Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

KỶ NIỆM 110 NĂM PHONG TRÀO ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

"VĂN MINH TÂN HỌC SÁCH"-
BƯỚC CHUYỂN CÓ Ý THỨC SANG NỀN VĂN MINH MỚI

Phạm Khiêm Ích
"Văn minh tân học sách" (VMTHS) là tác phẩm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt của Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT). PGS.TS Chương Thâu gọi đây là "một tuyên ngôn, một cương lĩnh xây dựng nền giáo dục và nền học thuật mới, chìa khóa của tiến bộ quốc gia và dân tộc". Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng VMTHS là "bản cương lĩnh cách mạng thực sự, đề xuất một chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, phục vụ mục đích canh tân đất nước".
Tác giả Phạm Khiêm Ích (phải) tại Hội thảo
VMTHS (Kế sách xây dựng nền học mới để đạt đến văn minh) là tác phẩm đầu tiên tập trung bàn luận về văn minh, đặc điểm của văn minh Việt Nam so sánh với văn minh phương Tây, nêu lên những nguyên nhân làm cho nước ta chậm tiến, đồng thời đề ra một loạt biện pháp cụ thể nhằm đưa nước ta tiến kịp các nước phương Tây. Tác phẩm bằng chữ Hán này ra đời năm 1904 trước khi xuất hiện phong trào ĐKNT. Ba năm sau, đầu năm 1907 VMTHS được in lại làm tài liệu sách giáo khoa của ĐKNT. Mãi đến năm 1961 Đặng Thai Mai mới dịch ra quốc ngữ. Cho đến nay, vẫn chưa rõ ai là tác giả của VMTHS. Theo nhà giáo Vũ Thế Khôi, tác giả của VMTHS có thể là Ngô Đức Kế, về sau là thành viên Ban Tu thư - Dịch thuật của ĐKNT.
Tập VMTHS đặt ra câu hỏi: Văn minh là gì và thái độ của chúng ta đối với văn minh phương Tây ra sao? Đây là câu hỏi lớn của Việt Nam ở thời điểm những năm cuối cùng của thế kỷ XIX và những năm đầu tiên của thế kỷ XX.
Năm 1896 Pháp dập tắt được cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo, chấm dứt phong trào Cần Vương (1885-1896). Phong trào này bắt đầu từ năm 1885, khi vua Hàm Nghi mưu việc kháng Pháp không thành, phải chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) lẩn tránh. Ngày 13/7/1885 Tôn Thất Thuyết, một đại thần nhà Nguyễn thuộc phe chủ chiến đã nhân danh Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu, nhân dân cả nước đứng lên vì Vua mà chống Pháp. Hưởng ứng phong trào "Chiếu Cần Vương" hàng chục cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra trên khắp ba miền của đất nước. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh.
Cuối năm 1888 vua Hàm Nghi rơi vào tay giặc. Vua cự tuyệt mọi sự dụ dỗ của Pháp, chịu đi đầy ở Algérie. Ngày 28/12/1895 trong một cuộc giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng và hy sinh. Quá trình bình định, dẹp yên các cuộc khởi nghĩa yêu nước ở VIệt Nam được xem như đã hoàn thành. Chỉ còn phong trào khởi nghĩa ở Yên Thế của Hoàng Hoa Thám là đang hoạt động, nhưng ở diện hẹp và bị dập tắt hoàn toàn vào năm 1913, khi ông bị hạ sát (10/2/1913).
Kết thúc quá trình bình định Việt Nam cũng là lúc bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Đông Dương(1897-1914).
Năm 1897 Pháp cử Paul Doumer (1857-1932) làm Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) để xây dựng bộ máy cai trị và tiến hành khai thác thuộc địa trên quy mô lớn. Dưới thời Toàn quyền Paul Doumer chính sách thuộc địa của Pháp tại Đông Dương chuyển sang một bước ngoặt mới. Ông được đánh giá là "một nhân vật vĩ đại của nước Pháp và của thuộc địa Pháp, liêm khiết và không vụ lợi". Ông đã 3 lần làm Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện và Tổng thống thứ 14 nước Cộng hòa Pháp (nhậm chức ngày 13/6/1931, bị ám sát ngày 06/5/1932 bởi tên Paul Gorgulov một kẻ lưu vong người Nga bị rối loạn tâm thần). Ông tốt nghiệp cử nhân Toán, sau đó lấy thêm bằng Luật, rồi trở thành chuyên gia tài chính. Đầu năm 1897 ông đang là Bộ trưởng Bộ Tài chính thì Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau qua đời vì bệnh kiết lị. Chính phủ Pháp cử ông sang kế nhiệm. Khi đó ông 40 tuổi, để lại 5 người con đang học đại học tại Paris. Sau này trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, bốn trong số năm người con của ông đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ nước Pháp.
Là một chính trị gia có nhãn quan chiến lược, một nhà quản lý tài năng giàu kinh nghiệm, Toàn quyền Doumer mang lại cho Đông Dương nhiều thay đổi sâu sắc. Rất nhiều công trình quý giá được thiết lập tại Việt Nam. Tiêu biểu là Cầu Long Biên và Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do nhà thầu Pháp, Daydé & Pillé thiết kế và xây dựng giống với kiểu dáng cầu Tolblac ở quận 13 Paris. Dự án xây cầu được Toàn quyền Doumer thông qua ngày 04/6/1897, bốn tháng sau khi ông sang nhậm chức. Ngày 12/9/1898 cầu được khởi công, dự trù 5 năm, nhưng sau 3 năm 9 tháng đã hoàn thành, huy động hơn 3000 công nhân bản xứ và 40 giám đốc kỹ sư, chuyên gia, đốc công người Pháp điều hành, chi phí lên tới 6. 200. 000 phơ-răng (franc). Đây là một trong những cây cầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Nó được đặt tên là cầu Doumer ghi đậm dấu ấn của ông.
Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Francaise d'Extrême Orient - EFEO). Ngày 20/01/1900, Toàn quyền Paul Doumer ký nghị định thành lập Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trên cơ sở "Phái đoàn Khảo cổ Thường trực tại Đông Dương" (Mission Archéologique Permanente en Indochine) đã ra đời theo Nghị định của ông ký ngày 15/12/1898. Lúc đầu trụ sở cơ quan đặt tại Sài Gòn, ít lâu sau chuyển ra Hà Nội. Hơn một năm sau, ngày 26/2/1901 Tổng thống Pháp Émile Loubet ký sắc lệnh chính thức công nhận việc thành lập EFEO. Theo đó Học viện trở thành một thiết chế của Nhà nước Pháp, là cơ quan nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa lý và địa lý nhân văn ở phương Đông, đảm bảo việc bảo tồn và gìn giữ các công trình lịch sử ở Đông Dương. Học viện còn xây dựng một bảo tàng nhằm mục đích lưu giữ và trưng bày hiện vật lịch sử. Lúc đầu bảo tàng này mang tên Bảo tàng Học viện Viễn Đông Bác cổ (Bảo tàng EFEO), về sau đổi tên thành Bảo tàng Louis Finot. Sau hòa bình lập lại đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Dưới thời Paul Doumer hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đông Dương được kiến thiết rất nhiều. Ông đích thân chỉ đạo quy hoạch, thiết kế và thường xuyên đôn đốc xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam, một công trình đầy khó khăn, tốn kém, kéo dài từ năm 1899 đến năm 1937 mới hoàn thành. Ông cho mở mang cảng Hải Phòng làm đầu cuối của tuyến đường sắt nối vùng cao Tây Nam Trung Quốc với duyên hải Bắc Bộ Việt Nam.
Ngoài cầu Long Biên, ông còn cho xây cầu Tràng Tiền ở Huế và cầu Bình Lợi dành cho xe lửa ở Sài Gòn. Ông cho lập một số nhà máy điện. Dưới thời ông, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á phố xá được chiếu sáng bằng ánh điện.
Năm 1901 Doumer đã lên Đà Lạt rồi quyết định chọn nơi đây là đô thị nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương và tài trợ cho bác sĩ Yersin xúc tiến việc thành lập thành phố Đà Lạt.
Một điều rất có ý nghĩa là dưới thời Doumer, Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng. Vào năm 1899, Hội đồng thành phố Hà Nội dưới sự chủ tọa của công sứ Richard đã đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương xin xây dựng một nhà hát cho thành phố. Dự án Nhà hát thành phố ở Hà Nội gây nhiều tranh cãi ở Pháp, mãi đến ngày 07/6/1901 mới được khởi công. Nó được xây dựng trên khu vực đầm lầy thuộc hai làng Thạch Tân và Tây Luông nên rất khó khăn về san lấp mặt bằng. Hai kiến trúc sư người Pháp Broger và V. Harley thiết kế, họa theo hình dáng nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris. Nhà hát xây dựng trong 10 năm (1901- 1911) với kinh phí 2 triệu phơ-răng. "Nhà hát lớn Hà Nội không chỉ có giá trị đơn thuần về kiến trúc. Rộng hơn, từ đầu thế kỷ XX, đó cũng là nơi chứng kiến những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu".
Đánh giá như thế nào về những việc làm trên đây của Toàn quyền Paul Doumer, người đứng đầu chính quyền thực dân, tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất? Có thể nói gì đến văn hóa, văn minh ở đây được không, hay chỉ đơn thuần là khai thác và bóc lột thuộc địa?
Xin hãy lắng nghe câu trả lời của Paul Doumer trong Hồi ký "Xứ Đông Dương" (Viết năm 1903, Alpha Books dịch, NXB Thế giới, 2016):
"Ngay từ đầu tôi đã cho rằng sự hiện diện của nước Cộng hòa Pháp tại Đông Dương không chỉ vì sứ mệnh tổ chức và quản lý thuộc địa, mà nước Pháp còn phải hành động trong khuôn khổ những phương tiện có trong tay để được chính sự phát triển của thuộc địa truyền thêm sức mạnh, từ đó tăng cường danh tiếng, quyền lực và hành động của nước Pháp tại Viễn Đông. Sứ mệnh này không giây phút nào bị sao nhãng trong những năm tôi tại nhiệm ở Đông Dương. Nhân lực, vật lực, tiền bạc của Đông Dương đã được sử dụng không do dự ở bất cứ nơi nào mà lợi ích quốc gia cần đến. ''
Chỉ trong một thời gian ngắn Paul Doumer đã làm cho Đông Dương từ chỗ là một thuộc địa nghèo nàn, bị chia cắt, phải định kỳ chìa tay xin chính quốc giúp đỡ, thành nơi bắt đầu phục vụ nước Pháp cả về tiền bạc lẫn danh tiếng. Paul Doumer viết tiếp:
" Kể từ khi được thiết lập một cơ cấu tổ chức mạnh mẽ vào năm 1898, Đông Dương đã có sự phát triển hữu ích về tài chính và kinh tế, cũng như về đối ngoại qua những hành động mà xứ sở này được phép thực hiện, cũng như bằng cả danh tiếng mà xứ sở thuộc địa này đã đạt được và nhờ đó có lợi cho ảnh hưởng của nước Pháp. Với ngân sách luôn thặng dư, có các quỹ dự trữ đáng kể, và dòng tín dụng mạnh có thể khiến nhiều quốc gia châu Âu phải ghen tỵ, xứ sở này đã chứng kiến giá trị hoạt động thương mại của mình tăng hơn gấp đôi trong 5 năm tới mức 500 triệu phơ-răng, bên cạnh đó còn có thể tự cung cấp các nguồn lực và thi công những công trình lớn mà ít có nơi nào ở châu Á sánh được - xứ sở này đã nhanh chóng giành được sự vị nể của các láng giềng”.
Đánh giá tổng quát : "Như vậy có thể nói rằng trong năm năm vừa qua, chính quyền trung ương tại Đông Dương đã hoàn thành trọn vẹn bổn phận cai quản một thuộc địa quan trọng". Ông ta vui mừng tuyên bố:
"Trong những hoàn cảnh này, Đông Dương đã chứng tỏ mình đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò thuộc về Đông Dương, vai trò tiền đồn của nước Pháp ở phương Đông".
Có một điều Paul Doumer không nói, đó là người dân ở Đông Dương đã phải vắt kiệt sức người, sức của, chịu sưu cao thuế nặng, bị bắt bớ tù đầy để được vinh dự đóng "vai trò tiền đồn" canh giữ cho các ông chủ Pháp. Nhà cai quản thuộc địa khôn ngoan này tính toán lạnh lùng về ngân sách: các năm 1899, 1900 và 1901 Đông Dương đã "chi tiêu bên ngoài biên giới của mình (?) từ một đến hai triệu phơ-răng để phục vụ cho ảnh hưởng của nước Pháp”. Trong ngân sách năm 1902, ngân sách cuối cùng mà Doumer lập, khoản chi tiêu kỳ quái này được nâng lên thành hai triệu rưỡi phơ-răng!
Mặc cho Doumer tính toán, các cụ nhà ta có cách tính khác. Dẫu sao cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, cầu Tràng Tiền, thành phố Đà Lạt, đường sắt Bắc Nam, . . . cũng là biểu tượng của nền văn hóa văn minh Pháp. Hơn nữa, đó còn là mồ hôi nước mắt, đôi khi cả máu mà cha ông ta đã đổ xuống để xây lên. Lựa chọn nó để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu là hợp lý và cần thiết. Như vậy, những công trình văn hóa, văn minh Pháp đã trở thành những nhân tố thúc đẩy sự hình thành nền văn minh mới ở Việt Nam.
VMTHS đặt câu hỏi: Văn minh là gì? và trả lời văn minh với dân trí là một, "hai đàng cùng làm nhân quả lẫn nhau". Trên địa cầu này, nước này còn là dã man, nước kia là bán khai, nước nọ thì văn minh. Ấy là tùy theo chỗ dân trí từng nước thông hay tắc, nhiều hay ít, chóng hay chậm, mà khác nhau. Muốn tiến đến văn minh phải "nhờ có một chủ nghĩa lớn. Ấychủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân. "Tôi hiểu “chủ nghĩa” ở đây chính là một hệ thống nhất quán những quan điểm, những nguyên tắc chỉ đạo cho hành động.
VMTHS khẳng định: "Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh". Rất tiếc rằng ngày nay ta không giữ được truyền thống tốt đẹp đó. Sự sa sút về trí tuệ và nhân cách là đáng sợ nhất. Nhiều người ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, ham mê cờ bạc, tướng số, sống say chết mộng. Những hạng cao hơn, đỗ đạt một tý thì khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh thường hết thảy học mới văn minh, củng cố trong mình căn tính nô lệ. Đấy là đặc tính của văn minh nước ta hiện nay, cái đặc tính luôn luôn tĩnh. Trong khi văn minh châu Âu có đặc tính luôn luôn động. Đặt hai nền văn minh đó trong mối tương phản sẽ thấy rõ cái dở của ta và cái hay của người. Đây là bước đi đầu tiên để mở trí khôn cho nhân dân. Có nhận rõ cái dở, cái dốt của mình thì mới chịu khó học hỏi để sáng mắt ra, đỡ ngu muội, lú lẫn đi. Còn nếu lúc nào cũng hợm hĩnh rằng mình giỏi nhất thế giới, thiên hạ chỉ việc “mang giấy bút đến Hà Nội mà học”thì ôi thôi bệnh vĩ cuồng đã hết thuốc chữa !
VMTHS làm rõ ta khác người, trái với người ở 5 điểm: Tư tưởng; Giáo dục; Kinh tế; Tính tình, và Phong tục.
Đời sống tư tưởng ở các nước châu Âu rất phong phú, sôi động. Nào là diễn thuyết, tranh luận, tự do bàn bạc, cốt tìm ra điều hay để làm, điều dở để tránh. Trong khi đó làm văn sách ở ta chỉ sợ phạm húy, dâng thư cho người trên chỉ e phạm tội vượt phận nói leo, viết lách chỉ thấy sách Tàu, trích lời cổ nhân, văn hoa lòe loẹt, hoàn toàn không có gì mở mang trí khôn cho dân cả. VMTHS giới thiệu hai nhà tư tưởng lớn, cùng với “đại trước tác” của họ. Đó là Mạnh đức tư cưu với Dân quyền thiên (Montesquieu với De L’esprit des Lois 1748, ngày nay thường dịch là Bàn về tinh thần pháp luật) và Lư Thoa với Dân ước luận (J.J. Rousseau với Du Contrat social 1762, ngày nay thường dịch là Khế ước xã hội). Hai tác phẩm này đã phác họa những nét cơ bản về xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền, trong đó ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau và tương tác lẫn nhau để đảm bảo công bằng xã hội, chống sự lạm quyền. Hai tác phẩm này trở thành một bộ đôi khai sáng về quan điểm pháp lý, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc Đại cách mạng 1789.
Cha ông chúng ta rất tinh tường khi chọn hai tác phẩm này để mở mang trí khôn cho con cháu. Điều này càng có ý nghĩa khi giờ đây nhà nước pháp quyền dân chủ với tam quyền phân lập, và xã hội dân sự vẫn còn bị cấm kỵ ở nước ta.
Các cụ ta từ lâu vẫn dạy:”Con hơn cha là nhà có phúc”. Đã 110 năm rồi mà con cháu vẫn thua xa ông cha thì thật là nhà vô phúc! Mở trí khôn cho dân, hay ngu dân hóa, đó vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng. Sự nghiệp cao cả này xưa cũng như nay rất gian nan. VMTHS viết những dòng rất cảm động: “Nay đã từng ngẩng đầu trông lên, cúi đầu nhìn xuống, trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa nghìn muôn khó khăn”. Từ sự suy nghĩ sáng suốt, các cụ đã đề ra 6 biện pháp:
1/. Dùng văn tự nước nhà;
2/. Hiệu đính sách vở;
3/. Sửa đổi phép thi;
4/. Cổ võ nhân tài;
5/. Chấn hưng công nghệ;
6/. Mở tòa báo.
Đấy là hệ thống những biện pháp đồng bộ mở trí khôn cho nhân dân để vững bước sang nền văn minh mới. /. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét