Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Những dòng chảy nước Việt

Kết quả hình ảnh cho dòng chảy
TMT: ... Song song với hai dòng chảy vật chất hữu hình là một dòng chảy tư tưởng vô hình áp xuống nước Việt từ phương Bắc. Hai dòng chảy hữu hình làm cho con người linh động, sáng tạo, nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những hoàn cảnh khó khăn. Còn dòng chảy tư tưởng vô hình từ phương Bắc thì có ảnh hưởng ngược lại. Nó làm cho con người dần xơ cứng, bảo thủ, cực đoan và cuồng tín. 

Những dòng chảy nước Việt
TS. Nguyễn Thế Hùng
Theo Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, vào thời Lê mạt, núi Tản Viên bị sét đánh sạt một góc lớn của đỉnh thứ ba. Ngày nay, những hôm trời trong người ta còn nhìn thấy hai ngọn của Tản Viên ở giữa và ở bên trái vẫn nhọn và thanh tú, riêng đỉnh thứ ba phía bên phải như bị dao chém vạt đi một góc lớn. Tuy núi Tản Viên vẫn còn được gọi là núi Ba Vì, nhưng ba cái “vì” ấy không còn cân đối nữa.

Tra cứu trong Đại Việt Sử Ký toàn thư, ta thấy rất nhiều năm có mưa lớn, vỡ đê, lụt lội. Nhiều lần sét đánh vào Điện Kính Thiên ngay giữa kinh thành Thăng Long. Và trong suốt chiều dài lịch sử kiến tạo đất Việt thì mưa lụt là một yếu tố quan trọng bậc nhất. Mưa lũ làm cho tốc độ phong hóa các vùng đồi núi xảy ra mạnh hơn các khu vực khác trên địa cầu. Dòng chảy của mưa lũ tạo nên một mạng lưới chằng chịt sông ngòi trên khắp đất nước ta. Mưa lũ cung cấp phù sa cho đồng bằng và bồi đắp các vùng cửa sông ven biển. Mưa lũ là một trong những dòng chảy chính của nước Việt. Đó là dòng chảy của sự dư thừa nước mặt.
Dòng chảy thứ hai là dòng không khí do bão gây ra. Nước ta mỗi năm chịu hàng chục cơn bão. Mỗi khi có bão thì dòng không khí tràn từ biển Đông vào đồng bằng với tốc độ lớn, tạo thành các cơn gió giật cấp 8, cấp 9, thậm chí có khi lên đến cấp 12-15. Bão thường được gọi là đại phong hoặc cuồng phong.  Người ta phải chống bão liên tục trong mùa mưa, nhất là khu vực đồng bằng Bắc Bộ và suốt dọc dải miền Trung. Mưa bão làm ngập lụt, đổ nhà cửa, phá nát ruộng đồng, hoa mầu,…
Lời bài hát của Phạm Minh Tuấn “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầuTừ thuở còn nằm nôi, sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”  đã nói lên những sự đổi thay liên tục và mãnh liệt của dòng chảy nước và khí trên mảnh đất Việt nam.
Bây giờ ta hãy tưởng tưởng một thí nghiệm về hai dòng chảy đó. Giả sử trong một không gian thí nghiệm giả tưởng trên máy tính có cấu trúc 3D giống hệt như địa hình đất nước ta, nhưng trục thời gian có thể co dãn tùy biến. Nếu co ngắn thời gian lại sao cho một năm có độ dài chỉ bằng một giây, thì tình hình sẽ như thế nào. Ta sẽ thấy các dòng chảy của nước và khí vốn thực tế đã rất mãnh liệt, thì trong thí nghiệm giả tưởng còn khủng khiếp gấp hàng triệu lần nữa. Vì trục thời gian đã co ngắn từ một năm còn một giây, tức là co ngắn lại hơn 31 triệu lần. Tính chất mãnh liệt của các dòng chảy nước và khí thể hiện ở sự liên tục xoay chuyển từ các giá trị cực đại âm sang cực đại dương. Các sinh vật sống trong không gian giả tưởng đó cũng liên tục phải vật lộn với những thay đổi mãnh liệt đó. Những cái cây luôn bị lắc từ trái sang phải, thậm chí bị xoắn nhiều vòng hết thuận lại ngược. Muốn sống cây phải tìm cách thích ứng. Con người cũng vậy, họ luôn phải chống chọi vật lộn với những thay đổi chóng mặt của các dòng khí và nước.
Thí nghiệm này cho phép ta giải thích một đặc tính cơ bản của  con người Việt nam. Con người Việt nam là những con người có độ thích ứng cao với những hoàn cảnh khác nhau. Vì trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn và phát triển họ luôn phải thích ứng với những thay đổi mạnh và liên tục của mưa, lụt, bão, lũ. Do đó, số lượng người Việt có tính cách lù đù không nhiều lắm.
Tuy vậy, tính cách cực đoan, cuồng tín của người Việt cũng rất mạnh. Cái gì tạo nên sự cực đoan và cuồng tín. Đó chính là sự ảnh hưởng của một dòng chảy khác, dòng các tư tưởng của Khổng Nho. Lịch sử đã chỉ ra khi nào tư tưởng Khổng Nho thắng thế trong sinh hoạt tinh thần thì nước Việt lâm vào trạng thái tù đọng, bế tắc, trì trệ, chậm phát triển, kém sáng tạo. Một trong những giai đoạn được cho là sáng nhất trong lịch sử là triều Lê Thánh Tông. Tuy vậy, lúc đó mới chỉ là quá trình lên ngôi dần dần của tư tưởng Khổng Nho. Ngay khi nó lên đến đỉnh cao và sau cái chết của Lê Thánh Tông thì nước Việt bắt đầu vào một giai đoạn tranh chấp và nội chiến mấy trăm năm (nội chiến Mạc-Lê Nam Bắc Triều hơn 100 năm từ  1533 đén 1677, sau đó là Trịnh Nguyễn phân tranh trên 200 năm).
Vậy là song song với hai dòng chảy vật chất hữu hình là một dòng chảy tư tưởng vô hình áp xuống nước Việt từ phương Bắc. Hai dòng chảy hữu hình làm cho con người linh động, sáng tạo, nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những hoàn cảnh khó khăn. Còn dòng chảy tư tưởng vô hình từ phương Bắc thì có ảnh hưởng ngược lại. Nó làm cho con người dần xơ cứng, bảo thủ, cực đoan và cuồng tín.
Lịch sử cận đại từ đầu thế kỷ XX là một ví dụ tốt hơn cho nhận định trên. Dòng tư tưởng Mao-it từ phương Bắc trộn lẫn Mác-Lê từ vài thập niên gần đây ngày càng phát huy tác dụng kìm hãm sự phát triển của nước Việt Nam.
Tuy vậy, trong lịch sử của mình nước Việt không chỉ tiếp thu duy nhất các dòng tư tưởng Khổng Nho phương Bắc. Họ còn tiếp thu tư tưởng Phật Giáo, tư tưởng Kito giáo… Trong nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, song song với sự xâm lăng của Pháp, người Việt còn tiếp xúc với tư tưởng khai phóng và công nghệ của  phương Tây. Tiếp thu Phật Giáo, nước Việt đã có một giai đoạn phát triển rực rỡ vào thời Lý Trần. Tiếp xúc với tư tưởng khai phóng phương Tây, người Việt đã có một giai đoạn “tiền phát” trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Giai đoạn này được gọi là “tiền phát” vì nó mới chuẩn bị một số điều kiện cần cho sự phát triển. Một trong các điều kiện cần ấy là sự xóa bỏ chữ Nho và thay thế bằng chữ quốc ngữ trong sinh hoạt tinh thần. Giai đoạn “tiền phát” ấy bị chững lại và bị đổi hướng do Thế Chiến thứ II và các cuộc cách mạng sau đó. Sau các biến động chính trị gay gắt trên chính trường Việt nam từ giữa thế kỷ 20, dòng tư tưởng từ phương Bắc lại thắng thế vào năm 1990 và nước Việt quay lại quỹ đạo cũ.
Gọi là quỹ đạo cũ cũng không hẳn đúng. Vì một trong hai dòng chảy vật chất đã thay đổi mạnh mẽ. Các con sông đã bị chặn bởi các đập thủy điện. Mối lo chống lũ, chống mưa không còn thường trực trong hành vi của con người Việt nam hiện đại. Dòng chảy thứ hai là gió bão cũng giảm mức đe dọa của nó. Vì các ngôi nhà đã kiên cố hơn, đường giao thông cũng khá hơn. Trong khi đó áp lực tư tưởng phương Bắc ngày càng mạnh mẽ hơn. Tức là ba dòng chảy đó không đổi hướng mà thay đổi cường độ. Do đó, hành vi của con người trong thí nghiệm giả tưởng của chúng ta cũng thay đổi rất nhiều.
Xu hướng thay đổi đó là một hiểm họa. Tại sao lại là hiểm họa? Vì hai dòng chảy nước và khí hộ trợ cho sự linh động và sáng tạo đang giảm dần, còn dòng chảy tư tưởng phương Bắc áp chế con người làm họ thụ động, cuồng tín lại tăng lên. Hơn nữa, các yếu tố chính trị cũng làm cho các hành vi ấy bị chật cứng hơn trong hành động và diễn ngôn.
Vậy chúng ta cần làm gì trước hiểm họa đó? Nhiều người hy vọng sự thay đổi thể chế sẽ làm cho hành vi chung của người Việt trở nên năng động hơn. Đó là một hy vọng đẹp trong tương lai. Vấn đề là trước mắt chúng ta cần làm gì.
Trước hết, chúng ta cần bước ra ngoài môi trường của nước Việt để suy nghĩ. Thực vậy, ta hãy thay đổi cái không gian giả tưởng 3D trong thí nghiệm trên. Ta hãy vẽ không gian 3D trong thí nghiệm mới là toàn thể Trái Đất. Thời gian của thí nghiệm giả tưởng không phải là 4000 năm của lịch sử Việt Nam, thay vào đó là thời gian được tính từ khi loài người (Homo Sapiens) bắt đầu rời Đông Phi để lan ra toàn thế giới. Thời gian trong thí nghiệm này sẽ được tính từ khoảng thời đồ đá trở về đây, tức là khoảng vài trăm ngàn năm. Mục đích đặt ra của thí nghiệm này là đi tìm hành vi phổ quát nhất của con người, không phân biệt là người Việt hay dân tộc nào khác trong tiến trình lịch sử của nhân loại, để tìm ra cái xu hướng chủ đạo trong hành vi nhân loại, từ đó mà người Việt có thể noi theo.
Hãy xét bầy người nguyên thủy cách đây vài trăm ngàn năm kể từ khi họ phát minh ra cách giữ lửa và biết làm ra các công cụ bằng đá. Kể từ ngày đó, loài người đã dần dần phát minh ra rất nhiều tiến bộ như đẽo gọt cung tên, giáo mác, kèo cột, nhà cửa, mái chèo,…. bằng các mảnh đá sắc, các con dao bằng đồng hay sắt, đến việc họ làm ra máy hơi nước, động cơ điện, máy tính hay điện thoại di động, các tàu con thoi lên mặt Trăng hay tên lửa vượt đại dương,…. Những tiến bộ ấy có chung một quá trình: phát minh, lan tỏa, hoàn thiện. Các hành vi đó có thể gộp chung vào một khái niệm gọi là áp dụng tiến bộ. Các tiến bộ ấy có mục đích chung là làm cho lao động và cuộc sống của loài người ngày càng hiệu quả hơn và tiện nghi hơn. Các tiến bộ ấy không chỉ giới hạn trong phạm vi các công cụ và thiết bị, mà còn ở cả các lãnh vực thuộc về biện pháp và thể chế tổ chức xã hội. Như vậy, hành vi phổ quát của nhân loại là không ngừng sáng tạo và áp dụng các tiến bộ. Hành vi ấy không phân biệt không gian địa lý, dân tộc hay thời đại. Chỉ có tốc độ và quy mô khác nhau tùy thời và tùy nơi. Quy luật chung là khi nào hành vi sáng tạo và áp dụng tiến bộ chậm chạp và nhỏ lẻ thì sự phát triển kém. Ngược lại, khi nào và ở đâu mà hành vi sáng tạo và áp dụng tiến bộ nhanh chóng và rộng rãi thì tại đó sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Ta gọi hành vi phổ quát ấy của nhân loại là chủ nghĩa tiến bộ.
Tất nhiên, dùng 4 chữ chủ nghĩa tiến bộ (CNTB) để kết luận về hành vi chung của hàng tỉ người trong mấy chục ngàn năm của lịch sử nhân loại thì thật là liều lĩnh và thô ráp. Tuy vậy, đó là kết luận thống kê về đặc tính trung bình. Ví dụ, một người hoài cổ vẫn có thể áp dụng tiến bộ khi anh ta dùng tờ giấy tốt hơn để chép mấy vần thơ cũ; một bà xơ lặng lẽ trong nhà thờ vẫn có thể áp dụng tiến bộ khi bà mang đến cho kẻ nghèo một cái bành mỳ làm từ loại bột chất lượng hơn; một vị vua độc tài có thể dùng thanh gươm sắc hơn để chém đầu người nào dám cất tiếng nói tự do,… Tờ giấy tốt hơn, cân bột mỳ chất lượng cao hơn, lưỡi gươm rèn bằng kỹ thuật cao hơn trong ba ví dụ trên là các tiến bộ.
Các tiến bộ là thành quả của lao động sáng tạo lâu dài và bền bỉ của nhiều người. Những người sử dụng các tiến bộ ấy chính là những người áp dụng tiến bộ. Xét về hành vi chung họ thuộc về chủ nghĩa tiến bộ (CNTB).
Bất cứ khi nào và ở đâu có sự kìm hãm hoặc đi ngược lại tiến bộ thì con người bất hạnh và xã hội tù đọng. Lối làm việc cha chung không ai khóc là một lối làm việc đi ngược lại hành vi sáng tạo và áp dụng tiến bộ, đi ngược lại chủ nghĩa tiến bộ. Có một thời người Việt nam chúng ta đã áp dụng kế hoạch hóa sản xuất, lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Thời ấy chính là thời cha chung không ai khóc. Di họa của thời ấy đến tận hôm nay vẫn chưa được rũ bỏ hết. Tại sao chưa? Vì chúng ta chưa thấu hiểu chủ nghĩa tiến bộ.
Đem so sánh những hành vi theo chủ nghĩa tiến bộ của nhân loại với các hành vi chung của người Việt nam, ta càng hiểu rõ hơn nhận xét của GS quá cố Hoàng Ngọc Hiến. Ông thường nói “cái nước mình nó thế”. Quả vậy, trong khi dân ta phải ngược xuôi vật lộn với hai dòng chảy vật chất, hoặc bị tù hãm trong dòng chảy tư tưởng phương Bắc, thì các dân tộc khác lặng lẽ và bền bỉ tìm kiếm sáng tạo, rồi lại kiên trì và mưu mẹo tích lũy nguồn lực để áp dụng tiến bộ. Sự khác nhau ấy làm cho “cái nước mình nó thế”.
Chừng nào chúng ta thấu hiểu chủ nghĩa tiến bộ, thay thế dòng tư tưởng Khổng Nho và Mác-Lê bằng dòng tư tưởng của chủ nghĩa tiến bộ thì nước Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới: nhanh chóng và mạnh mẽ.
Trong khi, nhiều người trong một số tổ chức còn say mê hoặc nhẫn nhịn với dòng tư tưởng phương Bắc, thì mỗi cá nhân người Việt nên bắt đầu với dòng tư tưởng tiến bộ. Thậm chí đối với các nhân viên công quyền, họ cũng có thể áp dụng tiến bộ bằng cách thay đổi lề lối làm việc, sao cho hiệu quả hơn, tử tế hơn. Những cá nhân khác tùy hoàn cảnh và vị trí của mình đều có thể áp dụng các tiến bộ. Các tiến bộ ấy dù nhỏ cũng không nên coi thường. Ví dụ, cư xử  thế nào cho đắc nhân tâm là những tiến bộ tâm linh đơn giản nhất mà ai cũng có thể áp dụng được ngay lập tức và miễn phí. Hoặc trong nền kinh tế hiện thời của Việt nam, thì việc chế tạo những vật liệu/hóa chất cơ bản cho các ngành dệt may, giấy, thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng… là những tiến bộ khó hơn một chút đòi hỏi trình độ các kỹ sư.  Hoặc chế tạo ra các robot phục vụ ở tiệm ăn, khách sạn, sân ga,… là những tiến bộ ở tầm các tổng công trình sư. Sửa chữa những lỗi hệ thống của thể chế sao cho nhân dân có hạnh phúc hơn, tự do hơn là các tiến bộ ở tầm lãnh đạo quốc gia. Đi theo chủ nghĩa tiến bộ (CNTB) là hành vi tích đức trong văn hóa Việt Nam.
Nếu mỗi người Việt Nam đều ý thức được chủ nghĩa tiến bộ, họ luôn săn lùng, sáng tạo và nhiệt thành áp dụng tiến bộ thì dòng tư tưởng ấy chắc chắn sẽ dần dần thay thế ba dòng chảy đang ngự trị nước Việt suốt mấy ngàn năm qua và chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vô cùng rực rỡ trong lịch sử dân tộc mình.
TS. Nguyễn Thế Hùng,
Tây Hồ, Hà Nội, ngày 5 Tết Mậu Tuất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét