Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

MỘT CUỘC ĐIỀN DÃ NHỚ ĐỜI


                                                                                                                             Thế Khôi

    Tôi có cái tật, nghiên cứu hoặc nói hoặc viết về cái gì, khi chưa thấy tận mắt, sờ tận tay thì trong lòng vẫn chưa vững tin. Đã viết trong báo cáo khoa học, "nói có sách, mách có chứng" hẳn hoi rằng: không có tấm bia Đa Căng nào khắc chữ về khai quốc công thần Vũ Uy – mà thủy tổ của ông là Kinh lược sứ Vũ Hồn, có vợ họ Hoàng, đẻ 3 con trai v.v... như chư vị đồng chủ biên sách rởm Tộc phả họ Vũ(Võ),thế kỷ IX-XIX bịa đặt trắng trợn để lừa bà con họ Vũ, dối trá với các nhà khoa học; nhưng vẫn... vẫn... "ngộ nhỡ": ngộ nhỡ sách viết sai, ngộ nhỡ nhân chứng "dĩ ngoa truyền ngoa". Bởi vậy hôm qua, 6 giờ sáng trời mưa rét 12 độ, đoàn khảo sát chúng tôi vẫn quyết về tận Đa Căng -Thanh Hóa sờ... bia đá.
    Vợ mắng yêu: “- Điên! Đáp: - Chưa, mới gàn thôi”. Cụ khai quốc công thần như muốn thử lòng lũ cháu chắt hậu sinh. Xe ô-tô của tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng đặc biệt của con người Vũ Thế Khanh – là một người con họ Vũ tâm huyết, cho mượn - nổ máy mãi không được! Thế là tất cả mọi người xuống xe, hò dô ta đẩy. Chứng giám lòng thành, chỉ đẩy mươi mét, có lẽ vong hồn cụ cụ khai quốc cho xe nổ máy giòn giã. Nào phải một lần. Chạy một hơi hơn 3 tiếng, lái xe không dám dừng nghỉ; đến thị trấn Nông Cống, gần tới đích, ai nấy đói bụng, đành phải tạm dừng, ăn bát bún lót dạ, những tưởng máy chạy đã nóng rồi, chắc xe sẽ nổ ngon. Ai ngờ lại phải hò nhau đẩy. Chỉ tiếc là 2 nữ quái tháp tùng, không cô nào nhanh ý rút smarphon ra nháy một po ảnh lão gàn 81 tuổi cũng đẩy khỏe như ai! Nhưng điều kì lạ là khi xe đỗ ngoài đường, cả bọn nhào vào miếu thắp hương, rồi lau lau, chùi chùi, cạo cạo, khảo sát 3 bia, kể cả tấm người đi trước mách bảo không còn chữ. Rồi lần từng chữ, đọc từng dòng. Miệt mài gần hai tiếng mới xong.
     Đúng lúc ấy cái xe ọc ạch lại lù lù tiến vào sân. Một cô trong đoàn hỏi "cán bộ đường lối": - Ai đẩy hộ cậu đấy? - Em đề cái, nổ ngay. Cô thứ hai tiên đoán: Chắc cụ khai quốc phù hộ cho đấy... Và cũng kể từ lúc ấy, trên đường về lão gàn không phải ra tay cùng đoàn đẩy xe lần nào nữa.
    Bỗng nhớ lại bài thơ xuất khẩu của hai nữ quái, đọc trêu lão gàn gần 2 năm trước, khi cùng nhau bắt đầu cuộc điền dã, lần tìm lại theo bờ ruộng đường cái quan, tương truyền phu kiệu từng rước vua nhà Lý về hương Giao Thủy xưa, thăm các thiền sư Không Lộ và Giác Hải:

Sớm xuân hây hẩy gió nồm Nam,

Tản bộ ven sông một lão gàn,

Lẽo đẽo theo sau hai nữ quái

Quyết tâm tìm lại đường cái quan!

    Xin chia sẻ với các bạn thanh khí kết luận sơ bộ của cuộc điền dã nhớ đời này. Dứt khoát, KHÔNG CÓ BIA ĐA CĂNG NÀO KHẮC TÊN Kinh lược sứ VŨ HỒN, như một nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử đã khẳng định.

    Như chúng tôi đã viết: Những lời "Khảo sát bia Đa Căng ..." có khắc tên kinh lược sứ Vũ Hồn cùng vợ họ Hoàng có 3 con trai, in trong quyển TỘC PHẢ HỌ VŨ(VÕ). Thế kỷ IX – XIX, chỉ là sự bịa đặt của một số vị đời nay, trót "quyết định" viên quan võ phụ trách trị an và quân vụ miền biên viễn đời nhà Đường là "Thủy tổ duy nhất" của họ Vũ (Võ) Việt Nam. Hai nhà nghiên cứu đến thực địa trước chúng tôi, đều không thấysự thật những thông tin xác thực từ tấm bia đó. Một trong hai vị đã lầm tưởng đoạn văn "Đa Căng miếu bi" trong Thanh Hóa chư trang Vũ tộc thế phả của 45 trang Thanh Hóa, viết lại vào đời Tự Đức (tk XIX), là bản sao văn bia, nên đã dịch toàn văn; với một số nhầm lẫn về câu chữ mà chúng tôi đã phân tích trong bài, đăng lên Tạp chí Hán Nôm, số 1 năm 2009. Thực tế đoạn văn đó chỉ là người soạn lại phả thời Nguyễn, đời Tự Đức, kể lại nội dung tấm bia đời Hậu Lê đã mờ chữ, và trong đoạn đó CŨNG KHÔNG CÓ CHỮ NÀO VỀ KLS VŨ HỒN.

    Tuy nhiên, để chắc chắn, ngày 12 tháng 12, bất chấp mưa gió và lạnh đến 12 độ, nhóm điền dã chúng tôi đã cất công về tận Đa Căng, nay là thôn Bái Đa, xã Vạn Hòa, h. Nông Cống, để "sờ tận tay, thấy tận mắt" 3 tấm bia hiện còn, dựng trong gian miếu tại khu lăng mộ khai quốc công thần Vũ Uy. Các hình ảnh khảo sát thực địa, do anh Vũ Xuân Kiên chụp trong bài này, nêu rõ hơn điều đó. Một tấm bia chỉ còn một nửa, đã mòn hết chữ, theo một thành viên là chuyên gia bảo tồn - bảo tàng trong nhóm, do bị nước bào mòn và đọng váng vì ngâm lâu trong nước ao. Nửa còn lại, sau khi được chị gia công kì cọ, lau rửa, có những dòng chữ hiện lên lờ mờ, đọc được niên đại là bia khắc năm thứ 15 đời Thành Thái nhà Nguyễn (1903). Đây đúng là tấm bia mà các tác giả Địa chí Nông Cống, trang 479, đã viết: "Lược ghi gia phả họ Võ, kể chuyện Trịnh Kiểm găp Nguyễn Kim và họ Võ (Thời An)" gặp chúa Trịnh, tham gia diệt Mạc, được gia phong, ban lộc điền, lập các trang của họ Võ gồm 45 trang ở 11 huyện, liệt kê từng trang ở các huyện". KHÔNG MỘT CHỮ NÀO VỀ KLS VŨ HỒN!
    Các cụ ở địa phương phấn khởi chiêu đãi: "Bao nhiêu đoàn nghiên cứu về đây, chưa ai giúp được chúng tôi hiểu hơn về tổ tiên mình như các vị."


                                                      Đọc bia đời Thành Thái 1892

      Chụp ảnh lưu niệm với cụ thủ từ và cán bộ thôn Bái Đa (tên xưa là Đa Căng)













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét