Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

KÊ MINH THẬP SÁCH – MINH TRIẾT TRỊ NƯỚC AN DÂN

Nhà Bia Kê Minh Thập Sách tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh 



Nguyễn Khắc Mai
TMT: Bài Diễn từ đọc tại Lễ khánh thành Bia Kê Minh Thập Sách tại Đền thờ Chế Thắng Phu Nhân ở Kỳ Anh Hà tĩnh.
Tôi thật sự xúc động khi đọc lại Kê minh thập sách vào một thời diểm mà tâm trí nhiều người đang nghĩ ngợi và mong chờ một bước phát triển mới của Dân tộc của Đất nước. Thập sách là kế sách mười điều. Kê minh thập sách là một tờ biểu dâng lên vua Trần Duệ Tông (1336-1377) của cung phi Nguyễn Bích Châu. Là một áng văn ngắn, lời ít, ý nhiều, hàm nghĩa sâu sắc. Hôm nay càng đọc càng thấy quả là một minh triết thời sự rất đương đại với chúng ta. Theo Đoàn Thị Điểm trong Truyền kỳ tân phả thì nguyên do là “Khi ấy nàng (Bích Châu) thấy chính sự trong nước tiếp theo đời Hôn Đức(1) ngày càng suy kém liền thảo Kê minh thập sách dâng lên. Nhà vua thích quá, vỗ vào phách án mà rằng “Không ngờ một nữ tử mà lại thông tuệ đến thế”.
Trong Kinh Thi có hai bài thơ Kê minh, nói về một bà phi nghe tiếng gà gáy sáng liền nhắc nhà vua dậy đi dự buổi chầu. Người xưa vẫn theo lời Khổng Tử “Không học Thi chẳng biết lấy gì để nói”, thường mượn tứ của Kinh Thi để nói ý của mình. Nhưng với chúng ta, Bích Châu đã mượn cái tứ gà gáy sáng để ngụ ý sự thức tỉnh.
Liệu tiếng gà báo sáng này đã vang vọng từ bảy thế kỷ nay có làm thức tỉnh điều gì trong chúng ta khi bước vào thời kỳ mới của công cuộc chấn hưng đất nước không? Quả thật mỗi điều là một minh triết. Nó không phải là tư duy duy lý mà là những chân lý giản đơn có tính khái quát, phổ cập rất cao. Nó giống như những công thức để mỗi thời đều có thể đem dùng trong những bài toán cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sinh của thời đại mình.
Hà bạo, phiền nhiễu, lộng quyền, nhũng lạm chỉ khác nhau mỗi thời ở nội dung và hình thức mà thôi. Ngày nay, những tệ đoan ấy đang diễn ra với những chủ trương, việc làm khác nhau. Nhưng nói về giữ gốc nước, thì xưa nay đều cho rằng dân mới là cái gốc. Nếp cũ thì chính là những văn hiến và đạo lý của dân tộc. Như Trần Quốc Tuấn nói phải khoan thư sức dân để giữ thế bền vững. Nguyễn Trãi nói về sức mạnh nâng thuyền và lật thuyền của dân, lại nói phải làm cho trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu, thì cũng là để giữ gốc, giữ nếp cũ vậy. Kẻ lộng quyền ngày nay có ở mọi cấp bậc, không thể không để ý ngăn ngừa.
Điều thứ năm, thứ sáu quả thật chí lý và thời sự. Bà nói phải “chấn nho phong”. Nho phong không chỉ có nghĩa là sự học, mà còn là cái cốt lõi, cái chất lượng con người, chất lượng của sự học, để làm cho đuốc trí tuệ, văn hóa cũng sáng soi như ánh mặt trời. Đó là sự mách bảo sáng suốt cho nền giáo dục và nền văn hóa của ta hôm nay. Điều thứ sáu nguyên văn là “Lục viết, nguyện cầu trực gián, lệnh thành môn dữ ngôn lộ nhi tịnh khai”. Trực gián nghĩa là lời phê bình, phê phán, khuyên bảo, phản biện ... thẳng thắn. Còn chữ “ngôn lộ” bà dùng thì nghĩa thật sâu sắc, quyết liệt. “Ngôn lộ tịnh khai” nghĩa là con đường ngôn luận tư tưởng ... đều mở rộng, “Trực gián” phải “tịnh khai” cùng “ngôn lộ”! Một tư tưởng thật hiện đại.
Dân tộc ta xưa nay đều phải lo hai việc: dựng nước và giữ nước. Trong bản điều trần, bà dành 4 điều nói về lĩnh vực quân sự, đều là tư duy hợp lý có thể vận dụng vào phương châm chỉ đạo cho hôm nay. Tuy nhiên cái tư tưởng “Tuyển tướng trước hết phải chọn người thao lược thì có thể ứng dụng vào tất cả mọi lĩnh vực của chỉ huy, điều hành, quản lý, lãnh đạo.
Tôi nhớ trong văn hóa Ấ Đông có câu chuyện chiếc túi gấm (cẩm nang). Vào một tình huống cấp bách khó khăn nào đấy thì mở túi gấm ra, thế nào cũng tìm được kế sách hay. Quả thật vào thời buổi kim nhật kim thì này, khi cả nước bắt tay thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như tăng tốc vầ tăng năng lực, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế, chấn hưng nền giáo dục, văn hóa và khoa học đang lạc hậu và tụt hậu, đẩy tới việc chống tham nhũng, cải cách hành chính v...v..., mở túi gấm Kê minh thập sách ra chúng ta sẽ thấy đây là sự mách bảo thần minh. Hồn thiêng của tổ tiên và văn hóa Việt đang chỉ cho ta phải bước vào thời buổi này với một tầm nhìn, một trí tuệ, một quyết chí mạnh mẽ, sáng suốt đem cái minh triết ấy để giải quyết cho bằng được những bài toán đặt ra cho dân tộc trong thời đại mới.
Nếu biết thêm đôi nét về thân thế của Bà, hẳn chúng ta sẽ càng thêm kính phục tấm gương của một liệt nữ tiền bối, càng làm cho bài học Bà để lại cho đời sau có thêm phần sâu nặng của tình cảm, tâm linh.
Bà là vị nhân thần trong thần điện Việt. Nhưng dấu vết về một nhân thần có thật, một nhân cách cao quý còn rải rác đó đây trong thư tịch. Dù nghiên cứu về bà như một nhân cách lịch sử hay là một vị thần linh hiển, ta đều bắt gặp sự thánh hóa, thiêng hóa cái mẫu hình nhân cách cao quý: Đẹp - Tài - Đức hạnh – Trí dũng của một người Việt lại là một người đàn bà nước Nam. Trong nhân cách lịch sử hay trong linh hiển thánh hóa, Bà đều trao dạy cho chúng ta nhiều bài học. Tự nhiên tôi nghĩ tới các bà mệnh phụ thời nay (vợ của các nhà lãnh đạo cao, thấp) nên tìm đọc ở Bà bài học “thờ chồng”, làm đẹp, làm tốt, làm hay ... vì chồng và cho chồng chứ không phải lợi dụng chồng để mưu tư lợi (!).     
Không phải ngẫu nhiên mà Lê Thánh Tông đã ca ngợi bà, suy tôn bà với mỹ tự: Chế Thắng phu nhân. Trong các Từ điển Hán Việt của ta và Từ điển của Trung Hoa (mà tôi biết) Chế thắng có nghĩa là chế định ra được mưu lược để chiến thắng; người làm được việc ấy được gọi là Chế Thắng. Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh cũng như Từ hải của Trung Quốc đều ghi nhận như thế.
Quả thật Kê minh thập sách là những tư tưởng chiến lược mà bất cứ ai hiểu được, cảm nhận được và tìm mọi cách để đưa vào thực tiễn hành động sẽ bảo đảm được thắng lợi. Đó là điều chắc chắn. Cố nhiên không thể có thắng lợi nếu chỉ nói, không làm, hoặc làm một cách hình thức, chỉ là xỏa ngôn xảo thuật. Tuy nhiên nếu chân thành thực sự vì Dân vì Nước chắc chắn sẽ làm được và nhất định thành công. Có thể nói “Nó” là tiêu chuẩn lý tưởng, là cái khuôn vàng thước ngọc để đo lường, kiểm nghiệm đúng, sai, tốt, xấu của mọi chủ trương chính sách, mọi chế độ chính trị, mọi đường lối và phương thức của các tập đoàn chính trị, chính đảng xưa cũng như nay.
Càng đọc Kê minh thập sách tôi càng cảm nhận rõ ba điều.
Thứ nhất tuy là sản phẩm tư tưởng và ý thức của của thời xưa, phong kiến, thời mà tam giáo đã định hình ở nước ta, Đạo Phật thịnh hành, Nho giáo được suy tôn như một lý tưởng, một phương thức, một thể chế trị nước. Nhưng thật lạ, “Nó” dường như chưa nhiễm cái tinh thần Tống Nho, mà đời Trần ở nước tâ đã ở vào thời kỳ hậu Tống rất xa, triều Tống đã suy sụp! Ta có cảm tưởng rất rõ nó gần với những tư tưởng Nho gia thời nguyên sơ, thời Khổng – Mạnh. Vì thế tôi cho rằng “Nó” là một tổng kết thuần Việt. Nó mang trong mình dấu ấn Việt – Nho rất rõ. (Tôi tán thành phương pháp luận của Kim Định cho rằng có một Đạo Việt Nho). Tổng kết này tuy mang hình thức tư duy Nho gia nhưng thực chất là từ thực tiễn Việt. Dấu ấn những tư tưởng dân chủ, thân dân của văn hóa Lý Trần rất rõ. Đời Lý đã nêu lên một phong khí chính trị từ hòa yêu thương, chăm lo cho nhân dân, giảm nhẹ hình phạt ... Đời Trần lại càng đề cao con người: “Phật không có ở trong núi, Phật ở trong tâm mỗi người”. Và “Bậc nhân chủ (vua) phải lấy lòng thiên hạ làm tâm của mình, lấy ý của thiên hạ làm ý của mình”. Trần hưng Đạo đề xướng “Đạo” “Khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” ...
Ta có thể nhận tháy ngay rằng rất nhiều những thực tiễn tốt đẹp trong nền chính trị ở hai triều đại Lý – Trần đã phản ánh vào Kê minh thập sách, để đúc nên những minh triết về trị nước và giữ nước. Chính vì thế nó mang tinh thần Việt, tâm hồn Việt. Kê minh thập sách lầ minh triết trị nước, quan hệ với Dân của Việt Nam. Nó là hoa trái nở trên mảnh đất mầu mỡ của trí tuệ, đức hạnh và ước vọng Việt. Nói “Nó” là minh triết vì “Nó” là giá trị mở, là chất tủy của văn hóa chính trị Việt.
Thứ hai, trong toàn bộ 10 chính sách, ta thấy quán xuyến từ đầu đến cuối cái tư tưởng, cái tình cảm đề cao nhân dân. Coi dân là chủ thể của nền chính trị, nền hành chính, của công việc trị nước. Nó phảng phất tinh thần Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nó cũng là tổng kết sớm nhất cái đạo lý “quốc dĩ dân vi bản” của Vệt Nam, mà sau này từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ Chu Văn An cho đến Ngô Thì Sĩ và những nhà văn hóa chính trị lớn của ta đã đề cập. Chính Hồ Chí Minh sau này cũng nói “Trên bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không gì vẻ vang bằng phục vụ nhân dân”. Và Trường Chinh khi khởi thảo văn kiện “Đổi mới” của Đại hội VI đã khẳng định “Lấy dân là gốc”. 
Để tôn phù Dân (chứ không phải Vua hay một thế lực cầm quyền) phải có một nền chính trị văn hiến, nhân văn, một nền hành chính thân thiện với Dân, với con người.
Lấy tôn phù Dân làm mục đích, làm lý tưởng, đó là minh triết của Kê minh thập sách. Tư tưởng phương Đông triển khai mối quan hệ xã hội cơ bản: Vua – Xã tắc và Dân theo hướng đề cao cái nghĩa như Mạnh Tử nói; “Chỉ là nhân nghĩa mà thôi.” Vua phải có nghĩa với Dân. Còn Dân phải có nghĩa với non sông, xã tắc, với triều đình, với luật lệ. Phương Tây thì triển khai theo hướng dân quyền (démocratie). Quyền của Dân là tối thượng. Nói cái nghĩa là nói cái bản chất, nhưng nó mông lung không đo đếm được. Phương tây nói cái “cratie”, cái quyền có vẻ là thiết chế bề ngoài nhưng lại dễ kiểm soát, nó giống như những nấc thang để tiến tới, từng đoạn đường để thực hiện, từng giới hạn để vượt qua từng mục tiêu cụ thể để giành lấy. Tuy nhiên kinh nghiệm của nhân loại và cả của dân tộc ta thời hiện đại là phải biết hòa quyện cái nghĩa và cái quyền. Những người yêu nước và cách mạng của Việt Nam ngay từ sau khi giành lấy chủ quyền độc lập từ tay ngoại bang năm 1945 đã khẳng định Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính là thuận theo cái mạch tiến hóa của lịch sử Dân tộc. Và rõ ràng lúc nào thể hiện được tình tự ấy rõ nhất, nhiều nhất thì có thăng hoa, phát triển.
Trên cái lẽ tôn phù Dân, Kê minh thập sách đưa ra một hệ thống những tư tưởng then chốt để kiến tạo nền chính trị, nền hành chính nhân ái, thân dân, xây dựng một xã hội văn hiến, một sức mạnh quân sự để giữ gìn Đất nước.
Nền chính trị nhân văn ấy phải ý thức được việc Khử hà bạo – để lòng người yên vui. Hà bạo là nói ghép cả hai khái niệm hà khắc và bạo ngược. Khát vọng có một nền chính trị không hà khắc bạo ngược đã có cả nhiều ngàn năm, từ khi xã hội đã phân công người cai trị - kẻ bị trị. Khổng Tử đã nói điều đó trong câu chuyện Hà chính. Một phụ nữ phải cất nhà ở trong rừng sâu nơi nhiều hổ báo. Khi được hỏi, bà ấy trả lời dù ở gần nơi hổ báo nguy hiểm còn hơn ở với chính trị hà khắc bạo ngược. Đó cũng là lý tưởng của Nguyễn Trãi: “Văn trị ưng tu trí thái bình”. Thái bình nghĩa là một xã hội sung túc, no ấm và yên ổn. Ông còn nói “Sinh thời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng thỏa sống” và ao ước lớn lao của ông là “Làm sao trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu”. Cũng theo mạch tư tưởng ấy, về sau Hồ Chí Minh lại nói về một “ham muốn tột cùng làm sao dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học  hành”.
Phải có một nền hành chính minh bạch, rõ ràng, không rối rắm, chồng chéo, tù mù. Phải cách mọi phiền nhiễu. Bà dùng chữ Cách rất đắt. Chữ cách  cách1() này cũng có nghĩa như cách mệnh – bỏ cái mệnh cũ thay bằng cái mệnh mới, như cải cách. Không thật sự cải cách không cách chi chống và giảm phiền nhiễu. Ngày nay phiền nhiễu đang khiến cho một xã hội dân sự không tồn tại và nảy nở bình thường, lại đang gây tác hại cản trở, làm chậm bước phát triển của đất nước, của xã hội.
Để có nền hành chính minh bạch, hữu hiệu không phiền nhiễu tất phải chú ý đến việc xử lý như thế nào với hai tệ đoan đã có từ ngàn xưa, mà ngày nay lại tồn tại trong những hình dạng mới: lộng quyền và tham nhũng. Bọn lộng quyền thường lợi dụng quyền lực và quyền hành để tham nhũng. Còn lũ tham nhũng thì luôn chà đạp pháp luật, coi thường đạo lý, nghĩa là chúng luôn luôn thể hiện sự lộng hành của mình. Không biết từ kinh nghiệm chính trị nào mà Bà dùng chữ rất đắt. Như với lộng quyền Bà dùng chữ ức nghĩa là đè nén, ngăn chặn. Còn với quan lại tham nhũng thì dùng chữ thải, thải nghĩa là đuổi đi, bỏ đi. Bởi nếu không thải mà đưa từ chỗ này sang chỗ khác hoặc cho leo cao hơn thì chỉ là nuôi tham nhũng lớn lên mà thôi. Chúng ta đang chứng kiến sự lộng hành của tham nhũng, dường như nó tràn lan. Chỉ trong một nền chính trị và hành chính bệnh hoạn thì lộng quyền và tham nhũng mới là bệnh trầm kha khôn cách chữa.
Để có một nền chính trị thân dân, lấy nâng đỡ phục vụ để dân tự an, để phát triển đất nước, nói như người xưa là để cho quốc phú dân cường, cho dân mạnh nước giàu, cho dân chủ, văn minh ... thì đất nước ấy, xã hội ấy phải được nuôi dưỡng bằng văn hóa. Lý tưởng văn hóa của Kê minh thập sách là chấn hưng nho phong, khiến cho ánh sáng (tước hỏa) soi chiếu khắp nơi như mặt trăng mặt trời. Nho phong ngày xưa được coi như là cái chất tốt đẹp của trí tuệ, kiến thức, đức hạnh và lối sống cá nhân. Sự phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật hiện đại cũng phải nhắm tới cái chất lượng con người và xã hội như thế.
Về sách thứ sáu “Cầu lời nói thẳng để cho cổng thành cùng đường ngôn luận đều rộng mở” (Cầu trực gián lệnh thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai), tôi coi đó như một mặc khải tiên tri. Đã đành, trong triều chính xưa nhiều bậc vua hiền từng ban chiếu cầu lời nói thẳng, đời Lý, đời trần, đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều có. Mà cả thời Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đề cập đến việc xin dân phê bình, giúp đỡ, giám sát chính phủ. Nhưng đề cập đến trực gián gắn liền với mở cửa và rộng đường ngôn luận quả nhiên là một mặc khải (lời bí truyền) tiên tri cho thời đại chúng ta hôm nay. Người xưa nói trực gián, ngôn ngữ hiện đại là phê bình, phản biện. Phản biện không chỉ là nói khác (cho đúng hơn, tốt hơn) mà còn là thông tin nhiều chiều. Xã hội hiện đại có nhu cầu tự nhiên này, vì mọi quá trình xã hội đều tinh vi, phức tạp, rộng lớn hơn rất nhiều trong xã hội cũ. Vì thế ở các nước phương Tây họ có phương thức bất cứ dự án nào đều có một dự án phản biện. Không trách họ tiến rất nhanh. Thế giới chúng ta sống hôm nay là thế giới mở, vì thế chúng ta phải biết sống với phương thức phản biện, thông tin, giao lưu mở cửa và ngôn luận rộng mở. Dường như Bà đã báo thức cho chúng ta từ nhiều trăm năm trước.
Trong tư duy của người Việt, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước. Kê minh thập sách mách bảo bốn điều về quân sự là binh, tướng, vũ khí và trận pháp. Quân phải khỏe, tướng phải tài giỏi, vũ khí phải sắc bén, trận pháp phải chỉnh tề, càng thấy đều thiết cốt cho hôm nay. Riêng tư tưởng chọn tướng cốt người thao lược, chớ nề con ông cháu cha là một tổng kết có tầm khái quát. Đó là kinh nghiệm chính trị đời Trần, nó là văn hóa Đông A. Vì biết bao tướng lĩnh thao lược đã xuất thân từ lớp bình dân (!). Ngày nay, không chỉ trong quân sự mà mọi lĩnh vực xã hội cả công, cả tư, đây là một mách bảo thần khải. Ở những lĩnh vực tư nhân nhờ có người chỉ huy tài giỏi mà thành công. Ở nhiều lĩnh vực công thiếu người cầm đầu thao lược khiến lùng nhùng, trì trệ, mất thời cơ, mất cả thời giờ và tiền của của nhân dân của xã hội. Cha ông ta biết tổng kết vai trò của người hiền tài. Nói chữ khắc vào bia đá thì “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nói nôm dân dã thì “một người hay lo bằng kho người hay làm”. Đây là một mách bảo khiến chúng ta phải soát xét lại cách ứng xử lâu nay để tìm kiếm nhân tài cho một tiến trình mới của dân tộc. Ngày nay việc chọn tướng (người chỉ huy) đang liên quan đến hai điều. Rõ ràng ở nhiều lĩnh vực điều hành vĩ mô ta chưa chọn được người thao lược, hai là ở vào thời đại dân chủ, vấn đề có cơ chế nào để dân và xã hội tham gia tuyển chọn người thao lược là vấn đề cấp thiết của quốc gia.
Thứ ba là, không thiếu những ví dụ trong nước, ngoài nước, hôm nay, để chiêm nghiệm, lĩnh hội và thôi thúc một nỗ lực mới ở cả hai chiều: hệ thống cầm quyền lãnh đâọ và nhân dân trong xã hội. Học tập từ tiền nhân để tạo năng lực mới, bản lĩnh mới, phẩm chất mới cho chặng đường phát triển của dân tộc trong thời đại mới.
Nghiệm cho cùng thì muốn đem những di sản văn hóa tinh thần của tổ tiên ứng dụng vào cuộc sống mới trước hết phải có phương thức tư duy mới, phương pháp tư tưởng mới. Đây chính là quá trình mở rộng đổi mới tư duy đã từng được đề xướng. Phải rũ bỏ tư duy giáo điều sùng ngoại, độc nguyên xơ cứng và lạc hậu. Phải mở rộng tâm hồn để đón nhận luồng gió ấm áp, hương sắc nồng đượm của những tư tưởng đẹp đẽ mà tiền nhân để lại. Người xưa gọi đó là khai tâm, khai trí – mở tấm lòng, mở tâm trí của mình ra. Phải vượt lên trên cái biết, đi tới cái hiểu, cái ngộ rồi hợp nhất tri với hành. Ở đây có vai trò của những nhà chính trị dám vượt qua chủ nghĩa thực dụng, tâm lý co thủ, chỉ cốt giữ yên chiếc ghế vị trí, dám vượt qua chính mình. Còn có vai trò rất quan trọng của từng lớp trí thức, họ phải thể hiện thật tốt vai trò tiếp nhận văn hóa và truyền bá văn hóa. Descartes nói một câu rất hay “Phải cắn vỡ xương để hút được chất tủy”. Trước khi những tư tưởng đạo lý nhân văn của tiền nhân được lan tỏa vào xã hội để trở nên nếp nghĩ, nếp sống, trở nên một phong thái xã hội phải vận động thật tích cực vai trò của trí thức.
Tuy nhiên kinh nghiệm của dân tộc ta cũng như của nhân loại khi bước vào thời hiện đại là không được dừng lại ở mức độ cảm nhận đạo lý. Chỉ duy mỗi một việc chống lại sự hà bạo đối với môi trường chúng ta cũng thấy rằng phải nhanh chóng từ nhận thức đạo lý mà gấp gáp hình thành quy chế, thể chế, luật lệ.
Kê minh thập sách là minh triết, là linh hồn của những đạo lý mới để góp vào hình thành một cộng đồng xã hội Việt hiện đại. Chúng tâ hy vọng, mong ước, đòi hỏi những người có trách nhiệm chính trị của đất nước ta hôm nay trước hết xin biết có những tư tưởng, những đạo lý rất nhân văn của dân tộc. Kê minh thập sách là một. Sau đó xin từ cảm nhận để thôi thúc một ý chí để cùng nhau đưa những mách bảo minh triết của cha ông vào chính sách, vào phương thức và mục tiêu hành động của mình để biến nó thành Đời Thường. Ngô Thì Sĩ nói “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời  không bằng đem đạo Đời Thường để cảm hóa lòng người”
Lòng người hôm nay mong ước mọi tiến trình chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục v...v... đang và sắp diễn ra hãy gấp gáp đưa những đạo lý phổ quát của tiền nhân biến thành lối sống bình thương của xã hội trên mọi cung bực của cuộc đời.
Để kết thúc bài viết này tôi xin ghi hai câu đối mà chúng tôi làm để dâng vào Đền đầu xuân Đinh Hợi nhân lễ giỗ lần 630 của Bà.
Câu đối chữ nho:
       Kê minh thập sách, thánh trí truyền lưu phù Việt quốc,
       Chế Thắng phu nhân, mẫu ân vĩnh bảo hộ Nam dân.
Nghĩa là:
       Kê minh thập sách, trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt,
       Chế thắng phu nhân, ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp Nam dân.    
Câu chữ Nôm:
       Sống mong nước trị dân an, một lòng tiết nghĩa,
       Thác hóa Phúc thần thánh mẫu muôn thuở anh linh.
                                                                                         Hà Nội, Xuân Canh Dần (2010)         
------------------------

(1) Chỉ Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, hôn quân kém đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét