Ts Lê Công Sự
TMT: Mạnh Tử viết: “Tiên
thánh, hậu thánh, kỳ quỹ
nhất dã”(Thánh trước,
thánh sau đều cùng chung một đường lối”). Do đó,
việc khảo sát tư tưởng một số triết gia cổ đại về Minh Triết, triết
học sẽ tìm thấy những điểm chung, thú vị và có ý nghĩa trong đời sống hiện tại.
Thôn Minh Triết xin được giới thiệu bài nghiên cứu của Ts Lê Công Sự, Giảng
viên triết học, Đại học Hà Nội. Bài đã được được trình bày tại Lễ Mừng lên Bảy
của Trung tâm Minh Triết ngày 13/12/2014 tại Hà Nội.
Trong cuốn Republic (Nền cộng hòa) nổi tiếng của
mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Plato đã viết một câu khá thâm thúy: “Cái
ác của thế giới sẽ chỉ dừng lại khi các triết gia làm vua hay vua là triết gia”.
Dựa
trên ý tưởng đó, ông mở học viện nằm
trong một khu rừng, bên điện thờ người anh hùng Academy, nên có tên Plato’s Academy(1). Mục đích chính của học viện là theo đuổi tri thức khoa học qua việc phát huy tính sáng tạo của các học viên, hướng đến việc đào tạo
các lãnh tụ tương lai cho một nền cộng hòa như ông mong ước - đó là một nền
cộng hòa cấu trúc dựa trên ba thành phần cơ bản: giai tầng bảo vệ (Guardian class) - những triết gia - người cai trị
(philosopher - king); giai tầng trợ chiến (Auxiliary class) - những chiến binh và người bảo vệ đất nước bằng bạo lực
(soldiers and enforcers); giai tầng lao động (worker class) - thợ thủ công và người lao động giản đơn (merchants and simple laborers).
Theo Plato, sự cai trị đất nước
phải thuộc về các triết gia, họ giống như những thuyền trưởng của con tàu,
muốn con tàu đi đúng hướng thì thuyền trưởng của nó cần phải được đào tạo một
cách căn bản làm sao đó để thông hiểu về các cấp độ của tiến trình nhận thức,
phân biệt chân lý và sai lầm, sự thật và giả tạo, thế giới hữu hình (things) và
thế giới bóng hình (shadow). Chương trình đào tạo bao gồm các bước: Ban đầu ở
tuổi 18, học văn Chương, âm nhạc, toán sơ cấp. Đến giai đoạn cao hơn ở tuổi 20,
học thể dục và quân sự, toán học nâng cao. Khi đạt tuổi 30, họ được đào tạo 5
năm chuyên sâu môn triết học. Mười lăm năm tiếp theo họ phải trải qua thực tập
để lấy kinh nghiệm. Ở tuổi 50, những người có khả năng nhất sẽ được lựa chọn để
để đảm đương công việc cai trị nhà nước.
Republic là sản phẩm tư duy của một thiên
tài, trong đó chứa đựng nhiều giá trị minh triết cho đến nay vẫn còn tính thời
sự. Những nội dung phản ánh trong tác phẩm này đã dẫn đường chỉ lối cho các bậc
quân vương trong quá trình thao binh, trị quốc. Nhà nước cộng hòa mà Plato dày
công thiết kế tuy chỉ là mô hình lý tưởng, nhưng đã tạo nguồn cảm hứng cho các
nhà lý luận Chủ nghĩa xã hội không tưởng (Utopian
socialism) giai đoạn cuối phục hưng, đầu cận đại. Những tư tưởng cơ bản trong Chủ
nghĩa xã hội không tưởng đã trở thành một trong những tiền đề hình thành Chủ nghĩa Mác (Marxism) làm thay đổi hướng
đi của lịch sử nhân loại đầu thể kỷ XX. Câu nói nổi tiếng của ông như đã dẫn ra
ở đầu gợi mở cho chúng ta nhiều suy tư trăn trở về mối quan hệ giữa minh triết
với quyền lực và chính trị, theo đó minh triết như là nghệ thuật làm chính trị
và giá đỡ cho quyền lực, nếu quyền lực đó muốn tồn tại lâu dài.
Tiếp bước người
thầy Plato, Aristotle cũng mở trường nằm trong một khu rừng gần miếu thần
Apollon Lyceum, nên gọi là trường Lyceum(2). Trường không chỉ là cơ
sở đào tạo “triết gia - người cai trị” mà còn là nơi gặp gỡ, đàm đạo của tầng lớp
trí thức - quý tộc, tạo không khí tự do ngôn luận trên bước đường truy tìm chân
lý. Tương truyền, Aristotle thường giảng bài cho học sinh trong khi dạo chơi với
họ, nên trường phái của ông được gọi là phái tiêu dao (peripateticos). Không
chỉ làm thầy giáo, ông còn dày công thu thập nhiều tư liệu, nhiều bộ sách quý của
đất nước và thế giới lập một kho lưu trử cho học trò đọc, ngày nay chúng ta gọi
là thư viện (library).
Trước khi mở trường
dạy học, Aristotole đã ba năm liền dạy học cho thái tử của vua Philipe II là
Alexandre Macedoine. Không còn những tài liệu ghi chép nội dung và phương pháp
giáo dục của Aristotle đối với Alexandre, nhưng có một điều không thể phủ nhận
là ông đã ghi dấu ấn quan trọng trong việc hình thành tri thức và quyết định
nhân cách của vị vua tương lai này. Theo sử ghi thì ông không giáo dục toán học
như Plato, mà chú trọng việc giáo dục thi ca, nghệ thuật, nhằm hình thành một
nhân cách theo khuynh hướng “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” như các vị thần
trong Iliad và Odysser của Home. Khi đã trưởng thành, Hoàng đế Alexandre Macedoine
nói lời tri ân với thái sư rằng: “Tôi kính trọng Aristotle ngang với cha tôi, bởi
vì nếu tôi chịu ơn cha tôi lẽ sinh thành, thì tôi chịu ơn Aristotle đã đem lại
giá trị cho sự sinh thành đó”.
Chính trị
học (Politic) là tác phẩm phản ánh những tinh hoa về nghệ thuật làm chính
trị mà Aristotle đúc kết từ lịch sử hiện thực cũng như trong cuộc sống ông trải
nghiệm. Luận đề: “Con người là một sinh vật chính trị” (The Man is political
animal), được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm này với hàm ý rằng,
chính trị là công việc của mọi người, chứ không phải đặc quyền của các chính
khách hay tầng lớp thượng lưu. Mục đích của chính trị là thiết lập một nhà nước
khả thi hợp lý đem đến điều tốt hay hạnh phúc cho mọi người. Không quá phóng đại
khi nói rằng, Chính trị học là cẩm
nang cho các chính khách một thời, người ta tìm thấy trong đó sự phân tích sâu
sắc về bản chất nhà nước và vai trò quyền lực chính trị, về nguyên nhân hưng thịnh
và suy vong của các hình thức nhà nước, về mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật,
về giáo dục công dân như thế nào để thiết lập được một nền chính trị tốt. Tác
phẩm đã gây tiếng vang lớn ở phương Tây, là cơ sở lý luận và phương pháp luận để
đến thời phục hưng và cận đại cho phép ra đời các tác phẩm trứ danh khác như Quân vương (The Prince) của Machiavelli,
Thủy quái (Leviathan) của Hobbes, Khảo luận thứ hai về chính quyền (Second
Tract of Government) của Locke, Tinh thần
pháp luật (De L’Esprit des Lois) của Montesquieu, Khế ước xã hội (Du Social Contract) của Rousseau và tiếp sau đó là những
tác phẩm trong Chính trị học marxist.
Chiến lược đào tạo
theo phương châm “Philosopher-King” của Plato và Aristotle đã sản sinh cho Hy Lạp
nhiều bậc minh quân, đem đến cho đất nước này sự thịnh vượng về kinh tế, phát triển
về văn hóa, khoa học và thống trị thế giới về chính trị. Ngày nay, chúng ta khó
có thể tưởng tượng rằng, lịch sử Hy Lạp cổ đại sẽ ra sao nếu không có hai triết
gia kiêm thái sư vĩ đại này. Chính những giá trị minh triết chứa đựng trong các
tác phẩm của họ là những tri thức cẩm nang, những khuôn vàng thước ngọc cho các
chính khách đương thời để từ đó xây dựng nên một mẫu hình nhà nước cổ điển Hy Lạp,
La Mã như từng có trong lịch sử.
Từ phương Tây, trở về phương Đông,
chúng ta thấy các triết gia như Khổng tử, Lão tử, Hàn Phi tử đã đóng vai trò
quan trọng quyết định bản chất của nền chính trị Trung Quốc cổ đại. Phải nói rằng,
đất nước Trung Quốc rộng lớn đã sinh ra những nhà tư tưởng vĩ đại đưa đất nước
này trở nên sáng giá trên chính trường quốc tế, tên tuổi họ kết nối các triều đại
quân chủ chuyên chế với những thuật trị nước đạt đến trình độ kinh điển mà đến
nay nhiều điểm trong đó vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta tham khảo, tiếp biến,
học hỏi.
Lão tử xứng đáng đứng đầu trong các bậc minh triết
Trung Quốc cả về thời gian sinh thành lẫn tầm vóc tư tưởng. Trong Đạo đức
kinh, ông cho rằng bậc quân tử làm Vua, làm quan trị người phải dùng
đạo vô vi. Ông cho rằng, “thánh nhân dùng vô vi mà xử sự, dùng bất
ngôn mà dạy dỗ, để cho vạn vật nên mà không oán, tạo ra mà không chiếm đoạt,
làm mà không cậy công, thành công mà không ở lại, vì không ở lại nên không bị bỏ
đi" (chương 2). Ở chương
48 ông khẳng định, “bậc thánh nhân lấy được thiên hạ thường dùng vô sự",
vì theo lẽ thường tình “hễ làm thì hỏng, hễ giữ thì mất” (chương 29). Từ đạo vô vi, Lão tử suy
ra rằng, nhà nước càng manh động, càng ra lắm chủ trương chính sách thì
xã hội càng thêm rối ren, loạn
lạc, do vậy, cần phải "lấy ngay thẳng mà trị nước, lấy trá nguỵ mà
dụng binh, lấy vô sự mà chiếm giữ
thiên hạ, thiên hạ càng nhiều điều kiêng kỵ thì dân càng nghèo. Dân càng
nhiều vũ khí lợi hại thì nước càng hỗn loạn. Người nhiều tài khéo thì vật lạ
càng nhiều. Pháp luật càng nghiêm thì
trộn cướp càng lắm” (chương 57).
Lão tử khuyên chúng
ta trong quan hệ xã hội phải mềm mỏng ôn hoà như nước. Bởi nước mềm nhất mà thắng
được mọi cái cứng nhất trên đời, nó có tính nhẫn nhục, nhường nhịn, không tranh
giành với những cái khác. “Bậc thượng thiện giống như nước, nước hay làm lợi
cho thiên hạ mà không tranh, nước ở chỗ thấp, chỗ trũng nên gần với đạo”
(chương 8). "Dưới trời mềm yếu nhất
là nước, nhưng không gì thắng được nước, mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh"
(chương 78). Cứ lấy nước mà suy thì cái gì mềm cũng thắng cứng, cái gì yếu cũng
thắng mạnh, bởi vì, “người khi
mới sinh thì mềm yếu, khi chết thì cứng đờ, vạn vật cây cỏ khi mới sinh thì mềm
dịu, chết thì khô khốc. Vậy nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn
của sống. Ấy nên, binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì ắt gẫy. Cứng và mạnh ở
dưới mềm và yếu” (chương 76).
Sự ra đời của Khổng
tử đã bổ khuyết cho tư tưởng Lão tử. Ông sống vào buổi giao thời loạn lạc giữa
xuân thu và chiến quốc, khắp thiên hạ diễn ra tình trạng hỗn quân, vô đạo, trước
bối cảnh lịch sử bi đát đó, ông đã viết Luận
ngữ, đề ra đường lối trị nước với hai nội dung cơ bản:
Thứ nhất, để
cho đất nước được an bình thịnh trị thì người đứng đầu đất nước phải chăm lo
cho dân chúng:
1. Túc thực, sản
xuất thật nhiều lương thực, thực phẩm của cải vật chất, làm cho dân giàu, nước
mạnh.
2. Túc binh, củng
cố quốc phòng, binh khí và nuôi dưỡng binh lính để bảo vệ đất nước, đề phòng có
họa ngoại xâm.
3. Dân tín, người
trị dân phải thật sự tin dân và phải sống làm sao đó để làm cho dân tin mình.
Trong ba điều kể
trên thì dân tín là quan trọng nhất. Bởi niềm tin là cơ sở của tư duy và hành động,
nó quyết định sức mạnh của lời nói và hiệu quả của việc làm. Khi dân đã tin vào
bề trên thì sẽ có sức mạnh dựng nước và giữ nước.
Thứ hai, để
gây được niềm tin và sự tín nhiệm của dân thì người làm Vua trị nước, làm quan
trị dân phải theo chính sách nhân trị hay đức trị. Nghĩa là, người cầm quyền phải có
nhân đức, có bổn phận sửa mình làm gương cho dân chúng, có khả năng giáo hoá
nhân dân. Bởi Vua có đức sáng, nước có tôi hiền thì dân sẽ tin yêu, kính phục, từ
đó tạo nên sự chung sức đồng lòng, có tinh thần đoàn kết, sự gắn bó cộng đồng. Khổng
tử viết: "Đức hạnh của người quân tử như gió, đức hạnh của kẻ tiểu nhân
như cỏ. Gió thổi tất làm cho cỏ rạp xuống". Nếu bậc làm vua trị dân đạt được đức lớn, cái đức đó sẽ tỏa sáng cảm
hóa dân chúng, làm cho bàn dân thiên hạ noi theo, giống như sao bắc đẩu, chỉ ngự
một chỗ thôi mà khiến các ngôi sao khác phải chầu về.
Để đường lối nhân trị muốn đạt hiệu quả thì phải lấy chính danh
làm đầu. Theo Khổng tử trong xã hội, mỗi người đều có danh phận, địa
vị, bổn phận của mình. Đó là một trật tự xã hội đã phân định trên dưới rõ ràng
theo những ngôi thứ (đẳng cấp). Khi
danh phận đã định rõ thì đòi hỏi:
1. Danh
phải xứng với thực, ai ở địa vị
nào thì phải sống đúng mực, giữ đúng nhân, lễ, nghĩa của mình, đồng thời phải
có trình độ chuyên môn phù hợp theo nguyên tắc "quân quân, thần thần, phụ
phụ, tử tử”.
2. Ai
ở địa vị nào thì phải làm tròn trách nhiệm và an với phận của mình. Không tiếm
quyền, việt vị, không hưởng quyền lợi cao hơn. Khổng tử viết rằng "bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính” (không
ở địa vị nào, thì đừng mưu tính việc của địa vị ấy”.
Chính danh là một
trong những nguyên tắc đạo đức làm cho xã hội giữ được an bình, trật tự, giữ được
kỷ cương, nề nếp, do vậy tránh được hiện tượng loạn ngôn, lộng ngôn, cá mè một
lứa, dân chủ quá trớn. Chính danh còn là một trong những tiêu chí để con người
rèn luyện, nếu muốn trở thành người chí nhân quân tử có thể trị được thiên hạ. Bởi
"Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất
thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt
bất trúng tắc dân vô sở thổ thủ túc" (Danh không chính thì nói chẳng ai nghe, nói không ai nghe thì
sư việc không thành công, sự việc không thành công thì lễ nhạc không hưng thịnh,
pháp luật không hưng thịnh thì xử phạt không nghiêm minh, xử phạt không nghiêm
minh thì dân không còn biết trông vào đâu). Khổng tử đòi hỏi người phải
chính danh nhất thiên hạ phải là Vua. Bởi người làm Vua trị nước ngoài việc giỏi
về thiên sự, thế sự, nhân sự, thì còn phải trong sáng, mẫu mực về nhân cách và
gương mẫu về đạo đức.
Cũng giống như Nền
cộng hòa của Plato, Nhân trị của Khổng
tử là một đường lối chính trị lý tưởng, khó lòng hiện thực hóa trong đời sống,
nhưng đó vẫn là những lời khuyên đắt giá chứa đựng giá trị minh triết của một bậc
hiền tài được hậu thế xưng danh là "Vạn thế sư biểu" (Người thầy của muôn đời). Các bậc vua chúa và chính
khách sau này, không ai không tìm đến với sách của ông để tìm trong đó phương
châm hành động. Tuy vậy, đường lối nhân trị của Khổng tử vẫn vấp phải sự phản
kháng của vị quân sư cho nhà Tần là Hàn Phi tử. Ông cho rằng, Nho là học phái
hoài cổ, luyến tiếc quá khứ, lấy lễ nghĩa nhà Chu làm khuôn mẫu, Nghiêu - Thuấn
làm gương sáng cho đời nay. Trong khi đó thì nhân tình thế thái thời Xuân Thu -
Chiến quốc (tức thời đại Hàn Phi) đã hoàn toàn đổi khác. Những cảnh ngộ mới tất
phải làm nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi phải được giải quyết bằng những
phương pháp mới, chỉ có những kẻ khờ mới không hiểu được sự hiển nhiên ấy - đó
là lý do ông viết sách Hàn Phi tử, phản
ánh đường lối trị nước bằng pháp luật. Tác giả dẫn ra một câu chuyện ngụ ngôn
làm phương châm cho sự cần thiết phải luôn thay đổi nếp nghĩ cách làm. Chuyện kể
rằng, có một thợ cày người Tống đang cày ruộng, giữa ruộng có một gốc cây, một
con thỏ chạy qua va vào mà chết. Từ đó người thợ cày bỏ cả cày ruộng, ngồi chờ
thỏ đến thêm lần nữa. Thỏ thì không được thêm mà thân thì bị thiên hạ chê cười.
Nay muốn lấy sách của người xưa trị người đời nay thì cũng chẳng khác gì việc
làm của anh thợ cày kia. Sở dĩ Hàn phi đề xuất dùng pháp luật để trị dân vì dân
vốn nhờn với lòng thương mà chỉ vâng theo uy lực. Ông nêu ví dụ: "Trong
nhà có một đứa con hư hỏng, cha mẹ la mắng nó không chừa, hàng xóm chê trách nó
không chuyển, thầy giáo dạy nó không nghe. Như vậy là tình thương của cha mẹ, lễ
nghĩa của hàng xóm, kiến thức của thầy là những điều tốt nhưng vô tác dụng. Nhưng
sau khi một ông quan bắt giam, trừng phạt nó thì nó sợ và sửa đổi tính".
Hàn Phi Tử chủ trương việc làm
đầu tiên của Vua là lập pháp. "Luật pháp là
cái được biên chép vào sổ sách, đặt nơi quan phủ để ban khắp trăm họ. Do có
pháp luật mà trăm họ được báo cho biết những gì phải làm, những gì không được
làm". Pháp luật là điều kiện tiên
quyết do việc trị nước song muốn pháp luật được thi hành một cách có hiệu quả
thì Vua cũng như bộ máy quan lại phải có thế, tức là có uy quyền. Ông lý
giải rằng, Khổng tử là một ông thánh trong thiên hạ, nhưng đồ đệ chỉ có
hơn 70 người, ấy là vì ít kẻ biết lòng nhân. Còn Lỗ Ai Công là một ông Vua
xoàng nhưng thần dân ai cũng quy phục. Khổng tử phải làm bề tôi cho Lỗ Ai Công.
Bởi Khổng tử không phải hâm mộ lòng nhân, mà là khuất phục thế lực của Lỗ Ai
Công.
Khi đã có pháp và thế, nhà Vua
và bộ máy quan lại phải chú ý đến "thuật" tức là phương pháp điều
hành. Thuật thể hiện trên hai phương diện:
Thứ nhất, thuật bổ nhiệm và giao nhiệm vụ, thuật
này có những yêu cầu:
1. Khi chọn quan lại chỉ căn cứ theo tài năng chứ không cần
đức hạnh, dòng dõi.
2. Căn cứ vào nhu cầu công việc mặt đặt chức quan. Nếu chức
quan không cần thiết thì bãi bỏ.
3. Việc bổ nhiệm phải dựa trên cơ sở "chính
danh". Tức là phải có sự phù hợp giữa danh và thực. Thực tức là con người cụ thể với năng lực sẵn có của họ. Danh tức
là chức vụ, tước vị được giao.
Thứ hai, thuật giám sát và
thưởng phạt, thuật này đòi hỏi:
1. Dựa theo danh và trách thực: Buộc các quan chức phải
chịu trách nhiệm về bổn phận và việc làm mà họ được giao.
2. Dựa theo việc mà trách công: Bề tôi muốn làm việc gì
thì Vua sẽ theo lời (yêu cầu) mà giao việc đó. Nếu công xứng việc việc xứng lời
thì thưởng. Nếu công không xứng việc, việc không xứng lời thì phạt.
Thưởng phạt theo Hàn Phi cũng
là một nghệ thuật dùng người. Thưởng phạt là hai
tay của Vua. Công hiệu của thưởng phạt là do từ bản tính con người, tìm điều lợi,
tránh điều hại. Tuy nhiên việc thưởng phạt phải công minh, chính trực, đúng người,
đúng việc, không thiên vị. Lúc đó mỗi người tuỳ theo khả năng của mình mà nhận
việc. Nếu không đủ tư cách sẽ không dám nhận chức vụ dẫu bề trên có giao phó. Làm
như vậy thì trong xã hội sẽ không có chuyện lẫn lộn trắng đen, xảo trá, không
còn cơ hội, nịnh hót, không còn chủ nghĩa công thần. Nhưng pháp - thuật - thế muốn có hiệu lực thì phải phải hợp thời. Ngược
lại thời cũng phải hợp thế, được thời mà có thế thì mất trở nên còn, yếu thành
mạnh. Được thời mà không có thế hoặc có thế mà không thích thời thì dễ dẫn đến
thất bại. Tóm lại, Pháp - Thuật
- Thế -Thời là bốn yếu tố mà bậc làm Vua trị nước phải thông hiểu và vận dụng một
cách nhất quán, linh hoạt. Bốn yếu tố đó hợp lại một mới có công hiệu lớn. Không
nên tách rời, không nên quá coi trọng hoặc xem nhẹ một yếu tố nào.
Tư tưởng pháp trị của Hàn
Phi như đã nói trên hàm chứa nhiều giá trị minh triết, giúp cho nhà Tần thống
nhất được các cát cứ phong kiến về một mối, lập nên một đất nước Trung Quốc rộng
lớn như ngày nay. Tư tưởng đó đồng thời tạo tiền đề lý luận cho sự ra đời của
lý thuyết về nhà nước pháp quyền sau này ở phương Tây. Nhà nước pháp quyền xuất
hiện như một bước ngoặt cách mạng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị. Dân
chủ và nhân quyền được đặt lên vị trí hàng đầu, người dân trở về với vai trò «động
vật chính trị» như Aristotle nói.
Điểm lại những gì đã trình bày ở trên, chúng ta thấy,
minh triết không phải là những gì giáo điều hàn lâm xa rời đời sống, trái lại
minh triết gắn liền với sự vận động của cuộc sống thường ngày, là những lời đề
xuất chính trị thông minh, sáng suốt, tư vấn cho nhà cầm quyền cách đối nhân xử
thế, phương thức trị nước an dân. Và trên hết, minh triết giảm nhẹ gắng nặng
cho quyền lực, tăng cường sức mạnh cho nhà cầm quyền, đúng như lời nhận định người
lập hiến đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ-Thomas Jefferson: “Nếu
biết hòa nhập quyền lực vào minh triết, sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả lớn”.
Từ quá khứ nhìn về hiện tại, một câu hỏi đặt ra: Vậy thì
minh triết giúp gì cho hôm nay? Phải chăng trong thời đại hiện nay, khi con người
làm chủ khoa học công nghệ và dùng nó như một cây đũa thần để giải quyết mọi vấn
đề xã hội thì minh triết không còn giá trị? Để trả lời những câu hỏi này, chúng
ta thử lùi về nhìn lại những gì đã diễn ra trong một thế kỷ qua. Loài người đã trải
qua thế kỷ XX - một thế kỷ có tính bước ngoặt kể từ khi con người có mặt trên
trái đất. Trong thế kỷ đầy vinh quang và không kém phần cay đắng, đau buồn đó,
nhân loại từng chứng kiến nhiều biến động: Hai cuộc chiến tranh thế giới, hàng
chục cuộc chiến tranh cục bộ, hàng trăm cuộc thánh chiến và chiến tranh sắc tộc,
kèm theo chúng là những phát minh khoa học mà thành quả dường như chủ yếu để phục
vụ mục đích chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh đó người ta thử nghiệm những
vũ khí tối tân hiện đại nhất từ bom nguyên tử, tên lửa vượt đại dương, cho đến
chất độc hóa học, vi trùng sinh học - tất cả chúng không là gì khác ngoài sản
phẩm sáng tạo của tư duy con người để chống lại chính con người hay đồng loại của
mình. Do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thế kỷ XX cũng là thế kỷ
gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nhất trong lịch sử, để rồi bước
sang đầu thế kỷ XXI loài người đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của nó
mà biến đổi khí hậu là một ví dụ điển hình. Dưới áp lực của sự gia tăng dân số,
đô thị hóa nông thôn và suy thoái môi trường sống, thế kỷ XX cũng là thế kỷ
phát sinh nhiều căn bệnh hiểm nghèo như Cancer, AIDS Ebola, mà đến nay y học
chưa có phương thuốc chữa trị hữu hiệu.
Theo quan điểm của
chúng tôi, để diễn ra tình trạng nêu trên là do (1) ý thức hệ giai cấp dẫn đến
cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội, thêm vào đó (2) nhân loại bận rộn với
những sự kiện lịch sử hiện thực mà quên vấn đề minh triết, mãi đến những năm cuối
của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI mới sự nhớ ra thì đã muộn.
Để khắc phục nguyên nhân thứ nhất, nhân loại phải thiết
lập được một nền giáo dục mà nội dung của nó tích hợp được những giá trị
tiến bộ nhất từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Do vậy, giáo dục tương lai phải là một nền giáo dục tích hợp những giá trị văn
hóa Đông Tây. Ý kiến về một nền giáo dục tích hợp những giá trị văn hóa Đông
Tây được đề xuất bởi nhà vật lý học Nguyễn Hoàng Phương trong cuốn Tích hợp đa văn hóa đông tây cho một chiến lược giáo dục tương lai. Theo ông, “trong tương lai, nền giáo dục sẽ quyết định
số mệnh của con người và nhân loại, trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Nếu giáo
dục đi vào Nhị nguyên, thì tương lai của nhân loại sẽ sa vào những cuộc chiến
tranh liên miên, một mất một còn, và xã hội chỉ còn một mớ hỗn mang. Nếu giáo dục
đi vào Nhất nguyên thì nhân loại sẽ đi vào con đường phát triển lành mạnh”(3)
. Quan niệm ”Nhị nguyên” đề cập đến ở đây là giáo dục dựa trên phương pháp lưỡng
phân, định kiến ý thức hệ, phân tách tư tưởng Đông - Tây, làm cho hai phương trời
không thể hòa hợp(4). Còn quan niệm ”Nhất nguyên” là sự tích hợp
(integration) những giá trị đạo đức, nhân văn, lối sống thân thiện với tự nhiên
(thiên địa nhân hợp nhất) trong Đạo học phương Đông (Eastern mysticism)
và phương pháp nhận thức khoa học, tri thức cải tạo thế giới trong Khoa học
phương Tây (Western Science). Lý do là trong xã hội hiện đại, con người trước
hết phải đối diện với chính mình, với bản thể sự sống, với tự nhiên và đồng loại
(tha nhân), phải có một cuộc sống cân bằng giữa lý trí và tình cảm, giữa đời sống
vật chất và đời sống tinh thần. Sự thống trị của Chủ nghĩa duy lý
(Rationalism) ở phương Tây trong suốt mấy thế kỷ qua đã tạo nên cuộc sống vật
chất tương đối no đủ, nhưng lại làm phát sinh cuộc khủng hoảng tinh thần, mà dư
chấn của nó là tình trạng “Homeless” (linh hồn phiêu bạt) - đó là lý do ra đời
phong trào “Hành trình về phương đông” của người phương Tây. Phải trải qua gần
5 thế kỷ của nền sản xuất công nghiệp, người phương Tây mới nghiệm ra rằng, những
giá trị văn hóa phương Đông trầm tích trong Nho - Phật - Lão và Hindouism là những
liều thuốc hữu hiệu để chữa trị căn bệnh khủng hoảng tinh thần do chủ nghĩa duy
lý (duy khoa học) sinh ra như đã nói. Với tư cách là ”bà đỡ”cho sự ra đời của một
thế hệ mới, giáo dục tương lai phải giúp con người tìm lại bản tính nguyên sơ của
mình, cân bằng trạng thái tâm - sinh lý nhằm giảm đến mức tối
thiểu hiện tượng “Stress” diễn ra một cách phổ trong xã hội hiện đại.
Để khắc phục
nguyên nhân thứ hai, trong cuốn Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ 21,
hai nhà giáo dục nổi tiếng thế giới là Daisaku Ikeda và Aurelio Peccei(5)
nói về thân phận và triển vọng tương lai con người, được rút ra từ những suy
nghĩ, cách ứng xử, hành vi của con người trong quá khứ, từ những sự kiện vượt
ra ngoài tầm kiểm soát của con người, và từ những xu hướng hiện nay cùng những
hành vi mang tính người từ nay về sau. Trăn trở trước những suy thoái của môi
trường và đạo đức của nhân loại, hai ông viết: “Chúng tôi cho
rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và
không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề
đó. Những vấn
đề này gắn liền với lĩnh vực tư tưởng của con người, và giá như mỗi người tự
thay đổi sâu sắc về cách nhìn, về giá trị của mình, thì chúng ta có thể nhận thức,
tiếp cận những vấn đề đó với niềm hy vọng sáng sủa rằng, khi
chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn
chúng ta sẽ không
bao giờ bị sụp đổ”(6). Sự lo lắng về sụp đổ giá trị sống của nhân loại trong
tương lai của hai học giả đại diện cho hai nền văn hóa Đông Tây không phải là
không có căn cứ. Một trong những căn cứ cơ bản đó là tính thiếu nghiêm túc và
lòng trung thực trong giáo dục quá khứ và hiện tại. Để đạt được mục đích chính
trị của mình (chuyển tải ý thức hệ), các nhà hoạch định chiến lược giáo dục của
các quốc gia thường lái con thuyền giáo dục đi chệch hướng những giá trị chung
nhân loại mà cốt lõi là chân, thiện, mỹ. Do vậy, một trong những định hướng
quan trọng của giáo dục tương lai là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, chung sống hài hòa với tự nhiên. Cách đây gần hai thế kỷ, Marx đã từng
cảnh báo rằng, phát triển nếu không được định hướng bởi văn hóa thì loài người
sẽ để lại sau mình những hoang mạc. Đúng vậy, trong thế kỷ XX, loài người phải
trả giá quá đắt cho ý tưởng “làm chủ tự nhiên” bằng cách khai thác nó một cách
bừa bãi. Giáo dục ý thức môi trường thực ra là quay trở lại với triết lý “thiên
- địa - nhân hợp nhất” của người Trung quốc cổ đại. theo đó, con người là một bộ
phận của giới tự nhiên, là một vũ trụ thu nhỏ.
Trong thời đại
ngày nay, khi xã hội loài người đang chuyển từ kỷ nguyên Biosphere (sinh quyển)
bước vào kỷ nguyên Noosphere (trí quyển), và thậm chí còn có thể là kỷ nguyên
Sophiesphere (Minh quyển(7)), khi chính trị thế giới không được định
hướng bởi một học thuyết cực đoan nhất định nào đó, khi ô nhiểm không chỉ diễn
ra trong môi trường sống mà cả trong môi trường tư tưởng, chính trị thì việc ra
đời của “sinh thái học tư duy” là một hiện tượng tất yếu của cuộc sống. Nhà văn hóa học người Nga Mikhail Epstein
(sinh 1950), người sáng lập và là giám đốc Centre for Humanities Innovation at Durham University cho rằng, thế kỷ XX là thế kỷ đấu tranh tư tưởng của ý
thức hệ mà hậu quả của nó là chiến tranh (cả chiến tranh nóng lẫn chiến tranh lạnh),
xung đột, đói nghèo, ô nhiễm môi trường. “Tuy nhiên, khi thế kỷ đi dần về cuối, quyền lực của các “tư tưởng” ngày càng suy giảm. Loài người đang đi tới nhận thức rằng có những giá trị thậm chí còn quan trọng hơn sự bảo tồn và phát triển của loài người: đó là tình yêu, cuộc sống, tự nhiên, sự hấp dẫn của cái riêng biệt, cái không lặp lại. Các đặc tính (Idiosyncrasy) thay cho các hệ tư tưởng (Ideology). Một lĩnh vực tinh thần mới hình thành, lĩnh vực của minh triết và tình yêu, của sự hiểu biết và hài hòa giữa tất cả các sinh vật trên Trái đất: đó là lĩnh vực của Tâm Linh Trắng (White
Spirituality), nó tinh khiết nhưng bao trùm tất cả các sắc màu của quang phổ (Sophiosphere -
Minh quyển)”.
Hy vọng Minh quyển, tức thời đại được định hướng bằng trí tuệ hay minh triết (triết
lý sống dựa trên tình yêu thương) sẽ cứu rỗi loài người trong tương lai, giúp
loài người nhận ra những lỗi lầm của mình để chỉnh sửa, có thái độ dung hòa để
cùng tồn tại trong một thế giới xanh - sạch - đẹp và hòa bình, thịnh vượng./.
Chú thích:
(1) Nguyễn Hoàng Phương, Tích hợp đa văn hóa đông tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, Nxb. Giáo dục 1996, tr. 21.
(2) Kể từ đó trong ngôn ngữ châu Âu, danh từ “Lyceum” dùng để chỉ trường đào tạo học sinh bậc trung học.
(3) Trong cuốn Sự va chạm của các nền văn minh Nxb. Lao động 2005, nhà tương lai học người Mỹ Samuel Huntington dự báo rằng, sau chiến tranh lạnh sẽ diễn ra sự đối đầu giữa nền văn minh Hồi giáo và nền văn minh phương Tây.
(4) Khi vụ khủng bố 11/9/ 2001 xảy ra, người ta thấy rằng dự báo của ông hoàn toàn chính xác.1 Kể từ đó danh từ “Academy“ trong ngôn ngữ châu Âu dung để chỉ Học viện.
(5) Daisaku Ikeda (sinh 1928) người Nhật bản, sáng lập Viện triết học phương Đông. Aurelio Peccei (1908 - 1984), người Italia, tiến sĩ kinh tế Đại học Turin, sáng lập và chủ tịch Club of Rome
(6) Daisaku Ikeda và Aurelio Peccei, Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ 21, Nxb. CTQG 1991, tr. 10
(7) Mikhail Epstein, Russian Postmodernism: New Perspectives on Post-Soviet Culture (Chủ nghĩa hậu hiện đại Nga: những viễn cảnh mới về văn hóa hậu Xô Viết). New York, Oxford: Berghahn Books, 1999, p. 158-162
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét