Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Phải chăng chủ nghĩa duy khoa học đang trở nên lỗi thời?



TMT: Thôn Minh triết trân trọng giới thiệu bài Phát biểu của Gs Phạm Việt Hưng tại Hội thảo giới thiệu sách “From Certainty to Uncertainty” của David Peat, do NXB Tri Thức và Nhóm Book-Hunter đồng tổ chức ngày 26/03/2015 tại 53 Nguyễn Du.

Chủ nghĩa duy khoa học đang trở nên lỗi thời
(Scientism is becoming obsolete) 
Abstract: The greatest scientist of 20th century Albert Einstein once said: “Take care not to make the intellect our god; it has… powerful muscles, but no personality”. But despite Einstein’s warning, scientism for a long time has made science our god. However, in a world of uncertainty, scientism is becoming obsolete…
Nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: “Chú ý đừng biến trí tuệ thành chúa của chúng ta; nó có… sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”. Nhưng bất chấp cảnh báo của Einstein, chủ nghĩa duy khoa học trong một thời gian dài đã biến khoa học thành chúa. Tuy nhiên, trong một thế giới bất định, chủ nghĩa duy khoa học đang trở nên lỗi thời…

Không ai thích một cuộc sống bất định, ai cũng muốn một cuộc sống ổn định, một tương lai chắc chắn. Nhu cầu tìm kiếm một tương lai chắc chắn, xác định là một nhu cầu thiết yếu. Từ thượng cổ, các nhà hiền triết Phương Đông đã đúc kết được những tri thức dự đoán tương lai rất hữu hiệu như Tử vi, Kinh Dịch,… Nhưng trước sự xâm lấn của văn hóa Tây Phương từ vài thế kỷ trước đây, những tri thức này dần dần bị lãng quên, biến mất khỏi hệ thống giáo dục chính quy. Thật đáng tiếc. Ngày nay khoa học Tây phương nghiễm nhiên trở thành tài sản chung của loài người, chiếm ưu thế độc tôn, đóng vai trò thay Chúa, thay Phật để dẫn dắt tư tưởng nhân loại. Cái gì do khoa học nói ra sẽ được coi là chân lý. Cái gì chưa được khoa học kiểm chứng thì bị nghi ngờ. Đó là chủ nghĩa duy khoa học, tiếng Anh gọi là SCIENTISM.
Vậy khoa học là gì? Tại sao nó có sức thuyết phục ghê gớm đến như thế?
Có 2 lý do chủ yếu:
1/ Lý do hiện sinh: Khoa học là công cụ tạo ra của cải vật chất; khi con người là nô lệ của vật chất thì con người sẽ tôn sùng khoa học như thần thánh. Con người của Darwin là con người sinh vật, vì thế nó là nô lệ của vật chất, và do đó nó dễ dàng sùng bái khoa học. Chỉ khi nào con người trở thành con người tâm linh (ý thức được giá trị cốt lõi của nó là tinh thần và tư tưởng), thì khi ấy con người mới thoát khỏi kiếp nô lệ của vật chất, khi ấy con người mới sử dụng khoa học như một tên nô lệ đắc lực của mình, thay vì làm nô lệ cho nó.
2/ Lý do tư tưởng: Khoa học giúp con người khám phá ra những quy luật tất yếu của tự nhiên, từ đó con người nẩy sinh tâm lý tự tin, muốn làm chủ tự nhiên, thay vì ý thức rằng mình thực ra chỉ là đứa con của Bà Mẹ Tự Nhiên (The Mother Nature). Tâm lý tự tin lớn dần lên thành tự phụ, như David Hilbert tuyên bố từ đầu thế kỷ 20: “We must know; we will know” (Chúng ta phải biết; chúng ta sẽ biết).
Với niềm tin mạnh mẽ đó, hàng loạt ly thuyết khoa học mang tính xác định đã ra đời, với tham vọng vá trời lấp biển – giải thích toàn bộ thế giới dưới dạng một bức tranh thống nhất.
Học thuyết Darwin (Darwinism, TK19) muốn giải thích toàn bộ sự tiến hóa của sinh vật dưới dạng một vài nguyên lý tổng quát. Mặc dù hiện nay học thuyết này đã dần dần lộ rõ tính ngụy khoa học, nhưng vẫn có rất nhiều người tin vào nó như một thứ tôn giáo. Thật vậy, trong khi tạp chí New Scientist của Anh đã có bài “Darwin was wrong”, nhưng một trong những nhà sinh học lớn nhất hiện nay là Francis Collins (một trong 2 tác giả chính của khám phá Bản đồ Gene người) vẫn ủng hộ Học thuyết Darwin. Thật trớ trêu, một mặt ông coi mã DNA là do Chúa viết ra (ngôn ngữ của Chúa), nhưng mặt khác ông vẫn cố bênh vực Darwin, mặc dù ông phàn nàn rằng khi ông nhắc tới Darwin, cả phòng họp đang nghe ông thuyết trình đều bỏ ra ngoài.
Tất định luận Laplace (Laplace’s Determinism, TK19) tuyên bố rằng dựa trên Cơ học Newton có thể tiên đoán được trạng thái của vũ trụ tại bất kỳ một thời điểm nào trong quá khứ hoặc tương lai, nếu biết trạng thái của vũ trụ tại một thời điểm cho trước. Nói gọn, Tất Định Luật Laplace cho rằng vũ trụ vận hành theo những quy luật xác định và tất yếu như một chiếc đồng hồ, được gọi là “đồng hồ Newton” (Newtonian clock), bởi vì mọi tính toán về vũ trụ đều dựa trên các định luật của Newton. Tác giả của Tất Định Luật, Pierre Simon Laplace, nói: “Trước con mắt của một người trí thức, chẳng có gì là bất định cả, tương lai cũng như quá khứ sẽ chỉ là hiện tại mà thôi” (ý nói cả quá khứ lẫn tương lai đều có thể suy ra từ hiện tại). Tất định luận này ăn sâu vào tâm trí các nhà khoa học đến nỗi Louis Lagrange buồn rầu than thở: “Newton đã tìm ra hết mọi bí mật rồi, chẳng còn gì cho chúng ta làm nữa”. Nhưng khoa học TK20 đã chứng minh Lagrange sai. Thế giới thực ra không xác định như ta tưởng, Cơ học Newton chỉ đúng trong phạm vi hẹp với tốc độ bình thường. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy khoa học (scientism) đến nay vẫn lấn át các hình thức tư duy khác như văn chương, nghệ thuật, chiêm tinh học, Đạo học, tôn giáo,... [Một dạng nhận thức nào muốn làm cho mình sang trọng thường phải khoác thêm bộ áo khoa học, như khoa học xã hội, khoa học chiêm tinh,… dường như thiếu chữ khoa học thì thiếu độ tin cậy].
Chương trình Siêu-Toán-học (Meta-Mathematics) do David Hilbert khởi xướng đầu thế kỷ 20 có tham vọng tìm ra một lý thuyết toán học đầy đủ, tuyệt đối phi mâu thuẫn, cho phép tự động chứng minh hoặc phủ nhận bất cứ một định lý nào. Thậm chí cho phép tự động phát minh ra các định lý. Muốn thế, toán học phải áp dụng Chủ nghĩa Hình thức (Formalism) – phải sử dụng một ngôn ngữ tuyệt đối chính xác, khách quan, đảm bảo mọi suy diễn logic không thể mắc sai lầm. Theo Hilbert, đó là Lý thuyết Tập hợp của Georg Cantor. Chiếc Chén Thánh (tức Siêu-Toán-học) do Hilbert vẽ ra quá đẹp, vì thế nó lôi cuốn được đông đảo các môn đệ, bất chấp sự phản đối dữ dội từ phía một số nhà toán học nhìn xa trông rộng như Henri Poincaré, Joseph Brower, Kronecker, Wittgenstein,… [Poincaré coi tư tưởng của Cantor là “bệnh tật nghiêm trọng” làm nhiễm độc nguyên tắc của toán học (“grave disease” infecting the discipline of mathematics). Kronecker mô tả Cantor như một “gã lang băm khoa học” (a “scientific charlatan”, chữ charlatan cũng có nghĩa là một kẻ bất tài hay lòe bịp), một “kẻ phản trắc” (a renegade), và một “kẻ đồi bại của tuổi trẻ” (a corrupter of youth). Nhiều năm sau này (khi Cantor đã mất), Wittgenstein kêu trời lên rằng toán học đã bị “đè nặng bởi những cách diễn đạt độc hại (pernicious idioms) của lý thuyết tập hợp”, một lý thuyết mà Wittgenstein xem như “hoàn toàn vô nghĩa” (utter nonsense) đến mức “đáng buồn cười” (laughable) và “sai lầm” (wrong)!]. Định lý Bất toàn của Kurt Godel ra đời năm 1931 đã giáng một đòn chí tử vào Chương trình Hilbert, chứng minh đó là một ảo tưởng, khẳng định toán học là bất toàn – muốn tránh mâu thuẫn thì không thể đầy đủ, muốn đầy đủ thì không tránh khỏi mâu thuẫn. Tính bất toàn lộ rõ ở những mệnh đề toán học bất khả quyết định (undecidable) – không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận. Tóm lại, toán học, một khoa học tưởng là hoàn toàn xác định, hóa ra cũng bất định. Nhưng toán học ở nhà trường hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng rất nặng nề của Chủ nghĩa Hilbert (Hilbertism), đúng như Wittgenstein nhận định. Dường như những người làm công tác giảng dạy toán học hiện nay mù tịt về sự thất bại của Chủ nghĩa Hilbert nên họ mới sính vính chủ nghĩa hình thức đến như thế. Họ tưởng đó là khoa học chính xác, đó là toán học sang trọng. Đó là lý do ra đời cuốn “What is Mathematics, Really?” của Reuben Hersh (Hersh muốn người đời phải hiểu lại cho đúng Toán học là gì, để nghiên cứu và giảng dạy đúng).
Lý thuyết về mọi thứ (TOE, Theory of Everything, TK20), con đẻ của Lý thuyết Thống nhất Vật lý do A.Einstein khởi xướng, muốn tìm ra một phương trình cho phép giải thích mọi hiện tượng vật lý (cả vĩ mô lẫn vi mô). Nhưng ngày nay nhà vật lý hàng đầu thế giới Stephen Hawking đã chỉ ra rằng không thể tồn tại một lý thuyết như thế (Xin tìm đọc Lý thuyết về mọi thứ, một lý thuyết khó đạt được, S.Hawking, PVHg dịch, KH&TQ 03/2012, Godel và sự kết thúc của VL, S.Hawking, PVHg dịch, KH&TQ 04/2012). Như đã nói, Định lý Bất toán của Godel khẳng định rằng một lý thuyết toán học đầy đủ sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn, muốn tránh mâu thuẫn thì không thể đầy đủ. Nhưng “Các lý thuyết vật lý hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ”, đó là kết luận của Stephen Hawking.
Tóm lại, tư tưởng xác định trong khoa học là tư tưởng chủ yếu dẫn dắt khoa học trong mấy ngàn năm qua, đặc biệt là trong những thế kỷ gần đây. Nó đã dẫn loài người tới những thắng lợi không thể chối cãi.
Chẳng hạn để xây một chiếc cầu vượt Sông Hồng, như cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, chắc chắn phải áp dụng những phép toán xác định. Nếu trong tính toán kết cấu cầu chúng ta gặp phép tính 0/0 thì thật là nguy hiểm.
Tính bất định cũng không thể chấp nhận trong những bài toán kế toán – bảng cân đối tài khoản của một công ty, của một cơ quan nhà nước hay của một quốc gia phải có đáp số xác định về vốn và nguồn vốn, tổng vốn phải bằng tổng nguồn vốn, sự cân bằng này phải chính xác tới từng xu. Kế toán nào liều mạng chữa con số tiền xu để có sự cân bằng vốn và nguồn vốn là kế toán dốt nát, đáng đuổi việc.
Nhưng…
Thế giới không đơn giản chỉ là một chiếc cầu hay một sổ kế toán. Thế giới có những bài toán bất định, mù mờ, rắm rối, phức tạp hơn rất nhiều. Chẳng hạn:
►Khi nghiên cứu hiện tượng phóng xạ của radium, Marie Curie khám phá ra một sự thật hoàn toàn bất ngờ: nguyên tử phóng xạ bị phân rã một cách ngẫu nhiên, không tuân thủ bất cứ một quy luật xác định nào cả – có thể tính tuổi cho sự phân huỷ của một nguyên tố phóng xạ nhưng không thể biết một nguyên tử khi nào sẽ bắt đầu phân rã. Không thể chỉ ra một lực, một tương tác cụ thể nào như một nguyên nhân gây ra sự phân huỷ. Luật nhân quả mất hiệu lực khi giải thích hiện tượng phân rã (tư tưởng xác định dựa trên Luật Nhân Quả, tư tưởng Bất định phá vỡ Luật Nhân Quả). Khám phá của Marie Curie cho thấy Tự Nhiên mang tính ngẫu nhiên hơn ta tưởng. Đó là lời cảnh báo đầu tiên!
►Một hạt ánh sáng (photon) có thể tồn tại cùng một lúc tại 2 điểm cách biệt. Nói cách khác, 2 hạt ánh sáng ở 2 điểm hoàn toàn cách biệt có thể giống hệt nhau, ứng xử giống hệt nhau, có nghĩa là thông tin chúng mang theo cũng giống hệt nhau. Vật lý hoàn toàn bất lực trong việc giải thích hiện tượng này, đến nỗi Einstein phải gọi đó là “tương tác ma qủy” (ghost interaction). Nhưng các nhà vật lý đã biết lợi dụng hiện tượng này để truyền thông tin tức thời (teleportation).
►Khám phá ngẫu nhiên của Edward Lorenz:
Năm 1961, nhà khí tượng học Edward Lorenz đã thiết lập một hệ phương trình toán học để mô tả một dòng không khí chuyển động, lúc dâng cao, lúc hạ thấp tuỳ theo mức độ bị đốt nóng bởi ánh nắng mặt trời. Sau đó ông mã hoá hệ phương trình này để tạo ra một chương trình chạy trên computer, nhằm nghiên cứu một mô hình dự báo thời tiết. Vì chương trình viết cho computer bao gồm những phương trình toán học và những mã lệnh hoàn toàn xác định nên Lorenz nghĩ rằng trong những lần chạy thử chương trình trên máy, nếu “input” (dữ liệu đầu vào của chương trình) hoàn toàn giống nhau thì đương nhiên “output” (kết quả ở đầu ra) cũng phải hoàn toàn giống nhau. Nhưng một lần, sau khi nạp vào chương trình những dữ liệu ban đầu mà ông nghĩ rằng giống hệt như những lần trước, rồi sau đó cho chương trình chạy thử, ông sững sờ ngạc nhiên khi thấy kết quả ở đầu ra hoàn toàn khác biệt – khác một cách nghiêm trọng so với những lần chạy trước đó. Kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của computer một cách kỹ càng, từ phần cứng tới phần mềm, Lorenz không tìm thấy bất cứ một sai sót nào, ngoài một chi tiết mà trước đó ông tưởng là một sai lệch không đáng kể: Đó là một thay đổi vô cùng nhỏ trong một dữ liệu, số 0,506127 được làm tròn thành 0,506. Theo quán tính tư duy xác định của khoa học trước đó, một sai lệch vô cùng nhỏ ở đầu vào sẽ không có ảnh hưởng gì đáng kể ở đầu ra. Quán tính tư duy này sẽ đúng nếu đối tượng khảo sát chưa đạt tới mức độ đủ phức tạp. Nhưng hệ thống dự báo thời tiết là một hệ thống phức tạp, nên quán tính tư duy nói trên không còn đúng nữa (ý nghĩa của tích phân?). Thật vậy, trực giác đã mách bảo Lorenz rằng một sai lệch vô cùng nhỏ trong dữ liệu ở đầu vào của chương trình dự báo thời tiết của ông có thể dẫn tới một sai lệch khổng lồ ở đầu ra. Ông lập tức tiến hành nhiều thử nghiệm tương tự để đi tới khẳng định kết luận của mình, rồi công bố khám phá trên các tạp chí khoa học. Một loạt các nhà khoa học khác trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau lập tức tiến hành những thử nghiệm tương tự, và cuối cùng đều đi tới chỗ xác nhận quan điểm của Lorenz. Từ đó, Lý thuyết hỗn độn chính thức bước lên diễn đàn khoa học.
Chính trong bối cảnh sôi sục đó, các nhà khoa học mới giật mình té ngửa nhận ra rằng từ hơn 60 năm trước, 1904, nhà toán học vĩ đại Henri Poincaré đã phát hiện ra hiện tượng hỗn độn “quái gở” này khi ông giải “Bài toán 3 vật thể”.
Thay vì chứng minh tính ổn định động học của hệ n vật thể, ông đã khám phá ra tính bất ổn định của các hệ động lực học phức tạp.
Bài toán 2 vật thể là bài toán xác định. Nhưng bài toán 3 vật thể là bài toán bất định. Đó là một trong những trang sử kỳ thú nhất của khoa học, mà bất cứ một người yêu khoa học nào cũng nên biết – câu chuyện về Giải thưởng Toán học do vua Oscar II của Thụy Điển trao tặng cho ai giải được bài toán đó.
Henri Poincaré, từng được mệnh danh là “con quỷ toán học”, (un Monstre de Mathématique) là người đoạt giải. Mặc dù lời giải của ông chưa hoàn chỉnh, nhưng đó là một đáp án vĩ đại, không phải vì kéo dài trên hơn 100 trang giấy, mà vì lần đầu tiên trong lịch sử khoa học nó đã khám phá ra một nguyên lý chưa từng biết – nguyên lý về tính ngẫu nhiên và bất định của một hệ động lực học phức tạp – dự báo sự ra đời của Lý thuyết Hỗn độn hơn 60 năm sau đó – một trong 4 trụ cột của khoa học thế kỷ 20 làm đảo lộn thế giới quan khoa học xác định.
Poincaré nói: “Khi tôi cố gắng mô tả hình ảnh được tạo ra bởi hai đường cong này và vô số giao điểm của chúng, … những giao điểm này tạo nên một mạng lưới, một mớ lằng nhằng hoặc một cạm bẫy vô cùng rắc rối. Tôi hết sức kinh hoàng vì tính phức tạp của hình ảnh này đến nỗi tôi không cố sức để vẽ nó ra nữa… Một nguyên nhân rất nhỏ mà chúng ta không nhận thấy có thể dẫn tới một hậu quả lớn đến mức không thể đoán trước, và vì thế chúng ta bảo rằng hậu quả này xẩy ra là do ngẫu nhiên …” (Science et méthode, 1904). Trong một đoạn khác, ông lại nhấn mạnh: “Có thể xẩy ra trường hợp những khác biệt vô cùng nhỏ trong dữ kiện ban đầu dẫn tới những hậu quả vô cùng lớn trong hiện tượng sau cùng. Một sai lệch nhỏ ban đầu có thể gây ra một sai lệch khổng lồ trong kết quả. Dự đoán trở nên BẤT KHẢ, và chúng ta có một hiện tượng ngẫu nhiên”.
Hóa ra không phải Heisenberg với Nguyên lý Bất định là người đầu tiên đề cập tới tính bất định, ngẫu nhiên, hỗn độn trong khoa học. Người đầu tiên làm việc này chính là Poincaré với Bài toán 3 Vật thể. Nhưng nhận thức của các nhà khoa học đã không theo kịp Poincaré, nên bao lâu nay chúng ta vẫn luôn luôn nghĩ rằng người đầu tiên lay chuyên lâu đài xác định của khoa học là Heisenberg. Nay đã đến lúc nên trả lại cho Poincaré những vinh quang lẽ ra phải thuộc về ông. Cái gì của Ceasar nên trả lại cho Ceasar!
Hiệu ứng ngẫu nhiên mà Poincaré nêu lên cũng chính là hiệu ứng kỳ lạ mà Edward Lorenz đã tái khám phá ra trong khí tượng học, và được các nhà khoa học khí tượng đặt tên là Hiệu ứng con bướm – một cái vỗ cánh của một con bướm ở Tokyo có thể dẫn tới một trận bão ở Florida một năm sau đó. Hiệu ứng này trở thành nền tảng của Lý thuyết hỗn độn. Rất nhanh chóng, lý thuyết này được ứng dụng trong việc nghiên cứu rất nhiều hiện tượng: tính hỗn độn trong các mạch điện, chùm tia laser, các hiện tượng dao động, các phản ứng hóa học, động học chất lỏng, các máy móc cơ học và máy cơ học từ tính, hỗn độn trong chuyển động của vệ tinh trong Hệ Mặt trời, sự biến hóa của thời gian trong từ trường của các thiên thể, sự sinh sôi nẩy nở của các quần thể sinh học, tiềm năng tác động trong các neurons thần kinh, dao động của phân tử,…
Tóm lại, một thế giới bất định và hỗn độn vô cùng rộng rãi và sâu thẳm đã hiện ra trước nhãn quan chúng ta, hối thúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận thế giới. Đã đến lúc nên từ bỏ những mớ lý thuyết giáo điều hòng giải thích mọi hiện tượng của thế giới, vì tự nhiên và cuộc sống vốn phong phú, đa dạng và bất định, hỗn độn hơn rất nhiều so với ta tưởng. Chỉ cần xem phim động vật của chương trình National Geography cũng đủ để thấy Học thuyết Darwin quả thật là ngây thơ, nghèo nàn, cố ngụy tạo bức tranh tự nhiên thành một chuỗi liên kết theo kiểu tầng tầng lớp lớp, từ tầng thấp đến tầng cao.
Trước khi kết bài này, xin lưu ý rằng thực ra tư tưởng bất định, bất toàn, đã có những mầm mống từ trước thế kỷ 20, thậm chí từ vài thế kỷ trước đó. Đó là tư tưởng của Blaise Pascal, một trong những người được coi là vĩ đại nhất của mọi thời đại.
■ Blaise Pascal và sự ra đời của Lý thuyết Xác suất. Ai cũng biết Pascal là một trong 2 cha đẻ của Lý thuyết Xác suất. Lý thuyết này xử lý những đối tượng bất định. Thí dụ như kết quả của bàn quay roulette. Chuyển động của quả cầu trong bàn quay roulette là kết quả của những va đập ngẫu nhiên. Mỗi va đạp này là một tác động cơ học tuân thủ định luật xác định của Cơ học Newton, nhưng toàn bộ các va đập lại tạo thành một chuyển động bất định, chẳng khác gì chuyển động Brown. Bạn không thể có một kết quả xác định, và Pascal là người đầu tiên đưa ra một phương pháp tính toán khả năng xuất hiện một kết quả xác định. Tóm lại, Lý thuyết Xác suất là một lý thuyết xử lý một hệ bất định để tìm khả năng xuất hiện một biến cố xác định. Dù khả năng ấy là 99% thì đó cũng chỉ là một KHẢ NĂNG chứ không phải là một hiện thực xác định. Về mặt lý thuyết, muốn khả năng ấy lộ ra như kết quả tính toán xác suất, số phép thử phải tăng lên vô hạn. Chơi cờ bạc muốn chắc chắn thắng phải tăng số lần chơi đến vô hạn, có nghĩa là vốn bỏ vào cuộc chơi phải là vô hạn, đó là điều BẤT KHẢ! Vì thế chỉ còn trông vào may/rủi mà thôi (có lẽ đó là cái thú của cờ bạc, làm cho con bạc khát bạc như khát nước?). Điều đáng nói là đa số con bạc gặp rủi, điều này không khó để giải thích. Nhưng điều đó vượt ra khỏi phạm vi thảo luận của bài viết này. Điều cần ghi khắc vào bộ nhớ của chúng ta là một di huấn của Kurt Godel: “The meaning of the world is the separation of wish and fact” (Ý nghĩa của thế gian là sự phân biệt giữa ước muốn với hiện thực). Vì thế có trường phái toán học ở Mỹ không coi Lý thuyết Xác suất là toán học, vì quan niệm thông thường của toán học là phải đưa ra câu trả lời xác định. Quan điểm này có lý.
■ Blaise Pascal và tính bất toàn của Toán học: Nếu bản chất bất toàn của một hệ logic được coi là một biểu hiện bất định của thế giới theo nghĩa rộng, thì phải chú ý rằng ngay từ thế kỷ 17, Blaise Pascal đã đề cập tới tính bất toàn khi ông nói đến Cơ sở của Hình học. Ông đi tới chỗ nhấn mạnh rằng lý lẽ của khoa học không bao giờ đủ để tiếp cận tới chân lý, mà phải dành chỗ cho TRỰC GIÁC xen vào, thậm chí trực giác là ngọn đuốc soi đường. Trực giác được ông mô tả là sự nhận biết của trái tim. Không chỉ tình yêu mới cần nhận thức bởi trái tim, mà toàn bộ nhận thức nói chung thực ra cũng phải dựa trên trực giác. Hãy đọc cuốn Pensées, trong đó Pascal viết:
-  “La dernière démarche de la raison est de reconnaître qu’il y a une infinité de choses qui la surpassent” (Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với).
-  “Nous connaissons la vérité, non seulement par la raison, mais encore par le cœur” (Chúng ta nhận biết chân lý không chỉ bởi lý lẽ, mà còn bằng trái tim).
-  “Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point” (Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hiểu).
Trực giác là công cụ giúp con người nắm bắt được sự thật ở bên kia tầm với. Trực giác giúp chúng ta tiếp cận với thế giới bất định – thế giới ở đó luật nhân quả mất hiệu lực!
Kết luận: cuốn sách này của David Peat là một cuốn sách triết học về nhận thức. Nói cách khác, đó là một tác phẩm minh triết, vì nó giới thiệu một khái niệm triết học khá mới – khái niệm bất định – với hy vọng có thể đem lại sự thay đổi mới mẻ ở nhận thức của con người trong bối cảnh xung đột giữa các nền văn minh trên thế giới ngày càng tăng. Nó giúp chúng ta bớt bảo thủ, bớt kiêu ngạo, bớt miệt thị, bớt mơ hồ, bớt độc đoán (xem Wikipedia, minh triết).
Mở đầu chương Bất định trong Ngôn ngữ, David Peat nói: “We are all philosophers”. Dường như ông muốn gợi ý chúng ta nên contemplate – trầm tư suy ngẫm như một nhà triết học. Tất cả chúng ta đều có thể làm điều đó, chỉ cần chúng ta bớt tự phụ và thực sự cầu thị mà thôi. Ông muốn chúng ta điều chỉnh lại cách nhìn thế giới, rằng đặc trưng Bất định không chỉ tác động trong thế giới lượng tử, mà là một đặc trưng phổ biến trong vũ trụ và xã hội loài người, và rằng ý đồ đóng khung vũ trụ trong một phương trình toán học cứng nhắc hay một lý thuyết mang tính kim chỉ nam cho mọi hành động là một tham vọng utopian. Nếu quả thật con người là một sinh vật khôn ngoan có khả năng thích nghi tốt nhất với môi trường sống thì con người phải làm một cuộc cách mạng về nhận thức từ xác định sang bất định. Đó chính là bản thông điệp chủ yếu của “Từ Xác định tới Bất định”. Thông điệp ấy cũng ngầm nói rằng SCIENTISM is becoming obsolete, Chủ nghĩa duy khoa đang trở nên lỗi thời rồi!
PVHg, 26/03/2015
Đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét