Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

CHẤT MINH TRIẾT TRONG BÀI CỔ CHÂU HƯƠNG THÔN TỰ

NGUYỄN KHẮC MAI
              Trần Nhân Tông, Ngài là một vị Vua Anh hùng của Dân tộc, là nhà thơ, nhà văn hoá lớn, là vị Sư Tổ sáng lập Thiền phái Phật học Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam. Hành trạng của Ngài, lối sống của Ngài và thơ văn của Ngài  đều ẩn chứa nhiều giá trị minh triết, đã làm phong phú, cao đẹp cho văn hiến Việt, để lại những giá trị còn tiếp mãi như năng lượng sống cho con người Việt, cho xã hội Việt.
            Những giá trị minh triết ấy ẩn chưa trong từng câu thơ, bài kệ, những ý nghĩ, lời nói của Ngài mà người đời đã ghi chép lưu truyền lại. Cả trong những việc làm, những ứng xử của Ngài lúc tại thế, việc triều chính, đạo trị nước, việc đánh giặc, ngoại giao, tu thiền học đạo, đối nhân xử thế, mỗi mỗi đều để lại dấu ấn về một bài học minh triết. Ví dụ như chỉ một câu nói: Sao có một nước bé như bàn tay mà ban phong quan tước nhiều đến thế? (Đại Việt sử ký toàn thư) mãi mãi sẽ còn ám ảnh chúng ta trước tai vạ quan liêu, hành chính, nhũng nhiễu, rối rắm, trì trệ, giẫm đạp, níu kéo lẫn nhau v...v, của một hệ thống quan lại lạc hậu của những thời đã qua và cả hôm nay.
            Cũng như năng lượng tiềm ẩn trong vật chất, trong ánh sáng, như mà giải phóng được nó, ứng dụng đựoc nó, lợi ích sẽ không biết đến đâu là cùng. Tôi nghĩ đó là một hướng khám phá bài học Trần Nhân Tông.
            Xin nói về bài Cổ Châu hương thôn tự:
                                    Thế số nhất sách mạc,
                                    Thời tình lưỡng hải ngân.
                                    Ma cung hồn quản thậm,
                                    Phật quốc bất thăng xuân.            
          Đây là một bài Kệ, viết theo thể thơ tuyệt cú, nguyên cũng không có đầu đề. Đầu đề trên chúng tôi tạm dùng theo Thơ văn Lý –Trần Tập II, Quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, in năm 1989. Trong Trần Nhân Tông toàn tập của Lê Mạnh Thát phần nguyên bản (trang 573) sao in lại một trang của Tam Tổ thực lục có câu: Thập ngũ nhật phó chúc liễu, hoàn sơn. Túc Siêu Loại tự. Minh nhật tài tảo, bộ hành, chí Cổ Châu hương thôn tự, tự đề kệ vân. Dịch: Ngày rằm (tháng Mười) dặn dò xong, trở về núi (Yên Tử). Ngủ đêm ở chùa Siêu Loại. Sáng sớm hôm sau đi bộ đến chùa làng hương Cổ Châu. Tự đề (viết) bài Kệ rằng. Như vậy phải quả chắc rằng đây không phải là bài thơ cảm hứng, mà chính là một bài Kệ viết dưới hình thức một bài thơ bốn câu như bao người vẫn làm. Vì sao người xưa khi viết hoặc nói Kệ lại làm theo thể thơ, thường là ngũ ngôn hoặc thất ngôn, phần nhiều là những bài tuyệt cú, thảng hoặc cũng có bài bát cú, ngũ ngôn hoặc thất ngôn (tám câu, năm chữ hoặc bảy chữ ). Ví dụ bài Bát khổ kệ của Trần Thái Tông, Nữ sĩ Băng Thanh dịch:
                                                Thuở mới sinh hình hài lận đận,
                                                Bạc phơ đầu trí khôn m lẫn.
                                                Bệnh vào tứ đại lòng sầu đau,
                                                Chết xuống tam đồ nghiệp ác dẫn.
                                                Ân ái biệt ly mấy khổ sầu,
                                                Oán thù hội ngộ vô cùng hận.
                                                Kiếm tìm không được phiến não thêm,
                                                Ngũ uẩn tranh giành ôi bất tận.
            Thơ luật có hai đặc điểm khiến nó trở thành thể thức, hình thức của một bài Kệ. Nó có vần, điệu, đăng đối dễ ngâm, dễ đọc, nhất là dễ thuộc. Hai là số câu chữ hạn định chặt chẽ khiến cho năng lượng của ngữ, nghĩa dồn nén lại mà khi oà ra thì ý tứ, ý nghĩa thành ra lớp lớp, tầng tầng .
            Xin trở lại bài thơ kệ này. Bấy giờ là vào tháng Mười âm lịch năm Mậu Thân. Ngài đã xuất gia 12 năm, trở thành vị Trúc Lâm Đầu Đà, sống thật cuộc đời thiền sư mặc áo thô, đi chân đất, ăn bằng trúc mai, rau củ, ngủ trên ổ rơm nệm cỏ, hạ mình xuống ngang hàng với người cùng khổ nhất. Sống bạn bầu với thiên nhiên Khuất tịch non cao, Náu mình sơn dã. Vượn mừng hủ hỷ, làm bạn cùng ta (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca), mà không bao giờ rời kinh sách, trí huệ, vừa thế vừa thiền. Bài Thơ kệ được viết ra vào điểm chót con đường của một bậc Trượng phu trung hiếu lại là một vị xuất thế Thiền gia, vừa có cả một sự chiêm nghiệm dài lõu và sâu sắc mọi diễn tiến của đời sống cá nhân và đất nước với thời đại của mình. Mà cũng không thể không tính đến những suy tư và thể nghiệm về con người về xã hội trong sự toàn vẹn âm dương, mâu thuấn, đúng sai, tốt xấu, ma và Phật mà khi đi giáo hoá khắp đất nước Ngài đã ý thức và trải nghiệm. Có một điểm đột phá đáng chú ý là bài Kệ xuất hiện ngay sau khi Ngài đã chứng kiến trực tiếp cái lẽ sinh, lão, bệnh, tử của chính người chị ruột của mình. Trong Thiền gia sự đốn ngộ thường xảy ra cng với một kích động hoặc tâm lý hoặc vật lý. Có Thiền gia nhờ một động tác chặt cây mà ngộ ra tiền kiếp của mình. Trần Thái Tông chỉ từ cử chỉ nhấc một chén trà mà liễu ngộ được câu Ưng vô s trụ nhi sinh kỳ tâm v... v. Tuy thế lại phải quả quyết rằng cái đốn ngộ chỉ là cái đột khởi, cài hiện ra của một quá trình tiệm ngộ. Quả thật nếu không có quá trình tiệm ngộ sâu sắc, mãnh liệt chắc là không thể có được cái đốn ngộ vừa cao siêu, vừa tinh tế, nửa như rõ rệt, nửa như mơ màng, vừa rất cụ thể mà lại rất đỗi trừu tượng. Bài thơ Kệ này từng có những cách hiểu không giống nhau, xin nêu hai  bản dịch. Một của cố nhà thơ Trần Lê Văn trong Thơ văn Lý Trần (sách đã dẫn).
            Dịch nghĩa:
                                    Số đời hoàn toàn mờ mịt,
                                    Tình người đổi thay qua đôi mắt.
                                    Khi cung ma bị quản chặt,
                                    Thì cõi Phật tràn ngập màu xuân.
             Dịch thơ:      
                                    Số đời mờ mịt cả,
                                    Tình trong dôi mắt trong.
                                    Cung ma nếu quản chặt,
                                    Cõi Phật xuân khôn cùng.
            Một bản dịch khác của Thiền gia Lê Mạnh Thát (Trần Nhân Tông toàn tập, trang 397):
                                    Số đời một màn kéo,
                                    Tình người đôi mắt ngân.
                                    Cung ma chật hẹp lắm,
                                    Cõi Phật khôn xiết xuân.
            Như vậy là đã có ít nhất hai cách hiểu trong tổng thể và trong một vài thuật ngữ. Về tổng thể ta nên chú ý đến hai cái hiểu. Trần lê Văn hiểu Cung ma  Phật quốc theo hệ luận A như thế này thì B thành thế kia. Chú ý mấy chữ Khi, Bị, Thì và Nếu. Còn Lê Mạnh Thát có một cái hiểu tổng thể là A đặt cạnh B. Cung ma là thế, Phật quốc thì thế này. Chúng là một tương quan khá (tương đối) độc lập, chứ không hề có mối liên hệ nội tại trực tiếp. Tôi gọi đó là hai cái hiểu. Mà cái hiểu nào cũng có sự hợp lý. Thế mới là Kệ. Nhưng tuyệt đối không phải là mặc kệ, ai hiểu thế nào cũng được. Ở đây không có cái ba phải, tuỳ tiện, dân dã, giản đơn.
            Thoạt tiên nên giải mã một số thuật ngữ : Thế, Số, Sách, Thời tình, Hải ngân, Ma cung, Hồn, Quản, Phật quốc, Thăng xuân.
            Chữ  Thế   có đến hơn mười nghĩa. Có nghĩa chung là đời , là một thế hệ (30 năm), là cõi đời, là thời đại. Lại có nghĩa là thế gian, thế giới. Cho nên dịch thế sốsố đời  thì mới chỉ là một nghĩa.
Chữ Số    cũng có nhiều nghĩa. Là số lượng, là độ số, là thuật toán, một môn học ngày xưa trong lục nghệ. Nhưng có hai nghĩa đáng chú ý, đó là quy luật, là vận mệnh.
Chữ Sách   cũng vậy. Nó có nghĩa là sợi dây (trong Kinh Phật là sợi dây kim cương của Quan Âm để trói buộc kẻ ác và che chở người thiện), là sự cuốn lại. Có lẽ Lê Mạnh Thát nhấn mạnh cái nghĩa này nên dịch là màn cuốn, để ví cuộc đời như một trò diễn. Thơ văn Lý – Trần và Trần Lê Văn hiểu sách mạc là một từ đôi, có nghĩa là khô héo, lặng lẽ, không còn sinh khí. Trong thiên Phong cốt, Văn tâm điêu long Lưu Hiệp cũng dùng hai chữ này: tư bất hoàn chu, sách mạc phiếm khí   ,         (với nghĩa là : suy nghĩ không hoàn bị, khô cằn thiếu sinh khí); Lý Bạch thì dng với nghĩa lặng lẽ nên trong bài thơ Tặng Phạm Kim Khanh ông viết: Chỉ ưng tự sách mạc, Lưu thiệt thị sơn thê      ,         ? (nghĩa là: Chỉ nên tự lặng lẽ, để lời lẽ bảo ban người vợ sơn dã) vì thế mới dịch là mờ mịt, lặng lẽ. Ngoài ra sách cũng còn những nghĩa như: tuyệt dứt, hoàn kết, quy chuẩn, pháp độ, đòi hỏi, yêu cầu (yêu sách). Lại còn có nghĩa riêng rẽ, cô độc, tách ra (sách cư), nghĩa này cũng có khía cạnh nằm trong cách hiểu của Trần Lê Văn.
Như thế câu đầu tiên, ngoài hai cái hiểu đã kể, có thể luận ra, tìm ra, vận dụng ra nhiều cái hiểu khác về Thế số. Liệu có thể tìm tòi gì được về Thế số. Liệu có thể đòi hỏi yêu sách gì về Thế số. Liệu có tuyệt dứt, hoàn kết được Thế số. Liệu có một quy chuẩn, một pháp độ tuyệt đối cho Thế số. Vân vân. Biết bao triết lý trong một câu thơ năm chữ của Ngài.
Chữ Thời   là thời gian, thời khắc. Là thời cuộc, thời vận, thời sự. Là thời đại. Vì thời và thế thường đi liền với nhau. Chữ Tình   ở đây có 3 nghĩa khá rõ, là tình cảnh, là sự thực, sự rõ ràng (tình tri : biết rõ)...
Hải ngân có hai cách hiểu. Một là đôi mắt. Theo Đạo giáo xương vai gọi là ngọc lâu; mắt là ngân hải. Cú cách hiểu như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến mách bảo là trên mạng có người hiểu hải ngân là biển bạc (có ý nói khối lượng giá trị vật chất. Tuy nhiên cũng không chỉ là vật chất, trong thiền gia nhiều khi nói của báu, của cải, thậm chí ngựa xe cũng đều để diễn tả thứ quý giá, như câu thơ của Từ Đạo Hạnh: Nhân nhân tận thất châu, nghĩa là mọi người đều đánh mất hạt minh châu quý của mình. Mà hạt minh châu đó là cái trí tuệ của con người khi đã giác ngộ).
Câu thứ hai, theo tôi nghĩ là một ý rất lạc quan tích cực. Thế số dù thế nào thì vn có cái nhìn, cái hiểu rõ ràng, sáng tỏ của đôi mắt vào thời đại, thời cuộc, thời vận. Riêng ý nghĩa hải ngân được hiểu như là của cải thì do gắn với một dị bản với hai chữ tức mặc ở câu 1. Để đi tới cái hiểu rằng : Số đời ngắn ngủi chỉ như một hơi thở (nhất tức mặc) thì việc gì mà tham lam của cải vật chất (hải ngân - bể tiền bạc); (hoặc lại hiểu: Số đời rất ngắn ngủi, còn tình đời thì trong sáng quý báu vô cùng).
Ma, thuật ngữ tiéng Phạn là ma- ra, chỉ lũ ác quỷ hại nhân mạng, gây rối lon, trở ngại cho công việc tốt đẹp của loài người khiến thân, khẩu, ý, thọ, tưởng, hành, thức trở nên xấu xa, ác độc, bệnh hoạn, sai lệch... Hiểu một cách hình tượng thì ma cung là thế giới của cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, cái sai lầm.
Đối lập với ma cung là Phật quốc, nghĩa là nước Phật, nơi cư ngụ của chư Phật, chư Bồ Tát. Là tượng trưng cho thế giới của cái thiện, cái đúng, cái tốt đẹp.
Ma cung - Phật quốc cũn là cặp song hành hai phạm trù Ác - Thiện, Xấu - Tốt, Sai lầm - Đúng đắn, Tiêu cực - Tích cực, v...v .
Chữ Hồn ? có nghĩa là vẩn đục, là hỗn độn, cũng có nghĩa là hồn nhiên, chất phác, lại có nghĩa là đều khắp, hầu như ...
Chữ Quản   vừa có nghĩa cai quản, quản lý, bảo quản. Lại có nghĩa là cái cốt lõi, then chốt, bộ phận chủ yếu. Còn có nghĩa là kể tới, đoái tới. Tổng cộng có đến 11 nghĩa.
Như thế hai câu 3 và 4 có thể có nhiều cái hiểu khác nữa. Không chỉ là Cung ma vẩn đục phải quản chặt hoặc làm co hẹp lại thì nước Phật mới Xuân khôn cùng. Người ta còn có cớ, có chứng lý để cho rằng như mà coi Cung ma là những gì bất như ý, trái ý, phải quản thậm đến độ khắc nghiệt phi đạo, phi luân, phi thiên tính nhân tình, phải tống vào trại tập trung, trại cải tạo ... phải coi nước này nước nọ là trục ma quỷ, phải đem bom liều chết khủng bố... thì không chắc là nước Phật có mùa xuân, nghĩa là cái Thiện, cái Tốt, cái đúng sẽ chiếm ngự cõi đời.
Qua bài Kệ, Ngài để lại cho chúng ta biết bao thuật ngữ, khái niệm phong phú, phức tạp, tinh tế về Thế số, Thời tình, nghĩa là về con người về xã hội về cuộc đời về thời đại. Nhưng điều quan trọng là phải có đôi mắt trong, có cái nhìn sáng tỏ, cái nhãn quan thấu suốt như lưỡng hải ngân để phân biệt nhận ra và đối đãi với Cung ma (cái ác, cái xấu, sai, tiêu cực) cũng như nước Phật ( cái thiện, cái tốt, cái đúng). Là còn phải có cái nhìn Cung ma, Phật quốc với cái lẽ rất Thiền, rất bát nhã, không khư trú cứng nhắc Cung ma là Cung ma, hay Phật quốc là Phật quốc. Mà không thấu rõ lẽ biến dịch, hoán cải cùng lẽ sắc - không. Có như thế mới đem tính Phật vào Cung ma. Mới gạt bỏ tà ma ra ngoài cái áo khoác Phật. Như các Thiền gia đời Trần từng quan niệm:
                                    Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,
                                    Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.
                                                (Huyền Quang. Diên Hựu tự )
Nghĩa là: Nếu hiểu thấu lẽ bình đẳng của thị và phi (nghĩa là sự tương đối của cái đúng và cái sai) thì xem Cung ma cũng chẳng khác gì nước Phật.
Một bài Kệ 20 chữ chứa biết bao nghĩa lý. Giá trị minh triết ta vô cùng. Vì thế bài học thành vô tận mà hy vọng mùa xuân đẹp cũng khôn cùng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét