Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

TẠI SAO TẬP CẬN BÌNH MUỐN PHỤC HỒI KHỔNG TỬ ?





Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Số phận long đong của học thuyết Khổng Tử

Khổng Tử và học thuyết của ông – Nho giáo – từng trải một cuộc đời long đong lận đận tại Trung Quốc (TQ). Với tư tưởng cốt lõi là Nhân, mới đầu Nho giáo chỉ là một học thuyết tu thân dưỡng tính, chưa được tiểu quốc nào dùng làm đạo trị quốc, cho dù Khổng Tử từng đích thân tới thuyết phục họ. Thời Chiến Quốc, Mạnh Tử kế thừa và phát triển học thuyết đó thành lý luận Nhân chính.

Đời Hán, Đổng Trọng Thư (179-104 TCN) kết hợp với thuyết Âm dương Ngũ hành và các thuyết khác, sửa đổi Nho giáo thành hệ tư tưởng có khuynh hướng thần học (nhấn mạnh quan hệ giữa thần quyền với quân quyền). Hệ thống này dựa trên bạo lực của chế độ phong kiến nhưng lại được mô tả thành Đạo Trời, “Trời không đổi thì đạo cũng không đổi”.

Nho giáo trở thành lý luận hợp pháp hóa chế độ phong kiến chuyên chế, cung cấp cho nó một vũ trụ luận tồn tại vĩnh hằng (nhận định của Lưu Hiểu Ba). Đổng nêu ra đạo lý trị quốc của Nho giáo, kiến nghị bãi bỏ mọi học thuyết, độc tôn Nho giáo. Hán Vũ Đế chấp nhận kiến nghị đó. Kết quả Nho giáo được chính trị hóa và nâng cấp thành cương lĩnh trị quốc, công cụ văn hóa bảo vệ chế độ phong kiến – Lưu Hiểu Ba coi đây là bi kịch lớn nhất của nền văn minh Trung Quốc.

Đời Tống, Trình Di, Trình Hạo, Chu Hi tiếp thu các học thuyết khác, xây dựng nên hệ thống Lý Học Nho gia. Chu Hi (1130-1200) làm chú giải cho 4 bộ sách Đại học, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung dung, nhờ thế bộ Tứ thư (4 kinh điển Nho giáo) này trở thành sách giáo khoa các thí sinh dự thi khoa cử buộc phải học. Luận Ngữ chép lời Khổng Tử được coi là kinh thánh của Nho giáo. Tể tướng Triệu Phổ đời Bắc Tống từng nói “Chỉ dùng nửa bộ Luận Ngữ là có thể trị được cả thiên hạ”.

Từ đó Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị xã hội Trung Quốc và ảnh hưởng lớn tới Việt Nam, Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản.

Sau khi tiếp xúc phương Tây, giới trí thức Trung Quốc hiểu ra Nho giáo là trở ngại chủ yếu kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, khiến cho Trung Quốc yếu hèn lạc hậu và bị phương Tây bắt nạt. Từ phong trào Ngũ Tứ (1921) học thuyết Khổng Tử bị chửi bới, vùi dập, đến phong trào “Phê Lâm phê Khổng” do Mao Trạch Đông phát động (1974) thì hầu như bị xóa bỏ.

Giới học giả quốc tế không đánh giá cao đức Khổng. Hegel nhận xét Trung Quốc không có triết học, lời Khổng Tử trong Luận Ngữ chỉ là những đạo lý thường thức không có gì mới. Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết: Nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta mà không thay đổi quan điểm thì ông sẽ trở thành phần tử phản cách mạng.

Sau cải cách mở cửa, Chính phủ TQ lặng lẽ cho phép phục hồi dần Khổng Tử dưới cái tên nghiên cứu Quốc học, tức nghiên cứu phục hồi văn hóa truyền thống Trung Quốc mà Nho giáo là cốt lõi. Từ đó Cơn sốt Khổng Tử bắt đầu nóng dần.

Năm 1988, Quỹ Khổng Tử Trung Quốc và UNESCO tổ chức Hội thảo kỷ niệm 2540 năm sinh Khổng Tử, có đại biểu 25 nước tới dự, không có đại diện chính quyền. Tháng 10/1994, nhân 2545 năm sinh Khổng Tử, Trung Quốc tổ chức lễ thành lập Hội Nho học quốc tế và Hội thảo quốc tế về Khổng Tử. Lý Thụy Hoàn – Ủy viên thường vụ Bộ CT ĐCSTQ kiêm Chủ tịch (CT) Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) toàn quốc đến dự và phát biểu. CT nước Giang Trạch Dân tiếp các đại biểu. Sau đó cứ 5 năm một lần Hội này lại tổ chức kỷ niệm Khổng Tử, lãnh đạo cao nhất tới dự chỉ là CT Chính Hiệp.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc 3/2005, có đại biểu đề nghị phục hồi đạo đức nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, đưa Tứ thư Ngũ kinh vào chương trình trung-tiểu học và thi công chức. Từ 10/2006, bà Vu Đan thuyết trình nhiều buổi trên truyền hình về “Thu hoạch đọc Luận ngữ”, “Thu hoạch đọc Trang Tử”, được dân hoan nghênh. Hai cuốn sách cùng tên của bà in lần đầu 4 triệu bản bán hết ngay. Tháng 9/2008, Bộ Văn hóa Trung Quốc và chính quyền tỉnh Sơn Đông lần đầu tổ chức Đại hội Nho học thế giới tại Khúc Phụ quê Khổng Tử.

Cơn sốt Khổng Tử từng bước tăng nhiệt. Tuy vậy trên vấn đề đánh giá Nho giáo, giới học giả Trung Quốc vẫn chia hai phái chống nhau: phái tự do và phái bảo thủ văn hóa, chủ yếu đả kích nhau về lý luận. Điển hình là cuốn Chó không nhà – Tôi đọc Luận ngữ của Lý Linh (5/2007) – gáo nước lạnh dội lên những cái đầu đang sốt Khổng Tử. Lý Linh chứng minh Khổng Tử không phải là thánh nhân, ngài có cống hiến chính về mặt giáo dục và đạo đức; Đức Khổng ngày nay ta biết chỉ là Khổng Tử “nhân tạo”, được tâng bốc tới mức không thể giả tạo hơn. Năm 2010, Trung tướng Lưu Á Châu Chính ủy ĐH Quốc phòng Trung Quốc nói Nho giáo có tội với Trung Quốc. Lưu Hiểu Ba nhận xét các lời dạy của đức Khổng chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn.

Từ năm 2010, CT Hồ Cẩm Đào bắt đầu dè dặt sử dụng một số lời Khổng Tử, như xã hội hài hòa, dĩ nhân vi bản... Tuy vậy đa số dân Trung Quốc chưa ủng hộ phục hồi Khổng Tử. Điển hình là việc Viện Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc dựng pho tượng lớn đức Khổng bằng đồng đen trên quảng trường Thiên An Môn (1/2011) bị dư luận phản đối tới mức hơn 3 tháng sau phải lặng lẽ cất tượng vào trong Viện. Việc này chính quyền Trung Quốc không nói gì, điều đó cho thấy “cơn sốt Khổng Tử” đang hạ nhiệt dần.

Gió đổi chiều

Sau Đại hội 18 ĐCSTQ (12/2012), tình hình bắt đầu thay đổi. Tân Tổng Bí thư kiêm CT nước là Tập Cận Bình, một người rất yêu và coi trọng văn hóa truyền thống Trung Quốc, hiểu biết Quốc học, khi nói, viết thường vận dụng các từ ngữ cổ. Năm 2006 ông nói tinh thần cốt lõi của Nho giáo là xã hội hài hòa.

Tháng 11/2013 CT Tập tọa đàm với Viện Nghiên cứu Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương Đức Khổng. Dịp lễ hội Ngũ Tứ 2014, ông đến thăm nhà Quốc học lão thành Thang Nhất Giới tìm hiểu việc biên soạn sách “Nho Tàng” (Tổng tập các trước tác Nho giáo).

Ngày 24/9/2014, ông đến dự và phát biểu tại Hội thảo Nho học với nền hòa bình và sự phát triển thế giới nhân kỷ niệm 2565 năm sinh Khổng Tử. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất Trung Quốc dự hoạt động trên. Sự kiện chưa từng có này cho thấy CT Tập là nhà lãnh đạo TQ quan tâm nhất việc phục hồi Khổng Tử.

CT Tập nói:  Cần kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc, không được phủ nhận lịch sử, không quên lịch sử thì mới có thể mở ra tương lai, giỏi kế thừa thì mới giỏi sáng tạo, chỉ có kiên trì đi từ lịch sử tới tương lai thì mới có thể làm tốt sự nghiệp ngày nay. Ông nhấn mạnh: Tư tưởng triết học phong phú, tinh thần nhân văn, tư tưởng giáo hóa, ý tưởng đạo đức của Văn hóa truyền thống ưu tú Trung Quốc có thể có gợi ý hữu ích cho việc trị quốc. Nho giáo là bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Quốc, có sức sống lâu dài. Một số người hiểu biết trên thế giới cho rằng văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc chứa đựng các gợi ý quan trọng giúp giải quyết những khó khăn của loài người hiện đại. Như các tư tưởng Đạo pháp tự nhiên, thiên nhân hợp nhất, thiên hạ vi công, thế giới đại đồng, dĩ dân vi bản, an dân phú dân lạc dânVi chính dĩ đức, Chính giả chính dã, Nhân giả ái nhân, Dĩ đức lập nhân, … Liêm khiết tòng chính, Cần mẫn phụng công,… Cần kết hợp điều kiện thời đại để kế thừa và phát huy các tư tưởng đó. Phải kiên trì Cổ vi kim dụng, Dĩ cổ giám kim, phát huy nhân tố tích cực, vứt bỏ nhân tố tiêu cực, không trọng xưa nhẹ nay, phải cố gắng chuyển hóa sáng tạo văn hóa truyền thống.

Ông nói, nghiên cứu Khổng Tử và Nho giáo là để hiểu đặc tính dân tộc của người Trung Quốc. Nên ứng xử một cách khoa học với văn hóa truyền thống, với văn hóa các nước khác, người cầm quyền cần hấp thu sức mạnh truyền thống, việc quản trị quốc gia cần có sự nâng đỡ của văn hóa.

Ngày 9/9/2014 khi đến thăm ĐH Sư phạm Bắc Kinh, nghe báo cáo nói ba môn ngữ văn, lịch sử và chính trị tư tưởng đã tích hợp làm một môn, ông phát biểu rất không tán thành việc sách giáo khoa loại bỏ các môn tản văn và thi từ kinh điển cổ đại, ông nói như thế là “xóa nhân tố Trung Quốc”, là việc rất đáng buồn
Vì sao Tập Cận Bình cần Khổng Tử

Tập Cận Bình lên cầm quyền với lời hứa sẽ thực hiện Giấc mơ Trung Quốc, tức sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, mục tiêu đến năm 2021 phải xây dựng xong xã hội khá giả có mức sống cao gấp đôi năm 2010. Muốn thế phải tiến hành cải cách sâu rộng tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng cải cách gặp nhiều trở lực, vì nó động chạm tới quyền lợi của nhiều cán bộ đương chức và các nhóm lợi ích, các phái đối lập. Bất đồng và phản kháng tăng lên, đe dọa sự ổn định của chính quyền Tập Cận Bình. Ông cần tìm cách đoàn kết dân chúng lại, nhưng chủ nghĩa cộng sản không còn sức hút với người Trung Quốc hiện nay nữa, thứ duy nhất có thể gắn kết họ là nền văn hóa truyền thống. Vì thế ông cần khôi phục văn hóa truyền thống, thực chất là khôi phục Nho giáo.

Nho giáo dạy người ta tuân theo quy tắc đạo đức Tam cương Ngũ thườngTam cương là trật tự của ba mối quan hệ xã hội: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, yêu cầu bề tôi phải tuyệt đối phục tùng vua, con tuyệt đối phục tùng cha, vợ tuyệt đối phục tùng chồng. Ngũ thường là 5 phép ứng xử Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trong đó Nhân và Lễ được coi là cốt lõi. Theo giải thích, chữ Nhângồm “nhân”(, người) ghép với “nhị”(, hai), có nghĩa là quan tâm mọi người hơn quan tâm bản thân, tức đề cao chủ nghĩa tập thể, đả phá chủ nghĩa cá nhân (ngược với giai cấp tư sản). Lễ là nói phép giao tiếp, chủ yếu giao tiếp với người trên, tức quy củ trật tự trên dưới, phải nghe theo người trên.

Thực tế cho thấy Tam cương Ngũ thường của Nho giáo tạo ra một xã hội toàn những người chỉ biết làm nô lệ, mù quáng vâng lời tầng lớp cai trị, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Nhờ vậy Nho giáo đã đem lại sự ổn định cho xã hội phong kiến, giúp tầng lớp thống trị tha hồ áp bức bóc lột nhân dân, vì thế xưa nay các chế độ độc tài chuyên chế ở Trung Quốc đều tin dùng Nho giáo. Lý Linh nói: Một khi được nhà cầm quyền tin dùng thì Khổng Tử từ thân phận con chó lang thang sẽ trở thành con chó gác cửa cho kẻ cầm quyền.

Người Trung Quốc luôn tôn trọng kinh nghiệm của tiền nhân, tức những cái thuộc về truyền thống, coi là chỗ dựa tốt nhất để tránh mọi rối loạn xã hội, nhất là truyền thống trung hiếu. Trung thành với cấp trên, giữ trật tự trên dưới là điều kiện tiên quyết cho xã hội ổn định. Trung quân, hiện nay là trung với ĐCSTQ, được coi là ái quốc; ngược lại là phản quốc.

Sau mấy chục năm cải cách mở cửa, người Trung Quốc đã tiếp nhận không ít quan niệm giá trị của phương Tây như dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền, ngày càng mạnh dạn đấu tranh chống bất công xã hội, chống mọi vi phạm nhân quyền và dân chủ tự do. Internet tạo điều kiện để họ công khai tố cáo, phê phán các sai trái của chính quyền. Nhưng chính quyền lại cho rằng điều đó làm giảm uy tín của ĐCSTQ, ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của Đảng, gây mất ổn định xã hội, vì thế cần tìm mọi cách hạn chế tiếng nói của người dân. Ngoài các biện pháp trấn áp và cấm đoán hành chính (như cấm các blog “lề trái”), CT Tập thấy cần sử dụng Nho giáo – học thuyết từng giữ cho xã hội Trung Quốc ổn định mấy nghìn năm – để giáo dục dân chúng tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của ĐCSTQ, vì thế ông kiên quyết phục hồi Khổng Tử. Thực ra xã hội bất ổn là do phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt, đạo đức xã hội liên tục suy thoái, nạn tham nhũng tràn lan làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn mới.

Phản ứng của dư luận

Người Trung Quốc có truyền thống “sùng thánh”, bởi vậy khi CT Tập muốn phục hồi Khổng Tử thì truyền thông chính thống cả nước liền nhiệt liệt hưởng ứng. Cơn sốt Khổng Tử nóng trở lại. Cán bộ Đảng và chính quyền thi nhau phát biểu ý kiến giải thích và chứng minh quan điểm của CT Tập là hợp lý nhất. Các đài truyền hình làm chương trình Giảng đường trăm nhà để các học giả giảng giải đạo Khổng. Bà Vu Đan (tháng 11/2012 bị sinh viên ĐH Bắc Kinh la hét phải rời diễn đàn) ngày 8/12/2015 lại ra mắt công chúng để quảng bá Khổng Tử. Chính phủ bỏ tiền tỷ đẩy mạnh xây dựng các Học viện Khổng Tử trên toàn cầu…

Giới học giả hăng hái nói về các ưu điểm của Nho giáo. Dương Triều Minh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khổng Tử, nói: 2000 năm qua trên thế giới chưa ai được quan tâm và bị đánh giá mâu thuẫn nhiều như Khổng Tử. Thời cận đại, người Trung Quốc cho rằng muốn thoát khổ thì phải vứt bỏ văn hóa truyền thống với hạt nhân là Nho giáo. Mới đây, sau 30 năm nghiên cứu, giới học giả Trung Quốc phát hiện Nho giáo ban đầu (thời Tiên Tần) có “sắc thái tính đạo đức” rõ rệt, còn Nho giáo sau đời Hán thì có “sắc thái quyền uy” rõ rệt. Nho giáo ban đầu với đại diện là Khổng Tử nhấn mạnh “chính danh”, chủ trương “Tu dĩ an nhân” và “nhân chính”, “đức trị” – là các giá trị quan cốt lõi của Khổng Tử thật. Nho giáo sau đời Hán thì thích ứng nhu cầu chế độ chuyên chế phong kiến, phiến diện nhấn mạnh quân quyền, phụ quyền, phu quyền. Nho giáo suy thoái dần, có đặc điểm “thiếu ý thức bình đẳng và ý tưởng tự do”, không thích hợp với xã hội hiện đại. Đó là giá trị quan của Khổng Tử giả. Nay mọi người nên nhận thức được tinh thần chân chính của Nho giáo nguyên thủy, nên phục hồi các giá trị quan của Khổng Tử thật.

GS Vương Kiệt ở Trường Đảng Trung ương nhấn mạnh: kể từ phong trào Dương Vụ đời Thanh, cách mạng tư sản của Tôn Trung Sơn cho tới việc ĐCSTQ thời kỳ đầu đi theo chủ nghĩa Mác, Trung Quốc đã du nhập không ít học thuyết của phương Tây nhưng thực tế chứng minh đều không thành công. ĐCSTQ dần dần nhận ra giá trị to lớn của văn hóa truyền thống Trung Quốc, hiểu rằng chỉ có kiên trì chủ nghĩa Mác, kế thừa có phê phán nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, kiên trì nguyên tắc “cổ vi kim dụng”, “dương vi trung dụng” thì mới có thể vứt bỏ cái vỏ bọc cũ rích của truyền thống Trung Quốc, kế thừa nội hàm tinh thần và linh hồn sống động của văn hóa truyền thống ưu tú, qua đó thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. CT Tập đã tổng kết sơ bộ tác dụng của việc kế thừa Văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc đối với sự phục hưng đó, thống nhất được hai mặt phát triển cá nhân và quốc gia giàu mạnh. Sức mạnh cứng rất quan trọng, nhưng sức mạnh mềm, như văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, tinh thần, giá trị quan… cũng rất quan trọng.

GS Diêu Trung Thu nói: Việc kỷ niệm Khổng Tử với sự có mặt của lãnh đạo tối cao cho thấy Trung Quốc phải dựa vào tư tưởng Khổng Tử để đạt được sự đồng thuận. Tư tưởng này không giải quyết được mọi vấn đề nhưng có lợi cho việc giải quyết vấn đề cơ bản nhất là lòng người, là giá trị quan của quốc dân, là cơ sở tinh thần của đất nước. Ở tầng nấc đời sống cá nhân, Khổng Tử đề xuất phải “tu thân”, ở tầng nấc quản trị nhà nước, Khổng Tử đề xuất phải “Chính giả chính dã政者正也” (người làm chính trị phải chính trực công bằng), rất coi trọng xã hội tự trị. Ý tưởng Giấc mơ Trung Quốc thể hiện hình ảnh của tư tưởng Nho giáo. Hội nghị TƯ 3 khóa 18 ĐCSTQ nêu ra “đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống trị lý nhà nước và năng lực trị lý”, trong đó trị lý (cai trị, quản lý) là một khái niệm kiểu Nho giáo. Nho giáo coi trọng việc đào tạo người lãnh đạo xã hội, tức đào tạo sĩ quân tử 士君子.

Sử gia Chương Lập Phàm cho rằng phục hưng Nho giáo bắt nguồn từ một vấn đề vô cùng quan trọng là xã hội Trung Quốc hiện nay chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng chủ nghĩa vật chất, cần phải lấp đầy khoảng trống về ý thức hệ.

Triết gia Lê Minh nói toàn bộ văn nhân Khổng-Nho đều là lũ ngốc; sau hơn 2000 năm ngụp đầu trong cái hũ tương văn hóa Khổng-Nho người Trung Quốc đã đánh mất toàn bộ cái “tôi”, vì thế không thể xây dựng được triết học của Trung Quốc; tội ác hơn 2000 năm qua đều tập trung ở một chữ Lễ, tức chế độ mọi người mãi mãi không bình đẳng (Lễ chế).

Nhà Trung Quốc học người Đức Michael Schuman nói ĐCSTQ cần tới sự ủng hộ của Nho giáo, nhưng đề cao Nho giáo cũng có rủi ro, vì Khổng Tử bảo vệ chế độ đẳng cấp xã hội, chủ trương xã hội hài hòa và phản đối nổi loạn nhưng cũng yêu cầu chính quyền phải công bằng chính trực, minh bạch, suốt đời Khổng Tử phê phán quyền lực.

Báo Le Figaro (Pháp) phân tích: với việc khôi phục Khổng Tử, Nho giáo sẽ trở thành một công cụ hữu ích để Tập Cận Bình kiểm soát chặt xã hội và bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ. Nhưng có thể lợi bất cập hại: chưa chắc sẽ làm nhụt được nguyện vọng dân chủ của dân mà ngược lại CT Tập có thể sẽ lấy làm tiếc là đã khôi phục đức Khổng, nếu người dân đòi hỏi ĐCSTQ phải trung thực và làm gương như Khổng Tử đã dạy.

Roderick MacFarquhar, GS ĐH Harvard và là nhà Trung Quốc học nổi tiếng nhận xét: Từ thời Mao đến nay, chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của ĐCSTQ như Tập Cận Bình đang làm.

Rõ ràng việc CT Tập cố phục hồi Nho giáo dưới chiêu bài phục hồi Văn hóa truyền thống cho thấy ông đang muốn sử dụng Nho giáo để siết chặt quyền lực của mình, trấn áp mọi sự phản kháng từ những người đòi dân chủ, các phái đối lập, làn sóng phản kháng này đang dâng lên.

Đầu năm 2016, Trung Quốc ra luật mới về xuất bản. Sau đó blog của Nhiệm Chí Cường, một tiếng nói đòi dân chủ được gọi là Nhiệm đại pháo, bị cấm. Mới đây La Vũ, con của cố Đại tướng La Thụy Khanh viết thư cho bạn cũ là Tập Cận Bình, yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài, chuyển Trung Quốc thành quốc gia dân chủ. Trước đó La Vũ còn công khai đòi giải tán ĐCSTQ.

Vài nhận xét bước đầu

Có thể thấy chiến dịch phục hồi Khổng Tử của CT Tập chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tuy bộ máy Đảng và chính quyền ra sức hưởng ứng nhưng dân vẫn thờ ơ. Nguyên nhân sâu xa là do họ đã quá chán ngán với học thuyết của Khổng Tử và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Dù có được tô son điểm phấn thế nào, Nho giáo vẫn bị coi là hệ tư tưởng của chế độ phong kiến độc tài chuyên chế và việc CT Tập viện đến Nho giáo để củng cố sự lãnh đạo của ĐCSTQ chỉ có thể gây phản cảm. Dư luận nước ngoài cho rằng việc lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng để thanh trừng một loạt cán bộ tay chân của lãnh đạo tiền nhiệm đã làm tê liệt bộ máy ĐCSTQ, chiến dịch đàn áp làn sóng đòi dân chủ đã làm tăng sự bất đồng trong Đảng.

Trung Quốc hiện đã lớn mạnh nhiều về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, sức mạnh cứng rất lớn, nhưng sức mạnh mềm thì vẫn còn quá yếu. Hơn 100 năm nay Khổng Tử bị chính người Trung Quốc vùi dập tới mức khó có thể sống lại. Văn hóa truyền thống Trung Quốc chẳng có gì để quá tự hào. Mao Trạch Đông nhận định văn hóa truyền thống Trung Quốc có tính chất phong kiến và phản động, cần loại bỏ. Suốt mấy chục năm qua, giới học giả Trung Quốc vẫn chưa phản bác được nhận định của bà Thatcher “100 năm nữa người Trung Quốc cũng không có tư tưởng mới nào”. Một nhà văn Trung Quốc nhận xét câu này điểm trúng huyệt của Trung Quốc, một triết gia Trung Quốc cảm ơn bà Thatcher đã nói như vậy. Lưu Á Châu nói Trung Quốc chưa hề có nhà tư tưởng. Cũng thế, giới nhà văn Trung Quốc chưa phản bác được ý kiến “Văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi” do một nhà Hán học người Đức nêu ra năm 2006.

Năm 2013, nhà văn nổi tiếng Trương Hiền Lượng nói hiện nay người Trung Quốc thiếu nơi quy y (ý nói thiếu niềm tin): chủ nghĩa cộng sản chỉ là lý tưởng chứ không phải là niềm tin; Trung Quốc  cần xây dựng tín ngưỡng và giá trị quan của mình, nếu không thì chẳng thể trở thành nước lớn, điều mà CT Tập mong ước hơn ai hết.

Xã hội Trung Quốc đang khủng hoảng đức tin, đời sống tinh thần và tâm linh trống rỗng, cần chấn chỉnh. Nhưng dựng dậy cái thây ma Khổng Tử sẽ chẳng giúp gì cho việc ấy, ngược lại có lẽ Tập Cận Bình sẽ chỉ càng ngày càng lúng túng hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét