Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC PGSTS. NGÔ ĐỨC THỌ

                                                                                                             GIANG ĐÔNG HẢI

    PGSTS. Ngô Đức Thọ sau thời gian lâm bệnh, tuy được con cháu và các thầy thuốc bệnh viện Hữu nghị quan tâm cứu chữa; nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 05h30, sáng ngày 30 tháng Tư năm 2019 tại nhà riêng.  Hưởng thọ 83 tuổi.

    Ngô Đức Thọ sinh ngày 10 tháng 01 năm 1936 tại làng Trảo Nha, tổng Đoài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; trong một gia đình tri thức Nho học trước năm 1945. Ông nội là chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế (1878-1929), chủ bút báo Hữu Thanh (1927), từng cổ vũ lối học mới, bài xích lối học cử nghiệp từ chương, đồng sáng lập Triều Dương thương điếm ở thành Vinh vào đầu thế kỷ XX. Cha đẻ của ông dù cho đây đó còn ý kiến khác nhau, song kết lại vẫn là người từng trăn trở với hoàn cảnh đất nước trước nạn ngoại xâm, và người luôn hướng tới dạy dỗ con cháu noi gương các bậc tiền nhân, nguyện sống sao cho có ích. Chính vì thế, ngay từ thời thơ ấu, Ngô Đức Thọ có đủ điều kiện tinh thần quyết tâm học hành, luôn tỏ ra thông minh, sắc sảo và biết đồng cam chịu đựng mọi gian lao trắc trở trong sinh kế, lập danh trên những chặng đường khôn lớn trưởng thành. 




Trương Sỹ Hùng, Nguyễn Trọng Thụ, Ngô Đức Thọ, Lại Nguyên Ân trong ngày Hội khoa Ngữ văn,đại học Tổng Hợp Hà Nội năm2005

 Học hết cấp III cũng phải bươn chải vài ba năm với cuộc sống áo cơm. Năm 1963 - 1967 Ngô Đức Thọ được tuyển chọn vào học khoa Ngữ văn khóa 8, đại học Tổng Hợp Hà Nội. Sau khi tốt ngiệp ra trường, được phân công làm công tác biên mục sách báo tại thư viện quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, trong khoảng thời gian chỉ với trên dưới 4 năm tích góp tư liệu, tiếp xúc trực tiếp với tác giả và các độc giả chủ yếu là các nhà  nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, bên cạnh một số bài điểm tin, Ngô Đức Thọ đã biên tập khá kỹ, có thể coi là một phương pháp làm việc mẫu mực với bản thảo Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của nhà Nho học Trần Văn Giáp, do thư viện quốc gia xuất bản năm 1970.

   Không thỏa mãn với thành tựu ban đầu, dường như những kiến thức bách khoa tiếp thu bằng cả hai con đường gián tiếp qua bản thảo và trực tiếp trao đổi với tác giả, người biên tập và sửa bản in được trau dồi bản lĩnh, tiếp tục học, thi đỗ và hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ, lớp chuyên tu Hán Nôm năm 1975. Và đúng 20 năm sau nữa, năm 1995 Ngô Đức Thọ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngữ văn – chuyên ngành Hán Nôm. Luận án được in thành sách Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại năm 1997, ngay lập tức được giới nghiên cứu khoa học xã hội đánh giá là công trình “đã đặt nền móng cho môn tỵ húy học Việt Nam”. Cuốn sách khiến cho giới khoa học quốc tế biết đến văn tự học ở Việt Nam bài bản hơn. Chuyên luận Cơ sở văn bản học Hán Nôm (2006) đồng tác giả được coi là giáo trình ở bậc sau đại học đặt nền móng cho ngành văn bản học Hán Nôm Việt Nam. Năm 1996 Ngô Đức Thọ được phong hàm Phó Giáo sư Ngữ văn học; từ năm 1982 đến năm 2001, giữ chức trưởng ban Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Năm 2002 nghỉ chế độ hưu trí tại Hà Nội. 

   Nhìn lại chặng đường 45 năm phấn đấu không mệt mỏi, giáo sư Ngô Đức Thọ đã thực thụ có đóng góp khá nhiều trên lĩnh vực nghiên cứu và dịch thuật sách Nho Nôm Việt Nam. Là người trực tiếp tiếp xúc với Đông Dương tạp chí (1913 - 1919) còn lưu tại nơi làm việc, Ngô Đức Thọ không thỏa mãn với các bản dịch Nam triều công nghiệp diễn chí, lần tái bản đổi tên là Mộng Bá vương (Việt Nam khai quốc trí truyện) của tác giả Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm (Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1990) và Hoàng Việt hưng long chí của Ngô Giáp Đậu (Nxb. Văn học, 1993); nên đã nhuận sắc, hoàn chỉnh lại như một bản dịch mới trên cơ sở văn bản hiện hữu. Với văn học cổ điển Trung Quốc, Ngô Đức Thọ là đồng dịch giả: Hậu thuỷ hử (ba tập của Thi Nại Am và La Quán Trung, Nxb. Văn học, 1994).  
     Những tác phẩm viết về tôn giáo như: Tây Dương Gia Tô bí lục (Nxb. KHXH,1981), Lục tổ đàn kinh của đại sư Huệ Năng (Nxb.Văn học, 1992), Thiền uyển tập anh (Nxb. Văn học, 1993), Nghiên cứu về khuyên phát tâm bồ đề của Pháp sư Diễn Bồi (Nxb. Hà Nội, 1994) Lời giáo huấn của Phật Đà của Walpola Rahula (Nxb. Tôn giáo, 1999), …đều được Ngô Đức Thọ dịch lại với văn phong hào sảng, trong sáng hơn, theo kịp với những thành tựu mới của sự phát triển tiếng Việt hiện đại. Phát huy sở trường chủ động giám định tư liệu, Ngô Đức Thọ giữ vai trò chủ biên, tổ chức biên soạn, trực tiếp tham gia dịch bổ sung, sửa chữa lại những tác phẩm sử học có giá trị lớn và quan trọng trong nền sử học Việt Nam. Chẳng hạn,  
Đại Việt sử ký toàn thư đã có bản dịch lược của Mạc Bảo Thần năm 1944 và bản dịch khá trọn vẹn 4 tập năm 1972 của nhóm túc nho Cao Huy Giu, Đào Duy Anh;  hoặc Văn bia  tiến sĩ văn miếu Quốc Tử giám đã có các bản dịch khác công bố từ trước năm 1954 trên Tạp chí Tri tân (1941-1946) và bộ sách Lê trều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký do Quốc gia giáo dục (1962). Mặc cho hai công trình sử liệu này đã bản dịch tương đối phổ biến, song do mỗi văn bản có những biến dị khác nhau; đến lượt Ngô Đức Thọ nhìn nhận, tác phẩm sử học, tư liệu văn khắc được năng cao hơn giá trị sử dụng, khẳng định vững chắc hơn sức thuyết phục của tư liệu cần trích dẫn.

    Các công trình tra cứu mang tính chất từ điển đặc biệt có giá trị như: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Từ điển di tích lịch sử văn hóa Việt Nam (1995) do Ngô Đức Thọ chủ biên, được nhiều người sử dụng và dẫn lại trong các công trình nghiên cứu của mình. Chỉ tính 5 năm sau khi nghỉ hưu, ba công trình: Đồng Khánh địa dư chí (2003), Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứ của Trần Ích Nguyên (Nxb. Lao động, 2008), Ngô Đức Kế - Cuộc đời & tác phẩm (2008).Như vậy, hàng ngàn trang bản thảo đã được xử lý nhanh trong khoảng 5 năm sau khi nghỉ chế độ hưu trí.

   Thật là một khả năng làm việc tuyệt vời, ông đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. Với 40 hơn đầu sách nghiên cứu, dịch thuật… riêng, chung, và gần 200 bài đăng báo chí, giáo sư Ngô Đức Thọ là một trong những nhà nghiên cứu có số lượng tác phẩm khá nhiều về tư liệu và sử liệu có liên quan đến lịch sử - văn hóa Việt Nam. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao giải Dịch thuật cho dịch giả Ngô Đức Thọ  năm 2013.

   Những ý kiến thiết thực của giáo sư Ngô Đức Thọ về Binh thư yếu lược, Thần tích Hùng Vương…đều gợi mở cho giới nghiên cứu học thuật cần nhìn nhận lại vấn đề một cách chuẩn chính hơn. Ngoài những thành tựu đã công bố; năm, sáu năm cuối đời, Ngô Đức Thọ vẫn đã cùng đồng nghiệp nỗ lực làm bộ Từ điển Hán Việt trên cơ sở ngữ liệu Hán văn Việt Nam, với khoảng 12.500 mục từ đơn, 16.500 mục từ ghép, 215.000 dẫn liệu xuất xứ từ thư tịch, bi ký Việt Nam; với 85.000 trích dẫn cho các mục, công việc vẫn còn đang hoàn thiện. Tin rằng, nhóm cộng sự với giáo sư Ngô Đức Thọ sẽ tiếp tục hoàn thiện.

   Kể từ nay, Ngô Đức Thọ đã “cỡi hạc lên tiên”, nhập cõi hư vô, trở về với sinh khí, với tổ tiên nơi quê cha đất tổ! Chắc rằng niềm tiếc thương đồng nghiệp sẽ chuyển đổi thành ý nguyện noi gương, lao động quên mình trong lĩnh vực cuộc đời mỗi người được trao gửi, và những thế hệ sau sẽ ghi nhớ những thành tựu đóng góp khoa học.

 Khói hương tỏa nỗi niềm man mác

Tưởng đâu đây phảng phất dáng đi về

Hồn sông núi đón linh hòa vào cõi !

Xin kính cẩn ngiêng mình vĩnh biệt!

      Giáo sư Ngô Đức Thọ là một tấm gương lao động hết mình, có tính khiêm tốn, kiên trì học hỏi, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn về mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét