Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2018 CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA MINH TRIẾT

     Sáng ngày 12 THÁNG 01 NĂM 2019, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động  năm 2018 và đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2019 tại Hà Nội.

      Nhìn lại hai năm 2017 và 2018, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, trên một số lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa nông thôn và góp thêm những tiếng nói khoa học có giá trị. Nhằm khẳng định sức sống bền vững của truyền thống văn hóa Việt, đồng thời làm sáng tỏ những góc khuất trong lịch sử văn hóa dân tộc, ban giám đốc trung tâm đã tổ chức ba lần tọa đàm về vua Triệu Đà và một số vấn đề của cư dân Bách Việt từ tr.CN. Sau khi bàn luận khá kỹ, khảo sát lại tư liệu khảo cổ, thư tịch và điều tra dân tộc học, các nhà nghiên cứu KHXH đã khẳng định rằng; Triệu Đà là vị vua khai sáng, dựng lên vương triều đầu tiên của người Việt, chứ không phải là kẻ thù xâm lược như sách giáo khoa Việt Nam của mọi cấp học trước đây đã truyền giảng. Ca dao Việt Nam có câu:
                                              Thương dân dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương.

       Để nói lên một quan niệm văn hóa minh triết dân gian trong quan hệ ứng xử giữa tầng lớp thống trị với muôn dân trăm họ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên hay do bất cứ một thế lực nào áp đặt, Triệu Đà được người Việt ở khắp nơi - kể cả bộ phận nay đang sống và mang quốc tịch Việt Nam hay Trung Hoa -  đều lập đền thờ, mở hội theo chu kỳ năm tháng để ghi nhớ công đức. Có điều cần nhận chân lịch sử rằng; biên giới quốc gia hiện đại là do tổ chức nhà nước phong kiến thực dân tranh cướp, phân chia, tách, nhập rất nhiều lần, cho đến gần cuối thế kỷ XIX, đã gây ra một số lầm lẫn đáng tiếc. Dù đã bị phủ bụi thời gian hơn 2000 năm, biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử bào mòn sự kiện nhưng với phương pháp nghiên cứu liên ngành, cuốn sách Nhà Triệu – Mấy vấn đề lịch sử vừa ra đời đã được số đông bạn đọc quan tâm. Tuy mới chỉ là tập hợp những bài nghiên cứu của nhiều tác giả theo cùng một chủ đề, nhưng với cách nhìn nhận bao quát nhiều lĩnh vực cơ bản của chủ biên, cách viết cặn kẽ, chi tiết tư liệu, cuốn sách thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.
      Ngày 9 tháng 5 năm 2018, tại văn phòng trung tâmnghiên cứu văn hóa Minh Triết đã họp bàn việc chấn chỉnh tổ chức và thông qua một số hoạt động chủ yếu trong thời gian tới; thực hiện hội nghị bầu ban giám đốc và Tổng thư ký, chủ tịch hội đồng khoa học (2017- 2022) . Nhà nghiên cứu lão thành cách mạng Nguyễn Khắc Mai tiếp tục được bầu giữ chức vụ giám đốc trung tâm. Các phó giám đốc là Trương Sỹ Hùng (tổng thư ký, kiêm chủ tịch hội đồng khoa học), Ngô Sỹ Thuyết, Đinh Hoàng Thắng. Ban điều hành gồm các thành viên: Trần Băng Thanh, Phạm Khiêm Ích, Vũ Thế Khôi,Tô Duy Hợp, An Vi Lê Hữu Khánh (Chánh văn phòng) Nguyễn Hữu Tâm, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Hải Hoành, Nguyễn Gia Thắng.
     Ngày 02 tháng 06 năm 2018 tại Hà Nội Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương tổ chức tọa đàm Người Việt với Kinh Dịch đã thành công tốt đẹp. Gần 50 nhà nghiên cứu, khoa học và những người quan tâm văn hóa Việt cổ đến đọc tham luận và trao đổi thảo luận; trình bày những luận cứ, phân tích khoa học để khẳng định chủ nhân của Kinh dịch là người Việt cổ. Một bộ phận tổ tiên của người Việt cổ sau khi bị Hán hóa thì sản phẩm văn hóa độc đáo này bị thất truyền dẫn đến hậu thế hiểu sai lạc, mặc nhiên coi Kinh dịch là của người Hán.Thực ra, phải nghiên cứu lại, làm rõ chứng cớ người Việt cổ là chủ nhân đích thực của Kinh dịch mới có cơ sở hiểu sâu sắc và tìm cách ứng dụng tinh hoa giá trị của phát kiến khoa học tối cổ này, đặng giải quyết rốt ráo những vấn đề của Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại nói chung trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những giá trị Minh Triết của Kinh dịch không chỉ là những nét đặc sắc của văn hóa phương Đông mà ngày nay nó đã trở thành tài sản tinh thần của văn hóa thế giới loài người. Kinh dịch là phương tiện đầy linh thiêng bí ẩn, là thứ ngôn ngữ giao tiếp trực quan giữa con người và thế giới tâm linh. Kỷ yếu Người Việt với Kinh dịch đã và đang được bạn đọc quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu tỏ ý tâm đắc.
  Được sự hỗ trợ về tài chính và cố vấn về khoa học của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, ngày 15 tháng 12 năm 2018 một nhóm nghiên cứu trẻ đặt vấn đề khảo sát lại và bước đầu công bố những nhận thức, kết luận có ý nghĩa khoa học trong cuộc tọa đàm TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DI SẢN ĐÁ KHẮC SAPA tại Hà Nội. Với những thành tựu nghiên cứu cơ bản trước đây đã đặt nền tảng, gợi mở những hướng nghiên cứu trên  trên tất cả các khía cạnh xung quanh đề tài, cách khai thác, bổ sung tư liệu chuyên môn và từng bước hoàn thiện các báo cáo có nội dung chất lượng khoa học mới đã được công bố. Các báo cáo viên là nam nữ thanh niên trên dưới tuổi 30 đã có bằng cấp, học vị cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ được báo cáo trong buổi sinh hoạt khoa học thường xuyên .
     Điểm lại chương trình hoạt động khoa học, năm 2018 còn tồn tại một số báo cáo khoa học về Kinh tế xã hội Đại Việt thời Lê - Trịnh chưa hội đủ các điều kiện tọa đàm hoặc hội thảo. Hy vọng năm 2019 sẽ có tổ chức dòng họ hoặc đơn vị quan tâm tạo điều kiện cùng với trung tâm thực hiện đề tài rất có ý nghĩa này.
     Góp phần xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn mới, năm 2018, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết đã đi khảo sát, tư vấn du lịch văn hóa tâm linh cùng lãnh đạo và cán bộ tỉnh Hà Tĩnh tại đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu; tại Thái Bình ở đền Đồng Sâm, tại Hưng Yên ở Văn Giang, tại Hòa Bình ở mường Khến, tại Bắc Ninh ở chùa Dâu, đền thờ Sĩ Nhiếp và nhiều di tích lịch sử văn hóa khác tại thủ đô Hà Nội.
     Năm 2018 kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2018)   ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), ban giám đốc trung tâm phối hợp với ban tuyên giáo huyện ủy Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tổ chức thành công tốt đẹp hội thảo Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải. Đó là “một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực tri ân doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ và chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải”như bí thư  Nguyễn Minh Giang đánh giá. Nhằm cung cấp thêm những tư liệu mới cho việc tiếp tục nghiên cứu tư tưởng kinh tế, chính trị và văn hóa của Nguyễn Công Trứ, như các sử gia thời Nguyễn ghi nhận, ông là “con người trác lạc, có tài khí chẳng những có tài thơ văn mà còn lập công lớn nơi chiến trậnlĩnh chức doanh điền, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, gây thành mối lợi vĩnh viễn cho đất nước”. Tập kỷ yếu 190 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN TIỀN HẢI – TƯỞNG NIỆM NGUYỄN CÔNG TRỨ đã lần đầu tiên công bố bản dịch Gia phả dòng họ Nguyễn Công Trứ. Và “với chủ trương thu hút bộ phận nghĩa quân vào công cuộc khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ tạo ra lối thoát không những cho nông dân nghèo và giải quyết những khó khăn trong “kế sách an dân” của giai cấp thống trị đương thời. Những người từ chỗ là lực lượng đối kháng mạnh mẽ của triều đình đã trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đó là biện pháp thông minh và táo bạo mà Nguyễn Công Trứ thực hiện thắng lợi trên vùng đất Tiền Châu”.
   Chắc chắn năm 2019 Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết sẽ có nhiều thành tựu mới, trong lĩnh vực hoạt động linh hoạt và kịp thời với những đòi hỏi thực tiễn đã và đang đặt ra với tinh thần thẳng thắn, dân chủ và MINH TRIẾT.

                                                                                                                                                                                                                                              GIANG ĐÔNG HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét