TMT: Đây là những ý kiến của nhà nghiên cứu Hà Văn
Thùy tranh luận cùng các tác giả bộ thông sử của Viện Sử học, Thôn Minh triết rất
mong có nhiều nghiên cứu trao đổi học thuật chung quanh đề tài này nhằm
ngày càng sáng tỏ những vấn đề về cội nguồn Dân tộc.
NHỮNG VẤN ĐỀ TẢNG CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM
Hà
Văn Thùy
Cho đến cuối thế kỷ trước, do quá hiếm tư
liệu nên hầu hết các cuốn sử đều viết rất sơ lược về thời Tiền sử. Vì thế, mặc
nhiên hình thành quan niệm “thời Tiền sử không quan trọng đối với lịch sử các
quốc gia”. Sách sử Việt Nam không là ngoại lệ. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy tới thế kỷ X (LSVN I) của Viện Sử học
in năm 2015, tái bản năm 2017, thời Tiền sử người Việt tuy kéo dài tới 800.000
năm nhưng con người chỉ được biết tới từ
người Đứng thẳng sang người Khôn ngoan với các bộ lạc Hòa Bình, Bắc Sơn… mà
tất cả thành tựu văn hóa chỉ là những hòn đá.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời Tiền
sử có ý nghĩa quyết định tới lịch sử mỗi dân tộc. Trong
cuốn Nhiệt đới buồn, Claude-Lévi-Strauss nhà nhân học lớn của thế giới viết: “Con người chỉ thực sự sáng tạo những công
trình vĩ đại vào buổi đầu. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có bước đầu hoàn toàn
có giá trị, những giai đoạn kế tiếp chỉ là sự lặp lại những giai đoạn đã qua.” “Một trong những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất
của lịch sử nhân loại xảy ra vào thời đại đá mới với sự phát minh ra trồng trọt,
chăn nuôi…” [1]. Xuất hiện từ giữa thế kỷ trước, phát biểu của C. Strauss
chỉ như lời tiên tri vì chưa nhiều sự kiện minh chứng cho nhận định của ông. Nhưng
sang thế kỷ mới, nhờ công nghệ di truyền tìm ra nguồn gốc loài người cùng các
chủng tộc, thời tiền sử của nhiều dân tộc trở nên sáng tỏ.
Sau hơn 10 năm (2004-2017) tập trung
toàn bộ thời gian và tâm lực tìm về cội nguồn dân tộc, chúng tôi đã công bố
hàng trăm bài viết và sáu cuốn sách: Tìm
lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn
(NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011), Khám
phá lịch sử Trung Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2016), Góp phần nhận thức lại lịch sử
văn hóa Việt (NXB Hội Nhà văn, 2016) và
Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực (NXB Hội nhà văn, 2017).
So sánh khảo cứu của mình với cuốn Lịch
sử Việt Nam tập I, chúng tôi thấy có sự khác biệt rất quan trọng, có thể nói là
dẫn tới sự phá sản của những quan niệm lịch sử cũ. Xin trình bày những vấn đề nổi
cộm như sau:
1. Về
người Đứng thẳng:
Sách LSVN I cho
rằng: “Những dấu tích về Người vượn ở Núi
Đọ, Xuân Lộc, Sa Thầy, Yaly tuy còn thiếu những chứng cứ về địa tầng và cổ
sinh, không có tầng văn hóa rõ rệt; ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai chưa tìm thấy công
cụ lao động nhưng được coi là xưa nhất,
mở đầu cho lịch sử nguyên thủy ở Việt Nam.” (T.28)
Tuy nhiên, những tài liệu khảo cổ học mới nhất
của thế giới, cho thấy: Người Đứng thẳng (Homo erectus) và người Khôn ngoan
(Homo sapiens) là hai loài người khác nhau. Người Đứng thẳng hoàn toàn biến mất
khỏi lục địa châu Á từ 250.000 năm trước. Dấu vết cuối cùng của họ là tại di chỉ
Ngandong Indonesia 200.000 năm cách nay. Trong khi đó, nhân học thế giới khẳng định,
người Hiện đại Homo sapiens có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước. Trên đất Việt
Nam, hai loài người này sống cách nhau 180.000 năm. Do đó, không có chuyện người Đứng thẳng
chuyển hóa thành người Khôn ngoan tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Cho rằng “Người
đi thẳng muộn, thuộc Người tinh khôn” là phản khoa học! Không xác định được quan hệ giữa
hai loài người mà đã cho rằng lịch sử thời tiền sử của Việt Nam kém dài tới
800.000 năm là sự khẳng định sai lầm khiến lịch sử Việt Nam lạc lõng với tri thức
nhân loại.
2. Sự
xuất hiện người Khôn ngoan trên đất Việt Nam.
LSVN I cho rằng: “Người Thẩm Ôm là dạng Người đi thẳng muộn, thuộc Người tinh khôn hay
Người hiện đại (Homo sapiens) ở Việt Nam. Niên đại cho các hóa thạch này từ
140.000 năm đến 250.000 năm BP.”
(T.28)
Trong khi đó, tài liệu mới nhất của thế
giới xác nhận: Người Hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi 195.000 năm trước,
85.000 cách nay rời khỏi châu Phi, men theo bờ biển Ấn Độ Dương, tới Việt Nam
70.000 năm trước.
Như vậy, sách LSVN I do không cập nhật
tài liệu thế giới nên không hiểu người Việt là ai. Lịch sử là tài liệu ghi chép
hoạt động của con người trong quá khứ. Một khi không biết con người đó là ai
thì những gì nói về họ đều không có cơ sở!
3. Người
Việt chiếm lĩnh thế giới.
Trên đất Việt Nam, người Việt cổ tăng
nhân số. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á và chiếm
lĩnh đất Ấn Độ. 40.000 năm cách nay, đi lên chinh phục Hoa lục. Cũng thời gian
này, từ Hoa lục một bộ phận người Việt đi về phía Tây, qua Trung Á tới châu Âu.
Ở đây họ gặp người Europid từ Trung Đông lên. Hai dòng người hòa huyết sinh ra
tổ tiên người châu Âu. Khoảng 30.000 năm trước, từ Siberia, người Việt vượt eo
Bering sang chinh phục châu Mỹ. Cũng khoảng 40.000 năm trước, những nhóm người
Mongoloid cư trú riêng biệt ở phía Tây Bắc Việt Nam đi lên Tây Bắc Trung Quốc
và đất Mông Cổ. Do giữ được nguồn gen nguyên chủng, sau này họ trở thành người Mông
Cổ phương Bắc (North Mongoloid).
Cuốn LSVN I hoàn toàn không biết tới quá trình quan trọng này
trong sự hình thành dân tộc Việt. Vì thế không thể hiểu lịch sử của tộc Việt.
4.
Sự hình thành dân cư Trung Quốc.
Từ 40.000 năm trước, người Lạc Việt (Indonesian)
mang mã di truyền Australoid đi lên Hoa lục. 7.000 năm trước, tại vùng Ngưỡng
Thiều trung du Hoàng Hà, người Lạc Việt tiếp xúc với người Mông Cổ du mục ở bờ
Bắc, dẫn tới hòa huyết sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid
phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở
thành chủ thể của văn hóa Ngưỡng Thiều rồi cả lưu vực Hoàng Hà.
Năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ do họ
Hiên Viên dẫn đầu đánh chiếm đất của người Lạc Việt ở Nam Hoàng Hà, lập vương
quốc Hoàng Đế. Do chung sống, người Việt Mongoloid phương Nam hòa huyết với người
Mông Cổ phương Bắc, sinh ra lớp con lai Mông-Việt, tự gọi là Hoa Hạ. Người Hoa
Hạ dần thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội. Do người Việt quá đông trong khi
người Mông Cổ quá ít nên thời gian ngắn sau (không tới 100 năm), toàn bộ người
Hoa Hạ chuyển thành người Việt. Các triều đại từ Nghiêu, Thuấn, Vũ tới Thương,
Chu đều là người Việt và phần lớn không có quan hệ máu huyết với Hoàng Đế. Nhưng do vinh quang của Hoa Hạ trong quá khứ
nên đều nhận là Hoa Hạ!
Trong khi đó, bên ngoài vương quốc của
Hoàng Đế, không chỉ ở lưu vực Dương Tử mà ngay tại lưu vực Hoàng Hà, nhiều quốc
gia hay bộ tộc độc lập của người Việt liên tục kháng chiến chống lại triều đình
Hoàng Đế. Thí dụ như nước Ư Việt hay Dương Việt ở vùng Hà Nam, tồn tại dai dẳng,
sau này thành nước Sở. Bộ tộc Tần ở phía Tây sau này bành trướng thành nhà Tần
diệt Lục quốc, lập đế chế Tần. Diệt nhà Tần, Lưu Bang người Việt nước Sở lập
nhà Hán, xưng là Hoa Hạ, một sự trớ trêu của lịch sử!
Do không cập nhật tài liệu, cuốn LSVN I
vẫn theo những quan niệm sai lầm của thế kỷ XX, cho người Hán từ phía Tây xâm
nhập Nam Hoàng Hà, làm nên dân tộc Hán, dẫn tới việc cho rằng người Việt bị Hán
hóa trong quá trình lịch sử.
5. Sự
hình thành dân cư Việt Nam.
Từ 70.000 năm trước, hai đai chủng người
tiền sử Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam, hòa huyết sinh ra bốn
chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong quá trình chung sống,
hai chủng da đen Vedoid và Negritoid gần như biến mất. Hai chủng Indonesian và
Melanesian còn lại do người đa số Indonesian (được gọi là Lạc Việt) giữ vai trò
lãnh đạo về ngôn ngữ và xã hội. 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên khai
phá Hoa lục. 7.000 năm trước, do tiếp
xúc với người Mông Cổ phương Bắc, tại Nam Hoàng Hà, người lai Mông-Việt mang mã
di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) ra đời. Được sinh ra trên đất
Việt, bú sữa mẹ Việt và sống trong văn hóa Việt, người Mongoloid phương Nam trở
thành chủng người Việt mới, là chủ nhân của văn hóa Ngưỡng Thiều và lưu vực
Hoàng Hà. Do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ năm 2698 TCN, người Lạc Việt
Mongoloid phương Nam di cư xuống phía Nam, tới Việt Nam và Đông Nam Á, mang nguồn
gen Mông Cổ về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid
phương Nam [2]. Như vậy là, có hai giai đoạn hình thành người Việt: ban đầu là người Việt cổ, mã di truyền Australoid.
Tới 7000 năm trước bắt đầu chuyển hóa sang chủng Mongoloid phương Nam, được gọi
là người Việt hiện đại. Khoảng 2000
năm TCN, sự chuyển hóa hoàn tất. Người Mongoloid phương Nam (sau này gọi là Nam
Á) trở thành chủ thể dân cư Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Như vậy, từ 2000 năm
TCN, người Việt Nam và người Trung Quốc cùng một chủng tộc Mongoloid phương Nam.
Người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á, có
nghĩa người Việt Nam là dân cư cổ xưa nhất ở châu Á.
Cuốn LSV N I không có những tri thức này
nên không xác định được quá trình hình thành của người Việt.
6. Sự
hình thành người Kinh.
Quan niệm phổ cập hiện nay cho rằng, từ
cộng đồng Tiền Việt Mường khi tiếp xúc với nhóm Thái cổ hình thành hai dân tộc
Việt (Kinh) và Mường. “Việt Nam có 54
dân tộc”. Trong đó dân tộc Việt (Kinh) là
đa số, còn lại là các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng dân
cư trên đất Việt Nam như sau: từ 2000 năm
TCN, dân cư trên đất Việt Nam là chủng người duy nhất Mongoloid phương Nam,
gồm hai thành phần: người Mongoloid
phương Nam điển hình, chủ yếu sống ở Bắc Bộ và dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, sống ở
phía Nam Trung Bộ trở xuống.
Khoảng 300 năm TCN, đồng bằng sông Hồng
hình thành, những người năng động nhất, giỏi giang nhất trong các bộ tộc Việt từ
Đông Dương và Nam Dương Tử kéo về khai phá đất mới. Do cùng huyết thống, ngôn ngữ
và văn hóa nên giữa các nhóm người không có mâu thuẫn sắc tộc. Trong những người
từ Nam Dương Tử trở về có người Tày-Thái, Hakka, người nước Sở, người nước Việt,
người Hán… là di duệ của người Việt đi khai phá Trung Hoa từ xa xưa nên khi về
Việt Nam là trở về đất tổ của mình. Do sống lâu dài ở Trung Nguyên, trong vương
triều Chu, Hán nên ngôn ngữ của họ chuyển sang đơn âm và hữu thanh. Tiếng nói này dần lan tỏa ra trở thành ngôn ngữ
chung của cả đồng bằng. Cùng với tiếng nói là những yếu tố tiến bộ về xã hội và
sản xuất tiếp thu được ở vùng đất mở giao lưu với bên ngoài khiến cho người đồng
bằng sông Hồng trở thành sắc tộc mới, được gọi là người Kinh. Trong khi đó
những cộng đồng người Việt vẫn sống ở rừng núi dần trở thành những sắc dân thiểu
số. Do được hình thành như vậy nên người Kinh trở thành cộng đồng chủ thể của
dân tộc Việt. Quan niệm phổ cập cho rằng chỉ người Kinh mới là người Việt còn
các sắc dân khác không phải người Việt mà là “các dân tộc thiểu số” là sai lầm.
7. Về
văn hóa Việt Nam
Sách LSVN I cho rằng, Việt Nam nằm trên
ngã tư đường giao thông của khu vực nên có sự giao lưu tiếp biến văn hóa của
các dân cư khác mà đặc biết là Ấn Độ và Trung Hoa.
Trong khi đó thực tế văn hóa Việt được
hình thành như sau: Trong 70.000 năm sống ở phương Đông, người Việt đã sáng tạo
nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ: chế tác công cụ đá mới, thuần hóa giống kê, giống
lúa, các giống khoai và rau đậu, gà, chó và lợn… đồng thời sáng tạo công cụ sản
xuất và sinh hoạt. Từ 20.000 năm trước, sau khi sáng tạo công cụ đá mới Hòa
Bình, người Việt mang tộc danh Người Việt bộ Qua. Sau khi làm chủ nông nghiệp
lúa nước, người Việt có tộc danh Việt bộ Mễ. Khi sáng tạo công cụ bằng đồng,
người Việt mang tộc danh Việt bộ Tẩu. Tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, người
Việt sáng tạo chữ tượng hình đầu tiên. Từ 5300 năm trước người Việt thành lập
nhà nước lớn và sớm nhất ở phương Đông. Có đủ cơ sở để khẳng định, đó là nhà nước
Xích Quỷ trong truyền thuyết. Về văn hóa phi vật thể, tiếng Việt là chủ thể làm
nên tiếng nói Trung Hoa. Người Việt sáng tạo chữ tượng hình, về sau là chủ thể
của chữ viết Trung Hoa. Người Việt cũng sáng tạo kinh Thi, kinh Nhạc, kinh Lễ,
kinh Dịch... Những thành tựu văn hóa rực rỡ trên đất Trung Hoa đều được khởi
nguồn sừ sự sáng tạo của người Việt.
Do có quá trình người Việt đi lên khai
phá Hoa lục rồi sau đó trở về xây dựng Việt Nam nên văn hóa Việt Nam kế thừa
toàn bộ nền văn hóa do người Việt sáng tạo ở Hoa lục cũng như tại đất Việt Nam.
8. Quan
niệm về lịch sử Việt Nam
a.
Do
người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục rồi sau đó trở về xây dựng nước Việt
Nam nên lịch sử Việt Nam bao gồm cả lịch sử người Việt từ khi đi lên khai phá
Hoa lục đến khi trở về Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định, thời Tiền sử của
Việt Nam bắt đầu 70.000 năm trước, khi tổ tiên từ châu Phi đặt chân tới đất nước
ta. Đồng thời khẳng định lịch sử đất nước ta bắt đầu từ 5.300 năm trước, khi
nhà nước Xích Quỷ của họ Hồng Bàng được thành lập tại kinh đô Lương Chử.
b.
Lịch
sử một dân tộc là lịch sử của cộng đồng chủ thể làm nên dân tộc đó. Do người
Kinh với số lượng đông nhất, có nền văn hóa tiến bộ nhất, trở thành chủ thể của
dân tộc Việt Nam nên cũng là chủ thể của lịch sử Việt Nam.
9. Quan
niệm về Bách Việt
Sách LSVN I cho rằng Bách Việt là trăm tộc Việt từng sống ở phía Nam dương Tử
và là nguồn cội của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, từ cố thư và những khám phá
di truyền học mới nhất, chúng tôi phát hiện: Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt.
Con cháu của vua nước Việt theo lãnh địa của mình đứng lên lập những tiểu quốc,
cùng tuân phục nước Sở, được Lã thị Xuân Thu lần đầu tiên gọi là Bách Việt với
ý nghĩa nhiều nước Việt ở Nam Dương Tử. Bách Việt chỉ tồn tại hơn 200 năm, từ
năm 333 tới năm 111 TCN là năm nước Nam Việt bị tiêu diệt. Từ sự xuất hiện và
suy tàn như vậy, nên Bách Việt không phải
là trăm tộc Việt và cũng không phải là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Tới
nay, điều này càng rõ: cội nguồn của dân tộc Việt là người Lạc Việt xuất hiện
trên đất Việt Nam từ 70.000 năm trước
10. Về nguồn gốc của Thục Phán
Trong sách LSVN I, các tác giả cho rằng,
Thục Phán là một tộc trưởng người Tày Cao Bằng. Tuy nhiên ý tưởng như vậy thiếu
thuyết phục vì lẽ nó bỏ qua những tư liệu thành văn giá trị như Hoa dương quốc chí, Hoài Nam Tử… cho rằng
Thục Phán thuộc dòng họ Khai Minh nước Thục. Một số tác giả khác như Bình
Nguyên Lộc cho rằng, người Thục là một bộ phận của tộc Lạc Việt sống từ xưa ở
phía Tây Nam Trung Quốc. Từ giải mã tài liệu di truyền cho thấy, người Thục là
nhánh Tày-Thái của tộc Lạc Việt, mang mã di truyền Haplogroup O1 (Y-DNA) sống từ
xa xưa ở Tây Nam Trung Quốc. Trên địa phận Ba Thục, những bộ tộc Tày-Thái đã
xây dựng vương quốc cổ cùng thời với nhà nước Xích Quỷ. Sau thời gian dài tan
rã, khoảng thế kỷ 16 TCN, họ Khai Minh dựng nhà nước Thục rất văn minh, do Tàm
Tùng đứng đầu. Năm 316 TCN nhà Tần diệt nước Thục, con cháu vua Thục chạy xuống
ở nhờ đất Văn Lang. Vốn cùng huyết thống, tiếng nói và văn hóa nên tập đoàn
vương thất nhà Thục thu phục được các tù trưởng địa phương, lập nước Nam Cương.
Sau khi đánh thắng quân xâm lược Tần, Thục Phán chiếm ngôi vua Hùng, lập nước Âu
Lạc. Đây là những tranh chấp trong nội bộ người Việt để tiến tới lập nhà nước lớn
mạnh hơn.
Như vậy Thục Phán là hậu duệ của tộc Lạc
Việt từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa, lập nước Thục. Khi nước Thục bị
hại, ông dẫn vương triều lưu vong chạy về đất Văn Lang. Do tài năng, ông lãnh đạo
các bộ tộc người Việt ở phía Bắc Việt Nam đánh thắng quân Tần sau đó sáp nhập
Văn Lang thành Âu Lạc. Âu lạc là quốc gia đầu tiên của người Việt thời có sử.
11. Triệu Đà và nước Nam Việt.
Cuốn LSVN I cho rằng Triệu Đà là người
Hán, được nhà Tần cử xuống đánh Lĩnh Nam. Nhân cơ hội nhà Tần suy bại, Triệu Đà
lập nhà nước cát cứ rồi xâm lược Âu Lạc. Tuy nhiên, từ khảo cứu của mình, chúng
tôi phát hiện Triệu Đà thuộc bộ tộc Tần, là nhánh Tày Thái người Lạc Việt. Thời
Xuân Thu, tổ tiên Triệu Đà họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, nhập nước Tấn. Có công
phụ giúp các công tử nước Tấn, được phong Triệu Thành nên mang họ Triệu. Cuối
thời Xuân Thu, họ Triệu bành trướng thế lực, cùng Hàn và Ngụy chia nước Tấn làm
ba, lập nước Triệu. Khi nhà Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà 20 tuổi xung lính đi
dánh Lĩnh Nam. Khi nhà Tần diệt vong, ông lập nước Nam Việt. Như vậy, cũng như Thục Phán, Triệu Đà là người
Việt khi xuống Lĩnh Nam, ông trở về quê hương xa xưa của mình. Khi điều kiện
cho phép, ông lãnh đạo đồng bào người Việt lập quốc, chống lại nhà Hán. Việc
ông chiếm Âu Lạc lập nước Nam Việt cũng giống như Thục Phán lập nước Âu Lạc,
hoàn toàn không phải là xâm lược. Chính quyền do ông thành lập là nhà nước của
người Lạc Việt, hoàn toàn không phải là chính quyền cát cứ.
Cho rằng Triệu Đà lâp vương quốc cát cứ,
xâm lăng Âu Lạc rồi trục xuất nhà Triệu khỏi Sử Việt là cách nhìn sai lầm, phản
dân tộc.
12. Về các vương quốc cổ ở phía Nam Việt Nam.
Cuốn LSVN I bao gồm lịch sử các quốc gia
cổ Lâm Ấp-Chiêm Thành, Phù Nam vào lịch sử Việt Nam. Đó là việc làm đúng. Tuy
nhiên các tác giả chưa lý giải rõ về nguồn gốc dân cư và văn hóa các quốc gia
này.
Trên thực tế, dân cư trên toàn bộ Đông
Dương bao gồm cả Thái Lan, Myanmar, cùng với Mã Lai, Indonesia là người Việt.
Cho đến vài thế kỷ trước Công nguyên, do chung cội nguồn, huyết thống, tiếng
nói và văn hóa, họ quy thuộc về Văn Lang của các Vua Hùng. Bằng chứng là các
vua Hùng đã trao cho họ trống Đông Sơn như một thứ quyền trượng. Nhưng một hai
thế kỷ trước Công nguyên, sau khi Văn Lang diệt vong và nhất là sau khi Việt
Nam bị phương Bắc chiếm đóng, mối liên kết truyền thống của Việt Nam với phía
Nam bị đứt đoạn. Lực hướng tâm không còn, các thủ lĩnh khu vực theo chiều hướng
chung đứng lên lập nhà nước riêng. Những quốc gia cổ ra đời. Do hấp lực của văn
hóa Ấn Độ, các nhà nước này theo chính trị Ấn Độ và đem văn hóa Ấn phủ lên nền
tảng văn hóa Lạc Việt.
Trong quá trình lịch sử,
giữa các quốc gia của người Việt trong vùng liên tục có tranh chấp lãnh thổ.
Biên giới như hiện nay là kết quả của những sự tương nhượng và được xác lập bởi
công pháp quốc tế. Mọi ý tưởng về “quyền sở hữu lịch sử” là phi lịch sử và
không có cơ sở thực tế. Từ lịch sử như vậy, các quốc gia cổ phía Nam cần được
bao gồm trong lịch sử Việt Nam trong quan hệ cùng chủng tộc và văn hóa.
13. Lịch sử Việt Nam có chế độ phong kiến không?
Trong LSVN tập I, các tác giả nhiều lần
nói tới thuật ngữ “chế độ phong kiến” ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy cần có sự
đánh giá lại quan niệm này. Trên báo Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29
Novembre 1934) học giả Phan Khôi khẳng định “Lịch sử nước ta không có chế độ
phong kiến.” Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, sử
gia Lê Thành Khôi cũng biện bác rất có lý rằng Việt Nam cũng như Trung Quốc thời
Trung đại không hề có chế độ phong kiến với đặc trưng bản chất của nó là “phong
hầu kiến địa.” Từ khảo cứu của mình, chúng tôi cho rằng nhận định của những học
giả trên hoàn toàn chính xác. Do vậy, cần xóa bỏ quan niệm “chế độ phong kiến”
trong lịch sử Việt Nam để nhìn nhận lịch sử đúng với sự thực.
14. Những “người Trung Quốc tới làm vua Việt Nam”
là ai?
Có một số người từ Trung Quốc sang cư
trú tại Việt Nam rồi sau đó con cháu họ làm vua đất Việt. Tuy ghi nhận điều này
nhưng trong tâm trạng người Việt Nam là sự phân vân của mặc cảm tự ty: người
Trung Quốc lại làm vua nước mình! Tuy nhiên nay ta biết rằng, từ Thục An dương
Vương, Triệu Vũ Đế đến Lý Bí, rồi nhà Lý, nhà Trần… đều là người Việt mà tổ
tiên xưa từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Trong điều kiện lịch sử nhất định
đã trở về đất tổ. Nhờ tài năng và đức độ đã trở thành những vị vua của Việt Nam.
Khi nhận ra sự thực này, chúng ta xóa đi mặc cảm tự ty, trở nên yên tâm và tự
hào về dòng giống cùng lịch sử của mình.
15. Hoa Việt đồng văn đồng chủng.
Từ thơ ấu, nghe các cụ ở quê nói “Hoa Việt
đồng văn đồng chủng,” quả tình tôi không hiểu nổi. Nay, từ khám phá tới tận
cùng lịch sử phương Đông, thì điều này được khẳng định. Tuy nhiên, khác với cách
hiểu trước đây cho rằng người Hán đồng hóa người Việt, người Việt bắt chước người
Hán từ tiếng nói tới chữ viết. Nay là sự thật trái ngược: Người Việt và người
Hoa cùng một nguồn gốc và văn hóa. Người Hán là con cháu từ xa xưa của người Việt.
Tiếng Việt là nguồn gốc của tiếng nói Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ
Trung Hoa. Những thành tựu văn hóa rực rỡ trên đất Trung Hoa đều do người Việt
sáng tạo.
Nhìn chung, sách LSVN I phần nhiều chép
lại những tư liệu từ những cuốn sử hình thành trong thế kỷ XX. Dựa vào cổ thư
Trung Hoa và khảo cứu của Viễn Đông Bác cổ, chiều hướng của lịch sử phương Đông
được xác định là: Từ Tây Tạng, người Hán vào Nam Hoàng Hà xây dựng văn minh Hoa
Hạ sau đó mang văn minh Hoa Hạ khai hóa các sắc dân man di phương Nam. Dân tộc
Việt Nam bị Hán hóa cả về nòi giống và văn hóa.
Nhưng
sang thế kỷ XXI, khoa học khám phá sự thực ngược lại: người Khôn ngoan từ Châu
Phi di cư tới Việt Nam sinh ra người Việt rồi từ Việt Nam, người Việt đi lên
khai phá Hoa lục. Vài năm trước, những học giả Trung Quốc kiên định nhất cũng
buộc phải chấp nhận sự thực này: Người Trung Quốc không phải do người Bắc Kinh (Homo
peikinensis) sinh ra mà từ phương Nam lên. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà không
còn là cội nguồn của văn minh Trung Hoa mà thay bằng “văn hóa Lương Chử là cội
nguồn của văn minh Trung Quốc!”Dù có “nhị thập tứ sử” thì tới nay lịch sử Trung
Quốc buộc phải viết lại. Và như sự tất yếu của số phận, lịch sử Việt Nam cũng phải
viết lại. Từ khảo cứu của mình, chúng tôi phát hiện, 15 vấn đề nêu trên là những
vấn đề nền tảng của lịch sử Việt Nam trước đây bị hiểu lầm nay nhờ ánh sáng mới
của khoa học đã được làm rõ.
Do
những vấn đề nền tảng trên chưa được giải quyết thấu đáo trong cuốn LSVN I nên
tất yếu, cuốn sách này cần được viết lại. Điều này cũng có nghĩa là cuốn Lịch sử
Việt Nam 15 tập của Viện Sử học cần được viết lại. Khi những vấn đề mang tính nền
tảng nêu trên chưa được xác lập thì mọi cuốn sử viết trên cơ sở đó chỉ là lâu
đài xây trên cát.
Sài Gòn, tháng 12. 2017
1. Claude-Lévi
– Strauss. Tristes tropiques, Paris
Plon, 1955, tr.269 và 264-265 (dẫn theo Trần Quốc Vượng- Suy nghĩ đôi điều về
văn hóa Việt Nam.)
2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983
2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét