Lương Kim Định (1915-1997) |
Tác
giả: Lê Nguyên Cẩn, Khoa Ngữ Văn – ĐHSP Hà Nội
Cho đến nay, giới nghiên cứu Việt Nam nói chung và những
người nghiên cứu tìm hiểu minh triết Việt nói riêng, không ai còn xa lạ với tên
tuổi của Giáo sư Lương Kim Định, một trong những người có công tạo dựng nền triết
học Việt Nam và nâng tầm triết học Việt Nam lên
tầm cao thế giới, một trong những người có nền học vấn uyên thâm về triết
học Đông-Tây với những ảnh hưởng không nhỏ cho giới nghiên cứu triết học và triết
Việt ngày nay. Tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu nhiều về ông và cũng chỉ mới
đọc ông qua Những dị biệt giữa hai nền
triết lí Đông Tây của ông được tải về từ trang mạng, do đó, tôi chỉ phát biểu
cảm tưởng bước đầu của mình về điều mà tôi tâm đắc.
Trước hết, ông là một linh mục mà qua cụm từ “linh mục”, tôi hiểu, ngoài hiểu biết về
văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa, ông còn được sống và suy nghĩ theo văn hóa
Ki-tô giáo, nền văn hóa cơ sở của xã hội phương Tây. Như vậy, trong ông đã có sự
kết hợp hai nền văn hóa khác nhau, thông qua sự tiếp thu bài bản một nền văn
hóa khác, mà ta gọi là văn hóa văn minh du mục. Ông là kiểu học giả đa văn hóa,
do đó, cacis nhìn hay cách diễn giải của ông cũng mang tính chất thông tuệ. Điều
này càng được củng cố hơn khi ta biết ông đã học qua Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris) và Học viện Nghiên cứu cao cấp về Trung Hoa
(Institut des Hautes Études Chinoises) tại Paris, là những cái nôi đào tạo
khoa học triết học rất đáng kính nể. Nền học vấn bài bản đó đã tạo dựng cho ông
sự hiểu biết sâu sắc về triết học Đông Tây để ông đưa ra công trình học thuật
mang tính chất so sánh dưới tựa đề: Những
dị biệt giữa hai nền triết lí Đông Tây, mà nổi bật trong công trình này là
tính minh triết về sự sáng khôn.
Vấn đề nghiên cứu mà ông đưa ra được đặt trên bình diện
tương đồng, ông không qui tư tưởng phương Tây thành kiểu triết học, và cũng không xếp tư tưởng phương Đông thành kiểu minh triết như nhiều người vẫn thực hiện.
Ông đặt hai nền tư tưởng đó dưới một tên chung là triết lí: có triết lí phương Tây và có triết lí phương Đông, thành
hai kiểu triết lí về cũng một bản thể, hai kiểu tư duy về cội nguồn thế giới và
nhân sinh. Như vậy, sự so sánh đã mang tính chất ngang hàng, đồng dạng, đồng thức
để từ đây ông sẽ rút ra các dị biệt. Cách làm của ông thể hiện cái minh triết về sự sáng khôn (cái
sáng khôn tạm dịch là créer
intelligiblement, créer avec l’intelligence - mà có thể hiểu qua sự kết hợp
giữa sáng = sáng tạo và khôn = thông minh). Nói cách khác, thành
quả mà ông đạt được chính là minh triết về sự sáng khôn, bởi lẽ việc so sánh
khi hai cái được so sánh không ngang bằng thì những gì được rút ra sẽ thiên về
một bên, còn khi hai cái được so sánh lại được đặt ngang bằng nhau như những
giá trị tuyệt đỉnh của mỗi nền văn hóa thì sự so sánh và kết quả so sánh đạt được
sẽ vô cùng hấp dẫn và thú vị bởi chúng chỉ ra các đặc trưng loại biệt của các nền
văn hóa đó. Đây là thủ pháp thao tác luận thuần chất minh triết mà người Việt
luôn có trong tâm thức của mình mà ta có thể thấy dễ dàng trong các định thức
so sánh của ca dao như: “thân em như dải
lụa đào/ Phất phơ trước gió biết vào tay ai…, mình em như cây gỗ trâm/ Ngoài
trông đỏ dọi trong mối xuyên tâm mất rồi…”. Đây cũng chính là cách học vốn
rất cần thiết cho đời sống hiện nay: học một cách sáng khôn để tạo thành một
cái sáng khôn ở cấp độ cao hơn, minh triết hơn nghĩa là sự học mang lại sự tự ý
thức một cách minh bạch, rõ ràng, sáng sủa hơn mà không phải là sự tiếp nhận
đơn giản, thụ động một chiều, vừa tránh sa vào chủ nghĩa châu Âu trung tâm luận
(Eurocentrisme) vừa không sa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sự sáng khôn mà Kim
Định thừa hưởng có cội nguồn từ văn hóa dân tộc mà điều này ta có thể thấy qua
một số tiêu đề trong số hơn bốn mươi tác phẩm triết học: chẳng hạn Việt lí tố nguyên (An Tiêm, 1970), Triết lí cái Đình (Nguồn sáng, 1971), Cơ cấu Việt Nho (Nguồn sáng, 1972), Vấn đề nguồn gốc văn hóa Việt Nam (Nguồn
sáng, 1973), Sứ điệp trống đồng
(Thanh niên QG USA 1984), Cẩm nang Triết
Việt (An Việt Housston, 1988); Gốc rễ
triết Việt (An Việt Housston, 1988)…Học người để hiểu mình, để tự nhận thức
mình tốt hơn, để từ đó tạo ra một bản thể khác với bản thể ban đầu, để đứng vững
trong sóng gió cuộc đời, để nhập cuộc tốt hơn…là sự học một cách khôn ngoan, sự
học mang tính chất minh triết để tạo ra kiểu nhận thức minh triết.
Tác phẩm Những dị
biệt giữa hai nền triết lí Đông Tây mà chúng tôi khai thác từ trang mạng có
nội dung được trình bày trong sáu tiêu đề : Sứ
mệnh triết lí Đông phương, Tâm đạo, Tính chất năng động của triết Nho, Vấn đề
phạm trù trong triết Đông, Quả dục, Hình ảnh con người cần phải có, mà qua
sáu tiêu đề này ta thấy nổi lên nền tảng cơ sở của triết luận Kim Định. Đó là,
ông dựa hẳn vào triết lí phương Đông để bàn về triết lí phương Tây hay nói cách
khác là để so sánh với triết lí phương Tây, chứ không so sánh giản đơn theo kiểu
trình bày đông nói gì, tây nói gì rồi rút ra kết luận. Bởi vì ông tự đặt ra nhiệm
vụ ngay trong lời Tựa của cuốn sách: “Vì
thế sẽ mở đầu bằng bài sự mệnh triết đông để nói lên nhiệm vụ cao cả của nó,
nghĩa là nó không nên tự coi mình như một môn trí thức suông nhưng là một nghĩa
vụ cao cả cần thiết cho con người (s)ở tại vun tưới những nét đặc trưng của triết
đông để chữa trị chứng bệnh thiên lệch của thế giới hiện nay là chứng một chiều
kích”[1].
Ông nhấn mạnh: “Như thế, việc làm chính cốt
hiện nay của triết Đông không phải là đi rập mẫu triết học duy niệm để sản sinh
ra một thứ triết học duy trí không ăn nhằm chi tới nhân tâm thế đạo, với cuộc sống
hưng vong của quê nước, đời sống bấp bênh đầy gian khổ của đồng bào, mà chỉ là
thứ trao (trau) dồi tri thức quá thoát đời của mấy người nhàn rỗi. Không ! Sứ mệnh
của nó là phải làm sống lại những nguyên lí hết sức phong phú của Truyền Thống
còn lưu lại trong triết lí Đông phương, phải nhờ những tiến bộ về biện chứng và
khoa học để khám phá ra những khía cạnh mới lạ khả dĩ hướng đạo cho con người
thời đại”[2]. Sự
nhấn mạnh này của ông dựa trên các khảo sát về “cuộc tưng bừng phá đổ nền triết cổ điển” tây phương theo đó Hội nghị
Á Phi ở Bandoeng năm 1955 với tuyên bố nổi tiếng của nó trở thành lá đơn “từ chức sứ mệnh của triết học Tây phương”.
Xét
về mặt nguyên tắc, đây là sự nhận thức lại chính mình và sự nhận thức lại này
tránh được tính chất rập khuôn giáo điều trong việc tiếp thu tinh hoa tư tưởng
phương Tây, bởi lẽ trong triết học phương Tây ta thấy đủ loại ismes- chủ nghĩa khác nhau còn ở phương
đông dường như không bao giờ thấy cách định danh theo kiểu isme đó, mặc dù, nếu xếp chúng thành các ismes thì cũng chẳng kém cạnh gì các ismes phương Tây mà lại vượt trội hơn về mặt thực tiễn, bởi vì
như ta đã thấy các triết học phương Tây thường cái ra đời sau phủ nhận cái đã
có trước đó, cho dù được gọi là mở rộng hay phát triển, còn ở triết Đông là sự
phát triển toàn vẹn trong tính tổng thể của nó mà theo đó sự phát triển sau là
sự kế thừa phù hợp và tất yếu của nền tảng cơ sở cũ. Nói cách khác, cái truyền
thống mở đường cho tương lai để hoàn thiện chính truyền thống, để tạo thành một
bản sắc bền vững trong không gian và thời gian, chứ không phải là một cái truyền
thống đã bị khuôn thành một cái chật hẹp không còn khả năng tồn tại và phát triển.
Vì thế, chừng nào còn giữ được truyền thống hay mở rộng ra thành bản sắc văn
hóa dân tộc thì chừng đó dân tộc còn tồn tại và phát triển.
Nhiệm
vụ cụ thể mà ông đặt ra cho triết đông cũng là cho thời đại là: “Tổng hợp những suy tư, những phân tích bất kể
của Đông hay Tây, Nam hay Bắc. Nhận thức lại cái tinh thần sâu sắc để khơi nguồn
cho đời sống tâm linh vươn lên, thống nhất lại các giá trị mới hãy còn vất ngổn
ngang bừa bãi; đem lại cho nhân sinh một luồng sinh khí dồi dào vừa được canh
tân; thổi sinh khí vào nhân loại đang ngạt thở trong trăm ngõ hẻm chuyên môn
phân cách và bịt bùng, được thở bầu khí bao la khoáng đạt tinh thần của con người
toàn diện. Đó là sứ mệnh triết lí Đông phương. Nó phải cố gắng lắm mới đáp lại
được lòng mong chờ của người thời đại đặt để vào nó”[3].
Đây chính là minh triết về sự sáng khôn, tiếp nhận văn hóa một cách minh triết
theo sự chỉ đạo của cái sáng khôn, nghĩa là học cách người ta tạo ra kết quả chứ
không phải chỉ là nắm bắt kết quả mà người ta thu được, học phương pháp câu cá
chứ không phải ngồi ngắm nghía trầm trồ con cá mà người ta câu được. Đây cũng
chính là bản chất của việc học theo nguyên lí cái sáng khôn.
Nhưng
tư tưởng của con người luôn mang theo nó tính bảo thủ cho dù tư tưởng bắt nguồn
từ các triết lí, bởi lẽ con người là con người của một thời đại lịch sử cụ thể,
tư tưởng con người cũng mang tính lịch sử cụ thể nghĩa là nó mang trong nó tính
bảo thủ, hiểu theo nghĩa là nó tự bảo vệ các ý nghĩa gắn với thời đại. Còn các
triết lí, xét về bản chất là hình thức khái quát cao nhất, nhưng không bao giờ
đi kèm tính bảo thủ. Do đó, tư tưởng của con người, gắn liền với thời đại sinh
ra con người ấy, khi tiếp thu các triết lí đã cố bằng mọi cách khuôn triết lí ấy
vào những cái khung hay các nội hàm nhất định, biến các triết lí trở thành những
cái khô cứng, máy móc, Vì thế, nhiệm vụ của triết lí cả đông lẫn tây theo Kim Định
phải là : “Dựng lên những giá trị mới đấy
là sứ mệnh triết lí; đem lại cho đời sống một ý nghĩa để đưa nhân loại thoát ra
khỏi cơn khủng hoảng tinh thần hiện nay, đó là sứ mệnh triết lí. Hướng dẫn nhân
loại trên đường đi về cứu cánh con người, đó là sứ mệnh của một nền triết lí
không phân biệt Đông hay Tây mà là triết lí nhân sinh, triết lí của con người
muôn thuở”[4].
Cuối những câu này có ghi rõ “tháng giêng
1960”, tức là cách những năm tháng hiện nay tới nửa thế kỉ mà ý nghĩa của
những ghi nhận đó vẫn còn tươi mới, thế mới biết sức mạnh của minh triết về cái
sáng khôn, thứ minh triết giúp con người vượt qua tính bảo thủ của tư tưởng thời
đại, nhìn thấu tương lai mà con người phải đi tới. Vì thế, trong luận chứng về
12 phạm trù mà Arstote đưa ra, ta thấy tính hợp lí của nó nhưng vẫn chưa đủ và
chưa ổn vì thế giới được phân chia thành 12 lát cắt, cho dù con số 12 có thể
tương ứng với số tháng trong một năm, trong khi đó phương Đông qua triết học
Trung Hoa chỉ khuôn lại thành “Hồng phạm cửu trù” mà vẫn đủ vì con số chín (“cửu”)
là hằng số của vũ trụ. Tính không bảo thủ của triết lí là xét trên phương diện
này. Kim Định chỉ rõ: “Phải sớm chấm dứt
giai đoạn độc tấu đóng khuôn trong tàu Noé để mạnh dạn bước vào giai đoạn liên
lục địa với dàn hòa tấu đa phương. Và nếu ở giai đoạn độc tấu của phạm trù, các
triết gia phương Tây đã làm chủ tình thế, thì ở giai đoạn hòa tấu vượt khỏi phạm
trù,các hiền triết phương Đông là những ông thầy rất đáng nể, họ sẽ nói cho ta
nghe cách làm rỗng nõn xe, cách “vượt sang bỉ ngạn để bao quát hết thảy chúng
sinh”, cách “bất dĩ từ hại ý bất dĩ ý hại nghĩa” hầu “tinh nghĩa nhập thần” bất
chấp giới hạn của phạm trù, để “cùng thần trí hòa” trong một hòa tấu nhịp với
tiết điệu của vũ trụ bát ngát mà Nho giáo kêu là Thái Hòa”[5].
Như vậy tính chất minh triết hiện hình qua cách học minh triết để tạo ra nhận
thức minh triết một cách sáng khôn hay nói cách khác là học cái minh triết của
sự sáng khôn để trở thành người minh triết một cách sáng khôn, để trở thành thời
đại minh triết trong sự sáng khôn, để đạt tới sự Thái Hòa vĩnh viễn, với tình
nhân loại bao la bát ngát. Hơn nửa thế kỉ qua, ý nghĩa của nhận xét trên đây vẫn
còn mang tính thời sự gắn với tiến trình toàn cầu hóa trong sự đa dạng của tư
tưởng mà luôn cần sự minh triết ở bên trong, là sự bổ sung giữa hai nền triết
lí Đông-Tây, là sự đảm bảo cho tính cân bằng âm dương bền vững mà không làm biến
đổi khí hậu hay làm biến đổi bản đồ chính trị thế giới. Đương nhiên, Kim Định
không phủ nhận vai trò của tư tưởng cá nhân đối với lịch sử, nhưng ông chỉ rõ:
“Bởi chưng căn để (rễ) của một xã hội tốt
không nằm trong thể chế và những bin-đinh nhưng trong những con người làm nên
cái đó, hay đúng hơn, trong cái phần bản nhiên của con người, nơi ngự trị của
lí trí và sự tự do làm theo lí trí đó. Cái phần đó không thể phá hủy đi được và trong mọi con người đã sinh ra thì
đó chỉ là tái sinh”[6].
Đây cũng chính là sự nhận thức về cái minh triết mà bản chất của nhận thức này
chính là nhận thức tự chính mình, bởi lẽ minh triết là một phần của bản chất
con người, là một khía cạnh của năng lực nhận thức hay trí tuệ của con người,
mà khi đạt tới cái nhìn “tuệ nhãn” như cách nói của Phật giáo thì đó sẽ là minh
triết cao nhất: minh triết của sự sáng khôn.
Tác
phẩm Những dị biệt giữa hai nền triết lí
Đông Tây trong di sản mà Giáo sư Lương Kim Định để lại có vai trò dẫn đường
cho các tác phẩm khác xét từ phương diện khái quát. Tác phẩm cũng gợi mở cho
chúng ta nhiều điều suy ngẫm theo đó độ đồng thuận có thể tăng hay giảm nhưng
là một tài liệu khái quát triết học bổ ích và đương nhiên cũng là một đóng góp
của trí tuệ Việt Nam xét từ góc độ minh triết về cái sáng khôn, vào kho tàng nhận
thức chung của nhân loại. Có thể nói được như vậy, bởi vì những gì ông đưa ra
trong Những dị biệt giữa hai nền triết lí
Đông Tây đều khơi gợi thực tiễn của thời kì mà ông viết ra tác phẩm cùng với
những suy ngẫm về quê hương, về đồng bào đồng tộc, về nhân tính thế thái khắp cả
Nam Bắc Đông Tây. Chúng ta trân trọng những tư tưởng, cách tường giải vừa uyên
bác vừa uyên thâm và cách nhìn từ bi bác ái mà ông thể hiện trong tác phẩm
này./.
[1] Kim Định: Những dị biệt giữa hai nền triết lí Đông Tây- Tài liệu lấy từ trang
mạng. Các trích dẫn liên quan đến tác phẩm trong bài viết của chúng tôi đều rút
ra từ tài liệu này. Nhưng chỗ nghi ngờ sai sót về lỗi chính tả chúng tôi dùng
ngoặc đơn để làm rõ.
[2] Tài liệu đã dẫn, Phần I. Sứ mệnh triết lí Đông phương . Mục 3:
Sứ mạng triết Đông.
[3] Tài liệu đã dẫn. Phần I. Sứ mệnh triết lí Đông phương. Mục 3: Sứ mạng triết Đông.
[4] Tài liệu đã dẫn. Phần I. Sứ mệnh triết lí Đông phương Mục 4: Dự đoán tương lai.
[5] Tài liệu đã dẫn. Phần IV. Vấn đề
phạm trù trong triết Đông. Mục 3: Hồng
phạm.
[6] Tài liệu đã dẫn. Phần VI. Hình ảnh con người cần phải có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét