Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Kỷ niệm 160 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ (1858 – 2018)

TMT: Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người nhưng cũng nổi danh là một kẻ sĩ có lối sống hết sức tự do, ngang tàng, ngạo nghễ. Thời gian tới, Trung tâm Minh Triết  dự kiến sẽ tổ chức Kỷ niệm 160 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ, qua đó chúng ta có dịp tưởng nhớ và tái hiện lại hình ảnh, sự nghiệp cũng như nhân cách đáng kính của Ông.
Trung tâm Minh Triết kính mong các vị học giả, các nhà nghiên cứu hưởng ứng bằng việc thể hiện sự quan tâm của mình và sưu tầm, viết bài tham luận về thân thế, sự nghiệp, nhân cách của Nguyễn Công Trứ.
Bài vở xin được gửi cho ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết,
Email: maiminhtriet@gmail.com
***** 
 Kết quả hình ảnh cho nguyá»…n công trứ

Nguyễn Công TrứMẫu hình kẻ sĩ muôn đời

Nguyễn Khắc Mai
          Nguyễn Công Trứ, nhà trí thức lớn của Việt Nam, quê ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đậu Giải nguyên (1819), làm rất nhiều chức trong triều: Tri huyện, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Thượng thư, tổng đốc, nhiều lần bị giáng chức, rồi lại được phục chức...
          Ông nổi tiếng là người đa tài. Ông là tác giả công trình khai hoang, làm thuỷ lợi lập xóm làng tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình và Tiền Hải, Thái Bình. Nhân dân biết ơn đã lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ văn, chủ yếu viết bằng chữ Nôm. Đặc biệt là 60 bài Hát nói, khiến ông trở thành người định hình và đưa thể hát nói, một thể đặc sắc trong  ca trù – một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, lên đỉnh cao (hiện được  UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới).

Qua cuộc đời và thơ văn của ông, hậu thế nhận ra ở ông mẫu hình kẻ sĩ muôn đời.
Ông là người luôn khẳng định và đề cao cá nhân và tự do thật trái ngược hẳn trật tự của xã hội Nho giáo đương thời. Ông nêu lên quan niệm “nhân sinh quý thích chí”, khẳng định cái nhân cách cứng cỏi, ngạo nghễ, tự do tự tại bằng câu thơ nổi tiếng:
                   Kiếp sau xin chớ làm người,
          Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Ông khẳng định một giá trị lớn của đời người là phải làm đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong xã hội. Ông viết “Trong vũ trụ không có gì không phải là phận sự của ta” (Vũ trụ nội mạc phi ngô phận sự), hoặc “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”.
Khẳng định cá nhân tự do, ông ca tụng “hành lạc” – niềm vui, thú vui, nghề chơi, cuộc ăn chơi ... Ông nói “ở đời, cái quý nhất là được thoả thích ý mình”, ông có câu thơ “Người đời không vui chơi, dẫu sống ngàn tuổi cũng như chết non” (Nhân sinh bất hành lạc, Thiên tuế diệc vi thương).
Ông dung nạp vào mình cả những tư tưởng nhân văn của Nho giáo, cả những tư tưởng phóng khoáng của Lão – Trang, và đặc biệt là thái độ sống mang đậm chất dân gian Việt, ngày nay theo lý thuyết nhân loại học, bảo ông là “type” người Thông Thái  (Homo sapien), là “type” Homo habilis - người giỏi giang, mà bảo ông là loại người Homo luden – người vui chơi, đều đúng cả. Ông đã tiếp nhận tất cả những gien ưu trội của loài người chăng ?
Đánh giá công trạng của ông, tài trí của ông, phong cách và lối sống của ông, 160 năm qua sử sách ghi chép rất nhiều mà truyền thuyết dân gian kể lại cũng lắm. Xin trích ở đây lời kết của Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện về Nguyễn Công Trứ: "Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều  khí hào mại phổ đấy trong âm luật, đến nay hãy còn truyền tụng. Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi lại được cất nhắc lên ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận. Buổi đầu Trứ lĩnh chức doanh điền sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất tụ hợp lưu dân thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ tức thì bỏ qua việc đời chơi thú sơn thủy, trải hơn mười năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật. Đến nay người ta phần nhiều tưởng đến phong đ khí khái của ông. Sau khi Trứ mất các huyện ấp do ông lập ra dựng đền thờ".
Trong đền thờ ông ở Kim Sơn với tên Truy Tư từ (đền tưởng nhớ lại) có câu đối:
Cảm Sơn Tự, hồng diệp bạch vân, kỷ độc phong cao thùy tục giả.
Truy Tư từ, xuân lan thu cúc, phi hồng tuyết ẩn bán mang nhiên.
Nghĩa là:
Chùa Cảm Sơn mây trắng lá hồng, phong cách cởi bò ai nối tiếp.
Đền Truy Tư, xuân lan, thu cúc, hồng bay tuyết ẩn vẫn mơ màng.
Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ công ơn của ông, giới trí thứcViệt Nam hôm nay coi ông là tấm gương của một nhân cách cao quý và đẹp đẽ. Giới trẻ cần tìm học ở ông những bài học làm người sáng giá./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét