Bertrand Russell |
Đôi lời
về công việc dịch "Minh Triết phương Tây"
“Wisdom of the West”, xin chuyển ngữ là “Minh Triết phương Tây”, là một trước tác của Bertrand Russell. Ông xuất thân là một nhà toán học kiệt xuất, một triết gia cận đại sáng chói,
và một nhà văn đã từng đoạt giải Nobel. Viết năm 1959, trước tác này lược lại tổng thể nền văn hóa Tây phương từ thời cổ đại 5,6 trăm năm trước Công Nguyên
cho đến thế kỷ 20. Công trình của ông trải dài trên 2500 năm, đặt trọng tâm trên tư tưởng và triết
học. Khởi đi từ thời Cổ Hy Lạp, ông đã soi sáng những phát huy thời Ki-tô, rồi
các trường phái Duy Nghiệm, Khai Minh, Lãng Mạn, Duy Lợi,... trong Thế kỷ Ánh sáng cho đến nền tảng
của Triết học đương đại. Những khai triển nói trên không phải trên trời rơi xuống mà
là những sản phẩm của con người đã sống và tư duy trong những thời đại của
mình. Công trình giải mã, xếp đặt, phê phán và tổng hợp hệ thống tư duy này đòi hỏi một sự hiểu biết rộng
và sâu về lịch sử và xã hội Âu châu trên hai bờ
Đông và Tây của Địa Trung hải.
Trong việc chuyển ngữ Minh Triết phương Tây, tôi tự ép
mình trong một số tiêu chuẩn, nhằm tránh “dịch là phản”, như chúng ta thường nghe. Về nội dung, tôi cố gắng theo thật sát văn bản
để sác xuất phản nội dung nằm ở mức tối thiểu.
Chuyến về nước lần cuối cách đây dăm năm, tôi có duyên may
gặp một số bạn bè dịch giả, và nhất là những bạn trẻ hiếu học trong một xã hội cứ
ra đầu ngõ là gặp tiến sĩ mà học vị kèm theo chức danh li ti trên những tấm thiệp
nhỏ bằng 1/8 bàn tay. Có bạn trẻ bảo, muốn nhưng không biết sách nào hay. Có bạn
thở dài, dẫu biết có, nhưng lại bằng tiếng nước ngoài, đọc khổ lắm. Giảng dạy
trong ngành Kinh Tế trên dưới 35 năm trong nhiều Đại học ở Canada, Pháp, Mỹ ,
Úc..., quán tính khiến tôi lăm le dịch “Lý thuyết tổng quát...” của J.M.Keynes,
nhưng hỏi thì đã có người dịch rồi. Vả lại, tôi hỏi các bạn trẻ cần gì. Bạn
nói, tụi em cần ... biết thế giới này đi về đâu? Trong đầu tôi nghĩ đến tiểu
thuyết 1984 của G.Orwell, nhưng dự cảm đầy khó khăn để tác phẩm này có cơ duyên
ra mắt bạn đọc. Cuối cùng, tác phẩm này cũng đã được dịch nhưng chỉ phát
hành giới hạn.
Thế giới này đi về đâu?
Đây là một câu hỏi chỉ có đáp án khi chúng ta, và
gần 8 tỉ người chúng ta trên trái đất đã bắt đầu quá tải này, biết và muốn nó đi về đâu. Cái biết này phải dựa trên
một sự đồng thuận của những cá nhân có ý thức. Ý thức cá nhân chỉ vững vàng khi
được xây dựng trên nền tảng minh triết. Tất cả có thể lại khởi đi từ, và kết cục
ở, sự phục hồi đạo lý xã hội mà mầm mống
đã có, hoặc đang thành hình, và hẳn sẽ uốn nắn tương lai của trái đất này.
Chuyển ngữ cuốn sách Minh Triết phương Tây này, tôi hy vọng cung ứng một nguồn
tri thức cần thiết để hình thành ý thức cá nhân nhằm đặt cơ sở cho công
cuộc phục hồi đạo lý xã hội. Qua công trình của Bertrand Russell, ý thức này đến từ cảm năng và đặc biệt là trí
năng. Chính tinh thần duy lý làm đòn bẩy cho khoa học mà những thành tựu thật
đã thay đổi bộ mặt thế giới. Nhưng ngoài
phương Tây, nhân loại còn có một nền Minh Triết phương Đông xuất xứ từ Trung Hoa,
Nhật Bản, Ấn Độ... Và tôi mong mỏi sau này, qua tiếng Việt, những học
giả cao minh mang phổ biến hầu soi rọi những khác biệt Đông-Tây một cách cơ bản.
Phần tôi, nghĩ lại công việc mình, quả tôi thật đã làm một việc quá sức. Dịch Triết dưới
khía cạnh lịch sử tư tưởng nhưng tôi không là triết gia được đào tạo bài bản mà
chỉ có kiến thức chuyên ngành trong một bộ môn khoa học nhân văn. Dĩ nhiên, sai
sót như thế hẳn có, và rất có thể có nhiều. Nhưng xin bạn đọc thể tình, tôi mượn
lời cụ Tiên Điền, tâm sự:
“Lỡ làng nước đục bụi
trong,
Trăm năm để một tấm lòng từ đây”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét