Tiên Rồng |
TMT: Huyền
sử cũng là lịch sử nhưng rộng hơn nhiều vì bao quát cả dĩ vãng lẫn tương lai,
nên có tính cách siêu thời gian. Vì thế những trang huyền sử là quý nhất trong
các di sản thiêng liêng của dân tộc một nước.
Đó là Lương Kim Định một
tên tuổi quen thuộc trong giới nghiên cứu Kinh Dịch chúng tôi. Ông sinh ngày
15-6-1915 tại Nam Định. Ngày 6-7-2015 vừa qua Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh
Triết (TTNCVHMT) tổ chức một cuộc họp nhỏ ở Hà Nội để tưởng niệm 100 năm ngày
sinh ông. Đối với riêng tôi, sau những thần tượng về Kinh Dịch như Phan Bội
Châu, Nguyễn Duy Cần, thì đến Lương Kim Định. Tuy nhiên, khác với hai nhân vật
kể trên, Lương Kim Định (LKĐ) hiển hiện trong tôi trước hết như một nhà Huyền
sử học.
Mỗi dân tộc đều có một
lịch sử do trời thu xếp gọi là sử mệnh. Nó đã được thích nghi với hoàn cảnh,
với khu vực và thường được các bậc hiền triết của mỗi dân tộc thấy trực thị rồi
diễn đạt qua những trang huyền sử, ông viết: “Huyền sử cũng là lịch sử nhưng rộng hơn nhiều vì bao quát cả dĩ vãng
lẫn tương lai, nên có tính cách siêu thời gian. Vì thế những trang huyền sử là
quý nhất trong các di sản thiêng liêng của dân tộc một nước”.
Ông kể: “Kinh Dịch là của người Việt vì tổ tiên chúng
ta đã đóng dấu trên nó và hôm nay xin mời các bạn cùng tôi đi nhận lại dấu. Con
dấu bị phai mờ không những vì đã quá lâu mà còn vì đã bị bôi cọ đi do người ăn
cắp. Ai ăn cắp? Thưa là Trọng Thủy từ Bắc phương tới. Nhưng sao lại đổ oan như
vậy? Thưa là vì có văn tự tuy đã bị phai nhưng còn đọc được như sau: “Thần Kim
Quy cho An Dương Vương cái vuốt để làm nỏ thần nhờ đó đánh bại được Triệu Đà.
Đà biết thế nên sai con là Trọng Thủy cầu hôn con gái An Dương Vương là Mỵ Châu
cốt để đánh cắp cái vuốt rùa, và Trọng Thuỷ đã thành công, đánh lừa được Mỵ
Châu đổi lấy nỏ thần đem về Bắc, rồi thay vào bằng cái nỏ giả làm vuốt rùa”.
Câu truyện này ai cũng
biết và thuộc lòng nhưng không mấy ai nghĩ rằng đó là câu truyện thật đã gây
một ảnh hưởng quyết liệt trên sử mệnh nước Việt Nam hơn bất cứ câu truyện nào
có chứng tích lịch sử cụ thể. Bởi vì chúng
ta đã không còn hồn nước nữa. Cái hồn đó là móng
chân kim quy đã bị đánh tráo mất rồi. Bạn sẽ hỏi về số kiếp của cái vuốt
rùa Trọng Thủy đã ăn cắp đưa về ra sao, có làm ích chi cho Hán tộc chăng? Thưa
rằng không, nó cũng mất luôn với chủ nó. Huyền sử chép rằng “Trọng Thủy hối hận về ác quả nên đã đâm đầu
xuống giếng Mỵ Châu mà chết”. Huyền sử lại kể rằng Âu Cơ kết duyên với Lạc
Long Quân đẻ ra trăm trứng. Trăm trứng ấy là cái gì? Xin thưa đó là Hà Đồ, Lạc
Thư. Hà Đồ có 55 điểm tròn. Lạc Thư có 45, cộng lại là 100 cái vòng tròn nên
gọi là 100 trứng. Tuy là 100 nhưng cùng nằm trong một bào thai do mẹ Âu Cơ đẻ
ra. Mẹ Âu Cơ biểu hiệu quẻ Khôn chỉ cái bụng. “Khôn vi phúc” (phúc là bụng) hay
nói cách khác Âu Cơ chỉ nền Minh triết của Dịch lý.
Huyền sử kể rằng: Nước
Văn Lang chia làm 15 bộ. Con số 15 ấy là để cháu con ghi nhớ ma phương Lạc Thư,
gồm 9 lô số mà cộng chiều nào cũng được con số 15. Khi đọc đến những tên Châu
Diên (thuộc chim), Việt Thường (vươn tới chỗ Thường Hằng), Bình Văn (cai trị
bằng văn)… thì chớ nên tìm ở Sơn Tây, Quảng Trị v.v… Đó chỉ là đời sau mượn tên
xưa đặt cho đất mới, để làm kỷ niệm, chứ nước Văn Lang không ở đó, đúng hơn,
không chỉ có ở miền Bắc Việt mà nó còn vươn lên đến bên kia bờ Dương Tử giang. Cũng như chữ Bạch Hạc (kinh đô nước Văn Lang)
thì trước hết phải hiểu là cái tên đó cho ta nhớ Kinh Dịch chép Khôn vận hành
trong Tây Nam. Tây sắc trắng (bạch), Nam lông vũ (hạc). Cũng như khi tổ tiên nói
hai chữ Lạc Việt thì (đời sau) phải vươn trí khôn lên tận bờ sông Lạc vùng Lạc
Dương thì mới đạt tầm thước cân xứng với nội dung của huyền sử. Vì huyền sử
nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn được ghi theo chu kỳ tiên thiên của Kinh
Dịch. Hai chữ Giao Chỉ đâu phải là tộc người có hai ngón chân cái châu đầu vào
nhau? Kim Định giảng đó là hai nét lớn “chỉ” âm dương giao hội. Quẻ ngoại giao
với quẻ nội. Kinh Dịch có 64 quẻ là có 64 chữ Giao Chỉ khác nhau, tức cũng là
64 thứ con dấu của Việt tộc đóng vào. Phải là chủ cũ của nó mới đọc được (những
chữ ấy), và chủ cũ của nó tôi bảo là người Việt (LKĐ: Dịch Kinh linh thể).
Trên đây chỉ là một nét
cảm nhận của tôi. Giáo sư Lương Kim Định là một gương mặt sĩ phu lớn của Thế kỷ
XX (Nguyễn Khắc Mai, giám đốc TTNCVHMT). Ông để lại một gia tài văn hóa đồ sộ
45 tác phẩm trong đó có 8 quyển chưa in, và 5 quyển đã thất lạc, tập trung đề
tài về lĩnh vực triết học. Những giá trị khám phá của giáo sư để lại cho hậu
thế một nền Minh triết Việt, chính là con đường tìm về cội nguồn Việt tộc. Ông
xác định rằng: Việt tộc có một cội nguồn văn hóa rất riêng và hoàn toàn “phi
Hán” (Nguyễn Vũ Tuấn Anh). Những phát kiến của ông cũng còn những sỏi sạn và gặp
rất nhiều phản biện gay gắt của cả những người được gọi là uyên bác. Nhưng ánh sáng
châu ngọc bên trong vẫn cứ tỏa ra và đầy tính hấp dẫn./.
Theo LĐCT số 28, ngày
10-7-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét