Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Cảm nhận giá trị Minh triết của Đông Kinh Nghĩa Thục

NGUYỄN KHẮC MAI
Kết quả hình ảnh cho đông kinh nghĩa thục
Phan Chu Trinh (1872–1926), người mở đầu cho
phong trào Duy Tân và có công lớn trong việc 
lập Đông Kinh Nghĩa Thục.
TMT: Nhân công bố lời mời tham gia viết và gửi bài nhân kỷ niệm 110 năm phong trào Đông kinh Nghĩa thục (tháng 3.1907), Thôn Minh triết xin đăng lại bài "Cảm nhận giá trị Minh triết" của tác giả Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết.

Minh triết, như tôi hiểu là những tư tưởng và rộng lớn hơn là những giá trị văn hóa, có tính khái quát và phổ quát, ý nghĩa rộng, trường tồn có thể đem ứng dụng cho nhiều hệ thống. Chúng đạt tới tính chất của những giá trị xã hội và nhân sinh phổ quát. Minh triết tham gia vào đời sống xã hội giống như chất tủy của một sinh vật. Ta gọi đó là cốt tủy, là tinh túy của một hệ thống xã hội.
Đông Kinh Nghĩa Thục trăm năm trước xuất hiện như một ánh sao băng trong lịch sử hiện đại Việt Nam, một đi không trở lại. Hình ảnh của nó, ánh sáng của nó, hiện tượng của nó ta chỉ ghi nhận được ttrong khoảnh khắc, nhưng năng lượng nó tỏa ra thì đã lan truyền mãi trong vũ trụ. Cái năng lượng mà ta cần và phải tiếp nhận từ Đông Kinh Nghĩa Thục là những Minh triết mà những con người thuở ấy đã tạo ra.

1. Minh triết “Tuyết Quốc sỉ” “Hóa Dân Cường Quốc”.
Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra những quan niệm Quốc gia – Dân tộc – Quốc dân và lòng yêu nước mà ngày nay vẫn tồn tại như những giá trị cập nhật, mà bất cứ ai muốn xứng đáng, không phải xấu hổ với 4 thành tố ấy đều phải học hỏi chiêm nghiệm và tìm cách hành động. Nói hành động là nói cả sự mở mang kiến thức để phá vỡ cái u tối của mình.
- Lòng yêu nước trong Đông Kinh Nghĩa Thục thể hiện thành 3 điều:
a. Một là lo nghĩ về vận nước: “Than ôi! Lo không gì lo hơn mất nước, buồn không gì buồn hơn thân bị nhục”.
b. Hai là, thấy sỉ nhục dân mất nước, thân nô lệ, dân tộc và xã hội yếu hèn, lạc hậu. các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục gọi là “Tuyết Quốc sỉ”. Tuyết là làm sạch nỗi nhục nô lệ, yếu hèn và lạc hậu.
c. Ba là, quyết định hành động để “Hóa Dân Cường Quôc”. Cái triết lý “Hóa Cường” ấy vừa cổ kính vừa cập nhật. Cái quan niệm phải chuyển hóa quốc gia, phải làm cho tiến hóa dân tộc là rất mới mẻ vào trăm năm trước, mà hôm nay nghiệm ra cuối cùng cũng phải “đổi mới”. Nhiều chủ trương “đổi mới” hôn nay chúng ta đã thấy được đề cập từ Đông Kinh Nghĩa Thục. Để có thể “Hóa Cường” trước hết phải có Độc lập. Để giành lại và giữ gìn độc lập “Nước phải mạnh”. Nhưng “Nước mạnh hay yếu là do Dân. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh, và mạnh lâu dài”. Phải đổi mới cái tư cách của người dân. Lần đầu tiên Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra quan niệm Quốc dân là một quan niệm tiên phong, đi trước thời đại cả trăm năm. Quốc dân chính là cái lõi, cái xương sống của quốc gia, dân tộc. Quốc dân phải là những người “Rõ cái lý tương quan giữa dân và nước ... biết vị trí của họ trong xã hội ... để gây ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị, tự lập”. “Muốn nước được bình trị mà mong ở vua hiền, tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh”. Ngày nay chúng ta kế thừa tư duy ấy  đã ghi vào Hiến pháp được một số điều cơ bản về nhân cách và nhân quyền của Quốc dân (công dân). Không hteer nói rằng cái lý tưởng xây dựng Quốc dân với tư cách là “cường dân” hoàn chỉnh như Đông Kinh Nghĩa Thục mong ước, chúng ta bọn hậu thế không làm được gì. Nhưng để đạt cho được cái Minh Triết Quốc dân ấy còn phải sửa đổi và làm nhiều hơn nữa. Quan niệm Quốc dân và “dân mạnh” của Đông Kinh Nghĩa Thục quả thật sắc sảo, cấp tiến, có khi vượt so với quan niệm nhân dân mơ hồ và dân giàu chỉ nói được một khía cạnh. Quan niệm dân mạnh của Đông Kinh Nghĩa Thục bao gồm: mạnh về trí tuệ học vấn, năng lực khoa học, công nghệ và thực nghiệp; mạnh về phẩm chất đạo đức yêu nước, bác ái, tiến thủ cạnh tranh, biết vị trí của mình trong xã hội; mạnh về ý thức thực quyên, không nhất thiết trông chờ Chính phủ, bởi vì “quan cũng chỉ là một người dan nắm chính quyền”; thiết thực nhất là mạnh vì có sản nghiệp và biết làm chủ sản nghiệp.
Triết lý “Hóa Dân Cường Quôc” của Đông Kinh Nghĩa Thục đặt ra một loạt vấn đề có tính hệ thống: từ xây dựng một chính thể dân chủ của Việt Nam, do Việt Nam, vì Việt Nam; một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam(mà năm 1945 Hồ Chí Minh đã cảm nhận và nói ra). Một nền kinh tế biết coi trọng và phát triển cái vốn (tư bản) coi trọng nông, công, thương; coi trọng luật pháp để bảo vệ tài sản, bảo vệ hoạt động công thương ... coi trọng phát huy mọi phương thức, phương tiện hiện đại để phát triển và quản lý kinh tế.
“Hóa Dân Cường Quôc” để đạt tới Văn minh và tiến bộ, để có sức mạnh nội lực mà giữ gìn độc lập. “Hãy làm cho nước Nam của ta càng văn minh, kế ấy là kế của nước, cũng tức là kế của bản thân mình. Bởi vì “Không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị dân, dù không tiến bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước”.
2. Minh Triết “Chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân”.
a. Để “Hóa Dân Cường Quôc” giáo dục phải là hàng đầu, một trăm năm trước Đông Kinh Nghĩa Thục đã khẳng định. Nay học theo Minh Triết ấy mà nêu khẩu hiệu: Giáo dục là Quốc sách hàng đầu. Đem tư tưởng của người xưa kết hợp với kiến thức hiện đại để làm cho thật sự có kết quả.
b. Phải phổ cập giáo dục “Làm cho cả nước văn minh thì phải có giáo dục phổ cập”. Giáo dục phổ cập là cả nước không một người nào không được đi học”.
c. Mục tiêu giáo dục “Theo lý chung thì học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia, xã hội. Có ba điều. Một là học vệ sinh,  tức là học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật. Hai là, học trị sinh, tức là học phương pháp làm cho có thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp. Ba là học làm người, làm quốc dân, tức là học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia, xã hội”. Đây quả thực là thiên tài Việt. Bởi vì phải một trăm năm sau Jacques Delors mới tổng kết thành 4 trụ cột của giáo dục hiện đại1. Ngôn từ khác nhau nhưng ý tưởng thật tương đồng. Đông Kinh Nghĩa Thục còn chủ trương “Dục khai dân trí tiên khai thân trí”. Nay ta đang có nhu cầu cấp bách nâng cao quan trí và sĩ trí.
d. Phải bỏ lối học khoa cử vì hư danh và để làm quan. Vì “Khoa cử nọc độc, khoa cử thối nát”. Cổ vũ giáo dục thực nghiệp, học và thi cử gắn với công việc. “Để cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm”. Đề cao một phương pháp học tập thật văn minh, tiến bộ (mà ngày nay chúng ta cũng chưa làm được). “Đặt đề mà hỏi, cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do không phải nề hà, không cần thể cách gì hết”. Nhà trường không khép kín, nhà tewowngf mở ra với những nhiệm vụ và hoạt động cứu nước, chấn hưng văn hóa và xã hội.
e. Đông Kinh Nghĩa Thục còn có một Minh triết vô ngôn. Đó là nhân cách và vai trò của người thày, của kẻ sĩ, của trí thức củ dân tộc và thời đại. Nhân cách người thầy, nhân cách kẻ sĩ của các cụ Đông Kinh Nghĩa Thục thật cao cả. Họ để lại bài học quý giá cho hậu thế.
Tiểu kết cho mục Minh triết về giáo dục này, tôi chỉ xin nêu một câu hỏi cảm khái: Tại sao ông Bộ trưởng và toàn ngành giáo dục không nhân dịp kỷ niệm ngôi trường vĩ đại ấy của dân tộc mà tổ chức một cuộc học hỏi thật nghiêm túc và thông tuệ để tiếp thêm năng lượng cho sự nghiệp đổi mới nền giáo dục hiện nay?
3. Minh Triết “Chấn hưng công nghệ”. Xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường, có công thương tín phát triển theo quy luật phổ biến với những phương thức hiện đại. Coi trọng công nghệ. “ Công nghệ rất quan hệ với quốc gia. Ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta. Tiền của phung phí ra ngoài nước, không còn gì tệ hại hơn thế nữa.” Coi trọng tiến thủ và cạnh tranh “Cạnh tranh để tồn tại” “Chỉ có thể tin cậy vào sự cạnh tranh của dân ta mà thôi”. Coi trọng sản nghiệp “Thế giới càng văn minh thì của công càng ít, của riêng càng nhiều.” “Sản nghiệp nên là của riêng, không nên là của công”. Các tài sản vô hình (sáng chế, kỹ thuật của nghệ nhân, nhãn hiệu, tác phẩm, thư tín ...) đều được coi là sản nghiệp. “Nước càng văn minh thì pháp luật bảo vệ sản nghiệp càng tường tận”. Phải coi trọng nhà doanh nghiệp. “Giá như người giàu bỏ vốn ra phát triển công nghiệp thì dân ta sẽ cảm kích, xưng tụng, sao lại sinh lòng đố kỵ”. Đường lối đố kỵ doanh nhân tai hại cho dân cho nước ai cũng rõ.
4. Minh triết “Chính phủ - chỉ là người trong quốc dân nắm chính quyền”. Đông Kinh Nghĩa Thục nêu cao tinh thần dan tộc, nhấn mạnh cái ý thức coi quốc dân là chủ thể của Nhà nước, của xã hội là nguồn lực của mọi hoạt động. Quốc dân có quyền lợi và nghĩa vụ. Chính phủ, cảnh sát, luật pháp ... phải bảo vệ nhân dân, bảo vệ mọi sinh hoạt và quyền lợi của nhân dân “phải nghĩ rằng dân là gốc của nước, không thể bắt dân theo ý muốn của mình, chẳng phải chỉ không bạo ngược mà thôi”. “Phàm những quyền lợi mà dân đáng được hưởng thì phải theo chừng mực mà cho dân hưởng” “Quyền chính sự một nước không thể để một người nắm hết. “Quan đáng tôn, đáng trọng, nhưng cũng chỉ là một người dân nắm chính quyền”. Nhiều ý tưởng Minh triết như thế về sau này Hồ Chí Minh cũng thường nói đến.
Văn thư chính thống của Đông Kinh Nghĩa Thục có nói đến hai chữ chủ nghĩa. Chủ nghĩa mà Đông Kinh Nghĩa Thục nói tới có rất nhiều nội dung. Có thể lấy ngay ý tứ và chữ nghĩa mà Đông Kinh Nghĩa Thục để lại để đặt tên cho nó là Chủ nghĩa Dân Bản Việt Nam. Chủ nghĩa Dân Bản Việt Nam ấy thể hiện rõ trong tư tưởng: Khai dân trí – Chấn Hưng Dân khí – Hậu Dân sinh. Vì một Tổ quốc Việt Nam độc lập, trường tồn, vì một nhân dân Việt Nam có quyền, có lợi ích, có nghĩa vụ, có lòng yêu nước, có dân trí, đạo đức, văn minh, có sản nghiệp, vì một thể chế chính trị dân chủ, nhân văn, tiến bộ ... chính là thông điệp thiêng liêng cao cả mà Đông Kinh Nghĩa Thục gửi đến cho chúng ta. Xin hãy nghe một câu nói của một nhân vật chủ chốt của Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ Nguyễn Hữu Cầu nói với môn sinh trước lúc mất: “Nền tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại  được chúng ta phải giữ gìn trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trường tồn. Chúng ta cần dõng dạc và tự hào khẳng định mình là một quốc gia. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in đậm trong tâm hồn tính cách hoàn toàn Việt Nam. Ngày nay chúng ta quá Tây, quá Tàu, chúng ta là những người giáo điều “ba rọi”, những người xã hội chủ nghĩa cậy quyền. Chúng ta phải chính là Việt”. (Trích từ Une grande Figure De Lettrée của Nguyễn Văn Tố, báo Le Peuple 4- 8- 1946 Hà Nội).
Chúng ta phải chính là Việt”. Chính vì thế mà với những gì đã làm được Đông Kinh Nghĩa Thục xứng đáng là trường học vĩ đại của dân tộc trong thời kỳ hiện đại.
Cần phải đào sâu vào tấng đá cứng may ra mới tìm được hạt kim cương. Phải công phu nghiên cứu để khai thác cho đặng những giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại. Và nếu quên ông cha thì tâm hồn Việt cũng đã nhạt nhòa nhiều lắm. Xin cúi lạy Anh linh các bậc tiền bối của Đông Kinh Nghĩa Thục.


* Bốn trụ cột của Jacques Delors: học để làm người, học để làm việc, học để biết sống với người khác, học suốt đời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét