Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

LIỆU VIỆT NAM CÓ THỂ ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ CHỐT TRONG VIỆC THIẾT LẬP MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI MANG TÍNH LỊCH SỬ Ở ĐÔNG Á?


Emanuel Pastreich

Viện trưởng Viện châu Á tại Seoul




Việt Nam hiện đã xác lập vị trí vững chắc của mình như một nền kinh tế quan trọng và một nền văn hoá sôi động có khả năng sản sinh ra những hoạt động nghệ thuật có sức hấp dẫn nhất. Vì lẽ đó, quốc gia này đang đứng trước một cơ hội để đảm nhận vai trò trung tâm trong việc tìm ra một nền tảng chung trong tương lai cho các nước Đông Á bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việt Nam có thể thực hiện tốt vai trò này bởi lẽ quốc gia này vốn theo đuổi một quan điểm cân bằng và khách quan hơn, và đồng thời, Việt Nam cũng chia sẻ nhiều giá trị văn hoá gốc rễ với ba nước còn lại. Đã đến lúc chúng ta cần vượt lên trên việc chú trọng đơn thuần vào thương mại, dỡ bỏ các rào cản đầu tư và tổ chức các cuộc họp cấp cao giữa các bộ trưởng, thứ trưởng, các CEO và các chuyên gia kỹ thuật.

Việc cho rằng các nỗ lực thúc đẩy hội nhập và hợp tác giữa bốn nước nên diễn ra ở cấp cao nhất là một điều hoàn toàn tự nhiên. Vấn đề là ở chỗ, “cấp cao nhất” đó thường được hiểu là những người ở vị trí cao nhất (tổng thống, bộ trưởng hoặc CEO).

Tuy vậy, liệu thuật ngữ “cao nhất” có thể được sử dụng theo nghĩa khác hay không? Phải chăng chúng ta cần phải có một thảo luận “cấp cao”, không phải theo nghĩa trật tự thể chế mà là sự cao nhất ở khía cạnh văn hoá và triết học, giữa Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Có lẽ, điều chúng ta cần là những sự kiện có tầm quan trọng tối cao về mặt lịch sử và có ý nghĩa sâu sắc đối với những người tham gia và cho tương lai chung của chúng ta.

Trái với điều này, các chính trị gia cấp cao có thường rất hạn chế trong hiểu biết về văn hóa, lịch sử và triết học. Họ chỉ quan tâm đến các biểu tượng về địa vị hoặc sự nổi tiếng ngắn hạn. Những thứ này không giúp ích nhiều cho dòng chảy lâu dài của lịch sử và của thế giới mà các thế hệ tương lai sẽ trải nghiệm.

Tuy nhiên, cũng đã có những thời điểm, chẳng hạn như việc ký kết Đại Hiến chương (Magna Carta), hay sự ra đời của trường học Khổng Tử, chính là những bước chuyển hóa và mở ra những cánh cửa dẫn đến một kỷ nguyên mới dành cho những cam kết về trí tuệ và văn hóa.

Điều tôi đang nói đến ở đây chắc chắn không phải là những hội thảo khoa học khô khan nơi các học giả của Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trình bày các tham luận chuyên ngành về văn hóa, triết học hay lịch sử. Các hoạt động như vậy có giá trị, nhưng chúng cách xa phạm vi hoạt động của các chính phủ, ngành ngoại giao, và trải nghiệm của những người dân bình thường.

Một điều quan trọng không kém đó là việc hầu hết các học giả không còn coi mình như là những thủ lĩnh trí tuệ, những người có nghĩa vụ đạo đức giúp đỡ người khác và dẫn đường cho sự phát triển của một xã hội tốt đẹp hơn. Thay vào đó, họ mải miết với việc viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, hoặc mang đến cho sinh viên những bài giảng dễ đoán và chán chường. Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mất đi một trong những truyền thống vĩ đại nhất của họ: Vai trò đạo đức dấn thân của tầng lớp trí thức. Tôi đặc biệt ghi nhớ sự tận tâm với chủ nghĩa quốc tế và trao đổi văn hóa quốc tế của Phạm Thận Duật (1825-1885), người đã thiết lập một mô hình nhằm xây dựng một nền tảng chung giữa các truyền thống Đông Á.

Sự trỗi dậy của Đông Á mang tới cho Việt Nam một cơ hội to lớn để khẳng định cam kết của quốc gia này với chủ nghĩa quốc tế, khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa ở Đông Á và đưa ra một tầm nhìn đầy cảm hứng cho những tiềm năng có thể tiếp tục phát triển bằng cách bắt đầu cuộc đàm luận giữa bốn quốc gia vốn khác nhau một cách cơ bản về giọng điệu và nội dung.

Chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau khởi tạo những trao đổi đầy cảm hứng giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản để thiết lập nên một nền tảng cho mối quan hệ khác biệt sâu sắc giữa các quốc gia này, do từng cá thể trong đó, đến lượt mình, sẽ được biến đổi bởi quá trình này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thể hiện sự nghiêm túc rất cao trong các thảo luận, các bài viết và những phát biểu của mình, đây là điều đã bị mất đi trong bốn mươi năm qua.

Trước tiên, chúng ta phải ý thức được vị trí lịch sử của mình. Quý vị hầu như không thể tìm thấy bất cứ thứ gì truyền thống ở các thành phố lớn của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Cho dù nhìn vào trang phục hay kiến trúc, các loại thức ăn nhanh hay thậm chí là các hệ giá trị, quý vị đều thấy những phản chiếu hời hợt của một phương Tây thương mại hóa đã chiếm lĩnh toàn bộ Đông Bắc Á.

Quá trình đó đã tiêu tốn hai thế kỷ. Kể từ khi cuộc chiến tranh Nha phiến phô diễn sự tinh thông công nghệ to lớn của phương Tây, diễn ngôn văn hóa tại châu Á đã vĩnh viễn được định danh với sự ưu ái dành cho các truyền thống Tây phương.

Tuy vậy, người phương Tây dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nha phiến không phải nhờ vào tính ưu việt về văn hóa của mình mà vì họ đã nhanh chóng tiếp nhận một xã hội công nghiệp dựa trên nền tảng của nguồn tài nguyên than đá cùng với những những lợi thế to lớn mà nó mang lại. Nhưng chính điều này cũng đã hoàn toàn huỷ diệt nhân tính của chúng ta bằng cách đưa công nghệ trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá con người và đánh giá sự tiến bộ của xã hội.

Đến nay chúng ta nhận ra rằng, nhiên liệu hóa thạch đang phá hủy trái đất, và rằng việc các học giả của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã khước từ quá trình công nghiệp hóa và ủng hộ nền kinh tế nông nghiệp bền vững là đúng đắn, và rằng người châu Âu đã hoàn toàn sai lầm.

Và ngày nay, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với những mối đe dọa “vô tiền khoáng hậu” đến từ hiện tượng biến đổi khí hậu, từ sự phát triển mất kiểm soát của công nghệ và quá trình tập trung hóa của cải vật chất. Những mối đe dọa đó đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi to lớn.

Một cách tiếp cận đối với các vấn đề này chính là cố gắng tìm ra một giải pháp thiết thực từ chính trong văn hóa của chúng ta, từ văn hóa truyền thống của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Và giải pháp này được thực hiện thông qua một cuộc thảo luận đa cấp (với sự tham gia của các chuyên gia lịch sử, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân và công dân bình thường) về các giá trị nguyên bản trong chính các truyền thống của chúng ta. Thảo luận này cũng hướng tới việc xem xét mức độ đa dạng mà các triết lý Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo có thể cung cấp những cách tiếp cận mới cho đời sống hôm nay và đề xuất những hướng đi mới cho cải tiến trong quản trị, giáo dục và môi trường.

Xác định những giá trị tích cực nhất trong các diễn ngôn trước đây về chính quyền, về kinh tế, và về đạo đức chính trị trong truyền thống Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ cho phép chúng ta tiếp cận với những viễn cảnh to lớn về những khả thể mà chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được nếu chỉ đọc trên Tạp chí phố Wall.

Một điều quan trọng khác chính là việc bằng cách đưa Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản lại với nhau để đánh giá tiềm năng của nền văn hoá trong quá khứ, chúng ta sẽ tránh được hầu hết những xung đột về mặt ý thức hệ, và thay vào đó, nhấn mạnh vai trò của một nền tảng chung.

Sự giàu có trong di sản văn hoá là điều không phải bàn cãi. Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có chung kinh nghiệm của một mô hình quản trị tinh vi có lịch sử hàng ngàn năm, được phát triển dựa trên nền nông nghiệp bền vững và nhấn mạnh các quy tắc đạo đức. Ba quốc gia này đã phát triển một cấu trúc phức tạp dành cho tinh thần trách nhiệm và để duy trì sự cân bằng quyền lực. Mặc dù, chúng ta rõ ràng đã gặp phải những thất bại, nhưng thành công trong truyền thống đó, những thứ gần như đã bị lãng quên, có ý nghĩa rất quan trọng.

Chúng ta nhìn lại quá khứ giàu có của châu Á không phải vì mục đích giải trí, thay vào đó, chúng ta đang tìm kiếm các giải pháp để đối phó với các mối đe dọa to lớn mà chúng ta phải đối mặt ngày nay như biến đổi khí hậu, sự phát triển không bền vững và sự sụp đổ của xã hội công nghiệp.

Việc xem xét một cách sáng tạo di sản chung của châu Á tại thời điểm lịch sử quan trọng này có thể là một thời điểm tương tự như sự ra đời của Hội nghị Hiến pháp năm 1787 tại Hoa Kỳ. Các học giả hàng đầu và các nhân vật chính trị cẩn trọng ở Hoa Kỳ đã cùng nhau thảo luận về cách thức mà các tư tưởng về quản trị từ thời Hy Lạp và La Mã có thể được diễn giải lại một cách tốt nhất để hình thành nên nền tảng cho chính phủ đạo đức trong thời hiện đại. Hội nghị Hiến pháp đó, chính bởi vì sự sâu sắc của quá trình thảo luận và những ý định nghiêm túc, đã mở ra một quan niệm mới về dân chủ, thứ mà sau này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ các nhà hoạt động xã hội để thúc giục những cải tổ chính trị trong cuộc Cách mạng Pháp.

Những nỗ lực của Alexander Hamilton và Thomas Jefferson trong việc soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên nỗ lực trước đó: thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu vào thế kỷ 15 và 16.

Các nhà tư tưởng thời kỳ Phục hưng ở Ý và Pháp trong thế kỷ XV đã chắt lọc thành quả tốt nhất của thời Hy Lạp và La Mã cổ đại và diễn giải lại nó một cách sáng tạo như một phương tiện để thổi sức sống vào một nền văn minh đang suy tàn. Họ tìm thấy một sức mạnh chuyển hoá trong nền văn hóa đã qua đó, một sức mạnh có thể giúp họ vượt lên phía trước và vươn tới những chân trời mới. Nhìn lại quá khứ không chỉ để hoài niệm mà là một cơ hội cho sự đổi mới.

Làm thế nào để bắt đầu một cuộc đối thoại như vậy giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc?

Chúng ta nên thành lập một nhóm các học giả và nghệ sĩ, nhà văn và các nhà tư tưởng của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để khám phá toàn bộ bộ lịch sử thể chế của Châu Á, những tập quán, những giá trị và công nghệ gắn với thể chế này qua mỗi triều đại (ở ba quốc gia) và từ đó đề xuất một cách sáng tạo về cách thức mà những kho tàng trong quá khứ đó có thể được điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu của xã hội hiện đại của chúng ta.

Các thành viên của dự án này không nên chỉ giới hạn trong các học giả, mà nên bao gồm các quan chức chính phủ, các chính trị gia, nghệ sĩ, triết gia, doanh nhân và các nhà hoạt động phi chính phủ. Nhưng họ nên được lựa chọn dựa trên sự sáng tạo và cam kết về mặt đạo đức của mình chứ không phải dựa trên các mối quan hệ của họ với các quyền lực chính trị.

Mỗi kỷ nguyên trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên được khám phá một cách trọn vẹn và đầy đủ để chúng ta có thể giải phóng được những tiềm năng đa dạng của các truyền thống này. Nhưng điều đáng buồn là hầu hết mọi người đều nhìn nhận Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc truyền thống chỉ từ khía cạnh văn hóa trong giai đoạn cuối thế kỷ 19.

Dưới đây là một vài chủ đề mà cuộc đối thoại giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có thể cùng nhau khám phá trong một chuỗi các cuộc gặp gỡ tập trung. Nếu những cuộc thảo luận này thành công, nhóm chủ trì có thể tìm ra một nền tảng chung và phát động một thời kỳ phục hưng văn hóa mới.

Quản trị

Nhóm dự án nên nghiên cứu một cách cẩn trọng các tư liệu lịch sử và các tác phẩm kinh điển của các triết gia chính trị để xác định cách thức tổ chức nhân sự và phương thức cai trị của các chính quyền qua mỗi triều đại, và để tìm hiểu mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Những giải pháp nào đã được từng triều đại đưa ra để tránh những xung đột lợi ích và tham nhũng, để đảm bảo nhà nước được quản trị dựa trên chế độ trọng dụng nhân tài, để tuyển dụng và giữ chân được những người thực sự có năng lực và đạo đức trong hệ thống chính quyền, và để duy trì sự cân bằng quyền lực qua nhiều thế kỷ?

Sự minh bạch đã được khuyến khích ra sao và tư tưởng bè phái trong chính quyền đã được ngăn chặn như thế nào? Những hạn chế của thẩm quyền chính phủ trong mỗi triều đại là gì và những cơ chế nào đã được áp dụng để tránh sự lạm dụng quyền lực và sự tập trung của cải? Một nghiên cứu cẩn trọng sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cảm hứng phục vụ cho những sự cải cách trong thời đại hiện nay.

Ngoại giao và an ninh

Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có những truyền thống ngoại giao đặc sắc, thể hiện nhiều ví dụ tiêu biểu về cách thức mà châu Á có thể duy trì được hòa bình trong tương lai. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ những ví dụ trong quá khứ về những gì chúng ta nên hoặc không nên làm để có thể đạt được sự hội nhập lâu dài và hiệu quả và để xây dựng nên các thể chế mới có khả năng tồn tại lâu dài. Mỗi triều đại, cho dù đó là nhà Chu hay nhà Hán ở Trung Quốc, Bách Tế (Baekjae) và Tân La (Silla) ở Hàn Quốc, hay Lê và Nguyễn ở Việt Nam, đều cung cấp chúng ta những kinh nghiệm về một lịch sử phức tạp và tinh vi về chính sách ngoại giao và an ninh. Những kinh nghiệm này là vô giá đối với người dân châu Á khi chúng ta đang xác lập một giai đoạn mới trong bối cảnh sụp đổ thể chế của phương Tây.

Lĩnh vực an ninh cũng vậy. Theo một cách truyền thống, châu Á có khái niệm an ninh rộng lớn hơn nhiều so với việc coi an ninh chỉ là các vấn đề về hệ thống các loại vũ khí. Đối với người châu Á, an ninh bao gồm cả những vấn đề về thực phẩm, môi trường, tập quán và văn hóa. Trọng tâm của lĩnh vực này đặt vào các vấn đề dài hạn chứ không phải chỉ là những hành động quân sự chính xác.

Kinh tế

Các nhà sử học và nhà hoạch định chính sách nên thảo luận với nhau về cách thức mà mỗi triều đại ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh tế để hướng tới sự phát triển lâu dài của lĩnh vực này. Sự đa dạng sâu sắc của các mô hình kinh tế trong lịch sử Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, mà chỉ riêng các nhà sử học mới xem xét một vài trong số đó, có thể đề xuất những cách tiếp cận độc đáo cho việc quản lý và phát triển một nền kinh tế hữu ích cho thời đại chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta buộc phải phát triển một cách tiếp cận bền vững có nhiều sự tương đồng với phương thức đã được các triều đại trong quá khứ áp dụng. Giả thiết cho rằng mô hình tiêu dùng và tăng trưởng của phương Tây chính là tương lai của nhân loại đã được chứng minh là một sai lầm rõ rệt.

Cách tiếp cận có tính lý thuyết đối với "kinh tế" trong lịch sử tri thức của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có thể mang tới sự đa dạng mới cho chính sách kinh tế, và qua đó, giúp chúng ta vượt qua khỏi sự dựa dẫm đơn giản vào lãi suất. Ví dụ, lý thuyết kinh tế của Nho giáo có thể đề xuất một cách thức thứ ba với vai trò quan trọng của chính quyền trong việc dẫn dắt nền kinh tế, nhưng quy mô của chính quyền lại rất nhỏ bé. Chúng ta có thể có những cách tiếp cận tiềm năng để tránh cả nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nặng nề được kế hoạch hóa toàn bộ lẫn cơn ác mộng của thị trường được thúc đẩy bởi chủ nghĩa tiêu dùng. Sự nhấn mạnh vào các mệnh lệnh đạo đức trong kinh doanh và sự khuyến khích tính căn cơ cá nhân từ các nền kinh tế truyền thống có thể khá hữu ích trong thời đại khó khăn của chúng ta.

Sự xem xét thận trọng về các chiến lược kinh tế dài hạn được xây dựng và thực thi trong các thời đại trước đây có thể cung cấp cho chúng ta những hiểu biết đáng kể về cách chúng ta sẽ phát triển trong tương lai. Chúng ta sẽ buộc phải đưa ra cho mình các thước đo về “tăng trưởng” và “tiêu thụ” trong một tương lai gần như là kết quả của những nguy cơ về biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta có thể tìm kiếm những hướng tiếp cận thay thế trong truyền thống tiền hiện đại vốn là thứ mà chúng ta đang cực kỳ cần đến.

Không còn nghi ngờ gì, thứ mà chúng ta biết chính là, sự tập trung vào những chuyển đổi ngắn hạn trên thị trường và lĩnh vực thương mại trong chính sách kinh tế hiện nay đã làm suy yếu một cách nhanh chóng khả năng có thể thiết lập và thực thi những kế hoạch dài hạn của ba nước như họ vốn đã làm trong những thời kỳ truyền thống.

Các chiến lược mà chính quyền của các triều đại trong quá khứ ở ba nước đã vận dụng có thể cung cấp các phương pháp tiếp cận khác cho một nền kinh tế coi trọng sự hợp tác và hài hoà chứ không phải là nỗi ám ảnh về sự cạnh tranh. Tôi nhắc đến điều này để nhấn mạnh rằng, truyền thống kinh tế trong quá khứ của ba nước gợi mở về những cách tiếp cận kinh tế có thể được vận dụng với trọng tâm đặt vào con người chứ không phải vào cổ phiếu, trái phiếu hay các sản phẩm phái sinh.

Hơn nữa, khi chúng ta đang phải đấu tranh nhằm đương đầu với những khuynh hướng nguy hiểm về bất bình đẳng xã hội hay chủ nghĩa tiêu dùng phô trương, chúng ta có thể học được nhiều điều từ các triều đại đã qua trong việc đối mặt với những thách thức này, bao gồm cả việc đặt ra các giới hạn cho hiện tượng tiêu dùng phô trương.

Tính bền vững

Tính bền vững là vấn đề lớn nhất đối với Đông Bắc Á ngày nay và chúng ta cần nhanh chóng phát triển các xã hội phức hợp trong đó các nguồn lực tài nguyên được giữ gìn và không quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển kinh tế. Chúng ta có nhiều mô hình quản trị như vậy trong quy hoạch đô thị, giao thông và các chính sách khác ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc truyền thống. Chúng ta có thể tìm thấy các ví dụ cụ thể về cách thức mà các chính quyền đã khuyến khích sự tiết kiệm, thúc đẩy bảo vệ môi trường, nâng cao sự giàu có về đạo đức và văn hoá trong khi duy trì một nền kinh tế vừa đủ cho người dân. Thậm chí, ngay cả hệ thống kênh đào cũng đáng để chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc bởi hệ thống này không hề sử dụng một chút nhiên liệu hóa thạch nào.

Tương tự, một nghiên cứu về các chính sách nông nghiệp hiệu quả từ các triều đại trong quá khứ có thể đề xuất các sáng kiến khuyến khích canh tác hữu cơ bền vững, một lĩnh vực mà chúng ta nên xem xét áp dụng trong thời đại hôm nay. Chúng ta có thể học hỏi từ quá khứ các phương thức để thúc đẩy canh tác địa phương đồng thời tạo ra các cộng đồng bền vững có khả năng cung cấp việc làm mới trong nông nghiệp.

Khôi phục nông nghiệp truyền thống, trên cơ sở áp dụng những thành quả khoa học hiện đại, là cách nhanh nhất để thiết lập một thời đại carbon trung tính cho châu Á. Chúng ta thậm chí có thể ngừng việc trộn phân người với nước tinh khiết và sau đó lại xả nó vào đại dương; thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng lượng phân đó như là một nguồn phân bón tự nhiên như chúng ta đã từng làm trong quá khứ. Bằng cách này, chúng ta sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào phân bón nhân tạo nhập khẩu. Việc quay trở lại với công nghệ truyền thống này có thể mang lại những điều kỳ diệu cho môi trường.

Sự hồi sinh của mô hình phát triển bền vững của châu Á như trên là cách nhanh nhất để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong nông nghiệp và chấm dứt sự phụ thuộc nguy hiểm vào thực phẩm nhập khẩu. Trên tất cả, chúng ta phải nhận ra rằng, sự tập trung của châu Á vào nông nghiệp trong nền kinh tế không hề mang tính phản tiến bộ, mà ngược lại, đó thực sự là một lựa chọn khôn ngoan và rất thiết thực.

Giáo dục

Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có một truyền thống đa dạng về giáo dục và học thuật từ hàng ngàn năm trước, và truyền thống này có liên quan rất lớn đến thời đại ngày nay. Mặc dù chúng ta đã và đang giả định rằng, các trường đại học châu Âu ở thế kỷ 19 là cách tiếp cận khả thi duy nhất đối với giáo dục hiện đại trong thế kỷ qua, nhưng lý do thực sự cho suy nghĩ này hoàn toàn không tồn tại. Đông Á có truyền thống lâu đời với các viện hàn lâm đặt trọng tâm bền vững vào hành động đạo đức và coi sự gắn bó mang tính đạo đức giữa giáo viên và học sinh là yếu tố trung tâm. Ý niệm coi dạy học như một hành động xã hội được dẫn dắt bởi cam kết đạo đức cung cấp một giải pháp thay thế thiết thực cho một hệ thống giáo dục thương mại hóa đã và đang chiếm lĩnh thế giới.

Giáo dục Nho giáo truyền thống đưa ra những gợi ý đặc biệt có giá trị cho chức năng của giáo dục. Ví dụ, việc nhấn mạnh lịch sử, xem xét các ví dụ trước đây về hệ thống chính quyền, nền kinh tế và chính trị của con người như một phương tiện để đưa ra các giải pháp mới sáng tạo cho các vấn đề đương đại hoàn toàn thiếu vắng trong giáo dục hiện đại. Sự thiếu hụt này làm cho chúng ta không nhận ra vị trí của mình trong tiến trình lịch sử dài hơn lẫn những thực hành tốt nhất từ quá khứ có thể hữu ích cho ngày hôm nay.

Điểm yếu của truyền thống giáo dục Nho giáo truyền thống chính là việc nó chủ yếu hướng tới nam giới chứ không phải là phụ nữ. Tuy vậy, chúng ta có thể thay đổi truyền thống này và đưa phụ nữ trở thành trung tâm của dự án này.

Các cách tiếp cận của Đạo giáo và Phật giáo đối với giáo dục cũng chứa đựng những tiềm năng to lớn cho quá trình đổi mới và tăng cường hiểu biết.

Gia đình

Mặc dù chúng ta sẽ mắc sai lầm nếu cứ khăng khăng cho rằng, những giá trị trong quá khứ của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là tốt hơn so với những giá trị ở thời hiện tại, tuy vậy, chúng ta không cần phải nhìn đâu xa ngoài tỉ lệ tử tự, sự lan tràn của bệnh trầm cảm và việc thiếu động lực của giới trẻ để nhận ra rằng, trong gia đình hiện nay đang tồn tại đầy rẫy vấn đề sâu xa.

Chúng ta đã đánh mất rất nhiều do xa rời khỏi truyền thống vốn coi trọng các mối quan hệ gia đình được xây dựng dựa trên nền tảng của sự tôn trọng. Chúng ta cũng mất đi sự quan tâm thực sự dành cho người khác trong cộng đồng, và kết quả là, xã hội của chúng ta đang ngày càng xuống cấp. Việc xem xét lại những tập quán và giá trị trong truyền thống Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo có thể cung cấp cho chúng ta những mô hình có giá trị về cách thức xây dựng các mối liên kết gần gũi hơn giữa các thành viên trong gia đình và khuyến khích sự hợp tác và tương trợ trong cộng đồng. Một thảo luận nghiêm túc giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản về chủ đề này có thể cực kỳ hiệu quả đối với từng nước và khẳng định một nền tảng chung.

Đời sống tâm linh và cuộc sống giàu ý nghĩa

Chúng ta có thể học được rất nhiều thứ từ các truyền thống Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo về cách thức làm cho các trải nghiệm của chúng ta trở nên sâu sắc hơn có giàu ý nghĩa hơn. Những học thuyết này dẫn dắt chúng ta tìm kiếm sự thanh thản trong nội tâm và vượt ra khỏi văn hóa tiêu dùng khô khan và nông cạn. Sự chuyển đổi này có thể tạo ra những tiềm năng to lớn trong xã hội hiện đại mà không hề cần tới những khoản chi phí về tiền bạc.

Thuyết phong thủy, truyền thống trọng xỉ và tôn thờ tổ tiên, sự quan tâm, ý thức và sự kết hợp giữa tâm linh và đạo đức được đề cao trong Nho giáo của Chu Hi cung cấp cho chúng ta những giải pháp thay thế đang rất cần thiết đối với xã hội hiện đại vô cùng tẻ nhạt của chúng ta.

Điều quý giá nhất của truyền thống tâm linh châu Á không nhất thiết phải là vấn đề tôn giáo, thay vào đó, chúng ta đang đề xuất một ý thức về các khía cạnh vô hình và sâu xa của trải nghiệm nhân văn mang tới sự trang trọng cho cuộc sống, thứ mà chúng ta không thể có được từ chủ nghĩa tiêu dùng vô nghĩa của Starbucks.

Việc khám phá lại các truyền thống triết học của quá khứ có thể giải phóng chúng ta khỏi hòn đá nặng nề đã và đang tròng vào cổ của chúng ta trong xã hội hiện đại: nỗi ám ảnh với những dấu hiệu hữu hình của uy thế vật chất. Bằng cách quay lại để tìm kiếm những chân lý cốt yếu chứ không phải là những hình ảnh, tìm kiếm những giá trị chứ không phải là những tiêu chuẩn, chúng ta có thể khám phá lại những khía cạnh của đời sống với giá trị lớn nhất: sự chính trực, lòng trắc ẩn và sự tôn trọng. Tất cả những trải nghiệm này đều vô hình và không thể đong đếm được. Nếu người dân Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá khứ có thể cảm thấy toại nguyện với việc ngồi cả ngày để đọc sách và viết trong những thư phòng nhỏ, điều này là do việc theo đuổi tri thức và tâm linh được xem trọng hơn các khía cạnh vật chất của đời sống.

Kết luận

Những gợi ý được đưa ra trên đây về những nghiên cứu có thể được thực hiện nhằm khám phá tiềm năng của truyền thống văn hóa trong quá khứ của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản chỉ là những vấn đề trên bề mặt. Tiềm năng mà chúng ta có vốn to lớn hơn rất nhiều và trong lịch sử chưa từng có bất cứ nỗ lực nào nhằm so sánh những tinh hoa của ba nền văn hóa này ở quy mô lớn.

Điểm quan trọng chính là việc chúng ta bắt đầu một đối thoại với sự nghiêm túc và chúng ta đảm bảo sự kiện này sẽ không phải là một lễ hội hóa trang hay một cuộc thi hoa hậu. Nếu chúng ta bắt đầu một hội thoại sâu sắc hơn về chiều sâu của văn hóa và thể chế của ba quốc gia, chúng ta có thể bắt đầu một bước chuyển căn bản trong cách thức mà chúng ta nhận thức bản thân mình. Bước đầu tiên chính là thảo luận về mức độ nghiêm túc cao nhất giữa những người bình đẳng với nhau. 🤗

(Toàn văn bài trình bày 25/4/2019 tại Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia, 32 Hào Nam, Hà Nội)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét