Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

NÓI THÊM VỀ ÔNG BẠN LÁNG GIỀNG XẤU BỤNG


Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Trò chuyện với Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà báo Hồng Minh thực hiện.

- Thưa ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được trò chuyện với ông trong ngày đầu tuần này. Bạn đọc rất tâm đắc với bài báo của ông: “Nhắc lại: Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc”. 

     - Vâng! Rất cám ơn bà và bạn đọc đã đồng hành cùng tờ báo của chúng ta.
     - Tại sao trong bài báo của mình, ông lại nói là: “Nhắc lại...”. 

     - Nhắc lại vì đây là chuyện đã nói rồi. Trò ngang ngược của Trung Quốc diễn ra thường xuyên và chúng ta đã cảnh cáo nhiều lần. Bản thân tôi cũng đã có đến cả trăm bài báo lên án Trung Quốc. Có bài tôi viết trực diện. Có bài trò chuyện với phóng viên. Thay đổi thế để bạn đọc dỡ tẻ. Cách tiếp cận chuyện thì cố gắng cho có vẻ mới chứ vấn đề lại cũ. Vì đó vẫn là những trò khiêu khích quấy nhiễu cũ rích của Trung Quốc.

     Trung Quốc không phải người bạn 4 tốt như họ vẫn thề thốt, rêu rao. Mà nói cho thật công bằng thì đó là ông láng giềng 4 xấu. Xấu đến tận cùng xấu. Trong khi họ cứ chửi các nước tư bản, lấy các nước tư bản làm con ngoáo ộp dọa ta, nhắc ta phải giữ vững định hướng Xã hội chủ nghĩa, Trong khi con ngoáo ộp tư bản còn tử tế gấp vạn lần Trung Quốc. Họ có lấn biển lấn đất của ai đâu. Họ sống rất nhân bản và thân ái với nhau. Như bài trước tôi nói, các nước tư bản hầu như không có biên giới, không có hải quan, từ nước nọ sang nước kia cứ thẳng một lèo, trong khi Trung Quốc lấn của ta từng mét đất, cướp 7 đảo của ta ở Trường Sa và cướp cả đảo Hoàng Sa. Đấy là hòn đảo lớn nhất của ta, lớn gấp chục lần đảo Trường Sa và đấy cũng là hòn đảo duy nhất có nước ngọt. Cha ông ta đã sống ở đó từ ngàn đời. Và không dừng ở đấy. Bao lần họ trắng trợn ra thông báo với cái gọi là “Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông” trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến hết cả Vịnh Bắc Bộ, bao trùm toàn bộ ngư trường truyền thống của ta. Họ đâm chìm thuyền đánh cá của bà con ta. Có bạn tốt nào lại như thế không? Họ còn rêu rao họ là Đối tác tốt, Láng giềng tốt. Họ tốt ở chỗ nào. Đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông họ là Đối tác đấy. Thật kinh hoàng. Chỉ có 13 km mà 16 năm không xong. Đã chết bao nhiêu người vì tai nạn khi làm con đường này. Chúng ta còn sống dở chết dở vì nó với đống nợ cao tày núi và đã phải trả nợ từ năm 2017 đến nay rồi, dù chưa sử dụng được và sẽ còn rất lâu mới sử dụng được. Tuyến đường này vẫn còn thiếu vốn để hoàn thành nhưng tôi nghĩ, chúng ta không nên chi thêm một xu nào vào cái công trình bẩn thỉu đó nữa. Nên để nguyên trạng làm bảo tàng ngoài trời. Bảo tàng cảnh báo về sự nguy hiểm của Trung Quốc và nhóm lợi ích đã tàn phá tan hoang đất nước.
     Người dân rất mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thanh tra toàn bộ dự án này và đưa vào lò tất cả những kẻ rước giặc vào phá đất nước. Vấn đề nóng nhất của chúng ta bây giờ là chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải đường cao tốc. Đường bộ từ Bắc vào Nam của chúng ta hiện rất tốt. Đường Trường Sơn Hồ Chí Minh khánh thành mấy chục năm nay đã phát huy được hết hiệu quả đâu. Hà cớ gì cứ phải gấp rút làm thêm đường mới nữa...

     - Ông đã từng nói một câu rất ấn tượng rằng, cái bi kịch lớn nhất của chúng ta là phải sống bên cạnh một kẻ rất hiểm độc mà không thể dọn đi đâu để ở được...

     - Đúng vậy. Các cụ bảo “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Láng giềng gần mà như họ thì làm sao yên được. Chúng ta không yên từ đời ông cha ta cho đến tận bây giờ. Ta sẽ khốn khổ và lụn bại nếu cứ phụ thuộc vào Trung Quốc. Tất cả những nước “đánh đu” với Trung Quốc đều thảm hại. Ghê rợ nhất nhất là Pon Pốt Yêng sa ri. Một loại hồn ma bóng quỷ mà họ dựng lên, chỉ nghe tên, nhân loại đã khiếp sợ. Tôi đố các vị tìm thấy một công trình nào Trung Quốc làm cho ta mà tử tế? Tôi cũng đố các vị tìm thấy một quốc gia nào chơi với Trung Quốc mà giàu có phát triển. Không! Có bói cũng không ra, có dùng kính hiển vi soi cũng chẳng thấy. Trung Quốc luôn đề cao 4 tốt với 16 chữ vàng nhưng sự thật, họ phá ta không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả những việc làm rất bần tiện, như cho thương lái sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, bà con nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành. Rồi họ lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn vật vã mới có 5 triệu bạc, mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã hơn một triệu bạc rồi. Thế là bà con nhẹ dạ cứ lột móng trâu đem bán. Kết cục là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc. Và rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc Thương lái Trung Quốc hướng dẫn bà con ta làm chè bẩn để mua với giá đắt với số lượng rất lớn. Làm được bao nhiêu mua hết từng ấy. Họ yêu cầu người làm chè trộn phân trâu hoặc nước bùn vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được một loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế để làm gì thì chỉ có ma quỷ mới biết.

     Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè Việt Nam, với lý do chè Việt Nam bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy thì còn có quốc gia nào giám ký kết, đặt mua chè của ta? Hậu quả là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè xiêu điêu. Hàng loạt doanh nghiệp chè bị phá sản. Rồi họ bày cho bà con nông dân ta nuôi ốc bươu vàng để họ thu mua với giá cao. Rốt cuộc đồng ruộng chúng ta tan hoang vì nạn ốc bươu vàng. Và còn rất nhiều, rất nhiều. Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta không thể tin Trung Quốc được. Càng không thể phụ thuộc vào Trung Quốc.

     Trung Quốc chưa bao giờ là bạn của ta chứ đừng nói là bạn Bốn tốt. Họ giúp ta đánh Mỹ thực chất là ta cũng đánh cho họ. Họ góp của còn ta góp máu. Chẳng có gì so được với máu. Nói như Chế Lan Viên:

     Hỡi con thỏ hoà bình đang tìm nơi gặm cỏ

      Súng ta nổ cũng là vì mi đó

     Họ nói: “Các đồng chí cần phải đánh theo chiến thuật trường kỳ mai phục. Đời mình không xong thì đời con đời cháu. Và các đồng chí chỉ nên đánh ở cấp trung đội”. Đánh ở cấp trung đội thì bao giờ mới thống nhất được đất nước? Thực chất Trung Quốc chỉ muốn chúng ta làm cho Mỹ mệt mỏi, kiệt quệ, và cứ ở mãi trong tình trạng chiến tranh, để Trung Quốc có điều kiện vượt lên. Chúng ta vừa kết thúc chiến tranh, họ đã xúi Pôn pốt đánh ta ở các tỉnh biên giới phía Nam. Khi chúng ta giúp Căm pu chia thoát khỏi nạn diệt chủng thì họ trực tiếp đánh ta dọc sáu tỉnh biên giới phía Bắc với hàng vạn quân hung hãn. Họ đã lộ nguyên hình kẻ thù từ ngàn đời. Và bây giờ, khi đã quá hiểu họ rồi, chúng ta không nên để họ lừa gạt rồi cướp đất cướp biển của ta nữa.

- Có cách nào thoát được họ không?

-Hãy học cha ông thôi. Cha ông đã thoát họ bằng chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa. Thời hiện đại, Tướng Giáp cũng thoát họ bằng đánh chắc thắng chắc. Nhờ thế mới có Điện Biên Phủ. Nếu nghe họ đánh nhanh thắng nhanh thì toàn bộ quân đội non trẻ bị tuyệt diệt rồi. Cụ Lê Duẩn và những người cộng sự của cụ cũng thoát họ để thống nhất đất nước. Bây giờ chúng ta cũng phải thoát họ mới tồn tại được.

     Với Trung Quốc phải khôn khéo, mềm mại nhưng rắn. Thế giới đang đứng bên cạnh chúng ta. Nếu họ gây hấn, phải lên tiếng ngay bằng tất cả các kênh truyền thông để thế giới biết. Đừng để kênh xã hội nói rồi chúng ta mới nói theo. Rất nguy hiểm. Kênh xã hội một tin đúng thì chục tin vịt. Cần nói ngay để dân biết, thế giới biết và Trung Quốc cũng sẽ ngại. Dừng tuyến đường cao tốc, không để Trung Quốc len vào. Tuyến đường đó làm sau. Chúng ta nợ công quá nhiều, không sa vào bẫy nợ của Trung Quốc. Nếu đưa ra đấu thầu, chúng ta không thể ngăn được họ, vì ngăn họ, chúng ta phạm luật đấu thầu quốc tế, mà để họ thắng thì chúng ta lụn bại. Cần nhìn đường sắt Cát Linh Hà Đông làm một bài học đẫm máu. Tiền làm đường cao tốc, chúng ta trang bị vũ khí hiện đại rải dọc bờ biển. Với vũ khí hiện đại, chỉ rải dọc biển chúng ta cũng giữ yên được biển đảo của mình mà không cần xuất quân ra biển. Trung Quốc không làm được điều đó vì họ ở quá xa. Máy bay có ra oanh kích ở bãi Tư Chính thì cũng không còn nguyên liệu để quay về. Không quân chỉ phát huy được hiệu quả khi có tàu sân bay. Mà tàu sân bay thì chỉ tên lửa diệt hạm từ dọc bờ, ta cũng thổi bay được. Cùng với cảnh giác, sẵn sàng đáp trả, chúng ta cần liên minh với các nước trong khu vực cùng cảnh ngộ như Nhật, Hàn, Ấn Độ. Đây không phải “liên minh với nước này để đánh nước khác”. Ta không đánh ai cả. Chẳng ai dại dột đánh Trung Quốc, đánh một kẻ mạnh hơn mình về tất cả mọi phương diện. Ta chỉ đáp trả để tự vệ khi không còn con đường nào khác. Để tự vệ cũng cần liên minh. Liên minh là để tự vệ. Cũng có người bảo tôi: Đừng có làm Trung Quốc nổi giận. Họ đóng cửa khấu: 80% hàng hoá nông sản của bà con nông dân không thông quan được thì ai chết trước? Chúng ta thương bà con chúng ta chứ. Chúng ta cũng cần có tiền trả nợ cho họ trong vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nhưng nói thế cũng chỉ là nhìn thiển cận một chiều. Họ nhập 80% hàng nông sản chất lượng của ta, mà toàn là hàng được kiểm định kỹ, nhưng họ tuồn sang ta cũng đủ loại nông sản độc hại qua các đường tiểu ngạch, có khi còn lớn hơn hàng họ nhập. Và hàng của họ thì không thể kiểm soát được. Hiện nay số người bị bệnh ung thư rất nhiều. Ai dám chắc trong đó không có sự tác hại của hàng hoá Trung Quốc? Hiện nay họ lại hoành hành ở Biển Đông. Chúng ta đã kìm nén đấy chứ. Nhưng nếu vượt quá ngưỡng thì chúng ta phải tự bảo vệ mình bằng con đường hoà bình. Và cach bảo vệ tốt nhất là ta kiện Trung Quốc ra toà Quốc tế. Kiện là Trung Quốc thua. Vì họ không có cơ sở pháp lý nào cả. Bản đồ của họ từ năm 1904 đời Nhà Thanh trở về trước chỉ đến Đảo Hải Nam là hết, làm gì có Trường Sa, Hoàng Sa. Nếu kiện họ là ta thắng và nhân thể ta đòi lại cả Trường Sa, Hoàng Sa mà họ chiếm giữ trái phép bấy lâu nay. Tất nhiên, ta cũng biết họ sẽ bất chấp phiên toà như trường hợp Philippin thắng kiện, nhưng về dư luận quốc tế, họ thảm bại…


- Cám ơn ông


                                                                                                             MINH HỒNG ghi 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét