Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

VỤ BẢNTHỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG


                                                     BÙI VĂN TAM
(Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam)

     Vụ Bản là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Nam Định, bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng. Theo Địa chí tỉnh Nam Định (xuất bản năm 2003) thì đất Vụ Bản nằm ở bộ Lục Hải thời Hùng Vương của quốc gia Văn Lang. Theo ngọc phả đền Đồng Móng danh tướng ở làng Bảo Ngũ (xã Quang Trung) thì huyện Vụ Bản thời Hùng Vương có tên là huyện Bình Chương.

     Theo truyền thuyết và thần tích các đền ở các làng cổ trong huyện thờ các thần thời đại Hùng Vương (quốc gia Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt và Hai Bà Trưng), thì Vụ Bản có tới hơn ba chục danh thần, danh tướng của nhiều dòng họ được thờ phong ở 75 đền miếu. Các đền này được lập ở nhiều làng rải từ miền thượng đến miền trung và miền hạ huyện Vụ Bản. Có thể nói huyện Vụ Bản là một nơi tập trung nhiều nhất, sầm uất nhất việc thờ các vị thần thời đại Hùng Vương của tỉnh Nam Định, nếu không muốn nói cả miền châu thổ sông Hồng.


I.     TRIỀU ĐẠI VUA HÙNG

1.    Thần Nông và Hậu Tắc

-       Về Thần Nông, người dân Vụ Bản không hiểu rõ đó là vị thần tổ của người Việt mà chỉ coi như Thần Nông là vị thần nông nghiệp, có công dạy dân trồng lúa, nên làng nào cũng có tục lễ thượng điền hoặc hạ điền và đều lập hương án thờ cúng Thần Nông trước khi làm lễ xuống đồng; coi Thần Nông là vị Tiên Nông, ông tổ của nghề nông.

-       Hậu Tắc: Thuộc họ Hồng Bàng, vua Việt Thường sai đem chim trĩ trắng sang nhà Chu ở phương Bắc giao lưu đổi lấy hạt giống ngũ cốc đem về phát triển sản xuất để đất nước được dồi dào sản vật, dân được ấm no. Ở Vụ Bản có 7 làng miền Thượng huyện thuộc xã Hành Cung cũ (nay thuộc xã Minh Thuận) lập đền thờ chung với thành hoàng làng. Riêng làng Phú Lão có miếu thờ riêng, xây thành một tòa lầu cao 5 bậc có thần vị thờ gọi là Tiên Nông xã tắc đế thần.

2.    Đền thờ ba vị Hoàng tử đi Hùng: Bảy làng thuộc xã Cố Đế cũ, tên Nôm gọi là Kẻ Đế (nay thuộc xã Đại Thắng) cuối miền hạ huyện Vụ Bản đều có đền thờ chàng Cả. (Bắc Hải) thờ chàng Hai (Tây Hải) và chàng Ba (Bắc Nhạc) Đại vương. Tương truyền, ba vị đại vương đều là hoàng tử của vua Lạc Long Quân và Âu Cơ. Bắc Hải và Tây Hải cai quản miền biển Đông, còn Bắc Nhạc Đại vương cai quản vùng đất bộ Lục Hải. Như vậy ba vị hoàng tử này đều là anh em với vua Hùng thứ nhất. Bảy đền thờ này đều nguy nga lộng lẫy, còn lưu giữ thần phả và nhiều sắc phong.

3.    Hoàng tộc đại vương và quan lang Hoàng Đào.

     Ở làng Hổ Sơn (xã Liên Minh) Hoàng tộc đại vương, con quan lệnh doãn huyện Bình Chương bộ Lục Hải (Vụ Bản, Nam Định ngày nay). Đời vua Hùng thứ 6 (Hùng Huy Vương) đã đi tuần thú đến làng Giá, có núi đất ven biển, thấy có con hổ trong núi chạy ra, gặp xa giá nhà vua liền lùi lại, lủi vào rừng trốn mất. Vua Hùng đặt tên cho là núi Hổ Phục, và làng Giá được đổi tên là làng Hổ Sơn. Ở làng có quan lang Hoàng Đào có 7 chàng dũng sĩ đã bắt sống được hổ nên dân gọi là “thất cầm mãnh hổ”. Giặc Ân xâm lược nước ta, hoàng tộc đại vương và  quan  lang Hoàng Đào cùng “thất cầm mãnh hổ” theo Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc. Giặc tan, hoàng tộc đại vương được vua Hùng cử làm bộ chủ bộ Hoài Hoan (Nghệ Tĩnh ngày nay). Khi mất, dân lập đền thờ ở đầu núi Hổ, vua phong làm thành hoàng làng. Giữa làng cũng có đền thờ quan lang Hoàng Đào và 7 dũng sĩ.

4.    Anh em Bùi Ngọc Thành và Bùi Thị Hoa ở Hổ Sơn (xã Liên Minh)

     Theo Sơn Nam phong vật chí của Hà Tông Quyền thời Nguyễn, thì vua Hùng Huy Vương đi tuần thú cùng Lục Hải, xa giá vừa đến một hòn núi đất cây cối rậm rạp thì gặp một con hổ lớn nhảy vọt ra. Gặp xe giá nhà vua, hổ bèn nhảy vọt vào rừng. Vua cho là điềm lành, hổ phải quy phục nhà vua, nên gọi núi đó là núi Hổ Phục. Đêm đó vua nghỉ lại ấp Giá dưới chân núi, dân ấp tổ chức ca hát, biểu diễn võ thuật để chào đón nhà vua, trong đó có 1 cặp đôi nam nữ múa khiên, bắn cung rất giỏi. Vua vời đến hỏi chuyện, biết rằng đó là hai anh em Bùi Ngọc Thành và Bùi Thị Hoa. Vua hỏi chuyện nước, chuyện bản ấp, chuyện bảo vệ dân làng, hai anh em đều đối đáp lưu loát, tỏ ra thông minh, nhanh trí. Nhà vua rất mừng xin dân bản ấp cho đưa hai người về cung giúp việc nước. Về đến kinh đô Phong Châu vua phong cho Bùi Ngọc Thành chức “Tá phụ quốc sự”, ngày đêm cận kề với nhà vua để lo việc nước. Nàng Bùi Thị Hoa được đưa vào cung cấm, ban cho chức “Cung nội huấn dưỡng”, chăm lo việc dạy dỗ, huấn luyện võ thuật cho các mỵ nương và cung nữ trong cung.

5.    Minh Gia thiên tử và Minh Tôn thiên tử đời vua Hùng thứ 6 đánh giặc Ân.

Đền làng Hạnh Lâm thờ 2 vụ tướng Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân (xã Hiển Khánh). Thn tích ghi rõ: Bộ chủ bộ Lục Hải là miêu duệ của Hoàng tử thứ 8 của Lạc Long Quân, lấy bà Trần Thị Huệ ở Tức Mạc (Lộc Vượng, Thành phố Nam Định hiện nay) làm chính phi. Hai vợ chồng đi tuần thú trong hạt , đến làng Hạnh Lâm (xã Hiển Khánh), gặp nàng Nguyễn Thị Nghĩa lấy làm thứ phi. Hai nàng sinh hai con trai, vợ chồng bộ chủ đưa 2 con ra mắt Hùng Huy Vương, vua Hùng thứ 6. Vua Hùng cho là con cháu của vương triều Hùng, nên đặt tên con của bà Huệ là Minh Gia Thiên Tử và con của nàng Nghĩa là Minh Tôn Thiên Tử. Hai người con thông minh tài trí. Khi bộ chủ và 2 bà qua đời, vua Hùng phong cho Minh Gia, Minh Tôn thay cha làm bộ chủ bộ Lục Hải. Khi giặc Ân xâm lược nước ta, hai bộ chủ Minh Gia, Minh Tôn đem quân theo Phù Đổng thiên tướng đánh quân Ân. Thắng trận, Phù Đổng bay về trời ở núi Sóc. Hai vị cũng bay theo. Vua Hùng cho Hạnh Lâm lập đền thờ, phong 2 vị là Minh Gia thiện tử và Minh Tôn thiên tử. Làng Hạnh Lâm còn có lăng mộ của 2 bà mẹ và miếu thờ tại rừng cấm đầu làng gọi là Phủ Lăng Bà.

6.    Hoàng Tử Câu Mang, con vua Hùng thứ 17 (Hùng Nghị Vương) làng Môn Nha (xã Hiển Khánh) có đền thờ. Thần tích ghi: Hùng Nghị Vương đi tuần thú miền Đà Bắc (Hòa Bình), gặp nàng Phạm Thị Phương xinh đẹp lấy làm thứ phi. Mấy năm sau, thứ phi họ Phạm sinh một hoàng tử tài giỏi, đặt tên là Câu Mang. Khi Nghị Vương băng hà, Duệ Vương lên kế vị, thiên tai xảy ra liên tiếp, lũ lụt hạn hán xảy ra liên tiếp xảy ra, nhà vua bèn sai Câu Mang đi tuần thú trong thiên hạ, cầu đảo trời mưa phục hồi sản xuất cho nhân dân. Ông được vua triệu về triều ban cho chức tước.Duệ Vương già yếu, không có con trai nối dõi. Thục Phán nhân cơ hội đem quân xâm lược. Vua triệu Tản Viên sơn thánh về triều cùng Mang Công đem quân kháng chiến, thắng lợi trở về đến Bố Chính (Quảng Bình) ông hóa về trời. Những nơi ông cứu hạn, chống lũ cho dân đều lập đền thờ, như làng Môn Nha (Vụ Bản), Như Trác (Lý Nhân)…

7.    Thần tích Câu Mang đại vương triều Hùng

Thần Câu Mang đời Hùng ở Nam Định, Hà Nam có hàng chục đền thờ, nguồn gốc xuất xứ có khác nhau, có thần tích ghi con ông Cao Hạo, mẹ là Trương Thị Vỹ (đền Hương Nghĩa, Minh Thuận), có thần tích lại ghi con ông Cao Tố và bà Trương Thị Khánh (làng Bích, làng Khổng Trạch (ở Liên Bảo) nhưng công tích phần lớn giống nhau, có tài bơi lội, làm quan triều Hùng Vương thứ 18, được phong là Thủy tào phán sự, khi lụt lội xảy ra, Câu Mang thường được cử để giúp dân chống lũ lụt, Câu Mang liền viết thư bắn xuống Thủy cung trách cứ Long Vương, Thủy tề dâng nước lớn làm hại dân và xin rút nước để cứu dân. Khi Thục chúa đem quân đánh, vua Hùng triệu ông về triều, dùng Tản Viên Sơn Thánh đem quân đánh thắng. Khi Câu Mang qua đời dân các làng được ông giúp đỡ chống thiên tai đều lập đền thờ.

8.    Đền làng Vàng thờ Cao Hựu Đại vương:

Thần tích đền làng Vàng (Lập Vượng xã Hiển Khánh ghi rõ:  Cao Hựu là con ông Cao Hạnh và bà Hoàng Thị Khánh ở ấp Tang Ma (Bất Bạt, Sơn Tây). Lớn lên, ông được học Hiên Đường tiên sinh, giỏi cả văn lẫn võ, trở thành con người toàn tài. Vua Hùng mời ông ra làm quan phong là Tham tán quân vụ. Khi Thục chúa đánh nước ta , vua Hùng sai Cao Hưu cùng Tản Viên Sơn Thánh đem quân chống cự, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Cao Hựu được vua ban thưởng, phong làm Đốc bộ Sơn Nam (bộ chủ bộ Lục Hải). Ông thường đi kinh lý trong hạt, khi đến vùng Lập Vượng, thấy đất đai màu mỡ, dân tình thuần hậu, ông bèn dừng lại, lập hành cung, giúp dân mở mang trang ấp. Ông cho lập bến Nứa (Nứa Phường – Vụ Nữ) để dân thuận lợi thuyền bè đánh cá, giao lưu. Ông chia đất trang Lập Vương làm ba thôn bờ sông . Thôn chính (nay là làng Vàng, Lập Vương) mở chợ Vàng (Hoàng Thị) cho dân buôn bán trao đổi sản phẩm, thôn Vân (nay là làng Man, Lập Thành) và thôn Thị (nay đều thuộc xã Hợp Hưng) trở thành một vùng quê thịnh vượng ở miền thượng  huyện.

Về già ông thường đi ngao du thiên hạ, khi leo núi Vũ Én (Phú Thọ) ông hóa về trời. Dân làng Lập Vượng cả ba thôn đều lập đền thờ, tôn là thành hoàng làng. Vua phong là Phù Vận Cao Hựu Đại vương.

9.    Thiên Tề Đại vương Hoàng Vân

Làng Lập Vũ (xã Hợp Hưu) có đền thờ Thiên tề Đại vương Hoàng Vân và miếu thờ bà mẹ là Hoàng Thị Hằng Nga. Thần tích có ghi: Bà Hoàng Thị Nga là con ông Hoàng Công Đạt và bà Đào Thị Điền, vốn người ở Cẩm Giàng (Hải Dương). Cha mẹ mất, năm 19 tuổi sang ở với cậu là Đào Công Tiệp. Một hôm nàng nằm ở hoa viên mơ màng bỗng thấy mây vàng bay xuống phủ lên người. Từ đó nàng mang thai. Bị nhân dân chê cười, nàng bỏ nhà ra đi. Đến làng Lập Vũ (xã Hợp Hưng) thì nàng dở dạ, đành nghỉ lại trong một lều quán ở chợ. Nửa đêm, có thần nhân báo mộng cho dân làng phải đón nuôi một người đàn bà mang thai một vị thiên tài xuất thế sau này cứu nước, giúp đời. Dân làng tìm được nàng, đem về nuôi dưỡng. Nàng sinh ra một một cháu trai khỏe mạnh, khôi ngô. Dân làng góp sức để nàng nuôi dưỡng con. Nàng đặt tên con là Hoàng Vân. Hoàng Vân lớn nhanh như thổi. Lớn lên, giúp vua Hùng Hiền Vương. Vua Hùng thấy là người toàn tài, lại bơi lội giỏi nên phong là Thủy tào phán sự, chỉ huy huấn luyện thủy quân. Lúc đó ở phía Nam có giặc Hồ tôn do tướng Ma Thạch Kim cầm đầu đến đánh phá. Hoàng Vân được vua cử đem chiến thuyền chống cự. Thủy quân Hồ Tôn khá mạnh quân ta chiến đấu rất khó khăn. Hoàng Vân vội cầu cứu Diêm La vương là Thủy đế. Diêm La Thủy đế đến cứu, Hoàng Vân đánh tan được giặc Hồ Tôn. Hoàng Vân tâu vua việc Diêm La Thủy đế âm phù thắng trận, vua cho làng Lập Vũ lập miếu thờ lộ thiên (không mái) phong là Diêm La Đại vương thượng đẳng thần. Hoàng Vân được phong làm bộ chủ bộ Lục Hải. Ông lập cung sở ở Lập Vũ, thường về đây nghỉ ngơi, giúp dân mở mang trang ấp. Khi ông mất, dân lập đền thờ cùng với phủ Bà thờ mẹ , Vua phong ông  là Tề thiên đại vương. Dân quý mến ông thường gọi là Hoàng Tề Đại vương. Thần tích còn ghi Hoàng Vân chọn trong các họ của Lập Vũ (Phạm, Nguyễn, Trần, Hoàng, Vũ Đặng) 35 người làm  gia thần thủ túc chỉ huy quân đánh giặc Hồ Tôn, nên sau này tổ tiên các họ trên đêu được dân làng tôn kính, hợp tự tại đền.

10. Thần Bạch Mã Linh Lang.

Thần tính Đền Làng Đồng Thời (Mỹ Thuận, Mỹ Lộc trước thuộc Vũ Bản) và làng Nhị Thìn (Tân Khánh), Duyên Hạ (Ninh Thuận, Vụ Bản) ghi rõ.

Bộ chủ Lục Hải là Hùng Thao lấy vợ người làng Đồng Thời là Phạm Thị Tư, nằm mộng thấy thần Quảng Lai trông coi hồ Dâu Đàn (Hồ Tây) xưng là con thứ hai Lạc Long Quân – Âu Cơ, xin đầu thai. Năm sau, bà tư sinh con trai đặt tên là Linh Lang, vốn trở về làng Đồng Thời để nuôi con khôn lớn. Năm mười bảy tuổi mẹ qua đời, Linh Lang được Vua Hùng triệu về kinh đô phong làm đại tướng Thủy quân, cho đất Đồng thời làm thuộc ấp. Bộ chủ Ai Lao, một tông phái của họ Hùng, thấy vua Duệ Vương già yếu, không con nối dõi nên đem quân đến đánh. Duệ Vương sai Tản Viên Sơn thánh và Linh Lang đem quân kháng cự. Quân Thục thua to, Linh Lang được triệu về triều khen thưởng. Nhưng thuyền đến hồ Dâu Đàn thì Linh Lang hóa thành giao long nhảy xuống hồ biến mất. Quân báo về triều, vua thương tiếc phong là Bạch Mã Linh Lang Đại vương, cho dân làng Đồng Thời lập đền thờ. Linh Lang về đến thủy cung được phong là thần Long Đỗ trông coi hồ Dâu Đàn. Bạch Mã Linh Lang được dân quanh hồ lập đền thờ. Thần đã cùng Long Vương diệt thủy quái Hồ Ly chín đuôi trừ hại cho dân, và đã phá thuật yểm bùa của Cao Biền thời nhà Đường, khiến cho Cao Biền nể phục, tôn tạo lại đền thờ ở Hồ Tây cũng như ở làng Đồng Thời.

11. Thần Uy Lôi - Uy Linh ở Thương Linh

Thần tích đền Chung Linh làng Thương Linh xã Đại Thắng ghi rõ sự tích 2 vị tướng họ Trần:

Đời vua Hùng Duệ Vương, ở làng Kim Tuyền huyện Giáp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương), có gia đình ông Trần Hinh, vợ là Lê Thị Thục, theo học thầy địa lý thấy núi Yên Phụ có huyệt mả đẹp, nên đem hài cốt tổ tiên chôn ở đó, có hòn đá đẹp làm điểm tựa giữa hai hồ nước. Mộ phát nhưng phải xa quê. Ông Trần Hinh phải xuống miền ven biển phía Nam kiếm sống, lúc đầu ở làng Cảo Linh (Qủa Linh, xã Thành Lợi) sau gia đình sang đất Ngũ Ngư lập làng Thượng Linh (xã Đại Thắng), vừa đánh cá vừa làm ruộng. Trần Hinh sinh hai con đặt tên là Linh và Lôi. Linh Công và Lôi Công lớn lên, trở thành hai chàng trai dũng mãnh. Nghe tin Tản Viên Sơn Thánh là bậc kỳ tài, hai ông đến gặp kết bạn cùng về triều thi thố tài năng. Vua Hùng phong chức tước. Linh Công được phong làm Linh Đài giám sát, Lôi Công được phong làm Đô chỉ huy sứ.

Khi Thục Phán đem quân đánh Văn Lang, vua Hùng sai Tản Viên Sơn Thánh và các tướng đem quân kháng cự. Linh Công và Lôi Công cùng đem quân đánh thắng Thục Phán. Về triều vua phong thưởng Linh Công làm Bộ chủ bộ Hoài Hoan, Lôi Công làm bộ chủ châu Ái. Khi về già, hai ông trở về làng Thượng Linh hưu dưỡng, dạy dân tiếp tục mở mang nghề đánh cá trên biển, cày bừa trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm. Lúc nhàn rỗi, hai ông rủ nhau ngao du thiên hạ. Một hôm đến núi Thiên Nhận ở Kim Nhan (Nghệ An), ông Linh hóa về trời. Lôi Công đưa linh cữu của anh về làng. Vua phong là Linh Sơn đại vương và cho lập đền thờ.

Đúng năm sau, vào ngày giỗ Linh Sơn đại vương thì Lôi Công cũng hóa về trời. Dân Thương Linh làm lễ mai táng và tâu vua. Vua Hùng phong là Linh Uy Lôi đại vương và cho lập đền thờ. Trước đây hai vị đều có đền thờ riêng. Ngày nay, dân làng Thương Linh và Đông Linh đã tôn tạo lại đền cũ, thờ chung hai vị cùng với hậu duệ họ Trần của hai ngài là tướng quân Trần Phối (Báo) Đạo, tướng của Hai Bà Trưng, đã từng đánh thắng quân Hán, được Trưng Vương phong làm Trấn thủ đạo Nhật Nam. Đền này có tên là đền Chung Linh ở làng Thượng Linh đã được nhà nước xếp hạng cấp tỉnh.

Một điều rất vui mừng là năm 2018, căn cứ vào thần phả, họ Trần và các cụ làng Thương Linh (xã Đại Thắng) phối hợp với tiển ban lịch sử thời đại Hùng Vương của họ Trần Việt Nam, đã về thăm lại làng Kim Tuyền, lên núi Yên Phục, đã tìm thấy ngôi mộ của tổ tiên cụ Trần Hinh đúng là nằm dưới hòn đá lớn, hai bên có hai hồ nhỏ y như miêu tả của thần phả. Mọi người đều làm lễ kính ngưỡng vị thần tổ của mình và hân hoan trước sự việc ăn khớp giữa truyền thuyết ghi trong thần phả với thực tế, càng tin tưởng ghi thần phả đã ghi chép đúng sự thật đã diễn ra cách đây hơn hai ngàn năm.

12. Tam vị Sơn Thánh: Tản Viên Cao Sơn Quý Minh

Vụ Bản có hơn chục làng thờ, Ý Yên cũng có chừng đó. Việc thờ ba vị Sơn Thánh khá phổ biến ở đất Vụ Bản, Ý Yên, nhưng các làng xưa chỉ có miếu thờ Tản Viên Sơn Thánh (nay hầu như bị phá hết, như ở Bích Cốc, Đắc Lực vv…). Chỉ có các làng ven chân núi như núi Phương Nhi (Ý Yên), núi Ngăm là có đền thờ của ba vị Sơn Thánh, có thần vị  và thần phả mà sự tích chung ở núi Tản thờ Tản Viên, Cao Sơn và Qúy Minh. Thần tích đền Đông Mão xưng Lư xưa (Yên Lợi, Ý Yên) và Ngăn Thượng (xã Minh Tân, Vụ Bản) về cơ bản giống nhau đều nói hai vị thần Cao Sơn và Qúy Minh đem quân vào Châu Hoan tiêu diệt thủy quân của nhà Thục. Hai ông qua làng Giáp Nhất Đông Mặc (Yên Lợi, Ý Yên) lấy 25 người làng làm gia thần thủ túc chỉ huy quân vào châu Hoan, đánh tan thủy quân của nhà Thục. Các đạo khác do quân của Tản Viên sơn thánh đánh tan. Quân thù đại bại. Thắng lợi trở về, ba vị sơn thánh được vua Hùng phong thưởng cho 3 ông tìm đất làm thực ấp, lập sinh từ.  Có đến hơn 160 nơi có sinh từ là nơi các ông đã từng qua lại giúp dân làng chống dịch bệnh, chống thiên tai hạn hán hay lũ lụt, trong đó có làng Đông Mặc Xung Lư xưa và  Ngăm thượng. Khi ba ông về trời, dân các làng có hành cung, sinh từ của ba ông đều lập đền thờ hay miếu thờ.

Đền thờ làng Xung Lư xưa (Yên Lợi) có vọng lâu nhìn về hướng Bắc, nơi có núi Tản ba người về trời. Đền thờ ba vị sơn thánh ở núi Ngăm được tôn tạo khang trang lưng chừng núi phía Tây giữa cây cối um tùm, râm mất, có đường leo lên đền, bậc thang quanh co, ngoạn mục, trước mặt có giếng Ngọc bên bờ sông Sắt (sông Ba Sát) tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình. Nơi đây đang trở thành công viên du lịch sinh thái nổi tiếng của đất Vụ Bản. Làng PhúLão (Minh Thuận) cũng có đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, có thần tích nhưng đã được tóm lược.

13. Thần Tam Bành và thần Đế Thích.

Đây là hai vị thần xuất hiện thời Hùng Vương dựng nước, mang nặng tính chất huyền thoại nhưng lại rất gắn bó với đời sống của cư dân Vụ Bản, có ấn tượng sâu sắc trong tâm trí và tâm linh của người dân Vụ Bản bao đời nay.

-       Thần Tam Bành hay Tam Danh thần tướng có hồn, hay thần Tam Ranh (ba vị thần trẻ con)

Theo thần tích đền làng Đồng Mông thuộc giáp nhất Bảo ngũ (xã Quang Trung, do cụ Bùi Xuân Dụng  chép lại bằng chữ Hán và dịch ra chữ Quốc ngữ)

Thời Hùng Thuận Vương, vua lấy người con gái họ Bằng ở làng Đồng Mông, sinh ra một bọc có ba người con trai. Một người sinh ra không có mặt, một người sinh ra không có tay, một người sinh ra không có đầu (có người giải thích  chỉ là một cục thịt tròn). Thuận Vương trông thấy thế, sợ hãi đem chôn ở ba cái giếng: giếng đầu tiên ở Đồng Mông (sau lập đền), giếng thứ hai ở bên cạnh đường sang làng Xứng, giếng thứ ba ở cánh đồng cát ở phía Bắc làng Vân Cát (Kim Thái). Một trăm ngày sau, ba vị biến hóa khôn lường, làm nhiều chuyện kỳ lạ, thậm trí đánh đuổi cả thành hoàng các đền hay sách nhiễu dân, lật úp bát hương ở đền của họ. Thuận Vương phải xa giá xuống trang Đồng Mông, thuyết phục ba vị, cho thấy rõ ba vị là thần Tam Thế Đô ba vị là Nguyễn Sừng, Nguyễn Sở và Nguyễn Sắt là Tam Danh thần tướng cô hồn, chỉ huy âm linh, luôn chống lại ma quỷ sách nhiễu dân, giúp đỡ dân làng gặp khó khan. Thuận Vương cho làng lập ba miếu thờ nơi thần ở.

Dân làng Bảo Ngũ lập đền thờ, gọi là đền Đồng Mông Danh Tướng (có người gọi là Đồng Mông Ranh tướng là ba tướng trẻ con). Nhiều huyền thoại được truyền tụng trong dân Vụ Bản về ba vị tướng trẻ này. Thần hay nổi giận phá phách những  đền có các vị hay sách nhiễu dân, làm nhiều điều oan trái, Dân gọi  ba vị thần đó làTam Bành,. Thần Tam Bành khi nổi giận thường phá phách được gọi là nổi cơn tam bành). Sau này, đời Lê Trung Hưng , Trần Toàn dựng  Nội Đạo tràng, tôn Tam Danh thần tướng làm tổ sư cùng với thần Độc Cước và Huyền Đàn (cả 3 vị này Vụ Bản đều có đền thờ).

-       Thần Đế Thích: Thần Đế Thích ở Vụ Bản có 8 đền thờ: xã Lương Kiệt và Hào Kiệt (Liên Minh) có 7 đền thờ (làng Tâm, làng Tiền, làng Thượng của Lương Kiệt và bốn giáp của Hào Kiệt), làng Tổ Cầu có đền thờ chính, gọi là Đình Ba Xã. Thần tích ở đền Tổ Cầu(xã Liên Bảo) ghi sự tích về vị thần Đế Thích. Khi miền hạ Vụ Bản đang là biển, miền trung Vụ Bản là bờ biển có dân ở, làm nghề đánh cá, có cửa biển Côi Sơn (Côi Sơn Hải Khẩu). Dân đi biển thường bị bọn thủy khấu cướp phá. Bọn thủy khấu (giặc nước) này hoành hành dữ dội ở ven biển và các ngòi lạch, không cho dân đánh cá. Dân tập trung kêu cứu Ngọc Hoàng bèn sai thần Đế Thích Diêm La Vương (thần vị ghi là thế nhưng vua Tự Đức có có sắc cho đó là 2 vị thần Đế Thích và Diêm La Vương) xuống trần đi tuần thú cai quản miền sông nước. Đế Thích là tiên đánh cờ trên thiên đình, khi cưỡi lân xanh xuống núi Gôi, ông lập bàn cờ đá trên đỉnh núi, dựng lâu đài quán các để ở, ngày ngày cưỡi lân xanh đi tuần thú ven biển, dẹp bọn thủy khấu, dân trong vùng yên ổn làm ăn. Lúc rỗi rãi, Đế Thích rủ tiên xuống đỉnh núi Gôi đánh cờ. Một hôm say sưa đánh cờ quên việc đi tuần thú. Bọn thủy khấu tập trung đến cướp phá. Đế Thích tỉnh dậy vội đánh lại chúng, nhưng mệt mỏi quá, bị chúng chém rơi đầu. Đế Thích ôm đầu cưỡi lân xanh chạy dọc bờ biển qua Lương Hào Kiệt (thuộc Liên Minh) đến tổ cầu (thuộc xã Liên Bảo), gặp bà hàng nước hỏi bà hàng nước người bị chém đầu có sống nổi hay không? Bà hàng nước nói: Không thể! Đế Thích liền bỏ rơi đầu, ngã vật xuống chết. Dân làng chưa kịp mai tang, thì sáng hôm sau đã thấy mối đùn thành mộ. Dân làng Tổ Cầu đang ngạc nhiên thì tự nhiên thấy trời đất tối sầm, mưa to gió lớn, sét đánh ngọn cây đa, tách rơi xuống một thần bài bằng đồng. Trời tạnh, cụ đồ ra đọc thấy khắc: “ Diêm La Vương Đế Thích có phẩm rất cao trên thiên đình, cưỡi lân xanh xuống trần làm Minh Vương, thác xuống ở đây, Ngọc Hoàng cho làm thành Hoàng ba làng Tổ Cầu, Hào Kiệt, Lương Kiệt để giúp dân diệt trừ thủy khấu.”

-       Dân ba làng lập đền chính, gần nơi có mộ xây đình lớn cho dân ba xã tổ chức lễ hội tại đình. Ngoài ra 7 thôn nhỏ của xã Lương Kiệt và Hào Kiệt cũng lập đền thờ. Khi dựng xong đình ba xã, Đế Thích Diêm La Vương đã có bài thơ giáng bút:

Sử sách Nam Tào đã rõ ràng

Ngọc Hoàng cho giáng xuống trần gian

Đời đời vua sáng ngời nghĩa khí

Xem xét địa ngục rõ tâm can

Cưỡi lân dạo biển bay mà sống

Biển hỏa người – Thần trốn nhân gian

Uy linh ngời ngợi tài văn võ

Chính trực, thông minh đã rõ rang

II.   TRIỀU ĐẠI ÂU LẠC VÀ NAM VIỆT

1.    Đền thờ Thục An Dương Vương (Nam Hải Đại vương) được thờ chung với 3 vị Hoàng tử Bắc Hải Tây Hải và Bắc Nhạc Đại vương) ở bảy đền của làng Cố Đế

Theo thần tích, khi Triệu Đà đánh nước ta, Thục An Dương Vương mất cảnh giác, nên bị thua, phải chạy về phương Nam. Đến làng Cố Đế (xã Đại Thắng) thấy gò cát BùĐài ven biển cao rộng, nên dừng lại, lập thành lũy ở đây, củng cố lực lưỡng để chống lại Triệu Đà, nhưng lại thất bại, phải chạy vào vùng Hoan Điền. Dấu vết thành đất vẫn còn. Dân lập đền thờ ở làng Phong Vinh. Tất cả 7 thôn Cố Đế đều thờ chung Nam Hải Đại vương với ba hoàng tử đời Hùng. Đền chính phong vinh có đôi câu đố nói lên sự tích này. Tạm dịch nghĩa là:

Khí lành bến sông sâu, đất vững bền, lầu yên tĩnh thoáng bầu trời, rộng hình thế, chính là nơi Vua ngự.

Sử xanh truyền chính thống, thay Văn Lang, lập Âu Lạc, non Bùi Đài, nước dòng Đế, còn dấu tích thành xưa.

Đền làng Phong Vinh có “phục chế” một chiếc nỏ thần của Thục An Dương Vương để thờ tại chính điện trên một chiếc bệ, các cụ trong làng gọi là “ Linh sàngthần nộ”. Phía bắc làng có một ngôi miếu thờ một hòn đá tự nhiên. Các cụ cho đó là nơi họp bàn việc quân cơ (!?) nên lập miếu thờ.

2.    Hai tướng của Thục An Dương Vương đóng quân trên địa bàn miền thượng huyện Vụ Bản

Đó là tướng Cao Đệ và Trì Chân 6thờ ở đền Đồng Văn (xã Mỹ Thuận) và Thọ Trường (Xã Tân Khánh)

Theo thần tích, Cao Đệ và Trì Chân là con thứ 10 và 11 trong số 50 người con theo Lạc Long Quân xuống biển. Hai vị đã đầu thai vào gia đình một dân chài ở trang Hà Trung huyện Hà Hoa (Nay thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bố là ông Triệu Kim, mẹ là bà Vũ Thị Tuyền. Khi Thục Phán bị Tản Viên đánh, thua trận chạy về đến đó, gặp hai cậu bé, thấy khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi nên xin về nuôi ở Ai Lao, cho học tập thành tài, song toàn văn võ. Hai vị đã khuyên vua nên cầu hòa với vua Hùng, được vua Hùng truyền ngôi cho lập nước Âu Lạc để chống giặc Tần. An Dương Vương làm vua được 42 năm Triệu Đà đem quân sang đánh, nhờ có nỏ thần nên An Dương Vương thắng trận. Hai ông đem quân đóng ở làng Đồng Thời, chiêu mộ them quân sĩ, chia quân đóng thành ba trại để huấn luyện thêm.Trai tráng các làng xung quanh Đồng Thời (Đồng Văn) của vùng Mỹ Lộc, Thiên Bảngia nhập rất đông , lại được thần Bạch Mã Linh Lang âm phù, nên đánh thắng Triệu Đà.

Triều Đà thua phải rút quân, sau đó lập kế cầu hòa và cầu hôn Mỹ Nương của vua Âu Lạc cho con trai của mình là Trọng Thủy. Cao Đệ và Từ Chân khuyên vua nên cảnh giác sợ mắc mưu gian. Vua không nghe. Hai ông từ quan về sống ở làng Đồng Thời, dạy dân làm ăn sản xuất. Một hôm thần Linh Lang báo mộng, đọc thơ cho 2 ông:

Năm mươi năm chẵn giúp Thục Vương

Sách trời đã định quá rõ ràng

Nước Nam rồi sẽ về tay Triệu

Ngày mai nên trở lại thủy đường

     Hai ông biết ý trời đã định. Hôm sau mở tiệc chung vui với dân làng. Tiệc tan bỗng trời đất tối sầm, một dải mây đỏ từ trên trời bay xuống, hai ông hòa vào mây bay đi.

Biết hai ông đã hóa, dân làng dâng sớ tâu vua và lập đền thờ. Vua tặng phong ông là Đại vương .Dân làngng Đông Thời và nhiều làng xung quanh, trong đó có Thọ Trường (xã Tân Khánh,) lập đền thờ hai ông, tên là thành hoàng làng.

3.    Đền thờ Nghĩa tướng Lữ Gia, thừa tướng  Nam Việt chống giặc Hán

     Ở Vụ Bản có đến 11 đền thờ Lữ Gia, lớn nhất là 4 đền thờ ở 4 làng Tứ Côi (thị trấn Gôi) đền chính ở chân núi Gôi. Theo thần phả đền Mỹ Côi Lữ Gia là người Châu Ái,con ông Lữ Cát va bà Trần Thị Lan. Đời Triệu Văn Vương, ông làm chức Tư Tào, cùng vua lo việc nước. Khi làm quan, nhà Triệu nước Việt Nam đóng đô ở Phiên Ngang (Quảng Châu, Trung Quốc ngày nay). Ông về quê ở Ái Châu thăm bố mẹ, thường đi qua núi Gôi, thấy phong cảnh đẹp, bèn lập một du cung ở làngĐăng Côi (sau này là Tứ Côi), thường về đó nghỉ ngơi.

     Văn Vương băng hà, Minh Vương (Anh Tề) lên thay, Lữ Gia được phong thừa tướng. Ít năm sau, Minh Vương băng hà. Ai Vương còn nhỉ tuổi lên nối ngôi. Mẹ là Cù Thị, vốn người Hán. Vua Hán thấy thế, cho người tình cũ là An Quốc Thiếu quý sang sứ, tư thông với Cù Hậu, bàn kế dâng nước Nam Việt cho nhà Hán. Biết thế, Lữ Gia giết chết Cù Hậu và Ai Vương, đưa Thuật Dương Vương lên nồi ngôi. Nhà Hán sai Lộ Bác Đức đem quân xâm lược. Lữ Gia phát động kháng chiến chống lại. Giặc Hán bắt giết được Thuật Dương Vương, chiếm Phiên Ngung. Lữ Gia lùi quân về Phong Châu (Phú Thọ) tiếp tục kháng chiến, thu nhiều thắng lợi. Sau có viên tướng phản bội, quân Hán đánh tan quân Lữ Gia. Lữ Gia bị chém đầu, ôm đầu cười ngựa chạy về đến Đăng Côi gặp bà hàng nước. Ông hỏi bà hàng nước; người không có đầu có thể sống được không? Bà hàng nước trả lời không thể. Ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: - Thôi thế là hết đường của kẻ anh hùng, đành để lại hận thù muôn đời đối với nước Hán.

Rồi ông bỏ tay, đầu rơi xuống đất mà chết. Thân ông vẫn trên mình ngựa, ngựa chạy xuống làng Hầu thì rơi xuống. Hôm sau, mối đã đâm lên thành mộ cả hai nơi.

Qua các tài liệu viết về Lữ Gia ở đền Đăng Côi và tài liệu thần phả của tỉnh Vĩnh Phú (Vũ Kim Biên Khảo cứu, biên soạn) thấy nhiều điểm trùng hợp:

-       Sau khi thất trận ở Phiên Ngung, Lữ Gia lui quân về Phong Châu kháng cự tiếp, thắng nhiều trận, sau đó vì có nội gián nên ông mới bị giặc Hán chém.

-       Ông mang đầu chạy về Đăng Côi và chết ở núi Gôi huyện Vụ Bản Cả Vụ Bản va Vinh Phú đều có nhiều nơi lập đền thờ.

     Tài liệu của Đăng Côi nói Lữ Gia lập hành cung tại đây. Tài liệu của Vĩnh Phú thì nói ông lập làng Lã Chỉ ở huyện Thiên Bản.

     Còn nói “ Làng Gôi thờ dầu” thì đúng, nhưng làng “Hầu thờ than” thì cả 4 giáp làng Hầu (Hào Kiệt) đều thờ Đế Thích chứ không thờ Lữ Gia. Mà truyền thuyết ở làng Nguyệt Mại (Đại Thắng) thì thân Lữ Gia được chôn ở đây, nên làng Nguyệt Mại có đền thờ Lữ Gia và mộ của Lữ Gia. Vậy Nguyệt Mại xưa có phải là làng Hầu không?

4.    Tướng quân Bùi Văn Quan ở làng Bùi Trung xã Hiển Khánh.

Đền thờ ở làng Bùi Trung (xã Hiển Khánh) thờ vị thần người làng là Bùi Văn

Quan. Theo truyền thuyết, thì Bùi Văn Quan là một vị tướng tài ở làng này, theo Lữ Gia đánh giặc Hán và chết trận cùng với Lữ Gia. Đền này nay không còn nữa. Sách  Tân biên Nam Định tỉnh dư địa chí của cụ Nghè Khiếu năng Tĩnh có ghi Lữ Cát cùng với bà Trần Thị Lan từ châu Ái ra sinh sống ở làng Bùi Trung, sinh ra Lữ Gia ở đây. Nhưng dân làng không ai biết về chuyện này cả.

 Tóm lại Lữ Gia, thừa tướng của nước Nam Việt có quan hệ với huyện Thiên Bản, thần tích đền thờ ông cũng như nhiều truyền thuyết của Vụ Bản có nơi về ông, một nghĩa tướng chống giặc Hán trước Công nguyên. Bà hàng nước trong truyền thuyết và trong thần tích cũng được hai nơi lập đền thờ, đó là Phủ Bà ở Vân Côi và Phú Bà ở Nguyệt Mại. Thơ văn, câu đối của các văn nhân để ở các đền đều ca ngợi nghĩa khí, lòng hy sinh của Lữ Gia cứu nước, chống ngoại xâm của Lữ Gia.

III. THỜI KỲ HAI BÀ TRƯNG ĐÁNH GIẶC HÁN

1.    Những cuộc khởi nghĩa từ địa phương Vụ Bản:

Vào đầu công nguyên, nhà Hán đô hộ nước ta, thi hành nhiều chính sách tàn bạo, hà khắc, nhân dân khắp nước đều nổi dây chống lại. Phong trào khởi nghĩa cùng Hai Bà Trưng chống Thái thú Tô Định đã lan rộng tới vùng Vụ Bản

      a. Cuộc khởi nghĩa của Mai Hồng làng Vụ Nữ - Thám Thanh (xã Hợp Hưng).

Mai Hồng người thôn Thám Thanh, lấy chồng là Vũ Du ở làng Vụ Nữ. Thái thú Tô Định giết chết Vũ Du. Nợ nước, thù nhà, Mai Hồng về quê mẹ tập hợp nghĩa sĩ khắp nơi, xây dựng căn cứ Thám Thanh – Vụ Nữ, chuẩn bị khởi nghĩa. Bà Trưng nghe tin, vội cử Trưng Nhị đến vận động cùng hợp tác Mai Hồng đem quân về cùng Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được Bà Trưng phong làm hồng nương tướng quân. Khởi nghĩa thắng lợi. Ba năm sau, Mã Viện đem quân xâm lược. Quân Hai Bà chống lại không nổi, Hai Bà tuẫn tiết. Mai Hồng đánh trận cuối cũng ở Động Cao cũng không thắng được, đãnh tuẫn tiết, xác theo sông Hồng trôi về Nứa Phường. Dân Vụ Nữ lập đền thờ và xây Lăng Mộ.

      b. Cuộc khởi nghãi ở làng Vậy của chị em Đỗ Dung và Đỗ Quang (xã Cộng Hòa).

     Thái thú Tô Định sát hại bố mẹ. thù nhà nợ nước của hai chị em Đỗ Dung và Đỗ Quang tập hợp nghĩa sĩ, tích trữ lương thực, sắm sửa vũ khí để chống quân đô hộ. sau kéo quân cùng nữ tướng chu Liên ở Yên Sơn (Sơn Tây) về với Hai Bà Trưng chống giặc Hán. Khới nghĩa thắng lợi. Đỗ Quang ở lại triều. Đỗ Dung và Chu Liên về trấn thủ đất Lục Hải. Khi Mã Viện đem quân xâm lược, Đỗ Dung lại đem quân cùng Hai Bà chống lại. Không thắng lợi, Hai Bà tuẫn tiết, Đỗ dung đem quân rút về làng Vậy, phối hợp cùng với nghĩa quân Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở làng Mai (Bảo Ngũ, xã Trung Thành), xây dựng chiến tuyến Đồng Đội, đắp thành  ở làng Ngọc Thành và làng Tháp (xã Cộng Hòa), tổ chức dân sinh cả nam và nữ, thành nhóm “đôi người”. Có 5 đôi chàng và bảy đôi nàng giữ thành Đồng Đội. Giặc  đuổi theo, bao vậy Đồng Đội. Nghĩa quân kháng cự dũng cảm, nhưng không thắng được. Đỗ Dung tuẫn tiết, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ rút về Mi Thử (Hải Dương), tiếp tục chiến đấu.

         Có hai truyền thuyết rất đẹp và cảm động về cuộc khởi nghĩa này.

-        Truyền thuyết thứ nhất: Đỗ Dung và Nguyệt Thai Nguyệt Độ đắp thành đất Đông Đội để chống cự lại quân Lưu Long, laị tổ chức nghĩa binh nam cũng như nữ thành nhóm “đôi người” để hợp lực và dựa vào nhau mà chiến đấu. Trong việc giữ thành chống quân Lưu Long, nghĩa quân chiến đấu ác liệt, đánh lại nhiều đợt tấn công của địch. Giặc đông gấp bội, bao vậy chặt thành. Nguyệt Thai, Nguyệt Độ phải rút quân về làng Mai. Còn Đỗ Dung với “5 đôi chàng và 7 đôi nàng” vẫn kiên quyết chống cự, giữ thành cho đến phút cuỗi cùng. Đỗ Dung và toàn quân đã hy sinh anh dũng. Khi tàn cuộc chiến, dân làng đã vào thành và tập hợp các thi thể “5 đôi chàng” và “7 đôi nàng” chôn vào hai ngôi mộ lớn và dựng hai ngôi mộ tháp để tưởng niệm. Hai tháp này xây ở phía Bắc làng, nên sau này dân gọi làng này là làng Tháp. Còn thành đất nằm chếch về phía làng Đồng Đội, nên sau này cũng gọi là làng Ngọc Thành. Dân làng Tháp và làng Mai, sau này cũng lập đền thờ hai nàng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ và phối thờ với “5 đôi chàng” và “7 đôi nàng”, đời đời hương khói.

-        Truyền thuyết thứ hai: Còn nữ tướng Đỗ Thị Dung thì dân làng Vậy rước về mai táng ở cánh đống làng Vậy, bên cạnh mộ nữ tướng Chu Liên. Nữ tướng Chu Liên kết nghĩa với chị em Đỗ Dung cùng kéo quân về với Hai Bà Trưng. Bà Chu Liên lớn tuổi hơn nên được gọi là chị cả. Khi thắng lợi, Bà Trưng lên ngôi vua phong bà Chu Liên trân thủ đất Đại An Kim Xuyên (vùng Ý Yên và Bắc Nghĩa Hưng) và Đỗ Thị Dung trấn thủ đất Bình Chương (Vụ Bản). Bà Chu Liên lên thăm bà Dung, không may bị bênh nặng và mất tại doanh sở. Nhân dân làng Vậy mai táng bà Chu Liên tại cánh đồng làng, Khi bà Đỗ Thị Dung hy sinh, cũng được đưa về mai táng gần kề bà Chu Liên. Dân làng gọi Mộ bà chu Liên là Mả Cả (mộ chị Cả), còn mộ của bà Đỗ Dung là Mả Đụt (mộ em). Dân làng cũng lập đền thờ gọi là “Tam Danh tướng” (thờ cả tướng Đỗ Quang). Đến nay mộ hai bà vẫn còn tại làng Vậy.

      c. Làng Lại Xá (làng Lỡi xã Hiển Khánh) có 4 anh em Chiêu Trí, Thiên Thạc và bà Kỵ, bà Độ người họ Hùng, vốn là con cháu của bộ chủ châu Ái đời vua Hùng. Chiêu Trí và Thiên Thạc học giỏi tài trí, Tô Định rời ra làm quan để khống chế. Hai ông không chịu. Tô Đình tìm cách ám hại; có người báo, hai ông đem 2 em gái ra ẩn cư tại làng Lại Xá, sinh sống cùng dân làng. Nghe tin hai bà Trưng khởi nghĩa, hai ông và hai bà đã cũng 30 trai tráng và 8 cô gái làng Lại Xá lên đường đến Hát Môn tụ nghĩa. Kháng chiến thắng lợi, 4 người dẫn quân trở về Lại Xá là đất ngụ lộc của hai Bà Trưng phong tặng. Một thời gian sau, trong lễ hội ăn mừng, bỗng mưa to gió lớn, 4 anh em không bệnh mà hóa mối đùn thành mộ. Dân lập đền thời tại làng Lại Xá.

d. Làng Riềng Thương Linh (xã Đại Thắng) có bà Lê thị Hoa cùng 4 con trai họ Mai khởi nghãi chống giặc Hán.

Bà Hoa lấy chồng là Mai Tiến ở làng Phú Cốc (xã Thành Lợi), sinh được 4 người con trai. Tô Đinh giết hại Mai Tiến. Bà đem 4 con cùng em gái về làng Thương Linh xây dựng căn cứ, mộ nghĩa quân chống lại giặc Hán, đánh thắng lợi nhiều trận. Giặc Hán tập trung quân tấn công khu căn cứ. Hai chị em bà Hoa mang 4 con trai vừa chiến đấu vừa rút về vùng núi Nga Sơn Thanh Hóa, xây dựng trang ấp Yên Nội, tập hợp nghĩa sĩ, sản xuất lương thực, vũ khí, tập dượt võ nghệ, chờ ngày con trai lớn sẽ báo thù. Khi nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, 4 con đã khôn lớn, bà Hoa liền kéo quân ra Hát Môn tụ nghĩa. Trong cuộc khởi nghĩa, quân bà Lê Thị Hoa đạt được nhiều thắng lợi. Khởi nghĩa thành công, bà Hoa được phong là Tứ Thiện Phu Nhân. Bà trở về Yên Nội và mất tại đó. 4 con trai vẫn tiếp tục cùng Hai Bà Trưng kháng chiến chống Mã Viện.


e. Cũng ở làng Thương Linh (xã Đại Thắng) có Trần Báo Đạo, miêu duệ của Uy Linh, Uy Lôi triều Hùng. Nghe tin Hai Bà khởi nghĩa, cũng kéo đoàn nghĩa sĩ của mình ra Hát Môn tụ nghĩa. Sau thắng lợi, được phong trấn thủ quận  Nhật Nam. Mã Viện đem quân xâm lược, ông chống cự ác liệt, nhưng không thành công, trở về ở ẩn tại làng, cùng sinh sống với dân làng. Khi mất, được dân làng tôn là Thành Hoàng Báo Đạo hầu công, lập đền thờ ở làng. Đời Trần, vua Anh Tông đến thăm đến, sắc phong là Anh Sương Đại vương, cho là cùng họ với Vương Triều Trần.

2.    Tướng của Hai Bà Trưng lập căn cứ chiêu mộ huấn luyện nghĩa quân tại đát vụ Bản.

a.    Bạch Đẳng Nhà Nuôi và Cao lôi xây dựng căn cứ ở làng Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào).

-       Bạch Đẳng là con ông Bạch Bằng và bà Hoàng Thị Đẳng ở Phong Châu. Lớn lên, Bạch Đẳng làm con nuôi của bà Trưng Trắc được học hành, luyện tập võ nghệ.

-       Cao Lôi là con ông Cao Điện và bà Hàn Thị Tú ở huyện Đông Ngàn (Kinh Bắc). Năm lên 6 bố mẹ đều qua đời, Cao Lôi sang ở với cậu. Năm lên 14 tuổi, cậu là Hàn Công Chiêu bị Tô Định sát hại. Cao Lôi đi học Lý Đường tiên sinh để trả thù cho cậu. Năm 17 tuổi, nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống giặc Hán, Cao Lôi đến xin đầu quân. Bà Trưng cho kết nghĩa anh em với Bạch Đẳng, tiếp tục học tập. Bà Trưng cử hai người đi về Phương Nam để chiêu mộ nghĩa sĩ. Hai người đến trang Vĩnh Phúc (Vĩnh Hào), lập đàn thu hút nhân tài, huấn luyện nghĩa binh. Nhân dân trong vùng hưởng ứng rất đông, không bao lâu đã có ngàn quân, kéo về tụ nghĩa ở Hát Môn. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng lên ngôi vua, ban thực ấp cho Cao Lôi và Bạch Đẳng ở vùng Thiên Bản. Hai người về Vĩnh Phúc trang, dạy dân cày cấy, mở rộng đất đai, tiếp tục huấn luyện dân linh để bảo vệ xóm làng. Khi Mã Viện, Lưu Long đem quân về giúp Trưng Vương. Bà Trưng sai hai vị đem quân chặn địch vùng Lạng Giang, chiến đấu không phân thắng bại. Mã Viện tập trung quân đánh Bà Trưng. Hai Bà lùi về Cấm Khê và thất bại, Cao Lôi, Bạch Đẳng cùng nghĩa quân đánh địch đến phút cuối cùng, đành tự tuẫn. Tin về đến trang Vĩnh Phúc, dân trang lập đền thờ hai vị anh hùng.

b.    Lộc Công cùng hai chị em nàng Phương Hoa xây dựng căn cứ ở làng Hạ Xá

Lộc Công là chú của bà Trưng Trắc, được cử về vùng hạ lưu sông Hồng để chiêu mộ nghĩa sĩ. Ông Lộc về vùng Thiên Bản, xây dựng căn cứ ở làng Hạ Xá (xã Đào Dương, nay thuộc xã Tân Khánh). Ông lấy nàng Phương Hoa. Vợ chồng cùng em gái ra sức chiêu mộ, huấn luyện nghĩa binh rồi kéo quân về hội tụ ở Mê Linh, tham gia khởi nghĩa thắng lợi. Khi Mã Viện đem quân xâm lược, Lộc Công cùng hai nàng đem quân chống cự, không thắng được, cả ba đều anh dũng hy sinh. Dân Hạ Xá lập đền thờ.

c.     Nữ tướng Đào Thị Quý và Hoàng Đức Công xây dựng căn cứ ở Bảo Ngũ (Quang Trung)

 - Hoàng Đức Công nguyên quán ở Xích Đằng phủ Khoái Châu (Hưng Yên), con ông Hoàng Huy và bà Lưu Thị Thiện. Năm 12 tuổi, học cả văn lẫn võ với Quảng Đường tiên sinh, nổi tiếng là người tài giỏi. Năm 20 tuổi cha mẹ mất, Đức Công đi chu du thiên hạ, nghe tin Bà Trưng khởi nghĩa, liền đến đầu quân.

             -    Bà Đào Thị Quý, con ông Đào Thọ và bà Trương Thị Thái, quê ở làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Lớn lên, nàng Quý được học hành, văn võ song toàn. Bố mẹ qua đời, Quý nương có lòng yêu nước, đã liên kết với anh hùng hào kiệt bốn phương, tụ họp nghĩa sĩ, lập thành một đội quân hùng mạnh, quyết tâm diệt trừ lũ giặc Hán đô hộ.

        Bà Trưng nghe tin, bèn cho Đức Công mang thư vận động Quý nương đem quân về cùng hợp lực đánh Tô Định. Bà Quý vui vẻ đem quân về tụ nghĩa. Bà xin cùng Đức Công đi chiêu mộ huấn luyện thêm quân sĩ. Bà Trưng đồng ý. Quý Nương và Đức Công về đến làng Bảo Ngũ, thấy giáp nhất có cánh rừng rậm, có đồng cát mênh mông, có dòng sông nước chảy quanh co, thật thích hợp cho việc lập căn cứ chiêu tập nghĩa sĩ, bèn dừng lại giáp nhất Bảo Ngũ, lập trại chiêu quân. Chẳng bao lâu, nghĩa sĩ vùng Thiên Bản có tới hàng ngàn người về tụ họp, huấn luyện, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực. Quý Nương và Đức Công kéo quân về tụ nghĩa tại Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi, Bà Trưng lên ngôi vua, phong Quý Nương là giám sát nguyên súy, ban thực ấp vùng Nghĩa Hưng, lại bán thực ấp cho Đức Công vùng Thiên Bản. Hai người lạy tạ, đem quân về lại Giáp Nhất Bảo Ngũ. Ba năm sau, Mã Viện đe quân xâm lược, Quý Nương và Đức Công lại kéo quân về triều tham gia kháng chiến. Thế cùng lực kiệt, Bà Trung cùng Giám Sát chiến đấu đến cùng và hy sinh. Đức Công đem tàn quân về Bảo Ngũ, cùng nhân dân lập đền thờ Quý Nương rồi ở lại sinh sống với làng Bảo Ngũ. Hai năm sau, Đức Công qua đời, dân lập đền thờ riêng.

IV.       NHẬN XÉT CHUNG:

1/ Ở Vụ Bản, qua kiểm kê di tích lịch sử văn hóa của từng Văn hóa Nam Hà 1964, Huyện Vụ Bản có 323 ngôi đền miếu, thì có tới 244 di tích thờ các vị nhân thần, Trong số nhân thần, thời kỳ Hùng Vương đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có tới 75 di tích thờ các nhân thần chiếm gần 40% di tích. Số nhân thần được thờ trong thời kỳ này có tới 40 nhân vật, trong đó có hơn 30 nhân vật là người bản địa Vụ Bản, còn gần chục nhân vật là nơi khác đến hoạt động tại địa bàn. Không kể hơn chục đền miếu khác đến hoạt động tại địa bàn. Không kể hơn một chục đền khác mang tonhs chất thờ vọng (xin chân hương, hoặc dân di cư mang thần của mình đến đay thờ phụng). Các vị thần đó có thân thế, sự nghiệp rõ ràng pha chút huyền thoại, dù thờ ở đền to hay miếu nhỏ, nhưng đều được nhân dân tôn kính, trân trọng, quanh năm hương khói, tri ân. Trong số này, có quá nửa số thần còn được lưu giữ thần phả, sắc phong, hoành phi câu đối ca tụng sự nghiệp và sự hiển vinh của các ngài. Truyền thuyết về các vị thần đó cũng rất nhiều, đặc biệt mang nhiều tính chất huyền thoại, nhưng nó phản ánh ký ức của tổ tiên ta nhớ về thời xa xưa, rồi truyền lại cho con cháu đời sau hiểu và nhớ về nguồn gốc của tổ tiên.

      Các nhân vật của triều đại Hùng Vương, xuất hiện ở Vụ Bản ngay từ đời vua Hùng đầu tiên, đến đời Hùng Vương thứ 17,18, đặc biệt đời Hùng Vương thứ 6 theo Phù Đồng Thiên Vương đánh giặc Ân, đã nói lên Vụ Bản có vai trò, vị trí quan trọng trong lịch sử thười Hùng Vương dựng nước, alf địa bàn quan trọng của nhà nước Văn Lang, mảnh đất phương nam của quốc gia Văn Lang, năm sát biển Đông, nên cái tên huyện Vụ Bản là Bình Chương (nghĩa là bức phên dậu che chắn), hay sau này là Hiển Khánh (rực rỡ, đẹp đẽ) hay Thiên Bản (“nông giả ư thiên hạ chi bản giả” nghĩa là nghê nông là gốc của thiên hạ, viết tắt là Thiên Bản  . Những tên đặt của huyện thật là đẹp đẽ, có vị thế quan trọng trong lịch sử của đất phương nam trong cộng đồng người Việt lúc đó. Những triều đại sau (Âu Lạc, Nam Việt, Hai Bà Trưng ở cuối thiên niên kỷ I sau công nguyên thì Vụ Bản vẫn liên tục xuất hiện những nhân vật lịch sử và những hiện tượng lịch sử quan trọng.

      Điều đó dựng nên một truyền thống lịch sử lâu đời dựng nước và giữ nước rất đậm nétoai hùng của cộng đồng dân cư Vụ Bản, đóng góp rất cụ thể vào truyền thống dựng nước và giữ nước chung của cộng đồng người Việt trong lịch sử.

2/ Theo Địa chí tỉnh Nam Định (xuất bản 2003) Vụ Bản là một vùng đất thuộc tỉnh Nam Định, nằm tại phần tiến nhanh ra biển của châu thổ sông Hồng, nhất là từ khi có chi lưu sông Trà Lý, sông Ninh Cơ và sông Nam Định (sông Đào), mà tiến nhanh nhất là cửa sông Trà Lý (đổ ra Ba Lạt  l à sông Nam Định đổ ra cửa sông Đáy mà nước và phù sa chủ yếu của sông Hồng đổ theo sông Nam Định vào sông Đáy. Nói một cách khác ,cach đây khoảng 4000-5000 năm, sau thời kỳ biểu lùi kỷ Hô lô xen, thì Vụ Bản đã là một vùng đầm lầy ven biển, nên địa hình Vụ Bản vê cơ bản không còn chịu ảnh hưởng của biển, có các kiểu địa hình đồi sát đá gốc (phía Tây Vụ Bản có 6 hòn núi đất) và địa hình tích tụ phù sa sông, tạo nên những cánh cát dài chạy song song với sông Nam Định (và cả bờ biển Đông) từ Bắc xuống Nam. Chính đó là điều kiện để cho con người có thể cư trú, sinh sống cách đây 4000-5000 năm.

     Về mặt khảo cổ học [1], ở thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học trung ương cũng như địa phương  tiến hành khảo sát hoặc khai quật các di chỉ ở đất cả 6 hòn núi đất của Vụ Bản và tìm ra được rất nhiều công cụ đồ đá mài thuộc hậu kỳ đồ đá mới bước sang thời đại kim khí, tiêu biểu là di chỉ hang Lồ và hang Đằng Đông của núi Lê (làng Lê Xá xã Tam Thanh) vào những năm 1985-1986 (báo Nhân dân đã đưa tin hai lần) tìm được hàng trăm công cụ đồ đá mài rất phong phú chủng loại và kỹ thuật chế tác tinh xảo. Cũng trong thời gian 1985-1990, cũng tìm ra được ở cánh đồng Gồ Bánh Dầy (phía Đông Bắc núi An Thái) thuộc làng Kẻ Dày (nay là Tiên Hương, Kim Thái) hơn chục công cụ đá mới, có nhiều rìu, cuốc. Ở núi Hổ (xã Liên Minh) ngoài các rìu đá, còn thấy cả các chày nghiền hạt và bàn mài các công cụ xương, đá. Núi Gôi, núi Ngăm, núi Báng, cũng tìm ra được các công cụ đá mài. Còn đồ gốm nguyên thủy thì nhiều vô kể. Ở các cánh cát, ngoài Gồ Bánh Dầy (Kim Thái) còn tìm thấy công cụ đá mài hoặc gốm (phần lớn mảnh vỡ) ở cánh đồng Hổ sơn, cánh cát Lương Kiệt (Liên Minh), cánh cát Gò Hương Đầu Đín (Cao Phương, Liên Bảo), và cánh cát làng Dương Lai (Thành Lợi). Các hiện vật đồ đá mài và đồ gốm ở các cánh đồng cát có kỹ thuật tinh xảo hơn các công cụ trên núi.

    Về đồ đồng, Vụ Bản cũng là nơi tìm được đầu tiên ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Năm 1903, khi làm đường xe lửa xuyên Việt, qua đầu núi Gôi, dân phu đãđào được 3 trng đồng loại I. Và năm 1985, khi đắp đê sông Đào, dân phu đã tìm được 2 mũi dáo đồng còn nguyên vẹn ở làng Kĩa (Thành Lợi). Các công cụ đồ đồng này thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, vào thiên niên kỷ I trước công nguyên. Chứng tỏ con người vụ Bản thời vua Hùng dựng nước đã làm chủ các công cụ này.

Về địa danh, Vụ Bản có nhiều làng có gốc là tên nôm trong đó có hơn mười làng gọi là Kẻ (tên gọi làng thời Hùng Vương), mà thư tịch thường viết là Cổ, Cố, Kỷ. Như các làng Cổ sư (Kẻ Si), Cổ Phạm (Kẻ Phạm), võng Cổ (Kẻ Vó), Cổ Đế (Kẻ Đế), Khổng Cố (Kẻ Khổng), Kỷ Gạo (Kẻ Gạo), Kỷ Đại (Kẻ Đại), Kỷ Báng (Kẻ Báng), Kỷ Tiên (Kẻ Tiên), Kỷ Dầy (Kẻ Dầy)….

    Như vậy, về mặt địa chất, khảo cổ hay ngôn ngữ học, Vụ Bản là mảnh đt cổ thời Hùng Vương dựng nước đã có con người sinh sống, nên các truyền thuyết dính dáng đến các nhân vật lịch sử có đất cho các nhân vật đó hoạt động, có điều kiện để phát triển lịch sử, để lưu tồn các truyền thuyết liên quan đến lịch sử thời đó trên mảnh đất cổ này.

3/  Ở huyện Vụ Bản đã sớm xuất hiện nhiều dòng họ bản địa ngay thời vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trong các thần tích và truyền thuyết đã xuất hiện họ tên các nhân vật lịch sử. Thời vua hùng thứ 6 (Hùng Huy Vương), Vụ Bản đã xuất hiện sớm như dòng họ Hoàng, họ Bùi, họ Trần, họ Nguyễn. Đến thời Hùng Vương thứ 17, 18 lại có nhiều họ khác xuất hiện trong thần tích như họ Cao, họ Dương, họ Lê, họ Trương, họ Lưu, họ Phạm, họ Vũ, họ  Lữ (Lã), họ  Đào, họ  Đặng, họ  Hùng, họ Triệu, họ Mai, họ  Đỗ, họ Chu, họ  Bằng, họ  Bạch… rõ ràng những họ này chưaị Hán hóa hay có nguồn gốc Hán.

    Ở Vụ Bản, nhiều làng còn có tập tục rất đẹp, thờ các vị khai cơ lập ấp, mở mang làng xóm. Họ là những “thành hoàng tập thể như ở làng Quả Linh (Kẻ Gạo), trong đền có bàn thờ “thập bát gia tiên tổ”, 18 vị tthời hùng Vương dựng nước đã về đây lập trang ấp Caỏ Linh, tiền thân của làng quả Linh sau này, như họ Trần, Vũ, Bùi, nguyễn, Phan, Đoàn, Mai…), đến ngày hội làng, mỗi họ khiêng kiệu (hoặc hương án) có thần vị tổ họ minh ra Đám hát để dự tế lễ chung của làng.

Thời Hùng Vương dựng nước, khi Thủy Tào phán sự Hoàng Vân đánh giặc Hồ Tôn ở phương Nam, đã chọn 35 người trong các họ Phạm, Nguyễn, Trần, Hoàng, Vũ, Đặngcủa đất Lập Vũ làm gia thần thủ túc, nên sau này khi tế lễ Hoàng Vân, dân làng cũng thỉnh “lục vị gia tiên Phạm, Nguyễn, Trần, Hoàng, Vũ, Đặng” cùng dự .  làng Si (Vĩnh Phúc Trang), cũng có lệ tục hợp tự “ngũ gia tiên tổ” (tổ 5 họ Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần) mà theo tiến sĩ Phạm Đình Kính đầu thế kỷ 17 làm thơ về làng Si đã nói rõ 5 họ này từ đất TượngLâm (Núi Voi, Kiến An) trước thời Tây Hán đã về đây khai phá lập ấp Si nay là làng Vĩnh Lại xã Vĩnh Hào. Nhiều họ có gia phả hoặc bia viết nguồn gốc của họ mình là từ thời Hùng Vương dựng nước., như phả họ Vũ làng Gạo (xã Thành Lợi) hay họ Trần làng Thượng Linh (Đại Thắng) có cả phả và bia để ở nhà thờ họ ghi rõ họ Trần này có nguồn gốc từ thời Hùng Vương thứ 18, di cư vào đất ngũ ngư khai phá lập ấp Thương Linh. Mà vừa qua căn cứ vào thần tích và gia phả họ đã về xã Kim Tuyền (huyện Kinh Môn, Hải Dương) leo núi Yên Phụ đã tìm thấy mộ tổ họ Trần như đã ghi trong thần phả.

Nói tóm lại, thần tích truyền thuyết và những di tích đền miếu thờ các thần thời đại Hùng Vương trên đất cổ Bình Chương, Hiển Khánh, Thiện Bản và ngày nay là Vụ Bản, thể hiện ký ức muôn đời được lưu truyền qua hàng ngàn năm, hàng trăm thế hệ bảo tồn được đến nay là tài sản quý giá vô cùng của cộng đồng các dòng họ của người dân Vụ Bản. Trong số 6 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia thì Vụ Bản đã có 4 di tích thuộc thời đại Hùng Vương là đền Giáp Nhất Bảo Ngũ, đền Đông Qủa Linh, đền Vụ Nữ, đền Làng Si. Ngoài ra còn có 5 di tích thời đại  Hùng Vương được xếp hạng cấp tỉnh: Đền Chung Linh thôn Thượng Linh, đền làng Vàng (Hợp Hưng), đền Nội Chế (Hợp Hưng), đình làng Hướng Nghĩa (Minh Thuận), đền thờ Hoàng Đức Công Giáp Nhất Bảo Ngũ. Như vậy huyện Vụ Bản cho đến nay được 23 di tích được cấp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh thì đã có (4+5) 9 di tích thuộc thời đại Hùng Vương. Điều đó nói lên ý nghĩa lịch sử lướn lao và vị thế của việc thờ phụng các bậc tiên liệt thời đại Hùng Vương có giá trị , vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân Vụ Bản, đồng thời nêu bật vai trò bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử của dân Vụ Bản rất lớn, biểu hiện tâm linh trong sáng, ký ức lịch sử tuyệt vời của nhân dân Vụ Bản, chứng tỏ lịch sử thời đại Hùng Vương có ý nghĩa lớn trong hoạt động chính trị và văn hóa được Đảng và chính quyền huyện Vụ Bản quan tâm. Hiện nay, đền thờ hai vị miêu duệ của Vua Hùng thứ 6 chống giặc Ân ở Hạnh Lâm (xã Hiển Khánh) và cụm 7 đền thờ ba hoàng tử đời Hùng Vương thứ nhất ở Cố Đế (xã Đại Thắng) vì lý do nào đó chưa được nhà nước xếp hạng, kính đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm để 2 di tích này sớm được xếp hạng di tích lịch sử, ít nhất cũng ở cấp tỉnh.

Vụ Bản 26.03.2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bùi Văn Tam: Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản, Nxb. Thông tin và truyền thông Hà Nội 2016

2.    Nhiều tác giả: Những phát hiện mới về khảo cổ học Kỷ yếu hội nghị thông báo hàng năm, từ 1985 đến 2018, Nxb. Khoa học xã hội, H.

3.    Địa chí tỉnh Nam Định – UBND tỉnh Nam Định xuất bản năm 2003













[1]  Thông báo khảo cổ học , các năm 1985-2005 xem các bài của Bùi Văn Tam, Đặng Công Nga, Trần Đăng Ngọc, Nguyễn Quốc Hội, Bùi Vinh, Đoàn Quý Cảnh, Bùi Liêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét