Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

TRUYỆN KIỀU NHỮNG PHÁT HIỆN NGAY TRÊN MẶT CHỮ

 

Tác giả  NGỌC CĂN

TRUYỆN KIỀU (Kiều), (K) được Nguyễn Du sáng tác bằng chữ Nôm. Sau đó được chuyển sang in phổ biến bằng chữ quốc ngữ. Ngày nay độc giả hầu như chỉ biết đến Kiều qua những bản in bằng chữ quốc ngữ.

Nhìn vào bản Kiều chữ quốc ngữ, tôi và nhiều người sẽ dễ dàng phát hiện ra những điều nho nhỏ lý thú.

I. “Phát hiện” của nhà thơ Vương Trọng về những câu Kiều có đủ 6 thanh (dấu: không - huyền - sắc - hỏi - ngã, nặng).

Đó là những câu:

1. Những câu Lục (3 câu)

- Câu 935:  “Cởi xiêm lột áo sỗ sàng”

- Câu 1435: “Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu”

- Câu 1541: “Dại chi chẳng giữ lấy nền:

2. Những câu Bát (15 câu)

- Câu 114: “Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa”

- Câu 322: “Kẻ nhìn rõ mặt người e cúi đầu”

- Câu 406: “Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này”

- Câu 466: “Đã lòng dậy đến, dậy thì phải vâng”

- Câu 510: “Tiết trăm năm lỡ bỏ đi một ngày”

Cùng 10 câu (894, 936, 1114, 1540, 1682, 1724, 2318, 2380, 2702, 3168)

Và may mắn có 01 cặp LỤC BÁT ĐA THANH

- Câu 935:  “Cởi xiêm lột áo sỗ sàng”

- Câu 936: “Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm”

II. Tôi (Ngọc Căn) “phát hiện” ra:

1. Những câu Kiều nhiều âm tiết (ÂT)

Tôi coi những câu Kiều nhiều âm tiết (ÂT) là những chữ phải có trung bình 4 (ÂT) trở lên. Thí dụ: NÀNG (4 ÂT), CHÀNG (5 ÂT). Như vậy:

Một câu LỤC phải có tối thiểu 4 x 6 = 24 (ÂT)

Một câu BÁT phải có tối thiểu 4 x 8 = 32 (ÂT)

Mới được coi là nhiều âm tiết. Như vậy:

a) Câu LỤC dài nhất trong Kiều là:

- Câu 1039: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” (28 ÂT)

Tiếp đến câu dài thứ hai:

- Câu 571: “Trông chừng khói ngất song thưa” (26 ÂT)

Và 4 câu có 25 âm tiết tiếp theo:

- Câu 459: “Nàng rằng hồng diệp xích thằng” (25 ÂT)

- Câu 609: “Thấy nàng hiếu trọng tình thâm” (25 ÂT)

- Câu 759: “Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng” (25 ÂT)

- Câu 2669: “Trong vòng giáo dựng gươm trần” (25 ÂT)

Còn những câu có tổng cộng 25 hoặc 24 ÂT thì rất nhiều nhưng đã để lọt những chữ 3 ÂT “không quý”. Thí dụ:

- Câu 1455: “Khen rằng: giá đáng Thịnh Đường” (25 ÂT)

- Câu 2477: “Bằng nay chịu tiếng vương thần” (25 ÂT)

b) 02 câu BÁT dài nhất trong Kiều:

- Câu 1792: “Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân” (36 ÂT)

- Câu 2378: “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay” (36 ÂT)

(Chỉ tiếc rằng câu trên còn để lọt chữ KẺ (2ÂT) và câu dưới để lọt chữ THA (3 ÂT)

Câu BÁT “dài và đẹp” nhất của Kiều phải là câu:

- Câu 424: “Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng” (32 ÂT), các chữ đều thuần 4 ÂT.

Một câu BÁT nữa cũng “dài và đẹp” “vừa vừa”

- Câu 904: “Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao (34 ÂT)

(Các chữ đều có trên 4 ÂT)

Ngoài ra còn có 07 câu BÁT có (35 ÂT)

- Câu 300: “Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai”

- Câu 1354: “Lượng trên trông xuống biết lòng có thương”

- Câu 2040: “Giác Duyên sư trưởng lòng lành liền thương”

- Câu 2212: “Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”

- Câu 2636: “Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang”

- Câu 2686: “Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng”

- Câu 2950: “Chàng Vương cũng cải nhậm thành Châu Dương”

Cũng còn 10 câu BÁT 34 ÂT và 18 câu BÁT 33 ÂT.

2. Những câu Kiều ít âm tiết

Là những câu phần lớn CHỮ chỉ có 2 ÂT trở xuống xen vào một hoặc hai CHỮ có 3 hay 4 ÂT.

a) Những câu LỤC ngắn nhất (5 câu):

- Câu 1547: “ Lo gì việc ấy mà lo” (14 ÂT)

- Câu 1915: “Có cổ thụ có sơn hồ” (14 ÂT)

- Câu 2359: “Đàn bà dễ có mấy tay” (15 ÂT)

- Câu 2845: “Khi ăn ở lúc ra vào” (14 ÂT)

- Câu 3195: “Ăn năn thì sự đã rồi” (15 ÂT)

b) Những câu BÁT ngắn nhất:

- Câu 3134: “Lễ đà đủ lễ, đôi đà đủ đôi” (18 ÂT) - ngắn nhất

- Câu 1248: Ai tri âm đó mặn mà với ai” (19 ÂT) - ngắn nhì

c) Những câu 3 âm tiết:

Những chữ có 3 ÂT (Mai, Lan) vốn rất cân đối, xinh như ngôi nhà một gian hai chái, trong Kiều có những câu mà các chữ “tuyền” 3 ÂT nhìn rất “bắt mắt”

+ Những câu LỤC

- Câu 487: KHI TỰA GỐI, KHI CÚI ĐẦU

- Câu 771: LỜI CON DẶN LẠI MỘT HAI

- Câu 905: MAI SAU DẦU ĐẾN THẾ NÀO

- Câu 1013: LÀM CHI TỘI BÁO OAN GIA

- Câu 1471: HUỆ, LAN SỰC NỨC MỘT NHÀ

- Câu 2401: RỒI ĐÂY BÈO HỢP MÂY TAN

            + Những câu BÁT:

- Câu 1272: LÀM CHO CHO HẠI CHO TÀN CHO CÂN

- Câu 1632: NÀO LỜI NON NƯỚC NÀO LỜI SẮT SON

- Câu 1716: CỬA NHÀ ĐÂU MẤT, LÂU ĐÀI NÀO ĐÂY

- Câu 1838: BẮT QUỲ TẬN MẶT, BẮT MỜI TẬN TAY

- Câu 2356: ĐỜI XƯA MẤY MẶT, ĐỜI NÀY MẤY GAN

3) Nguyên âm A trong Kiều:

Nguyên âm A rất phổ biến trong việc cấu tạo nên các CHỮ Việt.

Trong Kiều có nhiều câu cả LỤC và BÁT chữ nào trong câu cũng có nguyên âm A

 

a, Những câu LỤC ( 4 câu)

- Câu 1045 SÂn lAi cÁch mẤy nẮng mưA 6A/6

- Câu 1599 CÁch nĂm mÂy bẠc xA xA    6A/6

- Câu 2103 NÀy chÀng BẠc HẠnh chÁu nhÀ 6A/6

- Câu 3075 QuẢ mAi bA bẨy đAng vừA 6A/6

Ngoài ra đạt tỷ lệ 5A/6 thì rất nhiều, ước tính phải trên 50 câu

Thí dụ:

- Câu 83 ĐAu đớn thAy phẬn đÀn bÀ   5A/6

- Câu 573 TẦn ngẦn dẠo gót lẦu trAng 5A/6

- Câu 687 TrĂng giÀ độc địA lÀm sAo  5A/6

- Câu 1243 CẢnh nÀo cẢnh chẰng đeo sẦu 5A/6

- Câu 2031 CAnh khuyA thÂn gÁi dẶm trường 5A/6

…vv

b, Những câu bát đạt 8A/8 ( 3 câu)

- Câu 1716 CửA nhÀ đÂu mẤt, lÂu đÀi nÀo đÂy

- Câu 1842 Cáo sAy chÀng đà toAn bÀi lẢng rA

Câu 3236 NgÀn nĂm dẰng dẶc quAn giAi lẦn lẦn

Ngoài ra các câu đạt tỷ lệ 7A/8 nhiều vô kể. Thí dụ:

- Câu 1264 HoA kiA đà chẮp cÀnh nÀy cho chưA

- Câu 1474 ĐÀo đÀ phAi thẮm sen vừA nẨy xAnh

- Câu 2842 TrAi tÀi gÁi sẮc xuÂn đAng vừA thì

- Câu 3208 XưA sAo sẦu thẢm , nAy sAo vui vẦy

Đặc biệt có mấy cặp LỤC đạt, 5A/6, BÁT đạt 7A/8

- Câu 287 NhẪn từ quÁn khÁch lÂn lA

- Câu 288 TuẦn trĂng thẤm thoÁt nAy đÀ thèm hAi

 

 

- Câu 911 NÀng thì dẶm khÁch xA xĂm

- Câu 912 BẠc phAu cẦu giÁ đen rẦm ngÀn mÂy

 

Riêng câu bát: “CửA nhÀ đÂu mẤt lÂu đÀi nÀo đÂy”, ngoài 8A/8 còn đạt : đồng đều 3 ÂT ở mỗi chữ, “ nhìn” rất đẹp.

4, TRUYỆN KIỀU chữa bệnh NÓI NGỌNG rất hiệu nghiệm.

Trong Kiều có nhiều câu tỷ lệ những chữ có phụ âm L và N ( nhiều khi xen kẽ ) rất cao, có khi lên tới 5/6 ở câu LỤC và 6/8 ở câu BÁT.

a, Câu LỤC : có 5 câu tỷ lệ L+N trong câu lên tới 4/6 hoạc 5/6.

Câu 919 Những là lạ nước lạ non   5/6

Câu 1077 Những là lần nữa nắng mưa 4/6

Câu 1209 Này con học lấy làm lòng 4/6

Câu 1779 Lĩnh lời nàng mới lựa dây 4/6

Câu 2213 Nửa năm hơi lửa đang nồng 4/6

b, Câu BÁT : có 6 câu mà trong mỗi câu có tới 5 thậm chí 6 chữ L+N

Câu 130 Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời 5/8

Câu 1220 Nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe 5/8

Câu 1632 Nào lời non nước, nào lời sắt son 6/8

Câu 1668 Nào là khâm liệm nào là tang trai 5/8

Câu 1974 Biết bao giờ lại nối lời nước non 5/8

Câu 2408 Năm nay là một nữa thì năm năm 6/8

Có mấy cặp LỤC BÁT chứa nhiều L+N chữa bệnh nói ngọng rất “tình tứ”:

Câu 381 Trách Lòng hờ hững với Lòng

Câu 382: “Lửa hương chốc để Lạnh Lùng bấy Lâu”

 

Câu 557: “Còn Non còn Nước, còn dài”

Câu 558: “Còn về còn nhớ tới người hôm Nay”

Câu 2993: “Nghe tin Nở mặt Nở mày”

Câu 2994: “Mừng Nào Lại quá mừng Này Nữa chăng”

Thiết nghĩ những ai mắc bênh nói ngọng dùng những câu Kiều trên (và những câu Kiều khác có nhiều L + N) để luyện đọc cho đúng, cho nhuyễn thì bệnh nói ngọng ắt phải khỏi hẳn.

5. Những “mã số” tình cờ:

Những bản in TRUYỆN KIỀU bây giờ, thường kèm theo mã số của câu”. Thí dụ:

“Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”

Có mã số câu 1000

Nhiều khi người ta tình cờ phát hiện những mã số có gì đó liên quan đến nội dung. Thí dụ:

“Đau đớn thay phận đàn bà”

Câu thơ mang mã số 83 tình cơ trùng với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, giúp cho dễ nhớ.

“Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai”

Mã số 1954 là năm Hiệp định Giơ -ne - vơ tạm thời chia đất nước ta làm hai miền,…

Gần đây tôi tình cờ “phát hiện” “kép” ra câu:

“Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân”

Mã số 1792, đó là năm vua Quang Trung băng hà, như vậy “kẻ tháng ngày chiếc thân” ở đây là….. Ngọc Hân. Và câu này như phần trước đã xác định là câu dài nhất, tức là có số âm tiết nhiều nhất (36 ÂT) trong Kiều.

Đến đây có bạn thầm bảo tôi: Tẩn mẩn quá!

Vâng! Ngọc Căn đã từng tham dự cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” (2019 - 2020) do Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức và may mắn trúng giải. Được vinh dự dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất (1820-2020) và 255 năm ngày sinh (1765 - 1820) của Nguyễn Du ngay trên quê hương Đại thi hào (Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh) mà không “kỳ công” một chút với Kiều hỏi còn nhường cho ai?

Tôi cũng tin rằng với mỗi bạn yêu Kiều đều có thể “phát hiện” ra một điều gì nho nhỏ, vui vui xung quanh Kiều để làm kỷ niệm riêng của mình với Nguyễn Du và Kiều.

Long Biên, Hà Nội, 22 tháng 10 năm 2020

Ngọc Căn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét