Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG – MỘT NGỌN CỎ DẠI


                        NGYỄN THỤY KHA




         Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (phải) và anh vợ, dược sĩ Tống Lịch Cường

     Mùa xuân 1994, tôi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết tư liệu về Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Bố tôi nói: “Con muốn viết về bác Huyên, thì nên gặp bác Tường mà hỏi chuyện. Cả hai bác đều cùng thời với bố, nhưng tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp. Riêng bác Tường vừa là tiến sĩ văn chương lại vừa là tiến sĩ luật. Có gặp bác Tường, cho bố gởi lời thăm bác”. Nghe lời bố, tôi đã đến thăm bác Tường tại 34 Tăng Bạt Hổ - Hà Nội. 

     Hóa ra bác Tường đồng niên với bố, cùng sinh năm Kỷ Dậu 1909. Bác sinh ra ở phố Hàng Đào - Hà Nội.

     Tôi chưa từng được trò chuyện với một người già 85 tuổi nào thú vị như bác Tường. Thú vị bởi bác là người vừa uyên thâm vừa giản dị, vừa có trí nhớ tuyệt vời lại vừa là biết quên đi những đau khổ. Bác vừa tường minh vừa vô minh. Bác đã ở trên sự chấp. Câu chuyện bắt đầu từ cái thuở 22 tuổi đã đoạt hai bằng tiến sĩ tại Pháp khiến cho tờ nhật báo Lepetit Meridional của thành phố Montpellier ra ngày 29.5.1932 đã phải đăng nguyên bài diễn văn ca ngợi bác của Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Báo chí Pháp đã vậy, báo chí ta cũng làm rùm beng quá mức: “Ông Nguyễn Mạnh Tường - một trang thiếu niên lỗi lạc” trên tờ Hà Thành ngọ báo ra ngày 3.8.1932, “Cuộc nói chuyện của ông lưỡng khoa tấn sĩ Nguyễn Mạnh Tường” trên tờ Đuốc Nhà Nam ra ngày 23.9.1932, rồi có cả bài thơ “Tặng ông nghè Nguyễn Mạnh Tường” trên tờ Trung Bắc tân văn ra ngày 10.12.1932 như sau: “Tân học như ông thế mới tài/ Tang bồng đã thỏa chí làm giai/ Mấy phen đất Pháp công rèn chí/ Một thuở nhà Nam tiếng rậy trời/ Học giỏi bổ cho nền đạo lý/ Văn hay tính hộ cuộc tương lai/ Xin ông định chí quay nhìn lại/ Tiến sĩ văn minh chửa có ai…”.

     Câu chuyện chuyển sang những năm tháng ông dạy văn chương ở trường Bưởi và mở văn phòng luật ở đường Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo) thời trước Cách mạng tháng Tám. Những hồi ức trẻ trung sáng lên trên gương mặt đong đầy nỗi u uẩn của một trí thức chứa chất chịu đựng. Một chữ nhẫn hằn lên một nhân cách. Đấy là việc gặp thống đốc Chatel đòi thả học sinh Nguyễn Đình Thi (sau trở thành nhà văn Nguyễn Đình Thi) bị bắt vì nghi ngờ tàng trữ truyền đơn Việt Minh. Đấy là những cuộc trò chuyện tay đôi chân tình cởi mở với Khâm sai Phan Kế Toại về sự phát triển của phong trào Việt Minh để rồi nhìn thấy sự tất yếu bùng nổ của Cách mạng tháng Tám. Đấy là việc ra tòa bào chữa cho nhà báo Trịnh My của tờ Tin Mới.

    Câu chuyện chợt nồng ấm khi bác Tường kể về những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn tượng nhất là lần gặp riêng Hồ Chủ tịch hồi đầu mùa hạ năm 1946. Hôm đó, bác Tường đi cùng cậu con cả lên 7 tuổi (nay là kỹ sư Nguyễn Tường Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế mỏ). Thấy con trai bác Tường, Hồ Chủ tịch đã bế vào lòng và gắn cho chiếc huy hiệu ngôi sao vàng lên ngực áo khiến cậu bé rất sung sướng. Điều bác Tường ngạc nhiên hơn là Hồ Chủ tịch tỏ ra rất lịch sự và tôn trọng trí thức bằng cách gọi bác Tường là ngài. Hồ Chủ tịch nói: “Ngài biết đấy, trong tình hình hiện nay, chúng ta buộc phải ký Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946. Thực dân Pháp đã kề dao vào cổ họng chúng ta. Nếu chúng ta từ chối việc quân đội Pháp vào Hà Nội và một số nơi khác ở miền Bắc thì chúng sẽ gây hấn. Khi đó, lực lượng của chúng ta còn yếu, sẽ bị đè bẹp ngay. Sớm hay muộn thì xung đột cũng sẽ xảy ra. Nhưng nếu xảy ra muộn thì chúng ta còn đủ thời gian chuẩn bị, có thể chống cự lại với sự thiệt hại thấp nhất và nhận được sự may mắn tối đa. Vì vậy, cần có vài nhượng bộ. Vấn đề hiện nay là cần cái khung của hiệp định chính thức, cần xây dựng đề án có lợi cho chúng ta để bảo vệ trước tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Tôi tin tưởng và giao trách nhiệm cho Ngài làm việc này”. Từ lần gặp riêng này, bác Tường đã soạn thảo khung hiệp định theo ý định của Hồ Chủ Tịch và sau đó tham gia là một thành viên của phái đoàn Chính phủ ta tại Hội nghị trù bị Đà Lạt với tư cách Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, ủy viên các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế tài chính. Và chính nhà luật gia uyên thâm Nguyễn Mạnh Tường đã đưa ra câu khẳng định bất hủ về chủ quyền miền Nam trong Tổ quốc Việt Nam: “Nam Bộ là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi, không một thế lực nào dù là của trời đất hay con người có thể cướp đi được đứa con của người mẹ…”.

     Câu chuyện càng sôi nổi khi bác Tường nhắc đến những ngày tham gia kháng chiến với tư cách luật sư bào chữa cho nhiều vụ án tại các Tòa án Quân sự, Tòa án Nhân dân, Tòa án trong cải cách ruộng đất theo yêu cầu của Nhà nước. Cũng trong kháng chiến, bác Tường còn tham gia giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa (tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội hôm nay). Bác còn được cử đi dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình Châu Á - Thái Bình Dương tại Bắc Kinh và sau đó là Hội nghị Nhân dân thế giới Bảo vệ Hòa bình tại Vienna (Áo). Ở đó, bác đã gặp và trao đổi nhiều vấn đề với J.P.Sartre - nhà triết học, nhà văn Pháp thuộc chủ nghĩa Hiện sinh.

    Bác Tường kể về những ngày đầu giải phóng Thủ đô được giao trách nhiệm tiếp quản Khoa Luật - Đại học Hà Nội, tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trở lại Bruxelles (Bỉ) dự Hội nghị Luật gia dân chủ Quốc tế năm 1956. Trước đó, bác Tường còn được giao nhiệm vụ bay vào Sài Gòn để bào chữa cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Giáo sư Phạm Huy Thông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ và đưa ra xét xử. Nhưng việc không thành vì chính quyền Sài Gòn không cấp VISA nhập cảnh cho bác. Vụ đó, sau khi xét xử, chính quyền Sài Gòn đưa giáo sư Phạm Huy Thông ra Hải Phòng (lúc đó đang còn là vùng 300 ngày) quản chế. Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức đưa giáo sư Phạm Huy Thông ra An Dương rồi lên Hà Nội. Còn luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị đưa ra Phú Yên. Khu ủy khu V và tỉnh ủy Phú Yên phải mất ba lần mới tổ chức cho luật sư vượt ngục thành công.

Câu chuyện bỗng trầm lắng khi bác Tường nói tới bài phát biểu của mình về những sai lầm trong cải cách ruộng đất tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 30.10.1956. Bản tham luận quá thẳng thắn vào một thời điểm không phải sự thật nào cũng có thể được làm sáng tỏ. Không một nhà giáo điều chủ nghĩa nào chịu đựng bác Tường vạch ra “các nguyên nhân sai lầm”. Bác đau lòng viết: “Tâm hồn quần chúng chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng, cái gì bó buộc mình cũng đồng thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền, thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy, quần chúng hoang mang khi cái gì hôm qua còn được làm, ngày mai do sự độc đoán của nhà cầm quyền, có thể bị coi là phi pháp. Tuy trong bản tham luận, bác có đưa ra “phương hướng sửa chữa các sai lầm” thì bài phát biểu vẫn là một sự thật không thể chịu đựng được ở thời ấy. Và rồi mặc dù bác Tường đã có bài tự đánh giá bản thân, nhận là đã phạm sai lầm, đã mất lập trường, đã mất cảnh giác, bác vẫn phải thôi dạy học theo quyết định số 509/QĐ ngày 27.7.1958 của Bộ Giáo dục. Một thời kỳ khó khăn gian khổ đã ập đến với vị trí thức hai bằng tiến sĩ Pháp và một nhân cách Việt. Lúc đó, chính âm nhạc đã cứu sống bác. Bác kể rằng bác nghe W.A.Mozart khi tâm trạng vùng vẫy trong niềm vui sảng khoái, nghe M.Ravel trong những khoảnh khắc đắm chìm giữa nỗi buồn sâu lắng, và nếu có lúc sự ghê tởm trong thế giới hiện đại lấn vào tâm trạng thì bác lại nghe C.Saint Saen. Nhưng bản nhạc mà bác thường nghe hơn cả cũng giống như bác Nguyễn Văn Huyên là bản giao hưởng số 5 Định mệnh của L.V.BEetthoven. Cũng vẫn là âm nhạc của “Người điên khổng lồ” này khi cảm thấy bị tước đoạt lòng say mê cuộc sống và hứng thú sáng tạo thì hãy lấy Apasionata ra nghe. Một nỗi cô độc xâm chiếm từng ngày lạnh lẽo. Từ tháng 9.1958, bác Tường được phân công tham gia lao động xã hội chủ nghĩa tại Công đoàn Tòa án Nhân dân Hà Nội. Mãi tới tháng 3.1960, bác Tường mới được gọi về làm việc tại văn phòng Bộ Giáo dục theo quyết định số 132/QĐ ngày 17.3.1960 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên - người bạn thân thiết của bác Tường. Từ tháng 7.1963 đến 10.1965, bác Tường về làm việc tại Nhà xuất bản Giáo Dục. Và từ 10.1965 đến tháng 8.1970, bác về làm việc tại Viện nghiên cứu phương pháp và chương trình giảng dạy (nay là Viện Khoa học Giáo dục). Bác Tường về hưu từ Viện này vào tháng 12.1970. Nếu thời kỳ đi lao động xã hội chủ nghĩa, bác Tường vừa lao động vừa chụp ảnh nghệ thuật những danh lam thắng cảnh và các khu lao động, có bức được giải thưởng tại nước ngoài thì thời kỳ về hưu lại là thời kỳ bác nghiên cứu các công trình về giáo dục và văn học Châu Âu. Vậy là sau luận án tiến sĩ luật khoa “Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam. Tổng luận về luật nhà Lê” và luận án tiến sĩ văn chương “Về giá trị diễn kịch và kịch bản của Alfred de Musset” bác Tường đã xuất bản được nhiều tác phẩm có giá trị như “Nụ cười và giọt lệ của tuổi thanh niên” (1973), “Nền đá tảng Pháp và Học tập gì ở các nước Địa Trung Hải” (1939), “Cuộc du hành và tình nghĩa” (1940), “Một cuộc hành trình” (1956), “Lý luận giáo dục Châu Âu từ Erat tới Rút-xô” (1994). Sau cuộc nói chuyện tâm tình giữa tôi và bác, bác Tường còn xuất bản thêm các tác phẩm “Etsin và bi kịch cổ đại”, “Viếc-gin - nhà thơ vĩ đại thời La Mã cổ” và “Orestia - Ba vở kịch cổ đại Hy Lạp” vào năm 1996, trước khi bác từ trần một năm, thọ 88 tuổi vào tháng 6.1997.

Cũng trong câu chuyện mùa xuân 1994 với tôi, bác Tường nói bằng cái giọng thật vang âm: “Từ năm 1958 đến bây giờ, trong gần bốn mươi năm của cuộc đời, tôi đã trải qua những thử thách tệ hại nhất của một trí thức chân chính, của một con người đúng nghĩa. Ấy vậy mà chính những năm tháng ấy lại là những năm tháng rực rỡ nhất mà tôi được hưởng. Tôi hớn hở vui sướng đã chiến thắng những rủi ro bất hạnh chắn ngang đường đời, đã vượt qua để vẫn hoạt động phục vụ nhân dân. Khi tôi sang Pháp năm 1989 sau tròn một vận hội, bên cạnh việc ông hiệu trưởng trường Đại học Paris VII nhiệt liệt chào đón tôi như một kỷ lục mà suốt 60 năm không một sinh viên Pháp hoặc sinh viên quốc tế nào phá được - kỷ lục đoạt 2 bằng tiến sĩ ở tuổi 22, có người cứ ngỡ tên tôi đã bị lãng quên. Tôi đã nói với họ rằng tôi là ngọn cỏ dại. Người ta có thể dẫm bước lên trên, dập vùi nó xuống, nhưng chỉ cần một giọt sương ban mai, một hạt mưa rơi hoặc một giọt lệ thì ngọn cỏ ấy lại vụt đứng lên mà nở nụ cười đón ánh sáng chói chang”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét