – 594) đến tu ở nước
ta năm 580 sáng lập, là một trong hai dòng Thiền lớn ở Việt Nam thời đó. Sư
tu ở chùa Cổ Sơn (chưa rõ nay là địa phương nào). Theo sách Thiền uyển tập anh, Pháp Thuận kiến thức
uyên bác, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, phong làm Quốc sư. Khi nhà vua mới
lên ngôi, Pháp Thuận có công trong việc tính toán, hoạch định sách lược, lúc
đất nước đã ổn định, sư không nhận chức tước bổng lộc, vua càng quý trọng,
thường giao cho công việc giấy tờ, từng sai đi đón sứ nhà Tống là Lý Giác. Bằng
tài ứng đối, sư đã khiến Lý Giác nể trọng. Bài thơ này sư trả lời Lê Đại Hành
khi nhà vua hỏi về vận nước dài ngắn thế nào.
(5)
Nguyên văn: “lý thái bình’. Chữ lý
nguyên nghĩa là làng, một danh từ, nhưng khi làm động từ thì có nghĩa là “chọn
làm làng”, “coi là nơi ở”, ở đây hiểu với nghĩa này: chọn cuộc sống thanh bình
để xây dựng đất nước.
(6) Đại Việt sử lược, tr.91, Bản dịch của Đỗ
Gia tường, Nxb. TP. Hồ Chí Minh – Bộ môn châu Ấ học Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí
Minh, 1993.
(7)
Theo ĐVSKTT, năm 1039 Tồn Phúc làm thủ lĩnh châu Thảng Do nổi lên chiếm đất
vùng lân cận lập thành nước, đặt tên là Trường Sinh, xưng làm Chiêu Thánh hoàng
đế. Lý Thái Tông tự cầm quân đi đánh, bắt được Tồn Phúc và thuộc hạ đem về kinh
sư, xử chém, chỉ có vợ và con là Trí Cao chạy thoát Năm 1041, Nùng Trí Cao và mẹ lại đem quân
đánh chiếm châu Thảng Do, đổi làm nước Đại Lịch. Vua sai người đi đánh, bắt
được Trí Cao đem về kinh đô. Vua thương tình cha và anh đều đã bị giết nên tha
tội , vẫn cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại ban thêm cho đất 4 động và 1
châu nữa; hai năm sau (1043) lại sai người đem ban cho Trí Cao đô ấn, phong làm
Thái bảo. Nhân sự kiện này Lê Văn Hưu bàn: “Năm trước, Tồn Phúc phản nghịch
tiếm hiệu, lập nước, đặt quan thuộc, Thái Tông đã trị tội mà tha cho Trí Cao.
Nay Trí Cao lại noi theo việc trái phép của cha thì tội lớn lắm, giết đi là
phải; nếu lấy lại tước và ấp phong, giáng làm thứ dân thì cũng phải. Thái Tông
đã tha tội, lại cho thêm mấy châu quận nữa, ban cho ấn tín, phong làm Thái bảo,
như thế là thưởng phạt không có phép tắc gì. Đến khi Trí Cao gây tai họa ở
Quảng Nguyên, lại đem quân đi đánh, mượn cớ là viện trợ láng giềng, có khác gì
thả cọp beo cho cắn người, rồi từ từ đến cứu không? Đó là vì Thái Tông say đắm
cái lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật mà quên mất cái nghĩa của người làm vua”.
ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập I, Tr.273.
(8) . ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Sđd, cùng tập, tr. 284..
(9)
Theo ĐVSKTT, ngày 24 tháng Sáu năm Canh Tý (1300), Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua
Trần Anh Tông đến tận nhà riêng ở Vạn Kiếp để thăm, nhân đó hỏi: “Nếu chẳng may
giặc Bắc lại đến xâm lấn thì kế sách làm sao?”. Trần Quốc Tuấn đã phân tích các
kinh nghiệm đánh giữ trong lịch sử, từ Triệu Đà đến Đinh, Lê, Lý và cuộc kháng
chiến chống Nguyên của nhà Trần, cuối cùng ông kết luận: “Tóm lại, giặc cậy
trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp. Nếu
thấy quân giặc ồ ạt như lửa to gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự. Nếu chúng
dùng lối tằm ăn lá, hành binh dần dà, không ham của dân, không cốt thắng mau,
thì phải kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, giống như đánh cờ, phải tùy
tình thế mà đưa nước chống cho thích hợp. Phải dựng được một “đội quân cha con”
rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, khoan
sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.” Bản
dịch của Huệ Chi, sách Thơ văn Lý – Trần,
Tập II, Quyển thượng, tr. 397
(10)
Theo ĐVSKTT, năm 1258, trong cuộc đánh quân xâm lược Nguyên lần thứ nhất, khi
thế trận đang gặp khó khăn, Cự Đà ngồi thuyền chạy trốn; gặp thái tử đi thuyền
ngược lại, gọi hỏi “Quân Nguyên ở đâu?”, Cự Đà trả lời: “Không biết, các người
đi mà hỏi những ai ăn xoài ấy.” Thái tử xin khép vào tội chết, nhưng Thái Tông
nói: Cự Đà đáng tội giết cả họ, song ... Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn
tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”. ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Sđd, Tập
II, Tr. 27.
Cũng theo
ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập II, tr.14, sau khi Trần Thủ Độ buộc Trần Cảnh phế
Chiêu Thánh vì lâu không có con, để lấy vợ Trần Liễu, lúc ấy đang có thai lập
làm hoàng hậu, Trần Liễu giận họp quân ra sông Cái làm loạn. Sau thấy yếu thế
cưỡi thuyền nhẹ đến thuyền em xin hàng. Thủ Độ biết tin đi thuyền đến, hô “Giết
thằng giặc Liễu”, Trần Cảnh vội giấu anh vào trong thuyền, rồi lấy thân mình
che đỡ; Thủ Độ tức quá ném gươm xuống sông. Trần Cảnh giải hòa, Thủ Độ mới rút
quân về.
(11)
Theo ĐVSKTT, khi quân Nguyên vào xâm lược, vương hầu, quan lại nhiều người đến
trại giặc xin hàng. Khi giặc thua thu được cả một hòm biểu xin hàng, Thượng
hoàng Thánh Tông sai đốt hết đi để những người sai lầm còn ở lại yên lòng,
không sợ hãi, chỉ kẻ nào đang ở triều đình giặc thì mới kết án vắng mặt, bắt
tước bỏ quốc tính, ....
(12)
ĐVSKTT, Sđd, Tập II, tr. 66, ghi: “Vua từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường, hễ
gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi tên chúng mà hỏi: Chủ mày ở đâu?”, rồi
răn đe các vệ sĩ không được thét đuổi”.
(13) Mấy câu này trích từ Binh Ngô
đại cáo của Nguyễn Trãi
(14)
Cuộc họp Vương hầu và trăm quan bàn kế công, thủ và chia nhau đóng giữ những
nơi hiểm yếu do Trần Nhân Tông triệu tập vào tháng Mười năm 1282; Hội nghị Diên
Hồng do thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện
Diện Hồng hỏi kế đánh giặc vào năm 1284, “Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn
người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng”, ĐVSKTT, Sđd, Tập II, các
tr. 45, 48.
(15)
Theo ĐVSKTT, năm 1285, Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp, Phả Lại, quân Trần thua, vua
Trần muốn sai người kiếm cớ đến trại Ô Mã Nhi dò xem tình hình giặc ra sao,
Trần Khắc Chung xin đi. Vua mừng khen: “Ai ngờ trong đám ngựa kéo xe muỗi lại
có ngựa kỳ ngựa ký như thế!”. Trần Khắc Chung đến trại Ô Mã Nhi, Mã Nhi vặn hỏi
về hai chữ “Sát Thát” (Giết giặc Thát, tức giết quân giặc Mông Cổ) trên cánh
tay quân lính, Khắc Chung bình thản trả lời “Họ vì lòng trung mà làm như thế,
quốc vương tôi cũng không biết”. Mã Nhi lại vặn hỏi: “Đại quân từ xa tới, nước
ngươi sao không quay dáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh? Càng bọ ngựa cản
bánh xe, liệu sẽ ra sao?”. Khắc Chung nói: “Hiền tướng không theo phương sách
của Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở biên giới, đưa thư tin trước, nếu không
thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống
lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người”... Khắc Chung về rồi, Mã Nhi bảo
các tướng: Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó
xuống là Chích (kẻ ăn trộm), không nịnh ta là Nghiêu, mà chỉ nói “chó nhà còn
biết cắn người lạ”; giỏi ứng đối. Có thể nói là không làm nhục mệnh vua. Nước
nó còn có người giỏi chưa dễ mưu tính được”. Sai người đuổi theo Khắc Chung
nhưng không kịp. ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập II, Sđd, tr. 50.
ĐVSKTT, Sđd,
Tập II, tr. 51 ghi: “Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng (là dòng dõi Lê Đại hành,
chồng sau của công chúa Thụy Bảo, cha làm quan đời Trần Thái Tông, được ban
quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà mạc (tức Thiên Mạc, nay là bãi Mạn Trù)
bị chết. Khi bị bắt, vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, vương không trả
lời, giặc hỏi: “Có muốn làm vương đất Bắc không?” Vương thét to: “Ta thà làm ma
nước nam, chứ không thèm làm vương đất bắc”, rồi bị giết”
(16)
Theo An Nam
tức sự (Ghi chép ở An Nam) của Trần
Phu, sứ nhà Nguyên sang Việt Nam
năm 1293.
(17)
Theo ĐVSKTT, sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, Phật Mã lên ngôi, nhưng 3 hoàng tử
khác của Thái Tổ là Đông Chinh (Lực), Dực Thánh và Vũ Đức không chịu, kéo quân
đến phục sẵn trong cấm thành định đánh úp, cướp ngôi. Nhờ Phụng Hiểu và các Nội
thị Lý Nhân Nghĩa và các bề tôi trong cung dẹp đánh dẹp, Vũ Đức bị chém chết,
Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát, sau đến xin chịu tội. vua xuống chiếu tha
tội và cho giữ chức tước cũ.
(18)
Bản dịch của Đào Phương Bình, Thơ văn Lý
- Trần, Tập III, Sđd, tr. 242. Trần
Dụ Tông tên là Hạo (1336 – 1369), con thứ 10 của Trần Minh Tông, làm vua 28 năm
(1341 – 1369).
(19) Đại Việt sử ký toàn thư,
Tập II, tr. 339. Bản dịch Hoàng Văn Lâu, Hà Văn tấn hiệu đính; Nxb. Khoa học xã
hội ,1985
(20) Những câu, đoạn dân trong đoạn này trích trong Lời bàn ở chương Lý
thánh Tông của Đại Việt sử ký tiền biên,
Bản dịch của nhóm Dương Thị The; Nxb. KHXH, 1997.
(21) Việt sử tiêu án, Lời thông luận, tr. 17, Nxb.
Thanh niên in lại Bản dịch của Hội Liên lạc nghiên cứu văn hóa Á Châu.
(22) Đổng Tử: Đổng Trọng Thư, một đại nho đời Hán Vũ Đế
(23) Nhị đế: hai đời vua, là Đế Nghiêu đời Đường và Đế Thuấn đời Ngu. Tam
vương: các vua thời Tam đại: vua Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương, vua Văn
vương, Vũ vương nhà Chu .
(24)
Cửu công: chín công việc của nhà vua được ghi trong thiên Đại Vũ mô, Kinh Thư, gồm có sáu phủ (thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, cốc
nghĩa là lúa gạo), là những thứ cần dùng cho đời sống của dân và ba việc (tam
sự) là chính đức (uốn nắn đức tốt cho dân), lợi dụng (sinh lợi cho dân) và hậu
sinh (trông coi cho dân sống đầy đủ).
(25)
Cửu trù: chín mục của thiên Hồng phạm,
Kinh thư, nêu chức vụ của đế vương là phải uốn nắn đức mình để cư xử với
dân với trời. Chín mục là: ngũ hành, ngũ sự; bát chính, ngũ kỷ, hoàng cực, tam
đức, kê nghi, thu hưng, phúc cực.
(26)
Cửu trù: chín mục của thiên Hồng phạm,
Kinh thư, nêu chức vụ của đế vương là phải uốn nắn đức mình để cư xử với
dân với trời. Chín mục là: ngũ hành, ngũ sự; bát chính, ngũ kỷ, hoàng cực, tam
đức, kê nghi, thu hưng, phúc cực.
(27) Cao, Quỳ: Cao Dao và Quỳ, là những vị quan giỏi đời vua Nghiêu,
Thuấn; Đán, Thích: Chu Công Đán và Thiệu Công Thích là những người tài giỏi làm
quan ở thời Văn Vương, Thành Vương nhà Chu .
(28)
Đường Nghiêu, Hán Văn: Đế Nghiêu đời Đường và Văn Đế đời Hán, đều là những vị
vua tiết kiệm trong việc tiêu dùng cho mình
(29) Chu Tuyên Vương, Đường Thái Tông đều là những vị vua chăm chỉ việc
triều chính.
(30)
Nguyên văn đầu đề: Cần bộc chi ngôn tự, nghĩa
là những lời nói của tấm lòng chân thành dù vụng về. Bản dịch của Nguyễn Văn
Tú, Tuyển tập Ngô gia văn phái, Nxb.
Hà Nội, 2010, Taạp I, tr.826, 827.
(31) Nguyên văn bài Kê minh thập sách như sau 雞 鳴 十 策
竊 惟 .
曲 突 徙 薪 .
制 治 須 從 未 亂 . 徹 桑 綢 户 .
居 安 要 審 思 危 .
蓋 人 情 易 溺 於 宴 安 而 世 道 難 常 於 平 治 .
是 以 . 進 無 怠 無 荒 之 戒 .
皐 陶 先 自 曰 都 .
當 不 血 不 刃 之 時 .
賈 傅 預 為 太 息 .
是 乃 愛 君 而 防 漸. 實 非 違 眾 以 鳴 奇 .
臣 賤 妾 碧 珠. 少 出 蓬 門 .
長 陪 椒 室 .賞 賜 屢 蒙 於 燕 幸 .
眷 憐 疊 荷 於 龍 知 .
補 虞 后 之 衣 裳 .敢 擬 鬚 眉 男 子 .
脫 姜 妃 之 簪 珥 願 先 冠 帶 廷 臣 .
謹 具 十 條 謬 陳 一 得 .
一 曰. 扶 國 本. 苛 暴 去 則 人 心 自 安.
二 曰 ,
守 舊 規 .
煩 繞 革 則 朝 綱 不 紊.
三 , 抑 權 臣 以 防 蠹 政 .
四 , 汰 冗 濫 以 省 漁 民 .
五. 願 振 儒 風 使 爍 火 與 日 光 而 盡 照 .
六 . 願 求 直 諫 令 城 門 與 言 路 而 並 開 .
七 . 揀 兵 當 右 勇 力 而 左 身 才 .
八. 選 將 宜 後 世 家 而 先 韜 略 .
九 . 器 械 貴 其 堅 銳 不 必 文 華 .
十. 陣 法 教 以 止 齊 何 須 舞 調 .
夫 惟 數 事 .甚 切 時 宜 .
冒 投 芹 曝 之 孤 忠 .
伏 冀 芻 蕘 之 廣 納 .
善 必 行 而 弊 必 去 .
帝 其 念 哉 .
國 以 治 而 民 以 安 .
妾 之 願 也
.
Dịch nghĩa
Trộm
nghĩ,
Sửa
bếp dời củi, gây nền trị từ khi chưa loạn; lấy dâu ràng tổ, vào lúc yên nên
tính lúc nguy. Vì nhân tình dễ đắm đuối sự yên vui, mà thế đạo khó được thường
bình trị. Cho nên, Cao Dao trước dâng lời ca ngợi rồi khuyên chớ biếng nhác
chơi bời. Giả Nghị ở vào thời không máu chảy gươm khua vẫn tâu lời than thở.
Chính bởi yêu nhà vua mà ngăn trước, đâu phải làm khác người để khoe tài. Kẻ
thiếp hèn là Bích Châu, lúc nhỏ vốn nhà nghèo khổ, lớn lên được tuyển vào cung,
đằm thắm thương yêu, chứa chan ban thưởng. Vá xiêm áo vua Ngu, dám đâu sánh người
nam tử, trút trâm cài Khương hậu, khuyên vua nghĩ tới triều đình. Mạo muội tỏ
bày mười điều, chỉ mong được một.
Một là nâng giữ gốc nước, trừ hà khắc bạo
ngược thì lòng người tự yên.
Hai là giữ nếp xưa, bỏ phiền nhiễu
thì kỷ cương không rối.
Ba, ngăn chặn lũ lộng quyền để phòng chính sự sâu mọt.
Bốn, thải loại bọn tham nhũng để trừ tệ vơ vét của
dân.
Năm, xin chấn hưng nho phong khiến ánh đuốc rực cùng mặt
trời chiếu khắp.
Sáu, xin cầu lời nói thẳng để cho cổng thành cùng đường
ngôn luận rộng mở.
Bảy, kén quân trước cốt dũng lực sau mới kể thân hình.
Tám, chọn tướng cần người thao lược, chớ nể con ông
cháu cha.
Chín, khí giới quý hồ bền sắc chuộng chi vẽ vời.
Mười, trận pháp phải chỉnh tề đâu cần múa khéo.
Mấy việc kể trên,
thật hợp thời này; Một tấm lòng trung, mạo muội tỏ bày.
Lời quê mộc mạc,
mong vua xét lấy.
Điều dở thì bỏ,
thi hành điều hay, xin vua nghĩ xét.
Nước được thịnh
trị, dân được vui vầy,
Tấm lòng thiếp vậy.
Ghi chú: Nho phong
chính là văn hóa, giáo dục đương thời. (Trần Thị Băng Thanh và Nguyễn Khắc Mai dịch từ văn
bản Hải Khẩu linh từ trong Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn
Thị Điểm. Bản in của Lạc Thiện Đường năm Gia Long thứ 10 - 1811, có tham khảo
các bản dịch của Đoàn Thăng, Trần Văn Giáp, Ngô Lập Chi, Trần Lê Sáng, Bùi Hạnh
Cẩn.
(32) ĐVSKTT chép: “Nguyễn Đại Phạp đến nước Nguyên,
người Nguyên gọi là lão lệnh công. Đại Phạp tới Ngạc Châu, vào yết kiến các
quan Bình chương ở hành sảnh. Lúc ấy Trần Ích Tắc cũng ngồi ở đấy, Đại Phạp chỉ
không chào một mình hắn ta. Ích Tắc hỏi:.”Ngươi chẳng phải là người biên chép ở
nhà Chiêu Đạo vương đó ư?”. (Chiêu Đạo vương là Quang Xưởng, con thứ của Trần
Thái Tông, anh cùng mẹ của Ích Tắc). Đại Phạp đã trả lời như trên, khiến “Ích
Tắc hổ thẹn, từ đó về sau, sứ ta đến không còn ngồi ở dảnh đường nữa”. Sđd, Tập
II, tr. 66.
(33) ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập II, tr.463. Lời dụ này được Lê Thánh Tông nói
với quan Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy năm 1473.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét