Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

TÌM NGUỒN CỘI ĐỂ LÀM GÌ?




                  (Lần thứ ba thưa chuyện với Gs Phạm Việt Hưng)

                                                                    HÀ VĂN THÙY

     Một nghìn năm mất nước.Trong đêm dài nô lệ, người Việt Nam đau đáu trông về Thái Sơn, Trong Nguồn.Trông về nhà nước Xích Quỷ với cha Rồng mẹ Tiên, Hồng Bàng thị cùng các vị tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương… nương tựa vào niềm tin thiêng liêng tìm sức mạnh giành độc lập. Nhưng rồi bẽ bàng thay, khi có nước trong tay, cán bộ chép sử nhà nước nhân danh khoa học, xóa bỏ mọi truyền thuyết về nguồn cội, rút lịch sử dân tộc chỉ còn 2.700 năm…

Không bằng lòng trướcsự áp đặt chủ quan, Trung tâm Văn hóa Minh triết cùng với Trung tâm Lý học phương Đông chủ trương tổ chức Hội thảo khoa học TÌM LẠI CỘI NGUỒN SỬ VIỆT.

Giấy mời tham dự Hội thảo được phát đi. Bên cạnh tham luận gửi về, chúng tôi nhận được những dòng sau từ giáo sư Phạm Việt Hưng:

“Tôi không tin vào các lý thuyết nhân chủng học, các lý thuyết về homosapiens. Tất cả những lý thuyết này đều dựa trên một niềm tin rằng người xuất thân từ vượn, và loài vượn người đầu tiên xuất hiện tại Ethiopia, rồi di cứ đến các nơi trên thế giới. Lý thuyết này dựa trên thuyết tiến hoá Darwin, một học thuyết mà theo tôi là nhảm nhí, sai từ cơ bản. Đây là một niềm tin biến thành một lý thuyết nguỵ khoa học!

Tôi cho rằng việc tìm nguồn gốc của người Việt cổ không cần đến mấy cái lý thuyết nhân chủng học đó.Chúng ta chỉ cần biết tổ tiên xa xưa của chúng ta là ai, thế là đủ rồi.Còn tổ tiên ấy từ đâu đến lại là chuyện khác.Theo Định lý Godel, có những sự thật không thể giải thích được.

Tham vọng giải thích mọi thứ là không tưởng.Vì thế, chương trình nghiên cứu người Việt cổ không nên tham vọng tìm ra sự thật 100 ngàn năm trước.Chỉ cần biết những lịch sử cụ thể, chắc chắn gắn liền với những bằng chứng cụ thể để chứng minh cội nguồn người Việt là đủ lắm rồi.Như thế sẽ thuyết phục hơn.Tin vào cái gì có đủ bằng chứng để tin sẽ tốt hơn là một niềm tin mông lung.

Tôi tin chắc rằng học thuyết Darwin sẽ đến ngày sụp đổ, và lúc ấy mấy cái học thuyết nhân chủng học cũng sụp đổ theo. Học thuyết tổ tiên loài người là người homosapien Ethiopi không đáng tin.Cơ sở khoa học của nó rất thấp.”



Xin bỏ qua một bên cuộc tranh luận về thuyết Tiến hóa. Ở đây chúng tôi chỉ xin thưa lại với giáo sư đáng kính ba vấn đề thiết thực:


1.    Học thuyết tổ tiên loài người là người Homosapiens Ethiopi không đáng tin (?)

Với khẳng định này của giáo sư thì xin được thưa rằng, “loài người là người Homo sapiens Ethiopia” không còn là lý thuyết mà là thực tế được khẳng định bằng di truyền học và khảo cổ học. Ngày 29 tháng 9 năm 1998, 13 nhà khoa học quốc tế do Giáo sư J.Y. Chu Đại học Texas lãnh đạo, đã công bố bài báo Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Populations in China) với nội dung chấn động: người hiện đại xuất hiện trước hết tại Đông Phi khoảng 160.000 tới 180.000 năm trước. Sáu năm sau, trong bài báo Out of Africa Peopling in The World (Ra khỏi châu Phi chiếm lĩnh thế giới) Giáo sư Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford xác nhận: người hiện đại ra đời ở châu Phi từ 180-200.000 năm trước. Do công nghệ di truyền sử dụng thuật toán thống kê nên khoảng chênh lệch về thời gian giữa các tài liệu nghiên cứu là điều bình thường. Nhưng rồi sau đó, khảo cổ học làm công việc của mình: tìm ra thời điểm chính xác: Homo sapiens ra đời cách nay 195.000 năm.

Di truyền học tìm ra người hiện đại xuất hiệnở châu Phi là do truy ngược thời gian, từ bộ gen của con người đang sống hiện nay. Điều này có nghĩa là, có một dòng máu huyết thiêng liêng chảy suốt 195.000 năm từ ông tổ Ethiopia đầu tiên tới mỗi chúng ta hôm nay. Như vậy, cho dù được tiến hóa từ người Đứng thẳng tiền nhiệm hay được Chúa lấy đất sét nặn ra thì thủy tổ Ethiopia là sự thực không thể phản bác! Dù muốn hay không thì giáo sư Phạm Việt Hưng cũng không thể chối bỏ máu huyết của ông tổ Ethiopia đang chảy trong cơ thể mình!

2.    Chúng ta chỉ cần biết tổ tiên xa xưa của chúng ta là ai, thế là đủ rồi. Còn tổ tiên ấy từ đâu đến lại là chuyện khác.

Ý tưởng như vậy là không chuẩn mực khoa học, vừa phi logic vừa thiếu biện chứng. Câu hỏi đặt ra: làm sao biết được tổ tiên là ai khi không biết họ từ đâu đến? Kinh nghiệm của thế kỷ XX cho thấy,suốt thế kỷ, cả người Pháp, cả học giả Trung Hoa và Việt Nam đều tin rằng, người Hán từ phương Tây vào Nam Hoàng Hà xây dựng văn minh Hoa Hạ. Sau đó mang văn minh Hoa Hạ khai hóa các dân man di phía Nam. Người Việt hiện nay là do con cháu của Việt vương Câu Tiễn di cư xuống khoảng năm 333 TCN. Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh đã dạy chúng ta như thế.

Nhưng sang thế kỷ này, do khám phá tổ tiên Homo sapiens từ châu Phi, theo con đường phương Nam (chứ không phải phía Bắc) tới Việt Nam 70.000 năm trước, chúng ta mới biết chính xác 40.000 năm trước, người Việt cổ Australoid đi lên khai phá Hoa lục, làm nên dân cư và văn hóa Trung Hoa. Những mảnh xương của người đàn ông sống 40.000 năm trước ở hang Điền Nguyên gần Bắc Kinh là bằng chứng của cuộc di cư vĩ đại này. Nhà nhân học hàng đầu của Trung Quốc Ngô Tân Trí (吴新智) thừa nhận:

     “Trung Quốc từ 20.000 năm trước cho tới nay, không có bằng chứng nào cho thấy con người có những hoạt động di cư lớn. Vì vậy, cần phải nói rằng ông là tổ tiên của chúng tôi.”(而我们中国从2万年前一直到现在, 没有任何证据表明人类有很大的迁徙活动。所以应该说,他就是我们的祖先). https://baike.baidu.com/item/%E7%94%B0%E5%9B%AD%E6%B4%9E%E4%BA%BA)

Từ vị trí được cho là tổ tiên của người Việt, nay khoa học xác định người Hán là lớp con cháu do người Việt sinh ra khoảng 7.000 năm trước. Và do vậy, lẽ đương nhiên, mọi thành tựu văn hóa ra đời trên dất Trung Hoa là của người Việt. Một cuộc lật ngược ngoạn mục của lịch sử.

Ca dao có câu Trăm năm kết cuộc vuông tròn/ Phải dò cho tới ngọn nguồn lạch sông. Để có “cuộc vuông tròn” trong khoảng trăm năm của cõi nhân sinh, con người phải tìm tới ngọn nguồn lạch sông đối tượng phối ngẫu của mình. Vậy mà tìm tổ tiên lại đơn giản thế sao, thưa giáo sư ?



3. Chương trình nghiên cứu người Việt cổ không nên tham vọng tìm ra sự thật 100 ngàn năm trước. Chỉ cần biết những lịch sử cụ thể, chắc chắn gắn liền với những bằng chứng cụ thể để chứng minh cội nguồn người Việt là đủ lắm rồi.

     Quả thật không hiểu vì sao giáo sư lại có suy nghĩ nửa vời như vậy? Nếu không biết sự thật của 100.000 năm trước thì làm sao biết được “những lịch sử cụ thể, chắc chắn gắn liền với những bằng chứng cụ thể để chứng minh cội nguồn người Việt”? Đành rằng không phải việc gì cũng có kết luận cuối cùng, nhưng nếu tất cả đều không có kết luận cuối cùng thì cũng chẳng còn khoa học!  Do sự phát triển của trí tuệ nhân loại mà ngày nay nhiều khoa học nhân văn đã trở thành khoa học chính xác. Duy trì tình trạng tù mù như ý giáo sư Phạm Việt Hưng là quá chừng nguy hiểm. Gieo nhân tù mù ắt nhận quả đắng tù mù. Người Trung Quốc chỉ cần có vậy. Ở thế kỷ trước, do khoa học tù mù cho rằng người châu Á do người Bắc Kinh sinh ra nên học giả Trung Quốc khẳng định: “Người Hán là tổ tiên dân châu Á.”  Nay, giả thuyết đó bị đánh đổ thì họ, trong khi thừa nhận con người xuất hiện trước tiên ở châu Phi nhưng họ lại theo trường phái “con đường phía Bắc,” cho rằng, từ châu Phi, người tiền sử sang Trung Đông, qua Trung Á rồi đi vào Hoa lục, làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Người Việt Nam cũng thuộc cộng đồng Bách Việt nhưng là đám ly khai.” Quả là những năm đầu thế kỷ, một vài trung tâm di truyền lớn như Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic), Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck ở Leipzig, cho rằng con đường phía Bắc mới là con đường chính làm nên nhân loại ngoài châu Phi. Nhưng sau đó giả thuyết này bị bác bỏ, con đường phương Nam theo ven biển Ấn Độ được khẳng định. Tuy vậy, học giới Trung Hoa vẫn bám vào ý tưởng sai lầm này. Đại học Phúc Đán từng công bố quan điểm đó trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc năm 2016. Cũng năm này, khi sang Việt Nam, người đứng đầu chính phủ Trung Quôc Lý Khắc Cường rao giảng thuyết lãng tử hồi đầu kêu gọi người Việt Nam là đám con đi hoang hãy trở về nhà! Nhưng ít người hiểu được căn nguyên câu nói đó. Không chỉ thế, Dự án 1000 bộ gen người Việt công bố năm ngoái, trong đó có 4 người Việt Nam tham gia cũng cho rằng: “Con đường phương Bắc đưa người di cư châu Phi sang Đông Á rồi người từ Trung Quốc xuống làm nên đại bộ phận dân cư Việt Nam.” 


              Bộ sách Sử thi thần thoại của người Bách Việt do Trương Sỹ Hùng & Bùi Thiện sưu tầm, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 1995
      Thế đấy, do lầm lẫn về lịch sử mà thế kỷ trước, tổ tiên Việt bị biến thành con cháu của Hán. Sang thế kỷ này, không phải lầm lẫn mà do tráo trở, những chuyện ngu xuẩn đang lặp lại! Con cháu người Hán được phù phép thành tổ tiên của người Việt. Người Bách Việt vốn sống ở Nam Dương Tử, bị coi là Nam Man, bây giờ trở thành cộng đồng trung tâm làm nên dân tộc Trung Hoa…

     Một lý thuyết khoa học chỉ có thể bị đánh đổ bằng một lý thuyết khoa học thuyết phục hơn! Lấy gì phản bác hành vi ngụy khoa học này nếu không đi tới tận cùng của lịch sử? Người viết bài này có kinh nghiệm riêng. Năm 2008, khi công bố trên báo Văn nghệ hành trình của người Việt cổ đi lên khai phá Hoa lục thì bị phản bác dữ dội. Một tác giả dẫn National Geographic và Max Planck để khẳng định: “Không có chuyện người Việt đi lên khai phá Trung Quốc 40.000 năm trước,” rồi tuyên bố: “Đẩy Hà Văn Thùy vào bóng đêm vĩnh viễn!” Chúng tôi không chỉ đọc tài liệu di truyền mà còn khảo sát tư liệu khảo cổ. Thấy rằng, các địa điểm khảo cổ phía Nam không chỉ có tuổi sớm hơn mà còn tiến bộ hơn các di chỉ phía Bắc, chứng tỏ con đường Bắc tiến là sự thật.Từ đó kiên trì công việc của mình. Đến hôm nay hầu hết học giả thế giới từ bỏ con đường phía Bắc. Nhưng học giả Trung Quốc cố bám lấy thông tin lạc hậu này để đưa ra những tài liệu ngụy khoa học, phục vu mưu đồ của họ.

     Thưa Giáo sư Phạm Việt Hưng, trước đây ta thường nói: “Việt Nam có 4.000 năm văn hiến.” Nói mà không dám tự tin vì chỉ dựa theo truyền thuyết. Nhưng nay, ta biết rằng, nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt do tổ Thần Nông thành lập 5.300 năm trước, có kinh đô là Lương Chử, sớm hơn nhà nước Hoàng Đế 600 năm. Năm 2879 TCN,trên nền tảng của nhà nước này, Kinh Dương Vương kế nghiệp lập vương triều Xích Quỷ. Như vậy, người Việt Nam có hơn 5.000 năm văn hiến… Do sự thật bị chìm trong bụi thời gian nên buộc phải khám phá tới tận cùng lịch sử văn hóa của tộc Việt, giúp cho người Việt hiểu biết lịch sử đích thực, xua tan tà khí của đám bá quyền ngụy khoa học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét