Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO TOÀN QUỐC BÀN VỀ NGUỒN GỐC CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM

                                                                   VŨ MẠNH HÀ
Chủ tịch lâm thời Cộng đồng các dòng họ Việt Nam

Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ thủ đô Hà Nội

     Cách nay dăm năm, có vị GS TSKH lịch sử viết: “Không có gì phải nghi ngờ, hệ thống tên mà người Việt đang sử dụng rộng rãi hiện nay, là sự mô phỏng hệ thống tên họ của người Hán… Phải đến đầu thế kỷ thứ III, khi Sĩ Nhiếp sang làm thứ sử Giao Châu, những ảnh hưởng của văn hóa Hán tới người Việt, trong đó có hệ thống văn tự, phong tục tập quán và quan hệ xã hội, mới bắt đầu trở nên sâu rộng. Rất có thể hệ thống tên họ kiểu Hán lúc này mới trở nên phổ biến… ”[1]. Chẳng hạn về họ Vũ ở Việt Nam, cũng vị giáo sư sử học này xác quyết: “Có thể khẳng định rằng thời Hùng Vương chưa có họ Vũ - Võ. Những tên tuổi họ Vũ gắn với thời đại Hùng Vương được viết trong các thần phả, thần tích đều là sản phẩm từ thời Hậu Lê trở về sau, không thể dùng làm căn cứ để xác quyết về gốc tích dòng họ trước đó hàng thiên niên kỷ”[2].

Đây là quan điểm không mới, từ nửa đầu thế kỷ trước đã có một số học giả như các giáo sư Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh viết như vậy.  Gần đây nó dường như như trở thành quan điểm chính thống của giới sử học, của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà tính danh học nước ta. Các vị này cho rằng xã hội người Việt đời Hùng Vương, cho đến tận thời Hai Bà Trưng, vẫn theo mẫu hệ, con cái theo mẹ, mà tộc họ là sản phẩm của chế độ phụ hệ. Còn người Việt ta chỉ bắt đầu có họ từ thời Bắc thuộc, do người Trung Hoa áp đặt để tiện quản lí hộ tịch.

Nguồn gốc dòng họ của người Việt không thể tách rời vấn đề nguồn gốc chủng tộc Việt. Trong khoa học thế giới và nước ta, đến nay vẫn tồn tại 3 quan điểm khác nhau về nguồn gốc dân tộc Việt. Cổ sử Trung Hoa (ở Việt Nam người ủng hộ quan điểm này là học giả Đào Duy Anh) cho rằng người Lạc Việt gốc từ Trung Hoa, cụ thể từ Vân Nam và Quảng tây di cư xuống. Quan điểm thứ hai, chủ yếu của một số học giả Pháp, cho rằng  người Việt bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng . Quan điểm thứ ba cho người Việt vốn có gốc bản địa, sau hỗn huyết với các chủng người từ phía Mông cổ tràn xuống và các dân thiên di từ - Ôstrâylia - Nam Đảo lên mà thành. Hội thảo lần này sẽ góp thêm những tư liệu và góc nhìn, thử giải quyết trong thể thống nhất hai vấn đều rất phức tạp này: cội rễ dân tộc và nguồn gốc dòng họ Việt.

Trước hêt xin lưu ý quý vị đại biểu rằng Hội thảo này là đầu tiên trong chuỗi các hội thảo và tọa đàm mà cộng đồng các dòng họ Việt Nam dự định tiến hành, nên không đi sâu vào lịch sử và truyền thống của từng dòng họ mà chỉ tập trung nghiên cứu và thảo luận vấn đề chung nhất: người Việt có họ từ bao giờ và các họ Việt có phải bắt nguồn từ Hán hóa hay không?

Để có thể sơ bộ đi đến một kết luận nhất định, chúng tôi chủ trương: tập trung xem xét vấn đề trên cơ sở những dữ liệu khoa học hiện đại của di truyền học và nhân chủng học, khảo cổ học, liên ngành sử học và văn hóa học, kể cả những nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh. Bởi vậy về mỗi lĩnh vực chúng tôi chỉ đặt viết một/hai tham luận chi tiết, in trước toàn văn trong “Tài liệu hội thảo”, tại hội trường chỉ trình bày tối đa 15 phút, còn lại là các phát biểu mang tính chất thông tin ngắn gọn về dòng họ, không quá 7 phút, dành thời gian cho phản biện và thảo luận.

Nội dung các tham luận chính đề cập các bình diện sau đây:

-       Tham luận của ông Nguyễn Thiện, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các Hiện tượng và Khả năng đặc biệt, đề cập những phát hiện mới của di truyền học và nhân chủng học trong việc xác định các tiểu chủng Việt và Hoa trên địa bàn Trung - Bắc Việt Nam và Hoa Nam từ phía nam sông Trường Giang  trên đất Trung Quốc ngày nay trở xuống so với các tộc Hán và Tạng từ phía bắc sông này trở lên. Từ thực tế người Việt là nguồn gốc của người Nam Trung Hoa, tác giả Nguyễn Thiện đặt giả thuyết ngược hẳn quan điểm chính thống: cũng có thể các dòng họ Việt là nguồn gốc của các dòng họ Hoa trên địa bàn phía nam Trung Hoa. Tác giả cũng dẫn những kết quả ban đầu do 5 năm Trung tâm của ông đã điền dã khảo nghiệm các di chỉ mộ phần tương truyền có từ đời Hùng Vương. Mỗi di chỉ được khảo nghiệm đều có 2 nhà ngoại cảm tham gia. Cuối cùng có đối chứng các kết quả hiện trường với hiện vật khảo cổ học và cổ thư.

-       Bổ sung cho tham luận thứ nhất là bài của dịch giả-nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc Trần Đình Hiến, với cái đầu đề lạ lẫm với đa số chúng ta không rành tiếng Hán: “Bản lai diện mục” mà từ điển của cụ Đào Duy Anh dịch là “hiện trạng nguyên trước có”, nôm na là diện mạo vốn như nó có, tức nguồn gốc thực. Tác giả Trần Đình Hiến chỉ bình ngắn gọn về quan điểm khoa học mới này của các học giả Trung Quốc và dịch nguyên văn bài do Tân Hoa Xã công bố ngày 18/04/2014. Theo ông Hiến có thể coi bài này là phát ngôn chính thức …“từ bỏ người vượn Bắc Kinh vốn được coi là viễn tổ của Hoa Hạ”,  thừa nhận thuyết biến đổi gien và người vượn Đông Phi là tổ tiên của toàn thể loài người hiện nay, không ngoại trừ cả người Trung Quốc, vốn dĩ  “có nguồn gốc từ Đông Phi, qua Nam Á tiến vào Trung Quốc” (chúng tôi nhấn – VMH), bởi vì  “Đông Nam Á là trung tâm phân hóa chủng tộc”.

-       Tiếp theo là một tham luận mang tiêu đề rất hấp dẫn: “Chứng cứ tộc họ từ tư liệu khảo cổ học”. Chúng tôi đánh giá bình diện khảo cổ học là cực kì quan trọng trong việc nghiên cứu các hiện tượng tiền sử thành văn mà nguồn gốc dòng họ chính là một hiện tượng như vậy. Rất tiếc do quá bận rộn với các đợt đi công cán nước ngoài và việc xây dựng bảo tàng Hòa Bình, tiến sĩ Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, không gửi được toàn văn tham luận, cũng không thể đến tham gia hội thảo, vì qua điện thoại từ Hòa Bình ông cho biết lại phải đi công cán đúng vào dịp này. Để nhấn mạnh không thể thiếu dữ liệu và góc nhìn khảo cổ học trong nghiên cứu nguồn gốc dòng họ, chúng tôi in trong tài liệu hội thảo đề cương tóm tắt tham luận của tiến sĩ Việt để những người quan tâm tham khảo, và rất mong sớm muộn gì ông cũng gửi cho chúng tôi toàn văn tham luận lí thú này để cuộc hội thảo khởi đầu sự nghiệp gian nan nghiên cứu nguồn gốc dòng họ Việt có được một tổng quan đầy đủ.

-       Sử thành văn, kể cả sử Trung Hoa vốn lưu giữ được sớm hơn sử Việt như Sử kí Tư Mã Thiên – năm 97 tr CN, ra đời muộn hơn sự xuất hiện của dòng họ rất nhiều. Sử bất thành văn, dã sử, huyền sử dưới các dạng truyền thuyết, huyền thoại…tồn tại từ thượng cổ, thái cổ, đều phản ánh những thật lịch sử nhất định. Tuy nhiên, trước khi chưa có một số bộ môn khoa học hiện đại để đối chứng và kiểm chứng các truyền thuyết và huyền thoại, người ta cho loại sử bất thành văn này là hoang đường trăm phần trăm. Quả vậy, người ta từng cho Kỉ Hồng Bàng thị trong Đại Việt kí toàn thư là hoang đường. Vậy mà đến những năm 60 của thế kỉ trước, khảo cổ học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chứng minh được rằng thời Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Ngày nay chẳng những đã có ngôn ngữ học, kí hiệu học, khảo cổ học, mà còn thêm di truyền học, nhân chủng học, văn hóa học tâm linh nữa – cho nên phương pháp tiếp cận liên ngành có thể minh chứng nhiều sự thực của lịch sử cách ta cả vạn năm. Thử đi theo hướng sử học tiếp cận liên ngành này là tham luận của giáo sư tiến sĩ Trương Sỹ Hùng và tiến sĩ Đinh Công Vĩ: Họ tên người Việt có từ thời Hùng Vương  Dòng họ gắn với dân tộc Việt: lịch trình từ Hùng Vương về sau.

    Theo  Trương Sỹ Hùng, sai lầm của sử học chính thống là ghép vấn đề hình thành họ tên người Việt thời Hùng Vương dựng nước vào địa danh quốc gia và biên giới Việt Nam hiện đại. Sai lầm thứ hai là tiên định thời Hùng Vương, thậm chí đến thời Hai Bà Trưng xã hội Việt Nam vẫn theo mẫu hệ. Ông khẳng định: “Thật ra, chính giai đoạn này tuy người Việt chưa có đầy đủ hệ thống dòng họ lối phụ hệ đúng cách, nhưng việc hình thành các chi nhánh thân tộc theo phân hệ gia đình đã chín muồi, nhất là từ khoảng thế kỷ V-III tr CN đến thế kỷ III – IV sau CN. Thời Hai Bà Trưng, dường như người Việt muốn trở lại thời kỳ mẫu hệ, nhưng tiến bộ xã hội đã lấn tới và mau chóng vượt hơn lên sau những cuộc giao tranh lãnh thổ và địa vị thống trị.” Và ông dẫn chứng từ tộc phả cả loạt dòng họ như Ma, Lương, Đặng…

    Đinh Công Vĩ vận dụng hiện vât khảo cổ - hoa văn trên trống đồng Đông Sơn để thử giải mã con số 18 trong các truyền thuyết Mường và Việt. Ông đặt vấn đề: “Phải chăng con số 18 là con số dòng họ thời ấy kết hợp với nhau trong liên minh bộ lạc Văn Lang, lấy tổ hợp các bộ lạc chim – rồng theo quan niệm tô tem thời ấy làm xương sống?” Nếu quả như vậy, thì 18 đời Hùng Vương không phải là 18 ông vua truyền nối mà là18 ngành họ với 50 đời tồn tại 2500 năm nên trung bình mỗi vua sống được 50 năm sẽ là hoàn toàn hợp lý. Lại vận dụng các khảo nghiệm về gien của bác sĩ Trần Đại Sĩ và những điều tra đầu sọ học do giáo sư Mạc Đường đã dẫn, ông cũng cho rằng truyền thuyết kể lãnh thổ các nước Xích Quỷ và Văn Lang vươn tới tận hồ Động Đình, với cư dân Bách Việt bao gồm cả người Hoa Nam có cấu trúc AND khác hẳn với người Hoa Bắc. Tác giả cho rằng: mặc dù thời Hùng Vương còn nhiều dấu tích của mẫu hệ, nhưng phụ hệ đã hình thành vàDòng họ ra đời trên cơ sở đó, từ chế độ mẫu hệ chuyển sang chế độ phụ hệ”. Ông dẫn hàng loạt hiện tượng chứng tỏ trong gia đình Hùng Vương còn tàn tích mẫu hệ, nhưng trong quốc gia và tộc họ phụ hệ đã ngự trị.

-       Tham luận của tập thể tác giả Vũ Thế Khôi, Nguyễn Thị Giang, Vũ Thị Xu và Vũ Đình Dậu hơi khác biệt với các tham luận còn lại ở chỗ: bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành văn bản học – bảo tàng khảo cổ học và văn hóa học (dân gian) kết hợp điền dã khảo sát các địa phương là trung tâm của họ Vũ từ cổ xưa, thử giải quyết một vấn đề cụ thể trong hành trình “vấn tổ tầm tông” mà bất kì dòng họ Việt Nam nào cũng đang đối diện. Từ tháng 4 năm ngoái đến gần đây, nhóm nghiên cứu này đã trên hai chục lần điền dã tại các xã Trực Tuấn và Hành Thiện – Nam Định và Trạch Xá, Mộ Trạch – Hải Dương, lần theo dấu vết nhân vật lịch sử là viên quan triều Đường Vũ Hồn, làm Kinh lược sứ 3 năm 840 – 843, bị quân sĩ ở Đô hộ phủ nổi loạn đuổi về Quảng Châu, rồi biệt tăm tích suốt gần 4 thế kỷ (tính đến vị Khởi tổ của Vũ Mộ Trạch sống khoảng giữa thế kỉ XIII), được quyển tộc phả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích năm 1769, tức cách nay gần 3 thế kỷ rưỡi, ghi là tị tổ (tổ khai sáng) dòng họ, cộng đồng dân cư đa tộc họ thôn Mộ Trạch xã Tân Hồng huyện Bình Giang tôn thờ làm thành hoàng làng. KLS Vũ Hồn là tị tổ theo huyết thống hay được suy tôn? Vấn đề trở nên có ý nghĩa nguyên tắc do từ lâu nhiều người nghiên cứu dòng họ và gia phả cho rằng KLS Vũ Hồn là thủy tổ của họ Vũ Việt Nam nói chung và gần đây một số người tuyên bố viên quan triều Đường là “Thủy tổ duy nhất” của họ Vũ trên đất Việt, bất chấp các cổ di tích, cổ thư tịch , kể cả văn khắc trên chuông Thanh Mai (798) - bảo vật quốc gia, xác nhận KLS Vũ Hồn không phải là người họ Vũ đầu tiên ở đất Việt thời xưa. Điều lí thú là nhóm nghiên cứu, theo chúng tôi, bằng những dữ liệu tổng hợp đã chứng minh được là có một nhân vật Vũ Hồn gốc Việt là cháu nội của nhà sư bạn chài và bạn tu của Lý triều quốc sư Không Lộ. Vị Vũ Hồn gốc Việt này đã cùng cha thiên cư từ trấn Sơn Nam lên Hải Dương. Chi tiết của hành trình về nguồn này xin để các tác giả trình quý vị đại biểu.

-       Sau phần tham luận, hội thảo sẽ nghe thông báo vắn tắt của các dòng họ, theo yêu cầu chỉ cung cấp thông tin chính về xuất xứ (địa phương và thời điểm), các mốc phát triển chính và hiện trạng, dành báo cáo chi tiết cho những hội thảo tiếp theo.

-       Phần quan trọng tiếp theo trong nội dung hội thảo là phản biện và thảo luận xung quanh trọng tâm của cuộc hội thảo này là nguồn gốc các dòng họ Việt trong tương quan với nguồn gốc dân tộc Việt nhằm có thể nêu ra những kết luận sơ bộ, tạo tiền đề cho các cuộc hội thảo tiếp theo.



[1] Thông tin dòng họ. Hội đồng dòng họ Vũ - Võ việt Nam, số 30/Quý II năm 2012.
[2] Thông tin dòng họ. Như trên, số 40/Quý IV năm 2014 và số 41/Quý I năm 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét