Nguyễn Khắc Mai
Mấy chục năm nay, mỗi độ
xuân về, tôi đều bắt chước người xưa, viết những bài báo Tết. Anh Trần Lê Văn bảo
là “làm hàng tết”.
Nhà bia Kê Minh Thập sách tại Đền Bà Bích Châu |
Năm ấy chuẩn bị Tết Ất
Dậu - 2005, Tôi nghĩ sang năm Con Gà, nên tìm đề tài gì liên quan. Trước đó năm
Dê, năm Ngựa, tôi đã giỡ Kinh Thi ra chọn đề tài. Chợt nhớ đã từng đọc bài Kê
Minh Thập Sách, liền tìm đọc lại. Chẳng ngờ thời cuộc hiện nay khiến tôi xúc động,
mỗi câu như “một vận vào” tâm tư tình cảm. Tôi liền viết bài “Lời mách bảo thần
minh cho năm Ất Dậu. ”Bài báo đăng trên số tết của tờ Sức Khỏe và Đời sống. Một
cán bộ ngoại giao, quê ở Kỳ Ninh đọc bài báo, bèn gởi về cho Nhà Đền. Ban quản
lý đền lồng vào khung kính treo trong nhà khách rất trang trọng. Tuy nhiên, tôi
cũng không hề biết đền Bà ở đâu.
Tình cờ, cuối năm 2004,
tôi và nhà văn nữ Mai Thục được cử đi Kỳ Anh dự hội nghị Khuyến học. Khi xe qua
gần Kỳ Anh, chị Thục chợt reo to, ô, đền Bà Bích Châu. Chị Thục, bấy giờ cũng
chưa biết bà Bích Châu là ai, ngạc nhiên vì cái tên quá đẹp. Nhìn sang bên đường
thấy bảng gỗ to rõ ràng chữ Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu. Người tôi như có luồng
điện chạy dọc sống lưng. Viết bài về Bà, nay thì biết Bà đang được thờ nơi đây.
Họp xong, buổi trưa, các anh ở huyện đưa tôi về thắp hương. Tôi đi quanh đền, lòng
vô cùng xúc động. Tôi thầm khấn, làm sao dựng được tòa bia khắc toàn văn bài Kê
Minh Thập Sách, mà tôi đã nghĩ rằng đó là lời mách bảo thần minh cho chính đất
nước và xã hội ta hôm nay. Về Hà nội, tôi thưa chuyện với Anh Hữu Ngọc. Anh Hữu
Ngọc nói, mình được UNESCO đề nghị viết giới thiệu những nữ thánh có làm chính
trị ở Việt Nam, trong một đề tài chung của UNESCO. Nhưng chỉ biết bà Ỷ Lan tức
bà Chúa Nành, tiếc quá, giá mà biết sớm. Sau đó vào cuối năm anh Ngọc cũng cho
đăng bài trên tờ Thư Tín Việt Nam (Courrier Du Viet Nam). Bài báo nhan đề: Tiếng
gà vọng từ nhiều thế kỹ”.
Đầu năm 2005, đúng vào lễ giỗ lần thứ 628
(năm), vào ngày 11 tháng Hai Ất Dậu, tức 20-3-2005, chúng tôi, mười mấy trí thức
từ Hà nội, có GS Vũ Ngọc Khánh, GS Huệ Chi, PGs Băng Thanh, Nhà nghiên cứu tâm
linh Nguyễn Phúc Giác Hải, Nhà văn Mai Thục, TS Vũ Thanh…mang vào bức thư pháp
lớn lồng kính viết toàn văn Kê Minh Thập Sách, một bó hoa hồng đúng 628 bông, UB
Xã và Huyện cho luộc 628 bánh chưng, GS Vũ Ngọc Khánh soạn bài văn tế rất trau
chuốt, rất biền ngẫu. Đêm trước lễ giỗ, GS Huệ Chi xúc động, làm bài thơ tứ tuyệt
ca ngợi công đức của Bà, hôm sau đọc ngay trong buổi lễ, được bà con rất tán
thưởng. Anh Huệ Chi đã cho khắc vào tấm đá cẩm thạch. Bài thơ nay vẫn treo ở đền.
Có sự hợp tác của nhiều trí thức ở Thủ đô, như trước đó bài báo Tết trên tờ Sức
Khỏe và Đời Sống của Nguyễn Khắc Mai : “Lời mách bảo thần minh cho năm Ất Dậu” đã
về đến đền, đến địa phương, ”như một sự thức tĩnh, sự gợi ý về Nhân vật Nguyễn
thị Bich Châu và tác phẩm Kê Minh Thập Sách”, Lễ giỗ đã dược tổ chức như nghi
thức thời xưa, có nghi vệ, rước kiệu thờ, có chủ tế, bồi tế, có văn tế biền ngẫu,
nhịp theo tiếng chiêng, tiếng trống. Ngót cả ngàn nam phụ lão ấu dự lễ đã được
chia lộc bánh chưng, đem lại không khí hòa đồng, tưởng chừng như đã mất hút
không bao giờ tìm lại được.
Theo thần phả của Đền, đền
được dựng cuối đời Trần, đến đời Lê thí được tu sửa khang trang hơn. Xưa xã này
có tên là Hải Khẩu (Cửu Biển ) Vì thế Đền từng có tên như Đoàn Thị Điểm viết. “Hải
Khẩu Linh Từ. ”( Có thể hiểu là đền ở xã Hải Khẩu, hay Ngôi Đền Thiêng Bên Cửa
Biển). Mấy trăm năm nay, dân vùng biển quanh đền, làm nghề biển, đánh cá, đi
buôn…trước khi đi đều đến khấn cầu xin may mắn. Lạ thay rất linh ứng. Người dân
gọi là đền Bà Hải (vị thần biển cả). Những người theo đạo Mẫu gọi Bà là Mẫu Kỳ
Anh, Loan Nương Thánh Mẫu (loan là vũng biển, vị thánh mẫu của biển). Hiện nay
Đền được gọi tên theo mỹ hiệu mà Vua Lê Thánh Tông đã phong tặng Bà: Đền Chế Thắng
Phu Nhân.
Giờ
đây, du khách từ bắc vào, từ nam ra, đến Thị xã Kỳ Anh, theo đường lớn rẽ về xã
Kỳ Ninh, đến xóm Tam Hải sẽ gặp ngôi đền, nằm giữa một rừng cây um tùm. Cổng
tam quan mới dựng có đôi câu đối được nung bằng gốm sứ gắn vào cột, tóm tắt sự
nghiệp và ngợi ca công đức của Bà:
Kê
Minh Thập Sách Thánh Trí Truyền Lưu Phù Việt Quốc,
Chế Thắng Phu Nhân Mẫu Ân Vĩnh Bảo Hộ Nam Dân.
(
Nghĩa: Kê minh thập sách, thánh trí lưu truyền phù nước Việt. Chế thắng phu
nhân ơn mẹ dài lâu giúp dân Nam. TG: NKM)
Căn
cứ phong thủy, đền nhìn ra phía biển, bên trái là vùng dân cư và núi Bàn Độ, một
ngọn núi có tiếng của Kỳ Anh, Hà tỉnh, được coi như Tả thanh long. Phía phải là
cửa biển Kỳ Hoa xưa, tức Vũng Áng với núi Cao Vọng và đền Eo Bạch, như là Hữu bạch
hổ. Tương truyền Eo Bạch là nơi di hài bà trôi vào đấy, dân ghi nhớ lập đền để
thờ vọng. Đền chính ở Hải Khẩu. Hàng năm vào ngày giổ chinh 11, 12 tháng Hai ta,
các chức sắc của làng xã đều chèo thuyền sang Eo Bạch thỉnh bài vị Bà về dự tế.
Đền thờ Bà, nằm trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình, gắn với nhiều sự kiện lịch
sử. Nơi đây, xưa Hồ Quý Ly thua trận, hai cha con chạy về đây ẩn nấp, đã bị
Trương Phụ đuổi theo bắt ở dãy núi Bàn độ còn có tên là “Thiên Cầm”. Truyền rằng
ở đấy có giòng suối tiếng nước róc rách, lại có tiếng gió biển đêm ngày vi vu
như tiếng đàn, dân gian gọi là Thiên Cầm (Đàn Trời). Sau khi Hồ Quý Ly bị bắt, người
ta đổi tên, đổi nghĩa thành ra “thiên cầm” nghĩa là trời bắt. Ở núi Bàn Độ, đồn
rằng có đầm nước trong, các tiên nữ vẫn xuống tắm, dân gọi là suối Tiên.
Huyện
Kỳ Anh xưa, tên là Kỳ Hoa, đến đời vua Thiệu Trị vì kỵ húy tên mẹ vua là Nguyễn
thi Hoa nên phải đổi thành Kỳ Anh. Nơi đây còn là trấn lỵ Dinh Cầu, tiền đồn của
Đàng ngoài thời Lê Trịnh, đối chọi với bên kia Đèo Ngang là Ba Đồn của Chúa
Nguyễn, Đàng trong. Tao nhân mặc khách xưa qua đây vẫn có thơ đề vịnh, khiến
cho cảnh quan non nước cùng con người và lịch sử được lưu truyền thành văn hóa.
Bài thơ Cảm xúc khi qua Dinh Cầu của Ngô Thời Nhậm có câu:
Tế liễu lục thùy Tiên thánh miếu,
Trường dương thúy kết Thắng phi đền.
Dịch nghĩa :
Tiên Thánh miếu buông tơ liểu biếc,
Bích Châu lại kết giải dương xanh.
Miếu
Tiên thánh, thờ vị tướng của Chúa Trịnh từng đóng đồn ở đây. Thắng Phi đền, thờ
Bà Bích Châu.
Đền
thờ Bà nằm trên một đồi cát, cây cối um tùm thành một rừng cổ thụ, quanh năm
xanh mát. Trải qua hơn 600 trăm năm thăng trầm, nhiều phen tu sửa, kiến trúc đền,
nay mang dáng dấp thời Nguyễn với nhiều nét riêng của vùng Kỳ Anh, ven biển, túi
mưa, hứng bảo. Đền thấp, mà vững chắc, bề thế hài hòa trong một rừng cây cổ thụ,
thân dẽo uốn sà mặt đất.
Đi
qua tam quan, mới được phục dựng, khách gặp miếu Quan Tả, thờ vị tướng oai
phong lẫm liệt, tay cầm đại đao, tay kia thanh gươm. Gọi là Quan Tả vì đó là vị
quan thờ bên trái đền (nhìn từ trong ra), vị thần bảo hộ của đền. Vượt qua con
đường dốc nhỏ, lát đá, sau bình phong có hình hổ đắp nổi, là ba tòa chính điện.
Tòa hạ, phía trước, như tiền sảnh, trên nóc có hình lưỡng long triều nguyệt, rồng
mang phong cách Nguyễn rõ rệt. Bốn trụ lớn đỡ mái, trang trí đề tài tứ linh, bát
bữu, hoa lá sinh động. Ở gian giữa trên cao treo bức hoành phi sơn son thếp
vàng: Thánh Đức Lưu Phương (Công đức của Thánh còn lưu dấu thơm). Tòa trung điện thấp
và hẹp hơn, đặt bàn thờ, ở bức tường sau có tượng phù điêu hai vị quan võ uy
nghi, tay phải vuốt râu, tay trái cầm kiếm, đứng hầu. Nối tòa trung điện với
thượng điện là phủ hầu. Ở đây có nhiều tượng nữ tì phục hầu Chế Thắng Phu Nhân
với nhiều đồ tế khí.
Thượng
điện có ba gian. Gian giữa có bàn thờ trên đặt tượng Chế Tháng Phu Nhân. thần sắc,
dung nhan hiền từ đôn hậu. Trong thượng điện có đôi câu đối khắc gỗ, lạc khoản
ghi năm Tân Mão, Dời Hồng Đức (1471):
Thân
thượng cương thường thiên hạ thánh,
Danh
lưu kim cổ nữ trung hiền.
Dịch
nghĩa: Tấm thân cương thường là bậc thánh trong thiên hạ.
Tiếng để lại muôn đời là người hiền trong giới
nư lưu.
Hai
gian tả hữu của thượng điện, có hai tượng văn võ theo hầu. Bên trái là tượng
quan võ, uy nghi, dũng mãnh, cưỡi hổ, cầm đại đao. Bên phải là quan văn, tay cầm
bút cầm sách thông thái cương nghị. Phía sau bàn thờ tương truyền là mộ của Bà.
Bên phải ngoài thượng điện là nhà sắc, tức là nhà để thờ các sắc phong cho Đền
của các triều đại, đáng tiếc, qua nhiều phen binh lửa, nhiều sắc phong cổ đã mất,
nay chỉ còn lưu giữ được mấy sắc phong từ đời Minh Mạng về sau mà thôi. Nhà sắc
kết cấu mái vòm, hai bên cửa có đôi câu đối :
Kim
cổ càn khôn tư hóa dục,
Hải
thiên nhật nguyệt cọng quan hoa.
Nghĩa:
Tự cổ càn khôn năng dưỡng dục,
Biển trời nhật nguyệt vẫn hằng soi.
Các
mãng tường của nhà sắc được trang trí khá đẹp, tranh tứ linh, rùa đội hạc, mục
đồng cỡi trâu thổi sáo, tiều phu gánh cũi, ngư ông câu cá, thợ xẻ gỗ…mô tả cảnh
sinh hoạt của dân khi xưa.
Gần
đây, với sự cọng tác của nhiều nhà văn hóa, doanh nhân, đền đã lập nhà bia khắc
bài Kê Minh Thập Sách, mặt trước khắc chữ nho, mặt sau là bản dich quốc ngữ. Đền
có thêm một văn vật có giá trị văn hóa. Giờ đây khách thập phương đến viếng đền
có thể đọc bản văn đầy tinh thần triết lý, nhân văn, như những giá tri minh triết
trị quốc an dân, ý nghĩa vừa cổ kính lại rất thời sự, mà Bà để lại cho muôn đời.
Còn nhớ cuối năm 2004, khi lần đầu tiên, giữa trưa nắng, đến Đền thắp hương tưởng
niệm, tôi đã khấn, xin Bà phù hộ để làm sao khắc được lời Kê Minh vào đá, dựng
bia cho ngàn đời con cháu về sau vẫn nhớ ghi những lời dạy minh triết của Bà. Năm
2010, sau khi nhà bia hoàn thành, Tỉnh và Huyện đã tổ chức lễ khánh thành đúng
vào lễ giỗ của Bà. Hôm khánh thành Tỉnh mời chúng tôi viết và đọc một diễn từ. Chúng
tôi cố gắng diễn đạt cho đúng sự cảm nhận của minh, một áng văn ngắn nhưng súc
tích nội dung và ý nghĩa, rất minh triết, sáng tỏ, rõ ràng, dễ hiểu. Điều rất lạ
lùng là áng văn lại giàu ý nghĩa thời sự. Có thể hiểu đây là một tổng kết quan
trọng liên quan đến triết lý quản trị Đất Nước. Hàng ngàn người im lặng lắng
nghe, mà chính tôi cũng xúc động, vì mình đang cố gắng “nói” cho được cái khát
vọng của người dân bình thường chân chất. Đọc xong, nhiều người chạy lên ôm lấy
tôi khóc. Có lẽ tôi đã nói được điều họ ấp ủ trong lòng. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh
bảo tôi, bài của ông phải đọc trước Quốc Hội. Tôi thưa lại, không, phải đọc trước
nhân dân. Hai năm sau, khi chúng tôi đã tổ chức tiếp một hội thảo “Kê Minh Thập
Sách-Minh Triết Trị Nước An Dân” tại Trụ sở Liên Hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ
thuât, chúng tôi lại cùng một đoàn những nhà tâm linh, ngoại cảm vào dâng hương
ở Đền. Các thanh đồng ngồi ở Hậu cung khấn cầu rồi tĩnh lặng ngồi đón nhận
“sóng”. Cả mấy người đều thuật lại gần giống nhau điều mà họ tiếp nhận được. Bà
“bảo” các con cứ tiếp tục “đưa” kê minh thập sách trước hết vào nhũng người” trọc
đầu”ý nói người dân, kẻ không có tóc, rồi dần dà mới chuyển được những người
quyền thế. Có điều mà ai cũng nhận thấy là từ sau khi đặt bia Kê Minh, số lượng
khách hành hương đông hơn lên. Tôi đã gặp ở Hà nội các bà đi đạo Mẫu nói, từ
trước, chúng em chỉ biết Bà
là Thánh, nay mới biết thêm Bà để lại áng văn cực kỳ. Nhiều quan chức
cũng kể đã rất xúc động khi đứng trước Bia Kê Minh. Một lãnh đạo của tỉnh Hà
tĩnh tâm sự, chúng em sẽ đem Kê Minh Thập sách giáo dục công chức cán bộ. Mong
được như lời.
Tôi đã từng đứng trong bóng hoàng hôn nơi sân đền, lắng
nghe tiếng sóng biển vọng từ khơi xa, tiếng vi vu của gió đang lao xao trên rặng
phi lao, tắm mình trong cảnh yên, lặng thanh bình, nhìn những nhóm khách hành
hương, thành
kính vào đền. Nhiều người ở thành
phố đến, có người là dân một làng quê nào đó. Họ vào thắp hương, thành khẩn, rì
rầm khấn vái, cầu mong những ước vọng bình an, sung túc, sum họp.. . Đấy là những
khoảnh khắc êm ả của quê hương, và tự tôi cũng thấm thía thêm thế nào là nghĩa
an dân mà Bà từng tha thiết nói trong bài văn
Trong Đền có một bộ thẻ xăm, mỗi thẻ là một bài thơ 4 câu, để trả lời những mong ước thầm kín
của con người. Đặc biệt là có một bộ xăm nhũng bài thuốc. Mỗi quẻ xăm, ứng với
một bài thuốc ghi trong sách. Các cụ trông đền và người làng kể rằng rất linh ứng.
Chúng tôi đã nhờ TS Nguyễn Xuân Diện Viện Hán Nôm đọc các bài thuốc và đã có bài nhận xét. Thật
ra các bài thuốc đều rất “bình” không “công” có thể dùng chung cho nhiều căn bệnh,
cọng với niềm tin tâm linh của người bệnh nên có hiệu quả.
Hơn 600 năm phụng thờ, hương khói, nhân dân trong vùng đã
hình thành những phong tục tế lễ, như là định chế của đền.
Ngoài những ngày sóc, ngày mồng một, ngày vọng, rằm hai kỳ,
thì lễ tế, giỗ là lớn nhất. Lễ giỗ Bà được tổ chức vào hai ngày 11 và 12 tháng
Hai Âm lịch. Trước đây trong kháng chiến chống Pháp rồi trong chiến tranh chống Mỹ vì hoàn cảnh lịch sử nên lễ giỗ thường đơn giản, bà con Kỳ Ninh bảo chỉ
là làm mít tinh. Năm 2005 nhân lễ giỗ thứ 628 chúng tôi đề nghị xã và Huyện cho khôi phục lễ tế cho
trang nghiêm. Chúng tôi đưa từ Hà nội vào bức trướng lớn lồng kính bài Kê Minh
để rước, một lẵng hoa đúng 628 bông hồng, cố giáo sư Vũ Ngọc Khánh bấy giờ đã viết một bài văn tế
trau chuốt (suốt đêm cùng một nghệ sĩ sân khấu tập để hôm sau đọc theo nhịp
chiêng trống. )Ban đầu chúng tôi định bắt chước các lễ hội lớn, đề nghị luộc một
bánh chưng 628kg để cúng, sau thấy hình thức khó thực hiện, xã quyết định cho luộc 628 bánh chưng nhỏ. Nay đã thành nề nếp cứ mỗi năm
lại thêm một bông hoa, một bánh chưng. Tục cúng bánh chưng đã có từ xa xưa. Cứ
mỗi năm đền và xã chon mấy nhà “sạch sẽ” không tang chế, gia đình thuận hòa.. .
được giao ruộng cấy nếp, gieo cấy gặt hái xay giã cẩn trọng thiêng liêng. Ngày
30 tháng chạp làng cho gói 3 chiếc lớn, mỗi chiếc 5kg gạo, 1, 5kg đậu, thịt:12
cặp nhỏ, mỗi chiếc 2kg. Lễ dâng bánh chưng đầu năm thành kính khiến người ta nhớ
mãi phong tục đẹp từ thuở xa xưa của Vua Hùng.
Cổ tế thường có hai loại, cổ thục, tức cổ nấu chín. Và cổ
sinh. Cổ sinh tức là cổ sống, nay đã không còn nữa. Nhưng trước đây, cổ sinh là
cả một con bò sống. Tương truyền từ rất lâu dân làng cho thả ở núi Cao Vọng một
cặp bê có đực và cái. Cặp bê sinh sôi thành đàn bò. Trước hôm tế chức sắc trong
làng đem cơi trầu và nậm rượu vào lễ, sau đó cử người đem rượu lên Cao Vọng. Đàn
bò đứng im, chọn con béo mập mượt mà, tưới rượu lên lưng, như là đã được chọn. Lạ
thay con bò liú ríu theo người dắt về đứng trên buc trước đền để tế. Tục này
nay không thực hiện nữa.
Ngày
trước, hoạt động sôi nổi, vui vẻ nhất trước và sau lễ là nhũng hoạt động nghệ
thuật và lễ đua thuyền. Hoạt động nghệ thuật thì có hát sác bùa, chèo, tuồng, có
năm diễn kịch thơ, vỡ kịch thơ mô phỏng lại sự tích của Bà.
Lễ
đua thuyền thường được tổ chức rất sôi nỗi, huy động mỗi thôn một thuyền. Riêng
thôn Tam hải nới có đền được hai chiếc đua. Nhân dân nô nức đứng trên bờ hò reo
cổ động. Cờ bay, tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ vang lừng cả một vùng sông sát
cửa biển.
Chung
quanh đền là một vùng văn hóa, cố kết thành những nề nếp tâm linh, tín ngưỡng
thờ phụng người có công đức với dân với nước. Rất nhiều giai thoại nói về nhũng
linh ứng của Bà. Dân làng kể rằng một lần đã lâu, kẻ trộm vào đền lấy đi chiếc
chiêng thờ. Chiếc chiêng bị bán ra tận Nam định. Nhung sau đó không ai mua được
vì thử thế nào cũng không có tiếng. Chỉ khi nhà đền dò biết được, liền tìm ra
mua lại. Lạ lùng thay, người nhà đền thử thì tiêng kêu vang trong trẻo. Chiếc
chiêng được thỉnh về. Rất nhiều chuyện linh ứng mà Bà đã giúp người dân tai qua
nạn khỏi, từ của cải, đến bệnh tật. Gần đây, khi tôi về làm việc với huyện, anh
em đã kể câu chuyên linh ứng như sau. Có một tàu nước ngoài suốt hai ngày, không
cách chi cập bến, áp vào ke để neo tàu đặng giỡ hàng. Có một người bảo với thuyền
trưởng hay là thử cầu xin Bà xem. Rất lạ, là sau khi hương đăng quả phẩm thành
kính cầu Bà, thì chỉ non hai giờ sau, tàu áp ke ngon lành mà trước đó không
cách chi vào được!
Năm
2007, Trung Tâm Minh Triết đã cùng Sở Văn hóa Hà tĩnh tổ chức Hội thảo tại Văn
Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội để tưởng niêm Bà nhân lẽ giỗ lần thứ 630. Các nhà
nghiên cứu đều khẳng định rằng sự tích của Bà là một giá trị văn hóa vĩnh hằng
của dân ta. Kê Minh Thập Sách, như cố Giáo sư Vũ Ngọc Khánh là một trong những
kim cổ hùng văn ( nhũng áng văn chương hào hùng. Nay, bên cạnh Chiếu Dời Đô, Hịch
Tướng Sĩ, Cáo Bình Ngô, Sớ Thất trảm, ta lại có Sách Kê Minh. Có lần chúng tôi
đã thưa với ban lãnh đạo Hà Tĩnh rằng, Hà Tĩnh có vinh dự, nay đang lưu giữ một
ngôi đền, một áng văn vô cùng giá trị, cần phải giữ gìn, cần tim cách đưa những
giá trị văn hóa ấy vào cuộc sống.
Tôi
ước sao, sẽ thành như một tục lệ, hằng năm nhân lễ giỗ của Bà, các quan chức từ
cấp quốc gia cho đến địa phương biết đến dâng hương ở Đền, đọc lại bài Kê Minh
Thập Sách rồi ngẫm nghĩ đến nghĩa vụ trị quốc an dân mà mình đang gánh vác. Mà
nào phải chỉ có những chính khách, tôi tưởng tất cả những ai đang điều hành một
cơ sở dù kinh tế hay văn hóa, xã hội, kể cả những mệnh phụ phu nhân mới…đều nên
học tấm gương vì nghĩa lớn của Bà. Áng văn Kê Minh Thập sách để lại những giá
trị minh triết có thể ứng dụng cho bất cứ một lĩnh vực quản trị nào. Ở đâu mà
chẵng có những mối quan hệ:-ai là cái gốc, cái nền cái lực lượng chủ công cho
công việc.
- Đâu
là sự quản trị văn minh, công bằng, trong sạch.
- Đâu
chẵng cần văn hóa và nhân cách con người
- Ở
đâu chẵng cần sự phê bình góp ý, sự bàn luận dân chủ. Ở đâu chẵng cần người chỉ
huy thao lược v. v… Người Nhật luôn biết kiếm tìm sức mạnh tinh thần nơi truyền
thống văn hóa, tâm linh.
Đèn
Hải Khẩu Linh Từ, nơi thờ vị Thánh Mẫu có cái tên ý nghĩa là viên ngọc quý, một
vị Thánh có mỹ hiệu là Chế Thắng Phu Nhân, có nghĩa là vị phu nhân có mưu lược
để chiến thắng. Quả thực nếu ai ở trình độ vĩ mô, cũng như vi mô, làm theo sách
của Bà chắc chắn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp.
Kính
cẩn nghĩ suy và ghi lại vào những ngày ngoài Biển Đông của Tổ quốc giặc Tàu
đang giỡ hành động xâm lấn. Kế Sách Kê Minh-Trị Nước An Dân xin trở thành minh
triết trong tâm thức, trong năng lực của từng người Việt, của từng người đang
có trọng trách đối với Non Sông Tổ quốc, của giới trẻ được kỳ vọng như là rường
cột của nước nhà. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét