Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

BA LẦN ĐAU ĐẺ CỦA CHÚA



(Trao đổi với GS. Phạm Việt Hưng về bài Sự sống, một thiết kế vĩ đại)
HÀ VĂN THÙY
Trang mạng Thôn Minh Triết đăng bài Sự sống, một thiết kế vĩ đại của GS. Phạm Việt Hưng, đề cập những vấn đề lớn của khoa học và nhận thức. Bài viết với nhiều tâm huyết và tri thức đáng để suy ngẫm. Chúng tôi nhận được bài trao đổi của Hà Văn Thùy với Phạm Việt Hựng, xin gửi đến bạn đọc.Biên tập bổ sung thêm nguyên tự những câu trích dẫn.(TSH)

1.    Vật chất - ý thức và thứ tự-hỗn độn
    Do lối tư duy phân tích (chủ biệt), ở phương Tây hình thành quan niệm nhị nguyên, chia thế giới làm hai mặt đối lập: sáng-tối, tốt-xấu, nội dung-hình thức, vật chất-ý thức… từ đây sinh ra triết học duy lý.Trong khi đó, do tư duy tổng hợp (chủ toàn), phương Đông quan niệm thế giới là Một: vạn vật đồng nhất thể. Sáng-tối, tốt-xấu, vật chất-ý thức, âm-dương… chỉ là hai mặt của cùng một sự vật, bất khả phân chia, trong quan hệ song trùng lưỡng hợp (dual unit). Nguyên lý gốc của phương Đông là: Nhất âm nhất dương chi vị đạo (一陰一陽之 猬道). Kinh Dịch viết: Câu này nghĩa rộng nhưng có thể hiểu nôm na: từ cuộc đời đến tự nhiên vũ trụ là sự tổng hòa của âm và dương. Trước khi tiếp xúc với phương Tây, phương Đông không hề phân định rạch ròi giữa vật chất với tinh thần. Trong quan niệm vẫn bị đánh giá là thô sơ, phương Đông coi mọi vật từ con người tới cây cỏ thậm chí hòn đá đều có linh hồn. Không chỉ vật chất mà lời viết, tinh thần cũng có sức mạnh. Sau 2500 năm phương Đông chiêm nghiệm “đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”(道可道非常道。名可名非常名)thì các nhà vật lý lượng tử mới giác ngộ: khi nhận ra sóng thì nó đã là hạt, khi nhận biết là hạt thì nó đã là sóng rồi! Khi vật chất phát triển tới mức cao nhất là bộ não thì sinh ra tinh thần, trí tuệ. Khi tinh thần phát triển tới mức cao (ở những người có khả năng đặc biệt hay nhà tu, thầy pháp) thì tạo ra sức mạnh tác động tới vật chất. Do vậy, từ xa xưa phương Đông coi vật chất và tinh thần là một. Tinh thần, thông tin cũng làm nên sức mạnh như vật chất.
     Phương Đông từ xưa không hề coi vũ trũ là hỗn độn mà có trật tự: thiên hạ đồng quy nhi thù đồ ( ). Vạn vật quy vào một mối, được sắp xếp lớp lang như màng nhện. Sau này, khi tiếp xúc với thuyết nguyên tử, ta hiểu rằng vũ trụ có trật tự từ trong bản thể của nó là nguyên tử. Không có tổ chức nào chặt chẽ hơn nguyên tử với hạt nhân vững chắc cùng những điện tử quay chung quanh. Thay đổi dù chỉ một điện tử, tính chất của nguyên tử đã khác.Trật tự của thiên nhiên còn thể hiện trong thứ tự nghiêm nhặt của các nguyên tố trong Bảng Tuần hoàn Menđeleev. Như vậy, theo quan niệm phương Đông, trật tự không chỉ thuộc giới sinh vật mà chung cho cả vũ trụ. 
2.    Nguồn gốc sự sống
Trong rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc sự sống, tôi nghiêng về ý tưởng cho rằng, hàng tỷ năm trước, trong điều kiện nhất định của môi trường, sáu nguyên tố C,H,O,N,S,P hóa hợp với nhau tạo ra giọt coaseva. Hàng tỷ giọt được tạo ra ngẫu nhiên và rồi cũng tan ra một cách ngẫu nhiên trong vũ trụ vô cùng. Nhưng rồi, cũng ngẫu nhiên có những giọt keo “biết” hút dưỡng chất từ bên ngoài để lớn lên. Và điều kỳ diệu xảy ra: sự sống xuất hiện! Đặc điểm quan yếu nhất của sự sống là trao đổi chất. Giọt keo lớn dần, tới lúc nào đó khi kích thước quá lớn, nó tự tách đôi: một đứa con ra đời - đánh dấu sự sinh sản đầu tiên trong vũ trụ! Đặc điểm thứ hai của sự sống xuất hiện.Và cứ thế, vũ trụ có thêm những giọt keo biết trao đổi chất, biết sinh sản! Sẽ có rất rất nhiều hạt keo như thế bị tan ra, bị biến mất do tác động của nhiệt độ, của gió, mưa, của độ chua, độ mặn… Nhưng cũng có những giọt sống sót.Trong điều kiện đó, nó sinh sản nhiều lên. Và rồi, những giọt “khôn ngoan” nhất trong số đó học được lối thích nghi với môi trường, bằng cách dồn chất keo bên trong nó chảy về một phía và “con vật” tự đưa mình tới nơi thích hợp hơn. Tính chất thứ ba của sự sống xuất hiện: biết thích ứng với môi trường. Môi trường là khái niệm rộng.Không chỉ là khoảng không gian bao quanh nó mà còn là cả vũ trụ. Đó là Mặt trời chiếu sáng, là Mặt trăng làm nên thủy triều. Là năm hành tinh kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vần vụ trên bầu trời tác động tới nó qua lực hấp đẫn. Do Trái đất quay theo trục nghiêng và quay về bên trái nên từ trường Trái đất tác động lên nó… Thích ứng với tập hợp những thông tin ấy, giọt keo nhỏ nhoi gắn sinh mệnh của mình với vũ trụ. Theo thời gian hàng tỷ năm, nhờ hấp thụ dưỡng chất từ môi trường, nhờ năng lượng từ vũ trụ, những chất hữu cơ bên trong con amip trở nên phức tạp hơn. Tới lúc nào đó một “cơ quan” chuyên biệt có chức năng chỉ đạo hoạt động của nó ra đời. Cái cơ quan ấy được truyền qua những thế hệ sau. Mặc nhiên, “mã di truyền” đơn giản nhất hình thành và rồi, theo năm tháng cũng phức tạp, tinh vi dần lên tới lúc ta có mẩu DNA đầu tiên…Vật chất sống được tạo ra như vậy chứ không phải là “sự kết hợp ngẫu nhiên của các phân tử vô cơ” như giáo sư Phạm Việt Hưng diễu cợt.
     Tại sao sự sống bất đối xứng? Lẽ giản đơn, là đứa con do vũ trụ bất đối xứng sinh ra nên nó không thể khác. Hay viết cụ thể hơn: do sự tự quay của Trái đất tác động. Vòng xoay trái đất cuốn chất lỏng trong tế bào chảy theo dòng xoắn khiến cho cặp đôi DNA mỏng manh, mềm mại bơi trong dòng dịch tế bào cũng xoắn theo! Từ xa xưa, người phương Đông đã nhận ra vũ trụ bất đối xứng. Kinh Dịch viết: tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số ( 天 兩 地 而 倚 數) - cái số gốc của vũ trụ là ba phần dương và hai phần âm! Năm 1958, chàng trai trẻ người Hán Dương Chấn Ninh “ẵm”giải Nobel vật lý nhờ đưa ra dự báo: phân rã hạt nhân nguyên tử, cho ra ba phần vật chất dương và hai phần vật chất âm là do nắm được nguyên lý này của Dịch.
      Tôi không thể hình dung nổi chuyện có một nhà thiết kế vĩ đại tạo ra mọi điều trong vũ trụ mênh mông hàng tỷ năm. Sự việc có lẽ đơn giản hơn nhiều. Sự sống ngay từ khi xuất hiện đã buộc nó phải vận hành trong quy luật thép: thuận thiên giả tồn, nghịch thiên tắc vong đúng ra là: thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong    ( ) theo trời thì sống, chống trời thì chết! Sau rất nhiều cái chết, cơ thể sống học khôn để vận động theo quy luật của vũ trụ. Tạo hóa dường như dân chủ hơn: ban hành “pháp luật” hợp lý và nghiêm khắc rồi để cho vạn vật vận động, tự sáng tạo mình. Chính là quá trình chọn lọc tự nhiên cùng sự thích ứng lâu dài của sinh vật đã làm nên sự sống đa dạng tuyệt vời.
Ba lần đau đẻ của chúa
    Darwin không phải người đầu tiên đề xuất sự tiến hóa của sinh vật.Ý tưởng này ra đời trước cả Socrates. Khoảng năm 610 TrCN triết gia Hy Lạp Anaximander đã khẳng định con người tiến hóa từ loài cá trên biển và đưa bằng chứng qua những di vật xương hóa thạch và cách cá mập nuôi con. (1)


     Đã quá nhiều giấy mực ca ngợi Darwin nhưng càng nhiều hơn giấy mực rủa xả ông. Ở đây xin bàn đôi chút. Trước hết, xin tiến sĩ Vũ Hữu Như và giáo sư Phạm Việt Hưng xem lại. Phân loại học sử dụng các thuật ngữ ngành, lớp, bộ, họ, giống, loài và cuối cùng là thứ hay chủng. Hai vị đã lẫn giống với loài nên dễ gây hiểu lầm.


     Tiến hóa của loài người là câu chuyện nan giải, suốt thế kỷ XX khoa học bất lực trong lầm lẫn. Nhưng sang thế kỷ XXI, nhờ di truyền học và nhiều thành tựu khảo cổ học, sự việc đã trở nên rõ ràng hơn. Trong bảng phả hệ, người thuộc họ người Hominidae, giống người Homo. Giống người có nhiều loài khác nhau, đã bị tuyệt diệt, nay chỉ còn duy nhất loài chúng ta Homo sapiens tồn tại. Từ hóa thạch, khoa học biết tớiAustralopithecus, Homo heidelbergensis, Homo habilis, Homo erectus, Homo denisovan, Homo Neanderthal… Tuy nhiên, do mẫu vật quá ít và chưa có điều kiện giải trình tự DNA nên hiểu biết về họ còn hạn chế. Năm 1998, lần đầu tiên, di truyền học phát hiện, loài chúng ta được sinh ra ở Đông Phi khoảng 180.000 tới 200.000 năm trước. Sau nhiều năm, nhờ khảo cổ học, con số được tính chính xác là 195.000 năm. Nhưng rồi ngày 6 tháng 7 năm 2017, tạp chí National Geogrephic công bố bài viết của Michael Greshko Những con người sống 300.000 năm trước nhưng có khuôn mặt của người hiện đại. Bài báo cho biết, mới tìm thấy hóa thạch hominins khoảng 300.000 - 350.000 năm tuổi tại Jebel Irhoud Marốc. Đó là đại diện cho giai đoạn tiến hóa sớm nhất của Homo sapiens. Các phát hiện được công bố đã lấp đầy khoảng cách rất quan trọng trong số liệu hóa thạch của con người. Các cư dân của di chỉ Ma-rốc không phải là Homo sapiens ngày nay. Hộp sọ của họ ít tròn và dài hơn của chúng ta, có lẽ là dấu hiệu của sự khác biệt giữa bộ não của chúng ta và họ. Tuy nhiên, răng của họ gần giống với răng của con người hiện đại và khuôn mặt của họ trông giống như chúng ta. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, sự tiến hóa của con người hiện đại có vẻ cổ xưa hơn và phân tán rộng hơn ở châu Phi so với các khám phá trước đó.”(2)

     Khám phá Ma-rốc đã đẩy thời gian xuất hiện của con người lên hơn 100 năm. Điều này cho thấy, đột biến tạo ra loài chúng ta xảy ra sớm hơn. Một câu hỏi nảy sinh: phải chăng, người Ma- rốc là đai diện sớm nhất của Homo sapiens? Có nghĩa là loài chúng ta xuất hiện 300.000 năm trước, ở Tây Phi? Rất may, chúng ta sớm có câu trả lời. Bài báo Quá trình khô hạn ở Đông Phi trong nửa triệu năm qua và tác động đối với sự tiến hóa của con người đăng trên Kỷ yếu Viện Hàm lâm quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) ngày 8.10. 2018 trình bày kết quả khảo cổ hồ nước mặn Magadi, nằm ở cực nam của thung lũng tách giãn lớn trong lưu vực đá núi lửa đứt gãy Kenia, có diện tích khoảng 100 km². Xin trích những dòng sau:
“… Các điều kiện khô hạn trong lưu vực Magadi trùng với sự kiện Mid-Brunhes và chồng chéo với sự tuyệt chủng của động vật có vú ở Rift Nam Kenya giữa 500.000 và 400.000 năm trước. Giai đoạn khô hạn 525.000 đến 400.000 năm được phát triển ở Rift Nam Kenya giữa thời kỳ các công cụ Acheulean cuối cùng được báo cáo (khoảng 500.000 năm) và trước sự xuất hiện của các hiện vật Trung kỳ Thời đồ đá (khoảng 320.000 năm). Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng việc tăng cường khô hạn và biến đổi môi trường giữa Trung và Hậu Pleistocene có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển về thể chất và văn hóa của người Homo sapiens ở Đông Phi.”“… Nghiên cứu này chứng minh các bằng chứng lục địa, cốt lõi cho sự gia tăng liên tục về độ khô hạn kể từ khoảng 575.000 năm trong lưu vực Magadi, với sự thay đổi đáng kể từ sự kiện Mid-Brunhes (430.000 năm). Sự khô hạn mạnh mẽ trong lưu vực Magadi tương ứng với sự tuyệt chủng của động vật và những thay đổi trong các bộ công cụ trong bể Olorgesailie gần đó. Dữ liệu của chúng tôi phù hợp với biến đổi khí hậu như một động lực quan trọng trong quá trình tiến hóa hominin, nhưng cũng gợi ý rằng việc tăng cường khô hạn có thể có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn gốc của Homo sapiens hiện đại và sự khởi đầu của Trung kỳ Thời Đồ đá.” (3)
     Bài báo cho thấy, những giai đoạn hạn hán khủng khiếp kéo dài hàng trăm ngàn năm ở "cái nôi của loài người" – thung lũng Great Rift Valley ở Đông Phi – gây nên sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều động vật có vú nhưng lại thúc đẩy sự tiến hóa của các hominin Nhờ có sự tiến hóa đó, vào khoảng 315.000-320.000 năm trước, một loài mới được sản sinh ra là homo sapiens (người tinh khôn hay người hiện đại).
     Khám phá hồ Magadi chỉ ra, trong điều kiên khô hạn liên tục, một dạng hominin đã thích ứng và chuyển hóa thành Homo sapiens. Có cơ sở để tin rằng, người Khôn Ngoan ra đời sớm nhất tại đây rồi di cư tới Ma-rốc khoảng 300.000 năm trước. Giả sử có người thiết kế vĩ đại thì lúc này cơ sự sẽ ra sao? Phải chăng ông (bà) ta, một tay gieo tai họa môi trường, hủy diệt hàng loạt sinh linh còn tay kia rút từ nách ra con vật đi bằng hai chân được thiết kế đặc biệt để sau này gọi là Homo sapiens? Nhưng sọ Ma-rốc là cái sọ hiếm hoi tìm được: người Ma-rốc đã tuyệt chủng! Chỉ tới 195.000 năm cách nay, tại Ethiopia mới xuất hiện một dạng Homo sapiens khác, nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới, trở thành đại diện duy nhất của loài người, không có liên quan về di truyền với cả người Magadi cũng như người Ma-rốc. Vì không để lại gen trong DNA loài người hôm nay nên cố nhiên, người Magadi và người Ma-rốc đã tuyệt diệt trước khi loài chúng ta ra đời. Câu hỏi đặt ra: nguyên nhân nào làm cho hai dạng người này biến mất? Để giải thích, các học giả cho rằng, dù có đầu tròn giống chúng ta, nhưng do hộp sọ dài chứng tỏ não chưa phát triển nên không thich ứng được với thay đổi của môi trường. Đáp án này không phải hoàn toàn vô lý khi ta nhìn vào nguyên nhân làm cho người Magadi ra đời.
     Từ trình bày trên có thể đưa ra nhận định: khoảng 320.000 năm trước, do khu vực Hồ Magadi khô hạn kéo dài khiến cho người Homo sapiens magadian xuất hiện rồi di cư tới Ma-rốc. Nhưng sau đó, do không thích ứng với thay đổi tiếp theo củamôi trường, dòng người này đã tuyệt diệt. 195.000 năm cách nay, một dạng Homo sapiens mới, được ra đời trên đất Ethiopia và trở thành tổ tiên của loài người hiện nay.
     Tới đây nảy sinh vấn đề thú vị cần suy ngẫm: trong thời gian hơn trăm năm từ 320.000 BP đến 195.000 BP xảy ra hai sự kiện là người Ma-rốc và người Ethiopia ra đời, cùng ở Đông Phi và cùng thuộc loài Homo sapiens. Người Ma-rốc bị tuyệt diệt trong khi người Ethiopia chiếm lĩnh Trái đất. Giải thích diều này như thế nào? Sẽ có cách giải thích là, do con người sinh ra ở Ma-rốc có bộ óc chưa hoàn chỉnh. Còn sau đó, nhờ bộ óc hoàn chỉnh, người Ethiopia sống sót! Như vậy, phải gọi “cái sự hơn”này là gì? Gọi là “tiến hóa” được chăng? Nếu được phép dùng chữ “tiến hóa”thì sự tiến hóa này gọi là gì?Phải chăng là “sự tiến hóa cùng loài, từ bậc thấp lên bậc cao hơn?” Chưa có câu trả lời thỏa đáng! Một vấn đề chưa thể lý giải khác: hai dạng người sinh ra vào thời gian khác nhau nhưng sao lại cùng một loài Homo sapiens?  Rõ ràng là vấn đề về sự tiến hóa của con ngườivẫn còn không ít chuyện cần làm rõ. Tuy nhiên vì vậy mà phủ định sự tiến hóa của loài người thì quá dũng cảm!
     Giáo sư Phạm Việt Hưng tuyên bố: “Nhưng sau hơn 150 năm kể từ khi Darwin công bố cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species, 1859), hóa thạch vẫn luôn luôn viết KHÔNG đối với thuyết tiến hóa.” Sự thực không phải như vậy. Bài báo Sự thật không ngờ về thời 'ăn lông ở lỗ'trên trang Khoahoc.tv nói trên khẳng định: Loài trung gian giữa vượn và người đã được tìm thấy từ lâu. Trong quá trình tiến hóa của con người vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Vì tiến hóa là một quá trình dài, trải qua nhiều giai đoạn trung gian nên việc phát triển từ vượn lên người chậm chạp và qua nhiều hình thái khác nhau. Trong đó nhiều người cho rằng, mắt xích từ vượn lên người vẫn còn thiếu và hoàn toàn bí ẩn với nhân loại. Chính vì vậy nhiều giả thuyết không phù hợp đã ra đời, họ cho rằng, các sinh vật bí ẩn mang dáng người như  Bigfoot, hay Người Tuyết Yeti chính là trung gian giữa vượn và người hiện đại. Nhưng thực ra mắt xích trung gian đã được tìm thấy từ lâu - Australopithecus và người Homo habilis. Hai mắt xích này đã được tìm thấy vào năm 2010. Hóa thạch tìm thấy đã chỉ ra các đặc điểm tương tự như vượn, thấp, tay rất dài, chân ngắn, không có đuôi nhưng lông đã ít dần, hộp sọ to hơn, sinh sống hoàn toàn trên mặt đất. Những bằng chứng trung gian giữa vượn và người càng ngày càng được phát hiện liên tục và là một điều không quá đỗi bí ẩn.”(4)

                                                     

Chân dung người Australopithecus.Australopithecus skull
“Các loài Australopithecus đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người.Giống Homo có nguồn gốc từ Australopithecus tại một thời điểm sau ba triệu năm trước. Thêm vào đó, họ là những con người đầu tiên sở hữu một số gen nhất định, được gọi là SRGAP2 trùng lặp, làm tăng chiều dài và khả năng của các tế bào thần kinh trong não. Một trong những loài đã phát triển thành giống Homo ở châu Phi khoảng hai triệu năm trước (ví dụ Homo habilis), và cuối cùng là loài người hiện đại, H. sapiens sapiens.” (5)
     Còn loài người đang sống hiện nay thì sao? Có tiến hóa nữa không? Chỉ có thời gian mới trả lời được! Từ kinh nghiệm Hồ Magadi, chuyện có thể xảy ra là, vào thời diểm nào đó trong tương lai, một tai biến môi trường do thiên nhiên hay do chính con người gây ra, khiến cho nhân loại diệt vong. Chỉ một nhóm người nào đó sống ở nơi thuận lợi hơn may mắn thoát nạn để rồi đột biến gen, trải qua hàng trăm ngàn năm thành loài người khác!
     Sự sống- một thiết kế vĩ đại; nhưng người thiết kế là ai? Nếu mọi con đường cùng đến La Mã thì mọi sự thiết kế cuối cùng cũng dẫn tới Chúa trời. Kinh thánh viết, Chúa sáng tạo con người. Nhưng câu hỏi nảy sinh, con người ấy là ai? Chỉ là loài người Khôn Ngoan Homo sapiens chúng ta thôi sao? Nếu vậy thì Chúa chẳng có lòng lành!  Người đứng thẳng được sinh ra ngoài ý Chúa?! Nếu thực có lòng lành thì ngài đã lấy đất sét sông Nile tạo ra con người theo mẫu hình của mình. Đó là người đứng thẳng Homo erectus hai triệu năm trước. Con người hoàn toàn giống Chúa, kể cả khuôn mặt thô và bộ óc khiếm khuyết! Nhưng rồi khi thiên nhiên khắc nghiệt tiêu diệt con cái của Chúa thì ngài cay đắng nhận ra thất bại.

                  Sọ người Homo erectus Đại Lý Vân Nam 200000 năm trước

                     

         Sọ Morocco  300.000 năm trước             Sọ ở Lào 63.000 năm trước
     Phải hàng trăm nghìn năm sau, vừa rút kinh nghiệm, vừa tự hoàn thiện bản thân để có não tiến bộ hơn, khuôn mặt “dễ coi” hơn, Chúa sinh ra người Marốc. Nhưng rồi người Marốc cũng bị diệt vong, Chúa nhận ra lần thứ hai thất bại.Và phải hàng trăm nghìn năm sau, vừa “phấn đấu hoàn thiện bản thân” vừa học khôn từ thiên nhiên nên bộ não của Ngài trở nên hoàn chỉnh. Đến một ngày đẹp trời 195.000 năm trước, tại phúc địa xứ Ethiopia, Chúa sinh hạ loài chúng ta Homo sapiens, một sản phẩm đúng theo mẫu hình của Ngài khi đó!Như vậy là chúng ta càng phải cảm ơn Chúa vì Ngài sinh ra chúng ta không hề dễ dàng mà ít nhất phải qua ba lần đau đẻ.Trong thời kỳ thai nghén dài vô tận, chúa phải kỳ công học khôn ở thiên nhiên để tự hoàn thiện mình… từ chân tay đến đầu óc! Chúa thật lòng lành nhưng liệu có thể viết là toàn năng?
     Kinh Thánh viết, Chúa sinh ra con người theo hình hài của mình. Nhưng thiển nghĩ, có lẽ không phải vậy. Chính CON  NGƯỜI khi cần nơi nương tựa cho tâm hồn yếu đuối của mình đã sinh ra Chúa rồi phóng chiếu lên tầm vũ trụ. Chúa an ủi con người nhưng rồi tới lúc nào đó trở thành công cụ nô lệ con người!

                                                                                      Sài Gòn, cuối Thu 2018
                                                                                                                         H.V.T
                                                   Tài liệu tham khảo:
1.Bertrand Russell. Minh triết học phương Tây.Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng dịch.
2.Michael Greshko. These Early Humans Lived 300,000 Years Ago—But Had Modern Faces. http://news.nationalgeographic.com/2017/06/morocco-early-human-fossils-anthropology-science/ PUBLISHED JUNE 7, 2017
3. R. Bernhart Owen et al. Progressive aridification in East Africa over the last half million years and implications for human evolution. PNAS October 8, 2018 
4. Khoahoc.tv.Sự thật không ngờ về thời 'ăn lông ở lỗ' https://khoahoc.tv/nhung-su-that-khong-ngo-ve-thoi-an-long-o-lo-48491
5.Toth, Nicholas and Schick, Kathy (2005). "African Origins" in The Human Past: World Prehistory and the Development of Human Societies (Editor: Chris Scarre). London: Thames and Hudson. Page 60. ISBN 0-500-28531-4 
https://en.wikipedia.org/wiki/Australopithecus

                                                             Phụ lục
        NHÂN NĂM KHỈ BÀN VỀ NGUỒN GỐC CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI*
GSTS. Nguyễn Văn Tuấn
Viện Y khoa Garvan, Australia.
Bằng chứng 1: Mối liên hệ huyết thống giữa khỉ và con người
Một giả thuyết được phần đông giới nhân chủng học chấp nhận là khoảng 10 triệu năm trước đây, có ít nhất là hai giống khỉ sinh sống ở Phi châu. Một giống là tổ tiên của loài khỉ đột ngày nay, và một giống là tổ tiên chung của tinh tinh và con người. Khoảng 5 triệu năm sau, giống khỉ tổ tiên của tinh tinh và con người tách ra hai giống khác nhau: một trở thành tổ tiên của loài tinh tinh, và một trở thành tổ tiên của con người.
Giả thuyết trên được xây dựng bằng các dữ kiện di truyền học. Trong bất cứ gen nào hay dãy DNA nào được khảo sát, con người và tinh tinh có cấu trúc gen và DNA giống nhau hơn là giữa tinh tinh với khỉ đột. Nếu so sánh DNA của con người và DNA của tinh tinh, sự trùng hợp lên đến 98.4%, tức chỉ khác biệt 1.6%. Phân tích chuỗi DNA trong hệ thống máu globin, mức độ trùng hợp giữa con người hiện đại và tinh tinh là 98.76%, tức chỉ khác biệt trên dưới 1%. Những khác biệt về chuỗi DNA và đột biến này giúp cho các nhà khoa học ước tính được thời gian mà con người và khỉ tách rời ra thành hai nhóm độc lập.
Chính vì sự trùng hợp di truyền này, nhiều nhà nhân chủng học đề nghị xếp loại tinh tinh thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm Pan troglodytes (hay những tinh tinh ‘thường’), nhóm 2 gồm Pan paniscus (còn gọi là bonobo hay pygmy chimpazee – tinh tinh nhỏ), và nhóm 3 là ... chúng ta, tức Homo sapiens, người thông minh.
Tuy nhiên, con người có 23 cặp nhiễm sắc thể (chromosomes), còn tinh tinh (và ngay cả khỉ đột, đười ươi) có đến 24 cặp nhiễm sắc thể. Nghiên cứu kĩ cho thấy hai cặp nhiễm sắc thể trong tinh tinh nhập thành nhiễm sắc thể số 2 trong con người. Không ai biết tại sao có sự khác biệt nhỏ này, nhưng nó có thể là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa con người và loài tinh tinh mà chúng ta thấy ngày nay.
Thời điểm mà con người và loài tinh tinh trở nên độc lập nhau (tức khoảng 5 triệu năm về trước) cũng phù hợp với những dữ kiện khảo cổ, nhân chủng học. Năm 1995, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học California tại Berkely và đồng nghiệp ở Ethiopia công bố một công trình nghiên cứu cho thấy, qua phân tích sọ và xương đùi phát hiện ở Ethiopia, con người và loài tinh tinh bắt đầu tách riêng ra khoảng 4,3 triệu năm về trước.
Bằng chứng 2: Bà Eve
Tháng Tư năm nay (2003), một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Maryland (Mĩ) do nhà nghiên cứu Sarah Tishkoff dẫn đầu công bố một phân tích di truyền học trên hơn 600 người Tanzania (hiện đang sống) trong 14 bộ lạc thuộc 4 nhóm ngôn ngữ khác nhau [3]. Họ phân tích khuynh hướng phân bố của các mảng DNA nhỏ có tên là mitochondrial DNA (hay còn gọi tắt là mtDNA) [4]. Đây là một phương pháp phân tích đáng tin cậy nhất và chính xác nhất để truy tìm nguồn gốc con người, bởi vì các mảng DNA nhỏ này chỉ hiện diện trong buồng trứng, và vì thế chỉ di truyền trong giống cái. Tỉ lệ đột biến (tức những biến đổi mtDNA) là một thước đo khoảng thời gian từ khi có con người trên trái đất. Chủ nhân của mảng mtDNA (dĩ nhiên là một phụ nữ) thường được gọi là Bà Eve. Cố nhiên, vào thời đó có thể có nhiều phụ nữ cũng có thể là chủ nhân hay có cùng mảng mtDNA với Bà Eve, nhưng theo thói quen, người ta gọi Bà Eve cho gọn.
Tiến sĩ Tishkoff và đồng nghiệp của bà chọn các sắc dân Đông Phi châu để làm nghiên cứu vì lí do ở đây mức độ khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, và thể chất con người, rất lớn. Có bộ lạc người Đông Phi châu rất cao, nhưng cũng có bộ lạc mà phần lớn có chiều cao rất thấp; có bộ lạc da rất đen, nhưng cũng có bộ lạc da chỉ ngâm đen; có bộ lạc mặt tròn, nhưng cũng có bộ lạc mặt nhỏ và hẹp, v.v... Những khác biệt về đặc tính nhân trắc và văn hóa này trong cùng một vùng là một đặc tính lí tưởng cho việc nghiên cứu cổ nhân chủng học và di truyền học. Viết theo ngôn ngữ của di truyền học, Đông Phi châu là nơi có gen rất đa dạng, và càng đa dạng thì việc phân tích và phân loại càng dễ dàng hơn. Thực vậy, các bộ lạc trong năm sắc dân tại đây có quá nhiều đột biến gen so với các sắc dân khác, đó là một dấu hiệu cho thấy vùng Đông Phi châu là một vùng đất mà con người từng có mặt rất lâu đời. Lâu đời hơn cả người Kung San ở vùng Nam Phi châu, mà trước đây chúng ta tin rằng họ có mtDNA lâu đời nhất.
Nếu nhận dạng theo bộ lạc, 5 sắc dân này là: người Sandawe, viết tiếng "click" có liên hệ với người tóc rậm (còn gọi là người rừng, hay Bushmen chuyên sống gần vùng sa mạc) của dân tộc Kalahari; người Burunge và Gorowaa, họ di dân từ Ethiopia đến Tanzania chỉ trong vòng 5.000 năm trở lại đây; và người Maasai và Datog, những người có thể xuất phát từ Sudan. Nỗ lực của nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Tishkoff còn góp phần xây dựng nên một ngân hàng chứa các dữ kiện về mtDNA.Qua đó chứng minh được rằng 5 sắc dân này có mặt lâu đời nhất trên thế giới hiện được biết. Điều này có nghĩa là Bà Eve là một người gốc Đông Phi châu hay Đông Bắc Phi châu. Có thể vùng đất thuộc Ethiopia hay Sudan ngày nay là nơi mà con người hiện đại khai sinh.
Nếu tỉ lệ đột biến mtDNA không thay đổi theo thời gian (một giả định được xem là đáng tin cậy), và bằng một phương pháp thống kê học, các nhà khoa học có thể ước đoán rằng tổ tiên lâu đời nhất của con người hiện đại khai sinh khoảng 170.000 năm về trước. Nên nhớ rằng chỉ “có thể” thôi.Nhưng điều quan trọng là ước tính này nhất quán với bằng chứng từ các thạch cốt.
Bằng chứng 3: "Trưởng lão" Idaltu
Tháng 6 vừa qua, một nhóm nghiên cứu liên quốc gia gồm Tim White và F. Clark Howell thuộc Đại học California tại Berkeley, và một nhóm nghiên cứu do Berhane Asfaw thuộc Rift Valley Research Service ở Addis Ababa, công bố khám phá liên quan đến 3 sọ người hóa thạch trong vùng Herto Bouri của Ethiopia[5].  

                                                            Sọ Idaltu


Một điểm đáng chú ý nhất của 3 sọ người đó là tất cả đều là phái nam ; trong đó có một sọ có lẽ của một em bé 6 hay 7 tuổi. Ngoại trừ một vài trường hợp mất răng, và vài thiệt hại phần trái của sọ, những sọ hóa thạch này đều có đầy đủ đặc tính của con người hiện đại. Dùng phương pháp quang tuyến isotope, các nhà nghiên cứu ước tính ba sọ người này có độ tuổi từ 154.000 đến 160.000 năm.


Khi các nhà nghiên cứu rửa sạch và ráp nối những mảnh sọ với nhau, họ có thể cho ra một câu chuyện hoàn chỉnh. Cũng giống như con người hiện đại, những chủ nhân của 3 sọ này có khuôn mặt nhỏ, hơi dài. Dung lượng sọ của một người có mã số BOU-VP-16/1 là 1.450 cm3, tức là rộng hơn dung lượng của một con người hiện đại. Mặc dù sọ của người Herto (một sắc dân Phi châu) lớn và dài hơn con người hiện đại, các nhà nghiên cứu cho rằng người Herto có lẽ là một giống người thông minh hiện nay, Homo sapiens, đầu tiên vừa được phát hiện, tức là tổ tiên trực tiếp của chúng ta ngày nay. Cũng như nhóm nghiên cứu Đại học Maryland, qua 3 sọ người này, Tim White và đồng nghiệp ông ta kết luận rằng nguồn gốc của con người hiện đại quả bắt nguồn từ Phi châu.
Bởi vì sọ người Herto vừa được phát hiện không đồng dạng với các hài cốt con người cổ xưa từ bất cứ một vùng nào trên thế giới, các nhà nghiên cứu phải xếp 3 sọ người này vào một nhóm mới và đặt tên là Homo sapiens idaltu.Chữ idaltu xuất phát từ tiếng Afar ở Ethiopia, và có nghĩa là “trưởng lão.”
Ngay cả các nhà nghiên cứu không tham gia vào công trình nghiên cứu trên cũng đồng ý rằng 3 sọ người Herto là một bằng chứng thuyết phục nhất về con người hiện đại, và phù hợp với Giả thuyết Phi châu về nguồn gốc con người hiện đại. Sọ người Herto còn cung cấp một bằng chứng nhất quán với sự chuyển tiếp về niên đại trong các sắc dân Phi châu được khám phá trong vài năm qua. Chẳng hạn như: các sọ người và thạch cốt thuộc giống người đứng thẳng (Homo erectus) từ Daka, có niên đại khoảng 1 triệu năm về trước; sọ người cổ Bodo với niên đại khoảng 500.000 năm; một vài thạch cốt được khám phá gần Omo Kibish vào năm 1967 có niên đại khoảng 125.000 năm; và một số thạch cốt từ Qafzeh thuộc Do Thái – tức là một hướng di dân từ Phi châu – có niên đại khoảng 92.000 năm.
Tất cả những phát hiện trên đây cho thấy Phi châu là nơi mà con người xuất hiện sớm nhất. Nhưng những phát hiện này không loại trừ khả năng các giống dân cùng tiến hóa một lượt trong các vùng khác trên thế giới, như những người theo Giả thuyết Nhiều vùng đề nghị. Một cách thử nghiệm đáng chú ý nhất của các nhà khoa học theo Giả thuyết Nhiều vùng là nghiên cứu trên giống dân cổ Neandertals, một giống dân chỉ tìm thấy ở Âu châu. Theo họ, giống dân Neandertals (sống vào khoảng 200.000 đến 27.000 năm trước đây) thể hiện một sự chuyển tiếp từ người Âu châu Homo erectus đến người thông minh ngày nay (Homo sapiens sapiens). Thế thì câu hỏi được đặt ra là: Có phải sọ người Herto chỉ đơn thuần là tổ tiên của những người Phi châu mà thôi (cũng như giống dân Neandertals là tổ tiên người Âu châu ngày nay?)
Câu trả lời là "Không." Lí do đơn giản là những sọ người Herto cho thấy người Phi châu đã phát triển bộ xương của một con người hiện đại, còn các thạch cốt của giống dân Neandertals vẫn chưa thể xem là con người hiện đại.
Bằng chứng 4: Giống người Neandertals
Năm 1997, Svante Paabo thuộc Viện nghiên cứu Tiến hóa nhân chủng học (Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology) tại Leipzig, Đức, là người đầu tiên chiết mtDNA từ giống dân Neandertal [6]. Công trình nghiên cứu này được đánh giá là công phu, độc đáo, đầy sức mạnh về phương pháp nghiên cứu trong tiến hóa học. Mảng mtDNA của giống dân Neandertal được so sánh với mtDNA của 2.000 người hiện đang sống vòng quanh thế giới. Kết quả cho thấy mtDNA của giống dân Neandertals không đồng dạng với mtDNA của người Âu châu. Viết một cách khác, qua bằng chứng di truyền học, giống dân Neandertals không phải là tổ tiên của người Âu châu ngày nay. Đây là một khám phá quan trọng, vì nó loại bỏ vai trò của người Neadertals trong việc suy luận về nguồn gốc con người hiện đại. Đó là một khám phá đánh một “đòn chí tử” vào Giả thuyết Nhiều vùng.
Nhưng các nhà khoa học theo Giả thuyết Nhiều vùng vẫn chưa chịu thua. Giáo sư Milford Wolpoff thuộc Đại học Michigan và Giáo sư Alan Thorne thuộc Đại học Quốc gia Úc châu ở Canberra, chất vấn kết luận của công trình nghiên cứu trên. Họ đề nghị nghiên cứu thêm các mảng mtDNA từ một số người Neandertals khác, vì họ nghi ngờ rằng mẫu mtDNA của nhóm Paabo dùng còn quá nhỏ và có thể quá cá biệt, không đại diện cho tổng thể giống dân Neandertals được. Họ còn tiên đoán rằng mtDNA của giống dân Neandertal sẽ đồng dạng với người Âu châu cổ hơn là người Âu châu đang sống ngày nay. Đó là một phê bình công bằng.
Để khắc phục nhược điểm mà Wolpoff và Thorne nêu lên, một số nhóm nghiên cứu khoa học trên thế giới bèn tiến hành nhiều nghiên cứu để thử nghiệm giả thuyết của Milford Wolpoff và Alan Thorne, bằng cách dùng phương pháp nghiên cứu của nhóm Max Planck. Kết quả của tất cả các nghiên cứu này đều nhất quán một điều: mẫu mtDNA của giống dân Neandertal khác xa với mẫu mtDNA của người Âu châu cổ hay người Âu châu hiện nay. Chẳng hạn như công trình nghiên cứu của Giorgio Bertorelle và đồng nghiệp thuộc Đại học Ferrara (Ý) cho thấy mẫu mtDNA của hai nhóm người Âu châu cổ (Cro-Magnons ở Ý) có niên đại 23.000 đến 24.720 năm rất khác với 4 mẫu mtDNA của giống dân Neandertals có niên đại từ 42.000 đến 29.000 năm [7]. Mức độ khác biệt giữa hai mẫu mtDNA khá cao: 22 đến 28 trong số 360 đột biến nghiên cứu. Điều quan trọng là các mẫu mtDNA của người Cro-Magnon, như dự đoán, rất tương đương với mẫu mtDNA của người Âu châu ngày nay, với tỉ lệ đột biến chỉ khác nhau có 1 trong số 2.566 mẫu mtDNA !
Viết một cách khác, mtDNA của người Âu châu hiện nay cũng chính là mtDNA của người Cro-Magnons, và do đó, giống dân Neandertals không phải là một giống người nằm trong quá trình tiến hóa từ Homo erectus sang người Homo sapiens hiện đại. Giống dân Neandertals không phải là tổ tiên của người Âu châu hiện đại.
Bằng chứng và tính thuyết phục
Giả thuyết Phi châu về nguồn gốc con người hiện đại càng ngày càng trở nên thuyết phục, vì hầu hết các nghiên cứu, nhất là nghiên cứu di truyền học, đều cho ra một câu trả lời kiên định, trước sau như một. Câu trả lời này phù hợp với giả thuyết rằng con người hiện đại, dù là ở Á, Âu, Mĩ châu đều có tổ tiên xuất phát từ Phi châu, đặc biệt là từ Đông Phi châu viết chung, và Ethiopia hay Sudan viết riêng, bởi vì nơi đây là quê hương của những thạch cốt con người cổ nhất thế giới. Các nghiên cứu này cũng loại bỏ khả năng về mối liên hệ giữa người Neandertals và con người hiện đại, và do đó, không nhất quán với Giả thuyết Nhiều vùng.
Mặc dù sức thuyết phục của các nghiên cứu này rất cao, nhưng chúng ta cần phải cảnh giác rằng những thạch cốt dùng trong nghiên cứu chỉ viết cho chúng ta biết hình dạng của tổ tiên chúng ta ngày xưa, cùng nơi chốn và thời gian mà họ từng sinh sống. Công trình nghiên cứu của White-Howell-Asfaw cho thấy thạch cốt khám phá từ Ethiopia có niên đại khoảng 160.000 năm. Các nhà khoa học theo Giả thuyết Phi châu đang ăn mừng.
Nhưng các nhà khoa học theo Giả thuyết Nhiều vùng chưa đầu hàng, hay ít ra là họ cần một thời gian để tuyên bố đầu hàng. Hiện nay, họ bị mất rất nhiều cảm tình viên. Giáo sư Wolpoff vẫn kiên trì bảo vệ Giả thuyết Nhiều vùng mà ông từng đề nghị nhiều năm trước đây. Có thể nhiều khám phá sắp tới sẽ làm cho cán cân khoa học nghiêng về phía Giả thuyết Nhiều vùng, nhưng họ cần phải có nhiều – rất nhiều bằng chứng – để bác bỏ Giả thuyết Phi châu.
Tản mát ra khỏi Phi châu
Nếu tổ tiên con người hiện đại xuất phát từ Phi châu, thì một câu hỏi được đặt ra là sau đó họ đi đâu, vào lúc nào? Bằng chứng khảo cổ học cho chúng ta nhiều thời điểm mà con người di dân ra khỏi Phi châu, và những thời điểm này có thể đối chiếu với bằng chứng di truyền học để cho ra một câu chuyện di dân tương đối hoàn chỉnh. “Bằng chứng di truyền” ở đây là những phân bố DNA và gen trong các sắc dân hiện đại trên khắp 5 châu. Qua những phân bố DNA và gen, chúng ta có thể ước tính những khoảng cách di truyền giữa các sắc dân [8]. Khoảng cách di truyền càng gần có nghĩa là hai sắc dân càng giống nhau. Kết quả phân tích này có thể tóm gọn như sau [9]: 

Khoảng cách di truyền
Thời điểm định cư đầu tiên
( x 1000 năm)
Phi châu – Á châu
0.206
100
Á châu – Úc châu
0.100
55
Á châu – Âu châu
0.097
43
Âu châu – Mĩ châu
0.089
15 – 50




Theo kết quả phân tích khoảng cách di truyền giữa các sắc dân và các hiện vật cổ, chúng ta có thể khẳng định rằng con người hiện đại di dân ra khỏi Phi châu và đến Á châu vào khoảng 100.000 năm trước đây. Có thể trong đợt di dân đầu tiên họ đến vùng Trung Đông, nhưng không thể định cư được vì thời tiết khắc nghiệt, sau đó có thể họ phải làm thêm một hành trình thứ hai từ Trung Đông đến tận vùng Đông Nam Á châu. Cũng có thể họ đi thẳng từ Đông Phi châu, dọc theo đường biển Ả Rập ngày nay băng ngang qua Ấn Độ, và đến định cư ở Đông Nam Á.
Từ Đông Nam Á, họ lại di cư một lần nữa: nhóm một đi về hướng Nam ra Úc châu và Tân Guinea; nhóm hai đi về hướng Bắc đến Trung Quốc và Nhật Bản, và cuộc di dân này xảy ra vào khoảng 55.000 năm trước đây. Điều này cũng phù hợp với các dữ kiện di truyền gần đây cho thấy người Trung Hoa ngày nay, nhất là người Trung Hoa ở phía nam Trung Quốc rất gần và có tổ tiên ở vùng Đông Nam Á châu [10-11]. Ngoài ra, gần đây, một nghiên cứu mtDNA [tuy chưa đầy đủ] còn cho thấy người Việt có thể là một dân tộc cổ nhất trong vùng Đông Nam Á [12].

                                                                       TIN BỔ SUNG
 Bài này được giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết vào năm 2004. Đến nay tình hình có khác. Xin đính kèm bản tin trên The Epoch Times, ngày 1 tháng 10 2009:                                
     WASHINGTON _Bộ xương của một người tiền sử sống cách đây 4,4 triệu năm đã cho thấy loài người không tiến hóa từ tổ tiên giống người vượn, các nhà nghiên cứu tuyên bố vào ngày thứ Năm (01 tháng Mười, 2009).Thay vào đó, gạch nối bị thiếu – tổ tiên chung của loài người và loài vượn ngày nay – hoàn toàn khác với cả hai, và loài vượn tiến hóa gần giống người ngày nay xuất phát từ tổ tiên chung đó, họ viết.Nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng "Ardi" có thể là sinh vật mang dáng người cổ nhất, nhưng cô không phải là gạch nối bị thiếu. “Tại thời điểm 4,4 triệu năm trước đây, chúng tôi đã khám phá ra thứ gì đó rất gần với nó,” lời ông Tim White thuộc Đại học Berkeley California, người giúp lãnh đạo nhóm khảo sát.Họ đã mô tả về bộ xương không hoàn chỉnh của một phụ nữ đại diện cho Ardipithecus ramidus. Sinh vật mang dáng người này sống cách đây 4,4 triệu năm ở nơi mà ngày nay là Ethiopia.
Sinh vật cao 4 foots này cổ hơn 1 triệu năm so với “Lucy” – bộ xương người của một loài khác gọi là Australopithecus afarensis, một trong những người tiền sử nổi tiếng nhất. Di truyền học đề xuất rằng loài người và họ hàng gần nhất, vượn người, có tuổi cách đây 6 đến 7 triệu năm, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy có thể là 4 triệu năm trước đây.
"Ardi" rõ ràng là một tổ tiên loài người và hậu duệ của cô không phát triển thành tinh tinh hay các loài vượn khác, các nhà nghiên cứu báo cáo trong tạp chí Khoa học. Cô có một cái đầu giống vượn và các ngón chân đối diện cho phép cô trèo lên cây một cách dễ dàng, nhưng tay, cổ tay và xương chậu cho thấy cô có dáng đi của người hiện đại và không đi bằng tay như tinh tinh hay khỉ gorilla.
“Người ta đưa ra các giả định rằng tinh tinh hiện nay không tiến hóa quá nhiều, rằng tổ tiên chung gần nhất sẽ giống như vượn người và đã từng…giống người… đó là sự tiến hóa,” ông White viết.
Nhưng “Ardi thậm chí còn nguyên thủy hơn cả vượn người,” ông White viết.
Tinh tinh và khỉ gorilla không bước đi bằng tay bởi vì chúng nguyên thủy hơn con người – chúng tiến hóa các đặc điểm giúp chúng sống trong rừng.Ông White và ông Berhane Asfaw thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rift Valley tại Addis Ababa cùng một nhóm lớn đã phân tích xương của Ardi và thấy rằng cô có thể ‘yêu hòa bình’ hơn vượn hiện đại. Thí dụ, cô không có những răng nanh dài và nhọn mà vượn dùng để đánh nhau. Các con đực và cái có răng cùng cỡ, cho thấy sự bình đẳng cao hơn vượn hiện đại. Nhưng não của cô khá nhỏ và được bố trí theo một cách tương tự với loài Australopithecus và người hiện đại, cho thấy tầm nhìn giống người hơn và có tri giác về không gian.
Discovery in Ethiopia Casts Light on Human Origins
http://www.theepochtimes.com/n2/content/view/23254/
 01-10-2009.    
                                              Chú thích và tài liệu tham khảo
[1] Thực ra không phải loài nào cũng hái lượm bằng bàn tay hay bàn chân. Trong số hơn 200 loài khỉ, giới khoa học phân biệt hai loài khỉ chính: một loài sinh sống trong vùng Nam và Trung Mĩ (còn gọi là New World monkeys – tức khỉ thế giới mới, còn một loài sinh sống ở các vùng Á châu và Phi châu (còn gọi là Old World monkeys, khỉ thế giới cũ). Khỉ ở Phi châu và Á châu có 32 răng (như con người), nhưng khỉ ở Mĩ châu có đến 36 răng. Khỉ Phi châu và Á châu không có khả năng lượm đồ vật bằng đuôi, trong khi đó một số khỉ Mĩ châu có khả năng này. Khỉ Phi châu và Á châu có hai lỗ mũi gần nhau, nhưng khỉ Mĩ châu có lỗ mũi cách xa hơn và cân đối hơn.
[2] Năm 1856 (3 năm trước khi Charles Darwin xuất bản cuốn The Origin of Species), người ta phát hiện một sọ người có vẻ khác với người hiện đại. Sọ người này được phát hiện tại Sông Neander. Sau này, người ta phát hiện thêm nhiều sọ người tương tự chung quanh sông Neander. Do đó, sau này giới khảo cổ học đặt tên cho giống người này Neandertal.
[3] Tishkoff SA, et al.  The genetic diversity of linguistically diverse Tanzanian populations: A multilocus analysis. American Journal of Physical Anthropology Supplement 2003; 36:208–209.
[4] Không như DNA nằm trong nhân của tế bào, Mitochondrial DNA nằm ngoài nhân của tế bào. MtDNA chỉ lưu truyền trong giống cái (ví dụ như từ mẹ sang con gái) do đó chúng rất có ích trong việc trùy tìm những mối quan hệ di truyền giữa các nhóm dân. Nhưng mtDNA có hai nhược điểm: (i) mtDNA có nhiễm sắc rất nhỏ, chỉ khoảng 16500 mẫu tự (tức chỉ khoảng 16 kilobases); và (ii) sự phân phối của các mẫu tự cũng không đồng đều.
[5] White TD, et al.  Pleistocene Homo sapiens from Middle Awash, Ethiopia.Nature 2003; 423:742–747.
[6] Krings M, et al. Neandertal DNA sequences and the origin of modern humans. Cell 1997; 90:19–30.
[7] Barbujani G và G. Bertorelle. Were Cro-Magnons too like us for DNA to tell? Nature 2003; 424:127. 
[8] Khoảng cách di truyền (hay còn gọi là genetic distance) là một thông số di truyền học đo lường mức độ khác nhau giữa các nhóm dân. Chỉ số này có giá trị tối thiểu là 0 (tức hai nhóm dân giống nhau về mặt di truyền), và giá trị tối đa là 1 (tức hai nhóm dân hoàn toàn khác nhau).
[9] Cavalli-Sforza LL. Genes, People and Languages. Penguin Books, 2001. Chương 1  và Chương 3 .
[10] Chu JY, et al. Genetic relationship of populations in China. Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; 95: 11763-11768.
[11] Su B, et al. Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age. American Journal of Human Genetics 1999; 65:1718-1724.
[12] Ivanova R, et al. Mitochondrial DNA polymorphism in the Vietnamese population”. European Journal of Immunogenetics 1999; 26:417-422.

* Bài đã in trong cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học của Hà Văn Thùy, Nxb Văn học, H, 2011.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét