Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

ĐẶT TƯỢNG & TỌA ĐÀM GIÁO SƯ NGUYỄN ĐỔNG CHI VỚI VĂN HÓA DÂN GIAN TẠI HÀ TĨNH





Nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh và 35 năm ngày mất GS. Nguyễn Đổng Chi, ngày 23/3/2019, tại thành phố Hà Tĩnh, Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh tổ chức đặt tượng & tọa đàm: Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian.Trước khi diễn ra tọa đàm,Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thân quyến gia đình GS. Nguyễn Đổng Chi đã phối hợp với trường THPT Nguyễn Đổng Chi tổ chức lễ khánh thành và làm lễ đặt tượng đài GS. Nguyễn Đổng Chi.

     Từ tháng 9 năm 2018, công trình đúc tượng GS. Nguyễn Đổng Chi chính thức được tiến hành với khuôn viên phối cảnh rộng 36m2, được bố trí trang nghiêm, đảm bảo các giá trị lịch sử và thẩm mỹ ngay trong sân trường THPT Nguyễn Đổng Chi (xã Ích Hậu).

     Pho tượng được đúc bằng chất liệu đồng nguyên chất, nặng 180kg, cao 1,08m; phần bệ tượng có hai cấp được ốp đá hoa cương với hai màu đỏ và xám hoa cà. Công trình có tổng mức đầu tư gần 300 triệu đồng, được vận động theo hình thức xã hội hóa. Công trình đúc tượng hoàn thành, không chỉ vinh danh tên tuổi và những đóng góp của GS Nguyễn Đổng Chi đối với nền văn hóa nước nhà nói chung và quê hương Hà Tĩnh nói riêng mà còn hoàn thành nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh và phụ huynh trường THPT Nguyễn Đổng Chi. Từ sự khởi phát ý tưởng và hỗ trợ của nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và chương trình “Giọt đồng dựng tượng danh nhân” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực về tinh thần và cả vật chất của thân nhân gia đình cố giáo sư.TMT trân trọng giới thiệu diễn văn và bài thơ của ông Nguyễn Đức Hạnh – Hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Đổng Chi

DIỄN VĂN BUỔI LỄ KHÁNH THÀNH

 TƯỢNG ĐÀI GIÁO SƯ NGUYỄN ĐỔNG CHI



Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý !

Thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!



Quê hương Ích Hậu, Lộc Hà là một vùng địa linh nhân kiệt có truyền thống nhân văn, khoa bảng lâu đời. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Tam nguyên Hoàng giáp, Tể tướng Nguyễn Văn Giai là công thần “khai quốc” thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê -Trịnh. Đông các hiệu thư Trần Đức Mậu trông coi nền văn hóa giáo dục quốc gia thời Lê Thánh Tông thế kỷ XV. Ông cũng chính là người đã khai sinh ra dòng họ Nguyễn với 3 chi phái lớn Đông Thượng - Ích Hậu, Thanh Lương - Phù Lưu thuộc huyện Lộc Hà và Xa Lang - Sơn Tân huyện Hương Sơn. Ở chi phái Ích Hậu có chi hệ Nguyễn Đức Lục Chi nổi tiếng về văn tài, học thuật, về truyền thống yêu nước làm rạng danh đất Hồng Lam. Trong đó có Giáo sư, nhà văn hóa học Nguyễn Đổng Chi, một học giả - nhà văn lớn đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Tên tuổi của ông đã gắn liền với sự ra đời của một ngôi trường THPT trên vùng quê Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh - Trường THPT Nguyễn Đổng Chi.

Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 06/01/1915, ở làng Đông Thượng xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nay là Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông đã vĩnh biệt chúng ta ngày 20-7-1984, tính đến nay đã hơn một phần ba thế kỷ. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Ông cụ thân sinh - nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi tức đầu xứ Thuận, là một thành viên nòng cốt của Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh (Phan Thiết), ngôi trường mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tức Bác Hồ của chúng ta đã từng dạy học trước lúc xuất dương tìm đường cứu nước. Mẹ là người thuộc dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai. Chú ruột là Nguyễn Hàng Chi cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp xử chém ngày 13/7/1908. Trong gia đình ông còn có Giáo sư, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi; Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi Thứ trưởng Bộ Y tế trong thời kháng chiến chống Pháp và Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I-IV, Phó giáo sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Du Chi, Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi.

Bản thân ông sớm có mặt trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Năm 1936, Nguyễn Đổng Chi tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ và sau đó Mặt trận Việt Minh. Tháng 8-1945, ông ở trong bộ phận lãnh đạo khởi nghĩa, cướp chính quyền huyện Can Lộc. Cuối năm 1946, ông trực tiếp cầm súng cùng quân dân Thủ đô chống xâm lược Pháp ở phía Nam Hà Nội. Lúc đã xấp xỉ tuổi 60 tuy sức đã giảm ông vẫn tự nguyện cùng đoàn cán bộ của Phủ Thủ tướng đi điều tra biên giới Trung - Việt và Lào - Việt trong suốt 18 tháng trời.

Về học thuật, Nguyễn Đổng Chi là tấm gương khổ công tự học suốt đời, đáng được các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo. Do gia đình ông có mối thâm thù với chế độ thực dân nên bị chính quyền thực dân thường xuyên gây khó dễ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, vì vậy Nguyễn Đổng Chi mới chỉ học hết năm thứ ba bậc Trung học tại một trường tư thục ở Vinh. Không chịu rơi vào bi kịch học hành dang dở, ông tìm đến với hai ông thầy lớn: sách vở và trường đời. Đang thuộc lứa tuổi chưa đến độ thành niên, Nguyễn Đổng Chi đã “hạ quyết tâm” không ra khỏi nhà, chuyên tâm tự học. Thấm nhuần lời dạy của thân phụ Nguyễn Hiệt Chi “Học hành là phải nhìn lên, ăn mặc phải nhìn xuống” một minh triết về giáo dục rất bình dị, gần gũi với cuộc sống lam lũ bần hàn của quê hương đồng chua nước mặn, đã rèn giũa nên những phẩm chất đáng quý để Nguyễn Đổng Chi bằng con đường trải nghiệm lăn lộn chốn trường đời, tự học và học thật ông đã trở thành một học giả-nhà văn nổi tiếng.  

Trong hơn 50 năm miệt mài cần mẫn lao động nghệ thuật, Nguyễn Đổng Chi đã để lại cho đời một di sản đồ sộ với 85 đầu sách là công trình cá nhân, hoặc do ông chủ biên, hoặc viết chung với người khác; 41 bài báo khoa học, tổng cộng có tới vài chục ngàn trang in. Số bản thảo đã hoàn thành hoặc cơ bản đã hoàn thành chưa in (12 cuốn) cũng không dưới mười ngàn trang in. Với những đóng góp to lớn đối với nền VHNT, Nguyễn Đổng Chi đã vinh dự được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý

Thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến

          Nhằm vinh danh tên tuổi và những đóng góp lớn của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đối với nền văn hóa nước nhà nói chung và quê hương Hà Tĩnh nói riêng, ngày 22/6/2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 5328, thành lập trường THPT BC Nguyễn Đổng Chi. Năm 2008, trường chuyển từ bán công sang công lập với tên gọi trường THPT Nguyễn Đổng Chi. Năm 2015, thực hiện Đề án sáp nhập các trường THCS trên địa bàn huyện Lộc Hà, trường phải chuyển sang vị trí mới với rất nhiều khó khăn thách thức. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của ngành, sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện sau 3 năm chuyển đổi vị trí CSVC nhà trường từng bước được hoàn thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn quốc gia. Đội ngũ CBGV-CNV nhà trường đồng tâm nhất trí xây dựng trường ngày một phát triển đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh, là một địa chỉ đáng tin cậy để phụ huynh học sinh gửi trọn niềm tin cho con em được học tập, rèn luyện để từng bước trưởng thành.

          Nhằm khắc ghi công lao của một danh nhân văn hóa trường vinh dự được mang tên, các thế hệ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường cũng như gia đình và cựu học sinh của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi luôn trăn trở được xây dựng một công trình tưởng niệm người con ưu tú của quê hương ngay trên ngôi trường mang tên ông. Đầu năm 2018, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, là học trò cũ của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã khởi phát ý tưởng dựng tượng Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Vận dụng chương trình "Giọt đồng dựng tượng danh nhân” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đúc pho tượng Giáo sư Nguyễn Đổng Chi lần thứ nhất. Nhưng sau khi nghiệm thu, pho tượng này chưa tương xứng về quy mô, tầm thế nên nhà trường, gia đình Giáo sư Huệ Chi và các cựu học sinh của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã quyết định làm lại lần thứ 2. Với tiêu chí nâng quy mô, tầm vóc tương ứng với phối cảnh không gian kiến trúc của nhà trường, pho tượng lần 2 được đúc bằng 180kg đồng nguyên chất, chiều cao 1,08m. Tượng được Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua tạo mẫu Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Thượng Đồng-Hà Nội, một cơ sở đúc tượng nổi tiếng của Việt Nam thi công. Để hoàn thành công trình, nhà trường và gia đình Giáo sư Huệ Chi đã có rất nhiều lần khảo sát vị trí, xác định quy mô tượng đài. Được sự tham vấn của Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Thượng Đồng, nhà trường đã xây dựng bệ tượng với phần trên mỗi cạnh 6m, tổng diện tích 36m2, chiều dài tam cấp ngoài cùng là 7,2m. Chiều cao tổng thể tính từ nền đất lên đỉnh đầu tượng là 3,45m. Phần bệ tượng được ốp bằng đá hoa cương với 2 màu đỏ và xám hoa cà. Với quan điểm “tác nhất thời, lưu bách tuế”, công trình được thi công bằng những chất liệu đảm bảo độ bền vững, mang tính thẩm mỹ cao, tương xứng với tầm vóc của danh nhân, vừa hết sức chân thực để các thế hệ giáo viên, phụ huynh học sinh chiêm ngưỡng được thần thái của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi như lúc sinh thời. Tổng kinh phí dự toán gần 300 triệu đồng bao gồm tiền xây dựng công trình và tổ chức các công việc, các sự kiện có liên quan. Số tiền này được vận động xã hội hóa 100% từ các tổ chức, cá nhân, từ CBGV, CMHS của nhà trường.  

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý

Thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, với tấm lòng hiếu kính, tri ân các bậc tiền nhân, nhà trường, gia đình và cựu học trò của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng nên một công trình văn hóa tương xứng với tầm vóc danh nhân trường vinh dự được mang tên. Việc xây dựng tượng đài trang nghiêm ở ngôi trường này là một việc làm cần thiết, gắn liền tình cảm thiêng liêng đối với tiền nhân. Lưu giữ những giá trị cốt lõi để ngọn lửa truyền thống của quê hương luôn bùng cháy trong trái tim, hun đúc nên nhiệt tình, lòng yêu đời, khát vọng được sống, được thể hiện mình một cách tích cực trong bối cảnh đất nước, quê hương đang ngày một hội nhập sâu rộng với thế giới là bổn phận và trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên và các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.

Các thế hệ thầy trò nhà trường sẽ mãi mãi ghi nhớ tấm lòng hảo tâm của tất cả các tập thể và cá nhân đã ủng hộ nhà trường về tinh thần và vật chất để xây dựng nên tượng đài Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Trong ngày Lễ Khánh thành vui tươi, trang trọng và thiêng liêng này, thay mặt cho tập thể sư phạm và toàn thể học sinh nhà trường tôi xin kính cảm ơn các nhà hảo tâm, kính cảm ơn tất cả quý vị đại biểu, các vị khách quý đã về dự lễ. Kính chúc tất cả quý vị luôn an lành, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Xin trân trọng cảm ơn!

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý

Thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến

Vinh dự tôi - Nguyễn Đức Hạnh - là hậu duệ của quan Đông các hiệu thư Trần Đức Mậu, người khai sinh ra dòng họ Nguyễn Đức ở các xã Ích Hậu, Phù Lưu huyện Lộc Hà và Sơn Tân, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Xét theo phả hệ tôi ở đời thứ 18, cùng đời với Giáo sư Huệ Chi, con trai của cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Trong buổi lễ thiêng liêng và trang trọng này tôi xin phép đọc tặng tất cả quý vị đại biểu và các vị khách quý bài thơ “Lời đồng vọng” tôi viết ngày 15/10/2018 để tưởng nhớ và tri ân Giáo sư Nguyễn Đổng Chi



LỜI ĐỒNG VỌNG

Tưởng nhớ Giáo sư Nguyễn Đổng Chi



Xứ địa linh sản sinh bao nhân kiệt

Đền Cả uy nghi soi bóng trăng ngần

Quả dưa gang đậm đà tình quê Hậu

Đất chua phèn nuôi lớn những danh nhân



          “Học hành phải nhìn lên, ăn mặc thời ngó xuống”

          Thuộc nằm lòng từ thuở trong nôi

          Lời minh triết rút ra từ đồng ruộng

          Giúp cháu con ngẩng mặt với đời



          Người bạn nhỏ”... hồn nuôi chí lớn

          Tóc trái đào nghiền sách chốn thư trai

          Chí quả quyếtgiữa “Một nhà tan hợp

          Lòng “Yêu đời” mộng ước hướng tương lai



          Túp lều nát” “Trần Ai” đầy thương xót

          Phận dân đen quằn qoại dưới gông cùm

          Lũ chúa đất, lũ thực dân cướp nước

          Lời đau thương còn vọng mãi ngàn năm



          Chân không mỏi tìm đường lên xứ lạ

          Sốt rét rừng thấm thía “Mọi Kon Tum

          Tìm nguồn cội trong thú vui điền dã

          Điệu ca trù nồng thắm yêu thương



          Bao gánh nặng áo cơm đời văn sỹ

          Bao bể dâu bấn loạn chốn trần ai

          Bao day dứt tâm hồn dồn nén lại

          Thành “kho tàng” văn học gửi tương lai



          Nay ông đã bay về miền “cổ tích”

          Cánh phượng hoàng ngút ngát phía trời xa

          Cứ mỗi độ “Cây khế” gieo quả ngọt

          Túi ba gang hậu thế nhận quà



          Tên ông đã thành tên đường, tên phố

          Thành tên trường rạng rỡ những miền quê

          Thành tượng đài trong lòng người ái mộ

          Đất mẹ yêu thương đón ông về



                                                   Lộc Hà, đêm 15/10/2018

                                                
                                                        Nguyễn Đức Hạnh



* Những chữ in đậm trong ngoặc kép là tên tác phẩm và bút danh của Nguyễn Đổng Chi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét