Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VIỆT CỔ

HÀ VĂN THÙY VỚI NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VIỆT CỔ
Trương Đông Hào

Kết quả hình ảnh cho hà văn thùyTiếp nhận những thành tựu mới của khoa di truyền học cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI,  Hà Văn Thùy đã hướng tâm vào nghiên cứu lịch sử và cội nguồn văn hóa của người Việt cổ. Với vốn kiến thức cử nhân sinh học từ trường đại học Tổng Hợp Nội (khóa 1963-1967) và bấy nhiêu năm từng trải nghề đọc và viết, trong khoảng 10 năm gần đây, hòa trong khí thế bùng nổ tin học và đổi mới tư duy, Hà Văn Thùy đã thu lượm và đặt ra được một số ý kiến khoa học khiến ai quan tâm đến lịch sử văn hóa người Việt cũng phải tìm đọc.

Từ cách hiểu Cơ cấu Việt Nho và Việt lý tố nguyên của Kim Định, kết hợp với những phát hiện mới về khảo cổ học ở Việt Nam và Trung Quốc, Hà Văn Thùy đã áp dụng lý thuyết nghiên cứu thực nghiệm mã di truyền học để nêu lại vấn đề nguồn gốc người Bách Việt. Thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỹ XX các nhà nghiên cứu khoa học đã kết luận: Khoảng hai triệu năm trước có một dạng Người Vượn (Homo erectus = Người Đứng thẳng), từ châu Phi di cư tới châu Á và châu Âu; sau là người Java, người Bắc Kinh và người Neanderthal.Thuyết Nhiều vùng (Multiregional hypothesis) cho rằng, từ nhiều vùng khác nhau của Trái đất, Homo erectus tiến hóa thành (Homo sapiens = người hiện đại): người da vàng ở châu Á, người da trắng ở châu Âu… Nhưng khi có số liệu phân tích sinh học, có tác giả cho rằng, người hiện đại chỉ có thể có tổ tiên khoảng 200.000 năm. Thuyết châu Phi (Out of Africa hypothesis) mở rộng, người hiện đại xuất hiện ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước rồi lan ra khắp thế giới. Hai thuyết kéo dài tranh luận, không phân thắng bại.

Giữa thế kỷ XX, khi phát hiện di cốt người Neanderthal trên đất Israel có đặc tính sinh học rất gần người châu Âu hiện đại, phần lớn học giả đồng thuận cho đó là tổ tiên người châu Âu. Thuyết Nhiều vùng thống trị học thuật thế giới. Nhóm học giả của Viễn Đông Bác Cổ vận dụng thuyết nhiều vùng suy luận: Người tiền sử từ phía nam Tây Tạng đã nhập cư vào Trung Quốc rồi di cư xuống Đông Nam Á. Năm 1905, E. Aymonier viết:“Tổ tiên những người dùng ngôn ngữ Mon-khmer bắt nguồn từ những sườn núi phía nam Tây Tạng rồi di chuyển về phương nam theo hai hướng, hướng tây nam sinh ra người Munda ở Ấn Độ, hướng đông nam sinh ra các tộc Mon-khmer ở Đông Dương.” Còn L. Aurousseau [2] tuyên bố: “Người Việt Nam trước ở Trung Hoa rồi mới di cư qua miền Bắc Việt Nam. Nước Sở thuộc giòng Bách Việt, lãnh thổ bao gồm hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, xuất hiện trước thế kỷ thứ XI trước CN. Ðến thế kỷ thứ IX trước CN, một ngành nước Sở di cư về phía Nam, dọc theo sông Dương Tử, định cư ở Chiết Giang, thành lập nước Việt (Việt Vương Câu Tiễn) vào thế kỷ thứ VI trước CN. Năm 333 trước CN, nước Sở đánh bại nước Việt, người Việt chạy về phương Nam.” Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (1920), Đào Duy Anh trong Việt Nam lịch sử giáo trình (1949),  Trần Quốc Vượng trong Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (1960) đều cho rằng, dân cư đầu tiên trên đất Việt Nam là người Melanesien. Sau đó, người Indonesien từ Ấn Độ di cư tới, đuổi họ ra các hải đảo Đông Nam Á. Người Mongoloid từ Trung Hoa xuống chiếm chỗ, đẩy người Indonesien lên vùng rừng núi … Người Việt (còn có danh xưng là người Kinh) hiện ở Việt Nam, chiếm 90% dân số, vừa là người từ Trung Quốc xuống rồi bị Hán hóa đồng nghĩa người Việt là một bộ phận của người Hán. Quan niệm đó đã và đang chi phối nhận thức khoa học nhân văn Việt Nam.

Triết gia Kim Định đã vết: “Từ xa xưa, người Việt đã làm chủ 18 tỉnh của Trung Hoa và xây dựng ở đó nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ là Việt Nho hay Nguyên Nho. Người Hán xâm lược đất của người Việt ở phía nam sông Hoàng Hà, chiếm đoạt nền văn hóa Việt tộc từ tiếng nói, chữ viết… Lúc đầu họ điển chế, nâng cao văn hóa Việt thành kinh Dịch, kinh Thư, kinh Thi, kinh Nhạc, kinh Lễ… nhưng sau đó làm sa đọa Việt nho thành Hán nho theo tinh thần của văn minh du mục!”(Việt lý tố nguyên). Và có nhà khoa học Mỹ gốc Hoa cho cho biết: “người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam, sau đó đi lên khai phá Trung Quốc.” Công trình Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Zenetic Relationship of Population in China) của nhóm J.Y đã đưa ra giả thiết: Phải chăng người Trung Quốc là con trời? đăng trên tờ Đại chúng của người Việt ở California (tháng 8 năm 2004) khiến Hà Văn Thùy vận dụng thuyết di truyền của Mendel và ghi nhận mới từ khoa học thực nghiệm viết: Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa (2005)Cuốn sách khẳng định, từ 135.000 năm trước, lịch sử đã diễn ra cuộc di cư đầu tiêncủa người cổ đại từ châu Phi. Đoàn người đi lên phía tây bắc, vào Trung Đông. Khỏang 90.000 năm trước, gặp thời tiết quá lạnh, con cháu họ chết vùi trong băng giá vùng đất Levant của Israel. Khoảng 85.000 năm trước, đợt di cư thứ hai diễn ra theo hướng ngược lại. Dòng người vượt cửa Hồng Hải, vào bán đảo Arập. Đến Syria, gặp bức thành băng hà vững chắc ngăn cản, họ không thể đi lên phía bắc, một bộ phận ở lại. Những người khác theo hướng mặt trời mọc, men bờ biển Ấn Độ Dương tiến về phương Đông. Tại vùng tiếp giáp giữa Ấn Độ và Thái Lan ngày nay, họ vượt qua eo biển rộng 120 hải lý, đến đất Malaysia ngày nay rồi đi sang Indonesia.Khoảng 70.000 năm trước, từ phía tây đảo Borneo, họ đi lên phía bắc, tiến vào đồng bằng Hải Nam (Hainanland) và thềm Biển Đông của Việt Nam ngày nay. Để đi từ châu Phi đến Việt Nam, người tiền sử phải bỏ ra 15.000 năm!

Một bộ phận người di cư tiếp tục đi tới châu Đại Dương và vùng Nam Thái Bình Dương. Thời Băng hà, nước lớn từ các đại dương đóng băng bao phủ lục địa, mực nước biển thấp hơn ngày nay 130 mét. Thái Bình Dương bị thu lại chỉ còn là một vụng biển nhỏ, liền kề những hồ nước, sông suối và lục địa. Con người đi bộ trên đất, hoặc dùng bè mảng vượt sông hồ. Khoảng 60.000 năm trước, họ đặt chân lên đất châu Úc. Có nhóm đi đến tận Hawaii. Trên đường đii, có người dừng lại định cư, thành dân cư bản địa, mang mã di truyền đến châu Phi. Trong suốt cuộc thiên di vĩ đại này, chỉ có Mặt trời là thần dẫn đường, soi sáng, sưởi ấm. Vì vậy, vị thần quan trọng nhất của loài người chính là Thần Mặt trời, nhất là với cư dân phương Đông sau này.

Núi lửa Toba trên đảo Sumatra phun trào dữ dội -  vào khoảng 74.000 năm trước - phủ một lớp nham thạch dầy khoảng 5 mét trên tiểu lục địa Ấn Độ. Môi sinh nơi này bị phá hủy hoàn toàn, kéo theo cái chết của khoảng 10.000 người. Sau đó là mùa đông nguyên tử kéo dài hơn 1.000 năm, xóa bỏ hoàn toàn sự sống trên đất Ấn Độ. Đoàn di cư đã vượt qua đất Ấn Độ trước khi núi lửa phun trào. Phải thời gian lâu sau thảm họa, người từ các khu vực xung quanh mới tái nhập cư vào tiểu lục địa Ấn Độ. Có thể, có những nhóm người sau khi tới Việt Nam, đã đi về phía tây, xâm nhập Ấn Độ, trở thành cư dân bản địa sớm nhất, mang zen châu Phi. Khi tới thềm Biển Đông trong đó có Việt Nam ngày nay, một vùng đất rộng, bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, thức ăn dễ kiếm, nhiều nhóm người quần tụ lại; săn thú rừng, đánh cá, mọi mặt hoạt động xã hội ngày càng tiến triển, dân số tăng tự nhiên khá nhanh.
Vấn đề then chốt là xác định nhân chủng học khối dân cư có mặt ở thềm Biển Đông thời gian này. Từ khảo sát 70 sọ cổ ở Việt Nam, Nguyễn Đình Khoa nhận định: “Thoạt kỳ thủy, trên đất Việt Nam có mặt hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp, sinh ra bốn chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid, trong đó Indonesien chiếm đa số.”( Nhân chủng học Đông Nam Á ). Theo quy luật di truyền học, khi hai chủng A và B lai với nhau, sẽ cho ra 25% cá thể mang zen thuần A, 25% cá thể mang zen thuần B. Số còn lại mang zen AB. Nguyễn Đình Khoa lại cho rằng thời Đá Mới, tất cả dân cư trên đất Việt Nam đều thuộc nhóm loại hình Australoid. Vậy, sau khi tạo ra lớp người đầu tiên có tỷ lệ như trên thì con cháu họ tiếp tục hòa huyết với nhau. Nhưng do số cá thể Australoid vượt trội nên càng ngày tỷ lệ zen Australoid càng cao trong cộng đồng, zen Mongoloid lặn đi; toàn bộ dân cư thuộc loại hình Australoid.

Lớp dân cư đầu tiên này là người Việt cổ. Trong bốn chủng Việt cổ thì người Lạc Việt (Indonesian) là đa số nên giữ vai trò chủ đạo cộng đồng về ngôn ngữ và xã hội. Khoảng 50.000 năm trước, khi nhân số đông hơn, người Việt cổ từ thềm Biển Đông di cư ra các vùng đất nay thuộc: Malaysia, Indonesia cùng các hòn đảo khác. Có thể trên các đảo này đã có số ít người châu Phi di cư đến từ trước; khi có sự hòa huyết, tạo ra lớp dân cư mới thuộc loại hình Australoid. Người Việt cổ từ thềm Biển Đông đi về phía tây, qua đất Myanmar, vào chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ, sau này được nhân chủng học gọi là người Dravidian. Trên đường thiên di về phía tây, có những nhóm người dừng lại ở vùng Thanh Hóa, Phú Thọ, cư trú tại di chỉ Núi Đọ, Con Moong và Sơn Vi từ 30.000 tới 40.000 năm trước là dấu vết Người hiện đại Homo sapiens trên đất Việt nay.

Thời kỳ băng hà ngăn cản đường lên phía bắc. Người Mongoloid chia thành từng nhóm nhỏ lên miền tây Đông Dương; đi ven biển Hoa Đông lên đông bắc Trung Quốc chiếm lĩnh vùng nam sông Dương Tử rồi chinh phục lưu vực Hoàng Hà. Khoảng 40.000 năm trước, phía bắc ấm hơn. Người từ thềm Biển Đông di cư lên đất Trung Hoa. Khoảng 30.000 năm trước, họ vượt qua eo Bering sang châu Mỹ, trở thành những sắc dân bản địa châu Mỹ. Thời kỳ này cũng có những nhóm người từ Hoa lục đi về phía tây, qua Trung Á, vào châu Âu. Tại Nam Âu, người Việt cổ gặp những người Europid từ Trung Đông vượt qua eo Bosphorus tới. Hai dòng người hòa huyết cho ra người Eurasian, tổ tiên người châu Âu hiện đại. (H. Maspéro. Etude sue la phonétique historique de la langue annamite. BEFEO, T.XII Hanoi 1912). Đồng thời, những nhóm người Mongoloid từ Tây Đông Dương theo hành lang phía tây đi tới phía tây bắc Trung Hoa và đất Mông Cổ. Do giữ được nguồn zen Mongoloid thuần chủng, sau này họ trở thành người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Tại phía đông Trung Quốc, những nhóm người Mongoloid đi tiếp lên chiếm lĩnh vùng Đông Bắc, vào Siberia, sau trở thành người bản địa Eskimo, Tungusic, Altaic…
Hà Văn Thùy dẫn dắt câu chuyện: Thời Đồ Đá dân cư trên đất Việt Nam gồm bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc nhóm loại hình Australoid. Thời đại Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và dần trở thành chủ thể. Vậy người Mongoloid phương Nam từ đâu đến?

Di truyền học phát hiện 70.000 năm trước, người tiền sử đặt chân tới Việt Nam. Nhưng khảo cổ học chỉ tìm được vết tích của họ khoảng 30-40.000 năm cách nay tại di chỉ Con Moong và Sơn Vi. Trong khoảng 30.000 năm sau khi đặt chân tới Việt Nam, người Việt cổ chủ yếu sống tại thềm Biển Đông. Việc tìm thấy sọ người Australoid 60.000 năm tuổi ở vùng hồ Mungo châu Úc là một bằng chứng xác nhận là vào thời gian đó, người Homo sapiens đã từ châu Phi di cư tới. Việc tìm được bộ xương Mongoloid 68.000 năm ở Lưu Giang Quảng Tây, cũng như xương Mongoloid 40.000 năm tuổi tại vùng Nội Mông là bằng chứng xác nhận khám phá của di truyền học việc người Mongoloid đã tới Tây Bắc Đông Dương và đất Mông Cổ.  Cốt người Australoid ở di chỉ Chu Khẩu Điếm có 27.500 tuổi thaasy chứng cứ thiên di của người Việt cổ lên Hoa lục… Căn cứ vào xét nghiệm ADN, dấu vết con đường thiên di của người tiền sử được xác định. Nhìn vào bản đồ nhân chủng học  Đông Á, rõ ràng là hàng vạn năm trước, dân cư từ phía nam Hoàng Hà trở xuống đều thuộc loại hình Australoid mà chủng Indonesian chiếm đa số. Khoảng 7.000 năm trước, chủng người Mongoloid phương Nam có mặt trong văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ. Khoảng 10.000 năm trước, người Việt cổ mang cây lúa, cây kê, giống  gà, giống chó lên lưu vực Hoàng Hà. Tại vĩ độ 35o, vùng cao nguyên Hoàng Thổ, khí hậu quá khô, lúa nước không sống được. Cây kê trở thành cây trồng chính, đem lại đời sống sung túc cho dân cư. Nhờ vậy nhân số tăng lên. Người Mông Cổ sống du mục ở phía bắc sông cũng đông thêm. Qua Hoàng Hà, giữa dân du mục và dân nông nghiệp tự nhiên trao đổi hàng hóa vật dụng. Quá trình giao lưu lại có lớp người lai Mông - Việt, được khoa học đặt tên là chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Tuy nằm trong nhóm loại hình Australoid nhưng trong bộ zen của tộc người đa số Indonesian, tỷ lệ máu Mongoloid cao nhất. Vì vậy khi được tăng cường dòng máu Mongoloid của người Mông Cổ phương Bắc, trong bộ zen lớp người lai, yếu tố Mongoloid hóa trội và trở thành chủng mới Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam nhanh chóng ngược dòng, trở thành đa số trong dân cư. Họ là chủ nhân văn hóa đá mới kết hợp trồng kê, nuôi heo.Ngưỡng Thiều nằm ở vùng trung du Hoàng Hà, có diện tích rộng khoảng 3.000.000 m2, trải dài từ Thiểm Tây, Sơn Tây tới Hà Bắc, bắc Hà Nam...

Trong khi đó, ở vùng cửa sông Dương Tử, từ rất lâu, những nhóm nhỏ người Mongoloid nguyên chủng định cư với phương thức sống hái lượm và săn bắt, mà nghề chính là đánh cá. Khoảng 7.000 năm trước, do biển lùi, dân trồng lúa nước Lạc Việt (Indonesian) từ trong đất liền mở rộng vùng canh tác. Hai cộng đồng dân cư gặp nhau. Họ hòa huyết, sinh ra những con lai chủng Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid học nghề nông của người Việt. Kết hợp nghề nông và đánh cá, đời sống của dân cư được cải thiện, người Mongoloid phương Nam tăng nhanh số lượng và trở thành chủ thể của dân cư, sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp Hà Mẫu Độ nổi tiếng.

Dựa theo rất nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện, có thể chắc rằng, cho tới thiên niên kỷ thứ III TCN, tại lưu vực Hoàng Hà và hạ du sông Dương Tử, người Mongoloid phương Nam đã tụ cư đông đúc. Kinh tế nông nghiệp trồng kê và trồng lúa trù phú, văn hóa phát triển rực rỡ. Là dân đánh cá tài ba, làm chủ những con thuyền đi khắp Biển Đông, cư dân Ngưỡng Thiều, Hà Mẫu Độ nhận ra những người cùng dòng máu, cùng tiếng nói với mình, cùng những vật nuôi và cây trồng quen thuộc. Rất có thể, trong sâu thẳm tâm linh, họ nhận ra những nét thân quen của nơi mà tổ tiên mình đã sinh sống. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra, phía nam kém phát triển hơn. Nếu được đầu tư trí tuệ và sức lực của họ, nơi đây sẽ thành thiên đường. Trong những chuyến thăm dò, họ đã mang cây lúa, cây kê con gà con chó tới đảo Đài Loan và xa hơn, tới Philippine, Indonexia, Brunay…ngày nay.

Vào khoảng 2.700 năm TCN, người Mông Cổ du mục vượt Hoàng Hà, tấn công vào Trác Lộc. Trận đánh lớn, tàn khốc diễn ra. Sau nhiều hy sinh mất mát, người Lạc Việt thua trận. Để thoát khỏi sự áp chế, những đoàn quân dân vùng Trong Nguồn – Thái Sơn di cư bằng thuyền, xuôi Hoàng Hà ra biển rồi đổ bộ vào các vùng đất nay thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, như Ngọc phả Hùng Vương đã ghi. Vốn là một chủng tộc, cùng tiếng nói, họ được dân sở tại tiếp đón thân thiện. Người di cư đưa nền văn hóa mới tới, cải tiến cuộc sống của dân cư khu vực. Người Mongoloid phương Nam trong đoàn di cư hòa huyết với người bản địa, làm chuyển hóa nguồn zen của cả khu vực Đông Nam Á từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Sau này nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Cũng như trước đây ở Ngưỡng Thiều hay Hà Mẫu Độ, người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành đa số. Trong những nghĩa trang thời Kim khí ở Ninh Bình, Hòa Bình, khảo cổ học phát hiện việc chôn chung cả người Australoid và người Mongoloid. Di chỉ văn hóa Hạ Long cách đây 4.000 năm, có “các xương cốt thuộc đại chủng Mongoloid da vàng, nhưng vẫn còn có yếu tố Australoid hòa trộn” đã xác nhận cuộc di cư và hòa huyết của người Mongoloid phương Nam với người Australoid . Văn hóa Đa Bút Australoid sinh ra dân cư Phùng Nguyên. Sau này, do sức ép của người Hoa Hạ, nhiều lớp người từ Sơn Đông và Trong Nguồn tiếp tục di cư tới Việt Nam rồi từ đây xuống Malaysia, Indonesia và các hải đảo Đông Nam Á.
Như vậy, dân cư Việt Nam được hình thành theo hai giai đoạn. Khoảng 70.000 năm trước, người Việt cổ Australoid được sinh ra trên thềm Biển Đông. Và 40.000 năm trước, tổ tiên người Việt đi lên khai phá Trung Hoa. Giai đoạn sau, khoảng 4.700 năm trước, người Mongoloid phương Nam từ vùng Thái Sơn-Trong Nguồn trở về, mang nguồn zen Mongoloid phương Nam, làm chuyển hóa di truyền đại đa số dân cư Việt sang chủng Mongoloid phương Nam. Đó là người Việt hiện đại.

Một vấn đề cần làm rõ: đây là sự chuyển hóa di truyền lâu dài hay là cuộc nhập cư lớn dẫn tới thay thế dân cư? Từ những ngôi mộ chôn chung hai chủng người trên đất Việt Nam ngày nay, cũng như quy mô cuộc chuyển hóa di truyền diễn ra trên toàn địa bàn Đông Nam Á cho thấy: không có cuộc di dân áp đảo của người phương Bắc chiếm địa bàn cư trú rồi diệt chủng dân phương Nam. Đó là cuộc chuyển hóa lâu dài từ số lượng không nhiều người Mongoloid phương Nam.
Cho đến nay phần lớn các học giả đồng thuận cho rằng: Người Việt và người Mường xưa vốn cùng chung một cội nguồn, nhưng đã tách thành hai dân tộc trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, vào khoảng thế kỷ thứ XI.

Tuy nhiên ngôn ngữ cũng như tư liệu metric (số đo) sọ, không thấy chứng cứ phân định chủng người. Nhà nhân học Mỹ Jared Diamond phát hiện: “Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận, đều không đáng tin cậy.” Để giải quyết bài toán nguồn gốc người Việt, cần một công trình độ sộ vẽ bản đồ zen người Việt. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng từ công trình như vậy, tôi xin đưa ra một giả thuyết khác về nguồn gốc người Kinh. Tài liệu hành chính hiện nay viết rằng, Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Đây là cách dùng từ không chuẩn do không phân biệt hai khái niệm tộc người hay sắc tộc (race) và dân tộc (nation). Dân tộc là cộng đồng người cùng một chủng tộc trong một quốc gia. Trong một quốc gia có một hay nhiều dân tộc với ý nghĩa chủng người. Tộc người là những sắc dân trong một chủng người. Sau năm 1954, ảnh hưởng của tài liệu dân cư học Trung Quốc cho rằng ở “Trung Quốc có 56 dân tộc anh em”, các nhà làm chính sách của Việt Nam cũng ghi vào hiến pháp: Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên sau đó, phát hiện sai lầm, người Trung Quốc đã sửa: Trung Quốc có 56 tộc người thuộc năm dân tộc là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng. Trong khi đó, do chưa có sự phân định rõ ràng, Việt Nam vẫn giữ 54 dân tộc trong các văn bản hành chính.

Các tài liệu nhân chủng học cho thấy, từ 2.000 năm TCN, người Việt gồm duy nhất một chủng người Mongoloid phương Nam. Đến nay nước Việt Nam bao gồm một dân tộc duy nhất là dân tộc Việt. Kinh, Mường, Mán, Tày, Thổ, H’Mông, Dao, Khmer, Chăm, Bana, Êdê, Giarai… là những tộc người hay sắc tộc của một chủng loại người Việt. Vì vậy, thuật ngữ NGƯỜI VIỆT dùng chỉ chung mọi tộc người bản địa Việt Nam. Người Kinh là một tộc người hay sắc tộc trong 54 sắc tộc Việt. Việc gọi người Kinh là người Việt là sai lầm, là sự tiếm xưng, đưa tới nhận thức lệch lạc: chỉ người Kinh mới là người Việt, còn các sắc tộc khác không phải là người Việt. Trước đây, do cách nhìn kỳ thị của chính quyền quân chủ, các sắc dân Việt này bị gọi miệt thị là man, mọi! Người Kinh là một tộc người (race) trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Do vậy, muốn tìm nguồn gốc người Kinh cần phải biết quá trình hình thành dân tộc Việt Nam.70.000 năm trước, hai đại chủng người Khôn ngoan Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới vùng đất nay là Việt Nam; họ hòa huyết sinh ra hai chủng người Việt cổ là Indonesian và Melanesian. Trong đó người Indonesian (Lạc Việt) giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Ngôn ngữ Lạc Việt là tiếng nói chủ thể của cộng đồng. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa và xây dựng nơi đây nền nông nghiệp phát triển. Khoảng 7.000 năm trước, tại trung lưu Hoàng Hà, người Việt tiếp xúc với người Mongoloid phương Bắc, sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam. Khoảng 5.000 năm trước, người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà mà trung tâm là đồng bằng Trong Nguồn. Khoảng năm 2.698 TCN, người Mông Cổ du mục do Hiên Viên lãnh đạo tấn công vào Trác Lộc, chiếm đất của người Việt phía Nam Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Do cuộc xâm lăng này, người Việt từ lưu vực Hoàng Hà di cư xuống phía Nam, mang nguồn zen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Đông Nam Á sang Mongoloid phương Nam. Khoảng 2.000 năm TCN, đại bộ phận dân cư Đông Nam Á; trong đó có bán đảo Đông Dương được chuyển hóa thành người Mongoloid phương Nam. Chủng Lạc Việt Indonesian chuyển thành dạng Mongoloid phương Nam điển hình. Chủng Melanesian chuyển thành loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Tiếng Lạc Việt là ngôn ngữ chung. Như vậy người Nam Á ra đời sau, nhưng ngôn ngữ Nam Á (Lạc Việt) đã xuất hiện đồng thời với hai chủng người Indonesian và Melanes.

Thời kỳ này đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung chưa hình thành nên người Việt cư trú trên vùng trung du và rừng núi miền Bắc và miền Trung. Khoảng vài ba trăm năm trCN, đồng bằng sông Hồng được bồi tụ cơ bản đồng thời nhờ nước biển rút, một châu thổ phù sa phì nhiêu xuất hiện. Người Việt từ khắp nơi dồn về vùng đất mới: từ Thanh Nghệ ra, từ Hòa Bình, từ trung du và miền núi Bắc Bộ xuống và từ Trung Quốc trở về… Việt Nam bước vào văn hóa Đông Sơn muộn, lưỡi cày đồng ra đời, khiến năng suất nông nghiệp tăng, lương thực dồi dào. Nhờ vậy nhân số đồng bằng sông Hồng tăng nhanh. Do từ lâu người Việt đã cùng một chủng tộc nên tại đồng bằng, dân cư không có chuyển biến lớn về di truyền mà chỉ một bộ phận người Indonesian nhận thêm nguồn zen Mongolic để chuyển hóa thành dạng Mongoloid phương Nam điển hình.

Ngôn ngữ Lạc Việt được củng cố; tiếp xúc rộng với nhiều nguồn dân cư nên có những yếu tố mới. Trong những người di cư về từ Trung Quốc, có nhóm Tày-Thái, người Hakka, người Hán... Họ là con cháu người Lạc Việt ra đi từ hàng vạn năm trước, sống và tạo lập văn hóa nông nghiệp trên lưu vực Hoàng Hà. Do biến động của lịch sử, họ trở thành dân cư của các vương triều Trung Hoa cũng như các tiểu vương quốc Việt độc lập với triều đình Hoa Hạ tại lưu vực Hoàng Hà. Thời Thương, Chu, chữ tượng hình được sử dụng khiến cho ngôn ngữ vùng Trung Nguyên trở nên đơn âm và hữu thanh hóa. Chữ tượng hình từ 6.000 năm trước được người Lạc Việt ở Nam Dương Tử sáng tạo để ghi âm những tiếng dùng trong bói toán, bùa chú, cúng tế. Tiếng Việt vốn đa âm nhưng chữ hình vẽ thì đơn lập, không thể ghép với nhau. Vì vậy, những tiếng muốn được ký âm buộc phải chuyển thành đơn âm như blời -> trời -> thiên; tlủ -> sủ -> trâu; krong -> sông, rồng, long… Trong dân gian người Việt, từ lâu quá trình đơn âm hóa ngôn ngữ đã xảy ra. Khi nhà Ân chiếm đất An Dương của người Việt ở Hà Nam, phát hiện chữ Giáp cốt, đã tập trung phát triển loại chữ này. Sang thời Chu, chữ được phổ biến hơn và được sử dụng rộng rãi vào thời Chiến Quốc. Nhà Tần đã quy chuẩn hóa chữ vuông. Nhờ vậy, tiếng nói dân cư Trung Nguyên đơn âm hóa mạnh. Khi tiếng nói đơn âm thì cũng tự nhiên được thêm thanh điệu: chỉ cần đổi dấu thanh sẽ được tiếng mới với nghĩa mới. Thí dụ Thanh -> Thành -> Thánh -> Thạnh…

Khi di cư về Việt Nam, người Thái, người Hẹ (Hakka), người Hán… mang theo tiếng nói đơn âm và hữu thanh, góp phần làm biến đổi tiếng nói của cộng đồng, khiến cho tiếng Việt trở nên đơn âm và có thanh điệu. Khi sáp nhập Âu Lạc với Nam Việt, nhà Triệu đem chữ Nho vào dạy và sử dụng ở nước ta. Sau cuộc xâm lăng của người Hán, chữ Nho thành quốc ngữ, được dùng trong hành chính và giáo dục, quá trình chuyển hóa tiếng Việt sang đơn âm và hữu thanh được tăng cường.
Cùng với việc đô thị hóa, giao lưu thương nghiệp, văn hóa của đồng bằng mở rộng với khu vực nên dần dần hình thành một dạng dân cư mới sống ở đồng bằng, được gọi là người Kinh với nghĩa dân cư vùng kinh đô. Theo thời gian, người Kinh phân biệt với dân cư các vùng khác bởi tiếng nói, văn hóa, cách sinh hoạt, phong tục tập quán.

Như vậy, người Kinh là sản phẩm của quá trình khai phá đồng bằng sông Hồng. Khi biển rút, đồng bằng mở ra, những phần tử ưu tú, năng động nhất trong các bộ lạc người Việt từ các vùng khác nhau kéo xuống khai thác đất mới. Mỗi nhóm người đóng góp phần tốt đẹp nhất của mình tạo nên một cộng đồng dân cư mới. Đồng thời mỗi sắc dân cũng hòa lẫn trong cộng đồng. Thí dụ tiêu biểu của việc này là sự kiện 40.000 tù binh người Chăm được đưa tới đồng bằng Bắc Bộ vào thời Lý. Nay con cháu họ là ai? Một thí dụ khác: Quảng Nam là địa bàn phân bố từ xa xưa của người Chăm. Nhưng vì nằm trên đường mở nước nên hơn 500 năm điễn ra cuộc tiếp xúc liên tục với người Kinh. Kết quả là phần lớn dân cư nơi đây được Kinh hóa, trở thành người Quảng Nam hôm nay...

 Về mặt di truyền, không có chuyện chỉ riêng người Mường phân hóa thành người Kinh mà do tiếng Mường giữ được nhiều nhất yếu tố ngôn ngữ Lạc Việt nên khi so sánh ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học ngộ nhận cho rằng chỉ có người Mường phân hóa thành người Kinh. Cũng vậy, hiện tượng đơn âm và hữu thanh của tiếng Kinh được ảnh hưởng từ nhiều nguồn: người Tày-Thái, người Hẹ, người Hán… từng có mặt tại đồng bằng nhưng rồi những dòng người này bị đồng hóa, hòa tan trong dân cư đồng bằng, không để lại dấu vết. Trong khi đó một số nhóm Tày-Thái Tây Bắc, có thể di cư về muộn hơn nhưng do sống khá biệt lập, đã bảo lưu được phong tục tập quán và tiếng nói hình thành trên đất Trung Hoa nên khi phát hiện ra, các học giả cho rằng, người Mường tiếp thu ngôn ngữ của nhóm Tày cổ để biến thành người Kinh. Trong khi thực tế không phải vậy.

Quá trình tương tự cũng diễn ra tại đồng bằng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Vùng đồi núi Thanh-Nghệ là nơi cư trú sớm nhất của người Việt cổ từ thềm lục địa đi lên, nên là nơi phát tích của dân cư Việt Nam. Khi đồng bằng miền Trung hình thành từ phù sa sông Cả, sông Mã, sông Chu, các dòng người cũng tập trung về đây, hòa huyết và hòa nhập văn hóa sinh ra cộng đồng người Kinh miền Trung. Do sinh ra từ miền đất cổ nên phương ngữ miền Trung là phương ngữ cổ xưa nhất của Việt Nam. Phương ngữ miền Trung được chia cho phương ngữ đồng bằng sông Hồng và phương ngữ miền Nam.Với những bằng chứng khảo cổ học, văn hóa học, ngôn ngữ học, cổ nhân chủng học, di truyền học và toàn bộ thực tế lịch sử Đông Á, ta có thể chắc rằng, người Kinh là tổng hòa những dòng di cư người Việt tới chiếm lĩnh đồng bằng sông Hồng bắt đầu từ khoảng 500 - 300 năm TrCN. Bộ phận người Việt từ Trung Quốc trở về có vai trò đặc biệt. Cùng với tiếng nói đơn âm và thanh điệu, họ mang về đất tổ những con người tài năng với kinh nghiệm quý giá của cuộc sống năng động phía Bắc. Năm 43 sau khi diệt cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã thi hành cuộc diệt chủng tàn khốc. Ông bắt 300 gia đình quý tộc hàng đầu của Âu Lạc (khoảng 3.000 tới 4.000 người) đi đày ở huyện Linh Lăng, Nam Dương Tử. Mất tầng lớp ưu tú nhất, Âu Lạc như rắn mất đầu, hầu như không còn năng lực để vươn dậy. Phải 200 năm sau mới có cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh. Cũng phải 200 năm nữa mới có cuộc vùng dậy của Lý Bí, là hậu duệ đời thứ bảy của một người Việt từ Giang Nam di tản thời Tây Hán. Đinh Bộ Lĩnh là con Đinh Công Trứ, quyền Thứ sử Hoan châu kiêm Ngự Phiên đô đốc, một vị quan từ Giang Nam tới. Rồi tổ tiên những dòng vua rực rỡ nhất trong sử Việt như Lý, Trần cũng thuộc những lớp người di tản này…

Là lứa con út của đại tộc Việt, người Kinh không chỉ thụ hưởng phần đất hương hỏa trù phú nhất của tổ tiên mà còn nhận được phẩm chất di truyền cùng văn hóa ưu việt từ giống nòi. Cũng như nước từ các sông suối tạo thành biển, các tộc người Việt gặp nhau ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung hình thành người Kinh. Nhờ vậy, người Kinh trở thành tộc người tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Xứ Nghệ chính là nơi đầu tiên trên đất Việt mà người Mongoloid phương Nam từ núi Thái-Sông Nguồn di cư trở lại khoảng 4.700 năm trước, hòa huyết với người bản địa sinh ra tổ tiên người Việt Nam. Khi phát hiện di chỉ Núi Đọ với công cụ đá cũ và răng hóa thạch của người cổ 300.000 năm tuổi, nhiều ý kiến cho rằng, núi Đọ là nơi phát tích của người Việt.

Hà Văn Thùy sinh năm 1944 tại xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.Tốt nghiệp khoa Sinh, trường đại học Tổng Hợp Hà Nội năm 1967; nhưng ông lại chuyển sang tay nghề viết văn, làm báo. Đã từng hiện diện tại các cơ quan văn nghệ và báo chí như: Hội văn nghệ Thái Bình, hội văn nghệ Kiên Giang, báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam, mà ông vẫn chưa có dịp trở thành hội viên.
Chỉ trong vòng bốn năm, từ 2007 tới 2011, Hà Văn Thùy cho in ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (Văn học, 2008)  Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn học, 2011). Ba cuốn sách cùng một đề tài, nhưng với mỗi cuốn lại thêm một sự phát hiện, là sự chín dần của tri thức và tư tưởng. Ở lời tựa cuốn thứ ba, tác giả viết: “Trong khi hào hứng phục dựng lâu đài văn hóa nguy nga, kỳ vĩ của tộc Việt, người viết chưa kịp đắp những bậc cấp, khiến người chiêm ngưỡng chưa có đường lên, ngỡ rằng đó là “lâu đài cất bằng hơi nước!” Vì vậy, người viết thấy cần làm cuốn sách khác, một tuyển tập những công trình nghiên cứu tiên phong và đáng tin cậy về lĩnh vực đang quan tâm, những khảo cứu của người viết và những bài mà các tác giả có nhã ý trao đổi, để rộng đường ngôn luận.”

Năm 2014 Hà Văn Thùy cho in hai cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa  Tiến trình lịch sử văn hóa Việt. Hai cuốn sách này như là một bản tổng kết những kết quả nghiên cứu sưu tập và những khám phá mới trong hơn 10 năm miệt mài vượt khó của anh với truyền thống lịch sử văn hóa phương Đông. Bằng những kiến thức rộng, Hà Văn Thùy đã mạnh dạn đưa ra những đề xuất mới như: từ 40.000 năm trước, người Lạc Việt di cư đi khai phá các miền đất Hoa lục, sáng tạo ra nền văn minh nông nghiệp rực rỡ.
Từ thực tiễn lao động đương nhiên phương tiện giao tiếp của cộng đồng tộc người Việt cổ đã tạo điều kiện cho sự khởi phát, biến đổi về chất trong ngôn ngữ của chính họ, và khi có điều kiện tiếp xúc, tiếng Việt làm nền cho sự phát triển của ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ viết của người Việt là chủ thể linh hồn, là đường nét cụ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa mà mãi sau – đến đời Hán – người ta mới gọi là Hán tự. Cùng với sự phát triển văn hóa cộng đồng tộc người, thuyết Âm Dương ngũ hành, tức sự chuyển dịch giao thoa giữa các yếu tố cơ bản của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ là sự tự cân đối trong tự nhiên, khi đủ điều kiện tác hợp thì chúng tạo ra sự biến đổi về chất và lượng làm nên sự sống. Đó cũng là những nguyên lý sơ khởi, tiền thân của Dịch lý… đều là sáng tạo của người Việt cổ. Những điều đó tưởng như không mới  so với những gì triết gia Kim Định đề cập đến trong Việt lý tố nguyên từ nửa thế kỷ trước. Song, những ý tưởng khoa học của Kim Định mới chỉ suy luận, rút ra một vài nhận xét từ truyền thuyết, huyền sử thì Hà Văn Thùy đã mở rộng minh chứng bằng những cứ liệu vững chắc theo phương pháp đa ngành; từ những dòng cổ thư, văn khắc, hiện vật khảo cổ, cổ nhân học… và quan yếu hơn cả những thành tựu mới nhất của di truyền học đầu thế kỷ XXI. Lợi thế cử nhân sinh học của anh có dịp được bước đầu áp dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Gần đây, Hà Văn Thùy đã viết xong quyển thứ ba về đề tài này: Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại tới hiện thực. Quả thật mỗi khi ta có dịp nhìn lại cội nguồn lịch sử văn hóa Việt đã là sẵn có một cảm tình riêng, thiêng lắm. Từ những thành tựu  80 năm khai quật và khảo cứu văn hóa Lương Chử, các học giả Trung Quốc thừa nhận: “Từ khám phá văn hóa Lương Chử, lịch sử Trung Quốc phải viết lại. Những triều đại như Hạ, Thương từng được coi là nhà nước đầu tiên của Trung Quốc phải nhường chỗ cho vai trò của Lương Chử. Quan niệm cho rằng, đồng bằng miền Trung là cội nguồn của văn minh Trung Hoa cũng phải thay đổi: văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Hoa!”

Nền văn minh cổ Việt đã thăng trầm biến đổi theo qui luật chung của sự phát triển; có giao thoa, có loại suy, có tiếp biến tinh hoa của các nền văn minh lân cận của các cộng đồng dân cư khác; nhưng cốt lõi tinh hoa ấy đã khiến cho nền văn hóa Đông Nam và Đông Bắc Á nhuốm màu văn minh nông nghiệp ngay từ thời cổ đại. Người ta quyết đoán rằng, cội nguồn nền văn minh nông nghiệp phát tích ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, mà suốt 2.500 năm ở Giang Nam tộc người ấy chân chưa hề chạm nước Trường Giang thì làm thế nào mà có được. Với sự hào hứng hiếm có, Hà Văn Thùy đã sử dụng kiến thức đa ngành rộng mở để lý giải vấn đề đặt ra có xu thế “bác học hóa dân gian” và đưa tư liệu mới của nhân học, khảo cổ… vào những kết luận táo bạo của mình. Tuy nhiên, vì phương pháp tiếp cận khoa học xã hội nhân văn của anh đi đường tắt nên một số khẳng định của tác giả còn tỏ ra võ đoán. Nếu tác giả dừng lại để xem xét, luận bàn cũng như sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành sâu hơn, thuần thục hơn thì những kết luận khoa học mới có giá trị thuyết phục. Song hành với những thao tác có tính quán xuyến đó,nhiều câu hỏi nghi vấn đã được Hà Văn Thùy nhà nghiên cứu trả lời theo cách giả định. Có câu trả lời gần như thuyết phục: “- Nhà nước Lương Chử chính là Xích Quỷ trong truyền thuyết Việt. Và lần đầu tiên chúng ta chứng kiến hành trình của Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại tới hiện thực.”Song, cần thiết phải viết rõ ràng hơn rằng đây là hình thức nhà nước sơ khai của các “tiểu vương quốc” theo cách gọi của các sử gia phong kiến đặt tên khi soạn sách sau này.

Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết tôn vinh Hà Văn Thùy là bước đầu ghi nhận những kiên trì nỗ lực của một nhà nghiên cứu có tâm huyết với nền văn minh Việt cổ, hy vọng những kết luận táo bạo của ông được xã hội ghi nhận xứng đáng./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét