Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

HOẠT ĐỘNG CÓ Ý NGHĨA THIẾT THỰC CỦA BQL PHỐ CỔ HÀ NỘI NĂM 2018


                                                                                                                      TRƯƠNG SỸ HÙNG

                                                  Đình Kim Ngân - Ảnh Interrnet 
      Hưởng ứng ngày di sản văn hóa Việt Nam, sáng 24 tháng 11 năm 2018, ban quản lý phố cổ Hà Nội – dự án khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt, đã phối hợp với hội văn nghệ dân gian Hà Nội và ban quản lý di tích đình Kim Ngân tổ chức tọa đàm Tục thờ tổ nghề tại Việt Nam qua góc nhìn đạo hiếu và phục dựng Hát chèo tầu trước sân quảng trường Lý Thái Tổ tại bờ hồ Hoàn Kiếm.

     Tổ nghề chạm bạc trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôn vinh quan thượng thư Lưu Xuân Tiến thời Lê. Sau cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược, nhân dân Đại Việt bắt tay vào xây dựng lại đất nước“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Các ngành nghề làm ra của cải vật chất gọi chung là BÁCH NGHỆ do người BÁCH VIỆT sáng tạo từ ngàn xưa. Các nghệ: sĩ, nông, công, ngư, thương…được đặt trên vị trí đầu tiên.  

  Đình Kim Ngân hiện vẫn được trùng tu, bảo dưỡng, nay tọa lạc tại ở số nhà 42 và đình Trang tại số nhà 50. Không rõ là người có công lập làng nghề Lưu Xuân Tín đã cầu khẩn, rước vong linh, tạc và hô hồn nhập tượng Hiên Viên đại đế, hay sau khi ông mất, dân chúng mới phối thờ tổ nghề. Khi mới xây cất, cả hai ngôi đình là nơi tụ hội, vừa là nơi tạm trú, vừa là nơi chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ từ một loại chất liệu kim loại nhẹ là bạc trắng.

    Tương truyền đình Kim Ngân do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương hưng công xây dựng. Với chức quan Thượng thư bộ Lại dưới triều Lê Thánh Tông, khi kinh lý vùng đất kinh kỳ có thể phát triển nghề thủ công mỹ nghệ chế tác hàng bạc; ông đã chuyển dần đa số người có tay nghề ở quê sinh, đến ngụ cư, lập ấp, dựng làng nghề đúc bạc thỏi, nén - một loại hình vật thể tượng trưng tiền tệ, phục vụ công việc kiến thiết, xây dựng vương triều tự chủ.

     Tên phố Hàng Bạc hình thành từ đây. Số hộ làm nghề chế biến bạc tăng lên nhanh chóng, yêu cầu chuyên sâu, tinh lọc tay nghề được đặt ra. Cơ sở sản xuất tại đình Trang chuyên nấu bạc, đúc thành nén. Đình Kim Ngân là nơi nhận nguyên liệu và nộp thành phẩm cho triều đình. Bạc thỏi, bạc nến được coi như một đơn vị tiền tệ nên đương thời nhà Lê, có một ty quan chuyên trách  cai quản việc cho vua.

       Lịch sử qua đi, thành tựu sáng tạo của con người còn lại, đó chính là di sản văn hóa Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, có lẽ cuộc tọa đàm tổ chức hơi vội, nên nội dung đặt ra vấn đề tìm hiểu rất rộng, nhưng chất lượng một số bài tham luận không đủ sức thuyết phục. Đa phần bài viết vội, sơ lược và chưa có những kết luận khoa học. Bài Mối quan hệ giữa làng nghề, phố nghề và việc thờ cúng tổ nghề giữa hương (quê gốc) và phố Thăng Long có xu hướng nêu vấn đề phổ quát, nhưng còn lúng túng trong cách xử lý tư liệu. Bỏ qua những lỗi vỉrut máy tính, bài Lưu Xuân Tín – thượng thư bộ Lại, ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam viết sơ sài, chưa tiếp cận được với những tư liệu thư tịch hiện có.

                          

      Chủ tịch hội văn nghệ dân gian Hà Nội Lê Hồng Lý lần đầu tiên phối hợp với ban khánh tiết đền Khánh Xuân (nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội) phục dựng tục hát chèo tàu trước quảng trường Lê Thái Tổ. Theo các nghệ nhân dân gian sở tại xã Liệp Tuyết; trước đây có cổ tục hàng năm; cứ đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch sẽ có nghi thức cả làng cùng nhau chuẩn bị mọi công việc cho lễ hội mùa xuân; kéo dài đến hết đêm Rằm tháng Giêng. Do những biến động lịch sử, điều kiện khách quan khiến cho lễ hội hát Dô cuối cùng dưới thời phong kiến diễn ra năm 1926; mà mãi đến năm1990 nghĩa là 64 năm sau lễ hội hát Dô Liệp Tuyết mới được khôi phục lại với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng đất nước giàu mạnh. Lệ xưa hội làng Lạp Hạ - tên Nôm của Liệp Tuyết – tái diễn sau 36 năm. Tương truyền, thánh Tản Viên thời Hùng Vương đã từng giả dạng thường dân, vi hành đến làng Lạp Hạ bằng thuyền thúng, do người Việt đan bằng cật tre có trát nhựa bằng bột củ nâu rừng với rau khoai lang và cám gạo giã nát. Cùng xuôi chèo trên một dòng sông, giọng huầy…dô của các cô sơn nữ trong trẻo, sôi nổi, thánh Tản Viên rất thích nghe. Người gọi điệu hát chèo thuyền là hát Dô. Dạy dân cày cấy ruộng nương, gieo trồng cả lúa cạn và lúa nước, cách gieo hạt trồng cây hoa màu, cách trồng dâu nuôi tằm lấy sợi tơ dệt vải làm đồ may mặc… trên những mảnh ruộng xung quanh nơi cư trú, Tản Viên sơn thánh lưu lại biểu tượng người trong lời ca, điệu múa hát Dô chèo tàu ở Liệp Tuyết.
        Cứ như thế, Tản Viên sơn thánh đi khắp các vùng quê đất nước giúp cho nhân dân có đời sống no đủ, ấm êm. Đặc biệt, trước khi dời Lạp Hạ đi nơi khác, dường như có nhiều cô thôn nữ muốn yêu “chàng tai thông minh dĩnh ngộ” cứ tìm cớ níu kéo giữ chân. Chàng trai “hóa trang” ấy đành phải hẹn trở về vào mùa lúa chín năm sau. Thế rồi cuộc hẹn cứ lần khân kéo dài 36 năm, thánh Tản Viên trở lại thăm làng. Lớp người năm xưa chỉ còn ít người đều đã già cả. Và mỗi dịp xuân về trải 36 năm qua; dân làng đã ca múa, thêm loa gọi đức thánh Tản Viên về họp mặt, chia vui với dân sau một năm mùa vàng thắng lợi; sau trở thành hội làng theo lệ. Song, không hiểu sao, sau 36 năm mở hội một lần lại có lời nguyền: “Sau hội tan những bài hát hay bản lời hát đã sao chép phải hóa giải, ai hát không đúng dịp lễ hội thì sẽ bị câm hoặc ốm đau." 
     Từ thời kỳ đổi mới đến nay, được hội văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng công nhận di sản văn hóa dân gian, hội làng Liệp Tuyết bỏ lệ cổ 36 năm một lần. Nội dung ca từ, khúc thức âm nhạc và nhịp điệu biểu diễn của hát Dô chèo tàu trước đền Khánh Xuân đã trở thành một địa chỉ văn hóa của thủ đô Hà Nội. Ở đấy, một danh xưng “Xuân cung ca” còn lưu lại, ẩn tàng trong tâm thức dân gian Việt cổ. Trong “sân khấu”ở bên trái nhìn ra phía khán giả còn có một hình tượng voi thần, đối diện với thuyền rồng của thần vua, cộng với đội ca công hầu hết là phụ nữ – vì vậy có người toan tính đến mối liện hệ lễ hội với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – cần hạ hồi phân giải khi có tư liệu.
      Phần cốt lõi của lễ hội hát Dô chèo tầu diễn ra trước tượng đài Lý Thái Tổ cũng là dịp tôn vinh, báo cáo với tổ tiên người Bách Việt trong ngày di sản văn hóa Việt Nam. Và có lẽ chỉ nên gọi loại dân ca nghi lễ này là hát chèo tầu Liệp Tuyết.
     Giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết Nguyễn Khắc Mai được mời tham dự các sự kiện văn hóa thủ đô, chào mừng ngày di sản văn hóa dân tộc. đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Ông nhấn mạnh: “Cần phải bằng mọi cách lôi kéo được giới nghiên cứu trẻ quan tâm sâu sát đến lịch sử văn hóa Bách Việt; làm thế nào để chúng biến những kiến thức lịch sử của cha ông thành công cụ hữu hiệu, trong sự nghiệp đấu tranh tư tưởng, tranh luận nghị trường để giữ vững nền độc lập dân tộc mà vẫn không ngừng phấn đấu cho một nền dân chủ thật sự; làm cho dân giàu nước mạnh.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét