Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

NGƯỜI TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN XẤU XÍ NHƯNG ĐÃ TRỞ NÊN THÔ BỈ


                                              ĐỜI SỐNG, VĂN HỌC VÀ LỊCH SỬ

(tiêp theo và hết thảo luận)

(Diễn văn đọc tại Phân khoa Sử, Đại học Stanford, San Francisco, ngày 22-08-1981)




Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những cuộc xét lại mình, thông qua các cuốn sách về thói hư tật xấu, họ nhận diện và khắc phục sai lầm.

Một số cuốn sách viết ra dưới dạng nghị luận bàn thẳng về thói hư tật xấu của một quốc gia, nhưng cũng có những tác phẩm hư cấu, thông qua các hình thức văn chương ám chỉ những khuyết điểm của một đất nước.

Cuộc xét lại thẳng thắn vào văn hóa hàng nghìn năm Trung Hoa

Cuốn sách nổi tiếng nhất trong thể loại sách phản tỉnh có lẽ là Người Trung Quốc xấu xí (Xú lậu đích Trung Quốc nhân) của Bá Dương, tại Việt Nam, sách phát hành với tên Khoe bàn chân nhỏ. Cuốn sách là tập hợp những bài viết và diễn giảng của tác giả về những mặt xấu xí cũng như căn tính kém cỏi của người Trung Quốc.






Thảm họa Thiên An Môn năm 1989



PHẦN THẢO LUẬN



     Thính giả: - Ông vừa nói đến chế độ phong kiến dày xéo nhân quyền, cụ thể trong thời nhà Minh. Thực ra tình hình phương Tây thì có khác gì? Tôi nghĩ văn hóa hóa Tây phương cũng trải qua những thử thách của thời đại quân chủ chuyên chế như vậy, nhưng tại sao họ lại có thể đẻ ra được quan niệm nhân quyền và chủ nghĩa tự do mà Trung Quốc cho đến ngày nay vẫn không làm được?

     Bá Dương: - Rất tiếc tôi không thể trả lời vấn đề này. Cứ cho rằng chúng ta không thể hiểu được vì sao người phương Tây lại ăn bằng dao nĩa mà người Trung Quốc lại ăn bằng đũa. Văn hóa phát triển dần từng bước, hai nền văn hóa này từ thuở xa xưa không có gì dính dáng với nhau, không có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau, mỗi cái phát triển theo mô hình riêng của nó. Sinh hoạt của từng cá nhân và vận mệnh của mỗi dân tộc thường bị những yếu tố rất lớn hoặc đôi khi rất nhỏ làm chuyển đổi phương hướng. Nhưng chúng ta lại không hiểu cái nhân tố lớn, nhỏ ấy là cái gì và ở đâu.

     Thính giả: - Những điều ông vừa nói làm chúng tôi cảm thấy buồn về cái thời trẻ tuổi lạc quan của chúng tôi. Tôi thuộc vào thế hệ những người lớn lên sau chiến tranh, và từ trước đến giờ tôi vẫn cho rằng thế hệ chúng tôi từ cách suy nghĩ cho đến nếp sống xã hội đều nhất nhất không giống thế hệ đàn anh. Nói ví dụ, hiện giờ tôi không làm quan chức gì, nhưng biết đâu có một ngày nào đó tôi lại chẳng có một chức vị, để rồi chỉ có quan tính mà mất nhân tính. Nhưng dù có rơi vào trường hợp đó, tôi tin rằng cái quan tính của tôi so sánh với quá khứ vẫn ít hơn một tý, mà nhân tính nhiều hơn một tý. Tuy nhiên hôm nay ông nói vậy, tôi lại thấy không giống cách nghĩ của tôi.

      Bá Dương: - Tôi nghĩ tôi chỉ nói lên sự thực lịch sử. Nhưng vì thời đại và hoàn cảnh vẫn đổi thay, giáo dục tiến triển, có thể ngày nay rồi sẽ không như thế nữa. Vả lại tôi tin tưởng vào sự thành tâm của anh và tin rằng anh sẽ làm được chuyện ấy. Thính giả: Tôi vẫn thấy cách giải thích của ông khác tôi. Bá Dương: Tôi cần nhấn mạnh thêm rằng cái chuyên chế chính trị ở Trung Quốc với cái chuyên chế chính trị của Tây phương về nồng độ và kích thước hoàn toàn không giống nhau. Tôi học sử phương Tây không nhiều, nhưng nếu đem so sánh thì chuyên chế Trung Quốc rất cực đoan.

     Ở cung đình phương Tây chỉ quỳ một gối, trừ phi đối với thượng đế thì mới quỳ hai gối. Ở Trung Quốc không những phải quỳ cả hai gối mà còn phải khấu đầu, thậm chí đập đầu xuống đất cho kêu thành tiếng (Khải hưởng đầu). Cuối đời nhà Thanh có câu: "Đập đầu nhiều, nói ít" (Đa khải đầu, thiểu thuyết thoại). Cái khái niệm nội tại cùng trình độ của chuyên chế Trung Quốc e rằng Tây phương không thể so sánh nổi. Tôi được thấy một bức tranh sơn dầu vẽ Louis XIV (Lu-is XIV) của Pháp. Ông này ngồi giữa, các đại thần và hoàng hậu ngồi chung quanh. Cái cảnh này không thể nào có ở Trung Quốc được, các đại thần ở Trung Quốc nhất định phải nơm nớp lo sợ, lấm la lấm lét quỳ mọp chung quanh.

     Thính giả: -  Xin ông cho biết ý kiến về chữ giản thể (chữ Hán đơn giản hóa, dùng ở lục địa, so với chữ cũ nhiều nét vẫn dùng ở Đài Loan).

     Bá Dương: - Tôi tán thành chữ giản thể, lại càng tán thành việc phải phiên âm tiếng Trung Quốc. Tối hôm qua nhiều bạn tụ tập nói chuyện về vấn đề này, đại khái không ai nhất trí. Cái tâm lý bị bế tắc của những người phản đối chữ phiên âm cần phải được giải tỏa. Lấy ví dụ, lúc gọi điện tôi hỏi anh họ gì? - Tôi họ Lưu! Chữ Lưu này viết thế nào có lẽ trên điện thoại khó mà giải thích cho rõ ràng được. Nếu tôi bảo anh đi tra từ điển, dĩ nhiên không phải tra được ngay, tra đến lần thứ hai, thứ ba vẫn không thấy chắc phải nổi điên lên. Ngày xưa chúng ta trách cứ cổ văn không có dấu chấm câu, không biết ngắt câu thế nào và hiểu làm sao. Có ai đọc qua "Sử đời Nguyên" chưa? Tên Mông Cổ như mớ bòng bong, dài lòng thòng không biết là mấy người.

     Ngày nay tuy đã có dấu chấm câu, nhưng những khuyết điểm lớn của cái loại chữ vuông này lại càng lộ rõ. Vấn đề đầu tiên là tách chữ. Vì tiếng Trung Quốc có nhiều từ ghép, dù biết hết các chữ đơn ở trong câu cũng chưa chắc đã hiểu. Sau đó là không thể phiên âm. Loại chữ vuông này thông thường chữ nào đọc riêng chữ đó, không thể dính liền âm tiết lại với nhau, nên phải phí rất nhiều sức lực để tập trung mới hiểu được ý từ những âm tiết rời rạc đó. Ví dụ tôi nói "Tôi từ Mã-lai-xi-a đến" (Ngã tòng mã lai tây á lai), ở đây chữ Malaisia phải liên âm và cách âm với chữ lai sau đó. Nếu không "Mã lai" (ngựa đến), "Tây á lai" (Tây á đến), và nếu có em bé nào lại lấy tên là Tây á thì câu nói này lại thành vấn đề lớn. Ngày nay máy chữ, điện não (máy tính điện tử) đánh nhanh biết bao, tôi chỉ sợ rằng cái thứ chữ vuông này không thể nào bắt kịp bước tiến. Tôi chỉ mơ ước có được một cái máy đánh chữ tiếng Trung Quốc để khỏi phải ngày ngày làm cái loại động vật bò lên trang giấy. Nhưng phiên âm tiếng Trung Quốc không phải dễ, chủ yếu vì cái trở ngại tâm lý nơi chúng ta, vì chúng ta cho rằng dùng ABCD là dùng mẫu tự tiếng Anh, chữ phiên ra là tiếng Anh. Kỳ thực không phải như vậy. Chúng ta phải hiểu là chữ ABCD này là mẫu tự Trung văn. Chữ phiên ra là chữ Hoa, không đến nỗi có cảm giác nhục nhã vì bị đồng hóa. Đúng vậy, nó là tiếng Trung Quốc, tiếng Hoa chứ không phải tiếng Anh, tiếng Đức. Nếu dùng ABCD mà lại thành tiếng Anh thì người Đức, người Pháp có thể tức chết được.

     Văn tự hoàn toàn là công cụ, giống như cái xe, anh mua nó thì nó là của anh, ai mua nó thì nó là của người đó. Kỳ thực nếu chúng ta dùng văn tự phiên âm ngay hôm nay, người chết đói đầu tiên sẽ là tôi vì tôi đang dùng cái loại chữ vuông này để kiếm cơm. Nhưng tôi cảm thấy sinh mệnh của riêng mình rất ngắn ngủi, những lý do chính trị cũng rất ngắn ngủi, chỉ có văn hóa dân tộc là quan trọng, rất quan trọng. Nhất là các vị tại Mỹ, các vị có thể thấy con cháu đời thứ hai nói được tiếng Trung Quốc mà không viết được. Khó như thế thì làm sao mà dậy chúng? Cứ như chữ Quốc (nước) viết thế nào? Muốn biết nó chỉ có cách học thuộc lòng, không có phương pháp nào khác. Ngay cả lúc trẻ con gào lên: "Tôi ghét tiếng Trung Quốc! " mà chúng ta vẫn còn chưa thức tỉnh sao? Chúng ta không thể làm cho những khó khăn trên đường tiến bước của Trung Quốc tăng thêm, không thể tự xích tay, cùm chân được. Người Trung Quốc xấu xí Bá Dương Dịch giả: Nguyễn Hồi Thủ 43/116 Tại sao lại phải sống cho quá khứ, cho tổ tiên thay vì sống cho con cháu mình? Nếu chỉ vì phiên âm mà rồi không đọc được sách cổ nữa thì cũng chả sao. Hiện giờ chưa phiên âm mà anh đọc cũng đã chẳng hiểu rồi còn gì! Việc quá khứ, việc tổ tiên, chúng ta có thể nhờ một số người để chuyên đi quét dọn miếu đường.

     Chúng ta phải vì con cháu, vì thế hệ sau này, vì tương lai của nước nhà và dân tộc. Một ngày nào đó, nếu tiếng Trung Quốc bỗng nhiên trở thành tiếng quốc tế, chắc chắn nó không thể phổ cập được trừ phi dùng phiên âm. Hôm nay tôi nhai đi nhai lại những khuyết điểm của Trung Quốc chắc có người nghe bị mất tinh thần. Nhưng tôi thấy rằng cần như vậy, vì nếu cứ lải nhải khoe khoang những ưu điểm, đức hạnh, sự thông minh của mình, rồi sẽ chẳng còn ai tôn trọng mình nữa, vì chính mình đã không tôn trọng mình gì cả.

      Các bạn nên biết, những hoạn nạn của người Trung Quốc, không phải là chỉ của riêng người Trung Quốc mà còn là của cả thế giới. Một chiếc thuyền nhỏ chìm thì không sao, một chiếc tầu lớn bị chìm có thể cuốn theo vào vòng xoáy nước của nó những chiếc thuyền nhỏ xung quanh. Tại sao Nhật Bản lại đến xâm lược chúng ta? Chính vì sự yếu đuối của chúng ta đã dụ dỗ họ ra tay. Chúng ta phải tự cứu lấy mình. Điều đầu tiên để tự cứu là phải biết được những khuyết điểm của mình. Nếu không tự biết những khuyết điểm của mình thì chẳng khác gì suốt ngày chỉ nghĩ đến những chuyện đắc ý, chỉ sợ rồi cũng như Giả Bảo Ngọc (một nhân vật trong Hồng Lâu Mộng) suốt ngày luẩn quẩn với những ý tưởng dâm dật.

     Thính giả: - Tôi thường nghe được hai câu này - "Dĩ bất biến ứng vạn biến" (Lấy sự không thay đổi để ứng phó với mọi thay đổi), và câu "Báo thiện bất báo ưu" (Đáp lại bằng điều thiện, không đáp lại bằng sự lo buồn). Bá Dương: Đối với câu "Dĩ bất biến ứng vạn biến" thì tôi không dám có ý kiến gì, còn câu "Báo thiện bất báo ưu" tôi cho rằng đấy chỉ là một đặc trưng của giới quan trường.

      Thính giả (người Mỹ): - Hôm nay hình như ông chỉ nói về khuyết điểm của người Trung Quốc, tôi muốn xin ông cũng nói về những cái xấu của người Mỹ. Qua những sách ông đọc, những việc ông nhìn, ông thấy được những điều gì nước Mỹ cần phải học hỏi ở năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc?

      Bá Dương: - Về những điều xấu của nước Mỹ, chính người Mỹ đã nói lên nhiều rồi, đó là chỗ tôi rất khâm phục. Vì nước Mỹ có cái khả năng tự cân đối, tự phản tỉnh và tự điều chỉnh. Tự mình có chỗ sai trái đều dám tự nói ra, tự mình có thể tiếp thu, đánh giá. Đấy là những điểm mà người Trung Quốc chúng tôi không có được. Dĩ nhiên nước Mỹ không phải mười phần toàn mỹ, vì trên thế giới này chưa có gì như vậy, mà nước Mỹ nếu như vậy chỉ sợ rồi nó sẽ xơ cứng mất.

     Thính giả: - Lúc ở đại học tôi có đọc qua vài tác phẩm của ông, tôi rất thích cái ngòi bút châm chọc, cay chua, mỉa mai những điều không hợp lý trong xã hội. Hôm nay, được nghe ông nói về những khuyết điểm của người Trung Quốc, tôi rất cảm động mà cũng rất khổ tâm, chán nản, buồn rầu. Nhưng tôi cho rằng cũng giống như một con bệnh, nếu đã biết mình bị bệnh tất phải tìm cách cứu chữa, thuốc thang.

     Tôi không biết trong các tác phẩm của ông có những gì mách bảo chúng tôi làm chuyện đó? Ngoài ra tôi muốn ông nói một tý về tình hình trên văn đàn Đài Loan, giới thiệu cho chúng tôi những tác giả và những tác phẩm hay.

     Bá Dương: - Tôi xin nói về vấn đề thứ hai trước. Trần Ánh Chân, Vương Tháp, Tam Mao, Ai Quỳnh Quỳnh, Trần Minh Bàn, Dương Thanh Toàn là những nhà văn hạng nhất. Tôi không đọc được nhiều vì ngồi tù mắt bị yếu đi, đọc chữ bé quá không được, mà sách báo Đài Loan chữ quá bé. Vấn đề này có lẽ phải xin nhà tôi đáp hộ. Nói đến khuyết điểm, đến bệnh tình của người Trung Quốc, tôi biết các bạn rất buồn và tôi cũng rất buồn. Bởi vì trước kia tôi toàn nghe nói đến những vinh quang của Trung Quốc, như kiểu Chu Nguyên Chương là một vị anh hùng dân tộc. Sau này tôi mới khám phá ra rằng không phải vậy. Trong lúc những người khác chiến đấu với quân Mông Cổ, thì y ở tại hậu phương mở rộng địa bàn của mình, đánh triệt hậu những người khác để chiếm đất, cuối cùng cướp chính quyền, hoàn toàn tính toán cho ý đồ riêng tư, chờ cho mọi người khác đánh xong quân Mông Cổ rồi y tọa hưởng kỳ thành. Phát hiện được chuyện này tôi rất lấy làm chán nản.

     Tôi nghĩ nếu muốn phục hưng dân tộc phải bắt đầu bằng việc thừa nhận các khuyết điểm, những sai trái của mình. Nếu không thừa nhận thì làm sao cải cách được? Không cải cách thì làm sao tiến được? Thời trước mình đã không thừa nhận vì không biết phân biệt phải trái, dù có thấy khuyết điểm cũng không dám nói. Nếu có kiểm thảo thì chỉ toàn thấy những điều hay. Cho nên chúng ta toàn bị người ta bắt nạt, lúc thì người này, lúc người nọ. Mỗi người Trung Quốc phải tự xét mình trước khi oán thán, kêu ca, trách cứ người khác.

     Tại Đài Bắc có cặp vợ chồng cãi nhau tìm tôi phân bua. Người chồng hùng hổ bảo: "Vợ tôi không yêu tôi". Tôi nói rằng nếu muốn người khác yêu anh, điều kiện đầu tiên là tự anh phải là người khả ái. Nếu tự mình không khả ái làm sao người khác có thể yêu mình. Nếu mình muốn người khác tôn trọng, thì trước hết phải có cái điều kiện để được tôn trọng. Cái điều kiện này không thể cứ chửi bới hoặc hô khẩu hiệu là có được. Ví thử nơi này là nơi không thể tùy tiện khạc nhổ mà anh cứ khạc nhổ; tiểu tiện phải vào nhà xí, anh lại cứ ở trên đại lộ mà làm, thì hỏi rằng làm sao người ta tôn trọng anh được? Vì vậy, để được tôn trọng chúng ta phải có những điều kiện tiên quyết, phải biết chúng ta khác người ở điểm nào, phải biết cái dở của ta, cái hay của người. Nếu anh bảo người Mỹ tốt, người ta sẽ bảo anh là sùng bái Tây phương. Sùng bái thì đã sao? Hệ tư tưởng của chúng ta ngày nay, về kinh tế, học thuật, dân chủ, chính trị, nhân quyền có cái nào là do cha ông chúng ta truyền lại không?

      Chế độ xã hội, hình thái ý thức, phương thức sinh hoạt đều do từ nước ngoài đến, có cái nào là truyền thống không? Những sinh hoạt vật chất của chúng ta như xe ô-tô, máy bay, kính mắt, cách cắt tóc, cạo râu, nhà ở,..v.v... đều chẳng phải do người Trung Quốc phát minh ra. Cho nên tôi thấy không phải là vấn đề sùng bái mà là vấn đề học tập. Hiện nay ở Đài Bắc người ta thích ăn gà ta, mà tôi cũng rất thích, không ai thích ăn gà tây, không ngon thành ra không ai ăn cả. Tóm lại cái gì hay thì người ta thích. Cái tinh thần người Trung Quốc không hiểu thế nào mà hễ cứ tôn sùng Tây phương là họ nghĩ tất yếu phải nịnh bợ nước ngoài. Không hiểu vì sao lại đưa đến cái kết luận đó? Sùng bái ở đây chẳng qua là học những ưu điểm của họ. Ví dụ có một ngày nào đó người Mỹ đều hút thuốc phiện tự sát, chẳng nhẽ chúng ta cũng lại bắt chước họ sao? Chúng ta phải có cái tiền đề là làm sao cho người ta tôn trọng mình, phải có khả năng tự tìm hiểu mình. Đó là điều kiện tối cần để dân tộc mình có thể tồn tại và phát triển. Trách tới trách lui rồi chung quy cũng chỉ đi trách người khác thì không thể nào cứu được dân tộc. Dân da đỏ nói mãi là người da trắng giết hại họ, họ thù hận đến xương tủy, nhưng thù họ thì làm được gì? Phải tự mình mạnh lên mới được. Không tự ngoi lên được, trong tương lai có thể còn bị giết nhiều hơn nữa. Không nên trách cứ oán thán ai cả, mà phải thấy được cái sai, khuyết điểm của mình thì mới có khả năng khá lên được.

     Thính giả: - Trong quyển Những con trùng dậy sớm ông lên án những tiểu thuyết huyền ảo, khuyên mọi người không nên xem tiểu thuyết kiếm hiệp. Trên nguyên tắc tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng Nghê-Khuông lại bảo: "Ở trên đời nếu không đọc tạp văn của Bá Dương đã là một sự mất mát lớn, nếu không xem được chuyện kiếm hiệp của Kim Dung lại là một sự mất mát lớn khác nữa". Không hiểu ông nghĩ gì về câu nói này?

     Vấn đề thứ hai là nghe nói lúc ở Lục Đảo ông đọc rất nhiều sách về tướng số. Tôi cho rằng môn tướng số là một bộ phận của văn hóa Trung Quốc rất thần bí, ông nghĩ sao?

      Bá Dương: - Khi tôi viết quyển sách đó tôi chưa đọc tác phẩm của Kim Dung, bởi vì thời đó tiểu thuyết của Kim Dung chưa xâm nhập vào Đài Loan (từ Hồng Kông). Sau khi đọc Kim Dung rồi thì không thể đọc các loại truyện kiếm hiệp khác. Tôi đọc qua Vương Độ Lư, Bất Tiêu Sinh và rất nhiều kiếm hiệp khác. Nhưng sau khi đọc Kim Dung rồi, thấy chẳng ai sánh kịp. Cái trình độ văn tự, cảnh ý của Kim Dung đều cực giỏi, thêm nữa tiểu thuyết kiếm hiệp của ông ta lưu hành ở nước ngoài nên ý nghĩa lại càng lớn. Nó làm mọi người say mê, giúp phổ cập hóa tiếng Trung Quốc. Ông ta viết quả là hay, bút pháp thật tài tình, đúng là không tiền khoáng hậu, tôi rất khâm phục. Lúc ngồi tù tôi cũng đã đọc nhiều sách tướng số. Vì 12 năm vừa qua, thời cuộc đổi thay, có khả năng tôi không kiếm được cách sinh nhai, định ra ngồi lề đường bốc quẻ. Tôi đọc được hơn một năm. Sau đó có người bảo tôi là một chính trị phạm không được phép làm thầy bói, cho nên tôi cũng bỏ luôn.

      Nói đến vận mệnh thì tôi tin là có. Các bạn trẻ thường không tin số mệnh, tôi thời trẻ cũng thế. Tăng Quốc Phiên có một lần nói với Lưu Thứ Thanh rằng: "Đừng tin sách, tin số mệnh". Lưu Thứ Thanh bảo: "Lời nói đúng, truyền vạn thế". Đời người có những thứ mình không thể khống chế, nếu không dùng số mệnh để giải thích thì dùng cái gì để giải thích được? Những hiện tượng không thể điều khiển được, chúng ta gọi là vận mệnh, anh gọi là "bất vận mệnh" cũng được, miễn là đặt cho nó một cái tên. Tối hôm qua, phi cơ của Đài Bắc Viễn Đông Hàng Không bị nổ. Trước đó tôi có hay dùng phi cơ từ Đài Bắc đi Cao Hùng để khám mắt, nhưng bình thường vẫn chỉ ngồi viết bài tại tòa soạn Đài Loan thời báo, còn chủ báo là Ngô Cơ Phúc và Tổng biên tập Tô Đăng Cơ rất hay đi đi về về giữa Cao Hùng và Đài Bắc bằng phi cơ, nên hiện nay tôi rất lo cho họ. Đấy chỉ là một dẫn chứng. Anh có thể cho phi cơ bay được, nhưng không thể làm cho phi cơ tránh được những chuyện xảy ra ngoài ý muốn.

     Thính giả: - Hôm nay là lần đầu tôi được gặp ông tại nước ngoài sau những năm ông bị tù đày. Tôi có một chuyện nhỏ muốn hỏi là sau bao năm khổ ải ấy bây giờ đứng trước mọi người đây, cái tâm tình của ông như thế nào, ông có gì để nói về những gian truân ấy?

      Bá Dương: - Tôi cho rằng riêng tôi chẳng có gì thay đổi cả. Trong nhà lao cái gì phải khóc thì tôi đã khóc, lúc phải cười thì tôi cũng đã cười. Có người bảo ở trong tù thì mặt ủ mày ê, đó là chưa thật ở tù. Nếu 10 năm mà lúc nào cũng sầu não thì sống thế nào được? Lúc được vui thì cứ vui, đó là cách nhìn của tôi. Nhất là đời người mà gặp hoạn nạn như tôi, thậm chí nghiêm trọng tưởng có thể bị tử hình, sau bị xử 12 năm tù. Mười hai năm là một khoảng thời gian rất dài chả lúc nào thích ứng được. Gia đình lại xảy ra biến cố, nào vợ xa chồng, chồng xa vợ, dù hẹn biển thề non lúc này đều hoàn toàn thay đổi. Ngoài ra lại còn tác động đến tình bè bạn, đột nhiên rất nhiều bạn đâm ra sợ tôi. Có những bạn, bình thường có thể phó thác tài sản tính mạng được, bây giờ bỗng dưng thay đổi hẳn. Có những người chẳng thân thiết gì lại nhờ vả được. Cho nên tôi quan niệm rằng không thể khái quát hóa vấn đề này được, nó tùy theo mỗi trường hợp riêng.

     Tôi ngồi tù được hai tháng thì vợ tôi bỏ tôi, chưa được hai năm sau thì chính thức ly hôn. Tôi ký giấy ly hôn gửi cho vợ tôi, cô ta hỏi còn đồ đạc của anh thì sao ? Tôi hỏi đồ đạc nào? Đồ đạc trong nhà vốn tất cả là của tôi. Tôi bảo cho cô ấy toàn quyền định đoạt, những cái gì thuộc về tôi thì cứ vứt hết ra đường, vì ở Đài Loan tôi không có người thân, chẳng có chỗ nào để cất giữ. Tôi nghĩ đấy là một trường hợp cá biệt, chẳng phải người đàn bà nào cũng như vậy. Đàn ông cũng thế, cũng có người thay lòng đổi dạ, nhưng không phải tất cả đàn ông trong thiên hạ này đều như vậy. Bạn bè thì cũng chẳng khác mấy, có bạn lại sợ tôi mượn tiền, có người thì dậu đổ bìm leo, chờ người ngã xuống giếng để ném đá theo, có người chẳng đoái hoài đến mình nữa, có người lại lên án kịch liệt, chỉ muốn tôi bị xử bắn đi cho rồi. Cái này cũng chỉ là vài trường hợp cá biệt và cũng chỉ có dăm ba người nào đó như vậy thôi. Vẫn còn những người khác sẵn sàng giúp đỡ mình. Sự thật là như vậy. Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị mất mát, có mất chăng, đó là những kẻ không phải là bè bạn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét