Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

MỘT KIỆT TÁC THI CA NƯỚC PHÁP THỜI TRUNG CỔ

 TIỂU THUYẾ́T HOA HỒNG 

CỦA GUILLAUME DE LORRIS VÀ JEAN DE MEUN

NHẤT UYÊN  PHẠM TRỌNG CHÁNH

(Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục. Viện Đại Học Paris Sorbonne)

      Le Roman de la Rose được dịch là Tiểu Thuyết Hoa Hồng hay Sự Lãng Mạn của Hoa Hồng hay Chuyện Tình Hoa Hồng là một kiệt tác thi ca nước Pháp, được đọc nhiều nhất thời Trung Cổ,  thế kỷ XIII, XIV.  Thời Phục Hưng  nó bị khuất lấp bởi những sáng tác mới : kịch của Molière (1622-1673), thơ ngụ ngôn Jean de la Fontaine (1621-1695).. lấy cảm hứng từ  các tác giả  Hy Lạp thời Cổ đại, nhưng  Tiểu Thuyết Hoa Hồng vẫn là truyện thơ vĩ đại nhất nước Pháp, sánh với Odyssée và Iliade của thi hào Homère Hy Lạp và Thần Khúc của Dante nước Ý. Với 21781 câu thơ được viết bằng tiếng Pháp cổ, ngày nay phải qua một bản dịch tiếng Pháp hiện đại mới hiểu được. Từ thời Phục Hưng đến thời đại Ánh Sáng, các cải cách ngôn ngữ, các nhà văn từ Rabelais đến Victor Hugo đã sáng tạo nhiều từ ngữ mới, các cải cách, hiện đại hóa chữ viết nước Pháp làm cho ngôn ngữ cũ trở thành tử ngữ, các tác phẩm văn học thi ca thời Trung Cổ bị khuất lấp bởi nền văn học mới.  Sau khi hoàn thành các bản dịch chuyển ngữ thơ lục bát:Odyssée 12110 câu, năm 2005 và Iliade của thi hào Homère 16933 câu, năm 2011. La Divine Comédie. Những Khúc Ca Thần Diệu của Dante Alighieri , 14266 câu, năm 2021. Nay tôi tiếp tục chuyển ngữ  thơ lục bát tác phẩm Le Roman de la Rose của Guillaume de Lorris và Jean de Meun, 21781 câu.

 

          Văn học Pháp thời Trung Cổ, tại Việt Nam chưa thấy ai nói đến và cũng không có một tác phẩm nào được dịch thuật.  Le Roman de la Rose là tác phẩm văn học đương thời với  với kiến trúc lâu đài vùng sông Loire như Chambord, Amboise, Chaumont, Blois, Azay le Rideau.. và các kiến trúc nhà thờ xinh đẹp và hài hòa được nhiều người chiêm ngưỡng nhất trong di sản nước Pháp. Chúng ta bị ảnh hưởng một số tác giả, cho rằng Thời Trung Cổ Âu Châu là thời kỳ đen tối u ám. Âu Châu chỉ có biết một quyển Thánh Kinh, xã hội bị chi phối bởi quyền lực Giáo Hội Thiên Chúa và chế độ phong kiến Tây Phương. Nhận định này đã che lấp những sáng tác văn học, những công trình vật thể và phi vật thể một thời đại huy hoàng.

     Việc chuyển ngữ thơ lục bát các tác phẩm thi ca vĩ đại của thế giới,  một việc ít ai làm, phần lớn các dịch giả chỉ chuyển từ thi ca sang văn xuôi, làm mất đi những độc đáo của thi ca, dùng chữ cô đọng, nhiều hình ảnh, liên tưởng và tượng trưng.. Từ thi ca nước ngoài chuyển vào thể thơ lục bát của ca dao, của Truyện Kiều Việt Nam là một công việc phức tạp tế nhị, người dịch chỉ mong muốn cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước được tiếp cận các kiến thức phong phú, các tác phẩm thi ca lớn, được xem là những bộ Bách Khoa Toàn Thư của nhân loại đương thời vì ngoài lãnh vực văn chương, nó còn bao gồm nhiều bộ môn, kiến thức của thời đại sáng tác.

   Le Roman de la Rose được thi hào Ronsard ca tụng, độc giả tìm thấy nơi Roman de la Rose một nguồn suối thi ca vô tận về tình yêu và phụ nữ. Là đề tài những cuộc tranh luận đầu tiên về văn chương (1) của Christine de Pizan, Nicolas de Clamanges và Gerson năm 1401-1402 đại diện những nhà nhân bản đầu tiên. Anh em Col và Jean de Montreuil bảo vệ cho Jean de Meun.

   Thư Viện Quốc Gia Pháp còn lưu trử hơn 300 văn bản cổ, một bản đã được Gui de  Mori nhuận sắc từ thế kỷ XIII, hai bản văn vần một do Jean Molinet, và nhiều bản được in từ khi sáng chế ra máy in đầu tiên được được cho là do Marot điều đó chứng tỏ sự thành công của tác phẩm và tác động ảnh hưởng tới văn chương Pháp thế kỷ XIV. (2)

 MỘT TÁC PHẨM HAI TÁC GIẢ

    Văn bản nổi tiếng, một phần đã được viết bởi Jean de Meun khoảng  1270-1280 là tổng thể các kiến thức trong thời đại ông. Bên cạnh tình yêu đã đề cập đến các chủ đề khác : thiên văn học, vũ trụ học, tôn giáo hay các kiến thức mới như luật vật lý ánh sáng chiếu qua lăng kính, các chủ đề đạo đức, triết học về giới quý tộc, tiền bạc, tài sản, tự do ý chí..

    Vì nó thường xuyên đề cập đến giáo dục tình cảm , quyển sách đã nhanh chóng hấp dẫn quần chúng có học, họ xem tác phẩm như tài liệu có tính cách thông thái và khai thác các câu thơ trích dẫn.

    Nhưng Jean de Meun với tư cách là người san định và tiếp tục từ hơn  bốn ngàn câu thơ của người đi trước để hoàn thành tác phẩm gần hai mươi  hai ngàn câu. Điều này thường có trong lãnh vực tiểu thuyết, truyện thơ (như tiếp tục chuyện Graal), nối tiếp hay tiếp tục sáng tác theo văn bản người đi trước còn dang dỡ.

    Tác giả đầu là Guillaume de Lorris, được nói đến bởi người kế tục. Tác phẩm thi ca đầu gồm khoảng trên 4000 câu ca tụng tình yêu cao thượng.

    Theo truyền thống, các bản sao chép cho rằng Jean de Meun đã nhuận sắc và thêm vào khoảng nửa thế kỷ sau tác phẩm của Guillaume de Lorris là tác phẩm đầu tiên gần với thời gian của tác giả, các văn bản khác lẫn lộn không có gì chắc chắn. Người ta có thể nghĩ rằng truyện thơ tình thanh tao, đơn độc không thể vượt qua các tác phẩm ca tụng tình yêu cùng thời kỳ, thường ca tụng kín đáo.

    Dưới cái tựa chung hai tác phẩm kết hợp cách nhau hơn 40 năm. Nhờ bài tựa viết bởi Jean de Meun, ta biết được truyện thơ bắt đầu bởi Guillaume nguyên quán vùng Lorris vùng Loiret, nay là Orléans cách Paris 200 km về phía Nam. Tác giả qua đời trước ông 40 năm, đó là tất cả điều ta biết về tác giả này.

    Về Jean de Meun ta biết chính xác ông mất năm 1305 và ở Paris. Năm 1292 ông ở đường Faubourg Saint Jacques, Paris quận V, gần nhà thờ St Jacques nay nơi đây có tấm bảng đá, ghi dấu nơi nhà ông ở. Trong một tác phẩm chính ông đã kể trong bức thư dâng vua Philippe IV, khi tặng bản dịch Consolation de Boèce (Végèce, thư của Héloïse và Abélard) nhờ đó chúng ta biết được ông tiếp tục Tiểu Thuyết Hoa Hồng khoảng năm 1269 và 1278. Từ đó ta suy ra, truyện thơ đầu tiên khoảng năm 1230. Thời điểm vinh danh tình yêu là phong cách thể hiện trong văn học là  đạo đức và ẩn dụ.

   Hai tác phẩm cùng một giọng một điệu và hai kết cục khác nhau. Trong bốn ngàn câu thơ của Guillaume de Lorris nổi bật một thẩm mỹ đáng kính phục và quyến rũ, làm chúng ta kinh ngạc trước vẽ đẹp hình thức lôi cuốn bề ngoài. Văn phong thanh nhã, cách dùng chữ và tình cảm tinh tế quý phái, hình thành do mẫu mực văn hóa quý phái, thanh lịch. Thông điệp nó rõ ràng trước tiên với “nghệ thuật yêu đương” theo mẫu mực tình yêu thanh cao.   Jean de Meun đã lấy lại câu chuyện dang dỡ của người đi trước và viết lại, ông dùng như một điểm tựa căn bản, một tổng thể có vẻ như chưa vững vàng trong phong cách và sự diễn tả. Ông đề cập đến các vấn đề lớn về triết học, khoa học, đạo đức, xã hội trong thời đại ông và soạn thảo đề ra một lý thuyết đầy tính kiêu khích về tình yêu và tình dục. Ông đã dựa vào sự hiểu biết để giáo hóa dân chúng, không phải để phô trương tài năng bề ngoài,  dùng văn phong hài hước, nhạo báng, ông thay các nguyên tắc, giảm bớt lối văn nói trại (uyển ngữ) với tinh thần thanh nhã, ông vinh danh sự khao khát thân xác, bản năng và thiên nhiên. Toàn bộ tổng thể hai tác giả đã tạo nên một tác phẩm thi ca thi vị về tình cảm và trí tuệ sâu sắc chưa từng thấy.

    Guillaume de Lorris muốn kể lại một giấc mơ, vào lúc tuổi hai mươi. Giấc mơ về một cuộc phiêu lưu tình ái của một chàng công tử chưa hề biết yêu đương. Đi theo dòng sông nhìn trong khu vườn kín cổng cao tường có đóa hoa hồng. Khát vọng nẩy sinh và toan tính để hái đóa hoa hồng này. Giả tưởng một giấc mơ để nói lên sự thật, được xác định  trong trạng thái thực tại. Trong đó xuất hiện những con người trong mơ không bằng xương bằng thịt, hay một quái dị, nhưng các ý tưởng, giá trị và ngôn ngữ dẫn đến một phong thái con người và lời nói bình thường.

 Bước vào ngưỡng cửa tình yêu và khát vọng, nhân vật là một chàng trai tuổi hai mươi. Đối tượng một đoá hoa hồng, trong khu vườn kín cổng cao tường, khu vườn địa đàng trong truyền thống văn chương ẩn dụ, một không gian gặp gỡ. Chung quanh điểm chính đó, vây quanh bởi các tác nhân, nhân cách hóa, tượng trưng cho sức mạnh, giá trị đạo đức xã hội, những thách thức gắn liền với tình yêu.

  Bản phát thảo rất đơn giản : thức dậy dạo chơi bên bờ sông vào tháng Năm, khám phá ra một khu vườn đóng kín, quanh tường chạm khắc những nhân vật tượng trưng cho những tính xấu, sự khổ con người, mang tên : Phản Bội, Bất Nhã, Muốn Tham, Hà Tiện, Ghét Ganh, Muộn Phiền, Già Nua, Giả Hình, Nghèo Khổ. Qua một cửa vào nhỏ hẹp vào khu vườn chủ nhân là chàng Hoan Lạc, được tiếp đón bởi một nhóm trai gái quý tộc thanh nhã, tên và tính tình đối nghịch lại với cái xấu vẽ ngoài bức tường: mang tên Phù Dung, Hoan Hĩ, Thanh Nhã, Giàu Sang, Từ Tâm, Thanh Xuân... Lòng khao khát bị mũi tên tình yêu, theo lời khuyên bài học của người thầy, toan tính lại gần tặng một chiếc lá. Phản ứng đầu tiên không thuận lợi – Được tiếp đón tốt và chống cự lại và bị nguy hiểm – Được sự hổ trợ sức mạnh thần thánh cao cả  và các Thần Vénus, Ditié mang đến bước tiến mới. Nụ hôn dẫn đến thoát khỏi bế tắc bởi sự vận động sức lực hung bạo – Sự từ chối : diễn tả bởi lâu đài Ghen Ghét.- Việc chưa đạt được Jean de Meun thêm vào trong sự xung đột : vây thành, tấn công để giải quyết bằng sức lực vấn đề (đấu tranh chống lại các trở ngại của khát vọng) giải thoát đóa hoa hồng bị nhốt. Một hành động bởi toán biệt kích nhập vào trong thành trì bằng mưu kế. Một trận chiến hàng ngũ chỉnh tề đánh nhau bởi Tình Yêu và người bảo vệ. Sự can thiệp cuối cùng của Thần Tình Yêu để chiếm lâu đài và đóa hồng được hái.

 BỐI CẢNH LỊCH SỬ

   Tiểu Thuyết Hoa Hồng ra đời vào thế kỷ thứ XIII, trong hoàn cảnh nước Pháp biến đổi hoàn toàn dưới sự cai trị hiệu quả của triều đại Capétienne. Sự tiến bộ đời sống thành thị, các ngành nghề thủ công phát triển, giải phóng dần dần người nông dân trên đà thoát khỏi số phận nông nô cho quý tộc, làm chủ mảnh đất riêng của mình ngày càng nhiều. Sự phát triển trao đổi hàng hóa và tiền tệ đã tạo nên một khuôn mặt mới cho xã hội mà giới quý tộc đang tìm kiếm xác định lại giá trị và quyền lực của chính mình. Đó là thời kỳ xây dựng các nhà thờ lớn kiểu “Gothiques” ở khắp nước Pháp : Amiens, Beauvais, Bourges, Reims..  nên còn gọi là thời đại các Thánh đường. Âu Châu gọi thời Trung Cổ hay Trung Đại là thời kỳ nằm giữa thời Cổ Đại, với văn hoá huy hoàng Hy Lạp-La Mã và thời Phục Hưng, phục hồi lại văn minh Hy-La tạo ra Thế kỷ Ánh Sáng, đem văn minh truyền bá khắp thế giới. Chính sự chế tạo ra máy in và nghề in đã thay đổi bộ mặt tư tưởng Tây Phương. Trước khi có máy in, sách vở chép bằng tay, hàng tháng, hàng năm mới chép xong một quyển sách. Bao nhiêu sách viết ra chép tay chỉ luân lưu trong các tu viện, thư viện các quý tộc. Nay có sách in, người có tiền, giới trưởng giả có thể mua sách dễ dàng, việc phổ biến kiến thức tư tưởng, không còn là độc quyền của giới tu sĩ hay quý tộc. Trào lưu đọc thẳng Thánh Kinh đã ra đời đạo Tin Lành, các trường Đại Học lập ra để giảng dạy Thần Học nay trở thành nơi phổ biến kiến thức với nhiều bộ môn phong phú : Y Khoa, Toán Học, Vật Lý, Hoá Học, Lịch Sử.. Bộ môn nào cũng có một ông tổ Hy Lạp thời Cổ Đại. Giáo Dục từng bước tách rời ra khỏi Giáo Hội Thiên Chúa Giáo gắn liền với tổ chức quốc gia và xã hội. Thời kỳ này xuất hiện các tác phẩm văn chương, triết học và dịch thuật các tác phẩm lớn thời Cổ Đại Hy La. Tiểu Thuyết Hoa Hồng đồng thời với Thần Khúc của Dante nước Ý. Các vị vua nước Pháp được Dante nói đến và phê bình trong tác phẩm mình. Thời đại này nước Pháp đã thống nhất một phần lớn lãnh thổ, áp đặt một ngôn ngữ vùng Ile de France-Orléans cho các vùng ngôn ngữ khác biệt. Nước Ý phải bảy thế kỷ sau, ngôn ngữ của Dante vùng Florence mới thống nhất trở thành ngôn ngữ nước Ý. Dante trở thành cha đẻ của tiếng Ý ngày nay. Ta có thể tóm tắt các sự kiện lịch sử và văn học trong thời kỳ Tiểu Thuyết Hoa Hồng ra đời:

   Từ năm 1215-1230 cuộc thánh chiến chống Dị giáo vùng Langue d ́Oc, đã đặt quyền lực vua nước Pháp từ một lãnh địa vùng Paris-Orléans  thống nhất đến vùng Địa Trung Hải. Chiếm Toulouse (1217). Thành lập dòng Franciscains ở Pháp (1219). Vua Philippe Auguste băng hà và vua Louis VIII lên ngôi (1223). Nạn đói ở Tây Phương (1224-1225). Hoàng hậu Blanche de Castille, mẹ vua Louis IX nhiếp chính.

    Những năm này có các tác phẩm: Perceval – Lancelot – Graal. Carité (1224) và Miserere (1230) của Reclus de Molliens.  Guillaume de Dole của Jean Renard. Roman de la Violette (1228) của Gerbert de Montreuil. Bataille des sept arts, Bataille des vins, Lai d ́ Aristote của Henri d ́ Andeli.

    Từ năm 1230-1245 Tòa án xử tử những người Dị giáo. Montségur lên giàn hỏa (1244) đã xuất hiện:

Thibaud IV de Champagne, nhà thơ lớn làm vua Navarre (1234).

Guillaume de Lorris sáng tác hơn 4000 câu thơ đầu Le Roman de la Rose.

Raoul de Houdenc sáng tác Roman des Ailes (trước 1235).

Houn de Mery sáng tác Tournoiement de l ́ Antéchrist (1235).

Les  Commentaires sur Aristote của Verroès đến Tây Phương.

Bản dịch sang Latin tác phẩm Ethique của Aristoste của Robert Grosseteste (1240).

  Từ năm 1245-1270. Vua Saint Louis cai trị. vua dẫn quân đi Thánh Chiến Thập Tự Chinh lần thứ VII (1248). Chiếm Damiette (1249) làm vua ở Palestine (1250-1254). Tranh luận thần học giữa Viện Đại Học Paris được lập ra để giảng dạy thần học và trường phái dòng Hành Khuất Franciscains. (1252). Vua Saint Louis trở về Pháp năm 1254. Guillaume de Saint Amour bị xử lưu vong (1257). Charles d ́ Anjou, em vua được Giáo Hoàng phong vua Sicile, chống Manfred con vua Fédéric II dành ngôi. Xử tử Conradin, cháu Manfred (29-10-1268). Kết án Siger de Brabant (1270).  Vua Saint Louis chết tại Tunis. Thời gian này có những sự kiện văn học, tôn giáo và tác phẩm:

Albert le Grand ở Paris (1245-1248). Saint Bonaventure ở Paris (1248-1250)

Dit des Cordeliers của Rutebeuf (1249)

De Periculis của Guillaume de Saint Amour (1250) Dit Guillaume (1257) Di Hypocrisie (1263), Bataille de Vices et Vertus của Rutebeuf. Speculum Majus của Vincent de Beauvais (tr. 1264) Thomas d ́ Aquin trở lại Paris (1269-1272).

Le Trésor của Brunet Latin.

   Từ năm 1270-1285. Vua Philippe III cai trị. Kết án thuyết Averroiste bởi Giám Mục Paris Etienne Tempier (1277). Cuộc nổi dậy vùng Flandres (1281). Dân đảo Sicile đuổi người Pháp cai trị (1282). Jean de Meun tiếp tục Roman de la Rose. Somme théologie của Saint Thomas d ́ Aquin (1274). Somme le Roi của Frère Laurent (1279). Le Jeu de la Feuillée của d  ́Adam de la Halle (1276) Cléomadès của Adenet la Roi (1280) Coutumes du Beauvaisis của Philippe de Beaumanoir (1283).

  Từ năm 1285-1300. Bắt đầu triều Vua Philippe IV le Bel. Phá giá tiền tệ đầu tiên (1294-1295) việc đúc nhiều tiền mới làm đồng tiền được phổ biến mạnh và tăng trưởng kinh tế.Thời kỳ này xuất hiện các tác phẩm:

  Renart le Nouvel của Jacquemart Gielée (1289). Le Livre d ́ Amour dịch từ De Amore của André le Chapelain của Drouart la Vache (1290). Le Couronnement de Renart (1295). Testament et Codicile de Jean de Meun (tr 1305).

 TIỂU THUYẾT HOA HỒNG - GIẤC MƠ

ẨN DỤ VÀ NGHỆ THUẬT YÊU ĐƯƠNG

   Truyện thơ nằm giữa ngã ba trào lưu văn học :  Giấc mơ, ẩn dụ và nghệ thuật yêu đương.

    Sự ẩn dụ  hay phóng dụ trước tiên từ việc tái sáng tạo, viết lại một chuyện đã được viết trước, cho một mục đích khác. Trong thời đại này Chuyện Queste del Saint Graal (Đi tìm cái chén đựng máu Chúa) cũng được viết tương tự. Trí tưởng tượng và lý tưởng cho một mục đích thanh cao đã thấm nhuần trong vùng ngôn ngữ Oc và ngôn ngữ Oil miền Nam nước Pháp từ ba thế hệ, đã cung ứng cho nó những động lực và giá trị. Lịch sử cận đại của tiểu thuyết giúp cho nó mẫu mực cách kể chuyện. Sự áp dụng còn mới mẽ hơn, các phương thức sáng tạo văn chương ẩn dụ mang đến cho nó những chất liệu mới.

 Không gian ẩn dụ

    Các du tử thi sĩ  từ thời Cổ Đại đã để lại cho xã hội vùng ngôn ngữ Oil, một lý tưởng thái độ cá nhân và xã hội, trên nền tảng nghi thức hoá tình yêu theo mẫu mực phục vụ chế độ phong kiến và tôn giáo, đương nhiên trên việc tôn trọng phẩm giá người phụ nữ, đối mặt các đạo đức và ước muốn khát vọng, dẫn đến nguồn gốc của thái độ hoàn hảo.

    Khác biệt với Trung Quốc và Việt Nam ngày xưa : “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, tinh thần một vợ một chồng Tây Phương, đề xướng từ gia đình thánh tâm Thiên Chúa Giáo, trải qua nhiều biến cố gian nan, vua chúa phản đối, như nước Anh đã tách ra thành một Giáo Hội riêng, vua là Giáo Chủ của Anh Giáo, tinh thần một vợ một chồng Tây Phương đã trở thành mẫu mực luật pháp :  người thanh niên chinh phục người phụ nữ, tôn trọng phẩm giá phụ nữ, kết hôn thành vợ chồng, cùng chia xẻ khốn khó cũng như hạnh phúc đến trọn đời cho đến khi chết; ngày nay trở thành mẫu mực cho các xã hội văn minh, tiến bộ, tôn trọng phẩm giá con người, bình đẳng nam nữ, xã hội còn thêm vào, nếu không còn yêu nhau thì ly dị, có thể lập gia đình khác, Giáo Hội không công nhận việc ly hôn một thời gian khá dài, nhưng rồi cuối cùng cũng chấp nhận cho phép người ly dị đến nhà thờ.. Nếu tác phẩm văn chương nước ta, Cung Oán Ngâm Khúc, nói lên thân phận người phụ nữ  tài sắc được tuyển vào cung vua từ tuổi 14, 15, không phải ai cũng trở thành hoàng hậu, hàng ngàn cung nữ sống trong cung lạnh lẽo, cô đơn bao nhiêu người trở thành quí phi hay tài nhân của nhà vua ? Một nàng Kiều bán mình chuộc tội cho cha bị vu họa bởi thằng bán tơ, lưu lạc thanh y mấy lượt, thanh lâu mấy lần, khi trở thành con đòi nhà Hoạn Thư, khi làm phu nhân của Từ Hải, rồi bị lừa trở thành kẻ giết chồng, bị gả bán cho một tù trưởng phải trầm mình nơi sông Tiền Đường..  Sự bi thảm này vẫn còn cho đến ngày nay, người Trung Quốc, Đại Hàn.. chỉ cần bỏ ra 5000 đô la là mua được một cô gái Việt Nam, bao nhiêu điều thương tâm xãy ra, không bút mực nào tả hết. Những tên Mã Giám Sinh ngày nay buôn bán người với cái tên hoa mỹ Văn phòng môi giới hôn nhân. Nếu tiểu thuyết Á Đông và nước ta nói về sự bi thảm của người phụ nữ, thì Tiểu Thuyết Hoa Hồng từ thời Trung Cổ đã nói đến việc chinh phục người phụ nữ với ước muốn và khát vọng và tôn trọng phẩm giá phụ nữ.

   Sự diễn đạt văn chương này hay nhất trong các tác phẩm thi ca, các trường ca viết về sự chinh phục thanh cao phụ nữ, được kế thừa từ truyền thống thi ca vùng Occitane. Trước khi Guillaume sáng tác, nó đã được sáng tác bởi Thibaut de Champagne, Blondel de Nesle. hay Châtelain de Courcy. Guillaume đã tìm thấy sự thăng hoa trong ngôn ngữ tình yêu. Tiểu Thuyết Hoa Hồng là đỉnh cao biểu trưng  cho trào lưu văn học này, nó trở thành nguồn gốc cho sự thanh lịch nước Pháp, từ tình yêu thái độ nam giới đối với phụ nữ .

    Sáng tác tác phẩm kể chuyện bằng thi ca, dẫn đến một truyền thống kể chuyện đời sống nội tâm, tâm lý.. những phát biểu độc thoại, các tình cảm trái ngược được diễn tả, những tranh chấp trong nội tâm giữa những khát vọng tình yêu và bó buộc ngoài xã hội. Tình yêu được đặt trên cán cân giữa lý lẽ, thù hận, ghen tuôn, cuộc tranh luận được nhân cách hóa  bằng những nhân vật trong tiểu thuyết. Hơn thế nữa văn chương tiểu thuyết với phong cách kể chuyện : bắt đầu phiêu bạt, gặp gỡ và vượt qua những trở ngại. Người đọc có thói quen chuyện kỳ lạ, từ những thần thoại Hy Lạp, hay dấu vết huyền sử dân tộc Celte thời các công trình kiến trúc đồ đá Âu Châu; cuối cùng tiểu thuyết mô tả những sở thích, phong tục tập quán để tả người phụ nữ, cùng với y trang, và phong cách. Có thể dễ dàng nhận ra nơi Guillaume tất cả các quan hệ dược diễn tả  từ đầu và dẫn đến cuối tác phẩm. Các nguyên tắc sáng tạo này là một điều mới mẻ thời Trung Cổ.

     Mặc dù có bố cục chặt chẽ, việc đọc trường ca vẫn khó khăn, việc hiểu vẫn cần qua một bản dịch chỉ dẫn. Truyện thơ thời Trung Cổ thường dùng phép ẩn dụ hoa mỹ, một từ ngữ nói lên hai ý nghĩa để diễn tả những tác phẩm với đề tài như : cuộc phiêu lưu về bên kia thế giới, đấu tranh giữa đạo đức và các thói xấu, thiên đường các thần, đề tài hôn nhân và chiến tranh..  Dante nước Ý khi tả Địa Ngục, Tĩnh Thổ và Thiên Đường cũng nằm trong trào lưu đó; ta còn thấy được ảnh hưởng của Homère qua những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Ulysse. Tả cảnh núi lửa bằng những người khổng lồ vung đá đập tan nát đoàn thuyền của Ulysse.. Tả Thiên Đường đảo của tiên nữ Calipso, Ulysse buồn chán vì  từ một anh hùng mưu trí, vào ra chiến trận, nay ăn không ngồi rồi suốt bảy năm trời, chiều chiều ra bờ biển ngồi khóc nhớ vợ, nhớ con, mặc dù cõi Thiên Đường được cung phụng đầy đủ vật chất lẫn thể xác bởi nàng tiên nữ con thần Atlas, khao khát một tấm chồng.. Gần kề nhất Tiểu Thuyết Hoa Hồng là Chrétien de Troyes đã dùng khéo léo đề tài tượng trưng : Khu vườn, nguồn suối, lâu đài trong Truyện Graal với vai trò chính yếu các cảnh tượng trưng để xây dựng một loạt các ẩn dụ trong Quête de Saint-Graal.

 

          Kết hợp từ hai truyền thống: văn chương thời Cổ Đại và sáng tạo của Chrétien de Troyes, Tiểu Thuyết Hoa Hồng đã dùng phép ẩn dụ để kể chuyện tạo nên tính cách kỳ lạ các hình ảnh và biến cố.  Các nhân vật vẽ trên bức tường ngoài là các tính xấu trong xã hội loài người, bị loại khỏi xã hội thanh lịch : Ham muốn tiền bạc, đối nghịch với rộng rải từ tâm, giàu sang đối nghịch với nghèo nàn,  buồn bã đối nghịch với niềm vui, thật thà đối nghịch với giả hình, già nua đối nghịch với thanh xuân.. Đi vào khu vườn có nghĩa là từ bỏ những lo âu, cái xấu, cái buồn để đi vào sự thanh thản trong lòng. Nhân vật Ham Muốn  trong Tiểu Thuyết Hoa Hồng lấy lại hình ảnh của Ovide trong  Métamorphoses II, 775,782. Có thể thông hiểu Tiểu Thuyết Hoa Hồng qua chuyện kể, chứ không thể lấy từng chữ từng câu để tìm ra ý nghĩa. Nó tạo nên hai cách đọc khác nhau để tìm kiếm đằng sau cái nó muốn nói, khó tưởng tượng nhưng có thể xãy ra.

    Từ Platon nhìn sự thật như chiếc bóng bên ngoài chiếu vào hang đá, đến phê bình hiện đại trải qua các phân tích, chúng ta luôn luôn đặt ra cho các tác phẩm văn chương các loại câu hỏi. Tiểu Thuyết Hoa Hồng không cho phép cách đọc này. Nguyên tắc đọc song đôi cần thiết sự phân chia giữa hình ảnh và tư tưởng hai loại song song.

    Cần phải tìm hiểu xưng danh ‘tôi’ với nơi gặp gỡ, hành động.. Khu vườn là biểu tượng cho thế giới quý tộc, một khu vườn ngăn kín cổng cao tường. Hái hoa hồng biểu tượng cho việc chiếm đoạt được trái tim người yêu. Cánh hoa và các gai chung quanh là người con gái với phản ứng gia đình. Đối diện với sự chiếm đoạt tình yêu. Lâu đài Ganh Ghét là thành trì khó chiếm đoạt được, được cấu kết trong trí tưởng tượng người con gái và thân thuộc : sự hổ thẹn, sợ hãi, nói xấu, ganh tỵ..  được nhân cách hoá bằng những nhân vật. Các chuyện phóng dụ phát triển nhân vật liên hệ nhau, một loạt những hình ảnh nương tựa nhau chặt chẽ.

     Lãnh vực văn học thời Trung Cổ có nhiều mục đích bí ẩn bị lãng quên. Mục đích chứ không phải hệ nhân quả, vì ý nghĩa tác phẩm không tìm thấy trong liên hệ các nguyên nhân, như các phê phán dưới ảnh hưởng khoa học mà đôi khi chúng ta lầm tưởng. Con người được xác định bởi các dự định. Ý nghĩa các hành động được diễn tả bởi ý định các động lực sẽ có hay không, không có ý khác.

    Dưới khía cạnh này trạng thái tư tưởng thế kỷ XIII, không phải đã biến mất như dân đảo Pâques, khó có thể nhận ra mặc dù có liên hệ với văn hóa ngày nay. Dòng tư tưởng không bị cắt đứt như vài  nền văn minh đã biến mất, mà các nhà dân tộc học nghiên cứu các di chỉ khảo cổ, để phỏng đoán tái tạo lại, mà nó bị khuất lấp trong hỏa mù chữ nghĩa. Văn chương thời Trung Cổ không câm lặng như các đền đài bằng đá. hơn nữa có thể đọc các văn bản và hiểu nó muốn nói gì.

     Khi nghiên cứu văn bản, phân tích các cấu trúc văn chương, không thể không tìm hiểu mục đích của nó. Thi ca thời Trung Cổ là một đối tượng thú vị cho người nghiên cứu văn chương ngày nay. Với sáng tác bề ngoài có vẻ bình thường nhưng lại hiện ra những tế nhị và phức tạp. Thi ca phóng dụ của Tiểu Thuyết Hoa Hồng làm ngạc nhiên độc giả ngày nay với sự cấu tạo tinh tế các hình ảnh lý tưởng. Người Việt Nam chúng ta chỉ biết tới Jean de la Fontaine dùng chuyện loài vật để nói lên chuyện người, nhưng viết cả một tiểu thuyết phóng dụ thì chưa thấy ai nghiên cứu tới.

      Cái tên Tiểu Thuyết Hoa Hồng cũng đã biểu tượng một đối đầu căn bản: nó xây dựng biểu tượng một đóa hoa với cấu trúc hình thể, số lượng cánh hoa; màu sắc hài hòa là một biểu hiện tượng trưng phong phú. Cánh hoa sinh động nở ra với vẻ đẹp thanh tao mở ra một ý nghĩa văn chương mỹ tình dục, nhưng cũng là một tiểu thuyết nghĩa là một truyện kể trong ngôn ngữ thông thường. Không đọc nó bằng sự hiểu nghĩa các từ ngữ, nhưng từ hình ảnh tạo nên suy diễn mới và đặc biệt. Các nhân vật chỉ có bởi tương quan các hình ảnh.

     Phương pháp ẩn dụ kết hợp chặt chẽ nhân cách hoá với sáng tạo ẩn dụ. Trong tiểu thuyết này có một ẩn dụ chủ đạo “hái hoa hồng|”, biểu tượng tóm tắt không khó hiểu các động lực khao khát tình yêu. Hoa hồng tượng trưng cho sắc đẹp làm nẩy sinh khát vọng tình yêu, hướng dẫn nguồn đam mê và chi phối cuộc sống yêu đương. Chuyện kể phiêu lưu của một chàng trai đi chinh phục đóa hoa hồng là nghĩa bóng giảng dạy cho thanh niên mẫu mực và thái độ yêu đương. Nghệ thuật yêu đương là cốt tủy tác phẩm này.

     Sau đây là bản dịch tôi diễn ca thành thơ lục bát, để tiện phổ biến trên internet, tác phẩm có thể đến người đọc từ mọi chân trời. Tôi chia thành  mỗi bài khoảng trên 500 câu thơ. Các Sử Thi ngày xưa không cần đọc từ đầu đến cuối mà đọc bất cứ từ đoạn nào.

 TIỂU THUYẾT HOA HỒNG

 THI CA KHÚC  I

    Guillame de Lorris  kể: Giấc mơ – Đi đến một vòng thành bao quanh một khu vườn – Chiêm ngưỡng các hình chạm vẽ trên tường :  Người Hằn Thù, Phản Bội, Bất Nhã, Tham Muốn, Hà Tiện, Ganh Ghét, Già Nua, Giả Hình. -  Tìm lối vào vườn.

 Nhiều người tưởng chuyện mơ mòng,

Chỉ là những chuyện hoang đường dối dang.

Nhưng ta có thể mơ màng,

Chẳng là những chuyện dối dang đã làm,

Có thể kiểm chứng được liền,

Tôi sẽ bảo đảm chứng minh việc này.

Một tác giả Macrobes đây,*

Không xem mộng “thú sáu tay ba đầu”.*

Ngược lại diễn tả thành câu,

Dâng vua Scipion để tâu chuyện mình.* 10

Nào ai nghĩ chuyện điên khùng,

Vô lý tin giấc mơ mòng hiện cho.

Tưởng tôi ước muốn điên rồ,

Riêng tôi nghĩ các giấc mơ báo mình :

Vui hay khổ sắp nẩy sinh,

Vì nhiều người thấy mộng tình trong đêm.

Một cách khác tỏ rõ thêm,

Những điều trông thấy chẳng quên, rành rành.

Là điều diễn tả quẹo cong,

Rồi sẽ hiển hiện sự tình tương lai. 20

Năm tôi tròn tuổi hai mươi,

Tình yêu đến ngưỡng cửa thời thanh niên.

Một đêm ngủ giấc bình thường,

Và tôi mơ giấc mộng vàng đêm sâu.

Giấc mơ thanh đẹp làm sao,

Và tôi sảng khoái, nao nao nhớ hoài.

Tôi muốn viết kể ra thôi,

Dệt thành thơ giấc mơ theo điệu vần.

Để mà khích lệ tấm lòng,

Vì tình yêu đã ngập tràn trong tôi.30

Nó sai khiến tâm trí thôi,

Nếu ai  trai gái, hỏi thời viết chi ?

Tôi muốn gọi nó tên gì ?

Tôi rằng sẽ gọi từ khi khởi trình.

Tôi muốn viết kể chuyện tình,

Và tôi sẽ gọi rõ ràng được không.

Đặt tên “ Tiểu Thuyết Hoa Hồng”.

Chứa đựng nghệ thuật tâm tình yêu đương.

Có đề tài tốt, mới nào hơn !

Mà Đấng Thượng Đế đã mang cho người. 40

Điều mong đón nhận con người,

Chính vì lẽ ấy nên tôi mở lòng.

Tôi mơ lúc vào tháng Năm,

Điều xãy ra đã hơn năm năm rồi.

Giấc mơ vào tháng Năm thời,

Thời gian vạn vật tốt tươi hoa cành.

Khi nhìn bụi rậm, rào đồng,

Tháng Năm trời đất trong lành xanh tươi.

Tình yêu say đắm lòng người,

Thời gian vạn vật muôn loài hoan ca. 50

Chồi non mơn mởn lộc ra,

Phủ đầy đây đó mượt mà lá non.

Rừng tươi màu biếc xanh rờn,

Hôm nao khô trụi, mõi mòn mùa Đông.

Đã tìm lại màu lá xanh,

Mặt đất kiêu hãnh trở thành tốt tươi.

Vì sương thấm ướt mọi nơi.

Quên đi nghèo khó đất đai khô cằn.

Bao phủ suốt cả mùa Đông.

Khi chiếc áo mới trên mình đã mang.  60

Mặt đất hãnh diện hân hoan,

Khoát lên màu sắc dáng duyên của mình.

Cỏ, hoa trắng, hoa xanh dương,

Sắc màu chen lẫn trên đồng sắc vui.

Chiếc áo tôi viết nên lời.

Bởi vì mặt đất tuyệt vời đẹp tươi.

Chim chóc im lặng lâu rồi,

Chịu bao giá lạnh khí trời khắt khe,

Mùa đông lạnh buốt ủ ê,

Nay tháng Năm đến tràn trề sướng vui. 70

Hót ca cành biếc xanh tươi,

Hát ca vui sướng thảnh thơi trong lòng.

Hót ca vang hết sức mình,

Chim họa mi cũng dốc lòng gấp đôi,

Để hót hội vui đất trời,

Két, sơn ca cũng hát vui rộn ràng.

Còn bao trai gái thanh xuân,

Một mùa tươi đẹp tràn lan dịu hiền.

Tỏ bày vui sướng yêu đương.

Bao tâm tình đẹp dịu dàng cho nhau. 80

Có ai tim đã chai nhầu,

Tháng Năm chẳng đoái, dừng sầu lắng nghe.

Tiếng chim êm dịu say mê,

Rộn ràng trên lá bốn bề ca vang.

Một đêm tôi giấc mơ màng,

Một mùa ngào ngọt ngập tràn yêu đương.

Phiêu du giữa mộng bình thường,

Ban mai nắng đã cao lên, muộn màng.

Tôi tỉnh dậy bước khỏi giường,

Mang hài và rửa mặt cùng chân tay. 90

Rồi với kim bạc vá may,

Lấy từ chiếc túi nhỏ này xinh xinh.

Lòng tôi muốn bước rời chân phố phường.

Để nghe tiếng nhạc muôn chim,

Hót ca giữa đám cây xanh, bụi bờ.

Một mùa mới đã trở về,

Ra đi tay áo hướng về thung thăng,

Tiếng hót nghe từ bờ sông,

Tiếng chim ca hót vang lừng không gian.100

Ca thanh niềm vui ngập tràn,

Âm thanh sóng vỗ mênh mang bập bềnh.

Tấm lòng vui vẻ hồn nhiên,

Tôi đi về hướng êm đềm dòng sông.*

Lắng nghe sóng nước mênh mông,

Tôi tìm một chỗ bóng râm mát ngồi,

Bên bờ sông chảy về xuôi,

Nước trôi chảy mạnh đến nơi xuôi dòng.

Phía trước một ghềnh cao ngăn,

Nước xanh trong vắt lạnh băng như là. 110

Nước trong giếng hay nguồn ra.

Dòng sông chảy kém hơn là sông Seine.*

Nhưng lòng sông lại rộng hơn,

Tôi chưa từng thấy nước sông thế này.

Dòng nước trong xanh đẹp thay,

Tôi lòng thú vị nơi này ngắm sông.

Niềm vui thích thú nào bằng,

Uống làn nước mát, vốc lên tỉnh người.

Nước trong xanh mát sáng ngời,

Tôi nhìn vào tận nước nơi đáy dòng.120

Đá cuội phơi trải  lòng sông,

Một đồng cỏ mượt xanh xanh bên bờ.

Cánh đồng sông thật nên thơ,

Ban mai trong sáng đẹp chờ ấm yên.

Tôi đi băng qua cánh đồng,

Dọc theo sông chảy xuôi dòng êm êm,

Theo dòng sông vỗ êm đềm,

Theo bờ sông chảy lênh đênh một dòng.

Tôi đi đến cuối cánh đồng,

Một khu vườn rộng chắn ngang bước người.* 130

Tường cao kín, lỗ châu mai,

Bao hình chạm khắc bên ngoài chung quanh.

Thật là tuyệt mỹ ảnh hình,

Tôi chiêm ngưỡng ngắm bức tường chạm sơn.

Những hình ảnh vẽ ở trên,

Và tôi hiểu, để viết nên sự tình.

Vẫn còn ghi khắc trong lòng.

Trên bức tường ấy tôi trông rành rành.

Kẻ Hằn Thù gây bất đồng,

Kẻ giận người cải tranh trông dáng hình. 140

Một bà giận dữ hầm hầm,

Mặt mày đầy nỗi giận căm oán hờn.

Với dáng điệu chẳng vui lòng,

Tựa hồ như kẻ đã không chế kiềm.

Vẻ mặt cau có nếp nhăn,

Và sống mũi tựa như nhìn thẳng lên.

Nét mặt gớm ghiếc mà trông,

Dường như có vẻ dọa hăm kẻ nào.

Dáng hình ỏng ẹo cong queo,

Xấu xí quần áo làm sao, khó nhìn.150

Trong một chiếc khăn quấn ngang.

Bên kia phía trái một hình khác trông.

Cũng chạm khắc vừa ngang tầm.

Tôi đọc tên viết ở trên đầu nường.

Nường ta Phản Bội gọi tên,

Nhìn người phía phải trên hình cạnh bên.

Ghi khắc Bất Nhã là tên,

Cũng có dáng điệu tựa in hình đầu.

Hai hình đã nói ra sao ?

Dường như sinh trưởng chốn nào xấu xa.160

Trông dáng người vẻ chẳng ưa,

Miệng mồm như kẻ chẳng vừa lòng nhau,

Nét sơn khắc tuyệt diệu nào,

Mới nhìn mà hiểu ra sao sự tình.

Ai là kẻ vẽ ảnh hình,

Thế mà lột tả cảnh tình bên trong ?

Cử chỉ dáng điệu hình dung,

Tả được cái xấu trong lòng ác tâm.

Và người nữ khác Muốn Tham.

Trông những dáng điệu dung nhan bề ngoài. 170

Nét điêu khắc thật tuyệt vời,

Tả chân tướng được cái thời tả chân.

Nhìn xem càng muốn hiểu hơn,

Những điều kích thích lòng tìm khát khao.

Chẳng phải nhận gia tài nào,

Khiến cho kẻ cắp, cướp, vào đoạt thu.

          Bốc cao khát vọng âm mưu,

          Đoạt của tích trử,  cáo vu vì tiền.

Tội lỗi lớn nỗi ác tâm,

Cuối cùng đi đến bất nhân hại đời. 180

Điều mưu đồ chiếm của người,

Chiếm bằng bạo lực hay thời mưu mô.

Cưỡm nhẹ, tham nhũng mưu đồ,

Tạo ra những kẻ hàm hồ lưu manh.

Kiện cáo giả, lời dối dang,

Làm bằng chứng để cướp luôn gia tài,

Của bao con trẻ gái trai,

Ảnh hình này với đôi tay tỏ tường.

Những lời minh họa vẽ nên,

Thái độ điên cuồng của kẻ gian manh.190

Muốn Tham cố đoạt tranh giành,

Vì tham vọng chẳng còn lòng lắng nghe.

Của người khác muốn thu về,

Muốn của kẻ khác u mê tâm hồn.

Hình một kẻ khác ngồi gần,

Kề cận với kẻ tên lòng Muốn Tham.

Người Hà Tiện được ghi tên,

Xấu xí dơ bẩn và trông tồi tàn,

Ốm o gầy còm, tái xanh,

Còn xanh hơn cả củ hành trắng xanh. 200

Sắc màu phai nhạt nét sơn,

Vẻ trông bạc nhược không còn sức hơi.

Tựa người sắp chết đói rồi,

Bánh mì nước lã cầm hơi ngày ngày.

Bánh vị mạnh mùi chua hôi,

Còn hơn thế nữa dáng người ốm nhom.

Ăn mặc nghèo khổ tồi tàn,

Sắc màu cũ kỹ, rách tươm áo quần,

          Như bị một đàn chó hung.

Cấu xé nát cả váy đầm tả tơi.  210

                                      Bên cạnh một cây sào phơi,                                      

Chiếc áo choàng được treo nơi cán dài,

Chiếc sào mỏng mảnh nơi cao,

Cũng có chiếc váy dày màu nâu thâm.

Trên  áo choàng chẳng điểm lam,

Chiếc áo đã cũ trông càng thảm thương,

Như cừu đen phủ đầy lông,

Chiếc váy dài đã bảy năm cũ rồi,

Tính hà tiện vẫn mặc thôi,

Nường mặc những lúc việc thời gấp đi. 220

Công việc nhọc nhằn mỗi ngày,

Làm sờn mòn cả thân nơi váy đầm,

Nó cũ kỹ đã rách mòn,

Hà Tiện mặc mãi cho sờn rách tay.

Khi cần chiếc áo mới may,

Nường may áo khác để thay đổi thường.

Hà Tiện nắm chiếc túi luôn,

Chiếc túi dày để dấu tiền trong lưng.

Khi cột chặt dấu vào trong,

Khi cần kiếm túi mất công mở tìm. 230

Nhưng nường vẫn mở luôn luôn,

Chẳng lo gì nếu phải cần điều chi.

Nường mở túi có khó gì,

Khi cần mở túi chẳng chi khó tìm.

Rồi đến hình người Ghét Ganh,

Cả đời chẳng mở môi lên tiếng cười.

Chẳng gì làm vừa lòng thôi,

Chỉ nghe muốn thấy những đời đắng cay.

Khi gặp người chuyện chẳng may,

Chẳng gì vui sướng hơn khi nhìn người.240

Khốn khổ hoạn nạn làm vui.

Mong nạn to đến với người khác thôi.

Những người tốt bị nạn đời,

Là vở tuồng hắn được thời sướng vui,

Hắn lòng khoan khoái tươi cười,

Vài người dòng họ mang lời tiếng tăm.

Rơi trong nỗi nhục ô danh.

Và khi thấy kẻ thành công trong đời,

Nhờ thông minh tài sức thời,

Hắn thấy thương tổn, chẳng nguôi trong lòng. 250

Biết chẳng có gì cản ngăn,

Hắn đem căm giận điều lành chung quanh.

Tính kẻ ganh ghét ác hung,

Điều tốt kẻ khác đem tâm bực mình.

Tấm lòng hắn chẳng chính trung,

Với các bạn hữu, hay chung bạn đời.

Hắn chẳng thân thuộc với ai,

Chẳng ai hắn muốn làm người thiết thân.

Với mọi người là thù hằn,

Chẳng ai hắn muốn tương đồng kết liên.  260

Những điều ghen ghét xấu lòng,

Ghét Ganh dằn vặt mãi trong tâm hồn.

Khi người làm điều tốt hơn,

Hắn ta chỉ thấy tấm lòng bất an.

Càng nghĩ điều người khác hơn,

Ghét Ganh oán hận, oán luôn cả Trời.

Ghét Ganh bôi nhọ chê bai,

Tưởng rằng đức hạnh trên đời, hắn thôi.

Biển này đúng, nơi khác sai.

Hắn cứ bôi nhọ chê bai mãi hoài. 270

Đời đức hạnh chẳng có ai,

Hắn có giáo dục thanh bai nhất đời.

Mọi người ngưỡng mộ hắn thôi,

Vượt qua tất cả người đời tiếng danh.

Người kính phục, kẻ tôn sùng,

Chỉ mình hắn những kỳ công trên đời.

Mọi người phục hắn tiếng lời.

Tôi đã nhận diện dáng người Ghét Ganh,

Cử chỉ được vẽ trong tranh,

Hình dung xấu xí cái nhìn khó coi.280

Điều tôi nhìn thấy ra thời,

Liếc đôi mắt lé nhìn nơi mọi người.

Hắn thường phiền lòng mà thôi,

Vì thế hắn chẳng nhìn nơi mặt người,

Chẳng thấy ai trong con ngươi,

Hắn nhắm một mắt nhìn đời xem khinh.

Cháy tan nóng bỏng giận khùng,

Chẳng bao giờ thẳng mắt nhìn với ai.

Dù người tốt, đẹp cao vời.

Tỏ ra yêu mến hay coi trọng người.290

Kẻ Ganh Ghét xa cách đời.

Kẻ Muộn Phiền vẽ giữa tường dài chắn ngang.

Màu sắc chạm biểu hiện lòng,

Trong tim y đã ngập tràn đớn đau.

Như bệnh vàng da úa màu,

Kế bên Hà Tiện, khác nhau trắng còm.

Vì nỗi lo với nỗi buồn,

Nhọc nhằn và những chán chường thân tâm.

Còn đang đè nặng tâm hồn,

Y đang đau khổ cả đêm lẫn ngày.300

Làm cho vàng úa mặt mày,

Như sinh để sống cả đời thương đau.

Như sống chịu khổ nạn nào,

Sống để lo lắng tiêu hao cuộc đời.

Cuộc đời khỉ khổ mà thôi,

Tưởng rằng như chẳng có ai thế này.

Chẳng điều vui sướng cơ may,

Chẳng còn ham muốn lòng đây chán chường.

Chẳng còn sức sống đấu tranh,

Chỉ còn sầu khổ lớn dần trong tim.310

Làm đau khổ lắm muộn phiền,

Tâm tình muôn mối tơ vương trong hồn.

Như chịu tang ma đau lòng,

Chẳng còn hy vọng thấy trong mặt người.

Làn da nhăn nheo cỗi còi,

Áo đầm che phủ chẳng nơi vẹn toàn.

Đó đây chổ mảnh rách tươm,

Như một phụ nữ trong cơn điên cuồng.

Mái tóc dài chẳng thắt buông.

Thòng phía sau gáy trông tuồng tả tơi.320

Chẳng buồn chẳng chải tơi bời,

Bực lòng chẳng muốn vẻ vời điểm trang.

Biết chăng sự thật bẻ bàng.

Nàng khóc nước mắt rụa ràng mắt môi.

Chẳng ai không não lòng thôi,

Khi nhìn thấy đó lòng thời cảm thông.

Vì lòng nàng tự vết thương,

Tự đấm ngực sức mạnh bằng nắm tay.

Bao đau đớn thảm thương thay,

Nàng đã biểu lộ lòng đầy âu lo.30

Chẳng còn tha thiết vui đùa,

Chẳng ôm chầm, chẳng đợi chờ nụ hôn.

Bởi vì đau khổ trong tim,

Chẳng còn ham muốn đi tìm cuộc vui.

Thung thăng chơi, nhảy múa cười,

Chẳng ai thể lãng quên đời lo âu,

Bằng lòng với cuộc vui đâu,

Vì vui và khổ hai điều trái nhau.

Tiếp đó người Già Nua đau,

Thấp hơn một chút kém nào đôi chân. 340

Sắc người cật lực miếng ăn,

Tuổi già sút kém, trở thành trẻ con.

Dung nhan giờ đã lụn tàn,

Trở nên xấu xí trông càng khó coi.

Mái đầu bạc tựa như vôi,

Trắng xoá lầm tưởng như người nở hoa.

Mất mát chẳng chi lớn lao.

Người đời ai chẳng đi vào tử vong.

Chẳng là tội lỗi tổ tông,

Vì thân thể đã khô cằn héo hon.350

Từ tuổi già đến hư không,

Dung nhan nay đã tạ tàn rún nhăn.

Xưa kia tròn trịa dịu dàng,

Bàn tay nay xấu héo mòn lăn tăn.

Đôi tai lễnh lãng khó khăn,

Cả hàm răng đã rụng gồn hết môi.

Chỉ còn một chiếc răng thôi.

Tuổi người nay đã đến thời cao niên.

Đứng đi gối mỏi sụn chân,

   Bước đi bốn bước phải cần gậy mang. 360

Thời gian qua cả ngày đêm,

Chẳng ngơi nghỉ, cũng chẳng nằm giấc yên.

Tháng ngày qua thoáng trôi nhanh,

Chỉ còn cảm giác mong manh qua rồi.

Như luôn ngừng lại một nơi,

Thật ra nó chẳng ngừng trôi chút nào.

Ngược lại nó vẫn qua mau,

Chẳng nghĩ được đến phút nào hiện nay.

Bởi vì nghĩ đến phút này,

  (Hãy hỏi tu sĩ giảng bài dạy ta). 370

Bởi vì khi đã nghĩ ra,

Thời gian nó đã đi qua bốn lần.

Thời gian chẳng thể dừng chân.

Nó cứ tiến mãi chẳng cần quay lưng.

Nhưng nước chảy mãi xuống dòng,

Chẳng một giọt nước quay vòng phía sau.

Chẳng gì chống thời gian đâu,

Chẳng sắt, cũng chẳng vật nào cản ngăn.

Dù cho cứng rắn vô ngần,

   Thời gian làm mục sét cùng rỉ ăn. 380

Thời gian đổi mọi vật chung,

Nó làm cứng mạnh, trưởng thành, lớn khôn.

Nó làm hao mòn rữa tan,

Thời gian làm mỏi mòn hơn cha già.

Làm già lão bậc Chúa, Vua,

Thời gian tất cả chúng ta già dần.

Đến khi cái chết tướt phần,

Ấy là quyền lực vô cùng thời gian.

Làm già đi cả nhân gian,

Nhọc nhằn, mòn mõi chẳng còn sức hơi.390

Trở lại như trẻ con thôi,

Làm cho quyền lực tả tơi, người trần.

Tưởng chẳng còn sức phê bình,

Chỉ còn như đứa trẻ nằm thôi nôi.

Mặc dù hiểu biết trong đời,

Trở thành hiền triết nên người khôn ngoan.

Tinh hoa của tuổi nhiều hơn,

Tôi nghĩ người lúc trở thành triết nhân.

Là lúc trí tuệ lỗi lầm,

     Dù cho ấm cúng khắp mình áo khăn.400

Kỷ niệm một chiếc áo lông,

Trên mình còn ấm cúng lòng khi xưa,

Đã mặc được ấm cúng chưa,

Mà nay lòng vẫn chưa vừa rẩy run,

Người già nhanh chóng lạnh căm.

Biết rằng đây chỉ là phần tự nhiên.

Một hình ảnh khác trên tường,

Đã cho thấy rõ một phường dối gian.

Người Giả Hình được ghi tên,*

    Y luôn núp bóng chẳng chường mặt ra. 410

Khi ai chẳng cẩn thận là,

Y chẳng sợ hãi điều tà, ác tâm.

Bề ngoài sầu khổ não lòng,

Dáng trông ra vẻ người đồng thiện lương.

Điệu bộ tựa như thánh nhân,

Trách dưới trần kẻ xấu tâm lỗi lầm.

Hắn trù tính toán trong lòng,

Làm ra vẻ tốt đẹp trông  dáng hình.

Hắn làm bộ tịch giống in,

Bề ngoài đơn giản thật tâm tỏ bày. 420

Chân giầy, áo thụng ta đây,

Như một tu sĩ chẳng tày nào hơn.

Trong tay cầm sách Thi Thiên,*

Mặc dù hắn biết chưa thông kinh cầu.

Cầu Chúa cầu Thánh vài câu,

Thánh nam, Thánh nữ thuộc lầu trên môi.

Chẳng sung sướng, chẳng tươi vui,

Hắn làm ra vẻ là người thiện tâm.

Làm điều thánh thiện trong lòng,

      Ra vẻ sám hối lương tâm hằng ngày. 430

Hắn chẳng mập cũng chẳng gầy,

Ra vẻ mệt nhọc mùa chay tháng dài.

Sắc nhợt nhạt tựa tử thi.

Dối lừa bị đuổi cổ cửa đi Thiên đường.

Kẻ Giả Hình dễ nhận chân,

Những lời Kinh Thánh có lầm được chăng.

Kẻ kiếm danh vọng vinh quang,

Kẻ mong một chút hư danh cõi trần,

Tưởng rằng sẽ được vinh thân,

    Nào ngờ bị đuổi khỏi Vương quốc Trời. 440

Hình cuối người Nghèo Khổ thời,

Hình dung người chẳng có thôi một đồng.

Lấy gì mà mặc tấm thân,

Vì y đã bán áo đầm đã mang.

Chỉ còn trần trụi tấm thân.

Nếu thời gian đã chuyển sang đông về.

Tưởng tượng cơn giá lạnh kề,

Y chỉ chiếc bị, mùa hè mỏng manh.

Tả tơi rách nát áo quần,

Chẳng còn gì, chẳng áo choàng che thân.                                      450

Cả người rét lạnh rẩy run,

Cách xa kẻ khác, chẳng tình người thân.

Như con chó ốm góc thành,

Chẳng che chẳng phủ, mong manh một mình.

Vì nghèo vì khổ, hãi hùng,

Lòng đầy hổ thẹn, sợ tình chê bai.

Thật là khốn nạn cuộc đời,

Khó nghèo mang đến cho người thương đau.

Người nghèo sống khổ thế nào,

Chẳng bao giờ được ấm no an lòng. 460

Chẳng áo mặc, giầy ấm chân,

Chẳng được nuôi dưỡng, chẳng lòng yêu thương.

Những hình ảnh trên bức tường,

Tôi nhìn chăm chú rõ ràng mắt trông,

Và tôi kể lại rành rành.

Chẳng vẽ xanh nhạt, vàng son sắc màu.

Mắt nhìn trên bức tường cao,

Trông ra là bức tường rào hình vuông.

Ra bề kín cổng cao tường,

    Khác vườn rào lũy vườn trồng trái cây. 470

Chẳng phải người chăn cừu xây,

Khu vườn xinh đẹp phơi bày chắn ngang.

Nếu ai muốn vào khu vườn,

Chắc là phải bắt chiếc thang trèo vào.

Hay bậc thềm có cửa nào,

Tôi lòng thật muốn đến chào hỏi thăm.

Muốn gặp người tôi cầu mong,

Là người vẽ cảnh tượng trông bên ngoài.

Chắc thú vị bên trong thôi,

Khu vườn chim chóc hót vui tưng bừng. 480

Thật là sung túc khu vườn,

Bao bầy chim hót ba lần nhiều hơn.

Cả vương quốc Pháp các vườn.

Thật là thú vị bên tường lắng nghe.

Âm thanh líu lo say mê,

Thế gian như cũng đi về vui say.

Với tôi thích thú nơi này,

Tôi nghe sức sống tràn đầy trong tôi.

Nếu được tự do đến nơi,

Dù là phải trả cuộc chơi trăm đồng. 490

Để xem khung cảnh rộn ràng,

Mà Chúa Trời đã ban phần hoan ca,

Bầy chim vui hót líu lo,

Trong klhu vườn rộng thật là vui sao.

Điệu múa tình yêu thanh tao,

Nhịp nhàng thanh thoát ra vào dáng duyên,

Khi nghe chim hót êm đềm,

Lòng tôi thầm nghĩ cơ duyên thế nào.

Nói năng nghệ thuật ra sao ?

   Mà tôi có thể bước vào vườn xuân. 500

 

(Còn tiếp)

 

                    

 

CHÚ THÍCH :

1. Các bài tranh luận được ấn hành bởi E. Hicks.Paris. Champion.1977.

2. P.Y Babel. Le Roman de la Rose au XIVe siècle. Droz.1980.

Câu 8. nguyên tác Chimère : quái vật tưởng tượng, mình sư tử mỏ cánh chim ưng, có xuất hiện trong Thần Khúc Dante, tôi tạm dịch ‘thú sáu tay ba đầu’ là con vật kỳ lạ theo ngôn ngữ Việt.

10.Scipion (236 trước TL-183 trướcTL) Nổi tiếng các trận đánh chống đế quốc Cartaginois ở bán đảo Tây Ban Nha và chiếm Carthage Bắc Phi Châu. Macrobe  đoán mộng cho Scipion, và tiên đoán các sự kiện ẩn dấu trong giấc mộng sẽ xãy ra.

104. Dòng sông : Dựa vào các sự kiện kể ta có thể xác định đây là sông Loire,  dọc dòng sông có nhiều lâu đài nổi tiếng và xinh đẹp kỳ quan nước Pháp.

112. Sông Seine chảy qua thành phố Paris.

130. Khu vườn : Nơi duy nhất x̃ay ra câu chuyện : sân nhảy múa, suối nước, vườn hồng và lâu đài Ganh Ghét. Trên bức tường được điêu khắc và sơn vẽ các nhân vật tượng trưng cho các tính xấu con người, tác giả tả các nhân vật qua dáng điệu, cử chỉ, cách ăn mặc quần áo. Mỗi nhân vật được ghi tên bên cạnh : Người Hằn Thù, Phản Bội, Bất Nhã, Tham Muốn, Hà Tiện, Ghét Ganh, Già Nua, Muộn Phiền, Giả Hình. vớt tất cả xấu xí, hung dữ, thê thảm, đói rách để đi vào bên trong khu vườn một thế giới đẹp đối nghịch lại.

Câu 409. Kẻ Giả Hình hay Đạo Đức Giả (Papelardie) xưa dùng chỉ hình ảnh người trong Giáo Hội, đương thời nhân vật Rutebeuf và cuộc tranh luận thần học chống lại trường phái Hành Khuất. Đạo Đức Giả trở thành hình ảnh người hành động ngược lại với giá trị mình đề xướng. Dường như đặt sai chổ trong khung cảnh tình yêu thời Trung Cổ. Jean de Meun muốn nói đến những kẻ giả hình.

Câu 423. Thi Thiên  là một sách trong Thánh Kinh Cựu Ước, giảng dạy đạo đức bằng thơ.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 Guillaume de Lorris et Jean de Meun.  Le Roman de la Rose.  Introduction, traduction, présentetion et note par Armand Strubel. Professeur à l ́ Université  d ́ Avignon, d ́après les manuscrite BN 12786 et BN 378. Livre de Poche, Texte intégral. Paris . 2001.

Guillaume de Lorris et Jean de Meun, Le Roman de la Rose. Chronologie, Préface et établissement du texte par Daniel Poirion. Texte BN 25523 Professeur à l ́Université de Paris-Sorbonne. Eds Garnier Flammarion. Paris 1974.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét