Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Làm gì để đi đến tận cùng sự học



Nguyên Hiệp
TMT: Có một bạn trẻ chất vấn BS Nhân tử Nguyễn Văn Thọ: “Thưa Thày, con sang Mỹ này hết sức là thành công, trên phương diện vật chất, nhưng hết sức chán đời, nhiều khi còn muốn tự tử, vì thấy cuộc sống rất là vô nghĩa. Vậy xin hỏi thày: Sống để làm gì?”. Ông trả lời: “Tôi sẽ lấy chữ LÀM, để trả lời anh: 1. Vì con người có Xác, nên trước hết phải LÀM ĂN; 2. Vì con người có Hồn, nên phải LÀM NGƯỜI; 3. Sau hết vì con người có Thần, nên phải LÀM THẦN THÁNH.”. Mới hay rằng, cái tận cùng của sự học đâu phải chỉ để làm ăn. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh trống khai giảng

Khai giảng năm học mới 2013-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP. Đà lạt (Lâm Đồng) có câu nói khá hay và rất đúng - Phải đi đến tận cùng sự học. Đúng quá. Học, dù một bài, một lớp, một cấp đều phải đi đến tận cùng. Suy rộng ra, kiến thức không thể nửa vời, chân lý càng không được nửa vời. Người ta nói rằng một nửa ổ bánh mỳ là bánh mỳ. Nhưng một nửa chân lý thì không phải là chân lý. Vấn đề học thế nào, dạy như thế nào, tổ chức sự học và sự dạy như thế nào để có thể đi đến tận cùng là vấn đề lớn. Suy cho cùng đó là đích đến của giáo dục.
Có một thời, có người táo tợn và cực đoan đến mức cho là nền giáo dục cũ chín phần mười là sai lầm và một phần là vô bổ. Thế mà nền giáo dục hiện nay của chúng ta nhiều người lại cho rằng còn lạc hậu hơn thời xưa!.
Cho nên cái yêu cầu sự học phải đi đến tận cùng là rất hay, rất đúng. Tuy nhiên đó không phải là ý mới. Về vấn đề này bảy trăm năm trước Phật Hoàng Trần Nhân Tông , trong bài phú nổi tiếng “Cư trần lạc đạo” có câu: “Cùng nơi ngôn cú”, nghĩa là nơi học vấn, nơi tư duy, nơi tư tưởng, nơi khoa học phải làm sao đi đến được tận cùng. Thành ra nơi giáo dục phải là nơi mở đầu cho sự tận cùng của phát triển. Xã hội ta đang chứng kiến một hội chứng của sự nửa vời. Tìm tòi bất cứ nguyên nhân của bất cứ cái gì cũng dừng lại sự mô tả. Sở dĩ nó hư hỏng vì có những hư hỏng thế này, thế này, chỉ ra vài cái cớ, còn nguyên nhân truy vấn cho tận cùng thì không đến nơi đến chốn, hời hà hời hợt. Cái thói xấu hời hợt dường như là một thứ cốt tính của xã hội. Điều đáng buồn đó là điều mà một giáo sĩ đã nhận xét quả tang từ thế kỹ 18. Cuộc cách cái mạng rồi cũng nữa vời, lý thuyết lại càng nữa vời. Đến cả cái “tái cấu trúc”, cái đổi cho ra cái cũ tử tế, đàng hoàng cũng nữa vời, thụt tới thụt lui. Người ta bảo có một ổ voi nơi giáo dục.
Dạy con trẻ đi đến tận cùng của sự học. Người lớn , trước hết là những VIP – “yếu nhân” hãy đi đến tận cùng của sự tổ chức giáo dục. Cứ nhìn cái cảnh các quan chức hớn hở đi đánh trống khai giảng , người viết bài này không khỏi suy nghĩ, có thật cần thiết đến như vậy không. Tại sao những quan chức ấy không dành thì giờ đi lại tốn kém để ngồi lại bàn với nhau cho ra lẽ năm học này mình phải đi đến tận cùng những gì cho con em mình có thể đi đến tận cùng sự học. Cảm gíác đánh trống bỏ dùi thật rõ rệt khi xem các vi đánh trống mừng khai giảng, xong ai về nhà nấy rồi phó mặc đàn con trẻ cho một hệ thống nhà trường đầy khuyết tật. Làm sao chúng có thể đi đến tận cùng sự học cho nên người.
Cho nên người là ”phải đi đến tận cùng sự học”. Thế mà cứ ngẫm mà xem, 50 năm qua là có bốn thế hệ tú tài, là 5 thế hệ Đại học. Nhưng nền giáo dục không cung cấp nổi một đội ngũ, một lực lượng đông đảo nhân lực chất lượng cao, phù hợp với đòi hỏi của công cuộc phục sinh Đất Nước sau chiến tranh. Một đội ngũ công chức đàng hoàng tử tế đủ năng lực cầm trịch cho sự chấn hưng và phát triển, có đủ nghị lực và phẩm chất để không biến thành “những kẻ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”, như Ăng ghen từng dự báo. Đành rằng có vấn đề cơ chế, thể chế. Nhưng, nếu có Con Người!.
Để đi đến tận cùng sự học, phải chọn cho được một Tổng công trình sư. Người này có thể các cả cuộc đời mình cho giáo dục. Phảicó một Uỷ ban quốc gia về giáo dục, có chất lượng, có uy tín, phải thật sự là những chuyên gia chứ không thể chỉ là mấy công chức cao cấp có bằng. Hiện tại chúng ta có trùng trùng những tổ chức phụ trách về giáo dục, nhưng nói chung đều phi trách nhiệm (phi chứ không phải vô). Không nên cử một đại quan chức mà chỉ như chuồn chuồn đạp nước, đi đánh trống và đi cắt băng khánh thành mà được. Bỏ luật giáo dục đi có quá nhiều sạn sỏi trong luật này.
Một câu nói thúc dục đúng đắn!. Nhưng đừng để thành lời nói suông. Cái thói quen ai nói mặc ai hình như là đã trở thành cốt tính chẳng tốt đẹp gì của hệ thống.
Cho nên , xin Anh Sang hãy tự mình trong năm học này cũng đi đến tận cùng việc thực hiện khẩu hiệu phải đi đến tận cùng sự học. Tôi hy vọng toàn ngành giáo dục, cùng với xã hội, hãy cùng với Anh Sang , đừng bỏ lững câu nói hay và đúng ấy, sẽ thảo luận cho ra nhẽ làm thế nào để đi đến tận cùng sự học./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét