Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

MỘT SỐ BÀN LUẬN VỀ BÀI VIẾT CỦA TS LÊ CÔNG SỰ

Thôn Minh Triết xin đăng lại một số ý kiến bàn luận về bài viết "Minh Triết như là nghệ thuật chính trị và giá đỡquyền lực" của Ts Lê Công Sự

I/- Ý kiến của Nhà nghiên cứu Phạm Khiêm Ích.
Bác Nguyễn Khắc Mai yêu cầu tôi viết phản biện bản báo cáo "Minh Triết như là nghệ thuật chính trị và giá đỡ quyền lực" của TS. Lê Công Sự. Tôi rất ngần ngại, nhưng không từ chối được. Vì vậy, tôi viết mấy lời chia sẻ với TS. Lê Công Sự theo tinh thần cầu đồng tồn dị.
1. Trước hết tôi trân trọng ý tưởng tốt đẹp của tác giả khẳng định mạnh mẽ "mối quan hệ giữa Minh Triết với quyền lực và chính trị, theo đó Minh Triết như là nghệ thuật làm chính trị và giá đỡ cho quyền lực, nếu quyền lực đó muốn tồn tại lâu dài" (Tr.2)
Để làm rõ nội dung cơ bản này của bản báo cáo, tác giả đã tiến hành khảo sát tư tưởng của một số triết gia cổ đại cả phương Tây lẫn phương Đông.

Qua việc phân tích các tác phẩm tiêu biểu Republic (Nền cộng hòa) của Plato và Politic (Chính trị học) của Aristotle, TS. Nguyễn Công Sự khẳng định những giá trị minh triết trong các tác phẩm này là những khuôn vàng thước ngọc cho các chính khách đương thời xây dựng nên một mẫu hình nhà nước cổ điển Hy Lạp, La Mã chẳng những có giá trị đương thời mà còn có ý nghĩa lâu dài trong lịch sử.
Ở phương Đông, tác giả đã dành nhiều trang phân tích những tư tưởng triết học của Khổng Tử, Lão Tử và Hàn Phi Tử để khẳng định vai trò quyết định của những tư tưởng ấy đối với đường lối cai trị đất nước. Tác giả chú trọng đặc biệt đến đường lối nhân trị và đường lối pháp trị, hai đường lối khác nhau, có khi dung hòa với nhau, hoặc đối lập nhau, nhưng đều "hàm chứa nhiều giá trị minh triết" (Tr.6, Tr.8)
Phần cuối bản báo cáo, tác giả nhìn thẳng vào tình hình hiện tại, phân tích những biến động của thế giới trong suốt thế kỷ qua với những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, khủng hoảng môi trường nghiêm trọng nhất, phát sinh nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhất.
Tình trạng trên đây, theo tác giả là do hai nguyên nhân:
- Ý thức hệ giai cấp, dẫn đến cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội
- Nhân loại bận rộn với những sự kiện lịch sử hiện thực mà quên vấn đề minh triết.
Để khắc phục những nguyên nhân này phải thiết lập một nền giáo dục tích hợp những giá trị văn hóa Đông - Tây. Đồng thời phải thay thế các hệ tư tưởng bằng việc thiết lập một lĩnh vực tinh thần mới, lĩnh vực của Tâm Linh Trắng (White Spirituality) của Minh quyển (Sophiosphere).
Điểm lại một số nét tiêu biểu trên đây, tôi muốn khẳng định rằng đây là báo cáo khoa học công phu, đặt và giải quyết vấn đề khá mạch lạc, có chất lượng cao.
2. Điều tôi rất băn khoăn là bản báo cáo chưa trả lời một câu hỏi căn bản: Thế nào là "quyền lực" và minh triết có thể và cần phải "làm giá đỡ" cho thứ quyền lực nào? Đây là câu hỏi không thể không trả lời rõ ràng, bởi nó nằm ở trung tâm bản báo cáo có tên gọi ngắn gọn là "Minh triết và Quyền lực".
Theo tôi hiểu, ngày nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về quyền lực, cũng như cách thức phân loại các quyền lực: quyền lực xã hội, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, rồi cả quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh,… Nhưng có hai thứ quyền lực ghê gớm nhất được nói đến hàng ngày. Đó là bạo lực và tiền bạc.
Những kẻ độc tài từ xưa đến nay đều say xưa ca ngợi bạo lực, coi đó như là quyền lực thiêng liêng bất khả xâm phạm. Mao Trạch Đông nói thẳng là "súng đẻ ra chính quyền", "chính quyền trên đầu ngọn súng". Ông ta đề ra phương châm kỳ quặc cho phụ nữ Trung Quốc "bất ái hồng trang, ái vũ trang".
Ngày nay các chế độ chuyên chế công khai chủ trương và cổ vũ cho "quyền lực tuyệt đối" của nhà nước, mà một nhà nghiên cứu đã nêu lên 6 đặc trưng chủ yếu của nó:
- Tính chất toàn trị, muốn kiểm soát không những mọi hoạt động mà cả cách suy nghĩ và tình cảm của con người
- Siết chặt hệ thống kiểm duyệt trong mọi phương tiện truyền thông đại chúng.
- Ưa thích sử dụng bạo lực và khủng bố tinh thần dân chúng và để triệt hẹ mọi sự bất đồng chính kiến.
- Ưu tiên phát triển quân sự, dùng nó như một nguồn sức mạnh chính để duy trì chế độ.
- Giành quyền quản lý kinh tế vào trong tay nhà nước
- Tính chất dân tộc cực đoan.
Đối với thứ quyền lực này, chẳng minh triết nào có thể làm "giá đỡ" cho nó được, hơn nữa nó cũng chẳng cần bất cứ thứ minh triết nào cả. Vì vậy, tôi muốn đề nghị bổ sung và cụ thể hóa chủ đề thảo luận Minh triết và quyền lực thành Minh triết "dân vui, nước mạnh" và quyền lực đích thực. Hai khái niệm này tôi mượn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh 88 tuổi vừa qua cơn đột quỵ và của học giả Hoàng Ngọc Hiến mà tôi hình dung ông vẫn hiện diện trong Lễ kỷ niệm 7 năm thành lập Trung tâm Minh triết hôm nay và có lẽ trong mọi cuộc thảo luận về minh triết của chúng ta.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành cả một quyển sách nói về quyền lực đích thực (NXB Tri Thức 2008). Theo Thiền sư: "Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị. Tôi xin đề nghị một thứ quyền lực khác, một thứ quyền lực vượt bậc, quyền lực giúp ta thoát khỏi sự ám ảnh của mê đắm, sợ hãi, tuyệt vọng, sự trấn ngự của kỳ thị, sân hận, ngu dốt; quyền lực giúp ta đạt được hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Đây là một thứ quyền lực mà bất cứ ai sinh ra cũng có quyền hưởng, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu". Thiền sư gọi đây là thứ quyền lực đặc biệt, "một thứ quyền lực đích thực, đó là tự do, an ninh và hạnh phúc, mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nơi đây, ngay bây giờ, cho chính chúng ta, cho gia đình, cộng đồng, xã hội và cho cả hành tinh".
Không những phải có quan niệm đúng về quyền lực, mà còn cả về "nghệ thuật sử dụng quyền lực". Nhiều nhà lãnh đạo kinh tế hay chính trị luôn tranh giành quyền lực và hình như họ không bao giờ thấy đủ. Sự tham lam và tranh giành quyền lực thường dẫn tới lạm dụng quyền lực, sử dụng quyền lực sai lầm. Đấy là nguyên nhân đầu tiên gây nên bao nhiêu đau khổ. Cần khẳng định mạnh mẽ rằng: "Đường lối sử dụng quyền lực không phải là vấn đề tâm linh, mà là chuyện sống chết của cả một quốc gia.  Những nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị là những người có rất nhiều quyền lực trong xã hội. Họ nắm định mệnh của chúng ta bằng nhiều cách. Chúng ta phải tìm cách giúp họ sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan". Cần nói rõ với họ rằng những quyết định của họ có thể không được đa số dân chúng trong nước hay trên thế giới ủng hộ. Chúng ta cần giúp họ tránh sử dụng sai lạc và hủy diệt quyền lực mà chúng ta đã tin tưởng giao phó cho họ. Nhân dân cần phải giám sát họ. Quyền lực đích thực, quyền lực tâm linh, có thể coi là để giám sát quyền lực chính trị và kinh tế.
Quyền lực đích thực rất cần có một "giá đỡ" vững chắc. Đó là Minh triết "dân vui, nước mạnh". Học giả Hoàng Ngọc Hiến có ý kiến rất sâu sắc: "Dân giàu, nước mạnh" đó là văn minh. "Dân vui, nước mạnh" đó là văn hóa. Dân giàu, dân vui thì nước mới thực sự mạnh. Các sức mạnh văn hóa có vai trò quyết định làm cho "dân vui, nước mạnh". Từ ngàn xưa tâm thế "vui cười" đã là sự lựa chọn của Minh triết Việt…"Không có minh triết "dân vui, nước mạnh", thì dân có thể "giàu", nước có thể "mạnh", nhưng khó mà nói là có hạnh phúc"
Như thế là cả quyền lực đích thực và Minh triết "dân vui, nước mạnh" đều có chung một cốt lõi, đó là hạnh phúc "hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại" của đông đảo nhân dân.
Từ quan niệm về quyền lực và minh triết trên đây, tôi muốn trở lại trao đổi với TS. Lê Công Sự về "nhiều giá trị minh triết" hàm chứa trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi, giúp cho nhà Tần thống nhất được các cát cứ phong kiến về một mối, lập nên một đất nước Trung Quốc rộng lớn như ngày nay. "Tư tưởng đó đồng thời tạo tiền đề để lý luận cho sự ra đời của lý thuyết về nhà nước pháp quyền xuất hiện như một bước ngoặt cách mạng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị. Dân chủ và nhân quyền được đặt lên vị trí hàng đầu, người dân trở về với vai trò "động vật chính trị" như Aristotle nói".
Đánh giá về nhân trị và pháp trị là vấn đề lớn, phức tạp, khó có thể trình bày đầy đủ trong bài phản biện này. Tôi xin dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam để nói rằng gắn pháp trị với nhà nước pháp quyền là sai lầm nghiêm trọng, một đằng là chuyên chế, một đằng là dân chủ.
Học giả Phùng Hữu Lan trong cuốn "Lược sử triết học Trung Quốc" nói rằng: … thật là sai lầm nếu ta liên hệ tư tưởng pháp gia với môn luật học. Theo từ ngữ hiện đại, cái mà học phái này rao giảng chính là lý thuyết và phương pháp để tổ chức và lãnh đạo. Nếu ai muốn tổ chức và lãnh đạo quần chúng, sẽ thấy rằng lý thuyết và thực hành của pháp gia vẫn còn hữu ích, nhưng chỉ khi nào họ muốn đi theo hướng độc tài chuyên chế" (bản dịch của Lê Anh Minh, NXB Khoa học xã hội, 2013, Tr.170).
Còn nói rằng tư tưởng pháp trị "tạo tiền đề lý luận cho sự ra đời của lý thuyết về nhà nước pháp quyền…" thì thật ngược đời. Các triết gia Trung Quốc chỉ biết đến nhà nước pháp quyền Âu - Tây từ giữa thế kỷ thứ XIX. Các học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê viết: "… sau cuộc Nha phiến chiến tranh, đa số các triết gia Trung Hoa tán thưởng văn minh Âu - Tây, muốn đạp đổ chính thể chuyên chế mà lại đề cao pháp trị, tôn trọng quy tắc phân quyền, tách rời quyền lập pháp, quyền tư pháp và quyền hành chính để bênh vực nhân dân mà áp chế quân chủ. Nhưng chính sách pháp trị của họ, khác hẳn chính sách quân chủ chuyên chế của Thương ưởng, Hàn Phi, Lý Tư và giống chính sách dân chủ pháp trị của những chính thể Âu Châu hiện nay" (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Đại cương triết học Trung Quốc. Quyển hạ. Sài Gòn, Cảo Thơm 1966, tr.605-606)
Ngày nay chúng ta thảo luận về Minh triết và quyền lực trong điều kiện mới, khi cả minh triết lẫn quyền lực đều đã biến đổi căn bản. Tri thức đã trở thành một quyền lực mới. Quyền lực - tri thức khác hẳn với các hình thức quyền lực trước đó - quyền lực bạo lựcquyền lực của cải. (Xem Alvin Toffler. Powershift)
Minh triết và triết học, cũng như khoa học nhân văn nói chung đã phát triển sang giai đoạn mới. Giáo sư Mikhail Epstein trong cuốn sách mới đây "The Transformative Humanities.A Manifesto" (Bản Tuyên ngôn về khoa học nhân văn biến đổi - 2012) khẳng định sự ra đời của Triết học và Minh triết mới có tên là Polysophianism.
Đây là những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học hiện nay. Tiếp thu những thành tựu này chúng ta có nhiều thuận lợi hơn bao giờ hết để đặt và giải quyết những vấn đề minh triết quan trọng ở nước ta hiện nay.

II/- Ý kiến của Ts Phạm Văn Chung, Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
1. Bằng những kiến thức về lịch sử triết học và chính trị học gắn với những nhà triết học-chính trị học nổi tiếng ở phương Tây và phương Đông, tác giả đã vạch ra, chứng minh vai trò quan trọng của minh triết với nghĩa là “nghệ thuật chính trị và giá đỡ quyền lực”. Ở Plato và Aristoteles tác giả nhấn mạnh vai trò của minh triết trong việc giáo dục, đào tạo nên những chính trị gia, cụ thể là những bậc quân vương - minh quân, nhờ đó đất nước thịnh vượng, kinh tế, khoa học, văn hóa phát triển. Ở Lão Tử, Khổng Tử, Hàn Phi Tử tác giả cho thấy minh triết là các đề xuất, nguyên tắc, thao tác chính trị cụ thể, làm nên sức mạnh hiện thực của chính trị, quyền lực chính trị. Từ những luận bàn cụ thể về minh triết tác giả rút ra kết luận : “Minh triết gắn liền với sự vận động của cuộc sống thường ngày, là những lời đề xuất chính trị thông minh, sáng suốt, tư vấn cho nhà cầm quyền cách đối nhân xử thế, phương thức trị nước an dân. Và trên hết, minh triết giảm nhẹ gánh nặng cho quyền lực, tăng cường sức mạnh cho nhà cầm quyền, đúng như lời nhận định của người lập hiến đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - Thomas Jefferson: “Nếu biết hòa nhập quyền lực vào minh triết, sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả lớn”.
2. Đặt vấn đề minh triết trong bối cảnh hiện nay, tác giả cho rằng minh triết đã và đang  bị xem nhẹ hoặc bị bỏ quên và chỉ ra hai lý do hay hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này: thứ nhất là do “ý thức hệ giai cấp dẫn đến cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội”; thứ hai là do việc “nhân loại bận rộn với những sự kiện lịch sử hiện thực mà quên vấn đề minh triết, mãi đến những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI mới nhớ ra thì đã muộn”. Từ đó, tác giả nêu ra hai cách thức hay hai con đường khắc phục tương ứng là thực hiện: a) một nền giáo dục tích hợp; b) một nền giáo dục gắn với ý thức về sinh thái, môi trường, tức là chung sống hài hòa với tự nhiên. Nói tóm lại, theo tác giả, nhân loại, thời đại đang hướng đến hay ít ra là đang đòi hỏi, đang có những khả năng của một minh triết mới (hay nền minh triết mới).
3. Vì bài viết bao hàm, liên quan đến một nội dung rất lớn, khiến cho có những vấn đề, khía cạnh nội dung mới chỉ được nêu lên, chưa được giải đáp, hoặc được giải đáp, phân biệt chưa thật rõ. Theo tôi, ý tưởng của bài viết sẽ sáng tỏ hơn khi được giải đáp trong mối liên hệ với những vấn đề, nội dung cơ bản như minh triết là gì, mối liên hệ giữa triết học và minh triết, mối liên hệ giữa triết học, minh triết và chính trị, nghệ thuật chính trị, giá đỡ quyền lực, minh triết đối với giáo dục nói chung, đối với giáo dục chính trị và thực hành chính trị, minh triết đối với nền chính trị tương lai v.v,.. Tuy vậy, cần khẳng định rằng ý tưởng của bài viết hay, có ý nghĩa nhận thức, tinh thần và thực tiễn thiết thực, bài viết cũng cho thấy cách hiểu riêng của tác giả xem minh triết như là “nghệ thuật chính trị và giá đỡ quyền lực”, chỉ ra những đòi hỏi cấp bách hiện thời, những khả năng của minh triết, nhất là về một minh triết mới (hay nền minh triết mới) cho phép khắc phục được việc xem thường, bỏ quên minh triết trong giai đoạn lịch sử vừa qua và những hạn chế của minh triết đã qua./.

III/. Ý kiến của Ks Ngô Sỹ Thuyết, cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết
Chúng tôi cho rằng đây là một tiểu luận hết sức công phu và có giá trị của Tiến sĩ Lê Công Sự (LCS), Khoa Triết, Đại học Hà Nội. Tác giả đã bao quát được tinh hoa giá trị của các tư tưởng gia nổi tiếng, đại diện cho cả Đông và Tây, trong đó tiêu biểu là Plato với “Nền Cộng hoà” và Lão Tử với “Đạo Vô vi”.
Nhận định của LCS hoàn toàn đúng khi nói về 2 nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trong quá khứ: “…do (1) ý thức hệ giai cấp dẫn đến cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội và do (2) nhân loại bận rộn với những sự kiện lịch sử hiện thực mà quên vấn đề minh triết…”. Qua đó minh chứng cho việc nhân loại phải trả giá cho những sai lầm vì sự thiếu vắng Minh Triết trong thực thi quyền lực chính trị.
Minh Triết rất quan trọng bởi đó là đạo đức, là con đường dẫn chúng ta đi đến hạnh phúc. Triết gia bao đời nay là những người nỗ lực đi tìm Minh Triết, tìm để nắm được bản chất cốt lõi của sự vật và con người, hòng trở thành những nhà tư tưởng tiên phong đi trước. Bởi vậy, Plato hoàn toàn có lý khi nói rằng việc trị quốc lẽ ra phải thuộc về các triết gia (khi các triết gia làm vua hay vua là triết gia)!. Người phương Đông cũng luôn hằng mong có được Minh Vương –Vua sáng, vừa có quyền lực lại vừa có “Đạo” là vì vậy.
Có phần khác với triết học thuần tuý, Minh Triết còn đề cao tính ứng dụng, gắn quyện những tư tưởng với cuộc sống thường ngày của con người bởi mục đích của Minh Triết chính là giúp cho sự tiến hoá của nhân loại. Krishnamutri (Ấn Độ) từng nói: “Có Minh triết bạn mới có thể giúp đời, còn Ý chí để dắt dẫn sự Minh triết, và Từ ái lại gây ra Ý chí. Ấy là những điều kiện mà bạn cần phải có. Ý chí, Minh triết, Từ ái là ba trạng thái của Ðức Thượng Ðế. Nếu bạn muốn hiến mình phụng sự Ngài, thì bạn phải biểu lộ ba trạng thái ấy trong thế gian này”.
Như vậy, tính ứng dụng (thực hiện được) cũng là một đặc tính quan trọng của Minh Triết. Và do đó câu nói của Plato đã “gợi mở cho chúng ta nhiều suy tư trăn trở về mối quan hệ giữa minh triết với quyền lực và chính trị, theo đó minh triết như là nghệ thuật làm chính trị và giá đỡ cho quyền lực, nếu quyền lực đó muốn tồn tại lâu dài”.
Tác giả LCS còn đề xuất giải pháp cho tương lai đó là cần xây dựng “một nền giáo dục mà nội dung của nó tích hợp được những giá trị tiến bộ nhất từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.... giáo dục tương lai phải là một nền giáo dục tích hợp những giá trị văn hóa Đông Tây. Mà muốn thấy được những tinh hoa văn hoá thì chắc chắn phải có cái nhìn Minh Triết từ giới tinh hoa, đặc biệt là từ các nhà lãnh đạo đất nước!. Giáo dục mang tính Nhất nguyên cũng sẽ giúp con người ta thấy được vai trò “chính danh” của mình trong vũ trụ. Nhìn nhận mọi vật theo tư duy hệ thống, thống nhất, cái nọ liên quan và ảnh hưởng đến cái kia, từ đó biết yêu thương tha nhân, đồng loại, yêu thiên nhiên và sống hoà hợp với những quy luật trường tồn của thiên nhiên, đó chính là Minh Triết, là vô vi theo quan điểm của Lão Tử.
Một điểm chung mang tính nguyên tắc giữa nền cộng hoà và đạo vô vi là không cho phép “quyền lực tuyệt đối” hình thành bởi “quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoá tuyệt đối”. Không một cá nhân, đảng phái chính trị nào được phép tranh giành, củng cố để có quyền lực tuyệt đối mà không bị giám sát, kiềm chế. Nói cách khác, thời này sẽ không thể có 2 trong 1: vừa là lãnh đạo giỏi vừa là triết gia tài, tốt hơn cả là Nhà lãnh đạo phải tìm đến các Nhà Minh Triết để thực hiện sự nghiệp chính trị của mình, hai nhà đến với nhau, dựa vào nhau để “hành đạo” nên không sợ bị “lạm quyền”.
Ở đây, chúng tôi muốn cùng tác giả bàn thêm về vô vi. Vô vi không có nghĩa là không làm gì, ngồi chờ thụ động phó mặc cho Ông Trời, Thượng Đế mà phải biết quan sát nhìn nhận, thấu hiểu những quy luật của đất trời, thuận theo những quy luật tự nhiên mà hành động, đem lại hiệu quả cao nhất. “Trời có nói gì đâu mà 4 mùa cứ tiếp nối, vạn vật cứ sinh hoá. Trời có nói gì đâu?”. Chúng ta thấy rằng, để có được sự vô vi đó dường như cả vũ trụ này đã được “lập trình” và được giám sát, vận hành bởi “Chương trình Tạo hoá” hết sức vi diệu, hết sức hài hoà và hoàn toàn tự động. Có thể hiểu rằng Đấng Sáng thế – Ông Trời – Thượng Đế chính là “Nhà lập trình” vĩ đại nhất.
Vô vi được hiểu là không được phép can thiệp thô bạo, tuỳ tiện, bị động vào một tiến trình đang được vận hành trong “Chương trình Tạo hoá”. Theo đó, “thượng tôn pháp luật” chính là thực hiện nguyên tắc vô vi; ngược lại, chế độ phi dân chủ, độc tài, toàn trị, những ông vua “bá đạo” luôn coi thường, ngồi xổm lên luật pháp, tuỳ tiện can thiệp, thay đổi, làm sai lệch vô lối để có lợi cho mình và cho phe nhóm của mình là “hữu vi”, trái với “thiên đạo”.
Làm thế nào để có một thể chế vô vi?. Thật may, từ rất sớm, loài người đã biết “học tập và làm theo” thiên nhiên trong rất nhiều lĩnh vực. Bởi vậy mà chỉ trong vòng 50 năm qua, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên số với nền kinh tế tri thức. Internet đã đem lại cho chúng ta một thế giới phẳng và tạo ra một cuộc cách mạng đưa loài người tiến lên một tầm cao mới.
Minh Triết cho thấy rằng, muốn quản trị được đất nước, bộ máy Chính phủ phải nắm được thông tin, số liệu một cách đầy đủ, chính xác và nhất quán. Do đó cần phải tổ chức, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quốc gia với những cơ sở dữ liệu về con người, tài nguyên, văn hoá, giáo dục, an ninh quốc phòng,… Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã thành công, Việt Nam đang tích cực làm theo và đã đạt được những kết quả nhất định.
Song để đất nước có thể đi tắt, đón đầu không bị tụt hậu chúng ta phải có được một luận thuyết hết sức rõ ràng về cách thức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm có được những sản phẩm, dịch vụ phần mềm là kết quả của Minh Triết và sự sáng tạo của trí tuệ Việt Nam. Ở đó, kỹ sư phần mềm phải học được bí quyết “lập trình” của thiên nhiên trong việc tạo ra sự sống trên trái đất này. Không cần đâu xa, chỉ cần nhìn vào cơ thể của mình chúng ta cũng cảm nhận được rằng phải có “một cái gì đó” tựa như một chương trình phần mềm tin học đang làm nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ chừng 80.000 tỷ tế bào các loại!. Bao nhiêu tình huống phải xử lý, bao nhiêu thông tin, số liệu phải được lưu trữ hàng chục năm trời của cả chục nghìn tỷ đối tượng đó. Nếu học được bí quyết của thiên nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng “quản” được 90 triệu dân, thậm chí cả 7 tỉ người trên thế giới.

Đây cũng là việc sử dụng Kỹ trị (công nghệ, khoa học kỹ thuật) để bổ sung cho những cách thức trị quốc đã và đang tồn tại như Đức trịPháp trị. Và khi đó Minh Triết mới thật sự là nghệ thuật chính trị và giá đỡ cho quyền lực./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét