Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

LƯƠNG KIM ĐỊNH VÀ LỜI CẢNH TỈNH “ĐẠO MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU”

Kết quả hình ảnh cho hà văn thuỳ
Đạo Trống

Ngô Sỹ Thuyết
TMT: Sinh thời Triết gia Lương Kim Định đã không ít lần cảnh báo rằng “Đạo mất trước, Nước mất sau”. Tưởng  niệm 100 năm ngày sinh của Kim Định, chúng ta không khỏi rùng mình khi nghĩ về điều này!. Theo ông, Đạo ở đây là Việt Đạo, tức nền đạo lý mà tổ tiên ta đã sáng nghĩ ra và duy trì qua nhiều ngàn năm để kiến quốc và bảo quốc. Đạo đó đã được kết tinh trong nhiều điển chương văn hóa, mà nổi vượt hơn hết là Trống Đồng Đông Sơn. Đó là một lâu đài văn hóa hàm tàng tất cả đạo lý tiên tổ. Muốn cứu Nước, phải cứu Đạo.
Lương Kim Định, người làm những công việc của bậc thánh
Sách Trung dung viết: ”Duy thiên hạ chí thành, vi năng kinh luân thiên hạ chi đại kinh, lập thiên hạ chi đại bản. Tri thiên địa chi hóa dục, phù yên hữu sở ỷ?. Chuân chuân kỳ nhân; uyên uyên kỳ uyên; hạo hạo kỳ thiên. Cẩu bất cố thông minh thánh trí, đạt thiên đức giả, kỳ thục năng tri chi?”. (Chương 32, Trung dung Tân khảo).

Nghĩa là: Chỉ những đấng chí thánh trong thiên hạ mới có thể vì đời mà sang sửa đại kinh; mới có thể xây căn bản cho xã hội quần sinh; mới thấu rõ luật đất trời sinh hóa; những bậc ấy hết cần nương tựa. Đức nhân ngài tuyệt thế. Trí tuệ ngài thâm uyên. Tâm hồn ngài mang nhiên. Nên trừ phi là bậc thông minh thánh trí, trừ những ai đạt mức trời tuyệt mỹ mới có thể là người rõ được khúc nhôi, mới hiểu được thánh nhân – bậc đại trí và hoàn hảo.
Chưa có ai, chưa ở đâu “phong thánh“ cho Lương Kim Định nhưng đứng trước cái tâm, cái tầm và trước những công trình đồ sộ của ông chúng ta phải nghiêng mình kính nể. Hiểu được và nhất là vận dụng, thực hành được tư tưởng và mong ước của ông không dễ bởi đó là những ước vọng, khát khao vô cùng cao đẹp cho một dân tộc một thời từng là “văn hiến chi bang”.
Cả cuộc đời ông rõ ràng là chuyên đi làm cái việc của những bậc thánh trí: sang sửa đại kinh, dựng nền Triết Việt, lập thuyết An Vi cùng với việc xây dựng nền tảng phát triển cho xã hội (là lâu đài văn hoá dân tộc) và đề xướng “hiến chương giáo dục”. Bên cạnh đó, là một triết gia ông còn phát biểu rằng: “Vũ trụ quan Dịch Kinh xoay vần theo những luật tắc bất dịch gọi là “Thiên tắc”. Thiên tắc có nhiều nhưng có thể rút gọn vào ba luật lớn. Ba luật đó là Biến động, Loại tụ và Giá sắc“ (Lạc thư Minh triết). Muôn sự, vạn vật biến động không ngừng nghỉ, nhờ vật chuyển động, nhờ những thay đổi trước sau mà chúng ta thấy được, cảm nhận được thời gian. Sự biến thiên, vận động muôn hình vạn trạng, tưởng như ngẫu nhiên, như vô thường song lại thành những dòng, những loại kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí lương cầu” hoặc “thủy lưu thấp, hoả tựu táo”: nước chảy về   chỗ thấp, lửa đi đến chỗ nóng, hoặc “vân tòng long, phong tòng hổ” Mây theo rồng, gió theo hổ. Đó là luật Loại tụ với những lớp, những lang, những giống, những loài,… được hình thành phát triển. Luật Giá sắc (gieo gặt) được xem là tối quan trọng, là thổ viên giá sắc, được đặt ở trung cung hành thổ. Với một nền văn minh nông nghiệp như Việt Nam thì gieo gặt quan trọng và ý nghĩa biết dường nào. Không chỉ vậy, nếu tiếp tục đi sâu phân tích tới bản thể tận cùng thì dường như gieo gặt là hình thái phát triển của vạn vật, đến nỗi vũ trụ này có thể xem như một cái cây, một sinh thể sống vậy.
Đó là chuyện trời, chuyện đất, về người,  không chỉ có “Nhân chủ”, xem con người là chủ nhân, là trung tâm của sự tiến hoá, hầu như các tác phẩm, công trình của Gs Kim Định đều nhằm vào việc cứu cánh con người. Ông đưa ra khẩu hiệu “Người ơi hãy đoàn kết lại”, ông viết: “Vì là nhân chủ nên sẽ không nói “hỡi các công nhân hãy đoàn kết lại”, hoặc “hỡi các người da trắng, hay hỡi các người da vàng, hay hỡi những người nghèo, hỡi những người đang bị đàn áp bóc lột hãy đoàn kết lại”. Mà chỉ nói có một tiếng Người tinh ròng không gì ngoại lai pha vào đó”. Toàn những việc tầm cỡ, lớn lao, to tát và sâu sắc đến như vậy, đó chẳng phải là những việc của những người đã “thấu rõ luật đất trời sinh hoá” mà Trung dung gọi là bậc thánh sao?.
Lời cảnh tỉnh “Đạo mất trước, Nước mất sau”
Có thể kể ra dưới đây một số nguyên nhân chính dẫn đến mất nước (theo nghĩa đen) là:
-    Do bị cướp, bởi lũ giặc ngoại xâm;
-    Do bị bán, bởi bè lũ tay sai, phản động;
-    Do người dân bị dối lừa, lường gạt, bị ru ngủ trong cơn u mê.
Tưởng nhớ Lương Kim Định, không hiểu  sao những ngày này trong tôi lại vang lên lời cảnh tỉnh “Đạo mất trước, Nước mất sau”của ông. Đau xót thay, mới đây thôi, chúng ta long trọng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2015) thì điều chúng ta không mong muốn nhất lại hiện về không chỉ như một bóng ma, một cơn ác mộng mà lại là một nguy cơ mất nước thật sự. Hoà bình ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe doạ nghiêm trọng, cả bên trong lẫn bên ngoài, cả nạn nội xâm và lũ giặc ngoại xâm.
Nỗi đau “vong quốc”, mất nước với một người luôn đau đáu tình yêu đối với đất nước, dân tộc như  Gs Lương Kim Định thì không có gì lạ bởi chính ông cũng không được sống và chết trên Đất Mẹ quê hương. Cả đời hy sinh, cống hiến của ông là để trả lời câu hỏi “Tại sao phải trở về Văn hoá Dân tộc?” các tác phẩm trong công trình đồ sộ của ông đều không rời xa mục đích làm cho người Việt hiểu thế nào là Văn hoá Việt Tộc và tại sao mỗi người phải vận động cho sự lớn mạnh của nền Văn hoá Dân tộc. Ông luôn nhấn mạnh rằng, một đất nước, một dân tộc phải có một Đạo chủ của mình, và lời của ông vẫn văng vẳng đâu đây: “Đạo mất trước, Nước mất sau”. Đây là một lời cảnh tỉnh, một lời tiên tri, hay một tiếng kêu thống thiết của một người yêu nước Việt đến cực đoan, cực độ?. Ông nói rằng:
"Đạo đây là Việt đạo, tức nền đạo lý mà tổ tiên ta đã sáng nghĩ ra và duy trì qua nhiều ngàn năm để kiến quốc và bảo quốc. Đạo đó đã được kết tinh trong nhiều điển chương văn hóa, mà nổi vượt hơn hết là Trống Đồng Đông Sơn. Đó là một lâu đài văn hóa hàm tàng tất cả đạo lý tiên tổ ta". "Chính chữ Trống mà tổ tiên ta đã dùng để chỉ di vật tàng chứa phần sâu xa nhất về Đạo Việt, cả Không lẫn Có, cả Tiên lẫn Rồng, cả Vô lẫn Hữu. Và quả đã thể hiện tuyệt vời là trên Vô dưới Hữu, trên Tiên dưới Rồng".
Ông nói: “Văn hoá tạp nham có nhiều tiểu loại, nên ta cũng cần biết văn hoá nước ta hiện nay thuộc loại nào. Muốn nhận diện một nền văn hoá thì có hai tiêu chuẩn khá trung thực:
- Một là xét nội dung chương trình giáo dục.
- Hai là xét việc đánh giá các thành phần xã hội”.
Cứ xem bức tranh giáo dục của chúng ta sau bao lần cải tiến, cải lui, đổi mới ít nhiều rồi lại “đổi mới căn bản và toàn diện” thì sẽ thấy được rằng công cuộc “trồng người” của chúng ta bi đát đến dường nào. Không có Đạo chủ, không nơi bám víu nên trong não trạng của các vị đứng đầu ngành giáo dục (cũng như các ngành khác nữa) luôn chỉ xem/ mong mình như một “tư lệnh” đứng trước một “cuộc chiến” hay “một trận đánh lớn” thì không bao giờ ngành đó, lĩnh vực đó khá lên được. Cái tư duy thời chiến của người đứng đầu, bất chấp pháp luật và đạo lý, tôn sùng sức mạnh tiền bạc, vật chất, sính dùng “binh pháp”, ưa dùng thủ đoạn, miễn là giành chiến thắng thì làm sao có chỗ cho những tư tưởng cao đẹp của một dân tộc ngàn năm văn hiến.
Việc đánh giá các thành phần xã hội (sĩ, nông, công, thương và “quan chức”) chỉ làm cho chúng ta thêm đau xót bởi sự phân hoá, chia rẽ. Quan chức chính quyền thì ảo tưởng là “tầng lớp tinh hoa”, là “đỉnh cao trí tuệ” coi thường dân chúng, đến nỗi cứ mở miệng ra là “dân trí nước ta còn thấp!”, bọn họ hẳn đã quên rằng “ý dân là ý trời”, dân mới là vạn đại, là trí tuệ và là sức mạnh của cả dân tộc, là nâng thuyền cũng là lật thuyền. Dân mới là quý.
An Vi hay Vô Vi
Cố Gs Kim Định đã có nhận định rằng:
“Nhìn lại hậu quả của cảnh đa phương thì như Việt ngày nay đã mất nước. Rõ ràng đã mất nước chính bởi mất đạo, "Đạo mất trước, Nước mất sau". Cũng phải nói như thế về Tàu và cả Tây Âu nữa. Tàu tuy không mất đất đai, nhưng bị hướng dẫn do triết ngoại lai thì còn tệ hơn xưa khi Mãn Châu bắt Tàu để đuôi sam. Nước Tàu lớn là thế mà có cái đầu không giữ được: hết Mãn bắt để đuôi sam thì đến Các Mác bắt phải đội đất (duy vật). Hậu quả là người dân Trung Quốc bị mất hết tự do, không được suy tư như tiên tổ. Như vậy có nước cũng kể như mất nước.
Tây Âu cũng vậy, tuy đất nước không mất, nhưng chỉ còn đó như một thực thể kinh tế, chính trị, chứ thiếu đạo lý để làm thành: “quê hương tinh thần".
Nỗi đau “mất nước” của triết gia mới sâu sắc và thâm thuý làm sao, thiếu đạo lý thì bất cứ quốc gia nào cũng không thể được gọi là quê hương tinh thần trọn vẹn. Tuy là một Linh mục công giáo nhưng Cố Gs Lương Kim Định và các học trò của ông lại chủ trương phục hoạt Việt đạo, tức nền đạo lý mà tổ tiên ta đã “sáng nghĩ” ra và duy trì qua nhiều ngàn năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Việt đạo đó còn gọi là thuyết An Vi hoặc Triết lý An Vi hiện có các chi nhánh trong cộng đồng người Việt hải ngoại tại Anh quốc, Hoa Kỳ, Úc và một số nước khác.
Triết lý An Vi, đưa ra nhận thức dung hòa giữa Hữu Vi và Vô Vi. Chấp nhận hữu thể giới hạn, chấp nhận phần vật thể, An Vi tìm cách thực hiện một đời sống thích hợp với yêu cầu thực tế của con người, và tìm về chiều hướng Tâm linh, để con người có đường về Bản Ngã Siêu Nhiên qua đường lối Quy Tâm. An Vi muốn thoát khỏi, muốn vượt qua chủ nghĩa duy vật trần trụi cực đoan của Hữu Vi nhưng cũng không muốn rơi vào cái quá lý tưởng, hoàn thiện, khó thực hiện được của Vô Vi. Tư tưởng “Tham thiên, lưỡng địa” với 3 dương 2 âm thể hiện rất rõ trong thuyết An Vi.
Dù đã từng đề xuất hẳn một “Đạo trường chung cho Đông Á”, song chúng tôi hiểu rằng Cố Gs Kim Định và các học trò chọn An Vi để không rơi vào cái mênh mông, trừu tượng của Vô Vi, có lẽ cũng bởi vì ông chỉ hy vọng và cũng chỉ mong rằng với gia tài đồ sộ và độc đáo của Việt tộc, chúng ta sẽ cứu được Việt đạo (đã mất), hòng cứu lấy Việt quốc trước hết.
Thế nhưng, thiên, địa, nhân và đạo là hợp nhất, là Một, thì hà cớ gì chúng ta phải “kính nhi viễn chi” Vô vi ? Bản thân An vi cũng chẳng chủ trương thực thi “Cái khéo léo, khéo nghĩ là phải nghĩ sao cho có cả Trời lẫn Đất, cả Có lẫn Không như trong Đạo Trống" là gì. Chúng tôi tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn, Gs Kim Định vẫn mong mỏi về một Đạo trường chung không chỉ cho Đông Á mà cho cả thế giới, bởi thế ông mới kêu gọi “Người ơi hãy đoàn kết lại” hoặc cho rằng cả Tàu lẫn Tây đều rơi vào cảnh “vô đạo” như đã dẫn ở trên.
Để tiếp tục con đường tìm Đạo, cứu Đạo nhằm “cứu Nước”, chúng ta hãy thử tìm tòi, suy tư để có thể hiểu rõ hơn về Vô vi - Đạo Vô vi. Bởi có lẽ trong bối cảnh mới của thế giới, nhân loại bước vào kỷ nguyên tri thức, của máy tính và Internet, thế giới trở nên “phẳng hơn” và thay đổi nhanh hơn thì một An vi đậm chất Việt tộc có lẽ chưa là đủ.
Chúng ta biết rằng, Vô vi được xem là tư tưởng của Lão Tử và những người chịu ảnh hưởng của Đạo Lão. Đạo Đức kinh có 10 trong tổng số 81 chương có mặt chữ Vô Vi ( ), nhiều chương khác cũng thấp thoáng ẩn hiện hồn cốt của Vô vi. Vậy Vô vi là gì?.  Các học giả bình giải Đạo Đức kinh thường cho rằng Vô vi là sống thuận theo tự nhiên. Liệt tử cho rằng: “Lời nói cao siêu nhất là sự thầm lặng, việc làm cao siêu nhất là vô vi”. 
Trang tử cho rằng:  “Vô vi là đường lối của trời đất”, “Vô vi là công việc của Trời, “Tịch mịch vô vi là căn bản của vạn vật” , “Vô vi để trở về với bản căn, bản tính, để thành thần”, (Nam Hoa kinh). Chương 37 Đạo Đức kinh cũng cho rằng Vô vi là hoạt động của Đạo.  Tóm lại, ta có thể nói rằng theo đạo Lão thì: Ở cõi hữu vi là cõi Người; lên cõi vô vi là lên cõi Trời.
Trở lại, câu hỏi Đạo là gì?. Lão tử viết “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thuỷ. Hữu danh vạn vật chi mẫu” (Đạo mà có thể gọi ra được thì không phải là Đạo thường hằng cửu. Tên mà có thể gọi lên được, không còn là tên thường hằng cửu.  Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật, Chương 1, DDK). Nhưng nếu chỉ có vậy thì thật khó, do đó, ở chương 25, DDK, Lão tử viết về Đại Đạo như sau:
“Có một Đấng an nhiên tự hữu,
Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.
Tịch liêu, vắng ngắt, vắng tanh,
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Muôn vàn chẳng chút đổi thay,
Đó đây quanh quất, đó đây chẳng chồn,
Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ.
Tính danh người ta há biết sao,
Tên Ngài phải gọi thế nào,
Gọi liều là Đạo, xưng ào là To”.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Hành trình về phương Đông” của Baird T. Spalding, có kể về việc người ta tìm ra được những tấm tài liệu cổ vô cùng quý giá, một trong những tấm đó viết rằng:
“Có một Tinh thần toàn trí sáng suốt, rằng trí tuệ này là Thiêng liêng và vô tận, thấm nhuần vào tất cả mọi thứ, không thể phủ nhận được. Bởi vì trí tuệ này thấm nhuần tất cả mọi thứ nên nó vô tận và là nguồn gốc của tất cả. Nó Thiêng liêng và sự Thiêng liêng của nó đã tạo ra thể xác có thể suy nghĩ hay thể xác hữu hình, tạo ra thực tế hay chân lý của tất cả mọi thứ.
Các bạn có thể đặt tên cho Tinh thần toàn trí, thông thái này là Thượng Đế hay sự tốt lành hoặc bất cứ cái tên nào các bạn muốn, vì con người phải đặt tên cho mọi thứ. Khi con người đặt tên cho một thứ nào đó, anh ta có quyền cho nó tồn tại. Nếu con người đặt tên cho bất cứ thứ gì thông qua sự tôn kính, tôn thờ và tán dương thực sự, họ có thể và đã trở thành thứ mà họ đặt tên.
… Trí tuệ này luôn là nơi lĩnh hội và chỉ huy kế hoạch lý tưởng thiêng liêng hoàn hảo của nó”.
Những trang tài liệu được chế tác tinh xảo trên những tấm đá quý giát vàng, được giữ gìn, bảo quản, bị thất lạc và được tìm thấy một cách đầy bí ẩn, hiện lưu trữ trong cung điện của Đức Lạt Ma vĩ đại tại Shamballa (Tây Tạng) được chứng minh là những bản sao của những ghi chép từ xa xưa, được tạo ra để bảo vệ những tấm tài liệu gốc.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ về “Đấng an nhiên tự hữu” của Lão Tử và “Tinh thần toàn trí sáng suốt” được ghi tạc trong các tấm tài liệu nói trên, cho dù cả hai xuất hiện ở những thời gian và địa điểm hoàn toàn khác nhau, cả hai đều thể hiện rằng Thiên địa vạn vật đồng nhất thể và đó cũng là quan điểm chủ đạo của thuyết Phiếm Thần. Phiếm Thần coi Thượng Đế là chính vũ trụ này, hay nói đúng hơn, Thượng Đế là Đại Ngã, là Chân Tâm vũ trụ. Phiếm Thần không bao giờ coi Thượng Đế là vũ trụ hình danh, sắc tướng bên ngoài mà chỉ coi Ngài là Chân tâm vũ trụ. Tại sao?. Vì Vũ trụ hình danh sắc tướng bên ngoài là cái gì biến thiên, còn Chân tâm mới là cái gì vĩnh cửu, bất biến. Phiếm thần dạy chúng ta muốn tìm Thượng Đế phải tìm Ngài trong thâm tâm ta, vì Ngài chính là Bản Thể ta. Chúng ta là hình hiện của Ngài. 
Và giờ đây, đến thời đại của máy tính và Internet, với tư duy “lập trình”, chúng ta có thể hình dung, tưởng tượng rằng Tinh thần toàn trí sáng suốt chính là “Chương trình Tạo hoá”, là Đạo, Thiên Đạo. Khái niệm “Chương trình” được hiểu như là một phần mềm tin học (software), một khái niệm không xa lạ gì trong thời đại Công nghệ Thông tin ngày nay. Đạo rõ ràng phải có tính xuyên suốt, nhất quán từ thuở khai thiên lập địa tới nay, và phải là nguyên lý đúng đắn nhất cho dù ở bất kỳ đâu, ở thời điểm nào trong vũ trụ này. Chúng tôi tin rằng, chỉ có thể hình dung về Ông Trời, Thượng Đế như là Nhà Lập trình vĩ đại nhất, là tác giả của Chương trình Tạo hoá – Chương trình tạo dựng vũ trụ đã và đang “chạy” ổn định, bền bỉ một cách “Vô vi” hàng chục tỉ năm qua mới có thể giải thích về một vũ trụ biết tự sinh, tự phát triển, biết tự điều chỉnh để tồn tại.
Cái mà Lão Tử gọi là Đạo chính là Chương trình Tạo hoá – cái có trước đất trời, cái được thiết kế, lập trình , “thử nghiệm”  để hoàn thiện ở một thời điểm nào đó trước Bigbang và ở đâu đó trong một thế giới khác, trước vũ trụ của chúng ta. “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa cứ tiếp nối, vạn vật cứ sinh hoá. Trời có nói gì đâu?” (lời Khổng Tử), là hình ảnh của Vô vi. Khi Chương trình Tạo hoá “chạy” thì mọi thứ cứ thế mà vận hành một cách tự động thì cần chi phải nói, phải hét. Vô vi mà Lão Tử nói đến chính là việc không được tuỳ tiện can thiệp một cách thô bạo, bị động vào các tiến trình diễn ra, vào Chương trình Tạo hoá cho dù người đó có quyền năng tối thượng. Cũng bởi Vô vi là nguyên tắc tối thượng nên nhiều khi chúng sinh oán thán, trách móc Trời còn nhiều hơn việc xướng danh, ca tụng Ngài!.
Hiểu rõ được Vô Vi chúng ta có thể ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn, với các nước phát triển  ở Tây Âu hay Mỹ Châu, tinh thần thượng tôn pháp luật và thực thi nền quản trị quốc gia một cách văn minh, hiện đại, được tin học hoá, tự động hoá đã tạo ra sự phồn vinh, giàu có vượt bậc. Hình ảnh chung của một đất nước giàu có, văn minh là mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng, thông tin số liệu chính xác, đầy đủ,…. giống như cả xã hội đều được vận hành trong một hệ thống chương trình máy tính vậy!. Dĩ nhiên, với đà phát triển đó, việc các nước giàu càng giàu, đã văn minh càng văn minh, đã dân chủ càng dân chủ hơn là điều dễ hiểu.
Hiểu rõ được Vô vi chúng ta có thể có được vị thế mà người Tàu đã từng đạt được, bởi chính Lão tử là tác giả của Đạo Vô vi và các nhà tư tưởng của Trung Hoa nhiều thời kỳ đã hết lòng muốn Đạo này được thực thi nhưng bất thành. Thật may, trước khi đi ở ẩn, Lão Tử đã gặp Huyện lệnh Doãn Hỷ ở Hàm Cốc quan, Ngài lưu lại đây, viết cuốn Đạo Đức Kinh và để lại cho hậu thế, xong, Lão Tử cưỡi trâu đi biệt tích. Có lẽ, Đạo, từ đó đã theo Ngài về … phương Nam, bởi vậy mà người phương Bắc bao đời sau vẫn đau đáu hướng về Nam nuối tiếc, mong ngóng, bái vọng Lão Tử và Đạo Vô vi của ông.
Triết gia Kim Định khẳng định người Tàu cũng bị mất Đạo là vì vậy; họ đã từng có rồi đánh mất. Tìm lại được Đạo cho người Tàu sẽ là bậc “chí thánh” với “thanh danh dương dật hồ Trung Quốc, thi cập Man Mạch” - Ai tìm lại được Đạo cho người Tàu thì “Thanh danh Ngài vang lừng Trung Quốc, vượt biên cương lan tới các nước ngoài” (Trung dung tân khảo, ch.31).
Đạt được Đạo Vô vi, hiểu rõ được sự thành công cũng như sự bất toàn của phương Tây; giúp người Tàu lấy lại được báu vật đã mất, chắc hẳn Việt Nam chúng ta xứng đáng được hưởng một vị thế hết sức là sang cả và ơn ích cho nhân loại. Giúp người cũng chính là giúp ta, Đạo là của chung của nhân loại, đã là Thiên Đạo thì không của riêng ai, Đạo cần thiết cho mọi người. Cứu được Đạo sẽ cứu được Nước, thành công được thì cũng là Ý Trời muốn vậy. Mọi sự có lẽ đều đã được “lập” trong “Chương trình Tạo hoá” rồi. Chuyện mất còn của Đạo, của Nước có lẽ là việc của … Ông Trời và chúng ta, trong khi hy vọng và chờ đợi hãy hiểu và tin rằng “Duy thiên hạ chí thánh; Duy thiên hạ chí thành…”./.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét